PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI – P. CUỐI

0
2657

Nguyên tác: La Liturgie de L’Église của Dom Robert le Gall,
Đan viện Trưởng đan viện Sainte Anne, Kergonan

Chuyển ngữ: Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.
————————

VII. CÁC Á BÍ TÍCH

Các bí tích không làm cạn kiệt sự phong phú của những dấu chỉ thánh, qua đó Giáo Hội bước vào và làm cho tín hữu cùng bước vào đời sống của Chúa mình. Điều này Hiến chế tín lý về Giáo Hội nói tới ngay từ những dòng đầu tiên : “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”. Tính bí tích của Giáo Hội được diễn tả và có được hiệu quả qua 7 bí tích. Trong thực tế, con số bảy bí tích chỉ được xác định vào thế kỷ XII, và cho đến lúc đó, từ ngữ bí tích được dùng để chỉ mọi hoạt động thiêng thánh.

Một bí tích là một dấu chỉ thánh, hay dấu chỉ về một thực tại thánh, do Chúa Kitô thiết lập : vì có nguồn gốc thần linh nên các bí tích hoạt động khi hành vi được thi hành. Theo kiểu nói thần học thì các bí tích hoạt động ex opere operato (do sự). Còn các á bí tích là những hành vi hay những thực tại thiêng thánh thuộc về trật tự bí tích theo nghĩa rộng (xem Giáo luật 1166) : các á bí tích được thành lập, không trực tiếp do Chúa Kitô, nhưng do Giáo Hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần ; các á bí tích không hoạt động ex opere operato – do sự, nhưng ex opere operantis ecclesiae, tức là do hoạt động và lời cầu nguyện của Giáo Hội. Không nên coi sự phân biệt này theo nghĩa Thiên Chúa hoạt động trong các bí tích, còn để cho Giáo Hội hoạt động trong cá á bí tích. Trong thực tế, toàn bộ phụng vụ là một công trình chung của Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Ngay cả một á bí tích đơn giản nhất, chẳng hạn như làm phép nước, cũng nhắc nhở hành động đầu tiên của Thiên Chúa – Đấng thánh hoá tất cả những gì liên hệ đến đời sống của Dân Người.

Các á bí tích có mục đích chính là thánh hiến hay chúc lành người và đồ vật – những thực tại vật chất hướng đến con người và ơn cứu độ của họ. Có nhiều loại á bí tích. Những á bí tích chính, có liên hệ gần với các bí tích, sẽ được đề cập đến trong những trang sau. Nghi lễ Giáo Hoàng và Sách Nghi thức giám mục có tầm quan trọng đặc biệt, chúng bao gồm : Chúc phong viện phụ hay viện mẫu, thánh hiến các trinh nữ, tuyên khấn của tu sĩ, trao tác vụ đọc sách và giúp lễ, nghi lễ an táng, cung hiến thánh đường, thánh hiến bàn thờ, làm phép chén và dĩa thánh, làm phép nghĩa trang… Các á bí tích khác thường là các phép lành, được gom chung thành một sách nghi thức được công bố vào năm 1984 (Rôma).

1. Chúc phong viện phụ

Á bí tích đầu tiên, được trình bày trong Sách Nghi thức giáo hoàng Rôma sau các bí tích, là chúc phong viện phụ (hay viện mẫu). Viện phụ là ai ? Trước tiên, nên xác định rằng viện phụ không phải là giám mục ; ngài không được tấn phong – điều làm cho chức linh mục được viên mãn, nhưng chỉ được chúc phong. Trong giáo phận, giám mục là bí tích hoàn hảo về sự hiện diện của Đức Kitô –Hôn phu với Giáo Hội– Hôn Thê. Ngài là người kế vị các tông đồ. Trong đức tin, một viện phụ cũng được coi là người giữ vai trò của Đức Kitô tại đan viện. Do vậy ngài được gọi là cha theo lời của thánh Tông Đồ : “Anh em đã lãnh nhận Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên : ‘Abba ! Cha ơi !’” (Rm 8,15, x. Tu luật Biển Đức, c.2). Điều đáng lưu ý là bản văn của thánh Phaolô được ám chỉ viện phụ các đan viện Tây Phương, và chúng quy chiếu về Chúa Cha hơn là về Chúa Kitô. Trong đan viện, viện phụ giữ vai trò của Chúa Kitô, nhưng danh xưng của ngài lại là phản ảnh về Chúa Cha. Thật vậy, từ ngữ Abba có nghĩa là cha. Tuy nhiên, không hề có mâu thuẫn vì chính Đức Giêsu cho biết Người là phản ánh của Chúa Cha : “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

Việc chúc phong viện phụ đem lại ân sủng riêng là viện phụ nhận từ Giáo Hội tước vị làm cha cho cộng đoàn của mình. Trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, ngài là sự hiện diện của Chúa Cha cho cộng đoàn, “Thân Phụ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Ep 1,3). Vai trò cha thiêng liêng là một gia sản của thể chế đan tu từ ban đầu. Đây là một chức vị bền vững vì trong gia đình, người ta không thay đổi người làm cha. Thông thường, viện phụ giữ tước vị làm cha suốt đời, kể cả sau khi từ nhiệm.

Về nghi lễ bên ngoài, nghi thức chúc phong viện phụ gần giống như nghi thức tấn phong Giám mục : sau bài Tin Mừng và bài giảng, viện phụ được tuyển chọn sẽ trình diện ; giám mục yêu cầu đọc kết quả tuyển chọn, rồi thẩm vấn vắn tắt để xác minh ý định của người anh em tuyển chọn. Tiếp đó tiến chức nằm phủ phục trong khi đọc kinh cầu các thánh, rồi giám mục đọc lời nguyện chúc phong là phần cốt yếu của nghi lễ. Sau đó, viện phụ được chúc phong sẽ lãnh nhận, không phải sách Tin Mừng, nhưng là Quy Luật Thánh Biển Đức mà ngài có bổn phận gìn giữ. Rồi giám mục trao cho ngài những huy hiệu, giống như giám mục, theo như truyền thống đan viện và được Công Đồng Vaticanô II canh tân gồm: nhẫn, mũ mitra, gậy, là những biểu tượng quyền mục tử.

2. Thánh hiến các trinh nữ

Bí tích Hôn Nhân làm cho đôi vợ chồng tham dự vào sự kết hợp bất khả phân ly giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, theo lời thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêxô : “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (5,32). Mỗi người trong cặp vợ chồng là bí tích cho người kia, tức là dấu chỉ hữu hiệu, nhờ đó tình yêu của chính Thiên Chúa được thông ban. Tuy vậy, không chỉ có đôi vợ chồng có đặc quyền sống sự kết hợp sâu xa giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Toàn thể Giáo Hội chính là Hôn Thê ; toàn bộ phụng vụ của Giáo Hội cử hành là hôn ước kết hợp Giáo Hội với Hôn Phu của mình là Đức Kitô. Trong khi các cặp vợ chồng đi vào Mầu nhiệm Hôn Nhân thần linh qua trung gian tình yêu nhân loại được thiêng liêng hoá, thì tình trạng bền vững của đời trinh khiết thánh hiến là bằng chứng cao cả nhất về sự kết hợp trực tiếp nơi Đức Kitô, Đấng được mọi người quý chuộng.

Trinh nữ tuyệt vời nhất là Đức Maria : khi được sứ thần truyền tin, Mẹ đã thưa là “không biết đến việc vợ chồng !” (Lc 1,34). Theo gương Đức Trinh Nữ và đáp trả lời mời của Chúa Kitô (x. Mt 25,1.13), ngay từ những thế kỷ đầu, đã có nhiều thiếu nữ Kitô giáo tuyên khấn sống trinh khiết. Ban đầu là khấn nguyện riêng tư, rồi từ thế kỷ IV, cách long trọng và công khai. Các sách bí tích cổ thời vẫn còn lưu giữ những lời cầu nguyện đáng kính trong nghi lễ thánh hiến các trinh nữ. Nghi thức Leo vẫn còn được lập lại trong nghi thức được canh tân.

Cũng như mọi nghi lễ long trọng thánh hiến người (truyền chức, chúc phong viện phụ, khấn dòng), nghi thức thánh hiến các trinh nữ gồm : – nhắc nhở khởi đầu của vị chủ tế (thường là giám mục) ; – thẩm vấn về ý định của ứng sinh, kinh cầu các thánh và lời nguyện thánh hiến ; – sau đó là trao nhẫn, có thể cả lúp và sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, vì trinh nữ phải coi lời kinh của Hôn Thê là của mình. Với các nữ đan sĩ, nghi thức thánh hiến thường được liên kết với việc khấn trọng, trong cùng một nghi lễ.

Cùng với Đức Maria và các thánh trinh nữ, những người tuyên khấn sống trinh khiết không khước từ hôn nhân, như lời thánh Âutinh : họ nhắc nhở cho mọi tín hữu rằng Giáo Hội, có số phận chung cuộc là Hiền Thê của Đức Kitô (x. Mt 9,15 ; Ga 3,29), thành Giêrusalem trên trời mà sách Khải huyền trình bày như “tân nương trang điểm để đón tân lang” (21,2).

3. Tuyên khấn tu trì

Có một vị Giáo Hoàng đã nói rằng : ngày đẹp nhất trong cuộc đời một vị Giáo Hoàng là ngày lãnh bí tích rửa tội. Một phát biểu thật là lùng ! Dù ở chức bậc nào, lãnh trọng trách nào, tất cả đều bắt nguồn từ địa vị làm con Thiên Chúa. Do đó, sẽ là sai lầm khi cho rằng bí tích truyền chức hay bí tích hôn nhân có giá trị cao hơn các lời khuyên phúc âm, lý do là vì truyền chức và hôn nhân là bí tích, trong khi tình trạng tu trì chỉ được nhìn nhận qua một á bí tích. Trong Tin Mừng, chính Đức Giêsu đã đưa ra lời mời gọi sống khó nghèo và sự tiết chế : “Có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ đã sinh ra như thế ; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn ; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu !” (Mt 19,12).

Khấn dòng phải được coi như một ân huệ của Thiên Chúa. Chúng mời gọi một người đã được rửa tội, công khai tuyên khấn những lời khấn chính yếu là khó nghèo, thanh khiết và tuân phục (những lời khuyên phúc âm), theo những hình thức khác nhau trong những tu hội khác nhau. Khấn dòng không phải là một bí tích, vì không nhằm ban những ân sủng thích hợp cho một tình trạng sống (chức thánh hay hôn nhân), nhưng nhằm làm cho các bí tích rửa tội và thêm sức được phát triển trọn vẹn (truyền thống gọi khấn dòng là “lần rửa tội thứ hai”).

Như thế, tuyên khấn vĩnh viễn là một á bí tích và là sự triển nở của các bí tích rửa tội và thêm sức : á bí tích này đặt người lãnh nhận vào trong một tình trạng sống công khai sự khó nghèo, thanh khiết và tuân phục vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Như thế, họ trở thành lời nhắc nhở thường xuyên cho Giáo Hội về những đòi hỏi của bí tích thanh tẩy và việc tiến đến sự thánh thiện (x. LG 6).

Cũng như các nghi thức cử hành khác trong Giáo Hội, việc tuyên khấn tu trì thường diễn ra trong thánh lễ, sau bài giảng. Theo thói quen, sau khi đã được thẩm vấn về tình trạng tự do tuyên khấn, khấn sinh sẽ phủ phục trong khi đọc kinh cầu các thánh (giống như khi truyền chức, chúc phong viện phụ, thánh hiến trinh nữ). Việc tuyên khấn hệ tại việc đọc một cam kết (hay một bản văn có giá trị pháp lý), với chữ ký của khấn sinh, tiếp đến là một câu hát nói lên sự dâng hiến. Sau đó vị bề trên nhận lời tuyên khấn, nếu là linh mục, sẽ đọc công thức chúc lành (hay thánh hiến) trọng thể. Và nếu thuận lợi, khấn sinh sẽ lãnh nhận tu phục hay huy hiệu về tình trạng của mình.

Nghi thức vừa nói trên là nghi thức tuyên khấn vĩnh viễn. Theo sự khôn ngoan, Giáo Hội chỉ cho phép ứng sinh tuyên khấn vĩnh viễn sau khi đã khấn tạm được ba năm. Về cơ bản, nghi thức tuyên khấn tạm cũng giống như tuyên khấn vĩnh viễn, nhưng đơn giản hơn ; không có phủ phục và kinh cầu các thánh. Cũng có một nghi thức đơn giản để lập lại lời khấn mỗi năm. Ngoài ra còn một nghi thức, phỏng theo việc tuyên khấn, dành cho kịp kỷ niệm tuyên khấn (mừng 25 năm, 50 năm khấn dòng).

4. Trao tác vụ đọc sách

Theo đường hướng canh tân phụng vụ do Công Đồng Vaticanô II đề ra, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã muốn xem xét lại kỷ luật liên quan đến các chức nhỏ và chức phụ phó tế. Từ nay, việc gia nhập hàng giáo sĩ sẽ được nối kết với chức phó tế. Sẽ không còn các chức nhỏ (giữ cửa, trừ quỷ, đọc sách, giúp lễ) mà chỉ còn các tác vụ : những tác vụ này không chỉ dành riêng cho các linh mục tương lai, nhưng cũng có thể được trao cho giáo dân, đúng hơn là người nam, phù hợp với truyền thống đáng kính của Giáo Hội. Trong Giáo Hội Latinh, hai tác vụ được giữ lại là đọc sách và giúp lễ. Tuy nhiên, tuỳ nhu cầu, các Hội Đồng Giám Mục có thể đặt thêm các tác vụ khác.

Việc trao ban (không phải là truyền chức) tác vụ đọc sách sẽ do giám mục. Còn đối với các tu sĩ, sẽ do bề trên thượng cấp. Người lãnh tác vụ này có nhiệm vụ công bố Lời Chúa trong các cộng đoàn phụng vụ, trừ bài Tin Mừng. Họ có thể xướng Thánh vịnh tiếp sau bài đọc I và thi hành công việc của người điều khiển cộng đoàn. Ngoài cử hành phụng vụ, người lãnh tác vụ đọc sách có thể tuỳ nghi hình thành nhóm những người đọc sách hay hướng dẫn cá nhân đọc Sách Thánh. Tóm lại, mọi hình thức giáo lý đều có thể được.

Về nghi thức : sau bài Tin Mừng, giám mục sẽ ngồi vào chỗ thích hợp, phó tế xướng danh người lãnh tác vụ đọc sách, người này trình diện giám mục ; giám mục diễn giảng và trình bày về tác vụ sắp được trao ban. Tiếp đến, giám mục mời mọi người cầu nguyện, và sau khi thinh lặng một lát, ngài đọc lời nguyện :

Lạy Thiên Chúa,
là nguồn mạch ánh sáng và mọi điều thiện hảo,
Chúa đã sai Con Chúa là Lời sống động xuống trần
để mặc khải cho nhân loại
biết tình yêu của Chúa.
Xin ban cho người anh em đây
trong sứ vụ của mình
luôn được Lời Chúa nuôi dưỡng, giáo huấn,
và trung thành loan báo Lời Chúa cho anh em,
chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Sau đó, người được trao tác vụ tiến đến trước giám mục, ngài trao sách bài đọc và nói : hãy nhận lấy sách bài đọc và trung thành rao truyền Lời Chúa để Lời Chúa được bén rễ và sinh hoa trái trong tâm hồn mọi người. “Amen”.

Cần ghi nhận rằng các ứng viên phó tế và linh mục phải lãnh nhận tác vụ đọc sách và thực hành trong một thời gian. Tác vụ này sẽ là sự chuẩn bị tuyệt vời để phục vụ Lời cách chuyên chăm hơn.

5. Trao tác vụ giúp lễ

Trong Kitô giáo, từ “giúp lễ” là một tước hiệu vinh quang. Ngay từ lúc khởi đầu đi rao giảng Tin Mừng, các tông đồ đã được mời gọi “đi theo” Đức Kitô : “Đức Giêsu bảo các ông Phêrô và Anrê : Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Kể từ các tông đồ, những vị mà trên đó đặt niềm tin của cả Giáo Hội, trở thành Kitô hữu, tức là đi theo Chúa Kitô : “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38). Tác vụ giúp lễ có được nét cao quý trong bối cảnh Tin Mừng sequela christi – Theo Chúa Kitô, cũng là lời mời gọi bước vào đời tu trì.

Giúp lễ là người được xếp riêng đi bên cạnh để “theo” các thừa tác viên của Đức Kitô trong các mầu nhiệm thánh. Người này được đặt lên để phụ giúp các linh mục và phó tế trong các cử hành phụng vụ khác nhau của Giáo Hội, cách riêng trong phụng vụ thánh lễ. Những người này không chỉ đi theo, mà đi trước (trong các cuộc rước kiệu). Tuy nhiên bao giờ cũng đi bên cạnh các thừa tác viên có chức thánh để phụ giúp.

Giám mục, linh mục và phó tế là những thừa tác viên thông thường của thánh lễ, và các vị ấy sẽ cho giáo dân rước lễ. Ngược lại, người giúp lễ sẽ là thừa tác viên ngoại thường để cho rước lễ : người này sẽ nhận bình thánh từ linh mục để trao Mình Thánh cho tín hữu.

Nghi thức trao tác vụ giúp lễ cũng giống như nghi thức trao tác vụ đọc sách : sau Tin Mừng, giám mục diễn giảng và dẫn vào việc cử hành. Rồi ngài đứng, mời gọi giáo dân cùng hiệp ý cầu nguyện :

Lạy Thiên Chúa nhân lành,
chúng con đã lãnh nhận từ Con Chúa Bánh Hằng Sống
và chúng con đã học nơi Người
để gọi Chúa là Cha.
Xin ban ơn cho người anh em chúng con đây,
trong công việc của mình,
để anh được lớn lên trong đức tin và đức mến,
để anh biết làm sống động lời cầu nguyện trong cộng đoàn
và biết trung thành phân phát bánh sự sống
hầu xây dựng Hội Thánh Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Người được trao tác vụ đứng dậy, tiến đến trước giám mục. Ngài trao cho người này một bình đựng bánh hay đựng rượu. Ở đây không phải là trao đĩa thánh hay chén thánh với bánh hay rượu, vì theo truyền thống, các vật dụng này được dành riêng cho việc truyền chức linh mục. Cử chỉ này được kèm theo công thức như sau : “Con hãy lấy bánh và chén này để cử hành Thánh Thể, và hãy tỏ ra xứng đáng phục vụ bàn của Chúa và của Giáo Hội”. Người vừa nhận tác vụ sẽ tiến dâng bánh và rượu để chuẩn bị lễ vật.

Cũng cần thêm rằng tác vụ giúp lễ là một giai đoạn cần thiết trước khi lãnh chức phó tế : tác vụ này là một khởi đầu rất thích hợp cho việc phục vụ bàn thờ của phó tế.

6. Phụng vụ và sự chết

Thời đại ngày nay, mặc dù rất quan tâm che dấu sự chết, nhưng lại rất phổ biến những hình thức đưa đến cái chết êm ái (an tử), khi mà không thể kéo dài sự sống bằng những phương tiện nhân tạo. Như thế, người ta tước đi quyền của con người trong cái chết : không ai có thể thay thế người khác trong khoảnh khắc quan trọng này – ngưỡng cửa huyền nhiệm giữa đời này và đời sau. Rất may là đã xuất hiện một số nhóm tình nguyện đồng hành với những người lâm tử : đây là một trong những hành động đẹp nhất của đức ái Kitô giáo.

Không được loại trừ, cũng không che đậy cái chết. Ý nghĩa của cái chết được tỏ hiện trong Mầu nhiệm Phục Sinh, tức là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, mà tín hữu cử hành trong các bí tích. Ngay từ khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy, người tín hữu đã liên đới với cái chết cứu độ và sự phục sinh của Chúa. Mỗi lần tham dự vào bí tích Thánh Thể – tức là cử hành lễ vượt qua mới, là chuẩn bị cho cuộc “vượt qua” của chính mình vào cõi sống muôn đời. Khi an ủi những người đang đau khổ, bí tích xức dầu cũng hướng họ về cái chết… Việc xưng tội lần sau cùng và lãnh của ăn đàng chính là sự chuẩn bị cuối cùng cho lần sinh ra mới, tức là cái chết. Như vậy, cái chết của người tín hữu đạt được ý nghĩa trọn vẹn trong bốn bí tích : rửa tội, Thánh Thể, sám hối, xức dầu : cái chết là khởi điểm mấu chốt mở ra sự sống đích thực, như Giờ của Đức Giêsu đã đưa Người đến sự Phục Sinh.

Các bí tích được lập ra là vì người sống, chính vì thế không có bí tích cho một người đã qua đời : phụng vụ Kitô giáo dành cho những người đã quá cố làm nên một á bí tích phong phú mà cốt yếu là hy lễ Thánh Thể và phụng vụ các giờ kinh. Trong Kitô giáo cổ thời, việc tử đạo được coi như ngày sinh ra (dies natalis) của vị anh hùng làm chứng cho Đức Kitô. Cái chết mở ra sự sống, điều này đem lại cho mọi cái chết của người tín hữu một nhãn quan về niềm tin chiến thắng. Thời Thượng Trung Cổ, khi việc cử hành thánh lễ đã gia tăng, người ta thường dâng lễ cầu nguyện cho người quá cố (việc này cũng gia tăng số linh mục). Ngày nay, thật tốt lành khi các tín hữu giữ thói quen cử hành thánh lễ cầu nguyện cho người đã qua đời. Qua đó họ có thể tham dự trọn vẹn vào ơn cứu độ mà thánh lễ hiện tại hoá. Chính do sáng kiến của thánh Odilon, viện phụ đan viện Cluny từ 994 đến 1049, mà Giáo Hội nhớ đến mọi tín hữu đã qua đời vào ngày 2-11, hôm sau ngày lễ kính các thánh nam nữ.

Khi gia đình mất đi người thân, thì tinh thần đức tin phải được thể hiện qua việc cầu nguyện. Điều này đã được Giáo Hội dự phòng trong phụng vụ cho người đã qua đời như : canh thức bên thi hài, nhập quan, thánh lễ, nghi thức từ biệt, rước ra nghĩa trang và việc cầu nguyện trước khi chôn cất. Mối tình âu yếm của Giáo Hội khi đồng hành với con cái mình bước vào đời sống mới được thể hiện trong thánh lễ an táng. Trong thánh lễ, cây nến phục sinh được đặt cạnh quan tài, biểu tượng cho Đức Kitô Phục Sinh mà người tín hữu được mời gọi đến gặp gỡ. Trong mỗi thánh lễ, khi đọc lời nguyện tín hữu, kinh Tạ Ơn, và trong giờ kinh phụng vụ, Giáo Hội đều nhắc đến người quá cố, và mọi tín hữu đều hiệp thông vào lời khẩn cầu này.

7. Cung hiến thánh đường

Những á bí tích được nói đến ở trên, mà việc cử hành dành cho giám mục, là những cử hành thánh hiến hay chúc lành cho người (viện phụ, trinh nữ, tu sĩ, người đọc sách, người giúp lễ). Sau khi nói đến nghi thức an táng, cũng liên hệ đến người, nhưng đã quá cố, sách nghi thức giám mục bàn về các nghi thức cung hiến thánh đường. Điều ấy cho thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ này.

Có thể nói, cung hiến thánh đường là cử hành trọn hảo và ý nghĩa nhất trong các nghi thức phụng vụ. Khi dành riêng một ngôi nhà cho các cuộc gặp gỡ thiêng thánh của Giao Ước Mới và vĩnh cửu, Giáo Hội hân hoan ca tụng toàn bộ mầu nhiệm tiệc cưới là mầu nhiệm kết hiệp tín hữu với Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, cho họ được cùng với Chúa Giêsu thưa lên : “Abba – Cha ơi !”

Một cử hành như thế đòi sự tham dự của hầu hết thành phần của cộng đoàn liên hệ. Họ được mời gọi quy tụ chung quanh vị giám mục, các linh mục và các phó tế. Đoàn rước tiến về ngôi nhà sẽ được cung hiến. Các cửa được long trọng mở ra, giám mục làm phép nước để rảy trên dân chúng đang hiện diện, trên các bức tường bên trong và bàn thờ : đây được coi như bí tích thanh tẩy.

Sau kinh Vinh Danh và lời tổng nguyện, giám mục cầm lấy sách bài đọc giơ lên cho giáo dân thấy và đọc : “Xin cho Lời Chúa hằng vang lên trong nhà này, để mở cho anh chị em biết mầu nhiệm Chúa Kitô và thực hiện ơn cứu độ cho anh chị em ở trong Hội Thánh Người”. Cách thức trên nhấn mạnh rằng ơn cứu độ là công trình của Thiên Chúa và của Lời Người.

Sau kinh Tin Kính, sẽ đọc kinh cầu các thánh thay vì lời nguyện tín hữu : Giáo Hội trần gian kết hợp với Giáo Hội trên trời. Nếu có hài cốt các thánh, giám mục sẽ gắn vào bàn thờ, tượng trưng cho sự hợp nhất trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô.

Tiếp đến là lời nguyện cung hiến (nhờ đó nhà thờ được thánh hiến cho Thiên Chúa), một tổng hợp tuyệt vời về toàn bộ mầu nhiệm Giáo Hội và về phụng vụ. Tương tự như nghi thức thêm sức, sau đó là xức dầu bàn thờ và 12 hay tối thiểu 4 dấu thánh giá trên tường nhà thờ. Dầu được sử dụng là dầu thánh. Rồi hương được đốt trên bàn thờ, điều này có nghĩa là bàn thờ đã được thánh hiến thuộc về Thiên Chúa, đồng thời cũng có nghĩa là lời cầu nguyện sẽ tiếp tục bay lên Thiên Chúa trong nơi thánh này, làm cho nơi này tràn ngập hương thơm của Đức Kitô (2 Cr 2,14-16). Sau đó người ta xông hương cho cộng đoàn là đền thờ sống động mà nhà thờ là dấu chỉ.

Sau đó bàn thờ được trải khăn, chứng tỏ rằng đây là bàn của hy tế Thánh Thể. Rồi người ta thắp mọi ngọn đèn trong nhà thờ, thắp nến trên bàn thờ, các cây nến nơi đã xức dầu, tượng trưng cho Đức Kitô là Ánh Sáng trần gian (Ga 8,12 ; 9,5).

Sau cùng, chính hy tế Thánh Thể là nghi thức cốt yếu của việc cung hiến : nhờ bí tích Mình và Máu, Chúa Giêsu đến ở với những kẻ thuộc về Người.

Nói chi tiết về nghi thức cung hiến như trên là vì toàn bộ các nghi thức tạo nên một tổng thể mọi biểu tượng và hành động chính yếu của phụng vụ. Điều mà các bí tích khai tâm thực hiện cho một người (thanh tẩy, thêm sức, Thánh Thể) thì nghi thức cung hiến thực hiện cho cả đám đông con cái Thiên Chúa đang tụ họp trong nhà Cha, tức là nhà thờ được cung hiến.

8. Các phép lành

Ở thời đại chúng ta, liệu có còn xin làm phép ảnh đeo, linh mục chúc lành cho xe mới, làm phép của ăn trước khi dùng bữa ? Trong phụng vụ của Giáo Hội, có rất nhiều phép lành và tầm quan trọng cũng khác nhau. Chúc lành cho cha sở, một gia đình, cho viên đá đầu tiên, cái chuông, nghĩa trang hay đơn giản là làm phép nước, mỗi lần như thế là một lần xin sự chúc lành của Thiên Chúa, nhưng rõ ràng nội dung lời cầu nguyện này của Giáo Hội không giống nhau.

Chúc lành tức là nói điều tốt, muốn điều tốt. Nguyền rủa, đó là nói điều xấu, muốn điều xấu. Nhưng không phải lúc nào con người cũng có thể làm ra hay thực hiện điều xấu hay điều tốt mà họ cầu mong cho người khác.

Trong Thánh Kinh, phép lành trước tiên là hành động của Thiên Chúa, Đấng nói, muốn và thực hiện điều tốt cho chúng ta : Đối với Thiên Chúa, nói và làm là một. Sự chúc lành của Thiên Chúa khởi đầu với việc sáng tạo nhờ Ngôi Lời, tức là Lời của Thiên Chúa (Ga 1,1-3 ; St 1,3.6.9). Sự chúc lành đạt tới cao điểm trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng đã chịu chết và phục sinh vì chúng ta. “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,3).

Đứng trước phúc lành của Thiên Chúa không ngừng đến với con người nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, người ta cũng phải chúc lành, tức là con người phải tạ ơn vì tất cả những điều Thiên Chúa làm. Mầu nhiệm phụng vụ được sắp xếp dựa trên sự trao đổi những chúc lành giữa Thiên Chúa và con người. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa không ngừng chúc lành cho con người, vì thế họ phải liên lỷ chúc tụng Người.

Tự bản chất, sự chúc lành của Thiên Chúa gắn liền với công trình sáng tạo, và được tiếp tục trong điều được gọi là cai quản. Công trình sáng tạo đạt được ý nghĩa trọn vẹn trong mầu nhiệm phục sinh được thông truyền cho tín hữu, trước tiên qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Thánh Phaolô đã gợi lại điều này khi viết cho các tín hữu Côrintô về “chén chúc tụng” (1 Cr 10,16). Theo nguồn ơn của các bí tích, và ngay trong khi cử hành các dấu chỉ này, Giáo Hội thiết lập những phép lành để xin ân sủng của Thiên Chúa, không phải cho các vật dụng mà thôi, nhưng cho những người sử dụng các vật dụng ấy. Như Công Đồng Vaticanô II nói trong Hiến chế Phụng Vụ (9.7), các á bí tích là những dấu chỉ hữu hình có mục đích biểu tượng và thực hiện công cuộc thánh hoá con người và tôn vinh Thiên Chúa, với cách thức khác nhau theo từng dấu chỉ. Chúc lành cho một gia đình hay làm phép một tràng hạt không có ý nghĩa như nhau, và cũng không có hiệu quả giống nhau.

Phải luôn chúc tụng Thiên Chúa và xin Người chúc lành cho các con cái Người, đó là điều rất cụ thể. Sách các phép được ban hành năm 1984 là một trong những sách cuối cùng được ấn hành do công cuộc canh tân phụng vụ do Công Đồng Vaticanô II đề xướng : cuốn sách này cho thấy các phép lành vẫn không lỗi thời.

9. Nghi thức các phép lành

Các phép lành không phải là những hành động thánh bột phát, nhưng liên hệ chặt chẽ với toàn bộ mầu nhiệm sáng tạo và cứu chuộc trong Đức Kitô. Toàn bộ phụng vụ chuyển thành hai chiều hoạt động : phúc lành của Thiên Chúa xuống trên con người, lời chúc tụng của con người hướng lên Thiên Chúa để tri ân những điều Người ban tặng. Các á bí tích tức những phép lành do Giáo Hội thành lập hoạt động nhờ lời cầu nguyện cúa Giáo Hội. Một cách nào đó, chúng giống các bí tích ở chỗ chúng diễn tả và thực hiện những hiệu quả thiêng liêng (sách các phép Rôma 1984, phần dẫn nhập 3.10). Sách nghi thức này nhấn mạnh đến sự kiện các phép lành phát triển và diễn tả đời sống mới trong Đức Kitô, đời sống phát sinh từ các bí tích của Giao Ước Mới, do Đức Kitô thiết lập.

Việc cử hành các phép lành hướng tới việc chúc tụng Thiên Chúa và những thiện hảo thiêng liêng của Dân Người, là Giáo Hội. Các công thức trong các cử hành này có mục đích tôn vinh Thiên Chúa vì những ân huệ Người ban, khẩn cầu ơn phúc, và xin phá tan ảnh hưởng của ma quỷ trong trần gian (s.12). Các phép lành này được dành cho con người, trong những hoàn cảnh khác nhau. Chúng cũng hướng đến những hoàn cảnh cụ thể mà con người hoạt động, đến những nơi con người dấn thân làm việc, cũng như những đồ vật sử dụng trong phụng vụ và những gì diễn tả và nuôi dưỡng lòng đạo đức của các tín hữu. Nhưng với điều kiện là bao giờ cũng phải quan tâm đến những người sử dụng các đồ vật này hơn là chính các đồ vật (s.12).

Đây không phải là việc thánh thiêng hoá cách thể lý, tạo nên một thứ mê tín luôn trào dâng trong những thực tại cụ thể, nhưng là chúc lành việc sử dụng để tôn vinh Thiên Chúa và đem lại lợi ích cho con người. Như thế, các đồ vật được làm phép là một lời mời gọi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Nhờ các phép lành, “hầu như không có việc sử dụng của cải vật chất chính đáng nào lại không có thể đưa tới mục đích thánh hoá con người và ca khen Thiên Chúa” (Hiến chế Phụng Vụ 61).

Để có thể làm phép, cần tối thiểu một chút đức tin, đức cậy và đức mến, vì đây là những hành động được thi hành nhờ lời cầu nguyện của Giáo Hội và đức tin của người yêu cầu. Đây không phải là những công thức ma thuật được đọc lên vì sợ hãi, nhưng là những cử chỉ thiêng thánh do lòng tin và nuôi dưỡng lòng yêu mến Thiên Chúa cũng như người khác.

Các thừa tác viên chính của các phép lành là giám mục và các linh muc, đôi khi cả các phó tế. Tuỳ theo phán đoán khôn ngoan của giám mục, các thừa tác viên đọc sách và giúp lễ có thể ban một vài phép lành, và còn cả giáo dân cũng có thể trong một vài trường hợp (cha mẹ có thể ban phép lành cho con cái (s.18)).

Về trật tự và cơ cấu các phép lành, sách nghi thức nhấn mạnh đến hai phần chính yếu : trước hết là công bố Lời Chúa, sau đó là ca ngợi lòng nhân lành của Thiên Chúa và cầu xin sự trợ giúp từ trời (s. 20). Phần đầu này chủ yếu là vì dấu chỉ thánh có được ý nghĩa và hiệu quả nhờ mặc khải của Thiên Chúa (s. 21) để tránh mọi thứ sai lạc có tính mê tín. Về các cử chỉ (giơ tay, chắp tay), cần có dấu thánh giá (vì tất cả mọi ân huệ của Thiên Chúa đều bắt nguồn từ Mầu nhiệm Phục Sinh) và việc rảy nước thánh (nhắc nhở bí tích rửa tội), và việc xông hương (biểu tượng về giá trị của tất cả những gì liên hệ đến Chúa Kitô).

Sách nghi thức làm phép gồm 5 phần : – phần đầu là các phép lành trên người (gia đình, bệnh nhân, các nhà truyền giáo…) ; – phần hai là các cơ sở vật chất và những thực tại khác nhau có liên quan đến hoạt động của con người ; – phần ba về các đồ vật dùng trong phụng vụ ; – phần bốn về các việc đạo đức bình dân ; – và phần năm là những công thức chung để tạ ơn và làm phép. Tất cả những điều này được sử dụng để Thiên Chúa được tôn vinh và con người được cứu độ.

10. Các sách phụng vụ

Trong các phần trên, chúng ta đã nhắc đến 2 cuốn nghi thức được công bố năm 1984, kết quả sau cùng của cuộc canh tân phụng vụ do Công Đồng Vaticanô II đề xướng : đó là sách các phép và nghi lễ giám mục. Vào cuối phần phụng vụ tổng quát này, thiết tưởng nên tổng kết các sách được sử dụng trong phụng vụ. Chúng ta đã nhiều lần nhắc lại rằng các cử hành phụng vụ có thể được chia thành 3 nhóm : 1) Thánh lễ và các bí tích ; 2) các á bí tích ; 3) phụng vụ các giờ kinh. Đây là trật tự chúng ta sẽ theo để đề cập đến các sách phụng vụ.

– Một trong những cuốn sách được biết đến nhiều nhất, chắc chắn là cuốn sách lễ Rôma, trong đó gồm có phần thường lễ (kể cả các lời tiền tụng). Phần các Mùa và phần kính các thánh. Ngoài ra cũng phải kể đến các sách bài đọc, trong đó có các bài đọc cho các Mùa phụng vụ, lễ kính các thánh, và những lễ có nghi thức riêng.

– Về các bí tích và á bí tích, có một loạt các sách nghi thức.  Các sách dùng cho việc cử hành các nghi thức riêng. Chúng được gom thành 2 quyển lớn dành riêng cho giám mục hay cho mọi linh mục.

+ Nghi thức giám mục trình bày mọi nghi lễ dành riêng cho giám mục hay thường do giám mục cử hành :

– Nghi thức phong chức phó tế, linh mục, giám mục.

– Nghi thức ban bí tích Thêm Sức.

– Chúc phong viện phụ hay viện mẫu.

– Thánh hiến các trinh nữ.

– Trao tác vụ đọc sách và giúp lễ.

– Thâu nhận các ứng viên lãnh chức phó tế và linh mục.

– Cung hiến thánh đường và bàn thờ.

– Thánh hiến Dầu.

– Tôn kính các ảnh tượng Đức Trinh Nữ Maria.

– Ngoài ra còn một cuốn trình bày các nghi thức do giám mục chủ toạ, dù không phải dành riêng cho ngài.

+ Nghi thức Rôma gồm nghi thức các bí tích và á bí tích do linh mục cử hành :

– Rửa tội trẻ em.

– Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn (Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể).

– Nghi thức rước lễ và tôn thờ Thánh Giá ngoài thánh lễ.

– Nghi thức Hoà Giải

– Nghi thức Hôn Phối

– Nghi thức Xức dầu bệnh nhân và các việc mục vụ liên quan.

– Nghi thức Khấn Dòng.

– Nghi thức An Táng.

– Nghi thức ban phép lành.

+ Sau cùng là sách phụng vụ các giờ kinh. Bản Latinh gồm 4 quyển : – Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh cùng với các tuần Thường Niên I – IX ; – Mùa Chay và Mùa Phục Sinh ; – Các tuần Thường Niên VII – XXI ; các tuần Thường Niên XXII – XXXIV.

Các sách này cung cấp cho tín hữu nguồn mạch tinh tuyền nhất về tinh thần Kitô giáo đích thực.

KẾT LUẬN

Các yếu tố vừa trình bày trong phần dẫn nhập vào phụng vụ trên đây có mục đích chính là giúp các linh mục, các phó tế, các giáo lý viên và các tín hữu đi vào trọng tâm công trình mà Thiên Chúa cử hành nơi Dân Người, tức là Giáo Hội, qua trung gian Đức Kitô Cứu Thế, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Công trình chung này là Giao Ước Mới và vĩnh cửu, được ghi khắc trong tâm hồn và được diễn tả qua thân xác, tức là sự kết hiệp thâm sâu của mọi người, hiệp nhất với chính Chúa Ba Ngôi.

Như đã đề cập nhiều lần, phụng vụ là việc con người tôn kính Thiên Chúa của Giao Ước : gồm cả tâm hồn và thể xác, sự trao hiến chính mình và những cử chỉ bên ngoài, cá nhân và tập thể, các thừa tức viên và cộng đoàn, màu sắc, không gian, các bài ca và những phút thinh lặng, âm nhạc, mùi vị…, tất cả đều được mời gọi để ca tụng Thiên Chúa, Đấng đến gặp gỡ con người để thông ban sự sống của Người cho họ.

Do vậy, một cuộc canh tân phụng vụ thực sự đòi phải quan tâm đến 2 chiều hướng bổ túc cho nhau : tính cách hữu hình và tính nội tâm của các cử hành. Không thể chỉ chọn một trong hai, mặc dù có thể khởi đầu từ bên này để đến bên kia. Nếu chỉ quan tâm đến điều hữu hình, người ta sẽ có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa nghi thức, còn nếu chỉ quan tâm đến lời cầu nguyện của tâm hồn, người ta sẽ đánh mất một trong những chiều kích quan trọng của phụng vụ : tín hữu không phải là những cá nhân đơn độc, nhưng là những chi thể bổ túc cho nhau trong Thân Mình Đức Kitô.

Các cử hành đơn giản, trang trọng, đẹp đẽ sẽ dần dần làm sâu đậm ý nghĩa các hành vi phụng vụ và sẽ dẫn đưa, cách vô hình, đến sự tham dự nội tâm vào các mầu nhiệm thâm sâu nhất trong công trình của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu muốn dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, thì chính các cử chỉ, lời đọc diễn tả sự dâng hiến này, với tầm mức cộng đoàn, sẽ xuất hiện.

Phụng vụ huấn luyện chúng ta trở thành những con người thực thụ hơn, vì trong thực tế, đó là việc thực hành ở mức độ cao nhất những tương giao của chúng ta với các thụ tạo, với tha nhân và với Thiên Chúa. Thật thế, cử hành phụng vụ hiểu ngầm một nơi chốn, một không gian thiêng thánh, các vật dụng, các yếu tố như nước, dầu, bánh, rượu. Phụng vụ quy tụ thành cộng đoàn huynh đệ những cá nhân gặp nhau trong Đức Kitô, và dẫn đưa họ vào sự sống của Thiên Chúa. Nói cách khác, mọi tương giao làm nên cuộc sống con người đều tìm được trong phụng vụ một môi trường đặc biệt cho mình.

Phụng vụ là một ngôi trường về nhân loại, một nhân loại được cứu chuộc còn kỳ diệu hơn thuở ban đầu. Phụng vụ là thầy dạy vĩ đại của dân Kitô giáo, những người diễn tả chính mình cách hoàn hảo nhất trong phụng vụ, với mọi hình thức nghệ thuật. Theo Hiến chế Phụng Vụ của Công Đồng Vaticanô II, phụng vụ là “nguồn mạch trước tiên và thiết yếu từ đó các tín hữu múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực (s.14).

Phụng vụ là nguồn mạch toàn bộ đời sống của Giáo Hội, nhưng cũng là đỉnh cao mà Giáo Hội phải luôn hướng về. Không thể có đời sống trong Chúa Kitô nếu như không thường xuyên tìm lại nguồn sống trong các bí tích. Mỗi người đều biết rằng, sức sống tối thiểu là tham dự thánh lễ Chúa nhật : cử hành này có giá trị là điểm khởi đầu cho toàn bộ sinh hoạt trong tuần lễ sắp đến, đồng thời cũng là điểm kết cho tuần lễ vừa qua. Tất cả được dâng lên Thiên Chúa trong hy lễ Thánh Thể. Như vậy, mọi Kitô hữu sống thường xuyên trong 2 cử hành phụng vụ. Đức tin nhiệt thành và lòng mến thiết tha sẽ giúp họ thu hẹp khoảng cách tuần lễ, trong mức độ bao nhiêu có thể. Thánh lễ tham dự hằng ngày, và phụng vụ các giờ kinh sẽ làm tăng thêm mỗi ngày các cơ hội để thấy mình hiện diện trước Thiên Chúa trong Giáo Hội, dễ dâng lên Người điều họ vừa làm và đặt điều sắp thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Đó là ý nghĩa một đoạn văn rất hay của Hiến chế Phụng Vụ : Phụng vụ là tột đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội (PV 10).

Bước vào thiên niên kỷ mới, khi Giáo Hội đưa ra lời mời gọi một cuộc loan báo Tin Mừng mới, phải thấy rằng phụng vụ là nguồn mạch và là đích điểm của công cuộc ấy. Khi được cử hành cách đúng đắn nhất, đúng yêu cầu, phụng vụ là hình thức cao nhất trong việc loan báo Tin Mừng, tức là khi các nhân sự, các hành vi, vẻ đẹp đơn giản của các dấu chỉ thường dùng đều nhập cuộc vào công trình Thiên Chúa thực hiện với Dân Người. Toàn bộ cử hành phải diễn tả cách rõ ràng và khiêm tốn phần tối cao của Thiên Chúa trong cuộc gặp gỡ của Giao Ước : đó là vì chúng ta, trong chúng ta và với chúng ta trong những tác động thánh để Người hiện diện trong trần gian và dâng lên Người nhân loại đã được tái sinh.

Xin mượn lời cầu nguyện mở đầu của Chúa nhật Thường Niên cuối cùng trong năm phụng vụ thay lời kết. Xin cho chúng ta được hân hoan bước vào mầu nhiệm tình yêu vượt quá chúng ta và tràn đầy nơi chúng ta :

Lạy Chúa, xin thúc đẩy chúng con
thêm hăng hái nhiệt thành
cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa ;
để nhờ đó chúng con được Chúa
ban ơn trợ lực dồi dào hơn nữa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here