Gia Đình Kitô Hữu Việt Nam Trước Những Biến Động Xã Hội

0
483


Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP.
 
1. Thời đại mất căn tính
 
Cách đây khoảng 50 năm, khi một người thợ mộc đóng một cái bàn không đúng quy cách, anh ta cảm thấy mắc cở vì “mình là một người thợ”, không thể đóng một cái bàn như vậy; và anh ta sẵn sàng bỏ cái bàn không đúng quy cách ấy để đóng một cái khác, cho dù phải chịu lỗ. Một người thợ may, với một người thư ký… cũng sẽ ứng xử tương tự như thế… đó là thời người ta còn sống với lương tâm nghề nghiệp.
 
Tại sao lương tâm nghề nghiệp bị thui chột trong thời đại hôm nay ? 
 
Nguyên nhân có lẽ là như thế này :
 
Ta thấy trong công việc của người thợ có một quy trình dài : 1) người thợ – 2) sản phẩm do người thợ làm ra – 3) sản phẩm được đem bán cho người khác – 4) người thợ thu được đồng tiền – 5) đồng tiền ấy giúp anh mua sắm những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của mình và gia đình. Trong quy trình ấy, cách đây khoảng 50 năm thôi, hai yếu tố quan trọng nhất chính là người thợ (1) và sản phẩm (2); bản thân người thợ gắn chặt với sản phẩm do mình làm ra; người thợ thể hiện được bản thân trong việc mình làm; sản phẩm là phần biểu lộ chính bản thân của người thợ; anh ta cảm thấy mình thành công trong việc làm, anh ta có một niềm tự hào nào đó về bản thân mình qua công việc của mình. Khi ấy, nghề nghiệp và công việc làm nên phần nhân cách của người thợ đối với thế giới. Ý nghĩa nhân bản của bản thân con người vẫn là nền tảng và việc thực hiện bản thân mình qua nghề nghiệp góp phần làm cho con người được trở nên chính mình.…
 
Ngược lại, trong thời đại hiện nay, hai yếu tố gắn với nhau hơn là người thợ (1) và hàng hóa mà mình mua được (5). Thời trước đây, cuộc sống con người tạm ổn với những như cầu tương đối đơn giản, xã hội không đua tranh nhau để mua sắm, hàng hóa không phong phú và hấp dẫn như ngày nay… và nhất là người ta không đánh giá bản thân của nhau dựa theo những đồ dùng cao cấp như ngày nay. Thời kinh tế thị trường, con người chạy đua để mua sắm. Thế giới kinh tế, thế giới sự vật của hàng hóa phong phú lấn lướt thế giới nhân văn. Bản thân con người không còn có cơ hội được phát triển và đáp ứng được nhu cầu khẳng định bản thân. Trong thế giới sự vật ấy, con người không được nhìn nhận như là một sự biểu lộ và hình thành bản thân, nhưng được đánh giá theo những gì mình có, theo những thứ bậc của đồ dùng. Giá trị biểu lộ bản thân bị lấn lướt do giá trị hàng hoá xa hoa mà người ấy có được, cho dù là có được bằng bất cứ lý do gì, có được do cơ may hay do gian dối…
 
Dưới một khía cạnh nào đó, ta có thể nói rằng con người trong nền kinh tế thị trường bị rơi vào tình trạng mà G. Marcel nói rằng thiên về cái “có” hơn cái “là”. Thế giới đánh giá và xếp hạng nhau dựa theo cái “có” mà không cần để ý đến cái “là” của con người. Thời nay, một kẻ ăn không ngồi rồi nhưng có nhiều của cải vẫn có thể vểnh mặt lên với đời…. 
 
Tình trạng đó khiến cho con người, từ trong sâu xa của ý thức, không còn nhận ra cái mình “là”. Con người sống với cái “có” và cũng bấp bênh trôi nổi theo cái “có”. Cái “có” là cái không gắn liền với bản thân con người, chúng được gắn vào cho ai đó một cách “cơ hội”, chúng thăng trầm theo đánh giá của xã hội, chúng có thể tan biến trong một biến cố nào đó như phá sản, suy thoái kinh tế… Chính thực trạng như thế làm cho tâm hồn con người, từ trong đáy sâu, có một sự xao xuyến. Người ta không thoả mãn được nhu cầu căn bản nhất là khẳng định bản thân, hoặc người ta chỉ tạm thoả mãn được nhu cầu một cách cơ hội, do sự đánh giá lúc này lúc kia của xã hội. Cái tôi như thế trở thành cái tôi dựa dẫm, dựa dẫm vào đánh giá của người khác… đời sống con người trở thành một bài toán cộng trừ những lời khen chê của người khác.
 
Bầu khí chung của thời đại như thế làm cho người ta dễ rơi vào tình trạng luôn phải tìm cách thích ứng. Nhu cầu thích ứng với xã hội trở nên quan trọng hơn là nhu cầu sống an hòa với chính mình. Cái gốc rễ mình là mình không có, thay vào đó là những nỗ lực trang trí vào bản thân mình những bông hoa giả. Thích ứng nghĩa là giải quyết vấn đề trước mắt, là đối phó “theo thời vụ” chứ không phải là giải quyết tận căn bản của vấn đề. Cách giải quyết ấy thường không bao gồm sự biết mình rõ rệt hơn, không phải là một kinh nghiệm sâu xa về bản thân, để lại một bài học nhớ đời cho chính bản thân mình. Cuộc sống ngày nay “chạy” quá nhanh, nên người ta không còn cảm nhận được chính niềm vui của cuộc sống. Cuộc sống “chạy” quá nhanh nên người ta không còn đọng lại một giá trị nhân bản, hoặc một ý nghĩa thân thương, hay một một giá trị “thiêng liêng” nào cho tâm hồn mình.
 
Chính tình trạng sống dựa, tình trạng mất căn tính như thế là nguyên nhân sâu xa của nhiều loại trục trặc khác nhau trong cuộc sống hằng ngày.
 
2. Gia đình trong xã hội mất căn tính
 
Nếu cá nhân mỗi người trong bầu không khí kinh tế thị trường đã như thế, thì gia đình xét như một đơn vị riêng, cũng phải lãnh nhận những hậu quả tương tự. Đời sống gia đình, trước tiên, là một cấu trúc bền vững do việc những thành viên trong gia đình gắn bó với nhau như một “cộng đồng ngôi vị”. Điều đó có nghĩa là, trong gia đình, một cách đúng thực, các thành viên sẽ đón nhận chính bản thân của nhau chứ không phải là so đo tính toán trên những cái “có” của nhau. Các thành viên trong gia đình đón nhận bản thân của nhau trong một thứ “liên kết móng nền”, chứ không phải là “liên kết kèo cột”, nghĩa là đón nhận nhau không phải vì hợp tính hợp nết, không phải vì cái hay cái đẹp, cũng không phải vì đức độ của nhau, nhưng chỉ vì là tình nghĩa máu mủ ruột rà. Khi ấy, tình nghĩa gia đình sẽ là một sự hỗ trợ căn bản để mỗi thành viên xây dựng được một “bản lĩnh sáng tạo”, bản thân mỗi người có cơ may để được là mình một cách căn bản và tìm được căn tính của chính mình. Trong cấu trúc của cộng đồng ngôi vị nơi gia đình, khi mỗi người được chấp nhận trong cái mình “là”, thì người ấy cũng có được một “không gian” để phát triển bản thân mình trong một thứ “bản lĩnh sáng tạo”. Khi ấy cái “có” sẽ gia tăng phẩm chất của tình nghĩa chứ không phải điều kiện để đổi lấy tình nghĩa; người sống trong gia đình muốn mình tốt hơn mãi để được yêu thương nhiều hơn mãi, chứ không phải trả giá để được chấp nhận theo một thứ “giá cả” vừa đủ nào đó. Ý nghĩa do tầm mức đón nhận bản thân của nhau trong gia đình có thể củng cố cho việc sống cái “là” của mình, đón nhận cái “là” của nhau…
 
Nói chung, trong đời sống gia đình như một “cộng đồng ngôi vị”, mỗi người không bị đánh giá theo một sự so sánh bên ngoài với ai khác, nhưng được nhìn nhận trong cái độc đáo, trong hoàn cảnh độc nhất vô nhị của bản thân mình. Trong nền kinh tế thị trường, người ta bị chi phối bởi bệnh so sánh. So sánh là cách tính toán chỉ thích hợp cho lãnh vực sự vật, lãnh vực của cái “có”. Khi cái “có” trở thành nét căn bản nhất, người ta rơi vào tình trạng so sánh để đánh giá điều không thể so sánh được là chính bản thân của nhau. Cái tôi của mỗi người không được nhìn nhận trong nét độc đáo riêng, những được đánh giá bằng một “thang điểm” dựa vào sự so sánh cái có của người này với cái có của người khác. Khi người vợ bắt đầu so sánh chồng mình với người khác, điều đó đã là một vết rạn nứt nguy hiểm cho đời sống gia đình; vì sâu xa ra, người vợ ấy đã bắt đầu trượt vào lãnh vực nhìn chồng mình trong cái “có”. Chính nền kinh tế thị trường dễ tạo cho các thành viên trong gia đình bị cám dỗ đánh giá nhau dựa trên cái “có”, và đây lại là một cái có ở mức độ thấp nhất, cái “có” thuộc lãnh vực sự vật hoàn toàn : của cải, tiền bạc… lấn lướt ý nghĩa giá trị bản thân. Ý nghĩa căn bản của gia đình bị đổ vỡ …
 
Mặt khác, trong gia đình, điều chính yếu quan trọng hơn cả là hạnh phúc. Hạnh phúc là khi, chẳng hạn, một người cha/mẹ sống trọn ý nghĩa là cha/mẹ của mình, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình nơi con cái, tìm thấy hạnh phúc khi được hy sinh cho con cái. Niềm hạnh phúc ấy được dâng trào khi thấy con cái lớn lên, khôn ngoan và nhân đức; hoặc ngay cả khi con cái ngu dốt và trở nên một tội phạm, thì tình thương của cha/mẹ vẫn có thể đón nhận và liên lụy với con cho đến cùng… 
 
Trong nền kinh tế thị trường, căn tính đi tìm hạnh phúc trong gia đình bị biến chất thành một cuộc rượt đuổi cái sung sướng. Sung sướng là khi người ta được hưởng thụ sản phẩm cao cấp, khi người ta tiêu thụ sản phẩm để thoả mãn những nhu cầu thứ cấp của con người. Người mẹ sống ý nghĩa làm mẹ thì tìm thấy hạnh phúc khi hy sinh món ăn ngon cho con; ngược lại, người mẹ chỉ tìm thấy sung sướng khi chính mình được ăn món ngon vật lạ. Cái sung sướng không dính dáng gì tới ý nghĩa thực hiện bản thân của con người, và thường có nguy cơ làm mất đi ý nghĩa ấy. Cái sung sướng cũng thuộc phạm trù cái “có”, không dính liền với bản thân mình; trong khi hạnh phúc lại thuộc lãnh vực của cái “là”, gắn liền với phẩm chất căn bản của ý nghĩa cuộc đời mình. 
 
Chính trong gia đình, người ta có được cơ hội để tìm được ý nghĩa chân chính của bản thân mình : người chồng sống ý nghĩa làm chồng, và tìm thấy hạnh phúc trong trách nhiệm làm chồng của mình; người vợ sống ý nghĩa làm vợ và tìm thấy hạnh phúc trong trách nhiệm làm vợ của mình; cha/mẹ sống trọn ý nghĩa làm cha/mẹ và nhờ đó mà tìm được hạnh phúc khi hết lòng lo cho con cái… Việc sống trọn ý nghĩa vai trò của mình trong gia đình tùy thuộc nhiều vào căn tính bản thân của mỗi người. 
 
Thế nhưng, trong thời kinh tế thị trường, nhiều gia đình cũng bị cám dỗ lao vào cái “có”; người ta đi tìm cái hào nhoáng, hưởng thụ cái sung sướng để “bằng chị bằng em” với những người chung quanh mà quên đi ý nghĩa là chồng/vợ, quên đi ý nghĩa làm cha/mẹ. Trong nền kinh tế thị trường, người ta cũng bị lây một thứ tính toán được thua… khi đó gia đình cũng rơi vào tình trạng “mất căn tính” y như mỗi cá nhân trong nền kinh tế thị trường; người ta không còn vui với tình nghĩa trong gia đình, nhưng tìm niềm vui nơi sự thăng tiến, tìm niềm vui trong sự giầu có, trong địa vị xã hội… Sự mất căn tính gia đình cũng làm cho đời sống gia đình trôi nổi bồng bềnh theo những cái mình có, mất ổn định nền tảng và làm cho các thành viên xao xuyến sâu xa trong tâm hồn.
 
3. Gia đình-xã hội, mối liên hệ hậu phương – tiền tuyến
 
Nếp sống thời đại kinh tế, thì trường làm cho cuộc sống con người trở nên vội vã, bận rộn và dễ đánh mất sự bình an trong tâm hồn. Khi lối sống ấy xâm nhập vào đời sống gia đình, ta thấy lối sống của con người ngày nay trở thành lối sống của “người đi đường” chứ không phải là lối sống của “người ở nhà”. Trong lối sống ấy, người ta giải quyết tạm thời những trục trặc để đi qua chứ không phải là một sự sửa đổi cẩn trọng và kỹ lưỡng của bản thân mình. Con người trong xã hội này không còn được an ổn và thanh thản như xưa. Chính vì thế, trong sâu xa của tâm hồn, con người hiện nay cần đến một “hậu phương”, cần đến một chỗ “ở nhà”, cần một mái ấm cho tâm hồn được nghỉ ngơi thực sự. Henri Nouwen, trong cuốn “Những Dấu Chỉ Của Sự Sống” nói rằng : 
 
“…trong phần lớn thời gian, người công dân thế kỷ XX sống trong nỗi sợ. Nó trở thành căn hộ thường trú của chúng ta, trở thành nền tảng của những quyết định và hoạch định của chúng ta. Cuộc sống có quá nhiều nỗi sợ; người ta hầu như lúc nào cũng có một cái gì đó làm cho sợ; chúng ta gần như không tìm thấy được một người không sợ. . . .” (Xc. tr.11-12)
 
Nỗi sợ khắp nơi làm cho người ta không còn là mình, không còn có khả năng tìm lại chính nét độc đáo thân thương của mình. Người ta giống như một kẻ đi học, nhưng học là để đối phó với thời cuộc chứ không phải vì niềm vui của bản thân; phải học để làm bài, phải học để thi cử, phải học để thăng chức… mà không còn thấy niềm vui được học biết những điều mình thích thú. Nỗi sợ làm cho người ta phát triển bản lãnh đối phó chứ không làm phát triển được bản lãnh sáng tạo. Sáng tạo bản thân, đó là tiêu chuẩn cho sự phát triển lành mạnh của con người… nhưng sự phát triển bản thân chỉ có được khi người ta có đủ thời gian “ở nhà”.
 
Ở nhà là nơi ta có thể làm những chuyện “vô ích”, nghĩa là những chuyện không nhằm đổi chác mua bán với ai, không để đạt được những đánh giá tốt của ai khác, của xã hội hay của các phong trào… Làm được những chuyện “vô ích” nghĩa là vui chơi, nghĩa là sống thôi chứ không để làm một cái gì. Điều đó cần thiết để con người “biết” được mình, biết được nhu cầu sâu xa và chân thật của chính mình. Điều đó cần thiết để con người khám phá lại nhu cầu “sống với” ai khác, chứ không phải làm được cái gì; nhu cầu được gặp gỡ và được đón nhận một cách căn bản, tức là đón nhận và được đón nhận chính bản thân. Điều đó cần thiết để bù đắp sự trống rỗng do phải lao mình vào đời sống đấu tranh do đòi buộc thích nghi của xã hội. Sinh vật phát triển theo qui luật cạnh tranh sinh tồn, hoặc thích ứng để tồn tại. Nhưng sự thích nghi ấy không phải là phương cách phát triển chính yếu của con người. Nơi con người, thích ứng sẽ làm cho con người không có một căn tính, một thứ căn tính được thể hiện, được diễn tả, được trải mình ra trong hành trình cuộc đời. Điều quan trọng chính yếu của con người là hình thành nên bản thân mình trong dòng lịch sử, diễn giải bản thân mình trong những gặp gỡ và thách đố của cuộc sống, và nhất là khám phá bản thân mình trong tương quan yêu thương. Môi trường thích hợp để thể hiện được điều chính yếu ấy là được sống với ai khác trong bầu khí nghĩa tình, được “ở trong nhà”. 
 
Henri Nouwen cho thấy từ ngữ “ở nhà” có một tầm quan trọng lớn trong đời sống của con người. “Ở nhà” nghĩa là sống trong một sự an hòa từ trong tâm, nghĩa là sống một sự hiệp thông trong chiều sâu ở mức độ bản thân. Ở nhà là nơi ta thoát khỏi tính phòng vệ, được giải phóng khỏi mọi lo lắng, mọi áp lực như một điều kiện để được chấp nhận… Ở nhà là nơi “chúng ta có thể khóc cười, ôm nhau và nhảy, thanh thản mơ mộng hay ngủ say sưa, nơi chúng ta ăn, chơi đọc sách, ngồi bên lò sưởi, nghe nhac, tiếp đón bạn bè. Nhà mình, nơi chúng ta có thể nghỉ ngơi và chữa lành. Nhà mình nơi làm sống lên bao nhiêu tình cảm và xúc cảm, xây trên một hình ảnh duy nhất, đó là căn nhà vui sống; căn nhà của tình yêu” (tr. 21).
 
Ở nhà là nơi ta là ta, ta được là mình ở trong cái thâm sâu nhất của mình. Ở nhà là nơi ta sống mối tương quan ngôi vị chứ không phải tương quan kinh tế hay tài năng. Trạng thái “ở nhà” hơi giống như một nữ tu, về nhà với mẹ, vươn vai khoái chí, thở dài thoải mái, và, một cách tự nhiên, xin mẹ mua cho hai tô phở ăn cho sướng… Ở nhà là nơi mà ta được nâng đỡ “ở bên dưới”, được đón nhận bản thân một cách căn bản, chứ không phải bị xách đầu từ bên trên để rồi tay chân phải quờ quạng để bơi theo… Đỡ nâng “ở bên dưới” nghĩa là một sự chấp nhận toàn vẹn để người khác có thể thực sự là chính họ, là sự hỗ trợ để phát triển bản thân, một sự phát triển gắn liền với gốc rễ của bản thân, chứ không phải một sự uốn nắn từ bên ngoài, làm cho sự phát triển bị lệnh lạc.
 
Xã hội hiện nay luôn thúc người ta đặt câu hỏi “để làm gì?”, “được cái gì ?”… Đó là thế giới “duy hiệu năng”, bị thúc đẩy do mối lo tìm được một thành quả. Đó là thế giới đánh mất cái “ở với”. Người sống trong nỗi lo thì dễ đi tìm sự an toàn bằng cách gia tăng chiếm hữu; tìm “cái có”, tìm cái “sử dụng được” để gia tăng sự an toàn cho bản thân. Nhưng cái “có” không đến được tới ngôi vị của con người, cái “có” chỉ xuê xoa một chút khát vọng sâu xa của con người. Người tìm cái “có” là người quên mất “niềm vui ở với”. Khi mà người ta tìm thành quả, khi mà người ta tìm hưởng thụ, hoặc khi người ta tìm an toàn cho chính mình, người ta chỉ giải quyết chuyện vụn vặt của bản thân mình; và cũng không nhận ra được sự cao qúi của bản thân người khác. Khi đó, người ta chỉ tìm tính hữu dụng của những sự vật, coi người khác như những sự vật, sử dụng người khác, hoặc lạm dụng người khác… Khi tôi đi vào siêu thị, tôi tìm một đồ vật để mình sử dụng; người khác đối với tôi không là gì cả. Còn khi tôi đi đến nhà một người bạn, tôi tìm gặp một con người chứ không phải tìm một đồ dùng để giải quyết chuyện nào đó của tôi. 
 
Tạm dùng từ ngữ của Trịnh Công Sơn để diễn tả một ý khác, đó là kinh nghiệm rằng cách sống của cuộc đời con người thật ra không phải là một hành trình mải miết, không phải là một nẻo đường thẳng tiến, không phải là kẻ lúc nào cũng đối đầu với những thách đố trên đường đời, nhưng là một hành trình có chốn đi về. Lối sống của cuộc đời, đúng hơn, giống như một người ở nhà và đi làm, đi làm rồi lại trở về; nghĩa là một cuộc đi-về không ngừng. Để có thể dấn bước trên đường đời, người ta luôn phải có nhà, nghĩa là có chỗ để trở về; trở vể để có thể tiếp tục đi. “Tim mỗi người là quê nhà nhỏ” lời hát của Trịnh Công Sơn cũng nhắc nhở ta rằng, ngoài những cuộc đấu tranh giành giật trong cuộc sống, ta vẫn cần có một “quê nhà” trong tim, cần được “ở trong nhà”, cần được sống trong một bầu không khí thân thương, an hòa. Chính sự an hòa trong tim như một hậu phương hùng mạnh có thể giúp con người tìm được sức mạnh bước trên đường đời. 
 
Kết
 
Như thế, ta có thể thấy hai khả năng : một là nhiều gia đình sẽ đánh mất căn tính gia đình và sống trôi nổi bấp bênh theo sự thành công hoặc thất bại của đời sống xã hội; hai là có những gia đình lại càng được thúc bách để tìm lại ý nghĩa bản thân và xây dựng hạnh phúc gia đình. Ta có thể thấy một cơ cấu lý tưởng cho đời sống gia đình ngày hôm nay : hậu phương – tiền tuyến. Gia đình chính là một hậu phương giúp cho con người tìm được một chỗ nghỉ ngơi thực sự, an tĩnh thực sự, để có thể tiếp tục cất bước di vào xã hội. Cuộc sống con người như “một cõi đi về”; đi làm ngoài xã hội và trở về với gia đình. Chính những cuộc ra đi căng thẳng trong đấu tranh lại làm cho những cuộc trở về được ắp đầy tình nghĩa của hạnh phúc.