Gặp gỡ V: Được Kêu Gọi Nên Thánh Trong Hôn Nhân

0
861


Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

 

 

NĂM MỤC VỤ GIA ĐÌNH 2017

CHUẨN BỊ CHO CÁC BẠN TRẺ BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

***

***

GẶP GỠ V

ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

 

 

A. MỤC ĐÍCH

Mỗi người tín hữu, theo bậc sống của mình, được mời gọi nên thánh qua việc dành chỗ cho Chúa Thánh Thần hoạt động. Mục đích của buổi gặp gỡ này để giúp các cặp đính hôn biết dự phóng một cuộc sống hôn nhân và gia đình tương lai, dấn thân cho sự tăng trưởng đời sống thiêng liêng và cố gắng làm cho cuộc sống hằng ngày tăng trưởng không ngừng theo thánh ý Chúa.

B. CẦU NGUYỆN VÀ LẮNG NGHE LỜI CHÚA

1. Lời dẫn

Hôn nhân là một ơn gọi đặc biệt của Kitô giáo, nghĩa là một tiếng gọi kêu mời đi theo Chúa Giêsu mọi ngày trong cuộc sống chúng ta. Điều đó có nghĩa là toàn bộ cuộc sống hôn nhân và gia đình, trong mỗi khi hạnh phúc cũng như lúc gặp khó khăn, được thiết lập như một lối đường để đạt đến sự thánh thiện, tức là để nên thánh. Trong Bí tích Hôn Phối, Chúa sẽ ban cho anh chị Thần Khí của Người và trợ giúp anh chị bằng những ơn huệ Người ban để anh chị tôn vinh “hình ảnh của Thiên Chúa” trong con người anh chị, để tác tạo anh chị thành những người nam và người nữ sống hiệp thông đích thực. Con đường nên thánh sẽ đòi hỏi anh chị phải chiến đấu quyết liệt để chống lại tội lỗi, để tránh xa mọi thứ ích kỷ và chia rẽ, và đáp lại Thiên Chúa tình yêu và hợp nhất. Chỉ như thế, trong sự hòa hợp trọn vẹn với chính mình, với người bạn đời và với những người khác, anh chị mới có thể “dâng hiến thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” như thánh Phaolô nói trong Thư gửi tín hữu Rôma (Rm 12,1). Toàn thể cuộc sống đôi lứa của anh chị sẽ được Thánh Thần Chúa phủ bóng và mọi phần của con người, mọi lúc của cuộc sống anh chị sẽ là lời ca tụng vinh quang Cha trên trời.

2. Lời Chúa: Ep 1,3-12

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Cũng trong Đức Kitô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người”.

3. Lời nguyện

– Linh mục: Xin Lạy Cha chí thánh, xin nhậm lời cầu nguyện của những con cái Cha đây, là những người con đang chuẩn bị cuộc sống hôn nhân của họ như một lối đường để nên thánh theo Thần Khí Chúa. Chúng con cầu nguyện cùng Cha bằng những lời lẽ của lời chúc lành mà linh mục sẽ khẩn cầu ban xuống trên đôi bạn ngày tân hôn.

– Những người nữ: Lạy Cha, chúng con cầu xin cho những người bạn là hôn phu tương lai của chúng con đây, để một khi nên mạnh mẽ nhờ chúc lành của Cha, các anh sẽ hoàn tất cách trung tín và can đảm sứ vụ làm chồng và làm cha của các anh.

– Những người nam: Lạy Cha, chúng con cầu xin cho những người bạn là hôn thê tương lai của chúng con đây, để một khi được ân sủng Cha nâng đỡ, các chị em sẽ noi theo những phụ nữ thánh thiện mà Sách Thánh ca tụng như những người vợ và người mẹ gương mẫu.

– Tất cả các anh chị đính hôn: Lạy Cha, xin cho chúng con biết yêu thương nhau bằng chính tình yêu mà Chúa Kitô đã yêu thương Hội Thánh của Người.

– Linh mục: Lạy Cha, các con cái của Cha đây xin dâng lời hân hoan ngợi khen Cha, nguyện tìm Cha trong đau thương; vui hưởng tình bằng hữu của Cha trong khổ nhọc và lời ủi an của Cha trong những khi túng cực; xin cho họ nguyện cầu cùng Cha trong Đại hội các thánh, để họ trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng của Cha và đạt đến hạnh phúc trong Nước Cha. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

4. Câu hỏi giúp suy tư

– Các thánh là ai? Sự thánh thiện liên quan thế nào tới hôn nhân?

– Khi nhìn vào đời sống hằng ngày, đâu là những nỗi lo sợ chính yếu nhất cho cuộc sống hôn nhân tương lai?

– Chúng ta có xem những suy tư đề nghị cho chúng ta trong những gặp gỡ này là chuyện lý thuyết không?

C. SUY TƯ

1. Hôn nhân và ơn gọi nên thánh

“Chúa Kitô Con Thiên Chúa, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là “Đấng Thánh duy nhất”, đã yêu quý Hội Thánh như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội Thánh. Người kết hợp với Hội Thánh như Thân mình Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế tất cả mọi người trong Hội Thánh […] đều được kêu gọi nên thánh”.[1]

“Hôn nhân Kitô giáo, phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người, […] được thánh hiến bởi Bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội Thánh tại gia và men của sự sống mới cho xã hội”.[2]

Tông huấn Familiaris Consortio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khẳng định rằng, việc nên thánh riêng của các đôi vợ chồng Kitô hữu “được xác định bởi Bí tích đôi bạn đã cử hành và được thể hiện cụ thể trong thực tế riêng của cuộc sống hôn nhân và gia đình”.[3] Bí tích mà các Kitô hữu lãnh nhận trong hôn nhân dẫn đưa họ vào một cuộc sống chung, được bao bọc bởi một tình yêu đằm thắm rạng ngời tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi thế, tình yêu của các đôi vợ chồng là “thánh thiện”, nếu nó mang lấy những đặc tính trọn vẹn và tận tình mà Chúa Giêsu nói: “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 15,12).

2. Ơn gọi nên thánh phổ quát

Sự thánh thiện, trước khi là hoa trái của quyết định có ý thức của cá nhân hoặc của đôi bạn tín hữu, là một ơn huệ do Chúa trao ban trong Giáo Hội cho chúng ta qua Bí tích Rửa Tội, và chúng ta được kêu gọi hết sức làm phát triển nó đến mức viên mãn. Chúng ta có Đức Kitô là người mẫu ưu việt cho việc phát triển sự thánh thiện viên mãn này: sự sống của Người được trao phó vào vòng tay trìu mến của Chúa Cha vì anh em Người. Tình yêu này được biểu lộ và triển nở trong các điều kiện cụ thể của cuộc sống và tìm thấy trong Hội Thánh những con đường “thông thường” của nó: phụng vụ, lắng nghe Lời Chúa, bác ái. Đời sống phu thê và hôn nhân chính là một trong những con đường người ta có thể dùng để đáp lại ơn gọi nên thánh theo những đặc tính của hôn nhân như hợp nhất, trung thành, bất khả phân ly và phong nhiêu.

3. Người nam và người nữ vươn tới sự thánh thiện

Đời sống Kitô hữu không phải là một “đời sống đan tu” cũng không phải là cốt đi tìm “những thời gian thinh lặng và cầu nguyện”: nhưng đó là một “lối sống” trong Thần Khí gắn kết mọi chiều kích của cuộc sống. Theo nghĩa đó Hội Thánh đã định vị đời hôn nhân như là một biểu đạt đặc trưng và đặc thù của sự thánh thiện. Điều đó có nghĩa là ân điển hiệp thông mà Bí tích trao ban không tuôn đổ ráo hết trong ngày cử hành hôn phối mà kéo dài hiệu quả của nó ra trong suốt những ngày đời hôn nhân của đôi bạn.

4. Gìn giữ sự thánh thiện của đời sống đôi lứa

Đôi bạn thực hiện ơn gọi nên thánh của mình xuyên qua các thực tại tiêu biểu của đời sống hôn nhân và gia đình. Như thế, đối với các người vợ và người chồng, sự thánh thiện không nằm ở nơi đâu khác mà, nằm ngay trong chính cuộc sống hôn nhân, và qua đời sống vợ chồng, nằm trong tình trạng, phẩm giá và các bổn phận bao hàm trong đó. Đời sống phu thê lan tỏa ra bởi Chúa Thánh Thần, và với các ơn huệ của Ngài các ý nghĩa và chọn lựa của cuộc sống đôi lứa trở thành biểu trưng. Chẳng hạn như: nếu tình yêu của họ dành cho nhau được hướng dẫn bởi ơn hiểu biết thì họ sẽ không chỉ dừng lại ở vẻ bên ngoài con người của nhau mà còn cố tìm đọc hiểu các nhu cầu của người kia tương thích với sự thật; nếu để tình yêu đối với con cái được hướng dẫn bởi ơn sức mạnh, thì tình yêu sẽ có khả năng giúp đỡ con cái chiến đấu chống lại sự ác, vì thế họ không tránh né những hy sinh cần thiết hầu có được sự thiện.

5. Sự thánh thiện của hôn nhân và hành trình tiệm tiến

Nên thánh không đơn giản chỉ là một trạng thái “tiềm ẩn” nhưng phải được cụ thể hóa ra thành một hành trình tâm linh trong đó đôi vợ chồng tự nguyện chọn lựa, suy nghĩ, và thực hiện dần dần theo thời gian. Ơn gọi nên thánh được thực hiện qua một sự phân định về hành trình tâm linh cần phải hoàn tất trong tư cách của vợ chồng và tư cách của cha mẹ. Những chọn lựa của họ từ nay phải thể hiện định hướng của toàn bộ cuộc sống gia đình. Như thế, điều quan trọng là phải sống mỗi chiều kích của cuộc sống theo hướng “tâm linh” và bởi đó, hành trình của đôi bạn đính hôn đã phải đánh dấu bởi một sự quan tâm chăm chú vào đời sống thiêng liêng.

6. Cần có một linh đạo hôn nhân đích thật và sâu sắc

Có thể gợi ra đây một vài yếu tố cốt lõi và các lãnh vực sống linh đạo hôn nhân:

– Đó là một lối sống đời hôn nhân và gia đình nhằm mục đích luôn tiến đến sát gần hơn tình yêu của Chúa Kitô. Đối với các đôi vợ chồng, lối sống ấy thể hiện qua việc sống tình hiệp thông, cầu nguyện và tham dự phụng vụ.Việc nên thánh cá nhân và trong hôn nhân không nghịch, mà trái lại còn làm thăng hoa đời sống nhân bản và đức tin của cá nhân và của đôi bạn.

“Linh đạo tình yêu gia đình được cấu thành từ hàng ngàn cử chỉ thực tế và cụ thể. Trong tình hiệp thông được xây dựng từ bao nhiêu là hy sinh và gặp gỡ, Thiên Chúa có chỗ ngự trị của Ngài. Sự dâng hiến cho nhau đó kết hợp “những giá trị nhân văn và thần linh”, vì nó là sự tròn đầy của tình yêu Thiên Chúa”.[4]

“Nếu gia đình luôn quy hướng về Đức Kitô, Người sẽ hiệp nhất và soi sáng toàn thể đời sống của gia đình. Những khổ đau và những vấn đề của gia đình trải nghiệm trong sự thông hiệp với Thập Giá của Chúa, và được Người ôm lấy sẽ giúp gia đình chịu đựng được những thời khắc tồi tệ. Trong những ngày giờ cay đắng của gia đình, việc kết hợp với Đức Giêsu bị bỏ rơi có thể giúp tránh được sự đổ vỡ. Các gia đình dần dần, đạt đến sự thánh thiện của mình qua đời sống hôn nhân, bằng ân sủng của Thánh Thần và bằng việc tham dự vào mầu nhiệm thập giá Đức Kitô, nhờ đó những khó khăn và đau khổ chuyển hóa thành một hiến lễ tình yêu”.[5]

– Linh đạo phát sinh từ Bí tích Hôn Phối đảm nhận cả thực tại thể xác của người nam và người nữ và quan hệ yêu đương của họ, để cho thấy con đường chủ đạo thực hiện viên mãn. Tính dục của đôi bạn đề cao các chiều kích hiến dâng, vô cầu, đón nhận sự sống có trách nhiệm. Đó là một linh đạo sống tính dục nhân bản và nhân vị toàn vẹn. Từ bản tính của tình yêu phu thê, ta thấy linh đạo hôn nhân là: “Linh đạo của tình yêu tự do và độc hữu”.[6]

– Thần Khí được tuôn ban trong Bí tích đưa đôi bạn vào trong Hội Thánh với tư cách như một đôi vợ chồng Kitô hữu và biến họ thành một biểu hiện mầu nhiệm hiệp thông, điều mà toàn thể gia đình phàm nhân được kêu gọi hướng tới. Cả điều này cũng cần được thực hiện theo cách thế không có “cạnh tranh” giữa đời sống gia đình và tham dự vào các sinh hoạt Giáo Hội. Vấn đề là làm sao hòa hợp về thời gian và nguồn lực nhưng nhất thiết phải tránh thái độ khép kín làm “tàn tạ” gia đình theo cái nhìn thiêng liêng.

7. Các nguồn lực và phương tiện để nâng đỡ và nuôi dưỡng linh đạo hôn nhân

Tham dự các Bí tích, cầu nguyện và tạ ơn, chứng tá cho một đời sống thánh thiện, với những hy sinh và việc bác ái là những trọng điểm của linh đạo Kitô giáo và đòi hỏi phải được đôi bạn sống một cách trọn vẹn, theo nhịp riêng của đời sống gia đình. Đặc biệt, ngày càng thấy rõ ràng hơn cần thiết phải xác minh thường xuyên hành trình đức tin của đôi bạn và gia đình, ngay cả phải nhờ đến Bí tích Hòa Giải, gặp gỡ và đối thoại với một vị linh hướng, đối thoại giữa hai vợ chồng. Trong hướng đi đó, người ta ngày càng nhận thấy các nhóm gia đình quy tụ thành cộng đoàn rất quan trọng. Họ nâng đỡ nhau, không để cho một đôi bạn nào lẻ loi cô đơn chịu đựng trước các hoàn cảnh khó khăn, hoặc trước nhiệm vụ gay go sống niềm tin của mình trong thế giới.

D. THẢO LUẬN THEO NHÓM

– Phản ứng tức thời của chúng ta như thế nào trước điều được nghe?

– Anh chị có cảm thấy sợ hãi, e thẹn và khó khăn khi phải nói ra những điều riêng tư thuộc đời sống nội tâm và thiêng liêng không? Đâu là những khó khăn chính và tại sao?

– Phải chăng giáo dục đời sống thiêng liêng cũng là một trong những mục tiêu chính yếu của việc giáo dục con cái? Chúng ta có thể gặp phải những vấn đề nào?

 

 

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 39.

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 292.

[3] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio (Gia Đình Kitô Hữu), Ngày 22-11-1981, số 56.

[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Ngày 19-03-2016, số 315.

[5] Ibid., số 317.

[6] Ibid., số 319.