Những Thách Đố Mới Của Việc Dạy Giáo Lý Trong Thế Giới Hôm Nay

0
1156


Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Thanh

 

 

Công Đồng đã Vatican II đã được triệu tập cách đây hơn 50 năm; và việc canh tân Giáo Hội đã được khởi đi từ đây. Vậy chúng ta hãy tự hỏi xem mình đang ở đâu trong việc canh tân Giáo lý, sau những thúc bách đổi mới mà trước tiên là từ những trào lưu giáo lý khác nhau, rồi chính Công Đồng và sau cùng là những cố gắng suy tư đi theo nó?

1. Công Đồng Vatican II đã có ảnh hưởng như thế nào đến lãnh vực giáo lý?

Công Đồng đã không trực tiếp đề cập đến chủ đề giáo lý và những tài liệu của Công Đồng quy chiếu về giáo lý thì rất ít. Tuy nhiên, Công Đồng đã có một tác động sâu xa và mấu chốt trên giáo lý. Sự đóng góp cốt yếu của Công Đồng hệ tại việc làm sáng tỏ những yếu tố nền tảng của giáo lý về mục tiêu và nội dung của nó. Đối với Lời Chúa, thì giáo lý là sự loan báo Lời và kêu gọi phục vụ Lời. Còn với đối tượng là tín hữu, thì giáo lý được coi là sự giáo dục đức tin và trong chiều kích thể chế thì chính Giáo Hội hành động và diễn tả trong giáo lý. Những tài liệu của Công Đồng nói rất đầy đủ về ba thực tại này là: Lời, đức tin và Giáo Hội (Hiến Chế Mạc Khải, Sắc Lệnh Truyền Giáo, Hiến Chế Giáo Hội, Hiến Chế về Mục Vụ).

Thật ra, Công Đồng đã công bố một sự hiểu biết mới về giáo lý cũng như thách thức mới để xem xét nó. Đồng thời, Công Đồng cũng mời gọi tất cả hãy nhìn giáo lý trong viễn cảnh nguồn gốc đầu tiên của nó, là Lời Chúa được khám phá một cách đặc biệt trong Kinh Thánh và có liên quan trực tiếp với việc giáo dục đức tin mà nó nhấn mạnh vào thái độ hiện hữu và toàn thể của cá nhân, đồng thời làm nổi bật một Giáo Hội đang hướng nhiều hơn đến sự hiệp thông và phục vụ. Những điểm nhấn này, cũng như một vài điều khác, đã được phát triển trong suốt thời kỳ hậu Công Đồng.

Thời kỳ hậu Công Đồng này, ít ra cũng kéo dài cho đến năm 1980, có thể được xem là một thời kỳ nghiên cứu sâu xa và gặt hái dồi dào về lĩnh vực giáo lý. Bối cảnh của Công Đồng đã cho nhiều đề xuất mới và những sự xem xét lại trong đó có cả những khủng hoảng. Thật khó để mà đánh giá đầy đủ về thời kỳ này vì tính phức tạp và sự phong phú của nó. Tuy nhiên, người ta có thể phác thảo gương mặt mới của giáo lý sau Công Đồng nhờ vào những đặc điểm sau đây: Ưu tiên cho việc Loan báo Tin Mừng, sự nổi bật của Kinh Thánh, chiều kích nhân loại học, tính nhạy cảm về xã hội chính trị, ưu tiên cho những người trưởng thành, chỗ đứng trung tâm của cộng đoàn, ý nghĩa của các phương tiện truyền thông và ngôn ngữ không lời, vv. Hơn nữa, một số lớn những hoạt động, những tài liệu, những hội nghị, những công bố đã biểu lộ công khai mong muốn canh tân của Giáo Hội để đáp trả cho một thế giới đang đi tìm những câu trả lời thích hợp trước những thách thức mới hơn trong một xã hội đang chịu một sự thay đổi tận căn.

Nếu như thế, thì hôm nay, đối với giáo lý, chúng ta đang ở đâu? Tất cả những cố gắng này có đem lại hoa trái không? Một cái nhìn toàn cảnh, bao quát, mau lẹ sẽ giúp cho chúng ta đánh giá được sự phong phú và phức tạp của việc thực hành giáo lý hôm nay và phân biệt những điểm tối cũng như những mảng sáng, những yếu tố tích cực cũng như là những yếu tố tiêu cực.

2. Tình trạng giáo lý hiện nay như thế nào?

Nhìn chung, người ta có thể thấy nhiều dấu hiệu tích cực, báo trước một tương lai tốt đẹp, ví dụ như: sự bùng phát các giáo lý giáo dân, sự nở rộ các hình thức cộng đoàn mới, sự tái xuất hiện các thừa tác viên giáo lý viên giáo dân, sự đòi hỏi gia tăng của việc đào tạo tôn giáo, những hình thức mới để tái khám phá Kinh Thánh và các bản văn truyền thống, sự lớn mạnh lạ lùng của những con đường dự tòng mang nhiều vẻ đẹp, sự hiểu biết và chấp nhận vai trò cũng như chỗ đứng của người phụ nữ, những kinh nghiệm đáng khích lệ của giáo lý gia đình, những khởi xướng mới trong lãnh sự đối thoại liên tôn và văn hóa. Điều này thoáng cho thấy một Giáo Hội mới đang lớn lên một cách âm thầm từ những gốc rễ riêng của nó.

Nhưng cũng phải biết rằng dưới hình thức toàn vẹn và truyến thống, giáo lý của Giáo Hội hiện nay cũng biểu lộ những dấu hiệu hiển nhiên về một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Người ta không thể phủ nhận là hiện nay có nhiều triệu chứng bất ổn và không thỏa đáng, đặc trưng của một tình trạng khủng hoảng chung. Phải nói rằng “hệ thống” cổ truyền của giáo lý không hoạt động và không mang lại những hoa trái như người ta mong đợi, đến nỗi một số những nhân tố, những vấn đề và những tình trạng vẫn còn tồn tại. Hệ thống này tiếp tục xuất hiện cho đến một lúc nào đó thì trở thành một hệ thống gây bận tâm quá đáng.

3. Đâu là những khủng hoảng liên quan đến lãnh vực giáo lý?

3.1. Cuộc khủng hoảng trong một Giáo Hội nhiều thế hệ

Người ta bắt đầu thấy xuất hiện những suy tư nghiêm túc về bản chất thần học và mục vụ của những thế hệ khác nhau. Những suy tư này cho thấy mỗi thế hệ đã nhận thức, đã hiểu và đã sống đức tin phù hợp với bối cảnh triết lý của thế hệ ấy. Đàng khác, mỗi thế hệ có những đòi hỏi tiên thiên, những phong thái và ngôn ngữ của nó. Những sự khác nhau này được nối với các thế hệ thường dẫn tới hệ quả là có những cách nhìn khác nhau trong tiến trình truyền đạt và truyền thống của đức tin Kitô, kể cả những khái niệm truyền bá Tin Mừng và giáo lý.

Cuộc khủng hoảng này cũng có thể nhận thức được về phương diện thể chế mà một số người gọi là “schizophrenie ecclesiologique” (chứng tâm thần phân liệt của Giáo Hội)“partenariat inegalitaire” (sự cộng tác không đồng đều). Chứng “tâm thần phân liệt của Giáo Hội” được thấy rõ qua sự kiện là các Giáo Hội địa phương hoạt động theo Giáo Hội học trước Công Đồng Vatican II trong khi phong trào giáo lý tìm cách quảng bá tinh thần Vat II trong giáo lý và trong giáo dục đức tin. Còn vấn đề “cộng tác không đồng đều” được thấy rõ hơn qua sự kiện là các giáo lý viên phải cố gắng thực hiện sứ mệnh phục vụ cộng đoàn trong khi họ đạo và gia đình thì không góp phần tham gia của mình.

3.2. Cuộc khủng hoảng và thất bại của tiến trình truyền thống khai tâm Kitô giáo

Đây là một lý do làm nhiều người lo lắng. Rất cụ thể và rất thường, giáo lý khai tâm, xa “khai tâm” và kết thúc ngược đời. Sự kiện này tỏ cho thấy là tiến trình khai tâm Kitô giáo truyền thống là một thất bại. Rõ ràng bí tích thêm sức mà một số người gọi là “bí tích giã từ” (sacrement de l”adieu) hoặc là “bí tích cuối cùng” (dernier des sacrements) biểu lộ nơi nhiều người trẻ sự kết thúc thực hành tôn giáo và cả đối với một số người là sự kết thúc chính đức tin Kitô giáo. Sự ngược đời và thất bại này phát xuất từ tiến trình khai tâm Kitô giáo mà trong thực tế đã trở thành tiến trình “kết thúc” đời sống Kitô giáo.

3.3. Khủng hoảng ngôn ngữ giáo lý và sứ điệp của nó

Ngôn ngữ giáo lý và ý nghĩa phong phú của nó tiếp tục tạo ra vấn đề. Khả năng trình bày sứ điệp Kitô giáo cho người đương thời bằng một cách dễ hiểu và đầy ý nghĩa tiếp tục đáng ngờ. Một tài liệu của Châu Mỹ Latinh diễn tả nó bằng một cách khác thường khi nói rằng Giáo Hội bị tước đi hết vì cách loan truyền Tin Mừng thì nghèo nàn và phẩm chất tồi tệ tiếp tục đáng ngờ, đến nỗi người ta có cảm tưởng rằng nói một ngôn ngữ mà không ai hiểu nổi, gửi đến quảng đại quần chúng mà không có thực, mang đến những câu trả lời cho những vấn đề mà không ai đặt ra và đề nghị những giải pháp mà không ai thực hành.

Một số những vấn đề ngôn ngữ và ý nghĩa tiếp tục ám ảnh giáo lý chúng ta. Một phần lớn vì tính không hiệu quả của giáo lý là nó không truyền đạt một sứ điệp mà những người của thời đại chúng ta có thể hiểu được và đem lại ý nghĩa cho họ. Người ta có thể dễ dàng thẩm tra nó trong phần lớn những dụng cụ giáo lý đang sử dụng và đôi khi cả trong những tài liệu chính thức. Tất nhiên là người ta không thể từ chối nó vẫn có khả năng được trình bày tốt, thông minh mà nhiều người đánh giá cao. Tuy nhiên, phần lớn các tài liệu thì thiếu tính giáo lý, mặc dù nó có những phẩm chất lớn những dụng cụ giáo lý đang sử dụng và đôi khi cả trong những tài liệu chính thức về phương diện thánh kinh và thần học.

3.4. Tính bấp bênh về giáo lý cho những người trưởng thành

Cả đến hôm nay, nhiều Kitô hữu trong các cộng đoàn của chúng ta còn tin rằng giáo lý được dành ưu tiên cho các trẻ em và mặc dù điều này người ta đã nhấn mạnh không ngừng từ bao nhiêu năm về tính khẩn cấp của giáo lý dành cho người trưởng thành và sự cần thiết bảo vệ một giáo lý thúc đẩy tăng trưởng đức tin nơi người trưởng thành trong một Giáo Hội trưởng thành. Nhưng thực tế dường như vẫn còn rất xa những tuyên bố chính thức về vấn đề này. Giáo lý dành cho người trưởng thành vẫn còn đang ở điểm khởi đầu, trong khi ấy người ta tập trung hầu hết tất cả năng lực cho giáo lý trẻ em và thiếu niên.

3.5. Những nhược điểm trong việc đào tạo giáo lý viên, các tác nhân mục vụ và các linh mục

Nếu phải nhìn nhận rằng đã có nhiều kinh nghiệm tích cực và cố gắng đáng để ý về lãnh vực đào tạo, thì cách chung cũng phải công nhận rằng việc đào tạo mục vụ là không đủ và không thích nghi. Tình trạng lo lắng đặc biệt là trong trường hợp các linh mục và các chủng sinh chuẩn bị tác vụ mục vụ cách chung và cho giáo lý cách riêng giống như một thói quen kéo dài rất không thích đáng. Hơn nữa, mặc dù có một số cố gắng đáng khen, thì việc đào tạo các giáo lý viên vẫn còn nhiều điều chưa tốt và thường bộc lộ sự thiếu khả năng trả lời cho những đòi hỏi hiện nay.

 

 

———————-

Chuyển dịch từ Emilio ALBERICH avec la collaboration de Henri Derroitte et Jerôme Vallabaraj, trong “Les Fondamentaux de la Catechese”, Lumen Vitae, Bruxelles, 2006, pp.21-26. Đây là tác phẩm mới nhất được Cha Emilio ALBERICH, dòng DON BOSCO soạn thảo (Ngài là một giáo sư giàu kinh nghiệm về giáo lý của phân khoa khoa học giáo dục thuộc đại học giáo hoàng Salesienne ở Roma. Ngài cũng từng là giám đốc học viện giáo lý của đại học trong nhiều năm).

Cùng cộng tác với Ngài là Cha Henri DERROITTE, người Bỉ (Giáo sư về môn giáo lý, sư phạm tôn giáo và truyền giáo của học việc thần học thuộc đại học công giáo Louvain và Trung tâm Lumen Vitae ở Bruxelles) và Cha Jerome VALLABARAJ, người Ấn Độ (Giáo sư về giáo lý tại Học Viện khoa học giáo dục thuộc đại học Giáo Hoàng Salesienne ở Roma, sáng lập trung tâm giáo lý Don Bosco ở Chennai (India).

Những phân tích và nhận định của các Ngài dựa trên những tài liệu chính thức của Giáo Hội như Vatican II, Tông Huấn Kitô hữu giáo dân, Tông Huấn về giáo lý, Thông Điệp Loan Báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay của Đức Phaolô VI và những tài liệu của các Giáo Hội địa phương, đặc biệt tại Châu Á, FABC từ năm 1970 đến năm 2001. Nó phản ánh rất rõ tình hình giáo lý hiện nay nói chung và đặc biệt tại Việt Nam. Đây là những tham khảo thật cần thiết cho sự thực hiện việc canh tân giáo lý.