Hiểu Sống Đức Tin: Tại Sao Gọi Là "Lời Khuyên Phúc Âm"?

0
1367


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Khi bàn về đời sống tận hiến, người ta thường nói đến ba lời khuyên phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời. Tại sao gọi đó là ba lời khuyên Phúc âm? Phúc âm chỉ có ba lời khuyên thôi hay sao?

Chúng ta nên phân biệt hai vấn đề. Thứ nhất: lời khuyên Phúc âm là gì? Thứ hai: có bao nhiêu lời khuyên Phúc âm? Vấn đề thứ hai tùy thuộc vấn đề thứ nhất. Câu hỏi thứ nhất: lời khuyên Phúc âm là gì? Có ít là hai lối giải thích: (1) một lối giải thích khá quen thuộc là sự phân biệt giữa “lời truyền”“lời khuyên”. Theo lối giải thích này, trong Phúc âm chúng ta đọc thấy nhiều điều mà Chúa truyền buộc phải giữ (chẳng hạn như mười điều răn); nhưng bên cạnh đó, còn nhiều điều khuyên, nghĩa là khuyến khích thực hành, để trở nên tốt hơn. Nền tảng của sự phân biệt này có thể tìm thấy nơi trình thuật của Phúc âm nhất lãm về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với một thanh niên. Anh ta hỏi Ngài: Thưa thầy, tôi phải làm điều gì để được vào Nước Trời? Chúa trả lời: Hãy giữ các điều răn (tức là luật truyền). Anh tiếp thêm: “Tôi đã tuân giữ tất cả từ hồi còn nhỏ. Chúa liền nói: Còn thiếu một điều nữa; anh về bán hết gia tài, phân phát cho người nghèo, rồi đến đây theo tôi. (Mt 19,16-22 và song song). Theo lối giải thích cổ truyền, thì trong câu chuyện này, ta thấy có hai cấp độ: cấp một là giữ các giới răn; đây là điều kiện thiết yếu để được vào Nước Trời; cấp thứ hai là từ bỏ tài sản để đi theo Chúa. Điều này Chúa không buộc nhưng chỉ khuyên thôi. Chàng thanh niên đó không đáp lời khuyên đó (và có lẽ làm cho Chúa buồn) nhưng mà điều đó không phương hại đến phần rỗi. (2) Tuy nhiên, ngoài lối giải thích vừa kể (phân biệt lời truyền với lời khuyên), còn có một lối giải thích khác về ý nghĩa của từ ngữ “lời khuyên Phúc âm”, đó là: Tất cả Phúc âm đều là lời khuyên hết. Theo nghĩa này, lời khuyên không phải đối chọi với lời truyền cho bằng lời mời yêu thương nhắm tới bạn hữu. Những người chủ trương ý kiến này muốn nêu bật sự khác biệt giữa hai chế độ Cựu ước và Tân ước. Trong Cựu ước, ta gặp thấy rất nhiều giới luật: ai tuân hành luật Chúa thì sẽ được thưởng, còn ai lỗi luật thì bị luận phạt. Mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa ra như dựa trên sự công bằng pháp luật. Còn trong Tân ước, Đức Kitô muốn đi xa hơn. Ngài cho thấy rằng trọng tâm của hết mọi luật lệ là tình yêu thương; và rồi từ chỗ yêu thương, Ngài mời gọi hết mọi người hãy tiến xa luôn mãi, cho đến mức trọn lành giống như Cha trên trời. Đức Giêsu muốn đánh vào con tim của mỗi người, yêu cầu họ hãy vượt lên não trạng ba cọc ba đồng, ngõ hầu trao phó toàn cuộc đời cho tình yêu Chúa.

Có bao nhiêu lời khuyên Phúc âm?

Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, thì không thể nào đếm xuể hết các lời khuyên, hay nói đúng hơn, toàn thể Phúc âm chứa đựng một lời khuyên tổng quát, đó là hãy yêu mến Chúa hết lòng. Còn hiểu theo nghĩa thứ nhất, (lời khuyên đối lại với lời truyền) thì con số có thể đếm được trên đầu ngón tay, tuy dù có sự tiến triển không nhỏ trải qua lịch sử Giáo hội. Ngay từ thế kỷ III, ông Origène đã bắt đầu vạch ra một số lời khuyên trong Phúc âm nhằm giúp tín hữu đặt tới sự trọn lành, đặc biệt là 6 lời khuyên sau đây:

1/ Từ bỏ tài sản, dựa theo Mt 19,21: “Nếu anh muốn nên trọn lành, thì hãy bán hết những gì anh có và phân phát cho người nghèo.. rồi đến đây, đi theo tôi”.

2/ Sống độc thân. Lời khuyên này được nói ở Mt 19, 11-12, nhưng được phát biểu rõ hơn nữa ở thư thứ nhất thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô, chương 7, câu 25-26, khi ngài nói rõ là không truyền nhưng chỉ khuyến khích nếp sống trinh khiết mà thôi.

3/ Từ bỏ gia đình, dựa theo Mt 10,37: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không xứng đáng với ta, ai yêu con cái mình hơn ta thì không xứng đáng với ta”.

4/ Khước từ quyền lợi chính đáng, dựa theo bài giảng trên núi (Mt 5,38-42) không chống cự kẻ bóc lột mình.

5/ Làm việc thiện kín đáo, cũng dựa theo bài giảng trên núi (Mt 6,6-18), khi Chúa dạy đừng phô trương rầm rộ mỗi khi ăn chay bố thí; 6/ từ bỏ mình đi theo Chúa (Mc 8,43-38 và song song): vác thập giá đi theo Ngài và sẵn sàng liều mạng sống vì Ngài.

Những lời khuyên này đâu có giống với các lời khuyên Phúc âm mà các tu sĩ tuyên giữ đâu?

Nên nhớ là ông Origène viết những dòng trên đây cho tất cả mọi tín hữu, thúc giục họ hãy cố gắng tiến tới sự trọn hảo, kể cả khi phải hy sinh tính mạng. Tác giả sống vào thế kỷ III, lúc Giáo hội còn đang bị bách hại. Lúc đó, thần học về các lời khuyên Phúc âm chưa dính dáng gì tới đời tu trì hết, bởi vì nếp sống tu trì chỉ phát triển vào một thế kỷ sau, khi mà các cơn bắt đạo đã qua, và Giáo hội rơi vào nguy cơ hạ thấp những yêu sách của Tin mừng. Theo nhiều sử gia, các đan sĩ đầu tiên rút lui vào sa mạc bởi vì muốn nuôi dưỡng nhuệ khí cha ông. Vì thế không lạ gì họ quyết tâm tuân giữ những lời khuyên Phúc âm.

Các đan sĩ đầu tiên giữ bao nhiêu lời khuyên Phúc âm: sáu lời khuyên Phúc âm theo ông Origène, hay là ba lời khuyên (khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục) theo giáo luật ngày nay?

Các đan sĩ đầu tiên không kết tụ ngay thành một dòng tu, với một bản luật đồng nhất quy định hết tất cả các nghĩa vụ. Dù sao thì nếp sống tu trì còn bao gồm nhiều điểm mà ta không thấy liệt kê trong danh sách của ông Origène, chẳng hạn như sự cầu nguyện. Đành rằng tất cả mọi tín hữu đều buộc phải cầu nguyện, nhưng các đan sĩ dành nhiều thời giờ hơn vào việc cầu nguyện, đến nỗi có người định nghĩa đời đan tu là đời cầu nguyện. Một cách tương tự như vậy, tất cả các tín hữu đều phải khổ chế, nhưng các đan sĩ thực hành khổ chế cách nghiêm khắc hơn.

Từ hồi nào, các lời khuyên Phúc âm rút xuống còn ba?

Thật khó trả lời, bởi vì đã từ lâu, nhiều đan sĩ đã tuyên hứa ba điều, nhưng không hẳn là ba lời khuyên Phúc âm giống như giáo luật hiện nay. Chúng ta thử lấy một thí dụ từ các bản luật đan tu hồi thế kỷ IV-V bên Tây phương thì đủ hiểu. Ai giữ luật thánh Augustinô thì cam kết ba điều: độc thân, khó nghèo, sống cộng đoàn. Các tu sĩ dòng Biển đức thì cũng tuyên hứa ba điều: định cư, hoán cải cuộc sống, vâng phục. Chúng ta thấy rằng ba điều này của luật Biển đức thì rộng hơn ba lời khuyên Phúc âm rất nhiều, bởi vì lời hứa “hoán cải” coi như là vô giới hạn, bó buộc phải cải thiện liên lỉ theo tinh thần Phúc âm. Một cách tương tự như vậy, lời hứa “vâng lời” cũng mang tầm mức rất phổ quát, bởi vì đan sĩ hứa tuân giữ bản luật đặt ra rất nhiều nghĩa vụ tu đức (từ việc đọc kinh cầu nguyện, ăn chay kiêng thịt, cho đến thực tập đức khiêm nhường), chưa kể đến việc vâng phục bản luật sống là chính viện phụ. Vì thế mà không lạ gì các tu sĩ dòng Đa Minh chỉ hứa một điều, đó là vâng giữ Hiến pháp, xét vì tất cả các lời khuyên đều được viết trong đó rồi. Dù sao thì việc xác định ba lời khấn dòng trong giáo luật chỉ trở thành cố định từ năm 1253, trong một tuyên ngôn của Đức Thánh Cha Innôcêntê IV gửi cho Dòng Thánh Clara, tóm tắt các điểm cốt yếu của đời tu vào sự khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.

Đức Thánh Cha có giải thích tại sao chỉ có ba lời khuyên Phúc âm hay không?

Theo chỗ tôi biết, vào thời đó, người ta chưa sử dụng từ ngữ “lời khuyên Phúc âm”. Người ta chỉ muốn xác định những điểm tạo nên bản chất đời tu trì, khác biệt với các hàng ngũ khác trong Giáo hội. Thánh Tôma Aquinô giải thích ba lời khấn dòng theo nghĩa là dâng hiến cho Thiên Chúa ba điều thiện cao quý của con người: lời khấn khó nghèo hiến dâng tài sản; lời khấn khiết tịnh dâng hiến thân xác; lời khấn vâng lời dâng hiến ý chí tự do. Tư tưởng “lời khuyên Phúc âm” mới trở lại phổ thông vào thời cận đại, khi người ta muốn đào sâu thêm ý nghĩa của ba lời khấn theo viễn tượng làm môn đệ Chúa Giêsu. Ai muốn đi theo Chúa Giêsu thì cũng muốn bắt chước nếp sống của Người, đó là khiết tịnh, thanh bần và vâng phục. Ba lời khấn dòng trở thành ba khía cạnh của cuộc sống theo Đức Giêsu, nghĩa là theo Tin mừng.

Nhưng mà Phúc âm chỉ có ba lời khuyên đó thôi hay sao?

Dĩ nhiên là Phúc âm còn gồm nhiều lời khuyên khác nữa. Trên đây tôi đã nói đến một ý kiến cho rằng toàn thể Phúc âm là một lời khuyên phổ quát, đó là sống trọn tình yêu. Còn ông Origène nêu lên 6 lời khuyên. Ngay cả đức thánh cha Gioan Phaolô II, tuy nhiều lần nhấn mạnh các tu sĩ hãy tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm mà họ đã tuyên hứa theo giáo luật, nhưng chính ngài cũng thêm (ở trong tông thư Hồng ân cứu độ, số 9) rằng Phúc âm còn gồm nhiều lời khuyên nữa, thí dụ khuyên đừng xét đoán, khuyên cho vay mà đừng mong được đền đáp, khuyên cố gắng làm thỏa mãn hết những gì tha nhân yêu cầu; khuyên tha thứ tới 77 lần 7. Dĩ nhiên danh sách này còn dài nữa. Nói thế có nghĩa là ba lời khuyên Phúc âm của các tu sĩ chỉ là một bước khởi hành để đi theo Chúa Giêsu, nhưng không thể nào chỉ dừng lại ở điểm khởi hành. Họ cần phải nhắm thể hiện toàn thể tinh thần Phúc âm. Khỏi nói ai cũng biết, Phúc âm không chỉ dành riêng cho các tu sĩ, nhưng dành cho tất cả mọi Kitô hữu. Kể cả một người đã lập gia đình vẫn còn rất nhiều cơ hội để thực hiện lời khuyên Phúc âm, trong đó có lời khuyên yêu thương nhẫn nhục mà họ gặp hàng ngày. Điều này chắc hẳn là không đơn giản gì.