Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
(Thời sự thần học số 54, tháng 11-2011, trang 90-95)
Từ sau công đồng Vaticanô II, chúng ta thấy xuất hiện một cơ quan trực thuộc Toà thánh tuy không nằm trong Huấn quyền, đó là “Uỷ ban thần học quốc tế” (Commission Théologique Internationale – International Theological Commission), do Hồng Y Tổng trưởng bộ Giáo lý đức tin làm chủ tịch, nhưng ngài không ký tên khi phát hành văn kiện, bởi vì Uỷ ban thần học quốc tế (viết tắt: UTQ) không phải là tiếng nói của Huấn quyền. Tuy nhiên, chúng đáng được lưu ý, một đàng bởi vì là công trình của nhiều nhà thần học nổi tiếng; đàng khác, bởi vì ý kiến của Uỷ ban được nhìn nhận như là phù hợp với đạo lý Hội thánh.
Trong bài này chúng tôi xin giới thiệu: 1/ lịch sử; 2/ tựa đề các văn kiện; 3/ hướng đi.
I. Lịch sử
Ý tưởng thiết lập Uỷ ban thần học quốc tế nảy lên trong Thượng hội đồng giám mục năm 1967. Vài nghị phụ ước mong cho các nhà thần học đã được mời làm “chuyên viên” công đồng, tiếp tục hợp tác với hàng giám mục trong nhiệm vụ giáo huấn. Đức thánh cha Phaolô VI đã đón nhận ý nguyện đó, và quyết định thành lập Uỷ ban thần học quốc tế vào ngày 11/4/1969, với nhiệm vụ là nghiên cứu những vấn đề mới và tìm những phương thức mới để trình bày đạo lý của Hội thánh. Danh sách 30 thành viên được công bố ngày 1/5/1969, trong đó nhiều người nổi tiếng như: Hans Urs von Balthasar, Louis Bouyer, Yves Congar, Henri de Lubac, Bernard Lonergan, Karl Rahner, Joseph Ratzinger, Cipriano Vagaggini.
Uỷ ban do Hồng y Tổng trưởng bộ Giáo lý đức tin làm chủ tịch, nhưng có sinh hoạt tự lập dưới sự điều hành của vị Tổng thư ký (do Đức Thánh Cha bổ nhiệm).
Phiên họp đầu tiên được triệu tập tại Rôma từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 10 cùng năm, dưới sự chủ toạ của Hồng y Franjo Seper. Vào dịp này, Uỷ ban đã thảo luận về phương pháp làm việc… Có ấn bản coi đây như là văn kiện đầu tiên của Uỷ ban, nhưng phần lớn các tuyển tập không kể trong danh mục.
Các thành viên được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, và có thể được tái bổ nhiệm. Trên thực tế, chúng ta thấy giáo sư Joseph Ratzinger làm thành viên ngay từ khóa đầu (1969-1974) và tiếp tục làm việc cho đến khi được thăng làm Tổng trưởng Bộ giáo lý (năm 1981). Hầu hết các thành viên là linh mục. Từ hai nhiệm kỳ gần đây mới có sự hiện diện của phụ nữ.
Uỷ ban họp mỗi năm một lần tại Rôma. Giữa hai kỳ họp, mỗi thành viên làm việc cá nhân hoặc với tiểu ban. Uỷ ban biểu quyết các kết luận bằng hai cách: “in forma specifica” (chấp thuận toàn bộ văn kiện, với tất cả các chi tiết); “in forma generica” (chấp thuận tổng quát, chứ không vào chi tiết). Trước khi công bố, các kết luận được trình lên Đức Thánh Cha để ngài duyệt xét1.
II. Các văn kiện
Tuy rằng UTQ mỗi năm họp một lần, sau khi đã nghiên cứu vấn đề hoặc riêng tư hay trong tiểu ban, nhưng không phải năm nào cũng công bố một văn kiện. Cho đến nay Uỷ ban đã phát hành những văn kiện sau đây:
- Chức tư tế Công giáo (1970). [Nhân dịp Thượng hội đồng giám mục về chức tư tế].
- Tính duy nhất trong đức tin và tính đa nguyên của thần học (1972).
- Tính cách tông truyền của Hội thánh (1973).
- Những nguyên tắc luân lý Kitô giáo (1974).
- Huấn quyền và thần học (1975).
- Thăng tiến con người (1976)
- Đạo lý Công giáo về hôn nhân (1977). [Chuẩn bị THĐGM về gia đình].
- Một vài vấn đề Kitô học (1979).
- Thần học- Kitô học – Nhân học (1982).
- Hòa giải và thống hối (1982). [Chuẩn bị THĐGM về bí tích hòa giải].
- Phẩm giá và quyền lợi của con người (1983).
- Vài đề tài về Giáo hội học (1985).
[Chuẩn bị THĐGM khoá đặc biệt kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng Vaticanô II]. - Ý thức của đức Giêsu về chính mình (1985).
- Đức tin và hội nhập văn hoá (1987).
- Việc giải thích các tín điều (1988).
- Vài vấn đề về cánh chung học (1990).
- Vài vấn đề về Chúa Cứu chuộc (1994).
- Kitô giáo và các tôn giáo (1996).
- Ký ức và hòa giải: Giáo hội và các lỗi lầm quá khứ (2000).
[Nhân dịp Đại Năm thánh bước vào thiên niên kỷ thứ ba]. - Chức phó tế (2002).
- Hiệp thông và phục vụ. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (2004).
- Hy vọng phần rỗi cho những trẻ em chết mà không được rửa tội (2007).
- Đi tìm một nền luân lý phổ quát: một cái nhìn mới về luật tự nhiên (2009).
Nên biết là chiều dài của các văn kiện không đều nhau. Nói chung, những văn kiện đầu tiên ngắn gọn, và độ dài tăng dần theo thời gian, đến nỗi có những văn kiện dài như một cuốn sách. Một thí dụ để so sánh: văn kiện số 2 (sự duy nhất và đa nguyên) gồm 15 mệnh đề, dài 2 trang A4, văn kiện số 5 (huấn quyền và thần học) gồm 12 mệnh đề, dài 5 trang A4; nhưng văn kiện số 16 (cánh chung) dài 26 trang, và văn kiện số 18 (Kitô giáo với các tôn giáo) dài 29 trang.
III. Nhận xét
Điểm qua tựa đề các văn kiện, chúng ta có thể đưa ra vài nhận xét như sau:
1/ Một số đề tài nghiên cứu do Tòa Thánh đề nghị, nhằm chuẩn bị hồ sơ cho khoá họp Thượng hội đồng Giám mục (các số 1, 7, 10, 12).
2/ Có những đề tài trở lại cùng một lãnh vực để nghiên cứu sâu xa hơn:
a- Nổi bật nhất là Kitô học: các văn kiện số 8, 9, 13, 17, 18. Dĩ nhiên, khi bàn đến Kitô học thì cũng đụng đến mầu nhiệm Thiên Chúa (số 9; 17).
b- Giáo hội cũng được bàn đến nhiều lần: số 1 (chức tư tế), số 3 (tính tông truyền), số 7 (hôn nhân và gia đình), số 10 (hoà giải), số 12 (tổng hợp), số 18 (tương quan với các tôn giáo), số 19 (những lỗi lầm), số 20 (chức phó tế).
c- Con người cũng là một chủ đề được nghiên cứu dưới nhiều góc cạnh: số 6 (thăng tiến con người), số 9 (nhân học), số 11 (nhân phẩm và nhân quyền), số 13 (văn hóa), số 21 (hình ảnh Thiên Chúa).
3/ Có những văn kiện chú trọng đến một vấn đề cụ thể thuộc tín lý (thí dụ số 1) hay luân lý (số 7), nhưng cũng như có những văn kiện nghiên cứu đề tài tổng quát của thần học căn bản (chẳng hạn số 2, 5, 13, 15) và luân lý (số 4, 23).
4/ Ngoài ra, qua các đề tài, chúng ta có thể theo dõi hướng thời sự của thần học vào những năm sau công đồng Vaticanô II. Lúc đầu, người ta chú ý đến những vấn đề mang tính cách nội bộ của Giáo Hội; kế đó, trọng tâm chuyển sang Chúa Kitô; từ đó, người ta mở rộng tầm nhìn đến các nền văn hóa, các tôn giáo, những băn khoăn của con người.
Hai văn kiện cuối cùng đã gây nhiều tiếng vang trong ngành truyền thông xã hội. Một đàng UTQ “đã đóng cửa ngục lâm-bô”: nói đúng hơn, Uỷ Ban cho thấy rằng điều này không phải là đạo lý đức tin. Đàng khác, “luật tự nhiên” là đề tài của thần học luân lý, được dùng như căn bản để đối thoại với những người ngoài Kitô giáo hoặc vô tín ngưỡng trong việc tìm một nền tảng đạo đức chung cho nhân loại.
UTQ không có cơ quan ngôn luận chính thức để công bố các tài liệu. Người ta có thể tìm đọc qua các tạp chí La Civiltà Cattolica (Ý), La Documentation Catholique (Pháp), Irish Theological Quarterly hoặc Origins (Anh).
Ngoài ra có những bộ sưu tập xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ:
– Tiếng Anh. M. Sharkey ed. International Theological Commission: Texts and Documents, Volume 1, 1969-1985, San Francisco, 1989. M. Sharkey and Th. Weinandy eds. International Theological Commission: Texts and Documents, Volume 2, 1986-2007, Ignatius, San Francisco, 2009.
– Tiếng Ý. Commissione Teologica Internazionale, Documenti 1969-2004, Edizioni Studio Domenicano, Bologna 2006.
– Tiếng Tây-ban-nha: Comisiĩn Teolĩgica Internacional: Documentos (1969-1996). Veinticinco ađos de servicio a la teología de la Iglesia, BAC, Madrid 1998.
– Tiếng Pháp: Commission Théologique Internationale: Textes et Documents (1969-1985), Cerf, Paris, 1988.
——————————————-
Phụ thêm.
– Từ năm 2011 đến nay, Ủy ban đã phát hành thêm những văn kiện sau đây:
- Thần học ngày nay: các viễn cảnh, nguyên lý và tiêu chuẩn (2012)
- Tam vị Thiên Chúa, hợp nhất nhân loại. Đạo độc thần Kitô giáo chống lại bạo lực (2014)
- Sensus fidei (cảm thức đức tin) trong đời sống Hội thánh (2014)
- Tính đồng nghị (sinodalità) trong đời sống và sứ mạng của Hội thánh (2018)
- Tự do tín ngưỡng vì điều thiện của tất cả mọi người (2019).
– Nguyên bản các văn kiện có thể đọc trên mạng của Ủy ban:
http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_index-doc-pubbl_it.html
(Các văn kiện số 24; 26; 27 đã được chuyển sang tiếng Việt).
——————————–
1 Quy chế hoạt động của Uỷ ban được đức thánh cha Phaolô VI phê duyệt “tạm thời” (ad experimentum) ngày 24/4/1969. Đức Gioan Phaolô II ban hành quy chế vĩnh viễn với tự sắc tự sắc Tredicim anni iam ngày 6/8/1982.