Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Phụng vụ Giáo Hội dành ngày 02 tháng 11 hàng năm để kính các linh hồn. Nguồn gốc lễ này bắt đầu từ đâu? Nó có giống với lễ Vu Lan trong Phật giáo không?
Chúng ta biết rằng, lễ Vu Lan được cử hành vào ngày rằm tháng 07 âm lịch, còn gọi là Tết Trung nguyên. Có lẽ lễ này không bắt nguồn từ Phật giáo, nhưng từ phong tục dân gian. Dù sao, trọng tâm của niềm tin ngày rằm tháng 07 âm lịch là “xá tội vong nhân”: vào ngày này, các tội nhân dưới âm phủ được giải thóat. Thân nhân những người mới qua đời tổ chức lễ cầu siêu.
Trái lại, nguồn gốc của lễ các linh hồn (hay còn gọi là lễ “các đẳng linh hồn”) ở bên Công Giáo thì khác, với nhiều giai đoạn tiến triển khác nhau. Chúng ta có thể lấy một mốc điểm lịch sử là ngày 02 tháng 11 năm 998, để từ đó theo dõi sự tiến triển của ngày lễ này khi truy ngược về trước đó hay đi xuôi về sau này.
Tại sao lại lấy ngày 02 tháng 11 năm 998 làm mốc điểm?
Tại vì theo lịch sử, thánh Odilo (+1049), viện phụ thứ năm của đan viện Cluny Dòng Biển Đức đã ấn định dành ngày 02 tháng 11 (nghĩa là ngày hôm sau lễ kính các thánh)để cầu nguyện cho tất cả các tín hữu đã qua đời, qua việc dâng thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện và làm việc bác ái.
Tại sao lại chọn ngày 02 tháng 11?
Như vừa nói, cha Odilo chọn ngày 02 tháng 11 bởi vì liền kế ngày 01 tháng 11, vốn dĩ là ngày phụng vụ Giáo Hội mừng lễ kính tất cả các thánh nam nữ, nghĩa là các tín hữu đã lìa đời và đang được hưởng hạnh phúc ở bên Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, bên cạnh các phúc nhân, thì vẫn còn có những tín hữu khác đang trải qua cuộc thanh luyện. Vì thế, chúng ta cũng hãy nhớ cầu nguyện cho họ.
Vậy, đây là ý tưởng do cha Odilo gợi ra phải không?
Chúng ta cần phân biệt nhiều khía cạnh: việc dành ngày 02 tháng 11 hàng năm để cầu cho tất cả những người qua đời là sáng kiến của cha Odilo. Nhưng việc cầu nguyện cho những người đã qua đời thì đã có từ lâu rồi, mãi từ cuối thời Cựu ước, như chúng ta đọc thấy chứng tích trong sách Maccabees, quyển II, chương 12, khi ông Maccabees quyên tiền gửi về đền thờ Giêrusalem để cầu nguyện cho các tử sĩ. Trong Tân ước, chúng ta cũng thấy thánh Phaolô khuyên ông Timothy hãy cầu nguyện cho Onesiphorus, một cộng tác viên với thánh Tông đồ tại Ephesians (2Tm 1,16-18). Dĩ nhiên, tập tục này được duy trì trong suốt lịch sử của Hội Thánh. Còn việc dành một ngày trong năm phụng vụ để cầu cho tất cả các linh hồn thì cũng đã có trước cha Odilo từ ba thế kỷ.
Tại sao phải cầu nguyện cho những người qua đời?
Việc tưởng nhớ những người qua đời được gặp thấy nơi nhiều dân tộc, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Có khi việc tưởng nhớ người quá cố là dịp để thân quyến gặp gỡ nhau, để ôn lại công đức tiền nhân, bày tỏ lòng tri ân ngưỡng mộ, đồng thời khuyến khích nâng đỡ nhau trên đường đời. Có nơi thì tin rằng hương hồn của tổ tiên vẫn còn hiện diện với con cháu, vì thế họ được mời đến tham dự những biến cố quan trọng của gia đình, cũng giống như lúc sinh tiền. Có nơi tổ chức cúng giỗ để cung cấp lương thực và đồ dùng cho người quá cố, bởi vì người ta tin rằng những người bên kia thế giới cũng có những nhu cầu và sinh hoạt giống như ở đời này. Có nơi thì tổ chức lễ cầu siêu, xin cho các linh hồn còn bị giam ở địa ngục được giải thoát. Dĩ nhiên, không phải tất cả các quan niệm này đều phù hợp với đức tin Kitô giáo.
Thế thì các Kitô hữu cầu nguyện cho các người qua đời để làm gì?
Trong việc cầu nguyện cho những người qua đời, có khá nhiều động lực khác nhau. Trước hết, chúng ta không thể nào bỏ qua khía cạnh tâm lý: những buổi cầu nguyện bên cạnh quan tài người chết hoặc vào dịp giỗ giáp tháng, giáp năm, nhằm bày tỏ sự thương tiếc người đã qua đi. Thế nhưng bên cạnh động lực tâm lý, dần dần đức tin Kitô giáo đã mang đến nhiều động lực mới. Ngay từ những lá thư đầu tiên (tựa như thứ thứ nhất gửi các tín hữu Têxalônica, chương 4, câu 13), thánh Phaolô đã nhắc nhở các tín hữu đừng buồn rầu như những kẻ thiếu niềm hy vọng. Thực vậy, đối với người tín hữu, cái chết không phải là sự tận diệt của cuộc sống, mà chỉ là ngưỡng cửa bước sang cuộc sống vĩnh cửu. Vì thế, các tín hữu tiên khởi gọi là ngày qua đời là “sinh nhật” (dies natalis), bởi vì họ được sinh vào cuộc sống mới. Điều này được áp dụng đặc biệt cho những vị tử đạo. Không lạ gì mà vào ngày giáp năm ngày tử đạo, các tín hữu họp nhau lại để đọc lại hạnh tích của vị tử đạo, không những để khuyến khích nhau bắt chước tấm gương can đảm, nhưng nhất là để tạ ơn Thiên Chúa vì đã cho một tín hữu được hòa đồng với Đức Kitô. Nói cách khác, việc mừng các vị tử đạo được liên kết với Thánh lễ, tức là lễ hy sinh của Đức Kitô. Các vị tử đạo là những người đã đi theo sát với Thầy mình trên đường thập giá, cho nên chắc chắn họ cũng được thông dự vào sự phục sinh với Người.
Nhưng mà đâu phải tất cả các tín hữu đều tử vì đạo?
Đúng rồi. Khi kính nhớ các vị tử đạo, các tín hữu xác tín rằng, các ngài đang được hưởng vinh quang ở nơi Thiên Chúa rồi. Đó là buổi cử hành vui tươi. Thế nhưng, không phải tất cả các tín hữu đều chết vì đạo. Nói cách khác, không phải tất cả các tín hữu sau khi qua đời đều nắm chắc sẽ được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Vì thế, những người qua đời cần được Hội Thánh cầu nguyện để được thanh luyện khỏi tội lỗi, như chúng ta thấy phản ánh nơi đoạn văn trích từ sách Maccabees, quyển II, chương 12 đã nhắc đến trên đây. Chúng ta chỉ cần trưng dẫn một chứng tích thì đủ rõ. Trong sách “Tuyên Xưng” (Confessiones hay Tự thuật), thánh Augustin kể lại lời trối trăn của thân mẫu Monica rằng: “Các con có thể chôn xác mẹ ở đâu cũng được. Mẹ chỉ xin các con một điều là dù các con ở đâu, thì hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa”. Câu nói này phản ánh một tập tục đã có từ lâu đời, đó là cầu nguyện cho các người qua đời trong khi dâng Thánh lễ. Thánh lễ là nơi mà các tín hữu sống cao độ tín điều về sự “thông hiệp các thánh”. Thực vậy, không những các tín hữu thông hiệp vào Mình và Máu của Chúa Kitô, nhưng còn thông hiệp với Nhiệm thể của Chúa là Hội Thánh. Các Kinh nguyện Thánh Thể đều nhắc đến sự thông hiệp với Đức Maria, các thánh, các phúc nhân, và tất cả những ai đã ly trần. Sự tưởng nhớ này không những chỉ tuyên xưng rằng, các người qua đời vẫn còn sống (chứ không bị hủy diệt ra tro bụi), nhưng còn cầu xin Thiên Chúa nhân lành thương xóa bỏ những thiếu sót của họ. Dĩ nhiên, không phải chỉ chúng ta (những người còn sống) chuyển cầu cho các người qua đời, nhưng là cả Hội Thánh (nghĩa là kể cả Đức Kitô, Đức Maria và các phúc nhân) đều liên đới chuyển cầu cho các linh hồn. Ngoài việc cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh cũng cầu nguyện cho các người qua đời bằng những kinh nguyện khác, cũng như bằng các công tác bác ái.
Lúc nãy, cha nói việc cầu nguyện cho người qua đời đã có từ Cựu ước, còn việc dành một ngày để cầu cho tất cả những người qua đời thì mới chỉ thành hình từ thế kỷ thứ VII. Lai lịch tục lệ này như thế nào?
Trên đây, chúng ta nhắc đến lễ Trung nguyên, một ngày mà tục lệ dân gian ở Á Đông cầu siêu cho các vong nhân. Ở Rôma thời cổ, cũng có một ngày cầu siêu như vậy, vào ngày 22 tháng hai dương lịch (nghĩa là vào ngày cuối năm theo lịch cổ Rôma). Không lạ gì mà nhiều nơi trong Giáo Hội Công Giáo cũng muốn dành ra một ngày để cầu nguyện cho tất cả các người qua đời. Chứng tích cổ nhất là bản luật các đan sĩ của thánh Isidore Seville (+636) bên Tây Ban Nha, truyền dâng Thánh Lễ cho tất cả các người qua đời vào ngày thứ hai sau lễ Chúa Thánh thần Hiện xuống. Vào các thế kỷ sau đó, người ta thấy tại nhiều đan viện tại Đức, Pháp, Italia,… chỉ định một ngày trong năm để cầu cho hết các linh hồn, tuy không trùng ngày như nhau. Với cha Odilo, thì ngày này được ấn định sau lễ kính các thánh. Nhờ uy tín của các đan viện Cluny, tục lệ này sớm lan tràn khắp châu Âu từ thế kỷ XI.
Tục lệ mỗi linh mục dâng ba thánh lễ nhân ngày kính các linh hồn cũng bắt đầu từ thánh Ođilôn, phải không?
Không phải, tập tục này ra đời muộn hơn, bắt đầu từ cuối thế kỷ XV với các cha Dòng Đaminh ở Valencia, Tây Ban Nha. Năm 1748, Đức Thánh Cha Benedict XIV châu phê tập tục này và nới rộng cho tất cả các linh mục bên Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, châu Mỹ Latin. Mãi đến năm 1915, Đức Thánh Cha Benedict XV mới nới rộng ra toàn thể Hội Thánh. Dù sao, nên biết là Hội Thánh không chỉ dành mỗi năm một ngày để tưởng nhớ các người đã qua đời. Nhiều tu viện và giáo xứ vẫn có thói quen cầu nguyện cho các linh hồn mỗi ngày, hay ít là mỗi tuần vào ngày thứ hai.
Tại sao lại dành ngày thứ hai để cầu nguyện cho các linh hồn?
Nguồn gốc tục lệ này là một quan điểm hơi kỳ quặc vào thời Trung cổ. Người ta cho rằng, các linh hồn ở luyện ngục được xả hơi vào Chúa Nhật để mừng Chúa Phục Sinh, và qua ngày thứ hai, lại phải tiếp tục lao động. Vì thế, chúng ta nên giúp cho họ một tay. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta có thể cầu nguyện cho các linh hồn vào bất cứ ngày nào mà không cần đếm xỉa đến tập tục đó.