Tương Quan Giữa Các Dòng Tu: Với Nhau – Với Giáo Phận – Với Giáo Xứ

0
653


Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt, C.S.s.R.

Bài chia sẻ khóa thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn 2015.

 

 

DẪN NHẬP

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, ngày 30 tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc “Năm Đời sống thánh hiến” và kết thúc vào lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, ngày 02 tháng 02 năm 2016. Trong dòng chảy thiêng liêng của Hội Thánh Công Giáo toàn cầu, Giáo phận Qui Nhơn cùng hòa mình vào bằng nhiều cách, riêng với Linh mục đoàn đã chọn cách cùng Hội Thánh suy tư về Đời sống thánh hiến qua loạt bài trong tuần thường huấn có chủ đề: “Đời sống thánh hiến trong nhãn quan mục vụ và truyền giáo”. Ở đây, đề tài số 3: “Tương quan giữa các Dòng tu với nhau với Giáo phận và Giáo xứ” có nội dung thật rõ.

Tương quan thế nào kể ra là được? Nói một cách hình ảnh, cũng như người làm nông, chỉ cần đến vụ, qua cơn mưa đầu mùa đất đủ độ ẩm cho hạt giống nẩy mầm là gieo hạt xuống, chờ mầm thành cây, chăm chỉ cần cù bón phân làm cỏ,… đến mùa thu hoạch là xong. Bây giờ có vẻ như không còn đơn giản, muốn làm đạt năng xuất, người nông dân phải biết về chính hạt giống trước khi gieo trồng. Cũng là lúa, nhưng giống lúa OM 4281 hay VND 95-20 có sức kháng sâu rầy mạnh, không chỉ cho năng xuất cao mà hạt gạo của các giống lúa này trắng và chất lượng hơn giống lúa IR 50404. Cũng vậy, khi nói đến tương quan giữa các Dòng tu, giữa Dòng tu với Giáo phận và Giáo xứ… trước hết ta nên tìm hiểu về chính lối sống ấy. Hơn nữa, để bao hàm hết các dạng thức tu trì trong Hội Thánh, ta bàn về đời sống thánh hiến thì gói trọn được tất cả.[1] Sau khi xác định vài tiêu điểm như thế, với đề tài này xin được chia sẻ qua những bước: 1/. Những nét căn bản của đời sống thánh hiến (Thánh hiến, Sứ vụ, Đặc sủng); 2/. Trong cánh đồng Hội Thánh có nhiều vườn hoa; 3/. Để hoa thơm khoe sắc (Tương quan giữa các Dòng, Tương quan với Giáo phận, Tương quan với Giáo xứ); 4/. Thử thách và hướng đi

Năm thánh hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước những người con của Hội Thánh đang sống đời tận hiến là sống niềm vui, sống ngôn sứ, sống hiệp thông, ra khỏi nhà, lắng nghe tiếng Thánh Linh và các nhu cầu thời đại.[2] Với đề tài này, mong ước của Đức Giáo Hoàng nơi chúng ta được nâng lên một cung bậc mới. Vì trong tương quan, những giá trị trên không có cách đơn độc nơi mỗi Hội Dòng, mà là có cùng nhau và cùng giúp nhau để có. Nguyện xin Mẹ Hằng Cứu Giúp ban ơn để “lời hay ý đẹp” không nằm lì trên trang giấy mà thực sự đi vào đời sống làm thay đổi thế giới, nhờ Hội Thánh có đời thánh hiến thực sự như nó là.

I. NHỮNG ĐƯỜNG NÉT CĂN BẢN CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

1. Thánh hiến

Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Dân thánh, vì thế mọi người đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ theo Ngài là đặt Ngài làm quan trọng nhất hơn mọi giá trị khác: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xưng với Thầy. Ai yêu con trái con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Điều Chúa Giêsu đòi hỏi là dành cho tất cả những ai theo Ngài, chứ không phải chỉ dành cho một nhóm ưu tuyển. Ngày xưa thường hiểu đời tu là bậc sống hoàn thiện hơn đời sống gia đình. Từ sau Công Đồng Vatican II, cách hiểu này không còn nữa. Tất cả mọi người được kêu mời yêu mến Chúa trọn vẹn, hết lòng, hết sức hết linh hồn. Tất cả mọi người đều có ơn gọi nên thánh một cách quyết liệt như nhau, không thể có cách yêu Chúa nữa vời hay nên thánh mạnh nhẹ khác nhau. Thánh Công Đồng viết: “Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận… Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái”.[3]

Như thế, vấn đề đặt ra là việc yêu mến Chúa Giêsu, việc nên thánh giữa người sống ơn gọi Đời thánh hiến và người sống ơn gọi Gia đình khác nhau thế nào? Về tính chất và cường độ thì không khác nhưng khác nhau về cách thức. Người sống ơn gọi Gia đình yêu mến Chúa Giêsu, sống lời mời gọi nên thánh qua việc chu toàn bổn phận trong đời sống gia đình một cách trọn hảo. Anh A với chị B, anh yêu chị không chỉ là do sự rung cảm tự nhiên của con tim, sự mách bảo của lý trí cho biết chị là người vợ hiền dâu thảo, nhưng anh yêu chị, sống thuỷ chung, hy sinh vuông tròn bổn phận làm chồng, làm cha do anh yêu mến Chúa Giêsu, anh thực hiện lời mời gọi nên hoàn thiện của Chúa Giêsu trong đời sống gia đình. Có thể nói đây là cách anh yêu mến Chúa Giêsu gián tiếp. Người sống Đời thánh hiến thì yêu mến Chúa Giêsu, sống lời mời gọi nên thánh cách trực tiếp, được thể hiện qua việc tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng.

Trong sắc lệnh “Canh tân thích nghi đời sống Dòng tu” số 5 nói đến việc sống “cho một mình Thiên Chúa”. Sắc lệnh viết: “Tu sĩ Hội Dòng nào cũng phải ghi tâm điều này: chính nhờ khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm mà mình đã đáp ứng ơn thiên triệu, vì thế chẳng những phải chết đi cho tội lỗi (x. Rm 6,11), nhưng còn phải từ bỏ thế gian để sống cho một mình Thiên Chúa”. Thiên Chúa đòi người tu sĩ sống cho một mình Ngài không có nghĩa Ngài là Đấng nghen tương, thương nhân loại, đặc biệt những người tận hiến, bằng tình yêu “chiếm hữu” như tình yêu vợ chồng, tức là đối tượng mình thương mến thuộc riêng về mình. Mặc dù trong Kinh Thánh, Thiên Chúa có nói Ngài là vị thần nghen tương (x. Xh 20,5) hay dùng tình yêu vợ chồng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người, nhưng phải hiểu ý nghĩa cách nói đó trong mạch văn và bối cảnh chứ không cho phép ta hiểu theo nghĩa đặc tính của hữu thể. “Sống cho một mình Thiên Chúa” là không có trung gian, là cách yêu mến Ngài trực tiếp, “diện đối diện”, không phải trong hiện hữu hay cảm nhận mà là trong lối sống được xác định qua ba lời khuyên Tin Mừng. Một lối sống như thế, được gọi là “ân huệ thần linh”[4] đáp trả lại tình yêu của Vị Thiên Chúa đã mặc khải mình qua miệng ngôn sứ Isaia (x. Is 7,14) và được ứng nghiệm trong thời Tân Ước: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23).

Đối với tình yêu nhân loại dành cho Chúa, đời thánh hiến và đời sống gia đình không khác nhau ở mức độ hơn thua, nhưng khác nhau ở cách thức đáp trả chiếu theo sứ mạng mà ơn gọi Kitô hữu lãnh nhận. Nếu đời sống gia đình làm phát triển Hội Thánh thì đời sống thánh hiến là bằng chứng hùng hồn về sự hiện hữu của Chúa Giêsu, là chứng tá Nước trời trong hiện tại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định: “Đời sống thánh hiến thật sự là một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, trong tương quan với Cha và với anh em Người”.[5] Vì thế, ngài dạy rằng: “Trong thế giới của chúng ta, những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa, nên người ta cảm thấy nhu cầu khẩn trương của một chứng tá ngôn sứ thật mãnh liệt từ phía những người thánh hiến. Tiên vàn chứng tá đó công bố vị thế tối thượng của Thiên Chúa và của những điều thiện hảo sắp tới”.[6]

Trở về với Lời Chúa thì thấy trong thời gian rao giảng công khai, Chúa Giêsu có nhiều môn đệ. Trong số các ngài, có nhóm 12 được Chúa chọn để ở riêng với Chúa, được Chúa huấn luyện và được sai đi (x. Mc 3,13-14). Có thể nói, cũng một cách như thế, trong thời đại hôm nay, thời của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho ơn cứu độ của Chúa Giêsu trở thành viên mãn nơi mỗi con người, những người sống đời thánh hiến là những người được Chúa chọn để ở riêng với Chúa, được sai đi phục vụ Nước Chúa và nhất là qua việc tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng trở thành chứng tá cho sự hiện diện của Nước Trời ngay từ bây giờ. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội viết: “Bậc tu trì giải thoát người tu sĩ bớt những lo lắng trần tục, cùng tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này, và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời […] Bậc sống ấy đặc biệt cho ta thấy Nước Thiên Chúa vượt trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi của Nước ấy cao cả biết bao”.[7] Do đó, chân phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông thư “Chứng tá Phúc âm” đã dạy: “Chính vì Nước Trời mà các con đã quảng đại hiến dâng cho Đức Kitô trọn tình yêu mãnh liệt và nhu cầu sở hữu cũng như quyền tự do quyết định đời sống, là những thứ rất quý hoá đối với con người”.[8] Và một khi sống như thế, người thánh hiến “làm cho Nước cánh chung của Thiên Chúa đến gần hơn với cuộc sống của hết mọi người, trong những điều kiện của trần thế; nó làm cho Nước ấy hiện diện giữa thế gian một cách nào đó”.[9]

Đời sống tu trì là “ân huệ thần linh mà Giáo Hội đã nhận lãnh bởi Chúa mình và luôn gìn giữ nhờ ơn Người”.[10] Cuộc sống này được thiết kế trên ba lời khuyên Tin Mừng, nó có tính pháp lý, nhưng “điều căn bản làm nên yếu tính đời tu, không phải là những ràng buộc có tính pháp lý, nhưng là tinh thần tin yêu cảm mến và tôn thờ làm cho một người từ bỏ những gì không thuộc về Chúa để hoàn toàn sống cho một mình Thiên Chúa”.[11] “Việc tận hiến không phải là kết quả của ba lời khuyên Phúc Âm, nhưng chính việc tận hiến đã đưa đến việc tuyên giữ ba lời khuyên”.[12] Vì thế, điều quan trọng đối với người tu là luôn ý thức việc đáp lại ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa ban khi Ngài chọn gọi mình vào đời sống thánh hiến mà sẳn sàng tận hiến bản thân cho Chúa và vì Chúa. Sự thánh hiến được giải thích rất rõ trong văn kiện của Thánh Bộ Tu Sĩ có tựa đề là “Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Hội Thánh về đời tu”. Ở đây xin trích dẫn một vài tài liệu tiêu biểu cho thấy rõ sự thánh hiến trong đời sống tu là gì:

– “Sự tận hiến là nền tảng của đời tu […] Sự thánh hiến là một tác động của thiên Chúa. Thiên Chúa kêu gọi một người, đặt riêng người ấy ra để người ấy tận hiến cho Người một cách đặc biệt. Đồng thời ngài cũng ban ơn đáp trả, thành thử sự tận hiến diễn tả, về phía con người, sự đáp trả bằng một sự phó thác toàn thân sâu xa và tự nguyện”.[13]

– “Ðời sống tận hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Ðức Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Ðấng đáng mến yêu tột bậc”.[14]

– Thánh Giáo Hoàng Phaolô II đã nói rất mạnh rằng: “Trong đời sống thánh hiến, vấn đề không phải chỉ là theo Chúa Kitô với cả con tim, bằng cách yêu mến Người hơn cha mẹ mình, hơn con trai hay con gái mình” (x. Mt 10,37), như mỗi môn đệ đều phải làm, nhưng còn là sống và diễn tả điều đó bằng việc biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, bằng một cuộc gắn bó triệt để […] người được thánh hiến không chỉ bằng lòng với việc đã chọn Đức Kitô làm ý nghĩa đời mình, nhưng còn tìm cách diễn lại nơi chính mình, trong mức độ có thể, “nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế”.[15]

– Trong năm Thánh Hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những người tận hiến “hãy đi theo Đức Kitô như Tin Mừng đã dạy […] gắn bó toàn thân với Người, đến nỗi có thể nói như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21). Các lời khấn chỉ có ý nghĩa khi làm “thể hiện tình yêu say đắm ấy”.[16] Người tận hiến hãy tự hỏi: “Chúa Giêsu có còn là tình yêu thứ nhất và độc nhất” [17] đối với mình nữa không?

2. Sứ Vụ

Người thánh hiến chỉ sống cho một mình Thiên Chúa, dĩ nhiên, không có nghĩa là họ được đưa vào trong tình yêu nhiệm mầu sâu thẳm của Thiên Chúa, kết hiệp mật thiết với Ngài và như thế là hết. Không! Chúa gọi các môn đệ đến ở với Chúa để Ngài sai họ đi (x. Mc 3,13-14), tức là người môn đệ luôn có sứ mạng là lãnh nhận một sứ vụ trong số nhiều dạng thức khác nhau, nhưng đều qui về một mối là phục vụ và là chứng tá cho Nước Chúa Giêsu thiết lập đã có và đang đến. Không có thánh hiến mà không có sứ vụ. Thánh Giáo Hoàng Phaolô II đã viết: “Phải khẳng định rằng sứ mạng là thiết yếu cho mọi Tu Hội, không những cho những Tu Hội hoạt động tông đồ mà còn cho cả những Tu Hội chiêm niệm nữa. […] Do đó, có thể nói rằng người tận hiến “được sai đi” do chính sự thánh hiến của mình, người ấy làm chứng cho sứ mạng theo lý tưởng của Tu Hội mình”.[18]

Ngoài loại sứ vụ như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết và được trích dẫn ở trên, “chính đời thánh hiến đã trở thành một sứ vụ”, thì đời thánh hiến có nhiều loại sứ vụ khác nhau chẳng hạn như: tân phúc âm hoá, tái phúc âm hoá, truyền giáo, đối thoại đại kết, đối thoại liên tôn, mục vụ… nói chung, sứ vụ được hiểu như mọi hoạt động tông đồ trong Hội Thánh. Giữa thánh hiến và sứ vụ có một tương quan mật thiết thuộc về bản tính. Chân phúc Giáo Hoàng Phaolô VI dạy: “Các tu sĩ hiến thân làm việc tông đồ trong sứ mạng chính yếu nhất, tức là rao giảng lời Chúa cho những ai mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho việc dẫn đưa họ về với đức tin. Một ơn vĩ đại như thế đòi hỏi phải sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa để có thể truyền thông sứ điệp của Ngôi Lời nhập thể”.[19] Bộ Giáo luật 1983 nói về điểm này như sau: “Hoạt động tông đồ của các tu sĩ tiên vàn hệ tại việc chứng tá của đời tận hiến. Họ có bổn phận hun đúc đời sống chứng tá nhờ lời cầu nguyện và việc đền tội”.[20] Còn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì: “Trước khi được thể hiện bằng những công việc bề ngoài, sứ mạng cốt ở việc làm cho chính Đức Kitô hiện diện bằng chứng tá bản thân. Đó là thách đố, đó là mục đích đầu tiên của đời thánh hiến ! Càng để cho mình đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, người tận hiến càng làm cho Người hiện diện và hành động trong thế giới, để cứu độ nhân loại”.[21]

Bên cạnh tương quan theo nghĩa bản tính, còn có tương quan theo nghĩa hiệu năng. Nếu dùng hình ảnh để minh hoạ, có thể ví tương quan giữa thánh hiến và sứ vụ như tương quan giữa xăng và chiếc xe máy. Phải có xăng xe mới chạy được, nếu chỉ có sức người dẫn bộ, xe cũng lăn nhưng đến một lúc nào đó người ta phải đành bỏ, nhất là khi đường xa, trời nắng… Từ cái nhìn thực tiễn, Chân phúc Giáo Hoàng Phaolô VI dạy: “Chúng ta đừng quên điều này là mọi tổ chức của nhân loại đều có thể bị sói mòn, khiến quy luật trở nên khô khẳng và có nguy cơ chỉ còn lại hình thức. Sự chăm chú giữ luật bề ngoài tự nó không đủ để bảo đảm giá trị của cuộc sống ấy. Vì thế luôn luôn phải hồi sinh những hình thức bên ngoài bằng những cố gắng bên trong, nếu không có sự cố gắng này, những hình thức bên ngoài không bao lâu sẽ trở nên một gánh nặng”.[22]

Dù vậy, trong thực tế đời thánh hiến, sứ vụ thường được chú trọng trong khi chiều kích thánh hiến của đời tu hay bị lãng quên. Có thể đối với đời tu thánh hiến là đương nhiên nên ít được nghĩ tới, làm sao giữ đừng để lỗi các lời khấn là được. Điều đó cũng dễ hiểu, vì sứ vụ tự nó là mặt nổi, các tín hữu thường đánh giá người tu sĩ qua những việc họ làm. Bản thân người tận hiến, cộng đoàn và cả Hội Dòng cũng vậy, được đánh giá cao, khen ngợi, trân trọng, tín nhiệm qua những việc phục vụ. Mặt khác, tác động tiêu cực từ về phía xã hội trong thời đại thực dụng, chuộng kỹ thuật muốn thấy ích lợi trước mắt dễ làm người tu giảm nhẹ chiều kích thánh hiến trong cuộc sống của mình. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô nhận xét: “Ngày nay có nhiều người thắc mắc tự hỏi: đời tận hiến có ý nghĩa gì? Tại sao lại chọn đời sống đó đang khi có biết bao nhu cầu cấp bách trong lãnh vực bác ái và cả trong việc loan báo Tin Mừng nữa, có thể đáp ứng được mà không cần phải chấp nhận những cam kết đặc biệt của đời thánh hiến? Đời thánh hiến lại chẳng phải là một cách “phung phí” những năng lực có thể sử dụng có hiệu năng cao hơn, có lợi hơn cho nhân loại và cho Giáo Hội đó sao?”.[23] Có lẽ trên quê hương Việt Nam, đời tu được quí trọng nên chưa ai đặt lại vấn đề như thế, nhưng trong thực tế, chỉ nghĩ đến công việc coi nhẹ thánh hiến không phải là hiếm gặp trong đời sống thánh hiến hiện nay. Phải chăng vì thế, ngày nay Hội Thánh có nhiều công trình nhưng lại thiếu những người tu sĩ được nể trọng về đức độ và nhân cách. Vì thế, trong khi nhiệt thành với sứ vụ người tu sĩ cần luôn tâm niệm điều này: “Điều quan trọng nhất không phải là điều tu sĩ làm, nhưng là điều tu sĩ là như những con người thánh hiến cho Thiên Chúa”.[24]

3. Đặc Sủng (Charisma)

Đặc sủng là thuật ngữ được thánh Phaolô dùng nhiều lần trong các thư của ngài. Tiêu biểu như đoạn thư 2Cr 12, 4-11: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần khí tỏ ra nơi mỗi người mỗi cách,là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định Thần Khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người”.

Đặc sủng là những ơn riêng, ơn đặc biệt, không phải ai cũng có mà trái lại chỉ được ban cho một số người. Dĩ nhiên ơn Chúa ban không phải là phần thưởng để thụ nhân thủ đắc làm ích riêng cho mình, nhưng là để phục vụ cộng đoàn. Vì tính chất phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh nên từ “charisma” (đặc sủng) còn được dịch là đoàn sủng.

Trong lịch sử Hội thánh, thuật ngữ này bị mai một, không còn được dùng trong suốt thời gian dài. Đến thời thánh Tôma Aquinô, ngài có nói tới nhưng dùng cụm từ “gratia gratis data” tức là “ơn được ban nhưng không”.[25] Đến Công Đồng Vatican II, từ charisma (đặc sủng) đã được dùng trở lại, nhưng không phải nói về đời tu, mà chỉ các ân huệ Chúa Thánh Thần ban cho Dân Chúa, được dịch là “đoàn sủng”.[26] Sau Công Đồng, từ “đặc sủng” được dùng rất phổ biến, nó vượt khỏi lãnh vực suy tư tiến sang lãnh địa tông đồ mục vụ như các “Phong trào canh tân đặc sủng”.

Đối với đời thánh hiến, từ “đặc sủng” được triển khai nhanh chóng nhằm chỉ chổ đứng của đời tu trong hội Thánh. Đời tu không phải việc của con người, hay là một tổ chức của Hội Thánh, không phải là bậc sống trung gian giữa giáo sĩ và giáo dân. Đời tu là ân huệ của Chúa Thánh Thần tặng ban cho Hội Thánh, “thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Hội Thánh một cách bất khả phân ly”.[27] Vì thế, đời thánh hiến “là một thực tại liên hệ đến toàn thể Hội Thánh […] nằm ngay giữ lòng Hội Thánh như một yếu tố quyết định sứ mạng của Hội Thánh”.[28] Tính chất “đặc sủng” là ở đó, nên có một số nghị phụ cho rằng đời thánh hiến thuộc về “cơ chế đặc sủng”.[29] Bên cạnh đó, từ “đặc sủng” được sử dụng một cách rất tích cực và phổ biến để chỉ căn tính của mỗi Dòng, bao gồm các yếu tố: sứ mạng, linh đạo, một nếp sinh hoạt, gia sản tinh thần. Chính nhờ suy tư thần học về “đặc sủng” áp dụng vào đời thánh hiến đã làm toát lên sự năng động và sáng tạo của lối sống này, đồng thời cho thấy tính chất riêng biệt độc đáo của mỗi Hội Dòng trong Hội Thánh. “Các bậc sống càng được tôn trọng căn tính bao nhiêu thì sẽ càng hữu ích cho Giáo Hội và cho sứ mạng của Giáo Hội bấy nhiêu”.[30]

Khi nói về đặc sủng của đời tận hiến, cần phân biệt 3 loại đặc sủng khác nhau: đặc sủng đời tu nói chung, đặc sủng của Đấng Sáng Lập và đặc sủng của Hội Dòng. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư của Năm Thánh Hiến đã viết: “Mỗi Dòng của chúng ta đều đến từ một lịch sử phong phú của đặc sủng. Khởi đầu là tác động của Thiên Chúa, Ðấng đã kêu gọi trong Thánh Linh một số người đi theo sát gót Ðức Kitô, để chuyển dịch Tin mừng ra một lối sống đặc thù, để đọc các dấu chỉ thời đại với cặp mắt đức tin, để đáp ứng với những nhu cầu của Giáo Hội một cách sáng tạo. Thế rồi kinh nghiệm khởi đầu được tăng tiến và phát triển, lôi cuốn những phần tử sống trong những khung cảnh mới của địa lý và văn hóa, tạo ra những thể thức mới để thể hiện đặc sủng, những sáng kiến và những lối diễn tả lòng bác ái tông đồ mới mẻ, cũng tựa như hạt giống trở thành một cây lớn với nhiều cành lá xum xê”. Ngài mời gọi “mỗi gia đình đặc sủng hãy nhớ lại buổi khởi đầu của mình và những chặng phát triển trải qua lịch sử, để tạ ơn Thiên Chúa […] Thuật lại lịch sử của mình là điều cần thiết để duy trì căn tính cũng như để siết chặt mối hợp nhất của gia đình và tăng thêm cho các phần tử ý thức mình thuộc về một nhà. Ðây không phải là chuyện khảo cổ hoặc luyến tiếc dĩ vãng, nhưng là đi lại con đường của các thế hệ quá khứ để nắm bắt được tia sáng gợi hứng, những lý tưởng, những dự phóng, những giá trị đã thúc đẩy họ, bắt đầu từ các vị sáng lập và các cộng đoàn tiên khởi. Ðó cũng là một cách để ý thức được cách thức mà tiền nhân đã sống đặc sủng, những bước đột phá, những khó khăn đã đương đầu và vượt qua. Ta cũng có thể nhận ra những sự bất nhất do tính yếu đuối của con người, thậm chí kể cả có lúc quên mất những khía cạnh cốt yếu của đặc sủng. Tất cả các khía cạnh ấy đều là những bài học, và đồng thời kêu gọi hoán cải”.

II. TRONG CÁNH ĐỒNG HỘI THÁNH CÓ NHIỀU VƯỜN HOA 

Đời sống tu trong Hội Thánh quả là phong phú, trải dài theo dòng lịch sử, qua các thời đại, lối sống ấy tựa như trăm hoa đua nở làm tươi trẻ Hội Thánh và đáp ứng những nhu cầu thời đại. Chắc chắn khó mà kể hết các Dòng tu trong Giáo Hội. Đời tu có nhiều hình thức như: các ẩn sĩ, đời đan tu cộng đoàn, các kinh sĩ sống chung, các Dòng hành khất, các tu đoàn tông đồ…

Trước Công Đồng Vatican II, cách riêng với bộ Giáo luật 1917, Dòng tu được phân biệt qua tính chất của lời khấn: Dòng có lời khấn trọng (ordo) thuộc các Dòng cổ và Dòng có lời khấn đơn (congregatio) thuộc những Dòng cận đại từ thế kỷ XVI. Về mặt pháp lý, các tu sĩ có lời khấn trọng kết hôn bất thành; các tu sĩ có lời khấn đơn, dù chưa được giải nhưng nếu kết hôn tuy bất hợp pháp nhưng vẫn thành sự.[31] Về lời khấn khó nghèo giữa lời khấn trọng và khấn đơn khác nhau rất rõ. Người có lời khấn trọng mất toàn bộ quyền đối với tài sản. Người có lời khấn đơn tuy mất quyền sử dụng và quản trị nhưng quyền thủ đắc và sở hữu vẫn còn, chỉ trừ khi Hiến Pháp Dòng qui định cách khác.[32] Ngoài ra còn có sự phân biết khác là trong các lễ hội, các cuộc rước tu sĩ dong khấn đơn phải nhường bước cho các tu sĩ khấn trọng.[33] Trong trường hợp chỉ có các Dòng đơn thì các Dòng đơn thuộc Giáo Hoàng sẽ được quyền ưu tiên so với các Dòng thuộc Giáo phận.[34]

Bộ Giáo luật 1983, dùng cụm từ “Các Tu Hội đời sống thánh hiến và các hội đời sống tông đồ” để chỉ về đời sống của những người tận hiến cho Chúa. Bộ Giáo luật phân định như sau:

1.1. Các Tu Hội Dòng

Thành viên của Tu Hội Dòng là các tu sĩ có lời khấn Dòng, có đời sống chung và xa lánh thế gian.

Các tu sĩ “thánh hiến toàn thể con người”, cuộc sống trở thành “việc thờ phượng liên tục trong đức ái”; tuyên giữ lời khấn công khai, sống chung huynh đệ, xa cách thế gian.[35] Các Tu Hội Dòng gồm có hai ngành: chiêm niệm và hoạt động.

Về việc tông đồ của các tu sĩ điểm chung là “trước hết hệ tại đời sống chứng tá của họ, và buộc họ phải bồi dưỡng chứng tá ấy bằng cầu nguyện và khổ hạnh”.[36]

Đối với các Tu Hội Dòng chiêm niệm “luôn có một chỗ đứng nổi bật trong Nhiệm thể Đức Kitô: vì họ dâng lên Thiên Chúa lễ tế ngợi khen cao cả làm vẻ vang Dân Thiên Chúa bằng rất nhiều hoa trái thánh thiện, khích lệ Dân Thiên Chúa bằng gương sáng và làm tăng trưởng Dân ấy bằng việc tông đồ âm thầm mà phong phú. Bởi thế, tuy việc tông đồ bằng hoạt động là cần, nhưng không thể kêu gọi các thành viên của các Tu Hội ấy cộng tác vào các loại thừa tác mục vụ khác nhau”.[37]

Đối với các Tu Hội chuyên về tông đồ: “Hoạt động tông đồ thuộc chính bản tính của các Tu Hội. Do đó, toàn thể đời sống của các thành viên phải được thấm nhuần tinh thần tông đồ, nhưng tinh thần tu trì phải là hồn của toàn thể hoạt động tông đồ”.[38] Hoạt động tông đồ phải kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và luôn củng cố bồi dưỡng sự kết hiệp này;[39] đồng thời nhân danh và thừa lệnh Giáo Hội, phải được thực thi trong sự hiệp thông với Giáo Hội.[40]

1.2 “Đời sống ẩn tu hay độc tu” và “Trinh nữ tận hiến”

Bên cạch Các Tu Hội Dòng, bộ Giáo luật còn nói đến “Đời sống ẩn tu hay độc tu”“Trinh nữ tận hiến”. Hai hình thức thánh hiến này đã có từ xa xưa được Giáo luật khôi phục lại, và được ghi rõ trong phần “Quy tắc chung cho tất cả Tu Hội Đời sống thánh hiến”. Theo đó, các ẩn sĩ là những Kitô hữu “lấy sự xa cách thế gian, sống trong thinh lặng, chăm chỉ cầu nguyện để tận hiến đời mình vào việc ngợi khen Thiên Chúa và mưu phần rỗi cho thế giới”.[41] Còn các Trinh nữ tận hiến là những người “tuyên thệ quyết tâm lành thánh bước theo Đức Kitô sát hơn[…] Họ kết hôn huyền nhiệm với Đức Kitô Con Thiên Chúa và chăm lo phục vụ Giáo Hội”. Các trinh nữ có thể liên kết với nhau.[42] Dĩ nhiên cả hai lối sống tu này đều được đặt trong tay Giám mục Giáo phận theo Giáo luật.

1.3. Các Tu Hội Đời, cũng là “Tu Hội Đời sống thánh hiến”

Nhưng khác với Tu Hội Dòng, Tu Hội Đời không có lời khấn, nhưng có những cam kết sống ba lời khuyên Tin Mừng, không có đời sống chung và sống giữa đời là điểm nổi bật của bậc sống này.

Giáo luật định nghĩa: “Tu Hội Đời là Tu Hội đời sống thánh hiến, trong đó những tín hữu sống giữa đời cố gắng đạt tới đức ái hoàn hảo và ra sức góp phần thánh hoá thế giới từ bên trong”.[43] Các Tu Hội Đời “phải sống trong điều kiện thông thường của trần thế, hoặc một mình, hoặc mỗi người trong gia đình của mình, hoặc trong nhóm đời sống huynh đệ theo Hiến pháp”.[44] Họ không có lời khấn, nhưng có những cam kết bằng những mối dây ràng buộc thiêng liêng tạm thời hay vĩnh viễn.[45]

1.4 Hội đời sống tông đồ (hay các Tu đoàn tông đồ)

Các thành viên trong Hội đời sống tông đồ không có lời khấn, nhưng có đời sống chung.

Giáo luật số 731 khoản 1 viết: “Bên cạnh các Tu Hội Đời sống thánh hiến có các Hội đời sống tông đồ; thành viên của các Hội nầy không có lời khấn Dòng, theo đuổi mục đích tông đồ riêng của Hội và sống đời huynh đệ với nhau, theo nếp sống riêng, họ cố gắng đạt tới đức ái hoàn hảo nhờ tuân giữ Hiến pháp”. Giáo luật xác định: “Những gì đã được ấn định trong các điều 578 – 579 và 606 được áp dụng cho các Hội đời sống tông đồ”.[46] Điều này cho thấy có sự tương đồng giữa “Tu Hội Đời sống thánh hiến”“Hội đời sống tông đồ”.

Như vậy, từ sau Công Đồng Vatican II, với bộ Giáo luật 1983, cách trình bày về đời tu trong Hội Thánh Công Giáo, trước khi rõ ràng về mặt pháp lý, đã cho thấy chiều kích bản chất hay yếu tính của đời tu, làm toát lên vẻ đẹp và vô cùng phong phú của đời dâng hiến, hơn là tính chất “trọng – yếu” đậm màu “giai cấp” như cách qui định trước đây.

1.5 Một khác biệt nhỏ

Cũng cần nói thêm một nét khác biệt nhỏ giữa các Tu Hội đời sống thánh hiến, đó là Tu Hội Giáo Hoàng và Tu Hội Giáo phận. Nếu Tu Hội do Tông Tòa thiết lập, hoặc ban sắc lệnh rõ ràng chuẩn y thì gọi là “Tu Hội thuộc quyền Giáo Hoàng” hay Tu Hội đặc miễn. Nếu Tu Hội do Giám mục Giáo phận thiết lập mà không có sắc lệnh chuẩn y của Tông Tòa thì gọi là Tu Hội Giáo phận.[47] Tuy nhiên, điều lưu ý là tất cả các thành viên trong các Tu Hội phải phục tùng quyền tối thượng của Giáo Hội; phải tuân phục Đức Giáo Hoàng như là Bề trên tối thượng của mình.[48]

Các Tu Hội đặc miễn được đặt dưới quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, họ được miễn khỏi quyền lãnh đạo của Giám mục Giáo phận.[49] Nhưng điều cần lưu ý là trong Hiến chế Công Đồng Vatican II ghi rõ: “Khi chu toàn phận vụ đối với Giáo Hội qua cách sống đặc biệt của mình, các tu sĩ phải kính trọng và vâng lời các Giám mục theo giáo luật vì phải tôn trọng quyền mụcvụ của các ngài trong Giáo Hội địa phương và vì cần phải có sự đồng tâm nhất trí trong việc tông đồ”.[50]

III. ĐỂ HOA THƠM KHOE SẮC

1. Tương quan giữa các Dòng

1.1 Một chút suy tư và đôi nét tổng hợp giáo huấn của Hội Thánh

Đời sống Thánh hiến là đặc ân Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội. Mỗi Tu Hội được thành lập theo một đặc sủng riêng, dù khác biệt nhưng hợp thành một toàn bộ gắn kết với nhau trong công trình duy nhất của chính Ngài, là làm cho ơn cứu độ Chúa Giêsu đã thực hiện thấm nhuần thế giới tiến tới vị lai trong trời mới đất mới. Vì tự bản chất, các đặc sủng tuy khác nhau nhưng không thể tách rời vì có cùng một nguồn gốc và hướng đến cùng một mục tiêu như thánh Phaolô Tông đồ đã viết: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người mỗi cách là vì ích chung” (1Cr 12, 4-7). Tính chất ơn ban của Thiên Chúa là không bao giờ qui về đối tượng thủ đắc mà được ban là để phục vụ như thánh Phêrô đã dạy: “Ơn riêng Thiên Chúa ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,11). Đặc sủng Chúa ban cho Tu Hội là để phục vụ, do đó, mối tương quan giữa các Tu Hội Đời sống thánh hiến là có cách hiển nhiên, từ trong yếu tính cũng như trong chức năng phục vụ Hội Thánh. Giáo huấn của Hội Thánh đã nói rất rõ về mối tương quan này, đặc biệt trong Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến” của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

– Đối với các Dòng tu cũ và mới, Tông Huấn viết: “Các hình thái mới của đời thánh hiến, cộng thêm vào những hình thái cũ, đang làm chứng cho thấy việc dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa […] vẫn còn có khả năng thu hút thế hệ hiện tại. Các hình thái này cũng là dấu chỉ cho thấy các ân điển của Chúa Thánh Thần bổ túc cho nhau”.[51]

– Đối với các Tu Hội nói chung, Tông Huấn viết tiếp: “Trong bối cảnh hài hoà của các ân sủng, mỗi bậc sống chủ yếu diễn tả, theo cách của mình, một chiều kích nào đó thuộc mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô. […] Còn khi xét tới sứ mạng của Giáo Hội là phải biểu lộ sự thánh thiện thì phải công nhận, với cái nhìn khách quan, là đời thánh hiến đứng ở một bình diện ưu việt, bởi vì phản ánh chính lối sống của Đức Kitô.[…] Trong viễn ảnh đó, chung cho toàn thể đời thánh hiến, đã có những nẻo đường khác nhau nhưng bổ túc cho nhau…”.[52]

– Đức Thánh Cha còn chỉ cho biết mối tương quan giữa các Tu Hội, bao gồm cả lãnh vực đời sống thiêng liêng huynh đệ và sự cộng tác tông đồ, được nuôi dưỡng dựa trên “cảm thức về sự hiệp thông trong Giáo Hội”. Ngài mượn lại lời của thánh Bernaldo để diễn tả ý tưởng này: “Tôi thán phục tất các Dòng […]. Tôi thuộc về một trong các Hội Dòng đó do kỷ luật, nhưng thuộc về tất cả do đức mến. Tất cả chúng ta đều cần đến nhau: điều thiện hảo thiêng liêng mà tôi không có, hay không chiếm hữu, thì tôi nhận được từ những Dòng khác […]. Trong cuộc lưu đày này, khi mà Giáo Hội còn đang lữ hành, có thể nói rằng tính duy nhất của Giáo Hội thì đa dạng và tính đa dạng của Giáo Hội thì duy nhất […]. Và tất cả những khác biệt của chúng ta, biểu lộ các ân huệ phong phú của Thiên Chúa, sẽ còn tồn tại trong nhà Cha, vì nơi đây có nhiều chỗ ở. Ngày nay thì có sự phân phối các ân sủng, ngày ấy sẽ có sự phân biệt các vinh dự. Sự hiệp nhất, ở dưới thế này cũng như ở trên đó, là do cùng một đức mến”.[53]

Mối tương quan giữa các Tu Hội là mối tương quan hiệp thông. Hội Thánh không chỉ có giáo huấn mà còn thiết định cho mối tương quan này có chiều kích pháp lý. Đây là một tiến trình, có thể nói bắt đầu từ Đại hội “Các Bậc Sống Trọn Lành” được tổ chức tại Rôma vào ngày 29 tháng 10 năm 1950. với những gợi ý từ bài diễn từ bế mạc của Đức Thánh Cha Piô XII, Năm thánh (Annus sacer), liền sau đó, nhiều cuộc đại hội được tổ chức mang những tên gọi khác nhau như hội nghị, hội đồng, uỷ hội hay hiệp hội các bề trên cao cấp của các Tu Hội. Đỉnh cao là Hiệp hội Quốc tế Bề trên Tổng quyền các Dòng nam, và Hiệp hội Quốc tế Bề trên Tổng quyền các Dòng nữ ra đời.[54]

Trong Sắc lệnh về Canh tân và thích nghi đời tu, Thánh Công Đồng đã viết: “Nếu tiện lợi và được Tòa Thánh chấp thuận, các Hội Dòng và đan viện tự trị hãy thành lập các hiệp hội […], hoặc thành lập các liên hiệp nếu có cùng Hiến Pháp, tập tục tương tự và cùng sống theo một tinh thần […], hoặc thành lập những liên hội nếu chuyên lo những công việc bề ngoài giống hay trùng nhau”.[55] Thánh Công Đồng khuyên: “Nên cổ võ những hội nghị hay hội đồng các bề trên thượng cấp do Tòa Thánh qui định, vì những hội đồng như vậy giúp ích rất nhiều để mỗi Hội Dòng đạt tới mục đích riêng cách hoàn hảo hơn, để phát triển sự hợp tác hữu hiệu hơn nhằm mưu ích cho Giáo Hội”.[56]

Đến bộ Giáo luật 1983 thì mối tương quan này được xác định rõ: “Các Hội Đồng Bề trên cao cấp cần có qui chế được Tòa Thánh phê chuẩn. Tòa Thánh là thẩm quyền duy nhất có thể thành lập Hội nghị, ban cấp tư cách pháp nhân, và giữ quyền lãnh đạo tối cao của hội nghị”.[57]

Điều cần lưu ý là các Hội Đồng Bề trên cao cấp ở tầm mức quốc gia hay quốc tế không bao giờ là cơ quan trung gian giữa Hội Dòng và Tòa Thánh. Hoạt động của họ thuần túy là hợp tác thảo luận các vấn đề, tìm phương hướng giải quyết những vấn nạn mà các bên cùng quan tâm chứ không có tính thẩm quyền hay phẩm trật.[58]

Về mối quan hệ hỗ tương giữa các Tu Hội qua hình thức hội đồng hay Hiệp Hội các Bề Trên Thượng Cấp trên bình diện thế giới, quốc gia, hay Hiệp Hội cấp Giáo phận có một giá trị đặc biệt. Tuy nhiên, cần phải tôn trọng: “sự khác biệt”, “tính cách và cứu cánh đặc thù”, “đặc tính riêng” của các Tu Hội.[59] Bộ Giáo luật 1983 nói đến “Hội Đồng các Bề Trên Cao Cấp”, cũng chỉ cho thấy ích lợi của sự phối hợp này ở cấp Hội Đồng hay Hội Nghị, với điều lưu ý là phải “giữ nguyên sự tự trị, đặc tính và tinh thần riêng của các Tu Hội”.[60]

Mối quan hệ hỗ tương giữa các Hội Dòng vô cùng phòng phú, ngoài các tổ chức như Hiệp Hội các Bề Trên Cao Cấp ở cấp Giáo phận, các Tu Hội cũng được mời gọi lập các hiệp hội tu sĩ nam nữ để thăng tiến đời tu, cùng bàn bạc những vấn đề chung giữa Giám mục và các bề trên, hay phối hợp các hoạt động của các Tu Hội với hoạt động mục vụ của Giáo phận.[61] Bên cạnh đó còn có những mối tương quan giữa nam nữ tu sĩ, các đan viện, các Dòng tu nữ… không chỉ có trong thời gian gần đây mà đã kéo dài qua hàng bao thế kỷ. Nhờ vậy, Đời sống thánh hiến có thêm sức mạnh sống tính ngôn sứ và dấu chỉ cho mầu nhiệm Nước Trời, đồng thời chu toàn các loại hình sứ vụ trong Hội Thánh. Hiện tại, Đời sống thánh hiến gặp nhiều thách đố từ lối sống và môi trường xã hội của con người thời đại, thì mối tương quan hỗ tương giữa các Tu Hội cần được thiết lập chặt chẽ hơn nữa.

1.2. Trong thực tế đời sống Giáo Hội Việt Nam

Đời thánh hiến trong Giáo Hội Việt Nam như đang ở thời điểm trúng mùa, vì con số ơn gọi dồi dào, ngoài các Hội Dòng cũ đã có trước đây, các Hội Dòng mới du nhập vào ngày càng nhiều. Các Hội Dòng phát triển mạnh về cơ sở và nhân sự. Về phương diện tương quan giữa các Dòng, hiện tại có Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp sinh hoạt đều đặn theo nhiệm kỳ ba năm, mỗi năm có một đại hội được tổ chức, như năm 2014 vừa qua, đại hội được diễn ra tại K’Long – Đà Lạt vào các ngày 4,5 và 6 tháng 11. Ngoài ra còn có Đại hội Tu sĩ toàn quốc, liên tu sĩ trong các Giáo phận,…

Kết quả mối tương quan giữa các Tu Hội đời sống thánh hiến trong Giáo Hội Việt Nam như đang có, có thể nói là từng bước lần mò trong đêm tối do hoàn cảnh xã hội. Từ những ngày đầu sau biến cố thống nhất đất nước 1975, tiêu biểu như cha Giuse Nguyễn Công Đoan , S.J. đã kể:

“Sáng ngày 30.04.1975, cả miền Nam Việt Nam bước vào chế độ mới. Tu sĩ Công Giáo trở thành kẻ lạ mặt khả nghi […]. Bóng đêm đè nặng. Đời tu đi về đâu? Mọi người băn khoăn trăn trở. Ngồi nhìn bóng đêm mà than vẳn thở dài chẳng ích gì.Trong cái vòng kiểm soát kiến chui không lọt này làm sao ngồi lại được với nhau để cùng nhau do đường mà đi. Nhà Dòng Phanxicô Đa Kao đã mạo hiểm mở cửa cho anh chị em tới ngồi dưới bóng Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình mỗi thứ sáu đầu tháng. Cha Vincent Nguyễn Huy Lịch O.P. và cha Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo O.F.M. là hai người “đứng mũi chịu sào”, tổ chức nội dung cho các cuộc gặp gỡ hàng tháng. Một nhóm anh chị em ngồi lại cùng nhau nghiên cứu, suy tư. Mỗi lần họp mặt thì Đức Tổng Giám mục Phaolô mở đầu bằng ít lời huấn dụ, cha Vincent Nguyễn Huy Lịch O.P. và cha Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo O.F.M. thông báo tin tức về Hội Thánh và đời tu. Sau đó ban nghiên cứu trình bày đề tài đã suy tư để anh chị em trao đổi”.[62]

Như các loại cây, ngọn luôn hướng về phía có ánh nắng, các tu sĩ của các Hội Dòng bị giải tán phải trở về gia đình, ở các vùng quê, đã tìm đủ mọi cách để ngồi lại với nhau, chèo chóng tồn tại. Nói chung đủ mọi cách thức, và Chúa đã dủ lòng thương ban ơn, không những đời tu tồn tại trong dông bão mà còn trưởng thành lớn lên sinh sôi từ đó. Bản thân người viết theo Chúa trong ơn gọi Đời sống thánh hiến cũng bắt đầu từ nhóm những tu sĩ bị giải tán chạy về quê.

Năm 1995, Lớp Bồi dưỡng thần học Phaolô Nguyễn Văn Bình dành cho các Dòng nam được mở tại cơ sở Dòng Đaminh số 44 đường Tú Xương, quận 3, Tp. HCM. Ban đầu chỉ gọi là “Lớp bồi dưỡng thần học” với thời hạn giấy phép một năm. Do đó mới có chuyện xảy ra là, khóa đầu tiên học xong năm một phải nghỉ ở nhà cả năm vì Lớp thần học chưa được cấp phép lại. Thế nhưng, cho đến nay đã chính thức trở thành “Học Viện Liên Dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình” gồm hai nhánh nam và nữ. Ngoài ra, các Học viện khác của liên một số Dòng, hay của một Dòng nhưng có nhiều sinh viên từ các Dòng khác cùng theo học cũng đã thành hình và đi vào hoạt động. Cũng xoay quanh vấn đề đào tạo huấn luyện, hàng năm, ở nhiều nơi đã tổ chức những khóa bồi dưỡng cho liên tu sĩ các Dòng. Đây là kết quả nổi bật nhất về mối tương quan giữa các Dòng tu trong Giáo Hội Việt Nam.

Bên cạnh việc đào tạo, huấn luyện, các Dòng còn hợp tác với nhau cách đắc lực và sinh hiệu quả trong lãnh vực phục vụ qua loại hình công tác xã hội. Ngoài ra, trong những cuộc lễ lớn cấp Giáo phận hay quốc gia, các Dòng, nhất là các Dòng nữ, hợp tác với nhau và với Giáo phận trong việc tổ chức.

Như thế, suốt một thời gian dài khó khăn, trong xã hội, người tu sĩ như “công dân hạng hai”, các Hội Dòng đã liên kết với nhau vượt qua thử thách. Đứng về phía con người, kết quả đó là do các Tu Hội đời sống thánh hiến đã không sống một mình, nhưng tìm cách gắn bó với nhau. Hiện tại, xã hội đã thay đổi, tuy vẫn còn những cấm đoán, hạn chế, nhưng chính sách đã cởi mở hơn cho các Dòng tu thâu nhận đệ tử, xây dựng cơ sở bề thế hoành tráng. Từ thực trạng đó nảy sinh cái nhu cầu quay về với mình để củng cố, phát triển, vì sau bao năm khó khăn, cấm cách làm cho Hội Dòng tụt hậu không bằng chị, bằng em là rất lớn. Do đó, cũng ảnh hưởng đến mối bận tâm thiết lập tương quan giữa các Tu Hội để nâng tầm Đời thánh hiến lên bình diện chung phổ quát. Đây là điều rất cần lưu ý, cũng như lưu ý nữa là trong thời hiện tại, với hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam dồi dào ơn gọi, các Hội Dòng cần có hướng đi thế nào để không “lãng phí” ơn ban của Ngài.

2. Tương quan với Giáo phận

Mối tương quan giữa các Tu Hội đời sống thánh hiến và Giáo phận được nói đến trong nhiều tài liệu giáo huấn của Hội Thánh. Chẳng hạn như Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 45; Tông huấn Đời sống Thánh hiến, các số 46 – 50; Giáo luật các số 628. 667 – 683; “Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Hội Thánh về đời tu”, các số 41 – 43; “Những Chỉ Dẫn Về Huấn Luyện”, mục D. Đặc biệt tài liệu “Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes) của Bộ các Hội Dòng đời sống thánh hiến và Hiệp hội đời sống tông đồ, ban hành ngày 14 tháng 5 năm 1978 đã nói rất rõ. Với tài liệu này, mối tương quan hỗ tương giữa Giám mục và tu sĩ, trong đó cho thấy tương quan giữa Dòng tu và Giáo phận được trình bày một cách rất hệ thống, với phần đầu là những suy tư thần học mang tính chất nền tảng, thứ đến những nguyên tắc cùng với những vấn đề mà bản thân mối tương quan nhắm tới.

Thật ra, tất cả những gì liên quan đến đức tin, phong hóa, những gì liên quan đến con người đều là đối tượng cần được đưa ra bàn luận tìm phương cách thực hiện. Tuy nhiên, trong mối tương quan hỗ tương giữa Tu Hội và Giáo phận còn đó những “vấn đề nổi cộm” rất cần sự hướng dẫn và hợp tác để mau chóng giải quyết kịp thời, đó là những vấn đề liên quan đến huấn luyện, hoạt động tông đồ, truyền giáo, mục vụ, điều phối,… Dù vậy, ở mục này không có ý nói đến chi tiết từng vấn đề, mà chủ yếu đưa ra những trích dẫn từ giáo huấn của Hội Thánh, để thấy phải có ý thức trong đức tin và tình mến nào mới có thể sống mối tương quan hỗ tương đặc biệt phong phú giữa các Tu Hội đời sống thánh hiến và Giáo phận một cách đúng nghĩa là hồng ân Thiên Chúa ban cho Hội Thánh, làm sinh động Đời thánh hiến, tỏa hương thơm thánh thiện trong Hội Thánh địa phương, đáp ứng nhu cầu mục vụ và truyền giáo trước những đổi thay của xã hội đang biến chuyển từng ngày.

2.1 Cái gốc của mối tương quan

Thánh Phaolô diễn tả sự khác biệt nhưng lại là duy nhất của Hội Thánh Chúa Kitô khi ngài dùng hình ảnh nhiều bộ phận trong cùng một thân thể (x. Rm 12,5). Hiến chế Tín lý về Hội Thánh khẳng định sự hợp nhất của Dân Thánh “khơi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.[63] Hội Thánh là Dân Thiên Chúa. Một dân duy nhất có cùng một đức tin, một lối thờ phượng và một cách sống (luân lý) phổ quát trên mọi dân tộc, lãnh thổ, tồn tại hơn 2000 năm qua và tiếp tục trường tồn dựa trên lời Chúa Giêsu đã nói (x. Mt 16,18). Sự duy nhất đó “bao hàm sự hiệp thông hỗ tương trong đời sống giữa các thành phần”.[64] Để hiểu và sống mối tương quan hỗ tương này, cần nắm chắc điểm căn bản thuộc về bản chất Hội Thánh.

Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, vừa là thực thể xã hội hữu hình, vừa là thực thể thiêng liêng vô hình, gắn kết với nhau không thể tách rời, làm thành một thực tại duy nhất. Đây là do ý muốn của Thiên Chúa, Người thực hiện chương trình cứu độ nhân loại không theo cách riêng lẻ mà qui tụ thành Dân mới,[65] nối kết nhau trong sự hiệp nhất của Thánh Thần.[66] Chính Chúa Thánh Thần là hồn sống, là nguồn ơn thánh hóa và là sức mạnh của sự phục vụ nơi Giáo Hội. Do đó, không thể lãnh hội thực tại Giáo Hội theo nhãn giới thuần túy xã hội, “Dân Thiên Chúa ở trong thế giới như bí tích hữu hình diễn tả cho mọi người biết sự duy nhất về mặt cứu độ”.[67] Vì sự duy nhất của Giáo Hội vượt quá phạm vi nhân loại nên chỉ trong “nhãn giới siêu việt mới có thể giải thích đúng đắn những liên lạc hỗ tương giữa các phần tử trong Giáo Hội với nhau”.[68]

Mặt khác, “sự hiệp thông giữa các phần tử trong Giáo Hội là hoa quả của Thánh Thần đến nỗi sự hiệp thông này giả thiết trước đó phải có sự nghiệp của Đức Giêsu Kitô bao hàm lịch sử và sự vượt qua của Người […] Cho nên không thể có thái độ ngoan ngoãn thật với Thần Khí nếu không có sự trung thành với Chúa Kitô là Đấng cử Người đến […] Vì thế, sự hiệp thông giữa các thành phần trong Giáo Hội không hoàn toàn thiêng liêng, nghĩa là chỉ do Chúa Thánh Thần tạo nên và tự bản tính có trước các chức năng trong Giáo Hội do sự hiệp thông đó gây nên; nhưng sự hiệp thông đó mang tính cách phẩm trật, bởi vì phát xuất từ Đức Kitô là Thủ Lãnh do một sức thúc đẩy mãnh liệt”.[69]

Từ xác tín căn bản đó ta mới có thể hiểu và đón nhận cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội, đồng thời trong cơ cấu phẩm trật lại hành động một cách thiêng liêng, tức là tìm thánh ý Chúa để phục vụ cho toàn Thân Thể của Người, đúng như ơn gọi Kitô hữu “đòi hỏi mọi người phải lấy vị trí siêu việt của đời sống trong Thần Khí làm tiêu chuẩn cho việc tham dự vào sự hiệp thông trong Giáo Hội”.[70] Ở đây xin trích lại hai đoạn văn tiêu biểu cho thấy một cách cụ thể sự quân bình giữa hai chiều kích thánh thiêng và nhân loại trong một thực thể duy nhất là Hội Thánh Chúa Kitô:

– Đức Kitô là “Mục Tử muôn đời, đã tuyển chọn thánh Phêrô và các Tông Đồ cùng với các đấng kế vị của các ngài, nghĩa là Đức giáo hoàng và các Giám mục: Người dùng bí tích đặt các ngài làm đại diện của mình, ban cho các ngài những đặc sủng thích hợp; không ai có quyền thi hành các chức năng hoặc giáo huấn, hoặc thánh hoá, hoặc quản trị , nếu không thông phần và hiệp thông với các ngài”.[71]

“Thánh Thần là linh hồn của Thân Thể Giáo Hội. Không một thành phần nào trong Dân Thiên Chúa, dẫu có thừa tác vụ gì đi nữa, được thu gọn vào bản thân của mình các ân huệ, chức vụ và bổn phận một cách trọn vẹn, nhưng họ cần hiệp thông với kẻ khác. Trong Dân Thiên Chúa, các ân huệ hoặc chức vụ, tuy khác nhau, nhưng đều có cùng một mục đích và bổ túc cho nhau qua sự hiệp thông duy nhất và một sứ mạng duy nhất”.[72]

Trong thực tế, nhất là những lúc “cơm không lành canh không ngọt” khi nhìn vào “cơ cấu phẩm trật” của Hội Thánh, người ta chỉ thấy yếu tố “con người” và coi Hội Thánh như là của Đức Giáo Hoàng hay của Đức Giám mục mà quên đi Hội Thánh là của Chúa Kitô, Ngài thiết lập Hội Thánh như thế khi đặt thánh Phêrô làm đầu (x. Mt 16,19). Ngược lại, thái độ coi đoàn chiên như thực tại thuộc quyền sở hữu, tôi muốn làm gì thì làm, cũng là một cách làm sai không kém.

2.2. Những điều các Tu Hội cần ý thức và đón nhận trong tâm tình con thảo

Cái nhìn siêu nhiên. Đối với Đức Giám mục Giáo phận, các Tu Hội thánh hiến cần có cái nhìn siêu nhiên về bản thân và sứ vụ chăn dắt của các ngài. Vì “với tính cách là Đầu, Đức Kitô hiện diện trong thừa tác vụ của Giám mục”. Nơi con người của vị Giám mục, “Chúa Giêsu Thượng Tế hiện diện giữa anh em tín hữu. Các ngài thay mặt Đức Kitô là Thầy, là Mục Tử và là Thượng Tế và hành động nhân danh Người. Trong Hội Thánh Không có ai thực thi chức năng hữu cơ cốt yếu đưa đến sự phong phú, sự hiệp nhất, có quyền bính thiêng liêng và có ảnh hưởng trên tất cả các sinh hoạt của Hội Thánh cho bằng các Giám mục”.[73]

Tâm tình biết ơn. Trong tương quan hỗ tương, tâm tình biết ơn của Tu Hội thánh hiến thật xứng hợp, vì “qua tác động của Hàng Giáo phẩm, Thiên Chúa hiến thánh các tu sĩ để phục vụ Dân Thiên Chúa ở một mức độ cao hơn”. Bậc sống tu trì qua việc phê chuẩn được nâng lên bậc sống do Giáo luật quy định, và qua việc cử hành phụng vụ, “Giáo Hội còn trình bày việc khấn Dòng như một bậc sống được cung hiến cho Thiên Chúa”. Đồng thời, với tính cách là thành phần của Giám mục đoàn, các Giám mục cùng một lòng một ý với Đức Giáo Hoàng cùng thực thi những trọng trách: hướng dẫn cách thực hiện các lời khuyên Phúc Âm, phê chuẩn luật Dòng được đề nghị, tức là thừa nhận và trao phó cho các Tu Hội sứ mệnh riêng và khuyến khích dấn thân…[74]

Sự vâng phục. Thái độ vâng phục là điều tối quan trọng. Trong sắc lệnh “Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội” (Christus Dominus), thánh Công Đồng viết: “Tất cả các tu sĩ phải luôn thành tâm tuân phục và tôn trọng các Giám mục là những người kế vị các Tông Đồ […]. Mọi tu sĩ miễn trừ và không miễn trừ đều phải tùng phục Bản quyền địa phương trong những điều liên quan tới việc công khai tôn thờ Thiên Chúa, tới việc coi sóc các linh hồn, việc giảng huấn cho dân chúng và việc giáo dục tôn giáo, luân lý”,[75] cùng với việc thi hành phụng tự công cộng.[76] Các tu sĩ phải nhớ những qui định của tự sắc “Hội Thánh” (Ecclesiae Sanctae). Theo đó: “Tất cả các tu sĩ, kể cả những người được miễn trừ, đều phải tuân phục những luật lệ, sắc lệnh, chỉ thị của Bản quyền sở tại về những gì liên quan tới việc tông đồ, hoạt động mục vụ và xã hội mà Bản quyền sở tại dạy hoặc khuyến khích. Các tu sĩ còn phải tuân phục các luật lệ, sắc lệnh và chỉ thị của Bản quyền sở tại hay của Hội Đồng Giám Mục […] những luật lệ liên quan tới các yếu tố nói trên”.[77] Đối với Tu Hội miễn trừ “phải trau dồi trước hết một sự tuân phục đặc biệt đối với Đức Giáo Hoàng và các Giám mục, thực sự và sẳn sàng dùng sự tự do và hoạt động tông đồ của mình vào công cuộc phục vụ, phù hợp với đức vâng lời của người tu sĩ…”.[78] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc rằng: “Các Tu Hội không thể nại đến quyền tự trị chính đáng của mình, và thậm chí quyền miễn trừ mà nhiều Tu Hội được hưởng để biện minh cho những chọn lựa đi ngược lại những đòi hỏi của sự hiệp thông hữu cơ cần thiết cho đời sống lành mạnh của Giáo Hội”.[79]

Tấm lòng quảng đại. “Các tu sĩ hãy mau mắn và trung thành hưởng ứng những lời thỉnh cầu và nguyện vọng của các Giám mục để lãnh nhận những vai trò rộng lớn hớn trong việc cứu độ con người, tuy vẫn phải duy trì đặc tính của Tu Hội thánh hiến và theo đúng Hiến Pháp”.[80] Cách riêng, “các tu sĩ linh mục, xét theo một phương diện nào đó, phải coi mình “thực sự thuộc hàng giáo sĩ của Giáo phận”.[81] “Những người tận hiến đừng quên quảng đại cộng tác với Hội Thánh địa phương”.[82]

2.3. Đấng Bản quyền Giáo phận

Ngài là ai? Trong Giáo phận, Đức Giám mục là cha và là mục tử của toàn thể Hội Thánh địa phương. Ngài có nhiệm vụ nhìn nhận và tôn trọng những đoàn sủng khác biệt, thăng tiến và phối hợp chúng. Vậy trong tình bác ái mục vụ, ngài “phải đón tiếp đoàn sủng Đời thánh hiến như một ân huệ, không phải chỉ liên hệ đến một Tu Hội, mà còn có thể có lợi cho toàn thể Hội Thánh”.[83]

Dưỡng nuôi. Công Đồng Vatican II coi việc chăm sóc của Hội Thánh dành cho các tu sĩ là nhiệm vụ của Hàng giáo phẩm.[84] Các Giám mục được coi “là bậc thầy chính thức và là người chỉ đạo về sự trọn lành cho mọi thành phần trong Giáo phận, nên các ngài cũng là những vị lo giữ gìn cho các tu sĩ trung thành với ơn gọi tu trì và theo đúng tinh thần của mỗi Tu Hội […]. Cùng với hàng giáo sĩ của mìnhcác Giám mục phải là những người xác tín về đời sống tân hiến, che chở những cộng đoàn tu sĩ, giáo dục ơn gọi, bảo vệ một cách hữu hiệu đặc tính của mỗi gia đình Dòng tu trong lạnh vực thiêng liêng cũng như hoạt động tông đồ”.[85]

Làm cho lớn. Trong lãnh vực hoạt động tông đồ. Các Giám mục được mời gọi nhấn mạnh đến nghĩa vụ của các tu sĩ [86]“không một dấn thân tông đồ nào được phép làm cho người ta đi trệch ơn gọi riêng”.[87]

Biết để mến thương. “Vô tri bất mộ”. Theo giáo huấn của Hội Thánh, một sự hiểu biết cần phải có đó là: “Các Giám mục và các cộng sự viên trực tiếp của các ngài phải cố gắng không những hiểu rõ tính cách riêng biệt của mỗi Tu Hội, mà còn am hiểu hiện trạng và các tiêu chuẩn canh tân của họ”.[88] Như thế, các ngài “cần phải có những quan hệ chân thành và thân mật với các Bề trên Dòng, để chu toàn tốt hơn sứ mạng mục tử của các ngài đối với nam nữ tu sĩ”.[89]

Trong mối tương quan hỗ tương giữa Tu Hội thánh hiến và Giáo phận, cần hiểu biết nhau, không phải chỉ là việc giữa Giám mục và tu sĩ mà “các Giám mục phải làm sao cho hàng giáo sĩ Giáo phận hiểu biết những vấn đề hiện tại của đời sống tu trì”.[90] Đồng thời, các ngài “ân cần khuyên các Linh mục Triều nhìn nhận, với lòng tri ân, sự đóng góp phong phú của các tu sĩ nam nữ cho Hội Thánh địa phương, và vui vẻ chấp nhận việc bổ nhiệm các tu sĩ vào những công tác có một mức độ rộng lớn hơn với ơn gọi và khả năng của họ”.[91]

2.4. Sự phối hợp nhịp nhàng

Giáo huấn Hội Thánh dạy: “Để mỗi ngày sinh thêm hoa trái tốt đẹp hơn, các quan hệ giữa Giám mục và Bề trên Dòng phải luôn luôn được thực hiện trong sự tôn trọng đầy hảo ý… với xác tín rằng các tu sĩ phải nêu chứng tá về sự dễ tuân phục đối với Huấn quyền và vâng phục đối với các Bề trên Tu Hội, cũng như trong ý muốn đôi bên tôn trọng giới hạn thẩm quyền của lẫn nhau”.[92] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong “Tông huấn Đời sống Thánh hiến” đã viết: “Việc đối thoại liên lỉ giữa các Bề trên các Hội Dòng Tận hiến và Tu đoàn Tông đồ với các Giám mục là điều rất hữu ích. Hiểu biết nhau là điều kiện cần thiết để hợp tác hữu hiệu, nhất là trong lãnh vực mục vụ”.[93]

Quả thật, trong đời sống xã hội, tôn trọng và đối thoại luôn là những giá trị không thể thiếu để thiết lập mối tương quan bền vững và hiệu quả. Trong Hội Thánh mối tương quan hỗ tương giữa Tu Hội và Giáo phận có từ trong bản chất, và dẫu được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, có giáo thuyết uyên thâm, định chế giáo luật chặt chẽ rõ ràng để sống mối tương quan này cách tốt đẹp, nhưng cuộc sống vẫn luôn có những độ lệch, những góc khuất, do đó, tôn trọng và đối thoại như là chất liệu để lấp đầy. Nhờ đó, Đời sống thánh hiến vốn “gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Hội Thánh” [94] tỏa sáng trong Hội Thánh địa phương. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Một Giáo phận không có Đời sống Thánh hiến sẽ thiếu mất nhiều ơn huệ thiêng liêng, thiếu những hoạt động tông đồ và những phương pháp mục vụ chuyên biệt; hơn nữa Giáo phận ấy có thể suy yếu đi rất nhiều bởi thiếu vắng tinh thần truyền giáo là đặc trưng của đa số các Tu Hội”.[95] Nếu vậy thì khi có các Tu Hội thánh hiến mà tương quan với Giáo phận một cách tốt đẹp, thì giá trị của sự hiện diện đó sẽ nhân lên biết bao lần.

3. Tương quan với Giáo xứ

So với hai mối tương quan đã bàn đến ở trên, mối tương quan giữa Tu Hội thánh hiến và Giáo xứ có vẻ nhỏ bé. Tuy nhiên, mối tương quan đó lại được thể hiện một cách hữu hình sống động hơn hết, bởi vì “việc hiệp thông của Hội Thánh mặc dầu có tầm vóc bao quát hoàn vũ, nhưng nó được diễn tả một cách rõ ràng và gần gũi nhất ở trong Giáo xứ. Giáo xứ là đơn vị địa phương của Hội Thánh. Nói một cách khác chính là Hội Thánh sống giữa con cái nam nữ của mình”.[96]

Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy, ở các Giáo xứ có sự hiện diện của cộng đoàn Tu Hội thánh hiến, các em thiếu nhi được chăm sóc đức tin tốt hơn, các bạn trẻ được quan tâm, dễ qui tụ hơn, Phụng vụ nghiêm túc sạch đẹp hơn, ca đoàn, các giới khởi sắc hơn,… Một Giáo xứ được như thế quả là điều đáng ước mơ, đem lại một sức sống đức tin mạnh mẽ tác động rất tích cực nơi tâm hồn những người trẻ, dệt nên ước muốn dâng mình cho Chúa sống ơn gọi tu trì. Chắc hẳn, Giáo xứ đó có nhiều xúc tác cho sứ vụ truyền giáo. Kết quả này do đâu? Nhiều người cho rằng, nhờ có những tu sĩ tài năng giúp Cha xứ nên Giáo xứ mới được như vậy.

Từ thực tế cuộc sống cho thấy, yếu tố tài năng là có nhưng không phải tất cả, lắm khi nhiều người tài làm việc chung lại không có kết quả. Ngược lại, trong Giáo xứ có cộng đoàn Tu Hội thánh hiến, các tu sĩ không nhiều tài năng, nhưng Giáo xứ làm được những việc rất tích cực. Đó là một thực tế có thật, và người ta kiểm nghiệm thì thấy trong Giáo xứ đó không có tu sĩ tài năng, không có Linh mục lỗi lạc nhưng có sự bình an vì tất các các thành phần, đặc biệt là Cha xứ và các tu sĩ hiện diện trong Giáo xứ, tuy cuộc sống tách biệt, khác nhau, nhưng có mối tương quan huynh đệ, bác ái, cùng nhau làm việc Chúa, xây dựng Hội Thánh, đào tạo con người, tìm ích cho phần rỗi các linh hồn.

Không gì tệ hơn là trong một Giáo xứ giữa Cha xứ và cộng đoàn Tu Hội thánh hiến bất hòa. Về phía Tu Hội thì mặc kệ, không cộng tác, chỉ làm bổn phận của Tu Hội mình, có lúc nại đến đặc sủng để cảm thấy bình an trong tình trạng bất hợp tác do bất hòa. Còn Cha xứ lại giữ thái độ ban phát: việc mục vụ, tông đồ, phụng vụ và ngay cả bác ái cũng là của cha, được làm là nhờ “cho”, nên khi cho làm là đã được ơn huệ và lòng tốt của cha rồi, nếu không ngoan ngoãn sẽ bị cắt. Tình trạng bất hòa giữa Cha xứ và tu sĩ đang hiện diện trong Giáo xứ gây gương mù, gương xấu cho giáo dân một cách trầm trọng. Nó làm tổn thương hình ảnh vốn luôn cao quí trong tâm hồn giới thanh thiếu niên, gieo bất an trong lòng người có tuổi, làm cớ cho sự ù lì, nguội lạnh, mất cơ hội và hình mẫu để vươn lên.

Những thực trạng đó rất thật, vì thế xây dựng mối tương quan giữa Tu Hội thánh hiến và Giáo xứ là điều tối quan trọng. Hội Thánh nhận ra “nguyên lý trong hiệp nhất có sức mạnh”[97] nên Giáo luật 1983 số 680 đề nghị: “Giữa các Tu Hội khác nhau và giữa các Tu Hội với Giáo sĩ triều, cần phải cổ võ sự hợp tác có tổ chức cũng như sự phối hợp tất cả các công tác và hoạt động tông đồ dưới sự lãnh đạo của Giám mục Giáo phận, tuy phải tôn trọng đặc tính mục đích và các luật thiết yếu của các Tu Hội”. Được như vậy, “các Linh mục có thể nhờ cậy vào sự gắn bó, đức bác ái và sự trợ giúp cũng như lời cầu nguyện, sự cộng tác, mối quan tâm sâu sắc và hiệu quả của các tu sĩ nam nữ. Bằngviệc hiệp nhất các năng lực trí lòng, các Linh mục và tu sĩ có thể tạo nên một sức sống tân kỳ trong Giáo Hội và làm cho sự hiện diện của họ giữa thế giới được cảm nhận sâu sắc”.[98]

Muốn được vậy, về phía các Cha xứ, ngoài những vấn đề liên quan đến con người, cần có sự hiểu biết đặc sủng của các Tu Hội thánh hiến đang hiện diện trong Giáo xứ, để tránh hiểu lầm khi cho rằng Tu Hội không sẵn sàng cộng tác, nhưng thực tế vì việc ta nhờ giúp hay cộng tác không đúng với đặc sủng của họ. Vì thế, ngay trong giai đoạn đào tạo, Thánh Công Đồng đã nhắc: “Chủng sinh cũng phải lưu tâm học cho biết cách giúp đỡ các tu sĩ nam nữ bền đỗ trong ơn gọi riêng và tiến đức theo tinh thần của Tu Hội”.[99]

Bên cạnh đó là ý thức trách nhiệm đối với các tu sĩ, mà trong Sắc lệnh “Về chức vụ và đời sống các Linh mục” số 6 đã viết: “Các Linh Mục cũng đừng quên các tu sĩ nam nữ, vì họ là thành phần ưu tú trong nhà Chúa, họ đáng được coi sóc đặc biệt để được tấn tới trong đàng thiêng liêng hầu giúp ích cho toàn thể Giáo Hội”.

Thứ đến là bác ái. Qui luật cuộc sống bao giờ cũng đi theo chiều từ thấp đến cao, hơn nữa, con người là toàn thể tinh thần và thể xác, đôi khi có nhiều cách hành xử quá “thiêng liêng”, phần thưởng dành cho sự cộng tác toàn là lời hứa cầu nguyện mà quên đi phần xác của người cộng tác cần có sức để làm. Dĩ nhiên, phải tránh những lạm dụng, nhưng với mức độ nào sự giúp đỡ về mặt vật chất là vừa thì rất khó xác định. Chúa Giêsu ngay xưa đi rao giảng, Ngài ra tay ban ơn thể xác: chữa lành người bệnh, hóa bánh ra nhiều để người ta khỏi đói, nhưng không phải khi nào cũng vậy, mà có lúc Ngài đã bỏ đám đông đang tìm Ngài để đi chỗ khác (x. Mc 1,35-39; Ga 6,22-27). Cha xứ cũng thế, sự chừng mực khôn ngoan là ơn phải xin, là nhân đức cần phải tập thành từ việc biết quan sát, và tấm lòng luôn lưu tâm nghĩ đến người khác. Một chuyện tế nhị nên biết, đó là có những Tu Hội thánh hiến, cách riêng Tu Hội nữ, nhà trung ương không đủ sức “bao cấp” cho các cộng đoàn nhỏ phục vụ tại các Giáo xứ, nên chị em phải xoay xở kinh tế, nhất là làm công việc nhà trẻ để mưu sinh, từ đó có thể ảnh hưởng đến công việc phục vụ Giáo xứ trong các lãnh vực mục vụ, tông đồ, truyền giáo… Sự việc này dẫn đến trình trạng Cha xứ trách các nữ tu lo làm tiền; các nữ tu ấm ức… lâu dần bất hòa sẽ xảy ra. Lòng bác ái, thánh Phalô đã nhắc: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái” (Cl 3,14).

Cuối cùng, sự quảng đại là điều không thể thiếu. Giáo huấn của Hội Thánh dạy: “Giám mục ân cần khuyên các Linh mục triều nhìn nhận, với lòng tri ân, sự đóng góp phong phú của các tu sĩ nam nữ cho Hội Thánh địa phương, và vui vẻ chấp nhận việc bổ nhiệm các tu sĩ vào những công tác có một mức độ rộng lớn hơn, hợp với ơn gọi và khả năng của họ”.[100]

Đối với các Tu Hội với lối sống theo ba lời khuyên Tin Mừng, sự từ bỏ, cách riêng là bỏ mình, phải là đặc nét trong nhân cách của người tu sĩ. Trong Tông thư “Hồng ân cứu chuộc” số 10, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Định luật từ bỏ nằm trong chính bản chất ơn gọi làm Kitô hữu. Tuy vậy, một cách đặc biệt, nó thuộc về bản chất của ơn gọi liên kết với sự tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm”. Có bỏ mình thì mới dễ xây dựng mối tương quan, vì tự bản chất, các hoạt động tông đồ, mục vụ, truyền giáo trong Giáo xứ, người tu sĩ phải lệ thuộc Cha xứ. Không có bỏ mình rất khó để vượt qua những bất đồng trong phương pháp thực thi, cách thức lượng giá, và những va chạm mà trong cuộc sống dù cố gắng mấy cũng có ít nhiều xảy ra.

Người tu sĩ phải luôn nhiệt thành cộng tác với Cha xứ như giáo huấn của Hội Thánh dạy: “Các Bề trên Tu Hội với tính cách là người có trách nhiệm về Tu Hội của mình, hãy khuyến khích các tu sĩ tham gia vào đời sống Hội Thánh địa phương và am hiểu những chỉ thị và đường hướng của Hội Thánh địa phương”.[101] Trong sự cộng tác này, điều cốt yếu là: “Những người tận hiến nên nhớ rằng, trước hết họ phải là những người có khả năng hướng dẫn đời sống thiêng liêng”.[102] Do đó, hoa trái của tất cả lòng nhiệt thành tận tuỵ phục vụ của Tu Hội thánh hiến đem lại cho Giáo xứ dù được thấy qua những cuộc lễ đẹp, và qua những hoạt động phong phú khác, dù rất ngưỡng mộ, nhưng không dừng ở đó mà ở chổ: có thêm những người “biết” Chúa. Bởi vì cộng đoàn những người thánh hiến “tự bản chất của nó, kinh nghiệm về Thiên Chúa phải đạt được mức độ sung mãn và phải thông truyền cho kẻ khác”.[103]

Trong tương quan giữa Tu Hội thánh hiến với Giáo xứ, cộng đoàn giáo dân là đối tượng quan trọng. Người giáo dân cùng cộng tác với các tu sĩ, hoặc được đào tạo để trở thành cánh tay nối dài trong việc phục vụ. Mặt khác, người giáo dân có thể cùng tham gia vào đặc sủng của Tu Hội, trong phạm vi không ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nội bộ của Tu Hội.[104] Như thế, linh đạo cũng như đặc nét hoạt động tông đồ và sứ mạng của Tu Hội được nhân lên, khát mong nên thánh ngày càng phổ biến trên diện rộng. Nói chung đẹp biết chừng nào khi mối tương quan với giữa Tu Hội thánh hiến và giáo dân trong Giáo xứ thắm đượm tình giao hảo, nói như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “một chương mới, đầy hy vọng, đang được mở ra về những tương quan giữa những người tận hiến và giáo dân”.[105]

Trong một Giáo xứ, Cha xứ, các tu sĩ và giáo dân hiệp nhất một lòng chung tay xây dựng Giáo xứ, nhiệt tâm loan báo Tin Mừng thì chắc chắn xứ ấy sẽ đầy tràn niềm vui, và khi đó mong ước của chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI sẽ trở thành hiện thực: “Ước chi thế giới thời đại chúng ta… có thể nhận được Tin Mừng không phải từ người rao giảng buồn sầu và chán nản nhưng từ những tác viên Tin Mừng tỏa ấm nhiệt tình, vì trước đó đã nhận lấy niềm vui của Đức Kitô vào bản thân mình”.[106]

THAY LỜI KẾT: Thử Thách Và Hướng Đi

Sau khi đi một đoạn đường dài qua những tài liệu của Hội Thánh về Đời sống thánh hiến, trích đoạn, lắp ráp để làm rõ nội dung đề tài muốn nói, quả thật, tạ ơn Chúa đã ban cho Hội Thánh các vị chủ chăn là các Đức Giáo Hoàng, vừa trí tuệ uyên thâm, vừa tốt lành thánh thiện, cùng với các “Thánh Bộ”, các “Hội Đồng”, đã cung cấp cho con cái trong Hội Thánh giáo thuyết rõ ràng để mạnh dạn đi theo Đức Kitô không sợ lạc đường. Với những điều đã viết ra thấy là quá dài, do đó khép lại vấn đề ở đây là ổn. Nhưng trước khi kết thúc, thiết nghĩ, cũng nên nhìn vấn đề trong khung cảnh thực tế của Hội Thánh Việt Nam hiện tại, xem có điều gì để chia sẻ hay không?

Ngày nay, xã hội đã thay đổi không còn như xưa. Tuy nhiên, áp lực chính quyền lên đời sống tôn giáo nói chung, cách riêng Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, đã giảm thiểu thì đồng thời cũng xuất hiện nhiều vấn đề khác nảy sinh. Hiện tại, người ta nói nhiều về khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng căn tính, quyền bính cùng với nhiều thứ khủng hoảng khác.

Quả thật, trong Đời sống Thánh hiến tại Việt Nam, gần 40 năm cấm cách, với chủ trương tịch thu, cố gắng xoá sổ, hiện tại có mở nhưng chưa đáng gì, chỉ dừng lại trong phạm vi thuần túy sinh hoạt tôn giáo, các lãnh vực hoạt động của Hội Thánh trên bình diện xã hội vẫn chưa được phép làm, người tu sĩ muốn dấn thân, không dễ thực hiện. Tình trạng đó đã để lại một hậu quả nặng nề là tu sĩ không còn thấy rõ căn tính của Tu Hội của mình. Con số các tu sĩ ngày càng đông, phân biệt các Tu Hội thánh hiến rất dễ, vì không Tu Hội nào giống nhau về tu phục. Nhưng phân biệt chính con người tu sĩ trong các Tu Hội thánh hiến dường như rất khó. Nếu là nữ Dòng nào chẳng “tập hát cắm hoa”, tu sĩ nam làm Linh mục thì có việc dâng lễ mỗi ngày. Vì thế, nguy cơ trở thành tu sĩ chung chung là rất lớn. Trong khi đó, Thiên Chúa ban đặc sủng sáng lập Dòng là để đáp ứng một nhu cầu nào đó của Hội Thánh. Nếu tình trạng tu sĩ cứ chung chung không xác định rõ căn tính, thì khi con số Linh mục ngày càng nhiều, trong tương lai có thể gây ra những khó khăn trong mối tương quan giữa Tu Hội thánh hiến và Giáo phận. Tu Hội ở trong Giáo phận, các tu sĩ Linh mục cũng chỉ coi xứ như các cha Triều, thì sự hiện diện của các ngài làm mất chỗ, trong khi con số Linh mục Triều ra trường không còn Giáo xứ để chăm sóc mục vụ. Lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra, liệu Giáo phận có để yên cho các Tu Hội thánh hiến ở mãi trên đất của mình không? Và một khi phải ra đi trong tê tái, chắc chắn tương quan cũng chẳng còn. Lúc đó, Hội Thánh bị thiệt trong chính bản thân mình về phương diện mầu nhiệm, vì Hội Thánh là hiệp thông; và biết đâu trong thời đại truyền thông, một khi không có cái nhìn siêu nhiên, người ta có cách hành xử làm tổn thương Hội Thánh về phương diện hữu hình.

Đào sâu căn tính và chọn lựa truyền giáo là hai lãnh vực mà hôm nay các Tu Hội thánh hiến đang rất lưu tâm. Vấn đề không phải là không biết chuyện đó, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Sự thất bại thực sự của đời thánh hiến, tức là thất bại không phải do con số ơn gọi giảm sút mà do việc kém gắn bó với Thiên Chúa, với ơn gọi riêng và với sứ mạng.[107] Việc quan trọng là phải làm thế nào trong bối cảnh xã hội hôm nay?

Mặt khác, giữa các Tu Hội thánh hiến, sự hợp tác trong thời gian qua rất tốt, đặc biệt trong lãnh vực đào tạo huấn luyện. Sau một thời gian, các Tu Hội nhận thấy xuất hiện vấn đề, là khi đào tạo chung, có nhiều lý do dẫn đến nguy cơ các tu sĩ không được đào sâu căn tính riêng của Tu Hội mình. Đan cử một hình ảnh minh hoạ. Trong Học Viện Liên Dòng, ngày gần tết ai cũng xôn xao vì biết mình sắp được thăm nhà. Những giờ ra chơi hầu như các thầy đều bàn chuyện tết và phép đi về. Các thầy “Dòng hoạt động” xôn xao bao nhiêu thì các thầy “Dòng chiêm niệm” lặng lẽ bấy nhiêu. Với bầu khí đó, liệu các thầy “Dòng chiêm niệm” có bình an không? Tôi chợt nghĩ đến câu chuyện giả tưởng: Năm ấy, có thầy “Dòng chiêm niệm” lên xin Đức Viện Phụ cho phép về thăm nhà. Ngài ngạc nhiên nhưng rất nhanh điềm tĩnh trở lại. Từ tốn hỏi: “Tại sao thầy xin về thăm nhà?”. Thầy hồn nhiên trả lời: “Thưa Viện Phụ, các Dòng kia đều được phép về thăm!”

Như đã nói trong bài, hiện tại phía nhà nước có chiều hướng mở, nên các Tu Hội thánh hiến khá thoải mái trong việc thâu nhận ơn gọi, xây dựng cơ sở. Sau bao năm cấm cách, bây giờ là thời phát triển, bung ra mạnh mẽ là điều đương nhiên. Ngày xưa bị o ép, dễ ngồi lại với nhau, hiện tại được tháo cởi nên ai cũng tập trung lo việc của mình. Đó là qui luật, chỉ sợ xuất hiện tính cạnh tranh làm đổ vỡ tương quan giữa nhau thì Hội Thánh bị thiệt!… Trong xã hội lấy “hơn – thua” làm phương thế và lực đẩy phát triển, lấy thành tích làm cách thế để khẳng định chính mình, dù ta có “siêu nhiên” nhưng nếu không tỉnh thức cũng sẽ bị lôi kéo vào vòng xoáy cạnh tranh.

Trở về với chuyện của mình, Dòng Chúa Cứu Thế được diễm phúc ở suốt với Giáo phận từ thời 1963 đến nay. Trong giai đoạn cam go và bây giờ cũng vậy, Triều và Dòng cứ như anh em một nhà. Gần nhất là Giáo hạt Quảng Ngãi, rộng lớn hơn là gia đình Giáo phận, không biết do đâu mà tình hiệp thông đang có rất đáng trân trọng. Bầu khí này kích thích sự cố gắng, vun thêm lòng nhiệt thành, thúc đẩy muốn đóng góp. Tất cả đó cho thấy một cách sống động giá trị của tình hiệp thông, sống tương quan liên đới. Trong ngôi nhà Giáo phận, bên cạnh anh em Triều còn có “người đồng hương” là các Tu Hội thánh hiến nam và nữ. Con số không đông nhưng tương quan giữa nhau cũng thật ấm lòng. Mong ngày gần tới nhất, anh em thuộc Hội Dòng Đồng Công được chính thức hiện diện, góp phần đặc sủng của mình vào khu vườn Giáo phận, gieo trồng đức tin nơi những tâm hồn còn mới hay đã có mà nay đã úa tàn…

Tương quan là gì nếu không phải là có nhau trong cuộc sống, cùng đi trong sứ vụ. Tương quan là gì nếu không phải là giúp nhau vươn tới những giá trị mà cần nhất hiện nay là “sống niềm vui, sống ngôn sứ, sống hiệp thông, ra khỏi nhà, lắng nghe tiếng Thánh Linh và các nhu cầu thời đại”. Chúng ta mong những điều ấy không chỉ gói lại trong năm nay mà trải mãi ra hết cả đời tận hiến…

 

 

 

 


[1]Khi nói đến Dòng tu liền cho ta hiểu cuộc sống tu viện. Từ giữa thế kỷ XX, có những hình thức tu khác, gọi là Tu Hội đời. Sau Công Đồng Vatican II, nhất là hiện nay, Hội Thánh dùng thuật ngữ “đời sống thánh hiến” để chỉ lối sống tu trì trong Hội Thánh Công Giáo (x. Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ. trong tập “Đời Thánh Hiến theo Công Đồng Vatican II dấu chỉ – chứng từ – ngôn sứ”, Lưu hành nội bộ, tr. 65-66).

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Thư Gửi Những Người Sống Thánh Hiến Của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ngày 21-11-2014.

[3]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 40.

[4] Ibid., số 43.

[5]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 22.

[6] Ibid., số 85.

[7]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 44.

[8]Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelica Testificatio (Chứng tá Phúc Âm), Ngày 29-06-1971, số 7.

[9] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptionis Donum (Hồng ân Cứu Chuộc), Ngày 25-03-1984, số 11.

[10]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 43.

[11]Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ. trong tập “Đời Thánh Hiến theo Công Đồng Vatican II dấu chỉ – chứng từ – ngôn sứ”, Lưu hành nội bộ, tr. 79.

[12]Matthia M. Ngọc Đính, Đời Tu Dưới Ánh Sáng Công Đồng và Giáo Luật, Quyển I, năm 2000, tr. 103.

[13]Thánh Bộ Tu Sĩ, Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Hội Thánh về đời tu, 1983, số 5.

[14]Bộ Giáo Luật, điều 573,1.

[15]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 16.

[16] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Thư Gửi Những Người Sống Thánh Hiến Của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ngày 21-11-2014.

[17] Ibidem.

[18]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 72.

[19] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelica Testificatio (Chứng tá Phúc Âm), Ngày 29-06-1971, số 9.

[20]Bộ Giáo Luật, điều 673.

[21]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 72.

[22] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelica Testificatio (Chứng tá Phúc Âm), Ngày 29-06-1971, số 12.

[23]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 104.

[24]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp gởi cho Đại hội SCRIS, Mars, 1980.

[25]x. Hoa Trang, “Đặc sủng – Hồng ân – Hoa trái của Thánh Thần” đăng trong http://tonggiaophanhue.net

[26]x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 12; Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem (Phát động việc tông đồ), số 3.

[27]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 44.

[28]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 3.

[29] x. Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ. trong tập “Đời Thánh Hiến theo Công Đồng Vatican II dấu chỉ – chứng từ – ngôn sứ”, Lưu hành nội bộ, tr. 90.

[30]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 4.

[31]Bộ Giáo Luật, điều 1058.

[32] Ibid., điều 580 – 582; x. Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, C.Ss.R., Hiểu đạo để sống đạo, trả lời những thắc mắc của đời sống Kitô Giáo, tr. 456-459.

[33]Bộ Giáo Luật, điều 491.

[34] Ibid., điều 188,9.

[35] Ibid., điều 607.

[36] Ibid., điều 673.

[37] Ibid., điều 674.

[38] Ibid., điều 675 # 1.

[39] Ibid., điều 675 # 2.

[40] Ibid., điều 675 # 3.

[41] Ibid., điều 603.

[42] Ibid., điều 604.

[43] Ibid., điều 710.

[44] Ibid., điều 714.

[45]x. Ibid., điều 720.

[46] Ibid., điều 732.

[47] Ibid., điều 589.

[48] Ibid., điều 590.

[49] Ibid., điều 591.

[50] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 46b.

[51]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 12.

[52]Ibid., số 32.

[53]Ibid., số 52.

[54]Matthia M. Ngọc Đính, Đời Tu Dưới Ánh Sáng Công Đồng và Giáo Luật, Quyển II, năm 2000, tr. 158.

[55]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (Đức Ái trọn hảo), số 22.

[56] Ibid., số 23.

[57]Bộ Giáo Luật, điều 709.

[58]Matthia M. Ngọc Đính, Đời Tu Dưới Ánh Sáng Công Đồng và Giáo Luật, Quyển II, năm 2000, tr. 162.

[59] Thánh Bộ các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Văn kiện “Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes), Ngày 14-05-1978, số 21; 61.

[60]x. Bộ Giáo Luật, điều 708.

[61] Thánh Bộ các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Văn kiện “Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes), Ngày 14-05-1978, số 59.

[62]Hiệp Thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 88 (tháng 5 và 6 năm 2015), tr. 12-13.

[63] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 4.

[64] Thánh Bộ các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Văn kiện “Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes), Ngày 14-05-1978, số 2.

[65]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 9.

[66]Ibid., số 7.

[67] Thánh Bộ các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Văn kiện “Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes), Ngày 14-05-1978, số 3.

[68] Ibid., số 1.

[69] Ibid., số 5.

[70] Ibid., số 4.

[71] Ibid., số 9a.

[72] Ibid., số 9b.

[73] Ibid., số 6.

[74] Ibid., số 8.

[75] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus (Chúa Kitô), số 35.

[76]x. Thánh Bộ các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Văn kiện “Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes), Ngày 14-05-1978, số 43.

[77] Ibid., số 53.

[78] Ibid., số 22.

[79]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 49.

[80] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus (Chúa Kitô), số 35.

[81] Thánh Bộ các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Văn kiện “Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes), Ngày 14-05-1978, số 36.

[82]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 49.

[83] Ibidem.

[84]x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 45.

[85] Thánh Bộ các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Văn kiện “Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes), Ngày 14-05-1978, số 28.

[86]x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus (Chúa Kitô), số 35.2.

[87] Thánh Bộ các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Văn kiện “Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes), Ngày 14-05-1978, số 46.

[88] Ibid., số 47.

[89] Ibid., số 52.

[90] Ibid., số 30.

[91] Ibid., số 55.

[92] Ibid., số 45.

[93]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 50.

[94]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 44.

[95]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 48.

[96] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici (Sứ mệnh người giáo dân), Ngày 30-12-1988, số 26.

[97]Matthia M. Ngọc Đính, Đời Tu Dưới Ánh Sáng Công Đồng và Giáo Luật, Quyển II, năm 2000, tr. 193.

[98] Ibidem.

[99] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Optatam totius (Mọi người mong ước), số 19.

[100]Thánh Bộ các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ, Văn kiện “Các liên hệ hỗ tương giữa giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (Mutuae relationes), Ngày 14-05-1978, số 56.

[101] Ibid., số 35.

[102]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 55)

[103]Bộ Tu Sĩ, Chiều kích chiêm niệm của đời tu, Khóa họp từ ngày 4 đến 7 tháng 3 năm 1980, số 15.

[104]x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 56.

[105] Ibid., số 54.

[106] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng), Ngày 08-12-1975, số 80.

[107]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), Ngày 25-03-1996, số 66.