Cuộc tranh luận về những nét cốt yếu của thánh Phansinh

0
1777

Đâu là sự khác biệt giữa dòng Đaminh và Dòng Phansinh? Phải chăng thánh Đaminh nhấn mạnh đến học hành, còn thánh Phansinh đề cao khó nghèo? Hai vị trao đổi học hỏi lẫn nhau không? Tuy nhiên, một câu hỏi tiên quyết được đặt ra: hai vị có bao giờ gặp nhau không? Cuộc gặp gỡ giữa thánh Đaminh và thánh Phansinh đã trở thành chủ đề cho nhiều bức hoạ trải qua bao thế kỷ. Nhưng năm ngoái, tình cờ tôi đọc một bài viết của cha Bedouelle O.P., giáo sư giáo sử tại đại học Fribourg, thì thấy rằng cuộc gặp gỡ này không có cơ sở lịch sử nào chắc chắn. Thật ra cuộc gặp gỡ này chỉ được nói đến trong các nguồn sử liệu của dòng Phansinh viết vào giữa thế kỷ XIII, chứ không được đề cập đến trong các nguồn sử liệu tiên khởi của Dòng Đaminh. Vì lý do gì? Phải chăng câu chuyện được dựng lên vào một thời mà hai dòng đang có những cuộc tranh chấp, cho nên người ta muốn khuyến khích các con cháu hãy giữ hoà khí theo gương của cha ông? Dù sao, có điều chắc chắn là giữa hai vị có một sự khác biệt rõ rệt: thánh Đaminh không để lại một văn phẩm nào (chỉ có một lá thư ngắn gửi cho các nữ tu Madrid), trong khi thánh Phanxicô thì viết hơi nhiều, và đôi khi thay đổi ý kiến (chẳng hạn giữa hai bản luật và di chúc); từ đó gây ra cuộc tranh chấp giữa các anh em về tư tưởng nguyên thuỷ của cha thánh. Nhóm Spirituales và nhóm Observantes, đưa đến những nhánh khác nhau trong OFM. Chúng ta không trở lại với những chuyện xa xưa, nhưng chỉ giới hạn vào vài cuộc tranh luận “học thuật” trong thế kỷ XX. Tôi xin giới hạn vào ba điểm: 1/ Cuộc tranh luận về sử tính của thánh Phanxicô. 2/ Cuộc tranh luận về trường phái linh đạo Phan sinh. 3/ Cuộc tranh luận về tinh thần cải cách của thánh Phanxicô.

I. Những cuộc tranh luận về sử-tính của thánh Phanxicô

Đâu là bức chân dung đích thực của thánh Phanxicô? Theo từ điển Wikipedia (tiếng Ý), từ năm 1950 đến năm 2014, đã có 9 bộ phim và truyện TV về thánh nhân, với sự đóng góp của nhiều nhà đạo diễn nổi tiếng nước Ý như: Roberto Rossellini, Franco Zeffirelli, Liliana Cavani. Nhưng đó là những chân dung do các nghệ sĩ vẽ ra, còn chân dung chân thực thì sao? Quan trọng hơn nữa là cuộc tranh luận về thánh Phanxicô: một Phanxicô của lịch sử (historicus) và một Phanxicô được phong thánh (canonizatus), cũng tương tự như đức Giêsu lịch sử và đức Kitô của lòng tin: Phanxicô có ý định lập một dòng tu hay không, hay ngài chỉ muốn lập một nhóm du ca? Phanxicô một nhà cách mạng phản đối các cơ chế của Giáo hội (thuyết của Paul Sabatier) hay là một người phụng sự Giáo hội (đứng ra gánh vác nhà thờ Latêranô)? Tìm đâu ra bức chân dung chân thực của thánh Phansinh: dựa theo chân dung của Celano để lại, hay chân dung đã được Bonaventura chỉnh sửa (và sau đó tổng hội Pisa năm 1266 đã truyền huỷ hết các tài liệu khác)? Những vấn nạn này còn được gợi lên trong bài huấn từ của Đức Benêđictô XVI ngày 13-1-2010. Chắc chắn anh em biết điều này hơn tôi, vì thế tôi xin miễn nói thêm.

II. Tìm hiểu linh đạo Phansinh (spiritualité franciscaine), thần học Phansinh (théologie franciscaine), chủ nghĩa Phansinh ? (franciscanismo, một thuật ngữ thông dụng trong tiếng Tây-ban-nha và Ý), trường phái Phansinh (école de spiritualité franciscaine).

Ở Rôma, các Dòng tu lớn đểu mở trường đại học : Gregoriana (Dòng Tên), Angelicum (Đaminh), Antonianum (Phan sinh), Salesianum (Don Bosco), Teresianum (Dòng Cát minh) vv. Mặc dù tất cả đểu là đại học công giáo, nhưng mỗi trường mang một sắc thái riêng, gắn liền với một trường phái thần học và trường phái linh đạo. Có thể khẳng định rằng mỗi dòng tu có một linh đạo hay không ? Nên biết là có những tác giả dòng Đaminh trả lời không, bởi vì theo họ, Dòng Đaminh không có linh đạo riêng : mục tiêu của Dòng là phục vụ Tin mừng, phục vụ toàn thể Hội thánh. Luôn tiện xin lưu ý anh em, đặc biệt những anh em phải đi làm việc với các dòng nữ. Dòng nào cũng thi nhau đi tìm đặc sủng, sứ mạng, linh đạo cho mình. Tuy nhiên, đây là chuyện của các dòng ra đời từ thế kỷ XIX : mỗi dòng muốn giới hạn một sứ mạng, mục tiêu riêng, và dĩ nhiên là tu phục riêng. Những vấn đề này không được đặt ra cho Dòng Đaminh và Dòng Phansinh vào thế kỷ XIII : họ đặt mục tiêu là phục vụ Tin mừng (vita evangelica), phục vụ sứ mạng phổ quát của Giáo hội, chứ không giới hạn vào một lãnh vực nào. Cũng nên biết là các từ ngữ “đặc sủng” (charisma), “linh đạo” của các Dòng tu chỉ mới xuất hiện từ trong thế kỷ XX. Dù vậy, cũng có nhiều tác giả khẳng định là có linh đạo Đaminh, tuy rằng có những ý kiến khác nhau khi đi vào cụ thể.

A. Lịch sử vấn đề “trường phái linh đạo Phansinh”

1/ Vấn đề được nêu lên do Revue de Philosophie về các trường phái linh đạo (1911) : phải hiểu thế nào về trường phái linh đạo ? có bao nhiêu trường phái linh đạo ? những yếu tố nào làm nên một trường phái linh đạo ?

Một trong những câu trả lời đầu tiên là cha Ubald d’Alençon. (1912) : bốn yếu tố chất thể và một yếu tố mô thể. Bốn yếu tố chất thể là : a) trở về với việc tuân giữ Tin mừng thời nguyên thuỷ ; b) bình an và hoà hợp tâm hồn ; c) phục tùng Giáo hội ; d) yêu mến say đắm nhân tính Chúa Giêsu. Yếu tố mô thể là sự khó nghèo và thoát lý khỏi thụ tạo. Chúng ta có thể nhận thấy tác giả còn sử dụng những phạm trù kinh viện chất thể và mô thể để trình bày vấn đề

2/ Những ý kiến khác : Khó nghèo ; lòng yêu mến seraphim ; imitatio Christi (Đức Kitô khó nghèo và khiêm nhường, đau khổ và tự huỷ).

3/ Cha Atanasio G. Matanic, giám đốc viện thần học tâm linh của đại học Antonianum, trong một cuộc hội thảo về các trường phái linh đạo tại đại học Angelicum, đã muốn trình bày vấn đề cách hệ thống về bản tính cốt yếu của linh đạo Phan sinh như sau[1].

Tiền đề. Nói đến linh đạo Phan sinh, cần phải phân biệt nhiều cấp độ : a) Linh đạo cá nhân thánh Phanxicô ; b) Linh đạo của dòng (và gia đình) Phansinh : chẳng hạn như Antôn, Bonaventura, Duns Scoto, Clara, Elizabeth Hungary, Angela di Foligno ; c) trường phái linh đạo : những tác giả đã viết, đã nghiên cứu về linh đạo.

Ngoài ra, cần phân biệt : một bên là “linh đạo sống” (spiritualità vissuta cảm nghiệm tâm linh, lòng đạo đức) ; và một bên là “khoa học về linh đạo” (spiritualità dottrina trình bày thành hệ thống, thành một thứ “thần học tâm linh”). Các tác giả viết về linh đạo chưa hẳn đã là những người đã có cảm nghiệm tâm linh ; đối lại, những người có cảm nghiệm tâm linh có khi lại không biết viết.

1. Linh đạo sống của thánh Phanxicô : sống Tin mừng, bắt chước Chúa Kitô.

2. Trường phái thần học tâm linh Phan sinh (thần học tâm linh hệ thống).

a. Những nguyên lý thần học : vị trí ưu thế của tình yêu ; quy Kitô ; Đức Maria vô nhiễm.

b. Những nguyên lý tu đức : các nhân đức đặc trưng của Phan sinh : lòng sùng mộ, đức ái nồng nàn (seraphicus), khó nghèo và khiêm tốn, đơn sơ , thống hối và bình an.

c. Những việc đạo đức đặc biệt : Chúa Hài đồng, Danh thánh, Cuộc thương khó, Bí tích Thánh Thể, Thánh Tâm, tôn kính Đức Mẹ

d. Những hoa trái đặc biệt : tông đồ, niềm vui (perfetta letizia), tự do, khó nghèo toàn diện, thân nghĩa với thụ tạo.

Không hiểu anh em có cảm tưởng gì khi đọc những điều này. Có thể có người sẽ nghĩ rằng quá trừu tượng, khoa bảng, không thiết thực. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ hơn, ta thấy tác giả quan niệm rằng linh đạo Phan sinh không phải là một học thuyết tóm lại trong một vài mệnh đề nào đó, nhưng bao gồm cả một cuộc sống. Có lẽ thuật ngữ franciscanismus (thông dụng trong tiếng Tây ban nha và tiếng Ý) muốn nói lên điều đó : nó bao hàm gia sản của một gia đình, với những suy tư thần học cũng như những việc tôn sùng của lòng đạo đức bình dân. Hơn thế nữa, ra như tác giả muốn phản ứng lại nguyên tắc Sola Scriptura khi tìm hiểu linh đạo Phan sinh, nghĩa là chỉ dựa thuần tuý trên các tác phẩm của thánh tổ phụ. Không, cần phải quy chiếu về Traditio nữa. Chính nhờ truyền thống mà các tác phẩm nguyên thuỷ được bảo tồn, và giải thích cách sinh động.

Trước khi đi tiếp, chúng ta thấy nhiều thuật ngữ đôi khi được dùng trà trộn với nhau, mặc dù ý nghĩa có thể khác : linh đạo Phansinh, tinh thần Phansinh, thần học Phansinh. Riêng về “thần học Phansinh”, chắc là anh em biết rõ hơn tôi những khó khăn chung quanh việc xác định căn cước của nó. Có người khởi đi từ Duns Scotus, có người khởi đi từ Occam. Nhưng có lẽ không cần phải đi xa như vậy : chỉ cần đối chiếu thánh Tôma và thánh Bonaventura thì đủ thấy sự khác biệt giữa hai phương pháp thần học giữa hai dòng. Thánh Tôma soi sáng lý trí, thánh Bonaventura thì sưởi ấm con tim ; thánh Tôma yêu mến thần học, thánh Bonaventura luận về thần học tình yêu. Có một điều thiết tưởng thú vị khi bàn về thần học đời tu, thánh Tôma khởi đi từ nhân đức religio (nhân đức thờ phượng) để lên đến đức ái là cao điểm của sự hoàn thiện, còn thánh Bonaventura nhìn đời tu dưới lăng kính của lòng ước ao tử đạo ; ý tưởng này được cảm hứng từ gương của vị thánh tổ phụ, cách riêng là các dấu thương tích của Chúa Giêsu mang trên thân thể[2].

B. Tinh thần Phansinh qua tên gọi : Fratres minores

Gần đây, (kể cả bài huấn-từ hồi tuần trước của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho tổng hội của dòng, ngày 26-5), các tác giả tìm cách phân tích tinh thần của Phan sinh ngay từ chính tên gọi của mình : fratres minores. Dĩ nhiên thuật ngữ này cần được hiểu theo bối cảnh lịch sử của nó. Ở Việt Nam, fratres minores thường dịch là “Anh em Hèn Mọn”, không biết có đúng lắm không. Nếu chỉ căn cứ vào từ ngữ, thì frater minor chỉ có nghĩa là “em”, đối lại với frater major là anh. Như chúng ta đã biết trong nhiều ngôn ngữ châu Âu, frater có thể có nghĩa là anh hoặc em, vì thế cần phải xác định thêm cho rõ, đó là là minor hoặc major. Trước khi đi sâu hơn vào vấn đề, chúng ta đừng quên nhiều câu chuyện trong Kinh thánh, trong đó người em được ưu thế trong chương trình của Thiên Chúa hơn là người anh theo lẽ thường tình, chẳng hạn như trường hợp Giacob (thay cho Esau), hoặc Giuse và Đavit là người em út (thay vì các anh lớn).

Dù sao, bên cạnh những ý nghĩa thông thường mà chúng ta có thể đoán được, hai từ ngữ này có những ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh lịch sử vào thế kỷ XIII.

  1. Frater. Fraternitas

Hai từ ngữ này không chỉ có nghĩa là “anh em, tình huynh đệ” theo nghĩa tương quan gia đình, nhưng còn kèm theo một cuộc cải cách xã hội. Thật vậy, vào thời Trung cổ, Fraternitas nói tên tình huynh đệ, bình đẳng và lễ hội, (giống như các hội đoàn, hiệp hội). Nó nhấn mạnh đến tương quan hàng ngang hơn là hàng dọc của các xã hội cổ truyền. Các sử gia cho biết lúc đầu, thánh Phansinh thích gọi nhóm của mình là Fraternitas, về sau này, mới chuyển sang Religio hay Ordo khi bắt đầu đi vào cơ chế của Hội thánh. Tuy nhiên, có lẽ đó là giả thuyết của các sử gia; điều chắc chắn hơn là thánh Phansinh muốn coi mọi người như anh em, bắt đầu từ các anh em trong nhóm, được đón nhận như những quà tặng của Thiên Chúa để chia sẻ với nhau nếp sống theo Tin mừng. Dĩ nhiên, cộng đoàn ấy không chỉ gồm những con người tráng kiện về thể chất và tinh thần, nhưng trong cộng đoàn đó có những người bệnh tật, những người sa ngã yếu đuối: những anh em đó cần được yêu thương cách riêng. Người anh em còn là những con người sống ngoài nhóm, tu sĩ và giáo dân, thậm chí cả người ngoại đạo, và sau cùng kể cả mọi thụ tạo của Thiên Chúa.

2/ Minor

Frater minor không chỉ có nghĩa là em nhỏ (đối lại với anh lớn). Xã hội thời đó phân chia thành hai giai cấp majores minores, dựa trên tài sản, địa vị. Mối tương quan giữa đôi bên mang tính cách thống trị và phục tùng. Thánh Phanxicô đặt mình vào hàng ngũ những người minores. Ngài không muốn sát cánh với giai cấp vô sản để chống lại giai cấp thống trị, nhưng ngài đã chọn lựa trở nên người bé nhỏ của Tin mừng, theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên tôi tớ mọi người để phục vụ mọi người (Lc 22,24-27; Ga 13,1-8), để đón tiếp và phục vụ những người bé nhỏ trong xã hội. Vì muốn trở nên bé nhỏ, cho nên Phanxicô khước từ mọi đặc ân địa vị (về điểm này ngài khác với thánh Đaminh, một người chịu khó làm quen với phòng chưởng ấn của Tòa thánh để được cấp những văn thư giới thiệu đi giảng).

Anh em đã biết lý tưởng fratres minores không dễ gì thực hiện. Thật là lý tưởng khi sống cộng đoàn như anh em, trong đó người lớn nhất phải là người phục vụ. Tuy nhiên, có lúc Tòa thánh đòi các người phục vụ phải có chức thánh; vì thế những anh em không giáo sĩ thì cũng không được vinh dự phục vụ. Công đồng Vaticanô II yêu cầu mỗi dòng trở về với ý dịnh nguyên thuỷ của mình. Nhưng đến khi dòng Phan sinh yêu cầu để các anh em không giáo sĩ được giữ chức phục vụ thì Tòa Thánh không cho. Đó là chưa nói đến vấn đề các chức vị, bằng cấp đại học.

III. Thánh Phanxicô dưới thời đức thánh cha Phanxicô

Sau hơn bốn thể kỷ thành lập, Dòng Tên mới có một giáo hoàng lấy danh hiệu là Phanxicô. Chúng ta biết rằng Dòng Phansinh đã có giáo hoàng khá sớm, nhưng lấy danh hiệu là Nicôla IV (1288-1292), và các vị giáo hoàng kế tiếp mang danh hiệu là Sixtô IV, Sixtô V, Clementê XIV. Dòng Đaminh cũng sớm có giáo hoàng nhưng mang tên là Innocentê V (1276), Benedictô XI, Piô V, Bênêđictô XIII, chứ không ai lấy tên thánh tổ phụ làm danh hiệu!

Khi lấy danh hiệu Phanxicô, chắc hẳn đức đương kim giáo hoàng muốn nhìn thánh Assisi như một mẫu gương trong việc canh tân Giáo hội, một giáo hội đơn sơ, giản dị, gần gũi với dân chúng. Tuy nhiên, không thiếu người đã lợi dụng cơ hội này để đặt lại vấn đề cơ chế của Giáo hội: Giáo hội có cần thiết nữa hay không? Phải chăng Giáo hội làm cản trở con đường dẫn con người đến với Đức Kitô do những biết bao luật lệ cơ cấu?

Thiết tưởng trong bối cảnh ấy mà cha Raniero Cantalamessa (dòng Capucinô, vị giảng thuyết của phủ giáo hoàng), đã dành các bài giảng Mùa Vọng năm 2013 để giải thích ý nghĩa ơn gọi thánh Phanxicô. Nên biết là ngài vốn là giáo sư chuyên về các giáo phụ tại đại học Thánh Tâm Milano, trước khi được cử vào chức vụ này. Ngài đã cố gắng “giải huyền” nhiều hình ảnh mà các tiểu thuyết, phim ảnh đã dựng lên. Thánh Phanxicô không phải là nhà cách mạng xã hội, đứng vào hàng ngũ người nghèo để bênh vực người nghèo. Tiên vàn Phanxicô là mọt con người đã được Đức Kitô chinh phục, để trở về với Tin mừng; và ngài sớm lên đường để rao giảng Tin mừng, với lời kêu gọi tiên khởi “hãy hoán cải và tin vào Tin mừng”. Như vậy, việc cải cách Giáo hội bắt đầu bằng việc trở về với Tin mừng, trở về với Đức Kitô, chọn Chúa Kitô làm lẽ sống. Thánh Phanxicô không kết hôn với bà Chúa Nghèo (như thi sĩ Dante đã dựng lên), nhưng chỉ kết hôn với Chúa Kitô, và từ Đức Kitô để đến với người nghèo, người phong cùi. Cha Cantalamessa ghi nhận là có người (như Simon Weil) đã đến với Đức Kitô nhờ yêu thương phục vụ người nghèo, còn thánh Phanxicô thì đi từ lòng yêu mến Chúa Kitô để đến với lòng yêu mến và phục vụ người nghèo.

Như vừa nói, có lẽ vị giảng thuyết mời gọi các tín hữu hãy cố gắng đi tìm hiểu sâu xa hơn con người đích thực Phanxicô, chứ đừng dừng lại ở những hình ảnh mà các nghệ sĩ hay các nhà chính trị đã vẽ ra. Có điểm đáng chúng ta chú ý là tư tưởng được đưa ra dưới triều đại giáo hoàng Phanxicô, nhưng lại trùng hợp với cái giải thích của thánh Gioan Phaolô II về sứ điệp của vị thánh Assisi trong lá thư gửi các vị tổng quyền của dòng Phan sinh nhân dịp kỷ niệm 800 năm sinh nhật của thánh nhân (ngày 15-8-1982).

Mở đâu lá thư, Đức thánh cha đã liệt kê những đặc điểm khiến cho thánh Phanxicô thu hút được nhiều cảm tình của dân chúng, đó là “niềm vui, tự do, bình an, tình huynh đệ phổ quát. Kế đó, tác giả đặt câu hỏi: đâu là nguồn mạch của các đặc tính ấy? Câu trả lời là: Tin mừng, thống hối, bắt chước Chúa Kitô qua con đường thập giá. Khỏi nói ai cũng biết, chúng ta cũng cảm thấy quyến rũ bởi khuôn mặt vui tươi của thánh Phanxicô, nhưng chưa sẵn sàng để ôm bước vào con đường thập giá.

——————————-

[1] A. Matanic, La spiritualità francescana, in: Compendio di Teologia Spirituale, Roma PUST 1992, p.369-383).

[2] E. DANIEL, “The Desire for Martyrdom: A Leitmotiv of St. Bonaventure”, Franciscan Studies  32/10 (1972)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here