Ý nghĩa của Capitulum trong các Dòng tu

0
1375

Phan Tấn Thành

I. Từ ngữ: Capitulum

II. Phân loại

A. Capitulum canonicorum

B. Capitulum trong các dòng tu:

1) Đan viện / Tu viện: phụng vụ; thú lỗi; bàn việc

2) Tỉnh dòng / miền dòng

3) Toàn dòng

III. Ý nghĩa

————

Kính thưa anh em,

Nhiều anh em đang bận rộn chuẩn bị Tổng hội sắp khai giảng vào tháng tới, rồi sau đó không lâu lại phải lo chuẩn bị Tỉnh hội[1]. Để giúp cho thần kinh đỡ căng thẳng, xin gửi đến anh em vài “thông tin” liên quan đến các Capitulum trong đời tu: Capitulum là gì? Có bao nhiêu loại capitulum? Nguồn gốc và mục tiêu của các capitulum là gì?

I. Từ ngữ

Để mở màn, xin phép lưu ý về từ ngữ. Nếu ai nhờ Google dịch General chapter thì chắc sẽ được kết quả là “Chương tổng quát”. Chúng ta đừng vội cười, bởi vì nếu chúng ta hỏi Google “Tổng hội là gì?”, thì sẽ nhận được câu trả lời như sau: “Tổng hội là tổ chức gồm nhiều hội thuộc một ngành hoạt động”. Nếu “search” tiếp, thì sẽ phát giác nhiều điều bất ngờ: Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Tổng hội Địa chất Việt Nam, Tổng hội sinh viên, … (Ở Huế, có “caphê Tổng Hội” tại địa chỉ 44 Trương Định, Vĩnh Kính). Trong phạm vi tôn giáo, chúng ta có: Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Tổng Hội Hội thánh Tin Lành miền Bắc …

Mặt khác, chúng ta cũng sẽ ngớ ngẩn không kém nếu dịch capitulum canonicorum trong bộ giáo luật (can.503-510) là “tổng hội các kinh sĩ”! Thật ra capitulum mang nhiều nghĩa, và vì thế phải tùy theo mạch văn mà dịch. Theo bản dịch của Hội đồng giám mục Việt nam, capitulum canonicorum là “hội kinh sĩ”, còn capitulum trong các dòng tu là “công nghị”. Ngoài ra, capitulum là danh từ; còn tính từ capitularis được áp dụng cho các thành viên tham dự capitulum (chẳng hạn patres / fratres capitulares). Khi dịch sang các ngôn ngữ khác, capitulum trở thành chapitre (Pháp), chapter (Anh), nhưng tính từ hầu như vẫn giữ nguyên gốc (capitulaire / capitular).

II. Phân loại

Chúng ta chỉ giới hạn việc nghiên cứu vào lãnh vực giáo luật. Trước hết phải phân biệt hai loại capitulum: a) các canonici và b) các dòng tu. Đối với các canonici, capitulum là một thực thể trường trực (gọi là “cộng đoàn” hay “tập đoàn” cũng được); còn đối với các dòng tu, capitulum là một thực thể ngoại thường (có lẽ gọi là “buổi họp” thì hợp hơn).

A. Capitulum canonicorum

Trong khi các đan sĩ họp nhau lại thành monasterium, các tu sĩ họp thành conventus, thì các kinh sĩ họp nhau thành capitulum. Đây là một cơ quan gồm những giáo sĩ ưu tú của giáo phận, được tuyển chọn làm ban cố vấn của giám mục. Ngoài những trách vụ khác, họ phải đảm nhiệm việc hát kinh nguyện tại nhà thờ chánh tòa, vì thế mà dịch là “kinh sĩ”, đang khi mà theo nguyên gốc của các thế kỷ đầu tiên, từ canonicus ám chỉ những người được “đăng ký” phục vụ tại một nhà thờ nào đó. Nên biết là ngoài các giáo sĩ, cũng có các “trinh nữ” được đăng ký và trở thành virgines canonicae! Về sau (thế kỷ VIII), từ “canonicus” được dành cho các giáo sĩ chấp nhận sống chung với nhau theo một bản luật (canon = regula). Họ sống gần giám mục, làm cố vấn cho giám mục. Tuy rằng cộng đoàn các giáo sĩ sống chung với giám mục đã có từ lâu (chẳng hạn như thời thánh Augustino), nhưng họ được gọi là capitulum từ thế kỷ X, có lẽ do ảnh hưởng của các đan sĩ, như sẽ thấy dưới đây; một danh từ tương đương quen gặp là collegium. Vai trò của capitulum canonicorum trở nên quan trọng khi tòa giám mục trống ngôi: chính các canonici sẽ bầu tân giám mục.

Dù sao, các capitulum này thịnh hành ở châu Âu (và vài giáo hội Anh giáo vẫn tiếp tục duy trì). Đến khi Giáo hội được mở sang các lục địa khác, vì số linh mục ít nên được phân bổ về các giáo xứ hơn là tụ tập ở tòa giám mục. Không lạ gì mà các capitulum này không còn chỗ đứng quan trọng trong bộ giáo luật 1983. Vai trò tư vấn giám mục được chuyển sang Hội đồng tư vấn giáo phận (x. đ.502). Vì thế chúng tôi không muốn dài dòng về định chế này.

B. Capitulum trong các dòng tu

Ngày nay trong các dòng lớn, người ta phân biệt ba cấp capitulum: a) generale (toàn dòng); b) provinciale (cấp tỉnh hay miền); c) conventuale (tu viện). Tuy nhiên, xét theo lịch sử thì phải đi từ dưới lên: các capitulum thành hình từ các đan viện (biệt lập), rồi dần ở cấp miền (các đan viện sống gần nhau trong một vùng), và cuối cùng là cấp Dòng (kể từ khi xuất hiện những hình thức liên hiệp).

1/ Capitulum đan viện hay tu viện

Theo các sử gia, sở dĩ buổi hội của các đan sĩ được gọi là capitulum bởi vì họ quen họp nhau hằng ngày để nghe đọc luật dòng. Sau khi nghe đọc một chương (capitulum, chapitre, chapter) của bản luật, viện phụ sẽ dừng lại để chú giải. Kế đó, các đan sĩ sẽ thảo luận về những sinh hoạt trong cộng đoàn: kiểm điểm những lầm lỗi, phân phối công tác, thâu nhận thành viên. Theo dòng thời gian, người ta phân biệt 3 loại capitulum: phụng vụ, sửa lỗi, thảo luận. Thực ra, sự phân biệt này chú trọng đến điểm nhấn mà thôi, chứ không nhất thiết tách rời nhau.

a) Capitulum phụng vụ

Các đan sĩ tập trung lại phòng hội. Người ta đọc một chương của bản luật. Viện phụ giải thích bản luật. Kế đó, người ta đọc Tử-đạo-thư (martyrologium), nghĩa là nhắc đến các thánh sẽ được kính nhớ ngày hôm sau. Cuối cùng là nhắc nhớ các thành viên đã qua đời (gồm các viện phụ, các đan sĩ cũng như các ân nhân, và những người cầu nguyện). Phiên hội kết thúc với những lời nguyện.

b) Capitulum kiểm thảo

Quen được gọi là “hội thú lỗi” (capitulum culparum), thường diễn ra mỗi tuần một hay hai lần, thường là trong buổi họp phụng vụ vừa nói trên (sau bài giảng của viện phụ). Các đan sĩ xưng thú những lỗi của mình và xin lãnh nhận việc đền tội.

Trải qua thời gian (từ luật thánh Pacomiô cho đến dòng Xitô), các đan viện đã kiện toàn thủ tục kiểm thảo, thường gồm hai chặng: “cáo mình” và “tố cáo”.

Đan sĩ phủ phục trước mặt bề trên, và xưng thú những lỗi của mình, nghĩa là các vi phạm lề luật ở bên ngoài (không đụng đến các tội trong lương tâm hoặc những lỗi thầm kín). Các lỗi được chia ra nhiều cấp bậc, và hình phạt cũng có nhiều cấp tương ứng, chẳng hạn dòng Prémontrés phân ra 5 cấp bậc:

– Lỗi nhẹ: chậm trễ khi đến các việc chung (đọc kinh, ăn cơm); đọc hoặc hát sai trong cung nguyện; lỗi luật thinh lặng, vv.

– Lỗi trung bình: không tham dự buổi hội long trọng lễ Truyền tin và lễ Giáng sinh; cười đùa dang lúc đọc kinh thần vụ; bỏ không tham dự một giờ kinh phụng vụ; không chu toàn chức vụ đã được ủy thác, vv.

– Lỗi nặng: làm chứng gian; gieo rắc bất hòa trong cộng đoàn; thường xuyên vi phạm sự thinh lặng; hăm dọa kẻ đã tố cáo mình, vv.

– Lỗi nặng hơn: không tuân phục bề trên trong vấn đề nghiêm trọng; hành hung một đan sĩ khác; trộm cắp.

– Lỗi rất nặng: ngoan cố không chịu sửa lỗi; không chịu sửa mình sau nhiều lần được cảnh cáo.

Các hình phạt thay đổi tùy theo mức độ trầm trọng của lỗi. Nếu là lỗi nhẹ, việc đền tội là đọc vài kinh (chẳng hạn đọc một thánh vịnh). Các hình phạt dành cho các lỗi nặng có thể đi từ chỗ không được tham dự bữa ăn, cho đến việc trục xuất ra khỏi cộng đoàn. Ngoài ra chúng ta cũng biết là các đan viện cũng có nhà giam (có thế mới hiểu được truyện thánh Gioan Thánh giá vượt ngục: “chữ tù cùng với chữ tu một vần”).

Luật của nhiều dòng cũng dự trù việc tố cáo lỗi của người khác (gọi là proclamatio) nếu đương sự không chịu xưng thú. Dĩ nhiên là chỉ được phép tố giác các lỗi phạm công khai, và có bằng cớ (chứ không chỉ nghe đồn). Mặt phải của nó là thực hành điều răn sửa bảo huynh đệ (correctio fraterna), nhưng mặt trái của nó là dễ gây ra hiềm khích. Vì vậy mà nhiều nơi đã bỏ việc tố cáo trong buổi hội; nếu ai biết anh em có lỗi thì trình cho bề trên.

c) Capitulum bàn việc

Chỉ những ai đã khấn trọng mới được tham dự các cuộc họp này, để thảo luận những vấn đề liên quan đến đời sống cộng đoàn, trong đó có việc bầu cử các chức vụ và chấp nhận các thành viên mới. Lúc đầu, capitulum cùng ra quyết định với viện phụ; nhưng dần dần, các biên bản tách ra hai chủ thể: “viện phụ và capitulum quyết định”, mỗi bên có dấu triện riêng. Thời nay, hầu như capitulum chỉ giữ vai trò tư vấn cho bề trên.

Trong dòng Đaminh, hình thức capitulum phụng vụ và thú lỗi vẫn còn được duy trì cho đến công đồng Vaticanô II, và được tách khỏi hình thức bàn việc. Vai trò của hình thức thứ ba nổi bật với việc bầu tu viện trưởng và bỏ phiếu chấp thuận cho một ứng viên mặc áo và khấn dòng. Sau công đồng Vaticano II, hiến pháp đã tăng thêm nhiều quyền hạn cho capitulum conventuale (xem SHC các số 308-313)[2].

Hơn thế nữa, nên ghi nhận tầm quan trọng của aula capitularis. Đây là một địa điểm trang nghiêm không kém cung nguyện, bởi vì là nơi diễn ra các lễ nghi mặc áo, khấn dòng, bầu cử. Các vị thượng khách cũng được đón tiếp tại đây[3].

2/ Capitulum miền hoặc tỉnh dòng

Cơ cấu mỗi đan viện là tự lập, vì thế không có thẩm quyền nào cao hơn đan viện (đừng kể giám mục sở tại). Bên Đông phương, những đan viện thuộc thánh Pacomiô (+350) quen họp nhau hằng năm để tường trình về công việc quản trị. Bên Tây phương, thánh Biển đức không du nhập định chế này. Việc gom các đan viện lân cận thành một “tỉnh” là do giáo luật đặt ra từ công đồng Latêranô IV (năm 1215), thiết lập những cơ cấu “kinh lý” giữa các đan viện, lấy từ kinh nghiệm của dòng Cluny.

Với sự thành lập các dòng hành khất, capitulum miền cũng có nhiều chức năng giống như các đan tu (chẳng hạn kinh lý các tu viện, kiểm soát việc thi hành kỷ luật). Nhưng nó không có thẩm quyền lập pháp. Về cách tổ chức tỉnh hội trong Dòng Đaminh, xin xem “Tỉnh dòng và tỉnh hội”, chương 13 trong Tìm hiểu Dòng Đa Minh (Học viện Đa Minh, 2016), trang 186-202[4]. Nên biết là trong dòng Đaminh, các tỉnh hội bầu các giám tỉnh (và cần được tổng quyền phê chuẩn), nhưng ở nhiều dòng (bắt chước Dòng Tên), các giám tỉnh do tổng quyền bổ nhiệm[5].

3/ Capitulum toàn dòng

Các buổi họp cấp dòng ra đời muộn hơn, nghĩa là từ khi có khái niệm về “Dòng” (Ordo). Thực vậy, tự bản chất, các đan viện có nếp sống tự trị. Cơ cấu liên minh các đan viện ra đời muộn hơn, và cơ quan đầu não lại càng muộn hơn nữa.

Với cuộc cải tổ dòng Cluny (thế kỷ X), người ta thấy xuất hiện vai trò của tổng viện phụ (abbas generalis). Vị này có thẩm quyền trên các viện phụ khác, ví được như abbas pater đối với abbas filius. Còn định chế capitulum generale, xét như là hội nghị các viện phụ tham gia vào việc quản trị, thì chỉ xuất hiện với dòng Xitô năm 1119 với Carta caritatis. Bên cạnh việc thảo luận về các đường hướng tu trì, hội nghị còn đưa ra những biện pháp sửa chữa những lệch lạc, qua việc cử các vị kinh lý. Định chế này được ĐTC Calixtus II phê chuẩn và tán thưởng. Định chế capitulum generale dần dần cũng được du nhập vào dòng Premonstrés (1126) và Cluny (1231), tuy với những cách thức tổ chức khác nhau như sẽ thấy dưới đây.

III. Ý nghĩa của capitulum

Nếu chỉ dừng lại ở từ ngữ, thì capitulum chẳng nói lên điều gì hết. Bộ giáo luật Đông phương dùng từ synaxis, mang ý nghĩa súc tích hơn. Dù sao, đàng sau các từ ngữ, còn có những chuyện quan trọng hơn. Có thể hai dòng đều đặt tên cho buổi họp là capitulum, nhưng mỗi dòng lại có một quan niệm riêng về bản chất của nó.

Vào thế kỷ XIII, Dòng Anh em Giảng thuyết và Anh em Hèn mọn được thành lập. Khác với các dòng đan viện khởi đi từ đơn vị địa phương rồi liên minh với nhau thành Ordo, hai dòng hành khất khởi đi từ Ordo rồi sau đó thành lập các conventus; các conventus được gom lại thành provincia. Các dòng này ra đời vào lúc xã hội Tây phương bắt đầu chuyển mình, với sự xuất hiện các công xã tự trị, các hiệp hội nghề nghiệp. Não trạng “dân chủ” cũng thay thế não trạng “gia trưởng” của xã hội nông nghiệp. Vì thế các capitulum trong các dòng mới cũng thay đổi.

Thánh Đa Minh đã gây ra một cuộc “cách mạng” lớn lao trong đời tu đối với việc thi hành quyền bính. Khi sang Rôma xin thiết lập dòng mới (năm 1215), cha được Đức thánh cha Innocentê III khuyên hãy họp với anh em để chọn một bản luật cổ và thêm vài quy chế, bởi vì công đồng Lateranô IV vừa quyết định ngăn cấm không cho thiết lập dòng mới. Cha Đa Minh trở về Toulouse họp với anh em, chọn luật thánh Augustinô kèm theo một số tập tục của các dòng cổ điển. Như vậy là cha không tự ý quyết định một mình[6].

Năm 1220, cha Đa Minh triệu tập capitulum generale (viết tắt: CG) đầu tiên của Dòng ở Bologna. Cha muốn cho capitulum cử ra các diffinitores, với thẩm quyền không những ban hành luật pháp mà thậm chỉ còn bãi chức tổng quyền. Đây là một quan điểm quá táo bạo. CG trở thành cơ quan cai trị cao cấp nhất của Dòng, có quyền hành ở trên tổng quyền. Song song với quan điểm mới về vai trò của CG (cơ quan lập pháp và hành pháp tối cao, chứ không phải là cố vấn của bề trên), một cuộc cách mạng khác không kém quan trọng là thành phần tham dự. Trong các dòng cổ, thành phần của CG là các viện phụ; còn trong dòng Đa Minh, còn thêm “đại biểu của nhân dân” nữa (gọi là các diffinitores), theo thứ tự luân phiên: một khóa họp các giám tỉnh, được tiếp nối với hai khóa họp các đại biểu. Để một quyết nghị trở thành hiến pháp cần phải có sự chấp thuận của 3 CG liên tiếp, nghĩa là (nói theo ngôn ngữ thời nay): 2 lần phê chuẩn của “hạ viện” và 1 lần phê chuẩn của “thượng viện”.

Trong các thế kỷ đầu tiên, các CG họp hằng năm, (vào ngày thứ hai sau lễ Hiện Xuống), đang khi dòng Phan-sinh 3 năm mới họp một lần. Vào thời ấy, bề trên tổng quyền không có nhiệm kỳ, nhưng có thể từ chức hoặc bị bãi chức. Từ năm 1368, nhịp độ các khóa họp tăng lên hai năm, và qua năm 1553, tăng lên 3 năm (được Giáo hoàng Julius II chấp thuận); năm 1635 Giáo hoàng Urbano VIII cho giãn ra 6 năm, nhưng đến năm 1679, giáo hoàng Innocentê XI truyền trở lại 3 năm, và điều này vẫn còn hiệu lực cho đến nay. Duy có điều là đức Piô IX ấn định nhiệm kỳ tổng quyền là 12 năm (chứ không vô hạn như trước). Vì thế thứ tự các khóa họp sẽ là: a) bầu cử (giám tỉnh và đại biểu họp chung); b) đại biểu; c) giám tỉnh; d) đại biểu. Năm 1974, nhiệm kỳ tổng quyền giảm xuống còn 9 năm, và thứ tự xếp lại như sau: a) bầu cử (giám tỉnh và đại biểu họp chung); b) đại biểu; c) giám tỉnh.

Để thấy rõ nét đặc sắc của dòng, ta có thể đối chiếu với các dòng thiết lập vào thời cận đại.

– Dòng Tên chỉ còn tổng hội (gọi là congregatio generalis) được triệu tập khi nào cần bầu tổng quyền.

– Các dòng tu với lời khấn đơn (được thành lập do sắc lệnh bộ tu sĩ năm 1901) còn phân biệt hai loại CG: a) bầu cử; b) bàn việc. CG “bầu cử” thì bắt buộc phải có; còn CG “bàn việc” thì để tùy luật riêng.

– Bộ giáo luật 1917 chỉ dành cho CG một canon (đ.501) khi bàn đến quyền cai trị trong các dòng tu chứ không đi sâu vào bản chất của nó.

– Sau công đồng Vaticanô II, ĐTC Phaolô VI đã trao cho các CG nhiệm vụ quan trọng là canh tân Hội dòng qua việc duyệt lại hiến pháp và quy chế (Motu proprio Ecclesiae sanctae II,3 ). Các CG là nhân tố rất quan trọng để thích nghi đặc sủng của Dòng vào những hoàn cảnh thời đại.

– Theo chiều hướng này, bộ giáo luật 1983 đã dành nhiều canon hơn cho các CG (đ.631-633), đặc biệt là trong việc soạn thảo hiến pháp. Một điều mà các giám mục không thể hiểu được là thẩm quyền tối cao trong dòng thuộc về CG chứ không phải là tổng quyền[7]. Bộ giáo luật cũng dự trù những capitulum ở cấp độ thấp hơn, sẽ được quy định trong luật riêng. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy rằng các CG chỉ được triệu tập khi phải bầu cử các bề trên, chứ không có các CG thuần túy bàn thảo công việc.

– Về việc tham gia của các thành viên, chúng ta thấy rằng ở cấp địa phương, tất cả các thành viên đều tham dự, còn ở cấp tỉnh dòng và toàn dòng thì qua các đại biểu. Tuy nhiên, ở nhiều dòng, người ta cho phép tất cả các thành viên trong tỉnh dòng được bỏ phiếu vòng ngoài trong việc bầu giám tỉnh (nghĩa là mang tính tham khảo, còn phiếu quyết định thì thuộc về vòng trong, nghĩa là các đại biểu). Thủ tục này cũng được áp dụng cho việc bầu cử bề trên tổng quyền nếu là hội dòng nhỏ (chừng 400 người trở xuống).

– Một sự phân biệt mà nhiều dòng không để ý là thẩm quyền của các cấp capitulum. CG là thẩm quyền tối cao của Dòng (ở trên tổng quyền). Xuống cấp tỉnh thì capitulum không có thẩm quyền tương tự như vậy nữa. Dù sao, điều này cũng còn tùy thuộc quy định của mỗi dòng, và không ai được phép quên rằng trên capitum provinciale còn có Bề trên tổng quyền. Xuống đến cấp tu viện, thì không thể nào nói là capitulum ở trên tu viện trưởng nữa! Vị này triệu tập và chủ tọa capitulum.

 Kết luận

Như đã nói ở đầu, bài viết này nhằm giúp cho anh em thư giãn thần kinh giữa lúc đang bận rộn với việc chuẩn bị cho tổng hội và tỉnh hội. Nó cũng có thể cung cấp dữ liệu để những anh em nào phải đi giúp các dòng khác tổ chức tổng hội.

Để kết thúc, tôi xin “khiêm tốn” đưa ra một nhận xét. Mỗi lần trình bày “linh đạo” của Dòng Đa Minh, người ta thường chỉ dừng lại ở phần thứ nhất của sách Hiến pháp (mang tựa đề “Đời sống Anh em”). Nhưng cha Malachy O’Dwyer đã lưu ý rằng Sách Hiến Pháp gồm 619 điều: phần thứ nhất gồm 283 điều, còn phần thứ hai gồm 368 điều[8]. Như vậy là phần quản trị dòng chiếm 3/5 quyển sách (không kể những điều quy định về việc thâu nhận anh em trong phần một), và điều này phải được coi là một “đặc sủng” của dòng. Nhà xã-hội-học có thể khám phá quan niệm “dân chủ” về nguồn gốc quyền bính trong Dòng: quyền bính từ dưới đi lên (anh em bầu tu viện trưởng, các tu viện trưởng bầu giám tỉnh, các giám tỉnh bầu tổng quyền), chứ không phải từ trên đi xuống (mọi quyền bính đã được Chúa Cha trao cho Chúa Giêsu, Chúa Giêsu trao cho giáo hoàng, giáo hoàng trao cho tổng quyền, tổng quyền trao cho giám tỉnh, giám tỉnh trao cho tu viện trưởng).

Quan trọng hơn nữa là khía cạnh thần học. Capitulum trong dòng Đa Minh không chỉ là nơi bề trên huấn đức, nhưng nhất là nơi anh em cùng nhau tìm kiếm ý Chúa. Nó đòi hỏi ý thức tham gia[9], cũng như đối thoại, biết lắng nghe nhau, vì tin rằng Thánh Linh có thể nói qua mỗi người anh em. Các tổng quyền gần đây đã viết thư chung cho dòng để nói về “linh đạo quản trị”. Tiếc rằng, các tập sinh và sinh viên chỉ học ba lời khấn dòng, chứ không được ai dạy dỗ về linh đạo quản trị!

Chúng ta có thể đọc lại các thư ấy ngay cả vào dịp tĩnh tâm, để tái khám phá linh đạo của Dòng, được đăng trong tập sách Can đảm hướng tới tương lai, (Học viện Đaminh 2017):

1) Vincent de Couesnongle, Việc quản trị của Anh em Giảng thuyết (1977) trang 81-85.

2) Timothy Radcliffe, Tự do theo tinh thần Đaminh và trách nhiệm (1997) trang 377-418).

3) Carlos Aspiroz Costa, Tất cả anh em đều là anh em với nhau (2009) trang 737-768.

4) Bruno Cadoré, Thánh Đaminh: quản trị, linh đạo và tự do (2015), trang 847-861.

5) Id., Từ đề xuất của dòng đến các dự phóng đời sống tông đồ tu viện (2015), trang 862-887.

—————————————

[1] Tỉnh hội sẽ khai mạc ngày 9/12 tại tu viện thánh Martinô Hố Nai. Năm nay có một kỷ niệm đáng nhớ. Cách đây 20 năm tỉnh hội họp tại tu viện này (từ 23/5 đến 5/6/1999) đã quyết định sát nhập phụ tỉnh Lyon (Pháp) vào tỉnh dòng.

[2] Trong việc quản trị tu viện, chúng ta thấy có ba “yếu tố”: tu viện trưởng, ban cố vấn, capitulum. Tu viện trưởng là một “định chế” thường trực, còn hai yếu tố kia mang tính định kỳ. Sau Vaticanô II, một vài dòng định làm cách mạng, chuyển tất cả quyền bính từ tu viện trưởng sang capitulum, nghĩa là quyền bính được thường xuyên hành sử cách tập đoàn (collegialiter). Nhưng Bộ Tu sĩ đã bác bỏ quan niệm này.

[3] Thời xưa, khi cất tu viện phải dự trù vị trí dành cho thư viện và aula capitularis. Ngày nay, nhiều tu viện có phòng TV và quán càphê nhưng lại không có thư viện và phòng họp.

[4] Ai muốn tìm hiểu sâu hơn, xin đọc luận án tiến sĩ giáo luật của Carlos Aspiroz Costa, El capitulo provincial en el libro de las Constituciones y Ordenaciones de la Orden de los Frailes Predicadores. Estudio comparado con las Constituciones de 1932, PUST Roma 1992.

[5] X. Robert Geisinger, Religious Auhtority in the Society of Jesus, in: Angelicum 85 (2008) 965-1023.

[6] X. Martino Antaloczy, Il capitolo generale nell’Ordine dei Predicatori agli inizi e oggi. Comparazione storico-giuridico. PUST Roma 1997.

[7] Cơ cấu của Giáo hội là “monarchicus” (một nguyên ủy); do đó thẩm quyền tối cao trong Giáo hội là Giáo hoàng chứ không phải là công đồng (tập đoàn giám mục).

[8] Malachy O’Dwyer, Pursuing Communion in Government, http://www.op.org/en/content/reclaiming-dominican-vision-21st-century

[9] Tư tưởng này đã có trong cổ luật Roma, được lặp lại trong bộ giáo luật điều 119, 3*: “Quod omnes tangit ab omnibus tractari debet” (Điều gì liên quan đến mọi người thì cần phải được mọi người bàn thảo) .

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here