Lòng Kính Ngưỡng Sự Sống Trong Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam

0
466


Phaolô Nguyễn Hải Đăng, OP.

 

Tin Mừng Sự Sống là trung tâm sứ điệp của Đức Giêsu, được khai mở ngay buổi bình mình của ơn cứu độ: “Này ta báo cho anh em một niềm vui lớn là niềm vui cho toàn dân: hôm nay đã sinh ra cho anh em Vị Cứu Tinh, Ngài là Kitô, Đức Chúa, trong thành của Đavít” (x. Lc 2,10-11). Tin mừng đó đã được Giáo Hội đón nhận và không ngừng loan truyền cho con người thuộc mọi thời đại và mọi nền văn hóa. Việc bảo vệ và làm thăng tiến giá trị sự sống trước những đe dọa của nền văn hóa sự chết phải là sứ vụ tiên quyết của mọi Kitô hữu vì qua Mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa đã kết hiệp chính mình với bất kỳ con người nào.[1] Huấn quyền củaCông đồng Vaticanô II về giá trị thánh thiêng của sự sống vẫn khẳng định tính thời sự và lập trường của Giáo Hội trước những thế lực đang nhằm thao túng sự sống của chính con người trong thế giới đa diện hôm nay: tất cả những gì chống lại sự sống như giết người, diệt chủng, phá thai, an tử; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn con người cả về thể xác và tinh thần; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người biến con người trở thành ngang hàng như dụng cụ thuần túy để thu lợi. Tất cả những hành động đó là hành vi xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hóa.[2]

Một nghịch lý mà chúng ta phải đối diện trong bối cảnh hiện nay là tất cả những giá trị luân lý trước đây bị cấm đoán thì ngày nay dần trở nên được trân trọng về mặt xã hội. Với những lý lẽ biện minh cho sự cân bằng dân số và ổn định xã hội, các thể chế chính trị đã thỏa hiệp cho những tội ác chống lại sự sống con người. Nhưng sự sống vẫn luôn là một giá trị thánh thiêng, bất khả xâm phạm, không chỉ được tôn vinh trong nền luân lý tôn giáo mà còn được khẳng định trong các giá trị văn hóa khác biệt. Việt Nam, một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Châu A. Với những nét đặc thù về lịch sử, chính trị, văn hóa đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa diện không những về chủng tộc mà còn về đời sống tinh thần. Bằng tiến trình lịch sử hội nhập, tiếp biến lâu dài giữa văn hóa bản địa với các giá trị văn hóa ngoại lai dần cố kết nên bản sắc văn hóa đặc trưng của cư dân nền văn minh lúa nước, đó là lòng kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống, sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, cùng các giá trị thánh thiêng của đời sống hôn nhân.[3]Nhưng hôm nay, Việt Nam đang đứng trước một khúc ngoặc văn hóa được ghi dấu bằng những dấu hiệu đe dọa đến sự sống con người, thể hiện qua số liệu báo động về thực trạng nạo phá thai và bằng sự kiện Bộ Y Tế Việt Nam đã quyết định chính thức từ ngày 19-08-1997 cho phép bệnh viện phụ sản Từ Dũ thực hiện công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm, một hình thức can thiệp trực tiếp trên các phôi thai người. Sự thỏa hiệp này có thể dẫn đến sự lạm dụng nguy hiểm cho những mục đích khác nhau: chẩn đoán, trị bệnh, khoa học và cả thương mại. Điều này đi ngược lại lập trường của Giáo Hội: “Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối, ngay từ lúc thụ thai”.[4] Dù có những vấn nạn phải đối diện, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn luôn là một dân tộc có lòng kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống. Nền tảng luân lý này không chỉ được cố kết trong nền văn hóa bản địa mà còn được thể hiện cách phong phú nơi những giá trị văn hóa ngoại lai như: Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo và Kitô giáo. Bằng cái nhìn hội nhập, thật hữu ích khi chúng ta ngược dòng lịch sử để khám phá giá trị sự sống trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và một cách nào đó thể hiện trách nhiệm của người Kitô hữu trước vấn nạn sự sống đang tồn hiện trong xã hội Việt Nam hôm nay.

I. VIỆT NAM – MỘT DÂN TỘC YÊU SỰ SỐNG

Việt Nam là dân tộc có đời sống tâm linh khá phong phú và sâu đậm. Có thể nói, cho đến hôm nay sinh hoạt tâm linh vẫn là một sinh hoạt quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Từ việc kính ngưỡng sức mạnh vô hình thể hiện trong việc thờ cúng tổ tiên cho đến tâm thức thần hóa những sức mạnh siêu nhiên gắn với khái niệm quỷ thần, tiên phật đã trở thành nhịp điệu thường ngày trong đời sống của người Việt Nam.

Với tâm thức thần hóa vạn vật, người Việt Nam quan niệm vạn vật hữu linh, từ các hiện tượng tự nhiên như trời đất, rừng núi, sông suối, sấm chớp,… đến nhà cửa, làng mạc, hòn đá, gốc cây đều có hồn mà tùy theo dân tộc được sùng bái theo những hình thức khác nhau. Tâm thức kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống, nét đặc trưng của văn hóa nông nghiệp lúa nước, đã trở thành căn tính trong bản sắc văn hóa và tín ngưỡng cổ truyền. Bản sắc này này không ngừng được bảo tồn và phát triển nhờ quá trình giao lưu tiếp biến với các nền văn hóa ngoại lai như: văn hóa Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa… góp phần tạo nên sự đa diện, phong phú trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tô-tem giáo tiến dần đến những hình thức tín ngưỡng mang nhiều dấu vết văn hóa ngoại lai (Đạo giáo, Phật giáo, Khổng giáo) như đạo thờ Tổ Tiên, chư Thánh, Thành Hoàng, đạo thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ cúng các anh hùng dân tộc… Tất cả những hình thức tín ngưỡng này khi du nhập vào Việt Nam đã trở thành bản sắc văn hóa bởi chúng hòa điệu với lối sống của cư dân nông nghiệp lúa nước là tâm thức hài hòa và kính ngưỡng sự sống thể hiện trong sinh hoạt cộng đồng, trồng trọt, lễ hội, âm nhạc… đặc biệt là trong các tín ngưỡng bản địa.

1. Tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp

Dân tộc Việt Nam là dân tộc gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Quanh năm lệ thuộc vào sự hòa điệu của tự nhiên. Vì vậy, ngay từ thời xa xưa, dân tộc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của vũ trụ luận nguyên sơ âm dương tương khắc tương sinh. Sự hòa điệu, luân chuyển âm dương chính là nguyên lý phát sinh sự sống của con người và vạn vật. Hơn nữa, sự lệ thuộc thái quá vào tự nhiên trong hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần hình thành nên tâm thức thần hóa vạn vật. Từ hòn đá vô tri, cây đa, giếng nước đến mây mưa, sấm chớp… đều có những mối liên hệ, tác động trực tiếp đến con người. Thế giới tự nhiên là hồn sống siêu nhiên mà con người phải kính ngưỡng bằng những hình thức sùng bái, lễ nghi để cầu mong sự trợ giúp, sự sinh sôi của vụ mùa. Quan niệm này được thể hiện rõ nét nơi tín ngưỡng phồn thực bản địa, tín ngưỡng tôn thờ Mẹ Lúa – Thần Lúa – Vía Lúa, được nhân cách hóa bằng hình ảnh người Mẹ với những nghi thức phong phú Mẹ Lúa gieo hạt và thu hoạch bông lúa đầu tiên, đúc tượng lúa, rước mạ ra đình, thờ vỏ trấu, khấn vía lúa và gọi gạo….[5]

“Phồn thực” có nghĩa là sự sinh sản, sinh sôi dồi dào. Cư dân nông nghiệp liên tưởng nó với một lực lượng siêu nhiên như nguồn gốc sự sống của vạn vật. Lối quan niệm này chịu ảnh hưởng sâu sắc của vũ trụ luận phương Đông: Âm-Dương là hai nguyên khí căn nguyên của vũ trụ; sự kết hợp Âm – Dương là nguyên ủy sự sống muôn loài. Quan niệm “âm dương-lưỡng phân lưỡng hợp” của vũ trụ luận phương Đông khi đi vào tín ngưỡng bản địa được chuyển hóa thành hai biểu tượng đặc trưng về sự sống của cư dân nông nghiệp là Đực và Cái. Con người muốn tiếp nối sự sống, cây cối muốn sinh trưởng ra hoa kết quả phải có sự giao hòa Âm-Dương, Đực-Cái. Vì vậy, trong tín ngưỡng phồn thực bản địa, trước mùa gieo cấy, bao giờ người ta cũng thờ cúng và tái hiện việc giao hòa Âm-Dương cùng các trò diễn giao phối nam –nữ qua biểu tượng sinh thực khí, một cách tôn vinh và kính ngưỡng sự sống như một thực tại siêu hình chi phối các hoạt động xã hội của con người.

a/. Dấu vết lịch sử – đền thờ và lễ hội

Có thể nói, những hình thức nghi lễ phồn thực không còn phổ biến trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam nhưng những dấu vết của nó vẫn còn tồn tại trong tâm thức và các di chỉ lịch sử. Theo sử liệu, khi nước ta chịu sự đô hộ của Trung Hoa, tư tưởng Nho giáo du nhập và dần chi phối mọi hoạt dộng chính trị-tư tưởng-xã hội. Nền luân lý Nho giáo xem tín ngưỡng phồn thực bản địa là một hình thức “dâm thần” nên tìm cách hạn chế và xóa bỏ. Nhưng những di chỉ còn xót lại cùng những lễ hội dân gian vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, một cách nào đó khẳng định tâm thức kính ngưỡng sự sống là một bản sắc đặc trưng của văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Trên vùng đất Thăng Long-Hà Nội ngày nay, có một ngôi chùa khá nổi tiếng-Linh Quang Tự- còn gọi là chùa bà Đanh. Trong chùa có đặt tượng một người phụ nữ ngồi xổm, phô bày sinh thực khí, một biểu tượng đặc trưng của tín ngưỡng phồn thực. Truyền thuyết dân gian “vắng như chùa bà Đanh” xuất phát từ trào lưu chống đối của Nho giáo đối với các tín ngưỡng phồn thực bản địa.[6]

Tín ngưỡng tôn thờ phồn thực, sinh thực khí còn được thể hiện trong các bia ký và nghệ thuật trang trí đình-chùa. Như hình tượng người phụ nữ phô bày sinh thực khí hay họa tiết rắn bao phủ thân thể người phụ nữ, biểu tượng phồn thực âm-dương, được điêu khắc ở đình Phù Lão, chùa Thổ Hà (Lạng Giang-Bắc Giang)…là nét đặc trưng về sức mạnh chi phối của quan niệm phồn thực trong tâm thức người Việt cổ. Bên cạnh các di chỉ còn có các hình thức lễ hội dân gian nhằm tái hiện khát vọng sự sống trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc ta, tiêu biểu là lễ hội ông Đùng-bà Đà (làng Đông An-Hưng Yên), múa Mo và rước sinh thực khí.

b/. Lễ hội phồn thực ông Đùng-bà Đà

Ông Đùng –bà Đà là vị thần thành hoàng của làng Đông An (Hưng Yên). Lễ hội bắt đầu từ mồng 6 đến mồng 10 thánh ba âm lịch hằng năm. Lễ hội tái diễn hai khái cạnh tương phản trong tâm thức tôn giáo của người Việt Nam. Một mặt lễ hội lên án, phê phán tội loạn luân[7]. Nhưng bên cạnh đó, lễ hội cũng thể hiện tâm thức kính ngưỡng sự sống của văn hóa phồn thực qua nghi thức đám rước diễn xướng cảnh giao hoan nam-nữ.

Một lễ hội pha trộn, đan xen nhiều giá trị văn hóa khác biệt. Ơ tầng sâu nhất của cổ tục này là nghi lễ nông nghiệp đặc trưng với hình thức hiến sinh đôi trai gái trong trạng thái giao hoan để dâng vị thần nghề nông, cầu mong sự sinh sôi, phát triển vụ mùa. Bên cạnh đó còn có dấu vết tín ngưỡng Tô-tem qua nghi thức lấy nước ở khúc sông ngâm xác hai ông bà để đồ xôi cúng thần sau đó cả làng cùng hưởng lộc một nghi lễ phản ánh hình thức thị tộc giết chết Tôtem (tổ tiên) của mình và sau đó ăn thịt tổ tiên như một biểu hiện của việc đồng thân, nhập xác với tổ tiên.[8] Qua đó chúng ta có thể thấy rằng, tâm thức thần hóa vạn vật và quan niệm sự sống đã chi phối cách mạnh mẽ mọi sinh hoạt tôn giáo và xã hội của dân tộc Việt Nam ngay từ buổi sơ khai.

c/. Tục rước sinh thực khí và trò diễn phồn thực dân gian

Tục rước sinh thực khí là hình thức biểu hiện cụ thể nhất của tín ngưỡng phồn thực, tôn vinh giá trị sự sống của cư dân nông nghiệp. Vũ trụ luận Việt Nam và phương Đông là âm dương tương khắc tương sinh. Sự hòa hợp âm-dương, đực-cái theo quan niệm dân gian sẽ mang lại phong đăng cho mùa màng và sức khỏa cho con người. Vì vậy, tục rước sinh thực khí khá phổ biến trong các lễ hội dân gian ở miền Bắc Việt Nam như tục rước sinh thực khí ở làng Đồng Kỵ (Từ Sơn-Bắc Ninh): đoàn rước gồm các bô lão, chức sắc trong làng, tay cầm hai lễ vật là hai sinh thực khí nam-nữ, vừa đi vừa làm động tác lồng vào nhau, biểu tượng của sự giao hòa trời đất, cội nguồn phát sinh sự sống. Bên cạnh tục rước sinh thực khí còn có các hình thức múa Mo[9] (âm vật), lễ hội bắt trạch trong chum[10] (Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc), rước và cướp Nõ Nường trong các lễ hội phồn thực ở Sơn Đông (Hà Đông), Khúc Lạc, Dị Nậu (Phú Thọ)… Như vậy, rõ ràng khác với tục ông Đùng-bà Đà, các lễ hội nêu trên đã thể hiện cách công khai cổ tục phồn thực dưới dạng nguyên thủy, thể hiện ước vọng sinh sôi nảy nở của những cư dân nông nghiệp trong xã hội cổ truyền.

Với tất cả những dấu vết lịch sử từ đền thờ, cổ tục phồn thực đến lễ hội, trò diễn còn bảo tồn cho đến ngày nay là một minh chứng rõ ràng về tâm thức kính ngưỡng sự sống như một thực tại siêu hình chi phối mọi sinh hoạt xã hội của người Việt ngay từ buổi ban sơ. Tín ngưỡng nông nghiệp là sinh hoạt tinh thần chủ yếu của người Việt. Nó thật gần gũi, gắn bó như máu thịt bởi sinh hoạt của dân tộc Việt buổi ban sơ gắn liền với môi trường tự nhiên. Đất, nước, sông ngòi, cây cối… thật gần gũi đến nỗi được nhân cách hóa như một người Mẹ có thể chở che, bảo vệ, hộ phù. Không một dân tộc nào trên trái đất này lại dùng danh từ “đất-nước” để chỉ lãnh thổ sinh hoạt của mình. Đất-Nước, hai biểu tượng sự sống gắn liền với hoạt động trồng trọt nông nghiệp, phản ánh khát vọng sống hòa hợp với môi trường tự nhiên, một nét đặc trưng của vũ trụ luận phương Đông âm dương hòa hợp tương sinh vạn vật.

Từ tâm thức thần hóa vạn vật, hình thức cổ xưa nhất của tín ngưỡng nhiên thần, dân tộc Việt Nam dần tiến thêm một bước quan trọng trong lãnh giới tinh thần là việc nhân cách hóa các thần tự nhiên thành hệ thống nhân thần.[11] Đây cũng chính là giai đoạn con người bắt đầu khám phá về bản thân mình. Mối quan hệ giữa thế giới hữu hình và vô hình, giữa cái sống và cái chết trở thành mối bận tâm của con người. Dân tộc Việt Nam quan niệm rằng con người có hồnxác, thể xáclinh hồn vừa gắn bó vừa tách biệt. Như vậy theo quan niệm dân gian, chết cũng là một dạng sống mới trong một thế giới khác. Giữa thế giới người sống và người chết, trong tâm thức người Việt, vẫn có một mối dây liên hệ mật thiết, gọi là hiện tượng âm phù-người chết phù trợ cho người sống. Chính tâm thức này làm phát sinh một một hình thức tín ngưỡng khác, gọi là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đây là bước nhảy vọt trong lãnh giới tinh thần của người Việt. Từ tín ngưỡng phồn thực, kính ngưỡng sự sống như một thực tại bên ngoài tiến đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt Nam bắt đầu quay trở về đời sống nội tâm khám phá giá trị sự sống như một thực tại gắn liền với đời sống của con người.

2. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phản ánh sự tiếp nối sự sống giữa thế giới người sống và người chết trong mối dây liên hệ, gắn bó về mặt huyết thống. “Gia đình như một đền thờ lớn. Các thành viên còn sống đứng ở trụ lang, ở cổng vào. Lần lượt kẻ trước người sau, họ vượt qua cái ngưỡng khủng khiếp, đi qua cửa của sự chết vào phần kia của đền thờ, vào trong cung thánh. Nhưng người này cũng như kẻ kia đều luôn trú ngụ dưới cùng một mái nhà. Các mối dây liên kết họ trong cuộc sống không bị cái chết tháo cởi, trái lại, nó trở thành vững vàng và trường cữu”.[12]

Ông bà, cha mẹ dù qua đời nhưng vẫn có một sơi dây nối kết với con cháu ở cuộc sống hiện tại. Dường như không có sự khác biệt giữa hai lãnh giới sống-chết trong tâm thức người Việt. Sự sống tiếp nối liên tục và cái chết chỉ là một dạng sống mới. Trong nghi thức thờ cúng, ông bà vẫn được hưởng dùng những vật phẩm của thế giới hiện tại và con cháu quan niệm ông bà đang hiện diện như một thực thể sống động. Một quan niệm tâm linh thật dung dị, gần gũi phản ánh tâm thức kính ngưỡng sự sống sâu xa của dân tộc Việt Nam, một nét đẹp, một bản sắc văn hóa thật đáng trân quý và tôn vinh.

a/. Nền tảng lịch sử

Có nhiều nhận định khác nhau về nguồn gốc phát sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tại Việt Nam. Đây là một tín ngưỡng bản địa hay phát sinh trong qua trình hội nhập, tiếp biến văn hóa Trung Hoa? Về phương diện lịch sử, chúng ta có thể khẳng định rằng đây là một tín ngưỡng bản địa, một bước tiếp nối xuất phát từ tín ngưỡng Tô-tem của người Việt cổ. Ngay từ buổi ban sơ, người Việt đã xây dựng một hình tượng vật tổ qua truyền thuyết Cha Rồng-Mẹ Chim (Lạc Long Quân-Âu Cơ) như nguồn gốc phát sinh dân tộc và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là bước tiếp nối của khát vọng sự sống này. Nhưng để tín ngưỡng này phát triển thành hệ thống lý thuyết và nghi thức thực hành chặt chẽ như một nền tảng luân lý thì phải nhờ vào sự đóng góp của Nho giáo “Hệ tư tưởng Nho giáo đã có công thổi vào quan điểm bản địa mộc mạc này một triết lý, một tổ chức, một nghi thức, một niềm tin sâu sắc”.[13]

Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ra đời trong những điều kiện lịch sử-xã hội nhất định. Từ hình thức liên minh cộng đồng nguyên thủy tiến đến hình thức liên kết gia đình sơ khai. Từ chế độ mẫu hệ với tín ngưỡng vật linh tiến đến thời kỳ phụ hệ với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, gắn liền với quá trình tiếp biến văn hóa Trung Hoa. Trong gần 1000 năm Bắc thuộc, nền văn minh trồng lúa nước ở châu thổ sông Hồng đã hòa mình vào nền văn minh chung của A Đông, mà Trung Quốc là trung tâm, trên tất cả các phương diện bao gồm cả phong tục và tín ngưỡng. Sự giao thoa văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ khi dòng người Hán di cư vào nước ta ngày càng đông suốt từ thời Tây Hán cho đến đời Đường và sau này trở thành một bộ phận cư dân Việt Nam. Thành phần cư dân này là nhân tố quan trọng góp phần hội nhập văn hóa Hán vào nước ta, đặc biệt là tư tưởng Nho giáo. Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam là sự đan xen giữa những giá trị văn hóa bản địa và hệ thống tư tưởng – luân lý Nho giáo trong quá trình tiếp biến văn hóa. Một sự dung hợp tạo nên sự đa diện, phong phú nhưng không làm suy giảm giá trị sự sống trong văn hóa bản địa.

b/. Giá trị sự sống trong tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên

* Sự sống tiếp nối không ngừng theo quy luật luân chuyển của vũ trụ…

“Thờ cúng tổ tiên không phải là một tôn giáo… mà là lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với người đã khuất”.[14] Đạo lý thờ cúng tổ tiên xuất phát từ quan niệm về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa giữa người đã chết và người sống. Sự sống tiếp nối không ngừng theo quy luật luân chuyển của vũ trụ, một tâm thức gắn liền với cư dân nông nghiệp lúa nước, cả cuộc đời gắn bó với sự biến chuyển của thiên nhiên.

Lòng kính ngưỡng sự sống còn thể hiện trong mối tương liên giữa con người với con người, giữa người đã khuất và người còn sống như một sự tiếp nối lần lượt từng người bước qua cửa của sự chết vào phần bên kia của đền thờ, vào trong cung thánh. Nơi đó, các mối dây liên kết họ trong cuộc sống không bị cái chết tháo cởi, trái lại nó trở thành vững mạnh và trường cửu.[15] Vì vậy, thờ cúng tổ tiên không chỉ thể hiện tâm thức kính ngưỡng vật tổ, nét văn hóa-tín ngưỡng Tôtem của người Việt cổ mà còn biểu lộ đạo lý uống nước nhớ nguồn.

* Uống nước nhớ nguồn – một trách nhiệm luân lý về sự sống

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhắc nhở con cháu về lòng thành kính, nhớ ơn các bậc sinh thành như một trách nhiệm luân lý. Trách nhiệm không chỉ thể hiện trong các hành vi sống (gìn giữa danh dự và tiếp nối truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn trong các hành vi cúng tế “Các thành viên trong gia đình kính dâng các đồ cúng lễ là tuyệt đối cần thiết để linh hồn tổ tiên có được sự yên nghỉ thanh thản ở thế giới bên kia”.[16]Khi cúng lễ tổ tiên, người Việt Nam không chỉ mong nhận được phúc ấm của tổ tiên mà còn chuẩn bị phúc đức cho con cháu đời sau. Một quan niện sống duy tình – quy hướng về quá khứ, định hướng cho hiện tại (giáo dục truyền thống gia đình) và chuẩn bị hành trang đạo lý cho thế hệ tương lai. Chính quan niệm tâm linh này đã giúp bảo tồn và tiếp nối những giá trị sự sống từ nền văn hóa bản địa, không ngường phát triển cho đến ngày nay.

* Thờ cúng tổ tiên – sức mạnh xây dựng cộng đồng

Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng:[17]Con người chỉ có thể tồn tại trong các mối tương quan xã hội. Và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ảnh hưởng rất lớn trong việc gắn kết các thành viên trong một cộng đồng, cụ thể là trong một dòng tộc, một gia đình cơ bản. Chúng ta không ngạc nhiên khi có người nhận định bản sắc văn hóa Việt Nam là văn hóa làng xã. Cộng đồng làng, xã chính là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người Việt Nam. Yếu tố văn hóa này chịu ảnh hưởng của nền luân lý Nho giáo. Theo chiều dọc phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự tiếp nối các thế hệ: ông bà, cha mẹ, bản thân. Theo trục ngang, thờ cúng tổ tiên gắn kết các thành viên trong mối liên hệ dòng họ. Với tư cách là một tập thể – bao gồm người đang sống và người đã khuất- gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, dòng tộc có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên trong cộng đồng. Với nền tảng tâm linh cố kết của mình, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã bảo tồn và phát triển cách phong phú những giá trị sự sống của nền văn hóa bản địa, và một cách nào đó đã hợp nhất sự hỗn dung tín ngưỡng, một trong những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Đến thời điểm này, dân tộc Việt Nam đã định hình một kết cấu đạo đức xã hội khá rõ nét dù chưa có hệ thống, cơ cấu chặt chẽ.

Đến những năm 110 TCN – 39 CN, nền văn hóa bản địa trải qua giai đoạn giao lưu tiếp biến với các nền văn hóa lớn: Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa. Chính nét “hòa tính” trong tâm thức người Việt đã dung hòa những khác biệt trong văn hóa ngoại lai, tạo nên hiện tượng đồng nguyên tôn giáo, đặc biệt là sự đóng góp của Nho giáo trong việc xây dựng hệ nguyên lý cho việc thờ cúng tổ tiên. Tư tưởng Nho giáo với chủ thuyết xem trọng gia đình như nhân tố nền tảng của xã hội, “tề gia” được xem là nấc thang trong quá trình tu thân. Hơn nữa, luân lý Nho giáo đề cao chữ hiếu như một nền tảng đạo lý – “đạo hiếu”. Một cách ngẫu nhiên, Nho giáo trở thành mảnh đất thuận lợi để những hạt giống tâm linh bản địa nẩy mầm và phát triển, cụ thể là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hệ thống, lễ nghi hóa trở thành chuẩn mực đạo đức xã hội của các thể chế phong kiến tại Việt Nam. Quốc Triều Hình Luật của nhà Lê đã đưa ra những quy định rất chặt chẽ về luật hương hỏa (điều 399 và 400): Ruộng hương hỏa, dù con cháu nghèo khó, cũng không được đem bán trái pháp luật, có người tố cáo phải ghép vào tội bất hiếu. Vì đây là nguồn tài sản được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác dành cho việc thờ cúng tổ tiên, không được xâm phạm. Hơn nữa, các vương triều phong kiến còn có chế độ khen thưởng bổng lộc cho các “hiếu tử” – những người mà lúc “cha mẹ sống lấy lễ mà thờ, cha mẹ chết lấy lễ mà táng”. Như vậy, về phương diện lịch sử, những giá trị sự sống trong bản sắc văn hóa bản địa không hề suy tàn trong quá trình tiếp biến văn hóa nhưng được tiếp nối và phát triển phong phú nhờ những yếu tố văn hóa ngoại, mà trong giới hạn bài viết này, chỉ đề cập đến những đóng góp của Nho giáo trong việc tiếp nối và phát triển giá trị sự sống trong nền văn hóa bản địa.

II. NHO GIÁO – NHÂN TỐ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ SỰ SỐNG TRONG VĂN HÓA BẢN ĐỊA

1. Nền tảng lịch sử

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nho giáo du nhập vào nước ta vào thời Tây Hán (khoảng 110 TCN – 39), khi cường quyền nước lớn Trung Hoa đặt ách thống trị, khởi đầu 1000 năm Bắc thuộc. Chính quyền phong kiến nhà Tây Hán đặt các thái thú Tích Quang và Nhâm Diên trị sở về mặt hành chính quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Theo sử liệu, chính thái thú Tích Quang và Nhâm Diên với đường lối nghĩa giáo, lễ trị là những người có công đầu trong việc truyền bá và phát triển tư tưởng Nho giáo trên vùng đất Lĩnh Nam. Đến những năm 187-226, thái thú Giao Châu là Sĩ Nhiếp, một người am tường các sách kinh điển Nho gia, đã góp phần làm phát triển học thuyết Nho giáo qua việc giáo hóa dân chúng, vì vậy ông đã được dân tộc ta tôn xưng là Nam Giao Học Tổ. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại: “Sau khi Hán Linh Đế mất, thiên hạ loạn lạc, chỉ có Giao Châu, trị sở của Sĩ Nhiếp, người khoan dung, nhân hậu, kính trọng kẻ sĩ, là còn hơi yên tĩnh, nên nhân tài, danh sĩ nhà Hán sang lánh nạn khá đông, trong số đó có nhiều người làm nghề dạy học truyền bá đạo Nho”.[18]

Chính Nho giáo là nhân tố góp phần xây dựng hệ nguyên lý cho việc thờ cúng tổ tiên vốn có nguồn gốc từ bản địa, ở cả ba phẩm trật: gia đình, dòng tộc và nhà nước. Khổng Tử là người đầu tiên xây dựng một học thuyết hoàn chỉnh cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong học thuyết Nho giáo. Ơ nước ta, việc cúng tế tổ tiên từ khi chịu ảnh hưởng của Nho giáo mới phân theo thức bậc và lễ tiết. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: các rằm tháng giêng, tháng bảy và tháng mười gọi là tam nguyên, các nhà đều thờ cúng tổ tiên.[19]Các vương triều phong kiến ủng hộ tín ngưỡng này vì nó góp phần quan trọng vào việc tổ chức xã hội, đảm bảo trật tự cơ cấu từ gia đình, dòng tộc cho đến quốc gia. Nhưng nguyên nhân sâu xa bởi tín ngưỡng bản địa này đã tiếp biến và phát triển phong phú trong mảnh đất Nho giáo. Đạo hiếu – tư tưởng cốt lõi trong hệ thống luân lý Nho giáo đã góp phần bảo tồn và thăng hoa giá trị sự sống, bản sắc của nền văn hóa bản địa. Một sự dung hợp hiếm thấy. Chính yếu tố này giúp Nho giáo ngày càng bám sâu và ảnh hưởng cách mạnh mẽ trên đời sống tinh thần và thiết chế xã hội Việt Nam trong hơn 1800 năm.

2. Đạo Hiếu của Nho giáo – nhân tố bảo tồn và phát triển giá trị sự sống của văn hóa bản địa

Nho giáo thiết chế xã hội dựa trên ba quan hệ căn bản theo chiều dọc gọi là “tam cương”, đó là vua-tôi, cha-con, chồng-vợ. Trong ba quan hệ đó, có hai quan hệ thuộc thiết chế gia đình, đó là cha-con, chồng-vợ. Vì vậy, tư tưởng Nho giáo xác định việc tề gia là điều kiện tiên quyết để có thể trị quốc. Thiết chế gia đình thuộc lĩnh vực gia quy, còn quan hệ vua-tôi thuộc quy phạm quốc pháp. Sự thống nhất giữa nhànước cần thiết như thế nào thì sự thống nhất giữa quypháp cũng cần thiết như vậy. Vì vậy, để xây dựng thiết chế gia đình ổn định, Nho giáo đề cao đạo hiếu như nền tảng bảo đảm sự ổn định xã hội.

Về phương diện chiết tự, theo các nhà khảo cứu văn tự cổ của Trung Quốc thì chữ “Hiếu” kết cấu theo thể loại hội ý[20], nghĩa là chữ viết phản ánh một quan niệm xã hội. Phía trên chữ hiếu là hình tượng nam nữ giao phối, phía dưới là chữ tử – con người, tượng trưng cho sự sống phát sinh từ hành vi tính giao nam nữ. Như vậy ngay trong ý nghĩa từ ngữ, chữ hiếu đã bao hàm ý niệm về sự sống trong tâm thức của người xưa, một sự hòa điệu ngẫu nhiên giữa đạo hiếu của Nho giáo với tín ngưỡng phồn thực bản địa liên quan đến ý thức tôn trọng sự sống.

a/. Tôn trọng sự sống-giá trị luân lý Nho giáo

Khổng Tử nói: “Chặt một cái cây, giết một con thú không đúng thời điểm, như vậy không thể gọi là hiếu được” – (đoạn nhất thụ, sát nhất thú, bất dĩ kì thời, phi hiếu dã). Đối với Nho giáo, đạo đức lớn nhất chính là sự sống (đại đức viết sinh). Không chỉ những hành vi can thiệp hay phá hoại sự sống mới bị xem là “bất hiếu” mà ngay cả những hành vi không tiếp tục tạo ra sự sống cũng bị quy gán vào tội “bất hiếu”. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” – “Có ba điều bất hiếu, điều bất hiếu lớn nhất là không tạo sinh, duy trì nòi giống”.[21]

“Thận chung, truy viễn” – “kính nhớ tổ tiên và duy trì sự sống qua việc tạo sinh” là lẽ sống bất di dịch của đạo đức Nho giáo, chi phối và ảnh hưởng mạnh mẽ mọi thiết chế gia đình thời xưa. Cúng bái tổ tiên là hiện tượng ít nhiều liên quan đến tín ngưỡng phồn thực. Hạt giống tín ngưỡng phồn thực ở những mảnh đất khác nhau mọc thành những cây khác nhau.[22]Khi du nhập vào Việt Nam, chính Nho giáo đã khoác lên tín ngưỡng phồn thực bản địa một hệ nguyên lý, một cơ cấu nghi thức, phẩm trật khiến cho tín ngưỡng này mang nặng tính xã hội hơn tính tôn giáo. Cúng bái tổ tiên là biểu hiện bên ngoài của “đạo hiếu” bên trong. Đạo hiếu trở thành giá trị đạo đức vừa mang tính tự nhiên, vừa mang tính xã hội. Mang tính tự nhiên vì tạo sinh và duy trì sự sống là đặc tính căn bản của đạo hiếu. Nhưng trong cơ cấu xã hội vẫn có những ngăn trở về mặt đạo đức như trong thời gian để tang bố mẹ, người con không được quan hệ tính giao nam nữ, đó là hiếu tử.

b/. Đạo hiếu – nhân tố bảo tồn sự sống trong văn hóa bản địa

Đạo hiếu trong luân lý Nho giáo bao hàm cả ba nghĩa: cúng bái để tỏ lòng tưởng nhớ tổ tiên, sinh con đẻ cái để kế tục giống nòi, phụng dưỡng và kính trọng cha mẹ.[23]Văn hóa chữ “Hiếu” của phương Đông dựa trên quan hệ huyết thống ăn sâu bám rễ từ nghìn đời và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ý thức quan hệ huyết thống là biểu hiện cụ thể của tâm thức kính ngưỡng sự sống, một giá trị văn hóa phương Đông nói chung và là một bản sắc của văn hóa Việt Nam nói riêng. Chính sự tương đồng này là nguyên nhân lý giải về sự dung hợp văn hóa giữa Nho giáo và văn hóa truyền thống Việt Nam. Nho giáo trở thành nhân tố góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị sự sống trong văn hóa bản địa. Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự đối với Phật giáo và Đạo giáo khi du nhập vào Việt Nam. Phật giáo từ Ấn Độ không xem “đạo hiếu” là nền tảng đạo đức. Quan niệm đạo đức của Phật giáo Ấn Độ khác về cơ bản với quan niệm đạo đức Nho giáo ở chỗ “cảnh giới đạo đức cao nhất là đạo đức ngược lại với đạo đức thế tục”.[24]Chữ “hiếu” của Nho giáo thuộc văn hóa trần tục còn đạo đức của Phật giáo thuộc văn hóa siêu trần tục. Phật giáo tuy cũng đề cập đến Tứ Ân[25], trong đó báo ân cha mẹ được đặt ở hàng đầu, nhưng ânbáo ân của Phật giáo không tương đồng về nội dung với hiếubáo hiếu của Nho giáo. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, đạo lý hiếu nghĩa của Nho giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên giáo lý Phật Giáo tại Việt Nam. Vì vậy, thật không lạ khi chỉ có Phật Giáo Việt Nam có kinh Vu Lan, còn được gọi là Hiếu Kinh Phật Giáo hay kinh Phụ Mẫu Ân Trọng, một kinh Phật không hề có trong hệ thống kinh điển Phật Giáo Ấn Độ. Điều này cho ta thấy, đạo Hiếu đã chi phối các giá trị văn hóa mạnh mẽ như thế nào.

Sách Hiếu kinh được phương Tây gọi là Kinh Thánh của phương Đông đã hệ thống hoá những hành vi đạo đức như những chuẩn mực về đạo hiếu:

“Hiếu là cái gốc của đạo đức, giáo hóa bắt đầu mà ra”– (phù hiếu, đức chi bản dã, giáo chi sở do sinh dã).[26]

“Việc đầu tiên của đạo hiếu của đạo Hiếu là không được hủy hoại thể xác, da tóc do cha mẹ sinh ra. việc cuối cùng của chữ Hiếu là thực hành đạo lý, làm nên sự nghiệp lưu danh hậu thế, vẻ vang cho cha mẹ” – “Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã. Lập thân hành đạo danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi trung dã”.[27] Đạo “Hiếu” theo luân lý Nho giáo không chỉ giới hạn ở hành vi phụng dưỡng, tôn kính cha mẹ khi còn sống hay trách nhiệm thờ kính khi cha mẹ đã khuất. Đạo hiếu thể hiện ngay trong thái độ tôn trọng những giá trị sự sống nơi bản thân “không hủy hoại thể xác, da tóc do cha mẹ sinh ra”. Sự sống con người là kết quả giao hòa trời- đất, là hội tụ khí huyết của bậc sinh thành. Vì vậy, tự bản chất, sự sống là giá trị thánh thiêng bất khả xâm phạm. Tôn trọng sự sống của chính mình và người khác là biểu hiện tinh thần hiếu để Nho giáo.

Sách Thuyết Văn đã tóm lược giá trị tinh túy của đạo hiếu Nho giáo: “Thờ mẹ, kính cha trọn đạo” (thiện sự phụ mẫu). Trọn đạo ở đây khái quát thành bốn chữ: “dưỡng” (nuôi nấng), “kính”(thái độ kính trọng), “gián” (can gián những điều sai), “thuận” (không làm phật lòng, trái ý cha mẹ). Nho giáo xem chữ “hiếu” là nền tảng của đạo đức nhân ái, hay nói cách khác, toàn bộ kiến trúc Nho giáo được xây dựng trên nền tảng chữ “hiếu”. Chính trị có vững vàng hay không phụ thuộc vào đạo đức, đạo đức có ổn định hay không phụ thuộc vào chữ hiếu: “Người quân tử phải giữ lấy cái gốc, gốc vững thì đạo lý tự khắc hình thành. Cho nên hiếu đễ chính là cái gốc của học thuyết nhân” – “Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu để giả kì vi nhân chi bản dư”.

Đạo hiếu Nho giáo vừa mang tính tự nhiên vừa mang tính xã hội. Về mặt xã hội, là chỗ dựa vững chắc của thể chế chính trị phong kiến. Vì vậy chế độ phong kiến càng lỗi thời, thì nội dung của chữ hiếu càng lạc hậu và bảo thủ, theo kiểu ngu hiếu, ngu trung. Khi đó, nó tước đoạt giá trị nhân văn vốn có là lòng kính ngưỡng và tôn trọng sự sống. Có thể, tư tưởng Nho giáo nặng về cơ cấu, hình thức tổ chức nên đôi lúc làm phai mờ nét đặc trưng tự nhiên của đạo hiếu là tâm thức kính ngưỡng sự sống “hiếu sinh, ố tử”. Vì vậy, trong bài viết này, tôi muốn bứt phá khỏi cái nhìn phiến diện mang tính xã hội của Nho giáo, để trở về nguồn tìm lại những nét nhân văn trong tinh thần hiếu đễ Nho giáo, một mảnh đất màu mỡ đã nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển những giá trị sự sống của nền văn hóa bản địa. Chính Nho giáo là một trong những nhân tố góp phần định hình bản sắc văn hóa Việt Nam. Viên ngọc được mài giũa đã lộ rõ những đường nét sắc xảo. Nhưng những đường nét này ngày càng tinh xảo hơn khi một lần nữa, văn hóa Việt Nam trải qua quá trình tiếp biến với văn hóa Tây phương, cụ thể là văn hóa Kitô giáo vào những năm đầu thế kỷ XVI. Về mặt xã hội, đây là một cuộc hội nhập không thành công. Nhưng nhìn từ khía cạnh đạo đức, chính nền tảng luân lý Kitô giáo về nhân vị, tự do và phẩm giá con người đã góp phần củng cố giá trị sự sống trong bản sắc văn hóa Việt Nam.

III. SỨ ĐIỆP KITÔ GIÁO VỀ SỰ SỐNG – NẺO ĐƯỜNG ĐỐI THOẠI VỚI VĂN HÓA BẢN ĐỊA

Dân tộc Việt Nam ngay từ khởi thủy đã ý thức tìm về nguyên ủy sự sống, nguồn cội phát sinh dân tộc. Các thị tộc mẫu hệ thời sơ khai tôn thờ vật tổ như nguồn cội phát sinh dân tộc. Truyền thuyết cha Rồng – mẹ Chim của người Việt cổ phản ánh rõ nét tín ngưỡng này. Đến thời kỳ tiếp biến văn hóa Trung Hoa, chính Nho giáo là nhân tố định hình và phát triển tín ngưỡng bản địa thành hệ thống đạo lý chi phối đời sống xã hội và tinh thần dân tộc Việt Nam. Từ yếu tố văn hóa ngoại lai, Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo dần hội nhập và tiếp biến để trở thành những bản sắc văn hóa của dân tộc. Đến đầu thế kỷ XVI, văn hóa Kitô giáo theo chân các nhà truyền giáo du nhập vào Việt Nam nhưng cơ cấu phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng quá nặng nét phương Tây không thể dung hòa với văn hóa bản địa, cụ thể về vấn đề thờ kính tổ tiên. Trong lịch sử Giáo Hội chưa có vấn đề nào gây tranh luận kéo dài như vấn đề này, từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII (1631-1742), qua 10 đời giáo hoàng làm ảnh hưởng sâu rộng đến các xứ truyền giáo. Đặc biệt với tông chiếu “Ex Quo Singulari” (1742) của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV cấm hình thức lễ nghi tôn kính tổ tiên, đã làm tổn thương tinh thần trọng đạo hiếu – trung của dân tộc.

Đối với người Việt Nam, tôn kính tổ tiên là một trách nhiệm thiêng liêng của đạo làm con, một hình thức tín ngưỡng phản ánh tâm thức tôn giáo của tâm hồn Việt về vũ trụ và con người: Sự sống tiếp nối và dường như không có sự khác biệt giữa hai lãnh giới sống-chết, cái chết chỉ là một dạng sống mới. Như vậy, tự trong tâm thức, người Việt Nam vẫn luôn khát vọng hướng đến một sự sống viên mãn nơi thế giới vô hình. Tất cả những hình thức tín ngưỡng, tôn giáo bản địa đều chỉ nhằm thỏa mãn khát vọng sâu xa này. Và đây chính là điểm nối kết để Tin Mừng Sự Sống Kitô giáo có thể hội nhập vào bản sắc văn hóa và tâm hồn dân tộc Việt Nam. Bằng nền tảng giáo lý của mình, Kitô giáo có thể trả lời cho câu hỏi về nguyên ủy sự sống bằng một thực tại cụ thể, mang tính ngôi vị là chính Đức Kitô. Lòng kính ngưỡng sự sống của dân tộc Việt Nam phán ánh qua tâm thức thần hóa, khám phá nguyên ủy sự sống nơi những thực tại bên ngoài mà bỏ quên giá trị sự sống mang tính nhân vị. Và đây là điểm khiếm khuyết mà Kitô giáo có thể bổ khuyết, củng cố và phát triển. Tin Mừng Sự Sống Kitô giáo với trung tâm điểm là Đức Kitô – Lời ban Sự Sống sẽ là nền tảng luân lý định hướng cho việc tôn trọng phẩm giá, nhân vị và sự sống con người trong xã hội Việt Nam hôm nay.

1. Thiên Chúa – nguyên ủy sự sống

“Sự sống của con người là thánh thiêng, bởi vì ngay từ nguồn gốc nó bao hàm “hành động sáng tạo của Thiên Chúa” và mãi mãi nằm trong một mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu cánh duy nhất của nó”.[28]Như vậy đối với Kitô giáo, sự sống không còn là một ý niệm phổ quát, ngoại tại nhưng là một thực tại mang tính ngôi vị cụ thể. Con người được tạo dựng vì chính mình và mỗi nhân vị là một phản ánh sống động về chính Thiên Chúa, nguyên ủy sự sống. Con người không có quyền trực tiếp can thiệp vào hành vi hủy diệt sự sống vì sự sống là giá trị thánh thiêng phản ánh chính sự bất khả xâm phạm của Đấng Tạo Hóa (x. St 1, 26-28).

Kinh nghiệm lịch sử cứu độ cho chúng ta thấy rằng những biến cố Cựu Ước chính là hình ảnh tiên báo và cuối cùng được hoàn trọn nơi chính Đức Kitô. Sứ điệp về Sự Sống đã được chuẩn bị ngay trong Cựu Ước với biến cố Xuất Hành, trọng tâm kinh nghiệm đức tin của dân tộc Israel. Trước mối đe dọa tàn sát tất cả hài nhi sơ sinh của vua Pha-ra-ô và sự giải thoát đầy yêu thương của Thiên Chúa, dân Israel nhận ra rằng: sự sống khởi phát từ chính Thiên Chúa và con người không ai không có quyền định đoạt về sự sống của chính mình và của người khác. Kinh nghiệm này lớn dần trong tương quan tín trung với Thiên Chúa. Dân Israel nhận biết được rằng, chính Thiên Chúa là nguồn cậy trông và là Chủ Tể sự sống “Tất cả những vật Chúa ban đều tốt trong thời chúng; Chúa đã đặt trong lòng chúng tổng số thời gian” (x Gv 3,11).

Sự sống con người là một điều thiện hảo vượt xa sự sống của bất kỳ sinh vật nào. Dù được tạo nên từ bụi đất (x. St 2,7; 3,19; Tv 103) nhưng con người là họa ảnh biểu lộ vinh quang Thiên Chúa, là dấu chỉ về sự hiện diện của Người (x. St 1, 26-27; Tv 8, 6). Con người được trao ban phẩm giá trổi vượt vì có sự nối kết mật thiết giữa con người và Đấng Tạo Hóa nên mình. Chính sự nối kết này là dấu ấn thần linh thôi thúc con người vươn đến nguồn mach sự sống phát sinh chính mình là Thiên Chúa.

Bằng cách trình bày tổng quát nền tảng sự sống trong Kinh Thánh như lối mở tiếp cận, kết nối với giá trị sự sống trong văn hóa bản địa. Từ tín ngưỡng Tô-tem vật tổ, tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp cho đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ý thức tôn trọng sự sống là một thực tại minh nhiên trong tâm thức dân tộc Việt Nam.

Từ cảm thức bất lực trước sức mạnh tự nhiên, dân tộc Việt Nam thuở ban sơ đã cảm nhận có một hồn sống hiện hữu và chi phối cuộc sống con người. Vì vậy, tất cả thế giới hiện tượng được quy gán thành những vị thần có thể chở che, bảo vệ. Và tín ngưỡng nhiên thần xuất hiện. Nhưng cuộc sống gắn liến với thiên nhiên của cư dân nông nghiệp khiến các tộc Việt thuở ban sơ nhận ra rằng: sự sống không phải là một thực tại ngẫu nhiên nhưng có sự tiếp nối liên tục qua việc truyền sinh như quy luật tất yếu của vũ trụ. Tâm thức này dần ăn sâu và phát triển thành một hình thức tín ngưỡng đặc trưng của văn hóa nông nghiệp lúa nước là tín ngưỡng phồn thực.

Tín ngưỡng phồn thực quan niệm có một sức mạnh siêu nhiên là nguyên ủy phát sinh sự sống. Tín ngưỡng này bị chi phối bởi vũ trụ luận phương Đông về âm-dương lưỡng cực. Sự hòa điệu âm dương trong quan niệm Đông phương là căn nguyên sự sống. Bất lực trước sức mạnh tự nhiên, lý trí con người có xu hướng trừu xuất thành những ý niệm phổ quát để kính ngưỡng tôn thờ. Vì vậy, tín ngưỡng phồn thực đã biểu tượng hóa giá trị sự sống thành một sức mạnh ngoại tại chi phối cuộc sống con người. Tâm thức này khiến các tín ngưỡng bản địa mang nặng màu sắc lễ nghi thờ phượng mà thiếu đi chiều kích nhân vị, phẩm giá con người vẫn chưa có một vị trí xứng đáng trong lãnh giới tinh thần và thiết chế xã hội phong kiến Việt Nam. Vì vậy, Kitô giáo với chủ thuyết nhân vị là một đóng góp quan trọng cho việc thăng tiến giá trị con người. Kitô giáo đem đến một nhãn quan hoàn toàn mới khi trình bày con người là một hữu thể cứu cánh tại thân và mọi nhân tố ngoại tại chỉ có giá trị trong mối tương quan với con người. Sự sống là giá trị thánh thiêng bởi nó được gắn kết với con người như một họa ảnh của Thiên Chúa. Nếu tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa bản địa quan niệm sự sống như một sức mạnh ngoại tại mà con người phải kính ngưỡng thì Kitô giáo đưa văn hóa Việt Nam trở về giá trị căn bản là con người.

a/. Chiều kích nhân vị – sự đóng góp của Kitô giáo

Thực tại về con người là vấn nạn của lịch sử: con người là ai? Có rất nhiều quan niệm khác nhau về nó. Nhưng tất cả chỉ là những ý niệm cực đoan thái quá khi tán dương con người như một chuẩn mực tuyệt đối hay tiêu cực yếm thế khi tỏ ra hoài nghi, lo lắng về ý nghĩa hiện hữu của con người. Giáo Hội được đón nhận mặc khải từ chính Thiên Chúa có trách nhiệm trình bày những nền tảng chân lý đức tin về thân phận và giá trị đích thật của con người, những yếu hèn và cả phẩm giá bất khả xâm phạm.

Kinh thánh Kitô giáo xác định con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Dựng nên mình và được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất (St 1, 26; Kn 2, 23) để cai trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa (Hđ 17, 3-10).[29]

* Con người là thực tại hợp nhất hồn và xác

Xét về thể xác con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Nhờ con người những yếu tố ấy đạt đến tuyệt đỉnh và tự do nội tại của chúng là chính Đấng Tạo Hóa (Đn 3, 57-90). Vì vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác nhưng trái lại phải tôn trọng vì đó là công trình sáng tạo yêu thương của Thiên Chúa. Thân xác sẽ phục sinh trong ngày sau hết để hiệp nhất trong sự sống viên mãn là chính Thiên Chúa. Hơn nữa, niềm tin Kitô giáo khi nhìn nhận có một linh hồn thiêng liêng, bất tử, con người không thể bị mê hoặc bởi một thứ ảo ảnh phát sinh do những điều kiện vật lý và xã hội nhưng không ngừng được thôi thúc tìm đến nguyên ủy sự sống là Thiên Chúa.[30]

* Con người có phẩm giá, lý trí và tự do để kiện toàn công trình tạo dựng của Thiên Chúa

Con người là thực thể cao quý, trổi vượt trên các loài thụ tạo khác bởi con người được thông dự vào ánh sáng trí tuệ của Thiên Chúa. Bản chất tri thức con người phải được kiện toàn nhờ sự hiểu biết.[31]Chính sự hiểu biết này lôi kéo một cách dịu dàng tâm trí con người tìm kiếm và yêu mến những gì là chân, thiện, mỹ. Hơn nữa, tận đáy sâu tâm hồn con người được Thiên Chúa phú bẩm một lề luật thánh hướng dẫn con người yếu mến và thi hành điều thiện cũng như xa tránh việc gian tà. Tuân theo lề luật ấy chính là thể hiện phẩm giá của con người. Lương tâm là điểm sâu kín nhất và là cung thánh nơi con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ. Như vậy theo niềm tin Kitô giáo, phẩm giá con người gắn liền với ý chí tuân phục lương tâm trong sự tự do. Con người sẽ đạt đến phẩm giá đích thật mà Thiên Chúa phú bẫm một khi nhờ sự tự giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê và hướng đến sự toàn hảo là chính Thiên Chúa.

* Con người là hữu thể có cứu cánh tại thân

Trước cái chết, bản năng sinh tồn dày vò con người trong đau khổ và suy nhược bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời. Mầm sống vĩnh cửu nơi con người không thể giản lược vào nguyên vật chất, nên có xu hướng chống cưỡng lại sự chết. Nhưng Giáo Hội được Mạc Khải từ Thiên Chúa quả quyết rằng con người được Thiên Chúa dựng nên để đạt đến cứu cánh hạnh phúc.[32] Hơn nữa đức tin Kitô giáo còn dạy rằng chính tội lỗi gây nên sự chết nhưng sự chết bị đánh bại dưới ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô. Và con người được mời gọi thông hiệp vào sự sống vĩnh cữu của Người.

Như vậy, giáo lý đức tin Kitô giáo về phẩm giá con người là nền tảng vững chắc có thể định hướng và bổ khuyết chiều kích nhân vị trong tín ngưỡng bản địa tại Việt Nam. Tâm thức tôn trọng sự sống trong tín ngưỡng phồn thực chỉ là trực cảm tự nhiên của con người trước sức mạnh của tự nhiên mà thiếu đi nền tảng siêu hình. Không lý giải được những bí ẩn kỳ diệu của sự sống. Các dân tộc Việt sơ khai đã trừu xuất giá trị sự sống ra khỏi con người và biểu tượng hóa thành một sức mạnh vô hình. Như vậy sự sống trở nên thành phần tách biệt, trổi vượt hơn những giá trị nội tại của con người. Và đây chính là khiếm khuyết mà chủ thuyết nhân vị của Kitô giáo có thể củng cố và hoàn thiện. Kitô giáo không phủ nhận những gì thuộc về bản sắc văn hóa nhưng cố gắng kết nối những giá trị này vào một thực tại cụ thể là con người. Sự sống không phải là một nhân tố ngoại tại, tách biệt nhưng là một thành phần cố kết của con người. Lập trường Kitô giáo về con người không chỉ củng cố cho những giá trị văn hóa bản địa mà còn có thể định hướng cho những thách đố về sự sống trong xã hội hôm nay. Khi sự sống bị nhìn nhận là một khách thể, tách biệt thì con người dễ lạm dụng và thao túng cho những mục đích khác nhau.

b/. Tôn trọng và yêu quý sự sống – một yêu sách tuyệt đối

Sự sống của con người từ Thiên Chúa mà đến, đó là ân huệ, là hình ảnh và dấu ấn của Người. Thiên Chúa là Chủ Tể duy nhất của sự sống này: con người không thể định đoạt về nó.

Chính Thiên Chúa đã nhắc lại cho ông Nô-e sau Đại Hồng Thủy: “Từ máu ngươi, là chính mạng sống ngươi. Ta sẽ đòi trả lẽ… với mọi người: với từng người, Ta sẽ đòi trả lẽ về mạng sống anh em mình” (St 9,5).[33] Bản văn Kinh Thánh đã nhấn mạnh tính cách thiêng liêng của sự sống, có cơ sở nơi Thiên Chúa và nơi hành động sáng tạo của Người vì “con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa” (St 9,6) và “chính Chúa nắm trong tay hồn của mọi sinh linh và hơi thở của mọi xác phàm” (J 12,10).

Sự sống là giá trị thánh thiêng bất khả xâm phạm được khắc ghi từ thưở ban đầu trong lương tâm mỗi người. Câu hỏi: “Ngươi đã làm gì?” (St 4,10) mà Thiên Chúa chất vấn Cain sau khi hắn ra tay giết chết chính người em mình là Aben diễn tả kinh nghiệm: nơi đáy sâu lương tâm, mỗi con người luôn được nhắc nhở về tính bất khả xâm phạm của sự sống bản thân và người khác, vì nó là sở hữu và ân ban của Đấng Tạo Hóa.[34]

Khi trả lời cho câu hỏi của người thanh niên giàu có: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Đức Kitô đã đưa một yêu sách tuyệt đối về giá trị sự sống: “Các ngươi đã nghe người xưa bảo: chớ giết người; kẻ giết người thì sẽ can án. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai tức giận anh em mình thì sẽ bị can án” (Mt 5, 21-22). Như vậy, niềm tin kitô giáo không chỉ xem con người là trung tâm của công trình tạo dựng mà còn xác định trách nhiệm tôn trọng và yêu quý sự sống là một yêu sách tuyệt đối dành cho tất cả mọi người vì qua Mầu Nhiệm Nhập Thể chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã kết hiệp chính mình với bất kỳ con người nào.[35]

Tín ngưỡng bản địa tôn vinh sự sống như một sức mạnh siêu nhiên nhưng thiếu một nền tảng thần học về nguyên ủy và cùng đích. Vì vậy, tín ngưỡng bản địa không thể đẩy tâm thức kính ngưỡng sự sống của người Việt Nam thành một yêu sách tuyệt đối. Hơn nữa giá trị sự sống trong tín ngưỡng bản địa là một thực thể ngoại tại, tách biệt nên chưa ăn sâu, bám rễ trong lối sống của người Việt Nam. Vì vậy, xã hội Việt Nam suốt chiều dài lịch sử thống trị của thể chế phong kiến, sự sống con người vẫn bị xem thường và giá trị nhân phẩm, đặc biệt của người phụ nữ, vẫn chưa được tôn trọng xứng đáng. Một tín ngưỡng thuần trực cảm tự nhiên chắc chắn sẽ không không thể đứng vững trước sự thay đổi và phát triển của lịch sử, đặc biệt khi nó chưa có những đóng góp cụ thể cho việc thăng tiến phẩm giá con người. Và đây chính là cánh cửa đối thoại mà Kitô giáo có thể đóng góp về chiều kích nhân vị và phẩm giá trong tín ngưỡng và văn hóa bản địa. Con người là thụ tạo có tự do và nhân phẩm trổi vượt bởi được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa. Vì vậy, Kitô chân xác rằng sự sống không phải là thực thể tách biệt khỏi con người nhưng là một thành phần sống động, không thể tách rời. Tôn trọng sự sống phải đi liền với tôn trọng phẩm giá. Mọi thủ đoạn thao túng sự sống là hành tội ác chống lại con người trong tính toàn bộ của nó.

Nếu khát vọng tìm về nguyên ủy sự sống là tâm thức chi phối mọi hình thức tín ngưỡng bản địa – từ tín ngưỡng phồn thực cho đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một bước nhảy trong lãnh giới tinh thần, từ hình thức liên minh cộng đồng nguyên thủy tiến lên hình thức liên kết gia đình sơ khai, từ chế độ mẫu hệ tiến đến thời kỳ phụ hệ gắn liền với quá trình tiếp biến văn hóa Trung Hoa, từ việc tôn vinh giá trị sự sống như một thực thể ngoại tại, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bắt đầu quay trở về đời sống nội tâm khám phá giá trị sự sống như một thực tại gắn liền với đời sống của con người. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phản ánh sự tiếp nối sự sống giữa thế giới người sống và người chết trong mối dây liên hệ, gắn bó về mặt huyết thống nhưng tín ngưỡng này vẫn chưa thể trả lời cho câu hỏi về nguyên ủy phát sinh sự sống. Và Kitô giáo có thể trả lời cho vấn nạn này bằng nền tảng đức tin của mình: chính Thiên Chúa là nguyên ủy sự sống được thể hiện cụ thể, cách ngôi vị qua Đức Giêsu Kitô – Lời ban Sự Sống.

2. Đức Kitô – Lời Sự Sống

“Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống” (x. 1 Ga 1,1).

Đức Kitô chính là Lời Sự Sống được mặc khải cho con người ngay trung tâm sứ mệnh cứu thế của Người: “Ta đến cho họ được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10). Sự sống “mới” đã được khai mở và con người được mời gọi thông hiệp trong chính nguồn sống viên mãn của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính trong sự sống này mà mọi giây phút hiện hữu và mọi chiều kích sinh tồn của con người trên trái đất này đều mặc lấy một ý nghĩa vĩnh cữu vì con người được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa.

Tin Mừng về Sự Sống không phải là một suy tư đơn thuần nhưng là một thực tại cụ thể, mang tính ngôi vị. Tin Mừng ấy là chính Đức Kitô – Lời ban Sự Sống. “Thầy là Đường, là Sự Thật và Sự Sống” (x. Ga 14, 60). Một lần nữa, chính Đức Giêsu đã mặc khải chính mình với Martha, chị của Lazarô: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Thầy, dù kẻ ấy có chết cũng sẽ sống và bất kỳ ai sống và tin Thầy, sẽ không chết bao giờ” (x. Ga 11, 25-26). Đức Kitô chính là nguồn mạch sự sống và bất kỳ ai tin vào người sẽ có khả năng nhận biết chân lý toàn vẹn về giá trị sự sống của con người. Con người chỉ có thể đạt đến sự sống viên mãn khi biết kết hiệp nên một với căn nguyên sự sống phát sinh chính mình. Chính chân lý kỳ diệu này đã khoác lên thân phận yếu hèn của con người một giá trị thánh thiêng, bất khả xâm phạm.

Tin mừng về Sự Sống này đã được ghi khắc vào tâm khảm con người ngay từ những giây phút hiện hữu đầu tiên và chính Đức Kitô bằng “tất cả sự hiện diện và biểu lộ về chính mình qua lời nói và việc làm, bằng dấu chỉ và phép lạ, và đặc biệt nhất, là bằng sự chết và phục sinh vinh hiển của Người để lôi kéo chúng ta ra khỏi chốn tối tăm tội lỗi và sự chết, và phục sinh ta cho chúng ta được sự sống đời đời”.[36] Vì vậy, bất kỳ sự can thiệp nào của con người nhằm thao túng sự sống đều là hành vi chống cưỡng lại ý định tốt lành ban đầu của Thiên Chúa. Mặc khải về Lời Sự Sống là chính Đức Kitô đã khẳng định sự linh thánh về sự sống thể lý và thiêng liêng của con người, ngay trong hành trình trần thế, đã nhận đầy đủ giá trị và ý nghĩa của nó: là được mời gọi vươn đến sự sống vĩnh cửu đích thật là chính Thiên Chúa.

Bằng chính cuộc đời của mình, Đức Giêsu cho chúng ta thấy mối liên hệ biện chứng giữa kinh nghiệm bấp bênh về sự sống và sự khẳng định giá trị của sự sống đó. Sự sống của Đức Giêsu được ghi dấu bằng sự bấp bênh ngay từ lúc Ngài sinh ra. Bị con người từ chối “không còn chỗ nào trong quán cho hai ông bà” (x. Lc 2,7), bị đe dọa bởi những thế lực thù địch đang tìm cách “giết hài nhi” (x. Mt 2,13), nhưng chính trong sự bấp bênh đó, quyền năng Thiên Chúa được tỏ lộ cách mạnh mẽ: sự sống sinh ra đây là ơn cứu độ cho nhân loại (x. Lc 2,14).

“Giàu có như Ngài mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khổ, ngõ hầu anh em nên giàu có nhờ sự khó nghèo của Ngài” (x. Cr 8, 9). Sự nghèo khó của Đức Giêsu mà thánh Phaolô diễn tả ở đây không chỉ là trút bỏ những đặc ân của thần tính mà còn là chia sẻ cảnh sống thấp hèn nhất, bấp bênh nhất của đời người (x. Ph 2, 6-7).[37] Đức Giêsu không chỉ đón nhận mà còn liên lụy trong những bấp bênh của cuộc sống con người để đến giây phút cuối cùng trên thập giá, người đã kiện toàn và phục hồi giá trị sự sống viên mãn bởi việc Ngài tự hiến trên thập giá đã trở nên nguồn sống mới cho con người (x. Ga 12,32). Khi Ngài đối diện với những thế lực chống đối muốn hủy diệt sự sống của chính Ngài, Đức Giêsu không chút sợ hãi bởi niềm tin tưởng chắc chắn sự sống của Ngài lệ thuộc trong tay Chúa Cha. Vì thế, trên cây thập giá, Đức Giêsu đã thưa lớn tiếng: “Lạy cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (x. Lc 23,46). Lời trần tình cuối cùng của Đức Giêsu mặc khải cho con người: chính Thiên Chúa là nguyên ủy sự sống và Đức Kitô là Lời ban Sự Sống vì qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, giá trị sự sống của con người được kiện toàn và trả về ý nghĩa đích thực của nó: vươn đến sự sống sung mãn nơi Thiên Chúa. Với nền tảng đức tin của mình, rõ ràng Kitô giáo có thể hội nhập và đóng góp vào sự hoàn thiện những giá trị tinh thần trong bản sắc văn hóa Việt Nam, nhất là khả năng củng cố cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên một giá trị kiện toàn về nguyên ủy sự sống.

a/. Đức Kitô – kiện toàn giá trị sự sống con người

Thờ cúng tổ tiên phản ánh quan niệm tâm linh của người Việt Nam về thế giới. Khởi từ nhận thức vạn vật hữu linhmọi vật đều có linh hồn, một hình thức tín ngưỡng nhiên thần sơ khai, dần dần những vị thần tự nhiên được nhân cách hóa bằng những huyền thoại tạo ra một bước chuyển cho việc tiến lên hình thành tín ngưỡng nhân thần. Rõ ràng khoảng cách giữa con người và thế giới hiện tượng đang được rút ngắn lại trong tâm thức người Việt. Đây chính là giai đoạn con người bắt đầu khám phá về bản thân mình. Đến một thời điểm nào đó, mối quan hệ giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình, giữa cái sống và cái chết trở thành vấn nạn cho con người. Người Việt Nam với quan niệm vật linh, tin rằng trong mỗi con người có phần hồnxác. Không có ý thức cao siêu “sống gửi thác về” (thiên đàng – hỏa ngục) của Kitô giáo hay chủ thuyết luân hồi đầu thai của Phật giáo, nhận thức dân gian quan niệm cách đơn giản, thể xác và linh hồn vừa gắn bó vừa tách biệt, gắn bó khi sống và phân tách khi chết: thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng linh hồn vẫn tồn tại và chuyển sang sống ở một thế giới khác. Thế giới ấy được gọi bằng những tên gọi khác nhau: cõi ma của người Mường hay âm phủ theo cách nói của người Việt. Như vậy, người Việt Nam ngay từ buổi đầu đã có ý thức về sự tiếp nối sự sống từ thế giới hữu hình sang thế giới vô hình nhưng đó chỉ là những ý niệm trừu tượng phổ quát mà con người phóng tưởng, biểu hiện cụ thể qua nghi thức tôn thờ vật tổ của tín ngưỡng Tôtem, kính ngưỡng sinh thực khí, biểu tượng sự sống trong tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp và hiện tượng âm phù – người chết phù trợ cho người sống- trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Âm phủ – thế giới vô hình trong quan niệm người Việt chỉ là sự tiếp nối cuộc sống dương thế. Cõi âm cũng có tất cả mọi nhu cầu như cuộc sống dương gian. Khi con người không thể không thể hiểu rõ về thế giới vô hình sau khi chết, người ta chỉ tưởng tượng dựa trên nền tảng của thế giới hữu hình. Một sự phóng tưởng không đặt trên nền tảng giáo lý, đức tin nên chưa thể thỏa mãn những khát vọng sâu xa của con người về nguồn gốc sự sống và cuộc sống con người sau khi chết. Đây chính là những cánh cửa đối thoại mà Kitô giáo, với nền tảng đức tin về Thiên Chúa như nguyên ủy sự sống và Đức Kitô là cứu cánh kiện toàn giá trị sự sống con người, có thể góp phần củng cố những giá trị tốt đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam, cụ thể là lòng kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống.

Kitô giáo xác định có sự sống đời đời sau khi con người kết thúc cuộc sống trần thế. Sự sống viên mãn ở đây không phải là thực thể mơ hồ, một sự phóng tưởng nhị nguyên tách biệt giữa thế giới hữu hình và vô hình nhưng được biểu hiện cụ thể nơi chính Đức Kitô là sự sống viên mãn- “Ai tin vào Ta sẽ được sự sống đời đời” (Ga 11,2 6). Chính Đức Kitô là Đấng từ trời xuống để ai tin vào Người sẽ có ánh sáng ban sự sống (Ga 8,12). Bất cứ ai tin và kết hiệp nên một với Người sẽ có sự sống đời đời vì chính bởi Ngài mà người ấy hiểu được những lời mạc khải và thông ban sự sống sung mãn cho cuộc đời mình,[38] đó là “Lời ban sự sống đời đời” mà thánh Phêrô đã tuyên tín: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy có những lời đem đến sự sống đời đời. Và chúng con tin và nhận biết rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69). Nhận biết Thiên Chúa và Con của Ngài là tiếp nhận mầu nhiệm hiệp thông tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần vào đời sống của ta và ngay trong hiện tại đã hướng mở về cuộc sống mai hậu. Vì vậy, chân lý sự sống theo Kitô giáo, không chỉ gắn liền với nguồn cội phát sinh là Thiên Chúa mà còn nối kết vào cùng đích, vào vận mệnh của nó là được hiệp thông với Thiên Chúa, qua trung gian duy nhất là Đức Kitô. Rõ ràng, Kitô giáo chính là nền tảng siêu hình vững chắc có thể củng cố tính hướng đích của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở cả hai chiều kích: nguyên ủy sự sống là chính Thiên Chúa và cứu cánh kiện toàn là chính Đức Kitô.

b/. Tin Mừng Sự Sống Kitô giáo – một giá trị phổ quát

Nếu con người tự bản chất vốn yêu sự sống và vì sự sống là một điều thiện hảo, thì tình yêu này còn tìm thấy một động lực, một sức mạnh, một mức độ sâu rộng trong những chiều kích thần linh của thiện hảo này. Theo viễn ảnh ấy, tình yêu đối với sự sống không chỉ giới hạn vào một không gian tương quan mang tính cá biệt nhưng tình yêu Kitô giáo mời gọi con người mở rộng tình yêu ấy trong mọi chiều kích để sự sống thật sự là nơi chốn gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống mà Chúa Giêsu trao ban cho ta không làm giảm giá trị cuộc sống ta trong thời gian, nhưng đón nhận giá trị ấy và dẫn đưa nó tới vận mệnh cánh chung: Ta là sự sống lại và là sự sống, ai sống và tin Ta sẽ không chết bao giờ (Ga 11, 25-26).[39]

Giới luật “ngươi chớ giết kẻ vô tội, người ngay lành” (Xh 23, 7) được ghi khắc trong giao ước Sinai đã khẳng định tính bất khả xâm phạm của sự sống trong Cựu Ước nhưng chưa đạt đến độ tinh tế và phổ quát của tình yêu. Vì vậy, chính Đức Giêsu đã đẩy Tin Mừng Sự Sống của Cựu Ước – bảo vệ và quan tâm đến những người có cuộc sống yếu kém và bị đe dọa: ngoại kiều, bà góa, kẻ mồ côi, người nghèo khổ, cả đến sự sống trước khi được sinh ra (x. Xh 21; 22) – đến một một chiều kích phổ quát: không chỉ giới hạn ở trách nhiệm trên cùng một dân tộc nhưng hướng đến người ngoại quốc, khách ngoại kiều và cả những kẻ thù. Người ngoài sẽ không còn là người ngoài nữa khi con người nhận thấy mình có trách nhiệm trên sự sống của người khác như dụ ngôn về Người Samari nhân hậu. Kẻ thù không còn là kẻ thù nữa đối với những ai quyết tâm yêu thương họ (Mt 5, 38-40; Lc 6, 27-35). “Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy mến yêu thù địch và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ các con, ngõ hầu các con trở nên những người con của Cha trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ người lành, và làm mưa trên người ngay kẻ ác” (Mt 5, 44-45). Như vậy, tình yêu Kitô giáo đòi buộc một thái độ tôn trọng và yêu thương tất cả mọi người và mọi sự sống. Vì mỗi người đều là phản ánh chính sự sống của Thiên Chúa và đều được mời gọi thông dự vào sự sống viên mãn mai hậu “vinh quang của Thiên Chúa là con người sống nhưng sự sống của con người là chiêm ngưỡng Thiên Chúa”.[40]

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất hiện từ hình thức liên kết gia đình sơ khai phụ hệ khi người đàn ông bắt đầu nắm giữ quyền hành quản lý gia đình và là thành phần quan trọng trong hoạt động xã hội. Vợ và con gái phải tuyệt đối phục tùng và tôn trọng cái uy quyền mà xã hội đã xác lập khi người đàn ông còn sống cũng như khi qua đời. Và những đứa con mang họ cha đã kế tiếp ý thức về uy quyền và phải chăng các nghi thức ma chay, cúng tế tổ tiên, theo nhà nghiên cứu xã hội X.A Tôkarep chính là “hình thức phản ảnh hoang đường quyền hành gia trưởng trong mỗi gia đình”.[41] Đến khiNho giáo du nhập vào Việt Nam với những học thuyết có tính lý luận về gia đình – tế bào của xã hội và Nho giáo đề cao việc tề gia như một nấc thang của quá trình tu thânđạo hiếu là biểu hiện của đức nhân. Kết cấu gia đình Nho giáo trở thành mảnh đất thuận lợi để tín ngưỡng thờ tổ tiên tồn tại và phát triển. Nho giáo đã đóng góp trong việc hệ thống hóa tín ngưỡng này thành một hệ thống đạo lý chi phối đời sống xã hội Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó Nho giáo đã làm mất đi tính phổ quát của sự sống trong tâm thức người Việt. Từ tín ngưỡng vật tổ xem sự sống như một sức mạnh siêu nhiên phổ quát, trừu tượng, giờ đây tín ngưỡng thờ tổ tiên, dưới ảnh hưởng của Nho giáo, đã đưa văn hóa Việt Nam trở về đời sống nội tâm khám phá giá trị sự sống như một thực tại gắn liền với đời sống của con người nhưng bị giới hạn trong quan hệ huyết thống gia đình, dòng tộc, làng xã. Quan niệm này kết hợp với đời sống tiểu nông, làng xã khép kín của cơ cấu xã hội Việt Nam thời xưa dần tạo nên tính cách tư hữu khép kín trong lối sống người Việt. Vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ tồn tại trong cơ cấu gia đình cơn bản, mở rộng là hình thức thờ Thành Hoàng trong phạm vi làng xã. Quan hệ sự sống chỉ phát triển theo chiều dọc huyết thống mà thiếu tương quan xã hội chiều ngang. Và đây chính là điểm mà Kitô giáo có thể bổ khuyết bằng nền tảng đức ái của mình. Mọi nhân vị đều bình đẳng về nhân phẩm và đức ái Kitô giáo đòi buộc một tình yêu huynh đệ, phổ quát vượt thoát khỏi giới hạn của quan hệ huyết thống, gia đình, làng xã, quốc gia,…

KẾT LUẬN

Với lối tiếp cận theo tiến trình lịch sử nhằm trình bày một cái nhìn tổng quát về giá trị sự sống trong văn hóa Việt Nam. Một biểu tượng, một nét đẹp, một bản sắc, tất cả chỉ nhằm hướng đến làm rõ chủ đề: Việt Nam – một dân tộc yêu sự sống. Sự sống là thực tại vốn gắn liền với những cư dân nông nghiệp cả cuộc đời hòa điệu với thiên nhiên. Sự sống là mẹ đất, là sông núi, là những gì gần gũi, gắn bó với con người. Sự sống là hòa điệu âm dương, là hội tụ nguyên khí đất trời. Sự sống là điểm nối kết giữa thực tại hữu hình và thế giới vô hình. Sự sống là quà tặng của Đấng Tạo Hóa, là cùng đích viên mãn của ý nghĩa hiện hữu. Chuỗi kết nối liên tục phản ánh tâm thức kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống trong bản sắc văn hóa Việt Nam từ tín ngưỡng bản địa đến các giá trị văn hóa ngoại lai, từ tín ngưỡng vật tổ sơ khai đến giá trị văn hóa Kitô giáo rực rỡ. Nhưng hôm nay giá trị đó đang bị đe dọa bởi những nổ lực thao túng sự sống con người bằng các lý lẽ biện minh khác nhau. Thực trạng đó đang làm tổn thương tâm thức kính ngưỡng sự sống trong bản sắc văn hóa Việt Nam và mời gọi nổ lực dấn thân của người Kitô hữu trong trách nhiệm bảo vệ sự sống con người. Tin Mừng Sự Sống, trung tâm sứ điệp rao giảng của Đức Kitô phải được trình bày như một thành trì vững chắc nhằm bảo vệ và thăng tiến sự sống con người từ những giây phút đầu tiên cho đến khi từ giã cuộc đời. Sự sống con người tự bản chất là thánh thiêng bởi vì ngay từ nguồn gốc đã bao hàm “hành động sáng tạo của Thiên Chúa” và mãi mãi nằm trong mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu cánh duy nhất của nó. Duy chỉ Thiên Chúa là Chủ Tể Sự Sống ngay từ giây phút khởi đầu cho đến khi kết thúc: không ai trong bất kỳ trường hợp nào có thể đòi cho mình quyền trực tiếp hủy diệt một con người vô tội. [42] Nền tảng giáo lý này cần được thấm nhuần không chỉ trong lương tâm của mỗi con người mà còn được triển nở trong những giá trị văn hóa vốn ẩn chứa những điều thiện hảo. Lòng kính ngưỡng sự sống trong văn hóa Việt Nam được hình thành dựa trên những trực cảm tự nhiên của con người về vũ trụ. Những trực cảm này được cố kết thành những giá trị tinh thần chi phối đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Và giờ đây, bản sắc văn hóa này cần được nối kết và triển nở trong những giá trị Tin mừng Kitô giáo về phẩm giá và sự sống. Một xu thế hội nhập cần thiết để có thể trả lời cho những vấn nạn về con người, đặc biệt là vấn nạn về sự sống đang tồn hiện trong xã hội Việt Nam hôm nay.

 

 


[1] Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, vui mừng và hy vọng, số 22.

[2] Hiến chế mục vụ Vui mừng và hy vọng, số 27.

[3] Trích lược nội dung sứ điệp của Liên Hội đồng Giám mục A Châu họp tại Deajon, Hàn Quốc, từ ngày 17 đến 23 tháng 08 năm 2004

[4] Hiến chương Quyền gia đình do Tòa Thánh công bố: báo Osservatore Romano, 25-11-1983.

[5] Ngô Đức Thịnh chủ biên, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2001), tr. 28.

[6] Ngô Đức Thịnh chủ biên, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2001), tr. 344.

[7] Điển tích: ông Đùng, bà Đà là hai chị em. Họ đã lớn tuổi mà vẫn chưa nên vợ nên chồng. Một hôm, cả hai nảy ra ý định đi quanh núi nếu gặp ai sẽ nên vợ nên chồng, nhưng đi mãi vẫn không gặp được người nào, nên cuối cùng họ đành kết duyên vợ chồng. Điển tích này diễn xướng vào ban đêm tái diễn những hình phạt của nhà vua vì tội loạn luân, một biểu hiện cụ thể của luân lý Nho giáo

[8] Tôcarép, Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 1994), tr. 34.

[9] Lễ hội múa Mo khai hội ngày 6 tháng 2 âm lịch tại Sơn Đông (Hà Tây). Vật dâng cúng gồm báng dầy và bánh cuốn, biểu tượng sinh thực khí nam và nữ. Sau nghi lễ phồn thực, một người tung khúc tre và mo cau để mọi người tranh cướp lấy may, còn bành dầy bánh cuốn thì đem biếu các làng lân cận. Sau đêm hội, trong ba tháng xuân trai gái được tự do luyến ái mà không bị phạt vạ theo lệ làng.

[10] Lễ hội bắt chạch trong chum khai hội mồng 6 tháng Giêng tại làng Văn Trưng (Vĩng Phúc) với trò chơi đầy tính phồn thực, trai gai vừa ôm nhau vừa bắt trạch trong chum. Ban giám khảo là các bô lão có nhiệm vụ quan sát các đôi trai gái cho họ cùng nhau phải làm được hai việc một lúc: vừa đùa nghịch, vừa cùng nhau bắt chạch.

[11] 3. Đông Phong, Về nguồn bản sắc dân tộc (TPHCM: Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001), tr.21.

[12] L. Cadierre, Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của người Việt (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 1997), tr. 40.

[13] Đặng Nghiêm Vạn, Điểm qua tình hình tôn giáo hiện nay (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1994), tr. 43.

[14] Toan Anh, Nếp cũ-tín ngưỡng Việt Nam (TPHCM: Thành Phố Hồ Chí Minh, 1992), tr. 23-24.

[15] L. Cadierre, Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của người Việt (Hà Nội: Văn Hóa Thông Tin, 1997), tr. 40.

[16] Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1994), tr.100.

[17] Ngô Đức Thịnh chủ biên, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 2001), tr. 54.

[18] Hà Thúc Minh, “Nho giáo-vấn đề lý luận và thực tiễn,” tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (2005): tr. 3.

[19] Đại Nam nhất thống chí, tập I (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1971), tr. 116.

[20] Trung Hoa hiếu văn hóa chuyên tập, bản Việt ngữ Nguồn gốc chữ “Hiếu” và giá trị hiện đại, Trương Lệ Hồng dịch (Ngũ Châu văn minh, 2004), tr. 71.

[21] Trần Trọng Sâm biên dịch, Luận ngữ viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa phương đông, Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2002, chương Dương Hóa.

[22] Hà Thúc Minh, “Chữ “Hiếu” từ tín ngưỡng phồn thực cổ xưa đến đạo đức văn minh hiện đại,” Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (2005): tr. 4.

[23] Hà Thúc Minh, “Chữ “Hiếu” từ tín ngưỡng phồn thực cổ xưa đến đạo đức văn minh hiện đại,” Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (2005): tr. 5.

[24] Kỳ Chí Tường, Phật học và văn hóa Trung Quốc (Học Lâm xuất bản xã, 2000), tr. 355.

[25] Xc. Kinh Tâm Địa Quán, quyển 2, Tứ An gồm ân cha mẹ, ân quân vương, ân chúng sinh và ân Tam bảo.

[26] Bản Việt ngữ Lễ ký-kinh điển về việc Lễ, Nhữ Nguyên biên soạn (Đồng Nai, 1996), tr. 237.

[27] Sđd, tr. 238.

[28] Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Ơn ban sự sống (22-2-1987), nhập đề, số 5.

[29] “Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay,” trong Thánh Công Đồng chung Va-ti-ca-nô II (Đà Lạt: Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện thánh PIÔ X, 1972), tr.743.

[30] Sđd, tr. 746.

[31] Đó là thứ hiểu biết của người sáng suốt, không phải chì hiểu biết chân lý mà con thưởng thức ý nghĩa thâm sâu của chân lý dù chân lý đó là những nhận xét về thiên nhiên, về bản tính con nười hay về thế giới vô hình. Người học thức chưa chắc đã có thứ hiểu biết này, trái lại, kẻ vô học, mù chữ rất có thể lại được hứ hiểu biết đó.

[32] “Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay,” trong Thánh Công Đồng chung Va-ti-ca-nô II (Đà Lạt: Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện thánh PIÔ X, 1972), tr.749.

[33] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống, số 39, tr. 134.

[34] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống, số 39, tr. 136.

[35] Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, vui mừng và hy vọng, số 22.

[36] Hiến chế Tín lý về mặc khải của Thiên Chúa Ngôi Lời Thiên Chúa, số 4.

[37] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống, số 33, tr. 124.

[38] Jean paul II, Humanae Vitae, Evangelium Vitae, Donum Vitae, bản dich Việt ngữ Gia đìnnh trong trái tim và ngôn sứ (Hà Nội: Tôn Giáo,2006), tr.132.

[39] Sđd, tr. 134.

[40] Irênê, Chống lạc giáo IV, 20,7.

[41] X.A Tôkarep, bản Việt ngữ Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 1994), tr. 233.

[42] Thánh Bộ Giáo Lý đức tin, Huấn thị Ơn ban sự sống (22-2-1987), số 5.