Thần Học Mục Vụ Theo Công Đồng Vaticanô II

0
3707


 
Tấn Anh 
 

Tuy rằng môn Mục vụ đã được du nhập vào các chủng viện từ cuối thế kỷ XVIII, nhưng nó có tính cách thực dụng, nhằm đào tạo các cha sở thành thạo trong việc coi sóc các linh hồn. Phải chờ tới giữa thế kỷ 20 mới có những kế hoạch xây dựng môn Mục vụ thành một chuyên khoa thần học có phương pháp. Một sự chuyển hướng không nhỏ khởi nguồn từ thập niên 50 bên Pháp dưới từ ngữ “Mục Vụ chung nhau”, nhấn mạnh tới chủ thể của hoạt động Mục vụ là toàn thể Giáo hội chứ không phải chỉ dành riêng cho các vị mục tử. Bài này, chúng tôi xin trình bày quan điểm về Mục vụ của công đồng Vaticano II, một biến cố đã làm thay đổi sâu xa các hoạt động Mục vụ của Giáo hội và những chuyển biến về thần học mục vụ sau công đồng Vaticano II. 

 
I. VATICANO II, MỘT CÔNG ĐỒNG MỤC VỤ
 
Ngay từ khi được Đức Gioan XXIII triệu tập, công đồng Vaticano II đã được gán cho tĩnh từ “Mục vụ”. Thế nhưng, phải hiểu Mục vụ như thế nào? Đã có nhiều lối giải thích khác nhau. 
 
1/ Có người dựa theo bài diễn văn khai mạc của Đức Gioan XXIII để giải thích rằng Mục vụ có nghĩa là diễn tả những đạo lý cổ truyền ra ngôn ngữ thích hợp với tâm thức của thời đại (“Oportet ut haec doctrina certa et immutabilis, cui fidele obsequium est praestandum, ea ratione pervestigetur et exponatur, quam tempora postulant nostra”: AAS 54,1962, 792). 

2/ Có người dựa trên bài diễn văn khai mạc giai đoạn 2 của Đức Phaolô VI để giải thích rằng Mục vụ có nghĩa là thực hành. Kitô giáo không phải chỉ gồm các đạo lý, nhưng còn bao hàm cả nếp sống và hành động nữa. Đức Phaolô VI đã ca ngợi vị tiền nhiệm như thế này: “Cha đã nhắc nhở những người có trọng trách giáo huấn rằng đạo lý Kitô giáo không những cần phải đào sâu nhờ lý trí được đức tin soi dẫn nhưng còn phải nảy sinh ra sức sống và hoạt động” (In iis, ex quibus magisterium ecclesiasticum constituitur, opinionem confirmasti, doctrinam christianam non esse solummodo veritatem ratione, quam fides illustraverit, investigandam, sed etiam verbum, vitam et operationem gignens”: AAS 55,1963, 844). 

 
Công đồng đã muốn canh tân tất cả các cơ chế của Giáo hội, từ phụng vụ cho tới sinh hoạt của các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân: làm sao cho sinh hoạt của Giáo hội theo kịp đà tiến của văn minh thời đại. 
 
3/ Có người nêu bật tính cách Mục vụ của công đồng khi phân tích văn kiện về Hội thánh trong thế giới hiện đại (“Vui mừng và Hy vọng”) mang tính chất của “Hiến chế Mục vụ”. Công đồng đã áp dụng một phương pháp mới để đối thoại với thế giới: đó là “xem – xét – làm” chứ không phải là suy diễn từ nguyên tắc trừu tượng. 
 
Ba ý kiến điển hình vừa trưng dẫn đã đủ cho thấy rằng tính từ “Mục vụ” rất là hàm hồ. Tuy vậy, không thể nào khẳng định rằng ý kiến nào trung thực với bản tính của công đồng Vaticano II hơn, xét vì chủ trương nào cũng có thể biện minh bằng những văn kiện của công đồng. Dù sao, phải nhận rằng tất cả các văn kiện của công đồng Vaticano II đều có tính chất mục vụ, chứ không riêng gì hiến chế “Vui mừng và hy vọng”. Thực vậy, hai hiến chế tín lý về Mặc khải và về Hội thánh gây ra những tác dụng trên hoạt động Mục vụ không thua kém gì hiến chế về Phụng vụ hay hiến chế Mục vụ. Khi trình bày mặc khải không phải như là một tổng bộ những lời sấm ký mà là việc Thiên Chúa thông ban và tỏ mình với nhân loại trải qua dòng lịch sử với tột đỉnh là mầu nhiệm Nhập thể, công đồng đã nêu bật giá trị của lịch sử và các giá trị văn hóa trong chương trình cứu rỗi. Khi trình bày Hội thánh không như là một cơ chế phẩm trật nhưng như là cộng đồng Dân Chúa đang góp công xây dựng Nước Trời cho tới ngày quang lâm, công đồng đã nhấn mạnh tới vai trò tích cực của các tín hữu và các cộng đoàn trong việc thực hiện sứ mạng mà đức Kitô đã ủy thác cho Giáo hội. 
 
Cần phải khởi hành từ những tiền đề vừa nói thì ta mới thấy ý nghĩa của hiến chế Mục vụ “về Hội thánh trong thế giới hiện đại”. Hội thánh không thể nào chỉ tự mãn với những công chuyện sinh hoạt nội bộ. Hội thánh cần phải mang Tin mừng cho thế giới (Ecclesia ad extra). Để đạt được mục tiêu đó, Hội thánh phải biết lắng nghe những ước vọng của con người thời đại, nhận ra những dấu chỉ thời đại. Một đàng, Hội thánh cần phải trở về nguồn để khám phá ra tiếng gọi của đức Kitô trong Kinh thánh và phụng vụ, đàng khác Hội thánh cần phải biết khám phá ra tác động của Thánh Linh giữa lịch sử hôm nay (Xc GS số 11). 
 

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC VỀ THẦN HỌC MỤC VỤ

 
Trong các văn kiện của công đồng Vaticano II, chúng ta có thể nhận thấy sự chuyển tiếp từ khuynh hướng Mục vụ cổ truyền sang một khuynh hướng mới. 
 
A. Khuynh hướng cổ truyền về Mục vụ coi thần học Mục vụ như một bộ môn phụ dành cho các chủng sinh (Sắc lệnh về chủng viện, số 19-21), nhằm đào tạo những nhà lãnh đạo các cộng đoàn. Môn đó gồm các ngành: huấn giáo, giảng thuyết, cử hành phụng vụ và bí tích, linh hướng, quản trị, truyền giáo. Sự giảng dạy lý thuyết cần đi đôi với những buổi thực tập. Ngoài ra, công đồng đã nhiều lần trình bày các Giám mục và linh mục với hình ảnh mục tử, gồm ba chức vụ: giảng dạy, thánh hóa, cai quản (Hiến chế về Hội thánh số 21.28; Sắc lệnh về Giám mục số 2.11-16; sắc lệnh về Linh mục số 3-6. Nên biết là hình ảnh mục tử được nhấn mạnh cách riêng trong chức vụ cai quản). 
 
B. Mặt khác công đồng đã đặt nhiều nguyên tắc để xây dựng một quan niệm mới về Mục vụ, bao gồm toàn thể hoạt động của Giáo hội. 
 
1/ Giáo Hội không còn được đồng hóa với hàng phẩm trật nữa, nhưng bao gồm toàn thể Dân Thiên Chúa. Tuy rằng trong Giáo hội có những người được đặt lên làm mục tử qua bí tích truyền chức, nhưng tất cả các tín hữu, do bí tích rửa tội và thêm sức, đều thông dự vào chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của đức Kitô. Chúa Thánh Thần không phải chỉ hướng dẫn Giáo hội nhờ hàng giáo phẩm nhưng còn đổ tràn nhiều đặc sủng cho ai tùy ý, ngõ hầu xây dựng cộng đoàn. 
 
2/ Giáo Hội vừa được hiểu về toàn thể các Kitô hữu lan rộng khắp hoàn cầu, vừa được hiểu về các Giáo hội địa phương. Giáo hội hoàn vũ được kết thành do sự thông hiệp giữa các Giáo hội địa phương. Mỗi Giáo hội địa phương phải gắng sao để đem Tin mừng đức Kitô nhập thể vào văn hóa nếp sống của dân tộc. 
 
3/ Hai tiền đề vừa nói (thuộc lãnh vực Giáo hội học) trở thành căn bản cho quan điểm mới về chủ thể của hoạt động Mục vụ: nó là một hoạt động của toàn thể các thành phần Dân Chúa, chứ không phải của riêng các mục tử; nó là một hoạt động hữu cơ, với chủ động là Giáo hội địa phương. Bước sang môi trường hoạt động, chúng ta thấy công đồng Vaticano II đã mở rộng những biên cương mới. Hoạt động Mục vụ không chỉ giới hạn vào việc giảng dạy ở nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện, quản trị giáo xứ… nhưng còn đi vào các môi trường của gia đình, nghề nghiệp, các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội. Giáo hội phải gặp gỡ các người ngoài Kitô giáo, những người vô thần. Giáo hội phải cộng tác với những người có thiện chí trong việc xây dựng một xã hội công bằng hơn, nhân đạo hơn. 
 
4/ Từ chỗ ý thức rằng hoạt động Mục vụ vựơt xa biên cương của các giáo xứ, công đồng cũng muốn tiêm nhiễm một não trạng mới trong cung cách xử thế. Thực vậy, khi giảng dạy trong nhà thờ, các Giám mục hay linh mục có thể ra lệnh nhân danh quyền hành của đức Kitô. Khi sinh hoạt bên ngoài nhà thờ, thì không thể nại tới uy quyền đó nữa, nhưng phải dùng đường lối đối thoại. Công đồng đã bàn đến sự đối thoại không những trong mối tương giao với các anh em ly khai hoặc với các tôn giáo khác, nhưng nhất là trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, việc đối thoại được mở rộng đến con người thời đại để lắng nghe những khát vọng của họ, đối thoại với các khoa học nhân văn và thực nghiệm để đào sâu thêm về chân lý, v.v… 
 
5/ Khi đối thoại với thế giới hiện đại, hiến chế Vui mừng và Hy vọng đã đặt đức Kitô làm trung tâm: duy chỉ có Ngài mới là Đường, là chìa khóa của lịch sử. Nói khác đi, mục tiêu tối hậu của hoạt động Mục vụ không phải là bành trướng Giáo hội mà là đem đức Kitô đến gặp gỡ con người thời đại, con người bằng xương thịt, sống trong những môi trường cụ thể của lịch sử, xã hội. Chính đức Kitô sẽ giúp cho con người sống trọn thiên chức của mình. Dưới khía cạnh này, công đồng Vaticano II đã đi xa hơn những dự án cải cách thần học Mục vụ mà một vài tác giả đã đề nghị. Thực vậy, khi bàn về Mục vụ, hầu hết các tác giả ra như chỉ xoay quanh các đề tài của Giáo hội học (về đường lối hoạt động của Giáo hội), và quên rằng Giáo hội chỉ là một dụng cụ nhằm để phục vụ chương trình cứu rỗi chứ không phải là cứu cánh của chương trình đó. Dù sao cũng nên thêm rằng vào những năm liền sau khi công đồng bế mạc, người ta vẫn còn đọc các văn kiện trong nhãn giới Giáo hội học; phải chờ đến cuối thập niên 70, người ta mới dần dần chuyển sang nhãn giới Kitô học. Thậm chí khi nghiên cứu hiến chế tín lý về Hội thánh, người ta chú trọng tới chương thứ hai bàn về Dân Thiên Chúa mà quên đi chương thứ nhất bàn về Mầu nhiệm Giáo hội, mở đầu bằng lời tuyên xưng “Ánh sáng muôn dân là đức Kitô”. Nhờ ánh sáng của đức Kitô soi dẫn, Giáo hội cố gắng nhận định trong các biến cố hôm nay đâu là những giá trị thăng tiến con người và đâu là những thực tế chà đạp nhân phẩm. Hơn thế nữa, Giáo hội cần phải luôn luôn cảnh giác để đối chiếu xem các hoạt động của mình có trung thành với sứ mạng của đức Kitô đã trao hay không? Các công tác Mục vụ cần phải được xét đi xét lại không ngừng, bởi vì những công tác đó, bởi vì phát sinh từ những bàn tay của con người cho nên cũng mang những vết tích hữu hạn của con người. 
 

III. NHỮNG BIẾN CHUYỂN VỀ THẦN HỌC MỤC VỤ TỪ SAU CÔNG ĐỒNG VATICANO II

Từ những mớ kiến thức thực dụng giúp cho các linh mục thực thi bổn phận mục tử, thần học Mục vụ đã được mở rộng biên cương và bao trùm tất cả sứ mạng của Giáo hội giữa lòng nhân loại. Tất cả các phần tử của Giáo hội đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này. Chủ thể của hoạt động Mục vụ là Giáo hội, đặc biệt là các Giáo hội địa phương. Mặt khác, mục đích tối hậu của hoạt động Mục vụ không phải là điều hành cơ cấu của Giáo hội nhưng là đem đức Kitô đến gặp gỡ con người thời đại. Sau công đồng, có vài chiều hướng canh tân thần học mục vụ được đề cập đến. Có thể nói tới hai khuynh hướng nổi bật hơn cả: một khuynh hướng thì muốn tổ chức khoa mục vụ thành một bộ môn có học thuyết mạch lạc; một khuynh hướng khác thì muốn biến tất cả nền thần học thành Mục vụ, nghĩa là thần học phải thực dụng. Như vậy, ta thấy hai trào lưu trái ngược: một bên thì tạo một lý thuyết thần học cho Mục vụ; bên kia thì muốn biến thần học thành hoạt động Mục vụ. 
 
1. Xây dựng lý thuyết cho hoạt động Mục vụ 
 
Sau khi công đồng Vaticano II bế mạc, người ta nhận thấy có những cuộc cải tổ sâu rộng trong việc nghiên cứu các ngành thần học: từ thần học Kinh thánh, giáo phụ, cho đến các môn tín lý, luân lý, giáo luật, v.v… Cũng trong chiều hướng đó, những ngành thuộc lãnh vực Mục vụ cũng đã được canh tân về phương pháp giảng dạy tại những phân khoa hay học viện chuyên ngành, chẳng hạn: truyền giáo, huấn giáo, phụng vụ, học thuyết xã hội học. Một đặc tính của những ngành này là kết hợp đạo lý cổ truyền với những kết quả của khoa học thực nghiệm, tựa như: tâm lý, sư phạm, truyền thông xã hội, v.v… 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những canh tân về phương pháp giảng dạy, người ta nhận thấy cần phải xây dựng một lý thuyết cho toàn thể các hoạt động Mục vụ, trình bày vị trí của thần học Mục vụ trong các ngành thần học. Tác phẩm điển hình nhất của dự án là bộ Giáo trình thần học Mục vụ (Handbuch der Pastoraltheologie) xuất bản bên Đức vào những năm 1964-1969, dưới sự điều khiển của Franz Xavier Arnold, Ferdinand Klostermann, Karl Rahner, Viktor Schurr, Leonard M. Weber. Thần học Mục vụ được coi như khía cạnh ứng dụng của Giáo hội học. Trong Giáo hội học, thần học đã trình bày bản chất và sứ mạng của Giáo hội dưới khía cạnh lý thuyết (essentia). Đến lượt thần học Mục vụ phải tìm cách để mà diễn đạt Giáo hội ra thành một thực tại hiện hữu trong thế giới (existentia). Phạm vi của thần học Mục vụ bao trùm toàn thể sinh hoạt của Giáo hội, chứ không phải chỉ giới hạn vào những công tác của các vị mục tử. Nó bao gồm từ việc giảng dạy cho các tín hữu cho đến việc truyền giảng Tin mừng cho người ngoại đạo; nó bao gồm cả việc cử hành phụng vụ, việc tổ chức cộng đoàn (giáo luật) lẫn các công tác bác ái từ thiện. Hoạt động Mục vụ mang chiều kích xã hội, một phần bởi vì chủ thể là toàn thể Giáo hội và một phần là vì thực thi giữa lòng xã hội nhân loại. Vì vậy, thần học Mục vụ cần phải làm quen với những kiến thức của khoa xã hội học. Việc khảo sát môi trường xã hội, đối chiếu với những nguyên tắc thần học, đưa tới việc soạn ra những kế hoạch hoạt động Mục vụ. Dĩ nhiên, những kế hoạch đó không có tính cách bền vững nhưng cần phải được xét lại và cải tổ, ngõ hầu vừa thích nghi với những hoàn cảnh mới vừa loại trừ những yếu tố trái nghịch với Tin mừng. 
 
Trong giai đoạn hậu công đồng, quyển “Giáo trình Mục vụ” đã đánh dấu một khúc ngoặc về Thần học Mục vụ, bởi vì đã mở rộng hoạt động Mục vụ tới toàn thể các hoạt động của Giáo hội (như vậy là vượt lên não trạng cổ truyền giới hạn vào ba nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản của mục tử). Xét về phương pháp thì các tác giả đã sử dụng các phân tích xã-hội-học để phân tích các hoạt động của Giáo hội. Tuy nhiên, tác phẩm đã gặp khá nhiều chỉ trích. Có lẽ xét về lý thuyết thì sự phê bình nặng hơn cả là thần học Mục vụ đã biến thành một thứ phụ trương (phần ứng dụng) của Giáo hội học; hơn nữa vài nhà thần học Tin lành (ví dụ như Emil Brunner) đã bày tỏ nhận định gay gắt bởi vì các tác giả đã đặt Giáo hội làm trọng tâm cho hoạt động Mục vụ thay vì hướng lên đức Kitô. 
 
Dù sao đi nữa, một điều không thể phủ nhận được là hoạt động Mục vụ tùy thuộc không nhỏ vào những hình ảnh về Giáo hội, kể cả khi xét tới mối tương quan với đức Kitô. Thực vậy, trong thế kỷ 20 này, đã có nhiều bộ mặt Giáo hội học, và rồi đã có những quan điểm Mục vụ tùy thuộc vào các bộ mặt đó. Nếu coi Giáo hội như một xã hội hoàn bị (societas perfecta), thì Mục vụ bị giới hạn vào tổ chức nội bộ, đặt nặng vấn đề bí tích và kỷ luật; những công tác đó được dành cho các chủ chăn. Nếu coi Giáo hội như một cộng đoàn, thì Mục vụ đòi hỏi sự góp phần của tất cả các phần tử để xây dựng cộng đoàn, tạo cho cộng đoàn thành một chủ thể hoạt động; vai trò của các chủ chăn là trở nên nhân tố phối hợp các sinh hoạt cộng đoàn. Nếu coi Giáo hội như một cộng đoàn phục vụ Nước Trời giữa lòng nhân loại, thì hoạt động Mục vụ cần phải mở rộng tới những biên cương mới, trong đó Giáo hội không những chỉ trao ban mà còn học hỏi nhận lãnh các giá trị của Chân – Thiện – Mỹ mà Thánh Thần đã gieo vào địa cầu. Sau cùng, nếu thêm rằng việc phục vụ Nước Trời bao gồm việc thăng tiến toàn diện con người (bao gồm cả hồn cả xác, cả cuộc sống hiện tại lẫn tương lai vĩnh cửu) thì hoạt động Mục vụ không thể nào bỏ qua việc tranh đấu cho nhân quyền và công bằng xã hội. 
 

2. Chiều kích Mục vụ của thần học 

Trong khi bên Âu châu, người ta cố gắng tạo ra một lý thuyết thần học cho hoạt động thì bên Mỹ châu latinh, các tác giả thần học giải phóng đã đảo lại vấn đề: họ không đi tìm một nền tảng lý thuyết cho hoạt động, nhưng chủ trương rằng lý thuyết phải lấy hành động làm mục tiêu. Nói cách khác, thay vì ráp Mục vụ vào thần học, thì cần phải biến thần học thành Mục vụ. Ở đây chúng tôi không muốn đi sâu vào các khuynh hướng của thần học giải phóng, nhưng chỉ chú ý tới phương pháp thần học mà họ đề nghị. Tại Âu châu, ra như thần học Mục vụ là phần áp dụng thực tiễn của những nguyên tắc suy diễn từ Kinh thánh và lý trí. Phương pháp này có nguy cơ biến thần học thành một môn học siêu hình. Thần học giải phóng đề nghị đổi hướng lại: thay vì khởi sự từ những nguyên tắc siêu hình, thần học cần khởi đầu bằng việc sống đức tin giữa môi trường của những người nghèo, những người đã bị tước đoạt nhân phẩm. Chặng kế tiếp là phân tích thực trạng nghèo đói áp bức, dựa trên những dữ kiện của khoa xã hội và dưới ánh sáng của lời Chúa. Lời Chúa trở thành linh động hơn một khi được đối chiếu với môi trường cụ thể, và người đọc Lời Chúa muốn tìm ra phương thức hành động chứ không phải chỉ suy tư suông. Dù sao đi nữa, những phân tích và suy tư cần phải dẫn tới hành động. 
 
Khởi điểm của thần học giải phóng là hội nghị các Giám mục Mỹ châu latinh họp tại Medellin năm 1968. Hội nghị này muốn áp dụng học thuyết của hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” của công đồng Vaticano II vào hoàn cảnh cụ thể của lục địa. Tuy nhiên, cũng cần nên biết là hiến chế vừa nói không những đã trình bày một viễn ảnh mới về mối tương quan giữa Giáo hội với thế giới mà còn áp dụng một phương pháp mới trong khi bàn về mối tương quan đó. Phương pháp không còn là diễn dịch từ nguyên tắc trừu tượng để đi xuống áp dụng thực tại, nhưng là khởi sự từ quan sát thực tại, rồi suy xét dưới ánh sáng Lời Chúa để thảo ra những đường lối hành động. Phương pháp này đã được áp dụng trong phong trào Thanh lao công: xem – xét – làm (voir / juger / agir). Sự suy tư nhận định cần phải đưa tới hành động cụ thể. Vào những thập niên 60-80, đã có khá nhiều tác phẩm xuất bản dưới tựa đề “Thần học thực hành” (Théologie pratique) hay “Thực hành thần học” (Pratique de la théologie). Có thể coi đây là một phản ứng lại những thứ thần học từ chương, xây dựng trên những kiến thức trừu tượng trên mây trên gió, không ăn nhập gì với cuộc sống. Một thứ thần học mơ hồ như vậy đã đánh mất động lực nguyên thủy của nó là đức tin. Đành rằng thần học là một thứ suy tư về đức tin (cogitatio fidei), nhưng mà đức tin không có việc làm là đức tin chết. Dĩ nhiên, những suy tư về đức tin chết lại càng chết hơn nữa! 
 
Đó là lý do giải thích một khuynh hướng chung trong các chủng viện và học viện từ sau công đồng Vaticano II là hướng tất cả các môn học sang nhãn giới Mục vụ. Mục vụ đồng nghĩa với thực dụng hữu ích. Tiếc rằng trên đời này chúng ta dễ rơi từ thái cực này sang thái cực khác: sau khi đã chỉ trích các thứ thần học cổ điển là trừu tượng thiếu thực dụng, chúng ta hướng về các thứ thần học thuần túy thực dụng, không cần đếm xỉa gì tới các khoa lý thuyết nữa, với nguy cơ là làm mất đi cốt tủy của đức tin Kitô giáo. Người ta có thể nhân danh tính chất thực dụng để loại trừ mầu nhiệm Chúa Ba ngôi, việc cầu nguyện, chiêm niệm, v.v… ra khỏi thần học và cuộc sống! 
 
Dù sao cũng nên biết rằng sự tranh luận về tương quan giữa lý thuyết và thực hành (theoria / praxis) không phải chỉ diễn ra trong thần học công giáo, nhưng còn nằm trong bối cảnh của cả một cuộc tranh luận ý thức hệ, bắt đầu từ khi Karl Marx chỉ trích Hegel, và những cuộc tranh biện kế tiếp giữa các học giả mácxít, đặc biệt là trường phái Frankfurt.