Hiểu Sống Đức Tin: Lai Lịch Của Các Phụ Nữ Gặp Chúa Phục Sinh Như Thế Nào?

0
985


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.

 

Ngày 03 tháng 06 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức nâng ngày lễ kính thánh nữ Maria Magdala từ bậc Lễ Nhớ trong lịch Phụng Vụ Công Giáo lên bậc Lễ Kính, nghĩa là ngang với các thánh Tông Đồ, những người làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh. Tuy nhiên, các sách Phúc Âm còn kể lại rằng, Chúa Kitô Phục Sinh còn hiện ra với những phụ nữ khác nữa. Lai lịch của các bà ấy như thế nào? Họ có được kính nhớ trong lịch phụng vụ không?

Trước khi đi vào vấn đề, tôi muốn đưa ra một nhận xét. Việc Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các phụ nữ không phải chuyện mới lạ gì, bởi vì đã diễn ra gần hai ngàn năm rồi. Điều mới lạ là xưa nay điều ấy không gây nhiều chú ý, và phải chờ đến hậu bán thế kỷ XX, câu chuyện mới được đem ra ánh sáng.

Thực vậy, từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội cho đến nay, người ta vốn đề cao các thánh Tông Đồ trong vai trò làm chứng nhân cho biến cố Chúa Kitô Phục Sinh. Một bằng chứng rõ rệt là danh sách được thánh Phaolô kể ra ở đầu chương 15 của thư thứ nhất gửi tín hữu Corinto gồm toàn các ông. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì các chuyên viên Kinh Thánh thuộc phái nam, cho nên họ không quan tâm đến nữ giới. Thế nhưng kể từ khi các phụ nữ cũng bắt tay nghiên cứu các bản văn Kinh Thánh, thì có sự chuyển hướng, nghĩa là những chứng nhân đầu tiên của Chúa Kitô Phục sinh là các bà chứ không phải các ông.

Vậy đứng đầu danh sách các bà phải chăng là Đức Mẹ Maria?

Rất tiếc là không phải thế. Lý do của sự đáng tiếc sẽ được nói sau. Điều quan trọng nhất cần ghi nhận là các tác giả Tin Mừng nêu bật một sự liên tục giữa các bà hiện diện vào lúc Chúa Kitô chết trên thập giá và vào lúc Chúa Kitô Phục Sinh. Chúng ta chỉ cần lướt qua các bản văn thì thấy rõ:

– Theo Tin Mừng Matthew, vào lúc Đức Giêsu chịu chết thì có các bà nhìn từ đàng xa, là những người đã đi theo Đức Giêsu từ Galilee, trong đó có bà Maria Magdala, bà Maria mẹ các ông Giacobe và Giosep và bà mẹ các con ông Debede (Mt 27,55-56); tiếp đó, đến khi an táng Chúa Kitô xong, thì Matthew ghi nhận sự hiện diện của hai bà Maria Magdala và một bà Maria khác (Mt 27,61); và sang đầu chương 28, tác giả nói rằng, vào ngày thứ nhất trong tuần, hai bà Maria Magdala và bà Maria khác đi ra mộ, và họ đã thấy mộ trống; tiếp theo đó, Chúa Kitô Phục sinh đã hiện ra với các bà.

– Tin Mừng Marco cũng cho biết rằng, khi Chúa Kitô chết trên thập giá, có mấy bà chứng kiến, trong đó có bà Maria Magdala, bà Maria mẹ các ông Giacobe và Giosep, và bà Salome (Mc 15,40); đến lúc mai táng thì chỉ còn hai bà Maria Magdala và bà Maria mẹ ông Giosep; còn khi ra viếng mồ thì tác giả Tin Mừng Marco nhắc đến ba bà: bà Maria Magdala, bà Maria mẹ ông Giacobe và bà Salome.

– Tin Mừng Luca thì chỉ nói đến các phụ nữ chứng kiến cái chết của Đức Giêsu nhưng không nêu tên (Lc 23,49); lúc an táng (Lc 23,55) và khi ra mộ cũng vậy (Lc 24,1), nghĩa là không kể tên các bà. Thật là đáng ngạc nhiên, bởi vì chính tác giả Tin Mừng Luca đã nhắc đến những người phụ nữ đi theo Đức Giêsu ngay từ những chương đầu. Ở đầu chương 8 (câu 1 đến câu 3), tác giả nói đến bà Maria Magdala, bà Gioanna, bà Susanna và nhiều bà khác; họ đi theo Đức Giêsu và giúp đỡ Người cũng như các môn đệ. Tiếp theo, tác giả chua thêm một câu gây ra khá nhiều phiền toái trong hồ sơ lý lịch của các bà. Ông viết: “mấy người phụ nữ đã được Đức Giêsu trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Magdala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ” (Lc 8,2). Tuy nhiên, như vừa nói, khi mô tả việc Chúa Kitô chịu chết và sống lại, thì tác giả Tin Mừng Luca không nhắc đến tên bà nào hết. Thật khó hiểu.

Còn Tin Mừng theo tác giả Gioan thì sao?

Tin Mừng theo tác giả Gioan có nhiều điểm khác với Tin Mừng Nhất Lãm về những người chứng kiến biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô.

– Ở chương 19, câu 25, tác giả Gioan cho biết rằng: đứng gần thập giá Đức Giêsu có thân mẫu Người, và chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Clopas, bà Maria Magdala, và người môn đệ thương mến. Như vậy, ngoài hai bà được Tin Mừng Matthew và Tin Mừng Marco nhắc đến, còn có thêm Mẹ Maria và người môn đệ thương mến; giữa hai người này, Đức Giêsu đã có cuộc ký thác cho nhau (Ga 19,25-27). Đến khi an táng thì các bà không được nhắc đến nữa.

– Sang chương 20, tác giả Tin Mừng Gioan chỉ nói đến việc bà Maria Magdala ra mộ và được Chúa Kitô hiện ra sau khi Người Phục Sinh, chứ không đả động đến các bà khác; đặc biệt tác giả không nhắc đến Mẹ Maria, người đã đứng dưới chân thập giá.

Như thế, đối với Tin Mừng thứ IV, bà Maria Magdala trở thành người phụ nữ độc nhất đã thấy mộ trống; bà về báo tin cho các Tông Đồ, nhưng bà lại nói với họ rằng: “chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”, sau đó bà trở ra mộ và được gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Câu hỏi đặt ra ở đây: Tại sao lại là “chúng tôi” ở số nhiều? Phải chăng bởi vì đã có bà nào khác nữa cùng đi chung với bà Maria Magdala?

Những chi tiết này có ý nghĩa gì không?

Có rất nhiều ý nghĩa, có thể tóm lại trong ba ý nghĩa sau:

– Thứ nhất, các tác giả Tin Mừng muốn cho thấy rằng, những chứng nhân cuộc Phục Sinh cũng chính là những người đã chứng kiến việc tử nạn và mai táng của Chúa Kitô.

– Thứ hai, những chứng nhân ấy là các bà. Điều này có lẽ hàm ngụ rằng, các bà là những môn đệ trung thành nhất; họ đi theo Chúa Kitô cho đến cùng, chứ không bỏ chạy như mấy ông.

– Thứ ba, quan trọng hơn, đó là trân trọng sự thật. Trong xã hội Do Thái thời xưa cũng như thời nay, luật pháp không chấp nhận các người nữ ra làm chứng trong các vụ kiện; nói cách khác, tính chất pháp lý của người nữ không có giá trị trong các vụ kiện tụng. Thế nhưng, các tác giả Tin Mừng lại dám đưa các bà ra làm chứng nhân cho sự việc Chúa Kitô Phục sinh; điều này cho thấy rằng, đây không phải là câu chuyện được dựng lên trong trí tưởng tượng, nhưng là một sự việc hoàn toàn có thật đã xảy ra. Giả như muốn bịa đặt, thì Hội Thánh sẽ chọn những nhân vật có uy tín hơn, chẳng hạn như các Tông Đồ, hoặc các nhân viên Thượng Hội Đồng (ví dụ như: ông Nicodemus, Giuse Arimathea).

Rồi cuối cùng thì phân biệt lai lịch các bà ấy thế nào?

Chúng ta hãy ôn lại danh tính các bà. Giữa danh sách được cung cấp bởi các Tin Mừng Matthew, Luca và Gioan, chúng ta thấy có những điểm trùng hợp và khác biệt. Nói chung, chúng ta thấy có “ba bà Maria”: bà Maria quê ở Magdala (quen gọi là Magdalena), bà Maria mẹ của ông Giacobe (hoặc Giacobe thứ) và Gioxet (hoặc Giosep); bà Maria thứ ba thì được gọi là vợ ông Clopas (theo Tin Mừng Gioan), mẹ các con ông Zebede (theo Tin Mừng Marco), bà Salome. Còn nhiều bà khác nữa. Tiếc rằng, tên của họ không thống nhất, ngoại trừ bà Maria Magdala, mà lý lịch thường bị bôi đen.

Bôi đen như thế nào?

Theo Tin Mừng Marco chương 16, câu 9 và Luca chương 8, câu 2, bà Maria Magdala đã được Đức Giêsu trừ cho khỏi 7 quỷ. Những độc giả vội vàng sẽ kết luận rằng, bà đã phạm tội nhiều cho nên mới bị quỷ nhập và hành hạ. Tuy nhiên, các nhà học giả Thánh Kinh ngày nay cho rằng, điều này chỉ muốn nói cho biết bà bị bệnh nặng. Thật vậy, thời xưa, người ta thường nghĩ rằng, các người mắc bệnh là do tà thần ám hại, như chúng ta có thể đọc thấy nơi nhiều trình thuật chữa bệnh trong các sách Tin Mừng, chẳng hạn: người đàn bà bị còng lưng (Lc 13,10-17), người câm (Mt 9,32-33) hoặc câm mù (Mt 12,22-23). Khổ nỗi trước đó, ở chương 7, tác giả Tin Mừng Luca đã kể chuyện một người đàn bà tội lỗi, đến khóc lóc và được Đức Giêsu tha tội vì bà đã yêu nhiều. Không ai biết danh tính của bà ấy, nhưng truyền thống đã đồng hóa người phụ nữ ấy với bà Maria Magdala.

Chúng ta không biết đích xác gốc tích lai lịch của các phụ nữ được Chúa Kitô Phục sinh hiện ra. Thế còn cuộc đời của các bà kết thúc như thế nào?

Về điểm này, cũng chẳng có sử liệu chắc chắn. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì ngay cả về các đại tông đồ như: Phêrô, Phaolô, Gioan,… chúng ta cũng chẳng biết gì chắc chắn trăm phần trăm (100%), và hầu hết chỉ dựa trên lưu truyền thôi. Như vừa nói, trong số các phụ nữ đi theo Chúa Giêsu, một người được nhắc đến nhiều lần hơn cả là Maria Magdala.

Có lẽ trong Hội Thánh tiên khởi, bà Maria Magdala khá nổi tiếng, và vì thế đã trở thành chủ đề cho nhiều tiểu thuyết và chuyện phim. Trong thế kỷ XX, có những cuốn phim nói rằng, bà là tình nhân của Đức Giêsu (Ví dụ: The last temptation of Christ [Cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu],[1] The Da Vinci Code [Mật mã Da Vinci],[2]…). Dĩ nhiên, chắc chắn các chuyện ấy không mang tính cách sử học. Tuy nhiên, có những câu chuyện khác ăn sâu vào truyền thống dân gian, mà cần mất nhiều thời gian mới có thể giải gỡ được.

Một truyền thống từ thời Trung Cổ đã đồng hóa bà Maria Magdala với người phụ nữ tội lỗi, như đã nói trên đây, bởi vì trong Tin Mừng Luca hai câu chuyện này xảy ra gần với nhau. Thế rồi, bởi vì người đàn bà tội lỗi ấy đã xức dầu thơm lên chân Chúa Giêsu, cho nên cũng được đồng hóa với bà Maria em của bà Marta và Ladaro quê ở Bethania; vì thế bà Maria Magdala cũng được coi là chị em với bà Marta và Ladaro.

Ngày nay, nhờ khảo sát bản đồ địa lý kỹ lưỡng hơn, người ta thấy Magdala và Bethania là hai địa điểm cách xa nhau, và không thể nào đồng hóa với nhau được. Tuy nhiên, một truyền thống vào thời Trung Cổ cho rằng, trong thời kỳ bắt đạo ở Giêrusalem, ba chị em bị hình phạt là bỏ xuống thuyền đẩy ra biển, và chiếc thuyền lênh đênh trôi đến cửa biển Marseille bên Pháp. Tại đây, ông Ladaro làm Giám mục, còn bà Maria Magdala lên núi sống trong một hang Sainte Baume để thống hối đền tội. Vì thế, lịch phụng vụ kính bà thánh Magdala ngày 22/7 hàng năm, còn bà Marta vào một tuần sau đó. Thực ra, lễ này mới được đưa vào lịch phụng vụ từ thế kỷ XII. Bên Đông Phương, bà Maria Magdala được kính vào ngày 22/7, nhưng như một nhân vật biệt lập, chứ chẳng có liên quan gì đến bà Marta. Bên Đông Phương, có truyền thống nói rằng, bà Maria Magdala theo Đức Mẹ và thánh Gioan sang Epheso và qua đời tại đây.

Nhân nói đến truyền thống Đông Phương, thiết tưởng cũng nên nhắc đến một lễ phụng vụ khác vào ngày 24/4, kính thánh Maria Clopas, cũng được coi như là Maria mẹ của ông Giacobe thứ. Clopas (Cleopa hoặc Cleopha) là tên của chồng. Ông Giacobe thứ được coi như người anh em họ với Đức Giêsu, sau này làm Giám mục Gierusalem. Sử gia Hegesippo cho biết rằng, Clopas là em của thánh Giuse và thân sinh của hai anh em ông Simon và ông Giuda Tadeo (về sau này ông Simon sẽ kế vị Giacobe làm Giám mục Gierusalem). Ngoài ra, ông Clopas cũng chính là một trong hai môn đệ được Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra khi đang trên đường đi về Emmaus. Sau cùng, để kết thúc, bên Đông Phương, thánh Maria Salome (thân mẫu của hai thánh Tông Đồ Giacobe và Giuda Tadeo) được mừng vào Chúa Nhật thứ III Phục Sinh, trong khi đó thì lịch phụng vụ cũ bên Giáo Hội Công Giáo Latin kính bà (Maria Salome) vào ngày 22/10, nghĩa là 7 ngày trước lễ của hai vị tông đồ vừa nói.

 

 

 

 


[1] Nikos Kazantzaki, The last temptation of Christ (Cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu), 1955. Tiểu thuyết này được dàn dựng thành phim truyền hình cùng tên (The last temptation of Christ) vào năm 1988, do Martin Scorsese làm đạo diễn. Tác phẩm này cũng đã được dịch giả Bích Phượng dịch ra Việt ngữ do nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản năm 1988.

– Về tác giả: Nikos Kazantzaki (Kasantzakis; 1883 – 1957) là người gốc người Hy Lạp, sinh tại Candie, thuộc xứ Crète vào năm 1883 và qua đời tại Fribourg en Brisgau (Đức) năm 1957. Ông học về ngành Luật tại thành Athènes, học triết tại Paris, và một thời dấn thân vào chính trị. Nikos Kazantzaki có một cuộc sống đi tìm dò triết học và thiêng liêng day dứt. Theo chính lời tác giả đã một lần cho biết rằng, khuôn mặt Đức Giêsu luôn luôn quyến rũ ông thâm sâu.

– Các tác phẩm của ông: kịch Nicéphore Phocar năm 1927; kịch Ulysse năm 1928; anh hùng ca Odysée năm 1938; Alexis Zorba năm 1954; Cám dỗ cuối cùng của Đức Giêsu năm 1955; ngoài ra còn có cuốn “Người nghèo thành Assise” về thánh Phanxicô khó khăn;… Về triết học, Nikos Kazantzaki còn biên soạn về Nietzche và Bergson.

[2] “Mật mã Da Vinci” (tiếng Anh: “The Da Vinci Code”) là một tiểu thuyết của nhà văn Dan Brown người Mỹ, được xuất bản năm 2003, bởi nhà xuất bản Doubleday Fiction. Đây là một trong số bốn tiểu thuyết liên quan tới nhân vật Robert Langdon: “Angels and Demons” (Thiên thần và Ác quỷ), “The Lost Symbol” (Biểu tượng thất truyền; trước đây tác phẩm này được biết đến với tên “The Solomon Key”) và “Inferno” (Hỏa ngục).