Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Khi đọc tiểu sử các vị Thánh trong Giáo Hội, chúng ta thấy có một số vị đã từng bị “giam tù” ngay tại Tu viện. Một trong những khuôn mặt đó là Thánh Gioan Thánh Giá (kính ngày 14 tháng 12). Ngài là cộng sự viên với Thánh Têrêxa Avila trong việc cải tổ dòng Carmêlô. Có người phát giác rằng, Thánh Gioan Thánh Giá đã từng bị giam tù ở trong tu viện Tôlêđô! Làm thế nào lại có chuyện nhà tù ở trong các Nhà Dòng?
Nên biết rằng chế độ hình luật nào cũng có các biện pháp trừng trị khác nhau dành cho những ai vi phạm luật lệ. Có thứ tội nặng thì bị tuyên án phát lưu hoặc khổ sai; có thứ tội nhẹ thì chỉ bị cảnh cáo hay là bắt học tập. Theo một nghĩa rộng, thì nói được rằng các tu viện đều là nhà tù cải tạo, một đàng theo nghĩa là ai đã vào đấy thì phải chịu hạn chế một phần tự do, không thể tự do ra vào lúc nào tùy ý; và đàng khác, các tu sĩ đã chấp nhận sự hạn chế đó là vì họ cảm thấy mình có nhiều khuyết điểm, cần được sửa chữa rèn luyện. Như vậy hiểu theo nghĩa rộng thì quả thực ta có thể nhại câu kiều rằng “chữ tù liền với chữ tu một vần”. Nhưng mà ngoài nhà tù hiểu theo nghĩa rộng, lại còn nhà tù theo nghĩa hẹp, nghĩa là nơi giam giữ những tu sĩ cứng đầu cứng cổ nữa. Tôi xin xác nhận rằng trong các tu viện có nhà tù theo nghĩa hẹp.
Giáo luật nói về nhà tù ở chỗ nào?
May thay, chế độ nhà tù trong các tu viện đã bị bãi bỏ từ lâu rồi, cho nên bộ giáo luật hiện hành không có khoản nào nhắc tới nó nữa. Duy ở đ.1337 khoản 2 đả động xa xa tới một biện pháp thịnh hành trong quá khứ, đó là đức Giám mục có thể gửi một giáo sĩ nào phạm lỗi phải đi cấm phòng ở một tu viện; tu viện có thể ví như nơi để cải tạo các giáo sĩ phạm lỗi. Dù sao, việc đi lùi lại thời gian để tìm hiểu lịch sử của các nhà tù trong các nhà tu không phải là chuyện thừa. Các nhà tù không thành hình một sớm một chiều, cũng như không tan biến một sớm một chiều. Xét về sự thành hình, thì người ta ghi nhận những bước tiến như thế này.
Trước hết, chúng ta phải chấp nhận rằng không phải hết những ai đi tu thì đều đã nên lành thánh. Có thể nói ngược lại: nếu ai đã là thánh nhân rồi, thì đâu cần phải tu luyện làm chi nữa! Mặt khác, trong lịch sử Kitô giáo, những hình thức tu trì tiên khởi là các ẩn sĩ ở bên Ai cập và Syria, rồi dần dần hình thức cộng đoàn mới xuất hiện. Không rõ các ẩn sĩ tiên khởi xuất thân từ thành phần nào trong xã hội, nhưng một điều chắc là họ hành hạ thân xác dữ lắm để mà làm việc đền tội. Thí dụ như tránh không tiếp xúc với ai, ăn chay phạt xác, xiềng mình vào cái cột,v.v… Về sau, những hình thức hãm mình ấy được tiếp tục duy trì trong các bộ luật dòng, vừa mang tính cách khổ chế vừa mang tính cách đền tội.
Đó là khi mà các tu sĩ đã sống thành cộng đoàn, phải không?
Đúng vậy. Khi các tu sĩ sống thành cộng đoàn, các bộ luật được soạn ra. Trong các bộ luật đó, chúng ta thấy rằng: một đàng tất cả các tu sĩ phải thi hành vài hành vi khổ chế gì đó (thí dụ: ăn chay kiêng thịt, thức khuya dậy sớm, thinh lặng,v.v…); đàng khác, những chế tài để phạt những tu sĩ sai lỗi cũng là những hành vi mà các người khác đã phải thực hiện rồi nhưng với một mức độ nặng hơn. Tỉ dụ như cả cộng đoàn phải ăn chay nhưng mà mỗi năm chỉ trong mấy ngày hay mấy tháng, còn ai phạm lỗi nặng thì phải ăn chay suốt cả năm hay là suốt mấy năm liền.
Những chuyện này có liên hệ gì tới chế độ nhà tù trong các Nhà Dòng đâu?
Có chứ. Nhưng mà cần phải đi từ từ để tìm ra nguồn ngọn của nó. Như vừa nói, tuy rằng tất cả các tu sĩ đều còn bất toàn, và vì vậy các việc khổ chế nhằm rèn luyện họ để càng ngày càng tới sát lý tưởng hơn; nhưng mà trong cộng đoàn cũng có một vài phần tử ương ngạnh, cho nên cần phải có biện pháp đối với họ. Dĩ nhiên, những biện pháp trừng phạt có cấp độ nặng nhẹ khác nhau tùy theo mức độ trầm trọng của lỗi phạm. Có khi hình phạt chỉ là sự cảnh cáo nơi công khai (chừng đó cũng đủ làm cho đương sự xấu hổ vì bị mất mặt trước cộng đoàn). Có cấp độ nặng hơn thì tăng gia các việc khổ chế như vừa nói (thí dụ ăn chay trong thời gian lâu hơn những người khác). Có cấp độ nặng nữa thì bị loại ra khỏi cộng đoàn.
Nghĩa là đuổi ra khỏi Nhà Dòng?
Đời nay thì đúng là như vậy, nhưng mà đời xưa thì không có chuyện tháo lời khấn hay đuổi. Đương sự phải ở lại trong Nhà Dòng và chịu những hình phạt mà luật đã dự trù. Đối với những tội nặng, thì những bộ luật cổ nói rằng tu sĩ bị “tuyệt thông”, nghĩa là cấm không được lai vãng tiếp xúc với các phần tử khác trong cộng đoàn. Mức độ tuyệt thông có nhiều cấp độ. Cấp độ nhẹ thì chỉ cấm các phần tử khác không được chuyện trò nói năng với đương sự. Cấp độ kế tiếp là đương sự không được tham gia vào các sinh hoạt của cộng đoàn: thí dụ như phải ăn cơm riêng chứ không ngồi chung với cộng đoàn. Cấp độ thứ ba là phải sống tách rời khỏi cộng đoàn, sống một cái lều hay cái chòi nào đó tuy vẫn trong lãnh thổ của đan viện.
Chúng ta có thể tìm thấy những cấp độ tuyệt thông (tuyệt giao) trong luật của Thánh Benedicto, (một bộ luật cổ điển của các đan sĩ Tây phương viết vào thế kỷ VI), cách riêng ở chương 23. Hình thức tuyệt thông có thể coi như manh nha của các nhà tù về sau. Thực vậy, khi nghe nói tới nhà tù, chúng ta thường liên tưởng tới xà lim với xiềng xích, hoặc là cái nhà có hàng kẽm gai bao vây. Kỳ thực hình khổ chính của nhà tù là bị cắt đứt khỏi xã hội: tù nhân bị cô lập hóa, bị xã hội xa tránh như một thành phần nguy hiểm. Các bộ luật cổ cũng đối xử như vậy với các tu sĩ phạm trọng tội.
Như vậy, trong các tu viện, việc đi ở tù chỉ có nghĩa là không được giao tiếp với các phần tử khác mà thôi hay sao?
Đó là bước thứ nhất trong tiến trình thành hình nhà tù. Như đã nói trên, có nhiều cấp độ tuyệt giao: có khi chỉ là cấm không được chuyện trò; có khi là không được ăn chung; nhưng cũng có khi là sống biệt ra ở một căn nhà khác. Từ cấp độ sống tách biệt, chỉ cần một bước nhỏ nữa là tiến tới nhà tù theo nghĩa chặt. Trong giai đoạn thứ hai của tiến trình, người tu sĩ phạm tội sẽ bị nhốt trong một phòng (ta tạm gọi là xà lim). Hình thức nhà giam được ấn định tỉ mỉ ở trong luật của thánh Isiđôrô vào đầu thế kỷ VII bên Tâybannha. Việc phân chia cấp độ của các lỗi cũng được hoàn bị hơn, gồm 4 hạng: lỗi nhẹ (culpa levis), lỗi nặng (gravis), lỗi nặng hơn (gravior), lỗi rất nặng (gravissima). Việc xếp hạng bốn cấp độ các lỗi trở thành cổ điển trong hiến pháp các Dòng tu cho đến Công Đồng Vaticanô II.
Tu sĩ bị giam như vậy thì làm gì? Chả lẽ chỉ ăn với ngủ?
Luật Thánh Isiđôrô cũng dự trù những biện pháp khác nhau trong thời gian giam tù. Dĩ nhiên, trước tiên tùy theo mức độ nặng nhẹ mà xác định thời gian lâu mau: có thể hai ba ngày, nhưng cũng có thể lên tới 6 tháng. Trong tù thì việc ăn uống bị hạn chế, tuy rằng không thể nói là bên ngoài anh em ăn ngon hơn! Ngoài chuyện bị thiếu ánh sáng, tù nhân có thể bị xiềng, và bị đánh đòn nữa.
Nhưng mà Thánh Gioan Thánh Giá bị tội gì mà bị giam tù vậy?
Nãy giờ chúng ta bàn đến nguồn gốc của các nhà tù ở trong các nhà tu tại các đan viện thời cổ. Các nhà tù được coi như biện pháp để sửa trị các tu sĩ phạm lỗi nặng. Sang thời Trung cổ, định chế nhà tù còn được duy trì trong các quyển hiến pháp của các Dòng. Giáo luật thời đó cũng dự liệu hình phạt tù chung thân cho những tu sĩ bỏ trốn Nhà Dòng. Thêm vào đó, những tu sĩ phạm trọng tội cũng có thể được giao cho nhà nước xử lý, nghĩa là bị giam trong các nhà tù của chính quyền. Vào thời sau Công Đồng Trentô, (năm 1566) Đức Giáo Hoàng Piô V đã ra lệnh giam những tu sĩ không chấp nhận những sắc lệnh cải tổ mà Công Đồng đã ra. Điều trớ trêu là Thánh Gioan Thánh Giá (một người chủ trương ủng hộ việc cải tổ) thì lại bị nhóm chống cải tổ bắt nhốt 9 tháng ở Tôlêđô, vì lý do là ngài đã bỏ Nhà Dòng ra đi! Thế nhưng chính trong thời gian bị giam oan uổng như vậy mà thánh nhân đã viết những tác phẩm tuyệt nhất về thần bí. Mặt khác, nên biết là thánh Têrêxa trong hiến pháp của Dòng nữ Carmêlô cải tổ vẫn duy trì chế độ nhà giam trong đan viện.
Chế độ nhà giam trong các nhà tu chấm dứt từ hồi nào?
Trong lịch sử, không phải đâu đâu các nhà tu cũng có nhà tù; vả lại tuy rằng các bản luật nói tới nhà tù nhưng không phải lúc nào tiếng nhà tù cũng được hiểu theo nghĩa chặt: đôi khi nó chỉ có nghĩa là sự sống tách biệt khỏi cộng đồng. Dù sao thì các nhà tù trong các nhà tu dần dần biến đi vì nhiều lý do.
(1) Kể từ cách mạng 1789 bên Pháp, nhiều quốc gia không còn nhìn nhận cho Giáo hội có một chế độ hình luật riêng nữa. Vì thế, chỉ có chính quyền mới có quyền bắt giam xét xử các phạm nhân. Trong bối cảnh này, bề trên nào tống giam tu sĩ trong Nhà Dòng thì liều mình sẽ bị truy tố trước pháp luật vì tội cưỡng đoạt tự do của người khác cách bất hợp pháp.
(2) Lý do khác nữa là giáo luật gần đây đã tỏ ra dễ dãi hơn trong việc chuẩn lời khấn và trục xuất các tu sĩ. Vì vậy, ai không muốn tu nữa thì làm đơn xin về, chứ việc gì mà cứ ở trong Nhà Dòng phá rối rồi phải chịu hình phạt! Nói ngược lại cũng đúng: nếu bề trên nào làm mạnh tay quá thì đương sự cũng cuốn gói ra đi, chứ không đời nào cắn răng lãnh hình phạt. Cũng vậy, những ai bướng bỉnh quá thì có thể bị Nhà Dòng trục xuất. Thời thế đã thay đổi. Không thể nào quan niệm nhà tu như cái nhà tù được nữa: chuyện đi tu có tính cách tự nguyện. Không cần phải đào hào đắp lũy để ngăn các tu sĩ tẩu thoát!