Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục Giáo phận Mỹ Tho
Phó Tổng Thư Ký/HĐGMVN
Để kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh “Ad Gentes”, Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc sẽ tổ chức Hội nghị khoáng đại vào cuối năm 2015; vì thế Đại hội của Ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần này cũng tập trung vào Sắc lệnh “Ad Gentes”, một tài liệu mang tính định hướng cho việc truyền giáo của Hội Thánh toàn cầu trong suốt 50 năm qua. Thật vậy, sáu chương của “Ad Gentes” cung cấp những gì căn bản và cần thiết nhất cho sứ vụ truyền giáo: nền tảng thần học, định hướng và phương thế thực hiện, phân công tổ chức,… tất cả vẫn còn nguyên giá trị cho công cuộc truyền giáo ngày nay. Ngoài ra, không những mời gọi đọc lại Sắc lệnh “Ad Gentes”, Ban Tổ chức còn muốn đối chiếu với thực tế của Giáo Hội tại Việt Nam. Thiết nghĩ đây là một đề tài quá lớn, lại bị giới hạn về thời giờ, vì thế chỉ xin gợi lên một vài chủ điểm để cùng nhau suy nghĩ và thảo luận.
1. Nhiệt tình thừa sai
Trong một lần hội nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, dựa trên số thống kê từ những bản phúc trình hằng năm của các giáo phận, vị đại diện Tòa Thánh đã làm một bản đối chiếu, cho thấy trong những năm qua, tỉ lệ dân số Công giáo gia tăng cùng với tỉ lệ chung của dân số tại Việt Nam. Nghĩa là cũng chỉ qua đường sinh sản, và có thể hiểu thêm rằng việc truyền giáo không có kết quả bao nhiêu.
Phải chăng đây là tình trạng chung trên thế giới, ngoại trừ châu Phi? Dân số Công giáo không những không gia tăng mà còn mất đi, ví dụ, tình trạng bỏ đạo hoặc chuyển sang các giáo hội khác… đang diễn ra tại châu Mỹ La tinh từ nhiều năm nay, cụ thể tại Brazil, và không phải không có tại châu Á.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng đáng buồn này? Trước hết, phải nói đến điều mà nhà thần học Joseph Ratzinger, sau này là Đức Bênêđictô XVI, gọi là cuộc khủng hoảng về chính ý niệm truyền giáo. Ngay từ khi các nghị phụ bàn luận về Sắc lệnh “Ad Gentes”, ngài đã viết: “Vấn đề then chốt, vốn tác động mạnh mẽ lên toàn bộ bối cảnh của vấn đề, là cuộc khủng hoảng về chính ý niệm truyền giáo. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này là do những thay đổi lớn lao trong suy tư hiện đại về nhu cầu truyền giáo. Động lực thúc đẩy các nhà truyền giáo trong quá khứ cố gắng đem người ta đến với Đức Kitô nay ngày càng mất đi tính khẩn thiết của nó. Điều thúc đẩy các vị thừa sai vĩ đại vào đầu thời hiện đại ra đi khắp thế giới, và điều làm cho các ngài không thể nghỉ yên, đó là xác tín rằng ơn cứu độ chỉ có nơi Đức Kitô mà thôi. Hằng triệu con người bất ngờ xuất hiện từ những miền đất trước đây không biết tới và sẽ bị kết án đời đời vì không có sứ điệp Tin Mừng. Do đó, bổn phận thánh thiêng của người tín hữu phải rao giảng Tin Mừng mọi nơi xem ra là trách nhiệm thúc bách nhất của tình huynh đệ, bởi lẽ tình yêu không chỉ liên quan đến những nhu cầu trần thế mà còn liên quan đến vận mệnh con người: hoặc được cứu độ, hoặc bị kết án đời đời. Đang khi đó, trong những thế hệ gần đây, ý tưởng ngày càng thắng thế là Thiên Chúa có thể và muốn cứu độ mọi người dù họ ở ngoài Hội Thánh, mặc dù vẫn cần đến Hội Thánh. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, đã xuất hiện cách giải thích lạc quan hơn về các tôn giáo trên thế giới… Sự lạc quan quá đáng, tức là quan điểm cho rằng các tôn giáo trên thế giới đều là những nẻo đường cứu độ, quan điểm đó không thể hòa hợp với sự đánh giá trong Kinh Thánh về các tôn giáo này. Điều đáng ghi nhận là Công Đồng đã phản ứng sắc bén thế nào đối với những quan điểm hiện đại đó. Trong cuộc thảo luận về bản văn, đã có sự nhẹ nhàng hơn”.[1]
Vấn đề nhà thần học Ratzinger nêu lên có tầm quan trọng đặc biệt, vì đó chính là cái làm nên động lực truyền giáo và nhiệt tình thừa sai; vì thế phải chân thành tự hỏi: Liệu chúng ta có còn nhiệt tình thừa sai? Có còn dám xác tín rằng Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất? Có thực sự gắn bó với Đức Kitô như là “mối lợi lớn nhất” và nói được rằng “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”?
Trên bình diện thần học, “Ad Gentes” khẳng định rõ ràng: “Dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối chỉ một mình Ngài biết để đưa những kẻ không phải vì lỗi của mình mà chưa nhận được Tin Mừng đến với đức tin, là điều kiện tối cần để làm đẹp lòng Ngài; tuy nhiên Giáo Hội vẫn có bổn phận, và cả quyền bất khả xâm phạm, trong việc loan báo Tin Mừng; do đó, hoạt động truyền giáo hôm nay và mãi mãi vẫn luôn thật sự cấp bách và cần thiết”.[2]
Khẳng định đó đặt nền tảng trên chính lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). Và lời của Thánh Phaolô: “Làm sao tin nếu không nghe nói, làm sao nghe nói nếu không có người rao giảng, làm sao có người rao giảng nếu không có ai được sai đi”. Các vị Giáo Hoàng gần đây, cụ thể là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, không ngừng nhắc nhớ về điều đó: “Sứ mệnh của tôi giữa lòng Dân không chỉ là một phần của đời tôi hoặc một thứ phù hiệu mà tôi có thể gỡ bỏ; không phải một cái gì phụ thêm hay chỉ là một khoảnh khắc trong đời. Trái lại, đó là điều gì đó mà tôi không thể dứt bỏ khỏi mình nếu không muốn tiêu diệt chính mình. Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này, đó là lý do tại sao tôi có mặt trong cuộc đời. Chúng ta phải coi mình như được đóng ấn, thậm chí được in nhãn bởi sứ mệnh mang ánh sáng, phúc lành, tạo sức sống, nuôi dưỡng, chữa lành, giải thoát”.[3]
Tuy nhiên, trong thực tế, xem ra nhiệt tình truyền giáo đã sa sút nhiều. Cùng với sự kiện tạp chí “Ad Gentes” phải đóng cửa vì không thể tiếp tục, cha Pietro Gheddo, chủ bút của tạp chí, trình bày những suy nghĩ và nhận định của mình: “Cho đến Công Đồng Vatican II, có sự xác định rõ ràng căn tính của chúng ta là đi đến gặp gỡ những người ngoài Kitô giáo, ở bất cứ nơi đâu Thánh Thần sai đến, để loan báo và làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng của Chúa, mà mọi người đều cần đến. Vâng, chúng ta cũng nói về việc bác ái và giáo dục, sức khỏe, sự tiến bộ, những quyền và sự công bằng cho người nghèo và những người bị bóc lột. Nhưng trên hết mọi sự là nhiệt tâm đem Chúa Giêsu đến cho những người đang sống mà không biết đến Thiên Chúa của Tình Yêu và Tha Thứ… Còn ngày nay, các nhà truyền giáo vận động chống lại nợ nước ngoài, chống chạy đua vũ trang, chống thuốc giả, đòi hỏi nước sạch; ngày nay không còn nói đến truyền giáo cho công chúng nữa nhưng nói về những việc trần thế, xã hội, môi sinh. Bạn có thể cho tôi biết có bao nhiêu bạn trẻ hăng hái và trở thành nhà truyền giáo sau một cuộc phản kháng chống lại chạy đua vũ trang? Thưa, không ai cả”.
Chính vì vậy, câu hỏi mà Sắc lệnh “Ad Gentes” đặt ra cho chúng ta ngày nay: Có thể và nên làm gì để khơi dậy nhiệt tình thừa sai, nơi bản thân và nơi anh chị em mình?
2. Làm chứng và loan báo
Sắc lệnh “Ad Gentes” đề cao tầm quan trọng của chứng tá đời sống trong việc truyền giáo: “Tất cả các Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải dùng chứng tá và gương mẫu đời sống để thể hiện con người mới họ đã đón nhận qua bí tích Thánh tẩy, đồng thời biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã củng cố họ qua bí tích Thêm Sức, để những người chung quanh nhìn thấy các việc lành họ làm mà ngợi khen Chúa Cha”.[4] Các vị Giáo Hoàng thời hậu Công Đồng tiếp tục nhấn mạnh điều này; cụ thể là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại giáo huấn của Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI: “Con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, vào kinh nghiệm hơn là giáo huấn, vào đời sống và hành động hơn là lý thuyết. Chứng tá đời sống Kitô hữu là hình thức truyền giáo đầu tiên và không thể thay thế”.[5]
Tuy nhiên, không thể bỏ qua việc loan báo bằng lời. Người ta thường trích dẫn giáo huấntrên của Chân phước Phaolô VI về chứng tá đời sống, nhưng lại thường xuyên quên mất câu kế tiếp:“Ngay cả những chứng từ tốt lành nhất cũng không có hiệu quả về lâu về dài nếu không được giải thích, trình bày bằng sự loan báo Chúa Giêsu… Không có Phúc Âm hóa đích thực nếu Danh hiệu, giáo huấn, đời sống, các lời hứa, Vương quốc và mầu nhiệm Đức Giêsu Nazaret, Con Thiên Chúa, không được giải thích”.[6]
Đây cũng là điều được xác định rõ trong “Ad Gentes”: “Tại những nơi Thiên Chúa đã mở rộng lối vào cho việc rao giảng mầu nhiệm Đức Kitô, phải tin tưởng và bền chí loan báo cho tất cả mọi người nhận biết Thiên Chúa hằng sống và Đấng Ngài sai đến cứu chuộc mọi người là Đức Kitô, để những người ngoài Kitô giáo được Chúa Thánh Thần mở lòng, tự ý trở về với Chúa trong niềm tin, và thành tâm gắn bó với Đấng là ‘đường, sự thật và sự sống’, Đấng không chỉ đáp ứng, mà đúng hơn, còn vượt quá đến vô cùng những ước vọng thiêng liêng của con người”.[7] Ở một nơi khác, Sắc lệnh viết: “Không phải chỉ cần hiện diện và được thiết lập trong một dân tộc nào đó, hay chỉ cần làm việc tông đồ bằng gương lành là đủ, nhưng đoàn dân Kitô hữu được thiết lập và hiện diện chính là để dùng lời nói và việc làm loan báo Chúa Kitô cho anh chị em đồng bào ngoài Kitô giáo, và giúp họ đón nhận Chúa Kitô cách trọn vẹn”.[8]
Trong thực tế, chúng ta đã làm gì? Phải chăng chỉ nhấn mạnh chứng tá đời sống và ngại loan báo về Chúa Giêsu cho lương dân?
Trong một cuốn sách của ngài, Đức hồng y Tagle, Tổng giám mục Manila, Philippines, kể lại một kinh nghiệm trong thời còn học thần học tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ. Một cặp vợ chồng người Trung Quốc theo học ngành khoa học tại đại học Công giáo. Họ tình cờ phát hiện những giảng khóa về tôn giáo ở đây nên ghi danh tìm hiểu. Và họ hết lời ca tụng giáo huấn của Công giáo về nhiều mặt, cho rằng giáo huấn này sẽ giúp giải quyết mọi vấn đề của Trung Quốc. Nhưng sau đó, họ nói thêm với linh mục Tagle: Từ ngày chúng tôi tới đây, không thấy người Công giáo nào đến nói cho nghe về đạo, đang khi đó, cứ mỗi Thứ Sáu, lại có hai người Tin Lành đến gõ cửa và ngỏ ý xin vào nhà để nói về đạo của họ! Hóa ra đại học Công giáo lo nghiên cứu thần học chuyên sâu nhưng không quan tâm loan báo Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo.
Những gì Hồng y Tagle kể lại cũng là những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam, và thực tế đó trở thành lời tra vấn cho người người Công giáo: Tại sao chúng ta ngại giới thiệu và loan báo Tin Mừng cho lương dân? Đâu là những lý do tạo nên tình trạng đó và có thể làm gì để vượt qua?
3. Truyền giáo trong một xã hội “động”
Vào thởi điểm Sắc lệnh “Ad Gentes” được ban hành, không ai có thể nghĩ đến sự sụp đổ nhanh chóng của Liên-xô cũ và khối Cộng sản Đông Âu, cũng không ai hình dung nổi sẽ có cuộc cách mạng về truyền thông như ngày nay. Do đó, so sánh với thời điểm hiện nay, thế giới của “Ad Gentes” vẫn còn là thế giới “tĩnh”, còn ngày nay là một thế giới “động”. Tính cách “động” này được cụ thể hóa trong hai lãnh vực: di dân và truyền thông.
a. Di dân
Sự kiện Hội Đồng Tòa Thánh về Di Dân (Migrants) được đổi tên là “People on the Move” cho thấy tính cách “động” của thế giới ngày nay. Tại Việt Nam, Báo cáo mục vụ của Ủy Ban Di Dân năm 2015 cho biết: “Tại Việt Nam, làn sóng di dân vì việc làm và học tập đã phổ biến đến độ trở thành một hiện tượng phổ thông. Nhiều thiếu niên đến tuổi trung học phải rời bỏ thôn làng ra huyện xã đi học, đến ngưỡng tuổi đại học thì phải lên các thành phố lớn để học cao lên, có được tấm bằng cử nhân trong tay lại chẳng ai muốn quay về quê nghèo xóm cũ. Biết bao thanh niên không tìm được đường đến trường thì dắt dìu nhau đi tìm việc ở công trường hãng xưởng. Nông thôn ngày càng vắng người trẻ, thành thị ngày càng tấp nập người nhập cư”.
Người ta nói đến nhiều hậu quả tiêu cực trong đời sống người di dân, cách riêng trong giới Công giáo, chẳng hạn tình trạng sống xa quê làm cho nhiều người trẻ bị mất đức tin, vướng vào nhiều tệ nạn,… Tình trạng di dân còn đặt ra nhiều vấn đề nan giải cho đời sống gia đình và trách nhiệm giáo dục con cái. Đời sống của rất nhiều giáo xứ vùng nông thôn cũng chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng này.
Không thể phủ nhận những hậu quả tiêu cực trên, nhưng cũng cần phải nhận ra những tác động tích cực, cách riêng từ tầm nhìn truyền giáo: Di dân là sứ giả loan báo Tin Mừng.
Sau bài tường thuật về cuộc tử đạo của thánh Stephano, sách Công Vụ viết: “Hồi ấy, Hội Thánh tại Giêrusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giuđêa và Samari… Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo Lời Chúa” (8,1-4). Kinh nghiệm đó được tái diễn trong lịch sử Hội Thánh Việt Nam.
Với cuộc di cư năm 1954, những cộng đoàn di cư đã mang đến sức sống mới và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Giáo Hội tại miền Nam Việt Nam, cụ thể tại Sài Gòn và Xuân Lộc.
Sau 1975, sự hiện diện của các cộng đồng Công giáo Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới cũng được các giám mục địa phương đánh giá như phúc lành cho Giáo hội, vì những cộng đồng này cung cấp ơn gọi linh mục và tu sĩ, làm gương về đời sống đạo nhiệt thành sốt sắng.
Ngày nay cũng thế, anh chị em di dân đang góp phần tích cực vào sinh hoạt của các giáo xứ tại nơi họ đến để làm việc, trong đó phải kể đến Tổng giáo phận Sài Gòn.
Vậy, trong viễn tượng truyền giáo, chúng ta có thể làm gì?
– Đồng hành: Theo Tông huấn Verbum Domini, “Các giáo phận phải tùy theo khả năng mà tiếp đón và chăm sóc các anh chị em di dân, để khi được Tin Mừng đánh động, chính họ trở thành sứ giả của Lời Thiên Chúa và chứng nhân của Đức Kitô Phục Sinh, niềm hi vọng của thế giới”.[9] Đức Benedict XVI cũng nhắn nhủ các giám mục Việt Nam trong chuyến ad limina 2009: “Mong rằng anh em phát triển nền mục vụ thích hợp cho người trẻ di dân trong nước, qua việc tăng cường sự hợp tác giữa các giáo phận gốc của họ và các giáo phận họ đến, và cung cấp cho họ những lời khuyên về mặt đạo đức và các chỉ dẫn thực hành”.
– Huấn luyện di dân thành sứ giả Tin Mừng: Di dân không chỉ là người đón nhận Tin Mừng và sự phục vụ của Hội Thánh địa phương, nhưng chính họ còn là sứ giả Tin Mừng. Vì thế cần gây ý thức và tạo điều kiện để họ thi hành sứ vụ.
b. Các phương tiện truyền thông xã hội
Thế giới hôm nay là thế giới của internet, cách riêng mạng xã hội, một thế giới được gọi là “ảo” nhưng hiệu quả lại rất thật:
– Facebook: 1,280,000,000
– Google: 1,6000,000,000
– Twitter: 645,750,000
Giáo Hội Công giáo ý thức điều này rất rõ: “Trong số các hình thức mới của truyền thông đại chúng, ngày nay người ta nhìn nhận rằng vai trò của internet ngày một lớn hơn, đây là một diễn đàn mới, ở đó chúng ta phải làm cho Tin Mừng vang lên… Trong thế giới internet, một thế giới cho phép hàng tỉ hình ảnh xuất hiện trên hàng triệu màn hình trên thế giới, sẽ phải xuất hiện gương mặt của Đức Kitô cũng như có thể nghe được tiếng nói của Người, vì ‘nếu không có chỗ cho Đức Kitô, thì cũng không có chỗ cho con người’”.[10]
Tại Việt Nam trong những năm qua, xuất hiện rất nhiều trang web Công giáo, từ Hội Đồng Giám Mục đến các giáo phận, dòng tu, nhóm, cá nhân,… Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, tất cả đều còn rất khiêm tốn, chưa có trang web nào đáng gọi là cơ quan ngôn luận tầm cỡ như La Croix, National Catholic Register, Catholic Herald… Giả như các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục cùng cộng tác với nhau để làm chung một trang web, hi vọng mọi sự sẽ tốt hơn!
Đồng thời, cũng có thể đặt thêm câu hỏi: Có trang web nào chuyên về truyền giáo chưa? Có trang web nào hướng đến đối tượng là lương dân chứ không chỉ cung cấp tư liệu cho người Công giáo về đề tài truyền giáo? Ước mong những câu hỏi này sẽ thúc đẩy chúng ta cùng nhau suy nghĩ thêm và có những hành động cụ thể.
Kết luận
Trong dụ ngôn “Người gieo giống” (Mt 13,3-9), sau khi nói đến những hạt giống rơi xuống vệ đường, trên sỏi đá, trong bụi gai, Chúa Giêsu nói: “Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt nên sinh hoa kết quả, hạt được gấp trăm, hạt được sáu mươi, hạt được ba mươi”. Nghĩa là dụ ngôn kết thúc với cung giọng rất lạc quan. Dù thế nào chăng nữa, vẫn có những hạt rơi vào đất tốt và sinh hoa kết trái phong phú. Thế nên dù thời thế thuận lợi hay không thuận lợi, hãy cứ ra đi và gieo hạt, lên đường và loan báo Tin Mừng. Đi trong tin tưởng, gieo trong hi vọng, và loan báo trong vui mừng.
(Bài tham luận tại Đại Hội Truyền Giáo toàn quốc lần thứ III, từ ngày 01 đến 04/09/2015, được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Huế).
[1]Joseph Ratzinger, Theological Highlights of Vatican II. Có thể thấy điều được gọi là “sự nhẹ nhàng” này khi đối chiếu với “Ad Gentes”, số 7.
[2]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 7
[3]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 273
[4]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 11
[5]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Thông điệp “Redemptoris Missio”, 1990, số 42
[6]Đức Giáo Hoàng Phaolo VI, Tông huấn “Evangelii Nuntiandi”, 1975, số 22
[7]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 13
[8]Ibid., số 15
[9]Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Tông huấn “Verbum Domini”, số 105
[10]Ibid., số 113