Việc Kính Nhớ Người Qua Đời Có Trước Hoặc Có Sau Việc Kính Nhớ Các Thánh?

0
3526

Phụng vụ mừng lễ Các Thánh vào ngày đầu tháng 11, và ngày hôm sau, tưởng nhớ các người qua đời. Xét theo nguồn gốc lịch sử, lễ kính nào ra đời trước: việc kính nhớ các người qua đời có trước, hay lễ các thánh có trước? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải phân biệt nhiều vấn đề. Việc kính nhớ các linh hồn qua đời là một chuyện, còn việc dành ra một ngày trong năm để tưởng nhớ tất cả các linh hồn là chuyện khác. Một cách tương tự như vậy, kính nhớ các thánh là một chuyện, còn dành ra một ngày để kính nhớ tất cả các thánh là một chuyện khác. Chúng ta sẽ cố gắng đi từng bước một: chúng ta hãy khởi hành với thực tại ngày nay, rồi chúng ta sẽ đi lùi ngược lại dòng lịch sử.

Ngày nay lễ tưởng nhớ các người qua đời diễn ra vào ngày hôm sau lễ các thánh. Từ khi nào lịch phụng vụ ấn định việc cử hành hai ngày lễ đó?

Việc dành ngày 2 tháng 11 để tưởng nhớ tất cả các người qua đời bắt đầu từ năm 998, do sáng kiến của thánh Ôđilon, viện phụ đan viện Cluny dòng Biển Đức. Trong ý định của ngài, sau khi đã dành ngày 1/11 để kính tất cả các thánh, nghĩa là những tín hữu đang hưởng hạnh phúc bên Chúa, thì chúng ta nên dành ngày kế tiếp (2/11) để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những tín hữu còn phải chịu đau khổ trong nơi luyện tội. Một câu hỏi đương nhiên được đặt ra là: từ khi nào có lễ kính tất cả các thánh? Câu hỏi này khá dài dòng, bởi vì lễ kính chung tất cả các thánh có sau lễ kính riêng từng vị thánh. Và nguồn gốc của việc kính các thánh bắt đầu từ việc tưởng nhớ người qua đời. Đến đây, thứ tự thời gian bị đảo ngược.

Tại sao việc tôn kính người qua đời lại có trước việc tôn kính các thánh? Nếu chưa làm thánh thì đâu được phép tôn kính?

Chúng ta cần phân biệt nhiều cấp độ tôn kính: tôn kính tổ tiên thì khác với tôn kính Thiên Chúa. Khi tôn kính các bậc tổ tiên, chúng ta không có ý đặt các ngài ngang hàng với Thiên Chúa. Tuy nhiên ở đây, chúng ta không đi sâu vào vấn đề thần học mà chỉ dừng lại ở khía cạnh lịch sử. Vào các thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu, và cụ thể là tại Rôma, cũng giữ những phong tục an táng và tưởng nhớ các thân nhân qua đời. Vào dịp ấy, người Rôma tụ họp nhau và tổ chức bữa tiệc, không chỉ để tưởng nhớ người quá cố mà còn muốn mời người quá cố tham dự. Người Kitô giáo chấp nhận tập tục này, nhưng dần dần, họ thay bữa tiệc bằng việc dâng Thánh lễ. Chúng ta sẽ bàn đến các tập tục quanh lễ an táng sau; ở đây, chúng ta chỉ muốn theo dõi sự tiến triển của việc tôn kính các thánh. Khởi đầu là các vị tử đạo. Đó là những tín hữu đã chết vì đức tin, chết vì lòng yêu mến Chúa Giêsu. Cái chết của những người này khác với những cái chết khác, đo đó lễ an táng cũng khác. Thi hài của các vị tử đạo được tổ chức long trọng, và ngày qua đời của họ được cử hành như là “sinh nhật” (dies natalis): họ được sinh vào cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu. Vào dịp giáp năm ngày sinh nhật, các tín hữu tổ chức việc tưởng nhớ bên mộ, không phải để khóc than, nhưng để ca ngợi Thiên Chúa. Thay vì cầu nguyện cho họ, các tín hữu xin họ hãy cầu nguyện cho mình. Đó là khởi điểm của việc tôn kính các thánh, và chính xác hơn nữa, việc tôn kính các thánh tử đạo. Mãi đến thế kỷ IV, việc tôn kính các thánh cũng được mở rộng ra đến các vị giám mục, đan sĩ, trinh nữ. Không nói ai cũng biết, vào những thế kỷ đầu tiên, việc tôn kính này mang tính địa phương, nghĩa là mỗi giáo phận chỉ kính những vị thánh của địa phương mình, nghĩa là những người mà mình quen biết. Dần dần, qua những cuộc tiếp xúc giữa các giám mục hoặc nhờ những cuộc hành hương, người ta mới thông tin cho nhau các vị thánh của mình.

Từ lúc nào có lễ kính chung tất cả các thánh?

Các sử gia đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, bởi vì nó bắt nguồn từ nhiều tập tục địa phương, rồi sau đó mới được phổ biến trong toàn thể Hội thánh. Những tài liệu sử học sớm nhất cho thấy rằng ngay từ thế kỷ IV, các giáo hội bên Đông phương đã mừng lễ tất cả các thánh tử đạo, tuy vào những ngày khác nhau. Giáo hội ở Antiokia mừng vào chúa nhật sau lễ Ngũ tuần, và tục lệ này vẫn còn duy trì cho đến nay; ra như người ta muốn ca ngợi những tín hữu đã được kết hợp với mầu nhiệm Vượt qua bằng cái chết của mình. Bên Tây phương, lễ mừng tất cả các thánh xuất hiện muộn hơn, và có lẽ bắt nguồn từ lễ cung hiến điện Pantheon ở Rôma. Trước đây, người Rôma cất một đền thờ kính vạn thần, với hai chủ đích chính. Một đàng, họ muốn tôn kính tất cả các vị thần, vì sợ rằng nếu có thần nào không được thờ thì sẽ gây oai tác quái cho nhân dân. Đàng khác, họ muốn đem các thần của các dân đã bị chiếm đóng về thủ đô, để xoa dịu lòng căm phẫn thù hận, khi biết rằng thần của mình được tôn kính ngay tại thủ đô của Đế quốc. Sau khi Đế quốc Rôma trở lại Kitô giáo, đức thánh cha Bonifacio IV đã cung hiến đền thờ này cho Đức Mẹ Maria và các thánh tử đạo, ngày 13/5/609 (hoặc 610). Về sau, lễ này được Đức thánh cha Gregorio III (731-741) dời sang ngày 1/11, kỷ niệm ngày cung hiến một nhà nguyện trong đền thờ thánh Phêrô để kính nhớ “tất cả các thánh tông đồ, tử đạo, tuyên tín, và các người công chính trên khắp thế giới”. Từ năm 835, lễ này được tuyên bố là lễ nghỉ dân sự.

Lễ các thánh có trùng với lễ Halloween không?

Câu hỏi cũng có thể đặt ngược lại: lễ Halloween có trùng với lễ các thánh không? Các sử gia đang tranh cãi. Nếu xét theo từ ngữ, thì Halloween có nghĩa là áp lễ các thánh (ghép bởi All Hallows nghĩa là các thánh, và eve có nghĩa là bữa trước). Xét theo nguồn gốc, thì người ta đoán rằng vào ngày 1/11, dân tộc ở miền Bắc Âu có một lễ tân niên, gọi là Samhain. Hôm đó người ta tin rằng các vong hồn sẽ trở về hội ngộ với người sống; cần phải tổ chức lễ hội để đón rước. Về sau này, Giáo hội muốn thay thế lễ ấy bằng lễ kính các thánh. Không hiểu sự thật như thế nào, nhưng chúng ta thấy rằng trên thực tế, không ít ngày lễ của Ki-tô giáo được đặt ra để thay thế những lễ của ngoại giáo, điển hình là lễ Chúa Giáng sinh thay thế lễ kính thần mặt trời ở Roma, và lễ các thánh kỷ niệm việc biến đổi đền vạn thần thành lễ kính Đức Mẹ và các thánh tử đạo.

Chúng ta đã theo dõi sự tiến triển của việc tôn kính các thánh khởi đi từ các lễ nghi tôn kính người chết ở Rôma. Còn đối với những người không phải là thánh thì sao?

Như vừa nói, trải qua lịch sử, Giáo hội lấy lại nhiều phong tục địa phương, và đồng thời loại bỏ những yếu tố mang tính cách mê tín. Điều này thấy rõ nơi lễ nghi an táng và tôn kính người chết, mà Giáo hội tiếp nhận từ phong tục Roma. Trước khi đi vào vấn đề, ta đừng nên quên rằng người thời xưa bên Âu cũng như bên Á, không chỉ coi viện tang ma như là một hành vi xã hội, nhưng nhất là một hành vi tín ngưỡng, mang tính cách thánh thiêng, vì đụng chạm đến thế giới thần linh. Luật Roma bảo vệ các nghĩa trang như là đất thánh, khu vực bất khả xâm phạm; chắc hẳn ý tưởng này được chấp nhận dễ dàng vào trong luật Giáo hội. Việc tôn kính dành cho người chết bao hàm nhiều hành động: từ khi tẩm liệm cho đến khi an táng, cũng như những nghi thức theo sau nữa. Chúng ta bắt đầu bằng việc tẩm liệm. Thân xác được tắm rửa và xức thuốc thơm. Giáo hội tiếp nhận tập tục này dễ dàng, vì ý thức rằng thân xác người Kitô hữu đã được thánh hóa nhờ bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh thể, đã trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần, cho nên đáng được tôn trọng. Không lạ gì mà phụng vụ đã xông hương thi hài trước khi đặt vào hòm. Sau khi đã được tắm rửa và xức dầu thơm, thi hài được khoác áo với vải quý giá, nhất là đó là thi hài của các vị tử đạo. Tuy nhiên, vì có những sự lạm dụng xảy ra, chẳng hạn như dùng lụa là gấm vóc để phô trương, cho nên các giáo phụ đã lên tiếng cảnh cáo thói xa hoa ấy. Những nghi thức vừa rồi diễn ra trước sự chứng kiến của cộng đoàn. Cộng đoàn cầu nguyện, hát thánh vịnh, công bố Lời Chúa. Bên cạnh quan tài, người ta thắp đèn dầu, và những ngọn đèn này sẽ hộ tống quan tài ra tới huyệt. Người Roma còn đặt trên miệng người chết một đồng tiền, để trả cho thần Caronte khi lên thuyền đi vào âm phủ. Các Kitô hữu đã thay thế tục lệ này bằng việc đặt Mình Thánh Chúa trên miệng người chết như của ăn đàng, trước khi liệm vào hòm. Mặc dù nhiều giáo phụ phản đối tục lệ này, nhưng nhiều nơi vẫn duy trì trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, và mãi đến năm 1200, mới bị bãi bỏ hoàn toàn. Thay vì đặt Mình Thánh Chúa trên miệng, người ta đặt thánh giá trên tay của người quá cố (hoặc tràng chuỗi Mân côi). Chặng kế tiếp là việc đưa đám. Thời xưa, các tín hữu đưa đám ban đêm, vì thế họ thắp đuốc đốt đèn để soi đường. Về sau này, dù khi đưa đám vào ban ngày, người ta cũng thắp đèn, với một ý nghĩa tượng trưng: người tín hữu là đèn sáng, bởi vì họ là chứng nhân cho Đức Kitô, ánh sáng của thế gian. Một nét khác biệt của đám tang người Kitô hữu với đám tang người ngoại là niềm hân hoan. Dân ngoại thuê những bà đến khóc trong đám tang, còn người Kitô hữu thì hát Alleluia. Sang thời Trung cổ, bầu khí vui tươi dần dần biến đi, nhường chỗ cho sợ hãi tang tóc, bởi vì người ta hình dung Đức Kitô như là vị thẩm phán đáng sợ.

Thời xưa, các tín hữu đưa quan tài thẳng ra mộ, chứ không vào nhà thờ hay sao?

Trong những thế kỷ đầu tiên, Kitô giáo chưa được phép xây nhà thờ. Tuy vậy, lễ an táng đã sớm được gắn liền với Thánh lễ, hiểu là tại tư gia hoặc tại nghĩa trang. Người Roma quen tổ chức các bữa tiệc trên mộ người quá cố; các Ki-tô hữu đã sớm thánh hóa tục lệ này và thay thế bằng việc dâng Thánh lễ, hiểu là trên ngôi mộ. Thánh lễ được cử hành không chỉ vào lúc an táng mà còn vào các dịp giỗ. Người Roma tổ chức tiệc giỗ vào ngày thứ 9 và 40 sau khi qua đời. Các Ki-tô hữu cử hành Thánh lễ vào các ngày kỷ niệm 3, 7, 30: 3 ngày để tưởng nhớ cuộc Chúa Giêsu phục sinh sau ba ngày được an táng trong mộ; 7 ngày được thánh Augustino giải thích như là tưởng nhớ tuần lễ tạo dựng, Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy; 30 ngày nhắc đến thời gian dân Israel để tang cho ông Môse (Ds 20,30; Đnl 34,8). Sau cùng, thiết tưởng nên nêu bật một đặc trưng của người Kitô hữu là tên gọi nơi chôn cất kẻ qua đời. Người Roma gọi nơi đó là necropolis, thành phố của người chết; các Ki-tô hữu gọi là coemeterium, có nghĩa là nơi an giấc, hiểu ngầm là chờ đợi sẽ được đánh thức, nghĩa là sống lại.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here