GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT HỌC VIỆN – TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐAMINH TẠI VIỆT NAM

0
23430

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT

HỌC VIỆN – TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐAMINH

TẠI VIỆT NAM

***

***

I. LỊCH SỬ HỌC VIỆN – TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐAMINH

Trung Tâm Học Vấn Đaminh có nguồn gốc từ Học viện (Studium Generale) của Dòng Đaminh, được thiết lập nhằm cung cấp việc học Triết và Thần học cho các ứng sinh linh mục. Học viện Đaminh Việt Nam ban đầu được các cha Đaminh người Tây Ban Nha, thuộc Tỉnh Dòng Rosario, thiết lập năm 1930 tại miền Bắc Việt Nam. Sau được đổi tên thành Giáo Hoàng Chủng viện Thánh Alberto, một chủng viện liên Giáo phận do các linh mục Dòng Đaminh điều hành. Giáo Hoàng Chủng Viện ban đầu được đặt tại Nam Định, sau chuyển về Cát Đàm (Thái Bình) một thời gian, và cuối cùng được đưa trở về Nam Định.

Sau năm 1954, Giáo Hoàng Chủng Viện được di dời vào miền Nam và đặt tại Tu viện thánh Alberto Cả (hiện nay là nhà thờ Đaminh – Ba Chuông, 190 Lê Văn Sỹ, Phú Nhuận).

Từ năm 1959, Phụ Tỉnh Đaminh Việt Nam bắt đầu gây dựng được một Học Viện riêng của mình, cũng mang tên Học Viện Thánh Alberto. Từ năm 1965 đến 1967, Học viện được chuyển đến Vũng Tàu.

Ngày 18-03-1967, Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam được thành lập. Kể từ đây, Học Viện Thánh Alberto chính thức trở thành một Trung Tâm Học Vấn Hiến định của Tỉnh Dòng (Institutional Center of Studies), đặt tại Thủ Đức, Sài Gòn. Từ năm 1968, Học Viện này lại được đổi tên là Học Viện Đaminh và tiếp tục phát triển.

Sau năm 1975, với những biến động của quê hương, việc đào tạo trí thức tại Học viện Đaminh cũng chịu ảnh hưởng không ít; chương trình được linh động hóa để anh em có điều kiện thích ứng với những hoàn cảnh mới của xã hội.

Với văn thư ngày 14-12-1986, Cha GioaKim Nguyễn Văn Liêm, OP., Đại diện Bề trên Tổng quyền tại Việt Nam trong giai đoạn này, đã quyết định mở lại Học Viện Đaminh và đặt cơ sở mới tại Tu viện Mân Côi, Gò Vấp.

Từ 1992 đến nay, Học Viện – Trung Tâm Học Vấn Đaminh dần đi vào ổn định, đặt nền cho sự phát triển trên bước đường hòa nhập với thế giới: cơ sở được nâng cấp, thành phần ban giáo sư được mở rộng, thư viện được tăng cường nhiều đầu sách, trình độ sinh viên được nâng cao,…

Học Viện – Trung Tâm Học Vấn Đaminh hiện nay

Với văn thư ngày 06-11-2003, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đã chấp thuận cho khoa Thần học của Trung Tâm Học Vấn Đaminh (Centrum Dominicanum Studiorum) được sát nhập vào Phân Khoa Thần học thuộc Đại Học Giáo Hoàng và Hoàng Gia Santo Tomas (UST), Manila, Philippines. Từ đây, Trung Tâm có tính cách quốc tế và đầy đủ quyền hạn để đào tạo Cử nhân Thần học (Baccalaureatus Sacrae Theologiae – Bachelor of Sacred Theology – S.T.B).

II. SỨ MẠNG

Trung Tâm Học Vấn Đaminh, do các anh em thuộc Tỉnh dòng Đaminh Việt Nam thành lập và điều hành, dưới sự bảo trợ của thánh Thomas Aquinas, có sứ mạng cổ võ, vun trồng cho việc nghiên cứu và truy tìm chân lý, miệt mài học hỏi Thánh Khoa cũng như các khoa học khác.

Sứ mạng này được thực hiện qua việc cung cấp cho các ứng sinh linh mục một nền tảng chắc chắn về đạo lý và những nguồn mạch sâu xa của tri thức nhân loại, để có thể suy tư và nhận định một cách có nền tảng về những vấn đề của cuộc sống.

Thánh Tôma Aquinô

III. MỤC ĐÍCH

Việc học tại Trung Tâm Học Vấn Đaminh chính yếu nhằm đến ơn cứu độ của mình và của tha nhân. Chính vì theo đuổi mục đích này, việc học của Trung Tâm là một hoạt động tự thân mang đặc tính và giá trị tông đồ.

Việc học tại Trung Tâm Học Vấn Đaminh còn nhằm chuẩn bị trực tiếp cho các ứng sinh linh mục một hiểu biết nền tảng về chân lý mặc khải và tri thức sâu xa của nhân loại, để họ có khả năng phục vụ Hội Thánh và con người, đặc biệt về phương diện đạo lý.

Trung Tâm Học Vấn Đaminh, bằng các nghiên cứu thần học, tôn giáo và văn hóa Á Châu, hướng đến sứ vụ phục vụ Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh tại Việt Nam, góp phần vào việc loan báo Tin Mừng trong nền văn hóa đặc thù của lục địa này.

IV. NGUỒN MẠCH

1/. Những nguồn mạch chính yếu trong việc học tại Trung Tâm đặt nền tảng trên: Thánh Kinh và Phụng Vụ, đạo lý của các Giáo Phụ và các Thánh Tiến Sĩ, Giáo Huấn chính thức của Hội Thánh, trong tinh thần “cảm nghĩ cùng với Giáo hội” (sentire cum Ecclesia).

2/. Mặt khác, Trung Tâm luôn trung thành với truyền thống suy tư mà thánh Thomas Aquinas đã khai sáng, một truyền thống được Hội Thánh đặc biệt tín nhiệm, vẫn sống động trải qua gần 800 năm lịch sử.

3/. Đồng thời, Trung Tâm cũng trân trọng và kín múc những tư tưởng minh triết và kinh nghiệm tâm linh trong các tôn giáo, cũng như nơi các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, đặc biệt tại Á châu.

V. NỀN TẢNG PHÁP LÝ

1/. Trung tâm tuân thủ các nguyên tắc của Bộ Giáo Dục Công Giáo về việc giáo dục và đào tạo các ứng sinh chuẩn bị lãnh tác vụ linh mục trong Giáo Hội Công Giáo.

2/. Trung Tâm cũng được hướng dẫn bởi các quy định trong “Quy Chế Học Vấn Chung” của Dòng Đaminh và “Quy Chế Học Vấn Riêng” của Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam.

3/. Ngoài ra, do được sát nhập vào Phân khoa Thần học của Trường Đại học Giáo Hoàng và Hoàng Gia Santo Tomas, Manila, Philippines, Trung tâm còn được điều hành chiếu theo những văn bản pháp lý liên quan đến quy chế sát nhập.[1]

VI. ĐIỀU HÀNH

1/. Trung Tâm hoạt động dưới sự điều hành chung của Bề trên Giám Tỉnh, Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam.

2/. Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn điều hành trực tiếp, còn có Ban Giám Đốc. Đứng đầu là Giám Đốc Trung Tâm do Tỉnh Hội bổ nhiệm.

3/. Ngoài ra, việc điều hành Trung Tâm còn được tham vấn bởi Ban Đào Tạo Tỉnh Dòng Đaminh và Hội Đồng Giáo sư giảng dạy tại Trung Tâm.

VII. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

A. Chương trình

1. Tổ chức

– Chương trình đào tạo tại Trung tâm Học vấn Đaminh kéo dài 6 năm: 2 năm Triết học và 4 năm Thần học. Mỗi niên khóa có hai học kỳ; mỗi học kỳ kéo dài 15 tuần; mỗi tuần 5 buổi, mỗi buổi 4 tiết; mỗi tiết 50 phút.

– Các môn học được sắp xếp theo hệ thống tín chỉ. Toàn bộ chương trình gồm khoảng 210 tín chỉ. Mỗi tín chỉ là 15 tiết.

– Thông thường, niên khóa bắt đầu trong tuần đầu tháng 9 và kết thúc vào đầu tháng 6 năm sau.

2. Các môn học

– Chương trình Triết học (70 tín chỉ): Bao gồm các môn học về lịch sử Triết học Tây Phương, Triết học Hệ Thống, Tôn Giáo và Triết học Đông Phương, khoa học nhân văn và ngôn ngữ. Các môn học hầu như cố định cho mỗi năm.

– Chương trình Thần học (138 tín chỉ): Bao gồm các môn học thuộc các ngành Kinh Thánh, Thần học Tín lý, Thần học Luân lý, Thần học Phụng Vụ – Bí Tích, Thần học Linh Đạo, Lịch sử Giáo hội, Giáo Luật và Mục vụ. Một số môn học được dạy cách quãng hai năm một lần, và có thể chung cho hai lớp.

– Tốt nghiệp cuối chương trình (10 tín chỉ): Hệ thống lại tất cả các bộ môn của chương trình Thần học.

– Trong hệ thống chương trình, ngoài các bài làm cuối khóa, các sinh viên còn được phân chia thành các nhóm nghiên cứu và bài luận do các Giáo sư hướng dẫn.

– Bên cạnh đó, các sinh viên còn được hướng dẫn các bộ môn về cổ ngữ Híp-ri, Hy-lạp nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu học hỏi.

B. Thi cử

1/. Thi học kỳ và cuối khóa: Sinh viên có thể làm bài tại lớp hoặc tại nhà, tùy theo quyết định của Giáo sư bộ môn hướng dẫn.

2/. Nhóm nghiên cứu và bài luận

a. Nhóm nghiên cứu (Seminar)

– “Nghiên cứu nhóm” được áp dụng bắt buộc đối với các sinh viên Thần II, và mở rộng đối với các sinh viên khác với sự đồng ý của Giáo sư hướng dẫn. Mỗi nhóm tối đa 12 sinh viên, ưu tiên cho sinh viên tham dự bắt buộc.

– Ngoài ra, sinh viên có thể tự thành lập “Nghiên cứu nhóm”, chọn đề tài và giáo sư hướng dẫn, với sự chấp thuận của Giám đốc Trung Tâm.     

b. Bài luận (Tiểu luận)

– Viết tiểu luận được áp dụng cho sinh viên Triết II và Thần III.

– Tiểu luận Triết học từ 25-30 trang A4. Tiểu luận Thần học từ 35-40 trang A4. Cách trình bày bìa và nội dung tiểu luận theo quy định của Trung Tâm

– Ngoài ra, sinh viên có thể đăng ký viết bài luận với Giáo sư bộ môn, với sự chấp thuận của Giáo sư hướng dẫn và Giám đốc Trung Tâm.

3/. Thi tốt nghiệp

a. Điều kiện tham dự thi tốt nghiệp

– Là sinh viên chính quy;

– Đã hoàn tất chương trình thần học tại Trung Tâm trong thời hạn quy định;

– Làm đơn đăng ký dự thi và đóng lệ phí.

b. Nội dung

– Nội dung thi tốt nghiệp được Ban Giám Đốc xác định và phổ biến cho sinh viên ngay từ đầu năm học

c/. Hình thức thi

Sinh viên được tùy chọn theo một trong hai hình thức “vấn đáp” hoặc “viết”

– Thi vấn đáp: Thí sinh sẽ được khảo hạch trong vòng 45 phút với 3 giáo sư về những đề tài thuộc 3 lãnh vực: Kinh Thánh, Tín lý và Luân lý.

– Thi viết: Sinh viên tự rút 3 đề thi từ mỗi nhóm đề thuộc 3 lãnh vực nói trên và thực hiện mỗi đề thi trên từng tờ giấy thi riêng. Thời gian làm bài cho cả 3 đề là 180 phút. Bài thi viết sẽ được rọc phách trước khi gửi cho các giáo sư chấm điểm.

C. Kết quả học tập

1/. Thang điểm và xếp hạng (Theo quy chuẩn Đại Học UST)

Thang Điểm UST

Xếp hạng

Thang Điểm 10

1.00 – 1.15 

Xuất sắc

Summa cum laude

10   –  9.50

1.16 – 1.25

Giỏi

Magna cum Laude

9.49 – 9.00

1.26 – 1.50

8.99 – 8.50

1.51 – 1.75

K

Cum Laude

8.49 – 8.00

1.76 – 2.00

7.99 – 7.50

2.01 – 2.25

Trung bình khá
Bene probatus

7.49 – 7.00

2.26 – 2.50

6.99 – 6.50

2.51 – 2.75

6.49 – 6.00

2.76 – 2.85

Trung bình

Probatus

5.99 – 5.50

2.86 – 3.00

5.49 – 5.00

3.01 – 5.00

Rớt

4.99 – 1.00

 2/. Bảng điểm

– Gồm những thông tin về kết quả học tập của toàn bộ chương trình học tập của sinh viên;

– Được cấp một lần cùng với bằng Cử nhân hoặc Chứng nhận tốt nghiệp;

– Có thể được cấp lại, nếu có yêu cầu và theo quy định của Văn phòng Trung Tâm.

3/. Chứng nhận tốt nghiệp Thần học và Văn bằng Cử nhân Thần học

a. Điều kiện để được cấp Chứng nhận Tốt nghiệp Thần học

– Điểm thi tốt nghiệp trung bình của 03 bài thi từ 3.00 trở lên và không bài thi nào bị điểm liệt (điểm liệt là 4.00 UST, tương đương 2/10).

b. Điều kiện để được cấp Văn bằng

– Điểm trung bình các môn học, nghiên cứu nhóm, tiểu luận của chương trình Thần học đạt từ 2.00 điểm trở lên và không có điểm nào dưới 3.00

– Không có quá 04 (bốn) môn của chương trình Thần học phải thi lại hay học lại.

– Điểm thi tốt nghiệp trung bình của mỗi bài thi từ 3.00 trở lên.

c. Điểm tổng kết để xếp thứ hạng văn bằng được tính như sau

– Điểm trung bình tất cả các môn Chương trình Thần học: 80%

– Điểm thi tốt nghiệp: 20%

d. Các thứ hạng Văn bằng

Thang điểm

10                     UST

Xếp hạng
10    – 9.50 1.00 – 1.15 Summa cum laude – Xuất sắc
9.49 – 8.50 1.16 – 1.50 Magna cum laude – Giỏi
8.49 – 7.50 1.51 – 2.00 Cum laude – Khá
7.49 – 6.00 2.01 – 2.75 Bene probatus – Trung bình khá
5.99 – 5.00 3.00 – 2.76 Probatus – Trung bình

 VIII. SINH VIÊN

1/. Điều kiện thâu nhận sinh viên

Trung tâm Học vấn Đaminh được mở chủ yếu cho đối tượng là các ứng sinh linh mục. Do vậy, các sinh viên muốn theo học tại đây cần hội đủ những điều kiện cần thiết theo những quy định của Bộ Giáo Dục Công Giáo, Quy Chế Đào Tạo Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam, Quy Chế Trung Tâm Học Vấn Đaminh và Quy Chế Sát Nhập Của Trung Tâm Với Đại Học UST.

a. Để được nhận vào chương trình Triết học, sinh viên cần các điều kiện sau:

– Đã tốt nghiệp phổ thông trung học xã hội;

– Có giấy giới thiệu của Bề trên cao cấp của các Dòng, Hội Dòng và Tu Hội hợp pháp;

– Qua kỳ thi tuyển với hai môn thi Việt vănAnh ngữ

b.  Để được nhận vào chương trình Thần học, sinh viên cần các điều kiện sau:

– Đã tốt nghiệp phổ thông trung học xã hội;

– Có giấy giới thiệu của Bề trên cao cấp của các Dòng, Hội Dòng và Tu Hội hợp pháp;

– Bảng điểm của các môn Triết học đã học tại các Chủng Viện hoặc Học Viện khác;

– Qua kỳ thi tuyển với hai môn thi Triết học Anh ngữ.

2/. Các diện Sinh viên học tại Trung Tâm

Sinh viên chính quy (ordinary): Theo học toàn bộ chương trình tại Trung Tâm Học Vấn Đaminh với mục đích lấy văn bằng Cử nhân Thần học (Baccalaureatus Sacrae Theologiae) của UST, hoặc Chứng nhận tốt nghiệp Thần học của Trung Tâm.

Sinh viên không chính quy (extraordinary): Theo học một phần chương trình tại Trung Tâm với mục đích lấy bảng điểm cho từng môn học. Thời gian theo học không quá 3 năm.

Sinh viên dự thính (auditors): Tham dự một số môn học tại Trung Tâm nhằm có kiến thức và không lấy điểm số.

3/. Chuyển trường

Một sinh viên đã theo học chương trình Thần học tại một Chủng viện / Học viện Công Giáo khác có thể tiếp tục việc học tại Trung Tâm theo diện sinh viên chính quy, với những điều kiện sau:

– Có Thư giới thiệu của Bề trên cao cấp của Dòng / Hội Dòng / Tu Hội hợp pháp, trình bày lý do chuyển trường;

– Đã qua ít là một năm Chương trình Thần học với các môn tương đương với chương trình của Trung Tâm;

– Điểm trung bình của tất cả các môn tối thiểu 2.25 điểm (tương đương 7/10 điểm) và không có môn nào dưới 3.00 điểm (tương đương 5/10 điểm);

– Sẽ theo học ít là 50% số tín chỉ của Chương trình Thần học tại Trung Tâm.

4/. Lưu điểm

Sinh viên có thể được chấp nhận lưu điểm với các điều kiện sau:

– Có lý do chính đáng với sự chứng nhận của Vị Phụ trách;

– Thời hạn lưu điểm là một năm; với trường hợp đặc biệt, có thể bảo lưu hai năm.

5/. Hoàn tất chương trình

– Sinh viên Triết học phải hoàn tất chương trình trong thời gian không quá 03 năm.

– Sinh viên Thần học phải hoàn tất chương trình học trong thời gian không quá 06 năm.

6/. Kỷ luật

– Sinh viên tham dự đầy đủ các buổi học trên lớp, nghiên cứu nhóm, các hội thảo chuyên đề do Trung Tâm tổ chức, cũng như tuân thủ mọi quy định khác của Trung Tâm.

– Sinh viên nghỉ học cần phải có đơn xin phép với chữ ký xác nhận của Vị Phụ trách trực tiếp, và gửi cho Văn phòng.

– Sinh viên nghỉ học không phép quá 3 lần trong một học kỳ, sẽ bị trừ 20% số điểm của mỗi môn trong học kỳ đó. Sinh viên nghỉ học quá 1/3 số tiết học (dù có phép) của môn học nào thì không được thi kiểm tra cuối kỳ của môn đó.

Chương trình đào tạo các ứng sinh linh mục đặc biệt lưu ý đến thái độ trung thực trong việc học hành cũng như trong các kỳ thi và làm bài tại nhà. Tất cả các hình thức gian lận đều không phù hợp với một ứng sinh linh mục. Vì thế, người vi phạm sẽ không được tiếp tục theo học tại Trung tâm.

– Những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng hay thường xuyên sẽ có hình thức xử lý kỷ luật riêng.

7/. Tổ chức sinh viên

– Sinh viên được khuyến khích tổ chức các sinh hoạt ngoại khóa về văn hóa, thể thao,v.v… nhằm tăng cường tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Các hoạt động này được đặt dưới sự giám sát của Ban Điều hành Trung Tâm.

– Để thuận tiện cho việc phối hợp với Ban Điều hành trong các hoạt động của Trung Tâm,

+ Mỗi lớp cần có một Đại diện;

+ Sinh viên toàn Trung Tâm cần có một Ban Đại diện.

Việc bầu chọn, nhiệm kỳ và nhiệm vụ của Đại diện và Ban Đại diện theo Nội quy riêng của sinh viên, đã được Giám đốc Trung Tâm chấp chuận.

IX. THƯ VIỆN

1/. Nguồn tài liệu

– Thư viện Trung Tâm hiện nay có khoảng 100.000 đầu sách các loại, gồm: Kinh Thánh, Thần học, Linh đạo, Triết học, Văn hóa, Lịch sử,v.v… bằng các thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Latinh,…

– Thư viện đặc biệt có các bộ từ điển và bách khoa từ điển thuộc nhiều lãnh vực; gần 60 tạp chí các loại, bằng các ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp và Ý. Thư viện được trang bị hệ thống vi tính thuận tiện cho việc tra cứu sách trong Thư viện.

2/. Đối tượng đọc giả

Thư viện phục vụ đối tượng đọc giả là các giáo sư và sinh viên của Trung tâm. Ngoài ra, Thư viện cũng sẵn sàng tiếp đón các giáo sư và sinh viên từ các Chủng viện và Học viện khác.

3/. Điều kiện để sử dụng thư viện

Đọc giả cần làm Thẻ thư viện và trình Thẻ mỗi khi sử dụng thư viện.

Các sinh viên của Trung Tâm và đọc giả thuộc các Chủng viện và Học viện khác cần gia hạn thẻ hằng năm.

4/. Photocopy tài liệu

Đọc giả có thể photocopy tài liệu theo quy định của luật bản quyền. Tất cả các tài liệu photocopy chỉ được sử dụng cho mục đích học hành và nghiên cứu.

X. VĂN PHÒNG TRUNG TÂM

1. Văn phòng là nơi cung cấp cho sinh viên những thông tin về tuyển sinh, nhập học, thi cử, các sinh hoạt, và giải quyết những thắc mắc của sinh viên trong quá trình học tại Trung Tâm.

2. Trong năm học:

– Văn phòng làm việc vào các ngày học, từ thứ Hai đến thứ Sáu (07g15 – 11g00);

– Ban Giám đốc tiếp sinh viên vào các buổi sáng thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm, 09g00 – 11g00 (hoặc sinh viên có thể hẹn trước vào ngày giờ khác).

3. Trong tháng 6, Văn Phòng mở cửa vào các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu (08g00 – 10g00).

4. Địa chỉ liên lạc:

Trung Tâm Học Vấn Đaminh

90 Nguyễn Thái Sơn, P. 3, Q. Gò Vấp, TP. HCM.

Đt: 028 6682 6150  Fax: (08) 35 88 58 23

Email:
tthvdm@gmail.comThis email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.


[1]Những văn bản chính thức gồm: Conventio ad affiliandum; Notio affiliationis theologicae; Normae servandae ad affiliationem exsequendam; và một phần trong Tông hiến “Sapientia christiana”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here