Hoán Cải Mục Vụ (Conversion Pastorale): Chương Trình Hành Động Của Tiến Trình Tân Phúc Âm Hóa

0
1411


Lm. Giuse Trương Đình Hiền

(Chuyên đề học hỏi Tông Huấn “NIỀM VUI TIN MỪNG” của ĐTC Phanxicô

Trong khóa Thường Huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn năm 2014).

 

DẪN NHẬP

Kể từ buổi sáng thứ Ba ngày 26/11/2013, cả thế giới Công Giáo hân hoan khôn xiết khi được đón nhận một quà tặng tuyệt vời từ Vị Mục Tử Tối Cao. Quà tặng tinh thần cao quý đó chính là Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô sau hơn 8 tháng trên ngai tòa Thánh Phêrô.

Trong viễn tượng “thời sự mục vụ”, có thể nói Tông Huấn nầy là một đúc kết (như vẫn thường xảy ra) của Đức Thánh Cha sau cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ; ở đây, chính là văn kiện hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ 13, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 10 năm 2012 tại Rôma với chủ đề Tân phúc âm hóa để thông truyền đức tin Ki-tô giáo.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cho dù “nhiều lần, Đức Thánh Cha Phanxicô tham chiếu các Đề nghị của Thượng Hội Đồng tháng Mười 2012, như thế ngài cho thấy sự đóng góp của Thượng Hội Đồng quan trọng là dường nào trong việc soạn thảo Tông huấn này. Thế nhưng văn kiện này đi xa hơn kinh nghiệm của Thượng Hội Đồng. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha đã in dấu không chỉ kinh nghiệm mục vụ riêng của ngài, nhưng còn lời mời gọi đón nhận thời điểm ân sủng mà Giáo Hội đang sống, để xúc tiến cách tin tưởng, xác tín và nhiệt thành giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa.” ([1])

Kể từ khi được công bố cho thế giới, quả thật Tông Huấn EG ([2]) – cùng với con người và “phong cách mục vụ” của ĐTC Phanxicô, đã thổi vào “cơ thể” Giáo Hội và cả thế giới một luồng sinh khí mới mẻ đầy tươi mát, hân hoan và hy vọng, như nhận xét tinh tế của Linh mục James Martin, SJ : “Chưa bao giờ lại có một văn kiện giáo hoàng khiến người ta phải suy nghĩ, ngạc nhiên và lên tinh thần bằng tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”.([3])

Để áp dụng hiệu quả định hướng mục vụ của HĐGMVN dành cho năm 2014 : Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và để hướng tới mục tiêu sống đạo của giáo phận Qui Nhơn năm 2015 : “Chiểu tỏa niềm tin” , việc (anh em linh mục chúng ta) tiếp cận và học hỏi Tông Huấn EG quả thật là bổ ích và cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vì nội dung của văn kiện quá phong phú (chỉ cần điểm danh các tham chiếu thì có thể xác nhận điều nầy. ([4]) ), nên để cảm nhận và nắm bắt được hết các chiều kích dài rộng mà văn kiện chuyển tải thì mỗi người chúng ta cần trực tiếp đọc và nghiền ngẫm chính bản văn.

Trong khung cảnh giới hạn của một cuộc thường huấn, xin được giới thiệu một trong những chủ đề khá trọng tâm của văn kiện nầy : HOÁN CẢI MỤC VỤ (CONVERSION PASTORALE). Bởi vì, có thể nới được, đây chính là : CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TIẾN TRÌNH TÂN PHÚC ÂM HÓA mà ĐTC Phanxicô đề nghị cho toàn thể Hội Thánh.

Cách riêng, theo tác giả ANDREA TORNIELLI, thì chủ đề “Hoán Cải Mục Vụ” là một lộ trình được ĐTC khai mở cho Hội Thánh bằng chính chứng từ và giáo huấn của Ngài trong những tháng đầu tiên trên ngai giáo hoàng. (Xin trích dịch một đoạn ngắn):

“Đây là giấc mơ của ĐTC Phanxico được ngài trình bày trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng. Trong Tông Huấn nầy, Ngài mời gọi các tín hữu phải “đi ra” và ngài vạch ra cho toàn thể Giáo Hội con đường “Hoán Cải Mục Vụ”, một lộ trình mà Ngài đã khai mở bằng chính chứng từ cuộc sống và giáo huấn của ngài trong ít tháng đầu tiên trên ngai giáo hoàng.” ([5])

Trước hết, để nêu bật lý do chọn lựa chủ đề nầy, xin được lưu ý rằng : cụm từ “HOÁN CẢI MỤC VU” (CONVERSION PASTORALE) đã được ĐTC nhắc đến 3 lần trong Chương Một, Mục II:

Tôi hi vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo không để tình hình tiếp tục như hiện tại. (EG 25)

Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp mang tính bao gồm và mở rộng hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng đi ra và nhờ đó kích thích một đáp ứng tích cực từ tất cả những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài. (EG 27)

Giáo hoàng và các cơ cấu trung ương của Hội Thánh hoàn vũ cũng cần nghe tiếng gọi hoán cải mục vụ. (EG 32)

Và để cắt nghĩa cụm từ nầy, chúng ta hãy nghe các Đức Giám Mục chuyên viên họp báo giới thiệu Tông Huấn ngày 26.11.2013, đặc biệt Đức Cha Baldisseri, trong phần cắt nghĩa các chủ điểm của Tông Huấn đã trình bày đại để như sau : Để bước đi trên con đường này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhất mạnh đến “sự hoán cải (nguyên văn người dịch dùng chữ “chuyển đổi”) mục vụ” (conversion pastorale), tức là chuyển từ một cái nhìn quan liêu giấy tờ, tĩnh và hành chánh về mục vụ sang một viễn cảnh truyền giáo, trong đó mục vụ là luôn trong tư thế loan báo Tin Mừng (25) ([6])

Nói cách khác, đó là một cuộc “chuyển đổi mục vụ” đã từng được nêu bật trong văn kiện Aparecida ([7]) mà chính ĐTC đã từng là một kiến trúc sư để hôm nay ngài lặp lại một lần nữa trong Tông Huấn nầy:

“chúng ta cần phải chuyển đổi “từ một nền mục vụ thuần tuý bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo” ([8])

Giờ đây, chúng ta thử cùng nhau tiếp cận nội dung của chủ đề nầy vừa để áp dụng cho chính sự “hoán cải” của mình, vừa để rút ra những định hướng mục vụ cơ bản khả dĩ đáp ứng được những yêu cầu mục vụ thích hợp và cụ thể cho cộng đoàn Dân Chúa địa phương.

Sau đây là lộ trình được đề nghị để thực hiện:

Phần I: Học hỏi văn kiện qua việc phân tích và tiếp cận bản văn với các mục:

– 1. Tìm ra nguyên do cốt yếu nào để Hội Thánh và mọi thành phần Dân Chúa cần phải “Hoán Cải Mục Vụ”.

– 2. Xác định các trọng tâm trên lộ trình hoán cải.

– 3. “Khoanh vùng” các đối tượng nào cần phải “Hoán Cải Mục Vụ” trước tiên.

– 4. Phân định các tiêu chí cần nhắm đến cho việc hoán cải.

Phần II: Đề nghị các áp dụng việc “hoán cải mục vụ” trong hiện tình giáo phận với các lãnh vực:

1. Mục vụ ngôn sứ (Rao giảng).

2. Mục vụ tư tế (Phụng Vụ):

3. Mục vụ vương đế (Quản trị)

***

PHẦN I

TIẾP CẬN VÀ HỌC HỎI VĂN KIỆN

A. LÝ DO ĐỂ HOÁN CẢI MỤC VỤ

1. Lý do đầu tiên để “hoán cải mục vụ” mà ĐTC đề nghị cho Hội Thánh, cho mỗi Ki-tô hữu đó chính là để trung thành với Đức Ki-tô, với sứ mệnh cốt yếu của mình được lãnh nhận từ nơi Đấng Sáng Lập Hội Thánh:

“Đây là nguồn của cuộc chiến đấu anh dũng và không chần chừ của Hội Thánh: chiến đấu để sửa sai những khuyết điểm phạm phải bởi các thành viên của mình; những khuyết điểm ấy được nhận ra và bị lên án khi Hội Thánh tự xét mình bằng cách soi vào mẫu gương của mình là Đức Kitô”.[23] Công Đồng Vaticanô II trình bày sự hoán cải của Hội Thánh như là một sự canh tân liên tục phát sinh từ lòng trung thành với Đức Giêsu Kitô: “Mọi việc canh tân Hội Thánh cốt yếu nhằm sống trung thành với ơn gọi của Hội Thánh hơn… Trên đường lữ hành, Hội Thánh được Chúa Kitô mời gọi canh tân luôn mãi, một sự canh tân mà Hội Thánh, vì là một định chế nhân trần, bao giờ cũng cần đến”.[24] ([9])

2. Lý do thứ hai để “Hoán Cải Mục Vụ” mà ĐTC nêu bật cách rõ ràng dứt khoát qua những ngôn từ thật mạnh mẽ đó chính là để Hội Thánh không còn khép kín, quy về mình nhưng cần phải “đi ra”, phải rộng mở:

Như Đức Gioan Phaolô II có lần nói với các Giám Mục vùng Châu Đại Dương: “Mọi sự canh tân của Hội Thánh phải lấy truyền giáo làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh qui vào chính mình”.[25] ([10])

3. Và lý do thứ ba để “Hoán Cải Mục Vụ”, cũng là lý do và ý nghĩa trọng tâm mà ĐTC đã nêu bật từ những dòng đầu tiên của Tông Huấn: đó chính là để toàn thể Dân Chúa và mọi người khác tìm lại được niềm vui Tin Mừng.

“NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh. Trong Tông Huấn này, tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới.” ([11])

Tất cả những lý do “Hoán Cải Mục Vụ” mà ĐTC vừa nêu bật trong Tông Huấn EG chắc chắn đã được gợi ý từ ý tưởng “Hoán Cải” mà các Nghị Phụ trong Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII đã nhắc tới, như một tác động căn bản cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa:

“Trong những ngày này, nơi các GM chúng tôi, nhiều lần có những tiếng nói được gióng lên nhắc nhở rằng để có thể rao giảng Tin Mừng cho thế giới, thì trước tiên Giáo Hội cần đặt mình trong tư thế lắng nghe Lời Chúa. Lời mời gọi rao giảng Tin Mừng được diễn tả qua lời kêu gọi hoán cải.

Chúng ta hãy tin chắc rằng chúng ta phải là những người trước hết cần phải hoán cải, cần phải trở về với quyền năng của Chúa Kitô, là Đấng duy nhất có thể đổi mới mọi sự, nhất là đổi mới cuộc sống nghèo nàn của chúng ta.” ([12]) (Xem thêm bài “Những trục chính của Thượng Hội Đồng” của của Đức Cha Pierre – Marie Carré, Tổng Giám mục Montpelliers, Thư ký đặc biệt của Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII)

Và để xác tín rằng, việc “Hoán Cải Mục Vụ” luôn luôn là hành vi của đức tin, hành vi thuộc về Chúa Thánh Thần, các Nghị Phụ mời gọi chúng ta thực hành trong niềm tin yêu phó thác.

“Giả sử sự đổi mới ấy được phó thác cho sức riêng của chúng ta, thì chúng ta có lý do nghiêm trọng để nghi ngờ, nhưng sự hoán cải, cũng như việc rao giảng Tin Mừng trong Giáo Hội chủ yếu không đến từ con người yếu đuối như chúng ta, nhưng đúng hơn từ chính Thánh Linh của Chúa. Sức mạnh và sự chắc chắn của chúng ta hệ tại điều này là sự ác không bao giờ có tiếng nói cuối cùng, trong Giáo Hội cũng như trong lịch sử: “Tâm hồn các con đừng sao xuyến và đừng sợ hãi” Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài như thế.” (Ga 14,27). ([13])

B. NHỮNG TRỌNG TÂM TRÊN LỘ TRÌNH HOÁN CẢI MỤC VỤ

Được đúc kết từ những thao thức mục vụ khi còn là mục tử bên kia bờ đại dương – Á Căn Đình -, cùng với những giáo huấn “đầy lửa” trong những tháng đầu tiên trên ngai giáo hoàng, ĐTC Phanxicô đề nghị cho toàn thể Hội Thánh một lộ trình hoán cải với các trọng điểm sau:

1. “Chọn lựa truyền giáo” phải nằm ở trung tâm

“Tôi ước mơ một “chọn lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh.” ([14])

2. Canh tân cơ cấu với 3 chiều kích cơ bản

– Định hướng mục vụ: mang tính truyền giáo

– Không gian mục vụ: bao gồm và rộng mở hơn

– Tác nhân mục vụ: Không ngừng đi ra

“Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp mang tính bao gồm và mở rộng hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng đi ra và nhờ đó kích thích một đáp ứng tích cực từ tất cả những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài.” ([15])

C. NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CẦN PHẢI THỰC HÀNH HOÁN CẢI

Tất cả mọi thành phần Dân Chúa, mọi cơ cấu phẩm trật, mọi tổ chức và mọi người trong ngôi nhà Hội Thánh đều phải thực hành “Hoán Cải Mục Vụ”.

“Giáo hoàng và các cơ cấu trung ương của Hội Thánh hoàn vũ cũng cần nghe tiếng gọi hoán cải mục vụ.” ([16])

Tuy nhiên, để dễ áp dụng vào chương trình mục vụ “hic et nunc”, chúng ta có thể lựa chọn các đối tượng sau đây theo đề nghị của ĐTC:

1. Hoán cải mục vụ từ cấp giáo phận

“Mỗi Giáo Hội địa phương, trong tư cách là một phần của Hội Thánh Công Giáo được cai quản bởi một giám mục, cũng được kêu gọi có sự hoán cải truyền giáo.” ([17]).

ĐTC không quên vạch ra lộ trình căn bản cho các giám mục địa phương trên cuộc hành trình hoán cải mục vụ nầy:

“Giám mục phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo này trong Giáo Hội địa phương của mình, theo lý tưởng của các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, ở đó các tín hữu đều một lòng một trí với nhau (xem Cv 4:32). Để làm điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hi vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại đàng sau, và—trên hết—để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới. Trong sứ mạng nuôi dưỡng một sự hiệp thông năng động, cởi mở và truyền giáo này của ngài, ngài sẽ phải khuyến khích và phát triển các phương thế tham gia được đề nghị trong Bộ Giáo Luật,[34] và các hình thức đối thoại mục vụ khác, với ước muốn lắng nghe hết mọi người chứ không chỉ những ai nói ra những gì ngài thích nghe.” ([18])

2. Hoán cải mục vụ nơi các cộng đoàn giáo xứ

ĐTC rất đề cao vai trò của cộng đoàn giáo xứ. Đây chính là một “hạt nhân”, một điểm khởi phát cho mọi chương trình mục vụ của Hội Thánh.

“Giáo xứ là một cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi duyệt lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ đến gần người dân hơn, biến các giáo xứ trở thành những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo.” ([19])

3. Hoán cải mục vụ tại các hội đoàn tông đồ, cộng đoàn tu sĩ…

ĐTC đánh giá cao vai trò của các hội đoàn, hiệp hội ([20]) trong sinh hoạt đức tin của Dân Chúa. Tuy nhiên, Ngài cũng mời gọi tất cả các cộng đoàn cơ bản nầy cần phải hoán cải để có thể mang lại hiệu quả tốt hơn cho công cuộc truyền giáo.

“Một số thậm chí không còn bằng lòng sống như một phần tử của cộng đồng Hội Thánh rộng lớn hơn nhưng phát triển một tinh thần loại trừ, tạo ra một “phe nhóm nội bộ”. Thay vì thuộc về một Hội Thánh toàn thể trong tất cả sự đa dạng, họ thuộc về nhóm này hay nhóm nọ, nghĩ rằng mình thì khác hay đặc biệt.” ([21])

“Tôi rất đau lòng khi thấy một số cộng đoàn Kitô hữu, thậm chí cả những người thánh hiến, có thể dung dưỡng những hình thức thù nghịch, chia rẽ, vu khống, nói xấu, oán thù, đố kỵ và ước muốn áp đặt một số ý tưởng bằng bất cứ giá nào, thậm chí bằng các hành động bách hại giống như những cuộc săn lùng phù thuỷ thực sự. Chúng ta sẽ rao giảng Tin Mừng cho ai nếu chúng ta hành động theo cách này?” ([22])

4. Hoán cải mục vụ dành cho những người đang làm mục vụ

a/. Các linh mục, tu sĩ

“Việc đồng hoá người linh mục với Đức Kitô là đầu—nghĩa là nguồn mạch chính của ân sủng—không có nghĩa là đặt người linh mục lên trên những người khác. Trong Hội Thánh, các chức vụ “không đặt một số người lên địa vị cao hơn những người khác” ([23])

“các mục tử có chức thánh và các nhà hoạt động mục vụ khác có thể hiện thực hoá hương thơm sự gần gũi và cái nhìn thân mật của Đức Kitô. Hội Thánh sẽ phải dẫn đưa mọi người—linh mục, tu sĩ, và giáo dân—vào trong “nghệ thuật đồng hành” này, nó dạy chúng ta biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người khác (xem Xh 3:5). Bước chân đồng hành này phải có nhịp đều và vững vàng, phản ánh thái độ gần gũi và cái nhìn cảm thông của chúng ta, giúp chữa lành và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo.” ([24])

b/. Mọi người giáo dân

“Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” ([25])

“Khi mà chúng ta đang cần nhiều nhất một năng động truyền giáo để đem muối và ánh sáng cho đời, thì nhiều giáo dân sợ rằng có thể họ sẽ được yêu cầu đảm nhận một hoạt động tông đồ nào đó, và họ tìm cách tránh né mọi trách nhiệm có thể lấy mất thì giờ rảnh rỗi của họ. Ví dụ, ngày nay tại các giáo xứ thật khó tìm được những giáo lý viên đã được huấn luyện mà sẵn sàng kiên trì trong công việc này trong một thời gian dài… Một số người hoàn toàn từ chối hiến thân cho truyền giáo và rốt cuộc đi đến một tình trạng tê liệt và nhàm chán thiêng liêng.” ([26])

D. CÁC TIÊU CHÍ CẦN NHẮM ĐẾN CHO VIỆC HOÁN CẢI

Sau khi đã xác định các đối tượng cần phải thực hành “hoán cải mục vụ”, giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu xem, ĐTC muốn nhấn mạnh các trật ưu tiên nào trong chương trình “mục vụ hoán cải”, để cả người trao lẫn người nhận đều có được “Niềm Vui Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha đã đề nghị 4 tiêu chí sau cần phải được “suy xét lại”. Đó là : MỤC TIÊU, CƠ CẤU, PHONG CÁCH VÀ PHƯƠNG PHÁP.

“Thực hành mục vụ trong nhãn quan truyền giáo cố gắng từ bỏ thái độ tự mãn: “Chúng tôi vẫn luôn luôn làm như thế”. Tôi kêu mời mọi người mạnh dạn và sáng tạo trong việc suy xét lại các mục tiêu, cơ cấu, phong cách và phương pháp truyền giáo tại các cộng đoàn của mình.” ([27])

1. Mục Tiêu

Chính sự mập mờ khi xác định mục tiêu và không kiên định trong thực hiện chủ đích đã khiến các sinh hoạt mục vụ, đặc biệt công cuộc truyền giáo của chúng ta luôn trì trệ, nửa vời và thường không mang lại những kết quả mong muốn. Trong lộ trình hoán cải mục vụ liên quan đến việc xác định các mục tiêu và chủ đích truyền giáo, ĐTC đề nghị các điểm sau:

a). Nhắm đến ai và để làm gì?

– Trước hết, nhắm đến những người giáo dân bình thường để : “sinh động hoá bởi lửa của Thần Khí, để đốt cháy tâm hồn những tín hữu thường xuyên tham dự việc phụng tự cộng đoàn và tụ họp vào Ngày của Chúa để được nuôi dưỡng bằng Lời và Bánh sự sống trường sinh của Ngài”. ([28])

– Thứ đến, nhắm đến những người đã được rửa tội nhưng khô khan nguội lạnh để : “Trong mối quan tâm từ mẫu của mình, Hội Thánh tìm cách giúp họ trải nghiệm một sự hoán cải để phục hồi niềm vui của đức tin cho tâm hồn họ và khơi dậy nơi họ một sự dấn thân cho Tin Mừng.” ([29])

– Sau cùng, nhắm đến “những người không biết Đức Giêsu Kitô hay luôn luôn chối bỏ Ngài” để : “Tất cả họ có quyền đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu có bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi người, không loại trừ bất kỳ ai. Thay vì tỏ ra muốn áp đặt những bó buộc mới, người Kitô hữu phải tỏ ra như là những người muốn chia sẻ niềm vui của mình, chỉ ra một chân trời của cái đẹp, và mời gọi mọi người khác tới dự một bữa tiệc ngon.” ([30])

– Nhưng ưu tiên nhất vẫn là nhắm đến những người nghèo : “Hội Thánh phải đến với mọi người, không loại trừ một ai. Nhưng phải đến với ai trước? Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thấy một dấu hiệu rõ ràng: không phải những bạn bè và láng giềng giàu có của chúng ta, nhưng trên hết là những người nghèo khổ bệnh tật, những người thường bị khinh dể và ruồng rẫy, những người “không có gì để trả lại ngươi” (Lc 14:14). Không có chỗ cho sự hoài nghi hay những lời giải thích vốn chỉ làm yếu đi một sứ điệp rõ ràng như thế. Hôm nay và mãi mãi, “người nghèo là những người ưu tiên được đón nhận Tin Mừng”,[52] và việc Tin Mừng được tự do rao giảng cho họ là dấu chỉ về vương quốc mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Chúng ta phải nói thẳng ra rằng “có một dây liên kết không thể phân ly giữa đức tin của chúng ta và người nghèo”. Chúng ta đừng bao giờ bỏ họ. ([31] )

b). Bằng cách nào để đề xuất các mục tiêu cho thích đáng? – Làm việc chung và dưới sự lãnh đạo của giám mục

“Một sự đề xuất các mục tiêu mà không có sự tìm kiếm chung thoả đáng của cộng đoàn về các phương tiện để đạt các mục tiêu ấy thì tất yếu chỉ là ảo tưởng… Điều quan trọng là không đi một mình, nhưng cậy dựa lẫn nhau như anh chị em, và đặc biệt dưới sự lãnh đạo của các giám mục, trong một nhận thức mục vụ khôn ngoan và thực tế.” ([32])

c). Mục tiêu cần đi kèm với nội dung sứ điệp nào cho phù hợp? – Vẻ đẹp tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Ki-tô tử nạn phục sinh

“sứ điệp phải tập trung vào những gì cốt yếu, những gì đẹp nhất, lớn nhất, lôi cuốn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Chúng ta làm cho sứ điệp trở thành đơn giản, nhưng đồng thời không làm mất sự thâm sâu và chân lý của nó, nhờ đó nó càng trở nên mạnh mẽ và có sức thuyết phục.” ([33])

“Trong cái cốt lõi cơ bản này, cái toả sáng chính là vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết.” ([34])

2. Cơ Cấu: Mô Hình Hội Thánh “Đi Ra”- “Mở Cửa” – “Hiệp Thông”

Theo ĐTC, “có những cơ cấu Hội Thánh có thể cản trở hoạt động loan báo Tin Mừng”. Vì thế, cần phải hoán cải làm sao để thổi vào các cơ cấu một “sức sống mới và một tinh thần Tin Mừng đích thực”, cùng “sự trung thành với ơn gọi”. Có như thế thì mọi cơ cấu mới không trở nên vô hiệu. (Xem EG cuối số 26).

Và để thực hiện được điều đó, ĐTC đề nghị một mô hình Hội Thánh “đi ra” để cương quyết đoạn tuyệt với một Hội Thánh “khép kín” cứng nhắc trên chính mình như một ốc đảo, như một căn nhà hoang đóng kín. Có lẽ đây là yếu tố được ĐTC quan tâm nhất và cũng là trọng tâm trong chương trình mục vụ hoán cải của Ngài. Ngài nhấn mạnh và lặp đi lặp lại nhiều lần khái niệm một Hội Thánh “đi ra” (en sortie), một Hội Thánh là “nhà Cha đang mở cửa” (la maison ouverte du Père)

a). Một Hội Thánh “đi ra” để gặp gỡ và cống hiến

“Vì vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.” ([35])

Đặc biệt trong số 24, ĐTC đã cắt nghĩa thật rõ thế nào là một Hội Thánh “ra đi”, một cộng đoàn truyền giáo, qua các chiều kích:

– Đó là một cộng đoàn đi bước trước.

– Đó là một cộng đoàn luôn biết dấn thân và đồng hành với mọi người.

– Đó là một cộng đoàn kiên nhẫn để sinh hoa kết trái cho dù phải chấp nhận mạo hiểm và tử đạo.

– Và sau cùng, đó là một cộng đoàn chan chứa niềm vui.

b). Một Hội Thánh là Nhà Cha đang mở cửa để đón nhận

“Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một dấu hiệu của sự mở ra này là các nhà thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không thấy cửa nhà thờ đang đóng. Cũng có những cửa khác không được đóng. Mọi người có thể tham dự một cách nào đó vào đời sống của Hội Thánh; mọi người có thể là thành phần của cộng đoàn, và các cửa của bí tích cũng không được đóng vì bất cứ lý do gì.” ([36])

c). Một Hội Thánh hiệp thông trong đa dạng, cởi mở

“Một số thậm chí không còn bằng lòng sống như một phần tử của cộng đồng Hội Thánh rộng lớn hơn nhưng phát triển một tinh thần loại trừ, tạo ra một “phe nhóm nội bộ”. Thay vì thuộc về một Hội Thánh toàn thể trong tất cả sự đa dạng, họ thuộc về nhóm này hay nhóm nọ, nghĩ rằng mình thì khác hay đặc biệt.” ([37])

3. Phong Cách

Nói đến “phong cách”, chắc mỗi người chúng ta đều có một nhận thức chung : chúng ta, dân Công Giáo, giáo triều Vatican…đang có một “phong cách Phanxicô” ! Chính phong cách nầy đã chi phối hành trình mục vụ của ĐTC từ khi Ngài còn làm giám Mục tại Á Căn Đình, và hôm nay, Ngài đang “tiếp thị” cho thế giới, cho Giáo Hội. Chúng ta thử dừng lại để tìm xem Tông huấn EG đã trình bày phong cách đó như thế nào hầu dựa theo đó mà hoán cải cái phong cách vốn dĩ nghèo nàn, cũ kỹ, quê kệch của chính mình.

a). Phong cách quy chiếu vào Đức Ki-tô, dấn thân cho người nghèo và dưới tác động của Chúa Thánh Thần

“Chúng ta cần tránh nó bằng cách làm cho Hội Thánh luôn luôn ra khỏi chính mình, qui hướng việc truyền giáo của mình vào Đức Kitô, và dấn thân cho người nghèo. Xin Chúa cứu chúng ta khỏi một Hội Thánh thế tục với những cạm bẫy của hoạt động thiêng liêng và mục vụ bề ngoài! Tính thế tục ngột ngạt này chỉ có thể được chữa lành bằng việc hít thở không khí trong lành của Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tính vị kỷ trong bộ áo đạo đức bề ngoài mà không có Thiên Chúa. Chúng ta đừng để mình bị cướp mất Tin Mừng!” ([38])

b). Phong cách gần gũi, yêu thương và chứng tá

“Chúng ta cần nhớ rằng mọi lời giảng dạy tôn giáo rốt cuộc đều phải được phản chiếu nơi cách sống của người giảng dạy, chính cách sống này đánh thức sự ưng thuận của quả tim bằng sự gần gũi, yêu thương và chứng tá của nó.” ([39])

c). Phong cách có Đức Kitô hiện diện trong cuộc sống

“Một người truyền giáo đích thực, người không bao giờ thôi là một môn đệ, biết rằng có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Họ cảm nhận được Đức Giêsu sống với mình giữa công cuộc truyền giáo.” ([40])

d). Phong cách sẻ chia, cở mở, trao ban

“Chúng ta không sống tốt hơn được khi trốn tránh, náu ẩn, từ chối chia sẻ, ngừng trao ban và đóng kín mình trong những tiện nghi của mình. Một nếp sống như thế không khác gì một cuộc tự sát từ từ.” ([41])

4. Phương Pháp

Chân lý là miên viễn. Nhưng cách diễn đạt và chuyển tải cho con người luôn đòi hỏi phải đổi mới. ĐTC đã khẳng định:

“Việc đổi mới các cách diễn tả này trở thành cần thiết để thông truyền cho con người ngày nay sứ điệp Tin Mừng trong ý nghĩa không thay đổi của nó”.[46] ([42])

Sau đây là những đề nghị của ĐTC trong lộ trình hoán cải mục vụ liên quan đến phương pháp diễn tả và thông truyền Sứ điệp Tin Mừng:

a). Vẻ đẹp của Phụng Vụ

“Hân hoan loan báo Tin Mừng trở thành cái đẹp của phụng vụ, như một phần mối quan tâm hằng ngày của chúng ta trong việc làm lan toả lòng nhân hậu. Hội Thánh vừa giảng Tin Mừng vừa được nghe giảng Tin Mừng qua vẻ đẹp của phụng vụ, vì phụng vụ vừa là cử hành công việc rao giảng Tin Mừng, vừa là nguồn mạch canh tân hành vi trao hiến của Hội Thánh.” ([43])

b). Con đường của các Bí Tích ([44])

– Bí tích Rửa Tội: “mở cửa để mọi người tham dự vào đời sống Hội Thánh.”

– Bí tích Giải Tội: “Nơi gặp gỡ của lòng từ bi của Chúa.”

– Bí tích Thánh Thể: “phương thuốc và lương thực cho người yếu đuối”

c). Bài Giảng trong Phụng Vụ

ĐTC dừng lại khá lâu và tĩ mĩ về đề tài nầy. Bởi vì, theo Ngài, Bài Giảng trong Phụng Vụ chính cơ hội để “Thiên Chúa tìm cách đến với người khác” và “bày tỏ quyền năng của Ngài qua ngôn ngữ nhân loại” (EG 136).

d). Đời sống chung huynh đệ, hiệp nhất

“Ở đây và bây giờ, đặc biệt ở những nơi chúng ta là một “đoàn chiên nhỏ” (Lc 12:32), các môn đệ Chúa Kitô được kêu gọi sống như một cộng đoàn là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (xem Mt 5:13-16). Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho một cách sống chung luôn luôn mới mẻ trong sự trung thành với Tin Mừng.[70] Chúng ta đừng để mình bị cướp mất đời sống chung!” ([45])

e). Môi trường gia đình

“vì gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, ở đó chúng ta học cách sống với người khác bất chấp các khác biệt giữa chúng ta, và học cách thuộc về lẫn nhau; gia đình cũng là nơi cha mẹ truyền thụ đức tin cho con cái.” ([46])

f). Lòng đạo đức bình dân

“chúng ta có thể thấy những khuyết tật cần phải được chữa lành bởi Tin Mừng: thói trọng nam khinh nữ, tật nghiện rượu, bạo lực gia đình, ít đi lễ, các khái niệm về số phận hay mê tín dị đoan làm người ta chạy theo ma thuật phù phép, v.v… Chính lòng đạo bình dân có thể là một điểm xuất phát để chữa lành và thoát khỏi những khuyết tật này.” ([47]) (Xem thêm các số từ 122-126. ĐTC khai triển tĩ mĩ chuyên đề nầy)

g). Mục vụ giáo lý

“Huấn giáo là một sự công bố lời Chúa và luôn luôn tập trung vào lời ấy, nhưng nó cũng đòi hỏi một môi trường và một cách trình bày hấp dẫn, việc sử dụng các biểu tượng giàu ý nghĩa, sự tháp nhập vào một tiến trình tăng trưởng rộng hơn và sự tích hợp mọi chiều kích của con người trong một lộ trình nghe và trả lời của cộng đoàn.” ([48])

***

PHẦN II

ÁP DỤNG MỤC VỤ

ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG HOÁN CẢI MỤC VỤ TRONG HIỆN TÌNH GIÁO PHẬN

Theo những gì mà chúng ta vừa tiếp cận qua chủ đề “Hoán Cải Mục Vụ” được khơi gợi từ Tông Huấn của ĐTC Phanxicô, chúng ta thật sự tạ ơn Chúa.

– Tạ ơn Chúa vì Ngài không để chúng ta mệt mõi hay bế tắt trong việc dấn thân tông đồ và phục vụ cho phần rỗi anh em, nhưng luôn đồng hành, hướng dẫn, soi sáng và ban thêm nghị lực để chúng ta tiếp tục lên đường.

– Tạ ơn Chúa vì chúng ta luôn có những Mục Tử tốt lành, khôn ngoan cung ứng cho chúng ta những định hướng mục vụ tuyệt vời để làm kim chỉ nam cho việc thực hành sống đạo.

– Tạ ơn Chúa vì các cộng đoàn xứ đạo của chúng ta vẫn trung thành giữ đạo cách đơn sơ, khiêm nhượng ; cho dù không có những rầm rộ, hoành tráng nhưng vẫn sâu sắc và chất lượng.

– Tạ ơn Chúa vì biết bao nhiêu mẫu gương tông đồ nhiệt thành quảng đại là các linh mục, các tu sĩ, các giáo lý viên, các anh chị hội viên Legio Mariae, các bạn trẻ và đông đảo các em thiếu nhi vẫn trung thành hằng ngày với đời sống con cái Chúa và ơn gọi riêng của mình.

Nói thế, không có nghĩa là chúng ta an tâm tự tại với hiện tình mục vụ để có thể trở nên biếng lười và dễ sa vào “cạm bẫy của hoạt động thiêng liêng và mục vụ bề ngoài” của tính thế tục để “bị cướp mất Tin Mừng” lúc nào không hay.

Chính trong ý nghĩa đó, xin được đề nghị vài lãnh vực mục vụ cần được hoán cải như sau:

1. Mục vụ ngôn sứ (Rao giảng)

– Các định hướng mục vụ từ trung ương (cấp giáo phận) cần thực tế, khả thi cho mọi thành phần Dân Chúa, từ thành thị tới nông thôn, từ các giáo xứ đông đảo cho tới các cộng đoàn giáo họ nhỏ lẻ vùng sâu vùng xa.

– Cần phát động một chương trình đem Lời Chúa vào việc thực hành sống đạo cho mọi cộng đoàn, mọi hội đoàn, nhất là những tác nhân mục vụ : chức viêc, giáo lý viên, hội viên Legio Mariae…

– Cần một chương trình giáo lý ưu tiên cho chủ đích, có nội dung mang “tâm điểm Tin Mừng” và dễ vận dụng vào hoàn cảnh đặc thù của các cộng đoàn. Đặc biệt lưu tâm đến chương trình giáo lý dự tòng-tân tòng và kế hoạch mục vụ “hậu tân tòng”.

2. Mục vụ tư tế (Phụng Vụ)

– Canh tân và phong phú hóa các cử hành Phụng Vụ ngoài thánh đường : Xức dầu kẻ liệt ,lễ nghi An Táng, các chương trình cầu nguyện dịp Lễ Đính Hôn, lễ Cưới, làm phép nhà mới…

– Giáo phận nên khuyến khích chọn lựa một bộ lễ chung cho toàn giáo phận để khi có những dịp cử hành Phụng Vụ với nhiều cộng đoàn khác nhau, mọi người đều có thể tham gia dễ dàng và sinh động.

– Duyệt xét lại án vạ về Hôn phối để việc “mở cửa” các bí tích, nhất là bí tích Giải Tội và Thánh Thể theo đúng định hướng “các cửa bí tích cũng không được đóng vì bất cứ lý do gì” ([49]) của ĐTC.

– Cần chương trình thường huấn chuyên biệt về Giảng Lễ cho các linh mục để việc chuyển tải Lời Chúa được sinh động và hiệu quả hơn.

3. Mục vụ vương đế (Quản trị)

– Khuyến khích hoặc có kế hoạch huấn luyện và đào tạo nhân sự quản trị cộng đoàn mang tính chuyên nghiệp, khoa học và bài bản cho các linh mục, tu sĩ, chức việc, giáo lý viên, huynh trưởng hội đoàn…

– Cần có chương trình phối hợp, liên đới và làm việc chung giữa các ủy ban mục vụ, các hội đoàn trong những sinh hoạt hoặc đại lễ mang tính giáo phận (Ngày Anrê Kim Thông cho chức việc, ngày Anrê Phú Yên cho giáo lý viên và giới trẻ, ngày giải văn thơ Đặng Đức Tuấn cho giới văn hóa, ngày đại hội cựu chủng sinh LS-QN, ngày đại hội các gia đình…)

– Chuẩn bị cho chương trình mừng đại lễ 400 năm Tin Mừng đến với Qui Nhơn (2018) từ khâu tổ chức điều hành các cấp đến những dự báo các nội dung chương trình thực hiện cụ thể.

KẾT LUẬN

Như một cấu trúc nền tảng cho mọi văn kiện Huấn Quyền, ĐTC đã kết thúc Tông Huấn EG bằng tâm tình hướng về Đức Trinh Nữ Maria mà Ngài thân thương gọi tên là “Ngôi Sao của cuộc tân Phúc Âm hóa” ; và lời kinh dâng về Mẹ cuối cùng như một bài thơ đã đúc kết tất cả nội dung cốt yếu của Tông Huấn để nhờ Mẹ sẽ biến thành hiện thực.

Kết thúc bài chia sẻ hôm nay, tôi cũng xin mượn một ý nhỏ trong lời kinh dịu vợi nầy để nhờ Mẹ chuyển cầu cho tất cả chúng ta, linh mục đoàn giáo phận Qui Nhơn cũng như cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa giáo phận:

Xin cho chúng con lòng can đảm thánh thiện

biết tìm ra những lối đi mới

đem quà tặng của cái đẹp không phai

đến được với mọi người. ([50])

 

Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

Thường huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn 2014

———————

[1] Họp báo giới thiệu Tông Huấn “Evangelii gaudium” của Đức Thánh Cha Phanxico về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (26/11/2013). Nguồn : trang mạng Xuân Bích Việt Nam. Tý Linh chuyển dịch.

[2] Kể từ đây, xin được sử dụng hai từ viết tắt EG để chỉ Tông Huấn Evangelii Gaudium.

[3] Một số nhận định về tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô. Vũ Văn An (http://danchuausa.net)

[4] Tông huấn được khai triển trong khung giáo thuyết với các trích dẫn kinh thánh, huấn quyền và các giáo phụ, chẳng hạn như thánh Ireneo, thánh Ambrosio và thánh Augustino, cũng như các thần học gia thời Trung Cổ như chân phước Isacco della Stella, thánh Toma Aguino, Toma thành Kempis. Trong số các thần học gia tân thời có chân phước John Henry Newman, Henri de Lubac, Romano Guardini và các văn hào khác, trong đó có George Bernanos.

Tông huấn cũng quy chiếu các Tông huấn như: Evangelii nuntiandi của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI; các Tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục như Christifideles laici; Familiaris consortio; Pastores dabo vobis; Ecclesia in Africa, in Asia, in Oceania, in America, in Medio Oriente, in Europa; Verbum Domini. Thêm vào đó cũng có các tài liệu của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh như các tài liệu Puebla và Aparecida, cũng như tài liệu của khóa họp thứ XVI của các Thượng Phụ Công Giáo Trung Đông và các Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, Hoa Kỳ, Pháp, Brasil, Philipines và Congo (Bài giới thiệu của Đức Giám Mục Baldisseri trong cuộc họp báo công bố Tông Huấn EG ngày 26.11.2013. Nguồn : Linh Tiến Khải (Đài Vatican)

[5] ANDREA TORNIELLI A “pastoral conversion” is demanded of the whole Church.

This is what Francis asks for in the Apostolic Exhortation “Evangelii Gaudium”, a document which constitutes his pontifical programme. (Nguồn: www.vaticaninsider.com)

“I dream of a “missionary option”, that is, a missionary impulse capable of transforming everything, so that the Church’s customs, ways of doing things, times and schedules, language and structures can be suitably channelled for the evangelization of today’s world rather than for her self preservation.” This is the dream Pope Francis describes in the Apostolic Exhortation “Evangelii Gaudium”. In it, he asks all faithful to “go out” and show the whole Church the path of the “pastoral conversion” which he has been trying to pave with his testimony and preaching in these first few months of his pontificate.

[6] Họp báo giới thiệu Tông Huấn “Evangelii gaudium” của Đức Thánh Cha Phanxico về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (26/11/2013). Nguồn: trang mạng Xuân Bích Việt Nam. Tý Linh chuyển dịch.

[7] Hội nghị khoáng đại lần thứ V của các giám mục Châu Mỹ La Tinh và Caribe, Văn kiện Aparecida, 29.6.2007.

[8] EG 15

[9] EG 26

[10] EG 27

[11] EG 1

[12] Sứ điệp Thượng HĐGM thế giới thứ 13 gửi Cộng đoàn Dân Chúa, số 5.

[13] SĐD

[14] EG 27

[15] EG 27

[16] EG 32

[17] EG 30

[18] EG 31

[19] EG 28

[20] EG 29

[21] EG 98

[22] EG 100

[23] EG 104

[24] EG 169

[25] EG 20

[26] EG 81

[27] EG 33

[28] EG 14

[29] SĐD

[30] SĐD

[31] EG 48

[32] EG 33

[33] EG 35

[34] EG 36

[35] EG 49

[36] EG 47

[37] EG 98

[38] EG 97

[39] EG 42

[40] EG 266

[41] EG 272

[42] EG 41

[43] EG 24

[44] EG 47

[45] EG 92

[46] EG 66

[47] EG 69

[48] EG 166

[49] EG 47

[50] EG 288