Chúa Nhật VIII, Thường Niên, Năm C

0
1478

Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Bài đọc: Hc 27,4-7; 1Cr 15,54-58; Lc 6,39-45.

1/ Bài đọc I: 4 Sàng rồi, trấu ở lại sàng,
nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay.

5 Có thử lửa mới biết bình thợ gốm,
nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay.

6 Xem quả thì biết vườn cây,
nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.

7 Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng:
muốn biết người, phải nghe miệng nói năng.

2/ Bài đọc II: 54 Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!

55 Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi ? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?

56 Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.

57 Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

58 Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.

3/ Phúc Âm: 39 Đức Giêsu còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố ?

40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.

41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ?

42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra,” trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !

43 “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.

44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!

45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”

——————————-

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: LÒNG CÓ ĐẦY MIỆNG MỚI NÓI RA

Con người chỉ có thể nhận xét những gì xảy ra bên ngoài, chứ không được như Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn. Vì thế, để chúng ta có thể nhận xét một người, người đó phải biểu lộ ra bên ngoài: hoặc bằng lời nói hoặc bằng hành động. Lời nói đi đôi với hành động là cách chắc chắn nhất để thuyết phục lòng người.

Các bài đọc hôm nay chú trọng đến hai cách biểu lộ này. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca chú trọng đặc biệt đến lời nói, ví nó biểu tỏ sự khôn ngoan và tính khí của một người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Côrintô tin tưởng những gì Đức Kitô đã mặc khải và chứng thực về việc sống lại. Con người được cứu thoát khỏi sự chết không bằng Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô và thực hành những gì Ngài truyền dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ những bài học khôn ngoan, cần thiết và cụ thể trong cuộc đời: Họ phải khôn ngoan sáng suốt trước khi họ có thể lãnh đạo người khác. Họ phải học biết mình để sửa chữa những nết xấu thay vì tốn thời giờ phê bình người khác. Họ phải tập luyện để có nhân đức từ bên trong thì mới có thể sinh quả tốt được.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tính khí con người biểu lộ qua lời nói       

1.1/ Phải có dịp chuyện trò mới biết ai dở ai hay: Tác giả Sách Huấn Ca dùng hai hình ảnh quen thuộc với dân chúng để dẫn chứng việc chúng ta chỉ biết rõ một người qua những gì họ nói.

(1) Giống như khi người ta sàng gạo, trấu sẽ ở lại trong sàng và gạo sẽ được thảy vào trong thùng; khi một người mở miệng nói, người ta sẽ biết ngay anh nói dở hay nói hay, suy nghĩ cẩn thận hay bạ gì nói ấy.

(2) Giống như chiếc bình được làm ra bởi người thợ gốm, phải đem thử lửa thì mới biết chiếc bình nào tốt. Chiếc bình sẽ dùng được lâu, nếu người thợ gốm chịu khó nung đất ở nhiệt độ cao. Chiếc bình sẽ dễ vỡ khi đất được nung ở nhiệt độ thấp. Cũng vậy, phải nghe một người chuyện trò, chúng ta mới biết kiến thức và sự khôn ngoan của người ấy sâu xa hay nông cạn.           

1.2/ Chớ vội khen khi người chưa lên tiếng. Giống như kinh nghiệm xem quả là biết cây: cây xấu không thể sinh trái tốt, và ngược lại, cây tốt không thể sinh trái xấu. Lời con người nói ra là kết quả của những gì tích tụ trong con người của họ: người khôn ngoan không thể thốt ra những lời nông cạn, thiếu hiểu biết; ngược lại, người nông cạn, thiêu hiểu biết, không thể thốt ra những lời khôn ngoan.

Nhiều người thích người ít nói; nhưng tác giả Sách Huấn Ca đề phòng: Người trầm tư, ít nói, chưa chắc đã là người khôn ngoan; vì có thể họ chẳng có gì để nói. Nếu muốn biết rõ họ, phải tạo cơ hội cho họ nói: “Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng; muốn biết người, phải nghe miệng nói năng.”

2/ Bài đọc II: Con người được cứu độ nhờ niềm tin vào Đức Kitô và trung thành với sứ vụ của mình         

2.1/ Lề Luật không có sức mạnh làm cho con người khỏi chết: Trong chương 15 của Thư I Côrintô, thánh Phaolô đã cắt nghĩa chi tiết hai câu hỏi: Thứ nhất, thân xác con người có sống lại không; thứ hai, nếu có sống lại thì thân xác chúng ta sẽ giống cái gì. Câu hỏi thứ nhất tương đối dễ hơn, vì chúng ta có bằng chứng sống lại của Đức Kitô. Câu hỏi thứ hai khó trả lời, vì ngay cả Phaolô cũng chưa có kinh nghiệm sống lại. Chỉ có một điều chắc chắn là : “Khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!” Thân xác của chúng ta lúc đó có Thần Khí của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài.

Lề Luật, tội lỗi, và sự chết là bộ ba có liên hệ mật thiết với nhau. Đó là lý do thánh Phaolô nói: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.” Chúng ta có thể quảng diễn hai câu này như sau:

(1) Lề Luật hành động như nhà luân lý, phải có Lề Luật thì mới có tội. Nếu không có Luật, thì cũng không có tội. Luật nhắc nhở cho con người biết điều gì là tội.

(2) Hậu quả của tội là cái chết. Con người chỉ cần cố tình phạm một tội trọng thôi là đã đủ chết rồi (Đnl 30,15-16).

(3) Vì thế, Lề Luật tuy tốt và đến từ Thiên Chúa; nhưng không có sức mạnh làm cho con người khỏi phải chết.

2.2/ Chúng ta được cứu độ nhờ niềm tin vào Đức Kitô và kiên trì làm những gì Ngài dạy bảo. Điều này thánh Phaolô đã cắt nghĩa rõ ràng trong phần đạo lý của Thư Galat và Thư Rôma. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô chỉ nói cách vắn tắt: “Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

Không giống như Thư Galat và Rôma được chia làm 2 phần rõ rệt: phần đạo lý và phần khuyên nhủ; trong thư I Corintô, hai phần này hòa lẫn với nhau. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô tiếp tục nói: “Anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.” Như thế, con người được cứu độ không chỉ bằng niềm tin vào Đức Kitô; nhưng còn bằng những việc làm để chứng tỏ niềm tin này. Chính thánh Phaolô cũng không chỉ tin vào Đức Kitô; nhưng Ngài còn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng chịu mọi gian khổ, để làm chứng cho Đức Kitô và để chu toàn sứ vụ mà Đức Kitô đã trao phó cho ngài.

3/ Phúc Âm: Hãy học biết chính mình         

3.1/ Nhà lãnh đạo phải sáng suốt: Đây là một thực tế trong cuộc đời; nhưng không mấy người nhìn ra nhu cầu cần phải sáng suốt. Cha mẹ phải hướng dẫn con mình; nhưng cha mẹ có sáng suốt đủ để hướng dẫn con cái? Người mục tử phải hướng dẫn đoàn chiên; nhưng liệu người mục tử có sáng suốt đủ để hướng dẫn đoàn chiên mình? Ngay cả người mục tử có nhận ra ai là chiên của mình đang cần sự hướng dẫn? Đức Giêsu nêu ra cho các môn đệ một hình ảnh: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” Làm sao để một người có thể trở thành nhà lãnh đạo sáng suốt?

(1) Phải học hỏi để biết: Để có kiến thức cần phải học, vì không ai có thể cho người khác điều mình không có! Hành nghề gì cũng đòi phải học hỏi và qua kỳ thi để có bằng cấp; nhưng nghề làm cha mẹ quan trọng như thế thì ít người chịu học hỏi và chẳng ai cấp bằng để hướng dẫn con cái; phần lớn đều trở nên cha mẹ cách bất đắc dĩ: khi có con là đương nhiên trở thành cha mẹ!

(2) Phải lắng nghe và học hỏi với Đức Kitô: Nguồn khôn ngoan quan trọng nhất là Kinh Thánh và những mặc khải của Đức Kitô. Đây phải là nguồn đầu tiên chúng ta phải học hỏi vì không ai có sự khôn ngoan bằng Thiên Chúa. Tại sao chúng ta không chịu học với Đức Kitô trước, mà lại đi học với Dear Abby, Dear Ann Lander, hay với Dr. Ruth? Chúng ta không phủ nhận kinh nghiệm khôn ngoan của con người; nhưng nó chỉ là nguồn phụ thuộc mà thôi. Nếu không có thời giờ, người khôn ngoan là người biết tìm tới nguồn chính yếu để học hỏi sự thật, trước khi có thể nhận ra sự sai trái từ những nguồn phụ thuộc, nếu có.

(3) Phải có cái nhìn tổng quan về cuộc đời để nhận ra đâu là điều chính yếu từ bao điều phụ thuộc; nếu không sẽ dễ dàng chú trọng vào cái phụ thuộc và bỏ qua mục đích của cuộc đời.          

3.2/ Hãy khử trừ thói quen phê bình người khác: Hầu hết các thánh nhân và các bậc thánh hiền đều khuyên con người “hãy biết mình trước.” Khi nào thấy mình thập toàn rồi, mới dám nghĩ tới việc sửa lỗi người khác, để tránh tình trạng “chân mình còn lấm bê bê; mà cầm bó đuốc mà rê chân người.”

Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ: “Sao anh thấy cái vỏ trấu trong con mắt của người anh em, mà cái thanh gỗ trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái vỏ trấu trong con mắt anh ra!” trong khi chính mình lại không thấy cái thanh gỗ trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái thanh gỗ ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái vỏ trấu trong con mắt người anh em!” Khi một người năng xét mình, họ sẽ nhận ra họ cũng có bao tội lỗi và khuyết điểm cần phải sửa, nhiều khi còn to lớn và xấu xa hơn tội của tha nhân gấp bội; nên họ cảm thấy xấu hổ khi phải phê bình người khác. Ngược lại, người không năng xét mình hay xét mình không kỹ, họ cảm thấy mình tốt lành; và vì thế, họ năng xét tội và phê bình tha nhân.           

3.3/ Cây nào sinh quả đó: Tục ngữ Việt Nam dạy: “xem quả, biết cây.” Chúa Giêsu dạy: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”

Trong tiến trình trở nên tốt, con người trải qua các thứ tự như sau:

(1) Bắt đầu từ sự hiểu biết: Để làm đúng, con người cần phải hiểu biết đúng. Lời Chúa là sự thật, sẽ chỉ dạy con người biết đường lối phải theo. Nếu hiểu biết sai lầm, sẽ không thể làm đúng.

(2) Cố gắng mang ra áp dụng: Đã học, phải hành; nếu không nó chỉ là mớ lý thuyết mà không sinh ích lợi cho con người.

(3) Thực tập lâu ngày thành thói quen tốt: Các nhà luân lý gọi thói quen tốt là nhân đức, cũng như thói quen xấu là tội. Một khi đã có nhân đức nào, con người cũng tránh được tội ngược lại với nhân đức ấy; ví dụ, khi một người đã có nhân đức khiêm nhường, người ấy cũng tránh được tội kiêu ngạo.

Chúa Giêsu có ý muốn nói: Cả hai, tội và nhân đức, đều ẩn giấu trong con người; khi cơ hội tới, chúng sẽ phát ra. Nếu lòng một người chỉ toàn nhân đức, họ không thể làm điều xấu; và ngược lại, nếu lòng một người đầy tội, họ không thể làm việc lành. 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Lời nói là hậu quả của việc học hành và tính tình của một người. Chúng ta có thể nhận ra kiến thức và tính tình của một người khi nghe họ nói.

– Lời của Thiên Chúa chính là Đức Kitô. Ngài đến để mặc khải cho con người chân lý và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng và lam theo sự chỉ dạy của Đức Kitô.

– Lãnh đạo cần phải sáng suốt và biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Để sáng suốt, chúng ta cần phải học với Chúa qua những lời khôn ngoan của Kinh Thánh và những kinh nghiệm chúng ta thu thập được trong cuộc đời.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here