Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP.
Bài đọc: Is 6,1-2a. 3-8; ICr 15,1-11; Lc 5,1-11.
1/ Bài đọc I: 1 Năm vua Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. 2 Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu.
3 Các vị ấy đối đáp tung hô: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” 4 Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù. 5 Bấy giờ tôi thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” 6 Một trong các thần Xê-ra-phim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. 7 Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.” 8 Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi.”
2/ Bài đọc II: 1 Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. 2 Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.
3 Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, 4 rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. 5 Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai.
6 Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. 7 Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. 8 Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.
9 Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. 10 Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi. 11 Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.
3/ Phúc Âm: 1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. 3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. 4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” 5 Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” 6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. 8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” 9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. 10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” 11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
—————————–
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: THIÊN CHÚA MỜI GỌI CON NGƯỜI CỘNG TÁC VỚI NGÀI ĐỂ MANG ƠN CỨU ĐỘ CHO MỌI NGƯỜI
Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự cách kỳ diệu và khôn ngoan. Ngài có thể làm tất cả; nhưng lại muốn dùng con người để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài gọi mỗi người trong những hoàn cảnh khác nhau, và trao sứ vụ mang ơn cứu độ đến cho tha nhân bằng những cách thức khác nhau. Người được gọi phải có một kinh nghiệm sâu xa với Thiên Chúa trước khi đáp trả lời mời gọi của Ngài. Họ phải cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, sự bất toàn của bản thân, sự thánh thiện của Thiên Chúa, sự quan trọng và thúc bách của ơn cứu độ.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng việc Thiên Chúa gọi một số nhân vật để cộng tác với Ngài trong việc loan truyền ơn cứu độ đến cho muôn người. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa gọi Isaiah đang khi ông tham dự phụng vụ thánh trong Đền Thờ. Ông được nhìn thấy sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa cũng như nhận ra sự ô uế của mình; nhưng sứ thần của Thiên Chúa đã thanh tẩy ông bằng than hồng, trước khi ông tình nguyện để được sai đến với con cái nhà Israel. Trong Bài Đọc II, Phaolô tường thuật lại sự kiện ông được Đức Kitô gọi và trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Ông được gọi làm tông đồ khi đang trên đường bắt bớ các tín hữu tại Damascus; nhưng Đức Kitô đã hiện ra với ông và làm ông bị ngã ngựa và bị mù. Sau đó Ngài sai người đến mở mắt, huấn luyện, và trao cho ông sứ vụ mang Tin Mừng. Phaolô cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa và sự bất toàn của mình; nhưng ơn thánh của Thiên Chúa đã lấp đầy những bất toàn và giúp cho sứ vụ của ông được thành công. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chuẩn bị tâm hồn Phêrô bằng cách cho ông chứng kiến cảnh con người khao khát được nghe Tin Mừng và mẻ cá lạ lùng. Phêrô cảm thấy mình tội lỗi và bất xứng nên xin Đức Kitô tránh xa ông; nhưng Ngài đã gọi và biến đổi ông thành người chinh phục tha nhân về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa gọi Isaiah làm ngôn sứ
1.1/ Hoàn cảnh của Isaiah: Ông là công dân của vương quốc Judah, có vợ và ít nhất hai người con. Ông sống trong một thời kỳ rất khó khăn của đất nước: sự kiện vua Uzziah băng hà chấm dứt thời huy hoàng của Judah và bắt đầu một thời kỳ gian nan với sự cai trị của các vua Jotham, Ahaz, và Hezekiah. Ông đã chứng kiến cảnh vương quốc Israel miền Bắc bị rơi vào tay của quân đội Assyria năm 721 BC, và cảnh suy sụp về đạo nghĩa của vua quan cũng như dân trong xứ Judah sẽ đem đến thảm cảnh cho vương quốc Judah sau này (587 BC). Trình thuật hôm nay tường thuật một thị kiến xảy ra trong Đền Thờ và bắt đầu sứ vụ ngôn sứ của Isaiah.
1.2/ Kinh nghiệm của Isaiah: Thiên Chúa cho ông nhìn thấy sự vinh quang và thánh thiện của Thiên Chúa. Ông kể lại thị kiến: “Tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Seraphim đứng chầu. Các vị ấy đối đáp tung hô: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù.” Ba lần tung hô “Thánh! Thánh! Chí Thánh!” là truyền thống Do-thái diễn tả sự thánh thiện của Thiên Chúa. Khói tỏa mịt mù nhắc cho ông biết về sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ, như con cái Israel từng có kinh nghiệm về “cột mây” suốt 40 năm trong sa mạc.
Khi nhận ra sự thánh thiện của Thiên Chúa, ông cũng đồng thời cảm thấy mình ô uế tội lỗi; nên ông thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” Truyền thống Do-thái vẫn tin: không ai nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống. Trường hợp của Isaiah là một trường hợp đặc biệt, vì Thiên Chúa đã sai thiên thần đến để thanh tẩy miệng lưỡi của ông, như ông tường thuật: “Một trong các thần Seraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.””
1.3/ Isaiah tình nguyện để được sai đi: Quang cảnh Isaiah được chứng kiến là cảnh triều đình của Thiên Chúa với các thiên thần. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa hỏi ý kiến của các ngài: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Ngài không trực tiếp gọi Isaiah; nhưng Isaiah bị thôi thúc để đáp trả: “Dạ, con đây, xin sai con đi.” Lý do bị thúc đẩy có lẽ vì Isaiah được chứng kiến vinh quang thánh thiện của Thiên Chúa và được thiên thần sốt mến Seraphim thanh tẩy. Khi con người cảm nhận được tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa, họ muốn đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng cách rao truyền tình yêu này cho mọi người.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô chọn Phaolô làm tông đồ Dân Ngoại
2.1/ Hoàn cảnh của Phaolô: Ông là một người Pharisee nhiệt thành với Lề Luật, sinh sống tại Tarsus, trong tỉnh bang Cicilia, và hành nghề chế tạo lều. Ông đang trên đường đi Damascus để truy nã các tín hữu của Đức Kitô. Lý do ông truy nã các tín hữu vì ông tin như bao người Do-thái khác: chỉ có người Do-thái mới xứng đáng được hưởng ơn cứu độ bằng cách giữ cẩn thận các luật lệ của tiền nhân để lại. Ông không được nghe trực tiếp từ Đức Kitô; nhưng qua những lời tố cáo của những người khác, ông nhìn Chúa Giêsu và các tín hữu như những kẻ thù đe dọa niềm tin của Do-thái Giáo.
Nhưng biến cố gặp gỡ Đức Kitô trên đường đi Damascus đã thay đổi toàn bộ đời sống của Phaolô. Ông bị té ngựa bởi một luồng sáng cực mạnh từ trời, bị mù lòa, và được nghe tiếng Đức Kitô cho biết Ngài chính là Người mà ông đang truy nã. Ngài cũng cảnh cáo cho ông biết “khốn cho những ai cứ giơ chân đạp mũi nhọn!” Sau đó, ông được sai tới với Ananiah, môn đệ của Đức Kitô, để được chữa lành và trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cách riêng cho Dân Ngoại.
2.2/ Kinh nghiệm của Phaolô: Khi suy niệm về biến cố ngã ngựa đó, Phaolô cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng với tình yêu của Đức Kitô. Thứ nhất, ông là kẻ thù đáng chết của Đức Kitô, vì ông đang truy tố các tín hữu của Ngài; thế mà Ngài đã không bắt ông phải chết, lại còn chữa lành sự mù lòa của ông về thể xác cũng như tinh thần. Ngài cho ông nhìn thấy sự thật về những mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trước đó ông đã lầm lẫn. Thứ đến, Ngài còn ban cho ônh đặc quyền được làm tông-đồ. Phaolô thú nhận: “tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.” Sau cùng, Ngài ban muôn ơn thánh để giúp ông hoàn thành sứ vụ được trao phó: “tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.”
2.3/ Phaolô thực thi sứ vụ tông đồ: Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô đã gặp nhiều chống đối từ mọi phía: từ phía các tín hữu và từ người Do-thái. Các tín hữu không thể tin Phaolô, một người đang nhiệt thành bắt đạo, có thể trở thành người rao giảng Tin Mừng. Những người ghen tị tố cáo Phaolô giảng dạy giáo lý sai lạc. Họ nêu lý do vì Phaolô không thuộc Nhóm Mười Hai nên không thấu hiểu đạo lý của Đức Kitô. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô nêu bật những điều quan trọng mà mọi người phải tin: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại đúng như lời Kinh Thánh. Sau đó, Đức Kitô đã hiện ra với nhiều người: với ông Kêpha và với Nhóm Mười Hai, với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ, và sau cùng với chính ông trên đường đi Damascus. Tất cả đều làm chứng Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Phaolô kết luận: “Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.”
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu gọi Phêrô trở thành kẻ “lưới người như lưới cá”
3.1/ Hoàn cảnh của Phêrô: Ông là người quê ở Betsaida và đang hành nghề đánh cá trên Biển Hồ Galilee. Theo trình thuật của Lucas hôm nay, Chúa Giêsu muốn Phêrô chứng kiến hai điều quan trọng:
(1) Dân chúng khao khát được nghe Tin Mừng: Vì dân chúng phải chen lấn nhau đến gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Phêrô chứng kiến nhu cầu khao khát được nghe Lời Chúa của dân chúng; nhưng chắc ông không bao giờ dám mơ tưởng một người ngư phủ như ông có thể trở thành người rao giảng Tin Mừng.
(2) Chúa Giêsu cho Phêrô bắt được một mẻ cá lạ lùng: Giảng xong, Người bảo ông: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Ông nghĩ với kinh nghiệm của một ngư phủ hành nghề lâu năm, ông sẽ cho Chúa Giêsu thấy lệnh truyền của Ngài vô ích; nhưng Chúa Giêsu chứng minh cho Phêrô thấy uy quyền của Thiên Chúa. “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.”
3.2/ Kinh nghiệm của Phêrô: Ông nhận ra sự bất toàn của mình và uy quyền của Chúa Giêsu. Ngài không chỉ có uy quyền trong việc giảng dạy Lời Chúa; nhưng còn có uy quyền trên biển cả, mà ngay cả những ngư phủ kinh nghiệm như ông, đã vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào cả. Ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”
3.3/ Sự đáp trả của Phêrô: Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Ông đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người. Khi gọi ông theo Ngài, Chúa Giêsu muốn Simon dùng kinh nghiệm ông có sẵn trong nghề đánh cá để áp dụng vào việc rao giảng Tin Mừng. Đánh cá đòi hỏi sự kiên nhẫn và thói quen thức khuya dạy sớm; người ngư phủ phải biết giờ nào cá đi tìm mồi và chỉ bắt cá trong những giờ đó. Việc chinh phục con người về cho Thiên Chúa cũng vậy, người rao giảng không phải chỉ biết đạo lý Nước Trời, nhưng còn phải biết tâm lý con người, và phải kiên nhẫn để hoán cải những tâm hồn ngoan cố.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mỗi người chúng ta đều đã được Thiên Chúa kêu mời để cộng tác với Ngài trong việc mang ơn cứu độ đến cho chính mình và cho tha nhân.
– Chúng ta không xứng đáng với tình yêu, ơn gọi, và ơn cứu độ của Thiên Chúa; nhưng chúng ta đừng lo lắng, vì Chúa sẽ lấp đầy mọi thiếu thốn của chúng ta với ơn thánh của Ngài.
– Chúng ta hãy nhiệt thành đáp trả và cố gắng hết sức để chu toàn sứ vụ được trao phó. Khó khăn chắc chắn sẽ có; nhưng Thiên Chúa sẽ ban ơn thánh để chúng ta vượt qua tất cả.