Sứ Điệp Giáng Sinh Của Đức Thượng Phụ Công Giáo Latin Giêrusalem – 2016

0
683


LTS: Ngày thứ Tư, 16-12-2015, Đức Thượng phụ Công Giáo Latin tại Giêrusalem Fouad Twal đã tổ chức họp báo truyền thống vào dịp trước lễ Giáng sinh và đã phổ biến Sứ điệp Giáng sinh của ngài… Trong Sứ điệp năm nay, Đức Thượng phụ Twal kêu gọi các giáo xứ ở Thánh Địa tắt hết đèn trên cây Giáng sinh trong năm phút để bày tỏ tình liên đới với tất cả các nạn nhân của bạo lực và khủng bố. Ngài mạnh mẽ đòi hỏi các nhà lãnh đạo Israel và Palestine chứng tỏ sự can đảm, nỗ lực thiết lập một nền hòa bình chân chính, phải tôn trọng các nghị quyết quốc tế và lắng nghe tiếng nói của người dân. Với khách hành hương, một lần nữa Đức Thượng phụ Twal tha thiết mời họ đến viếng thăm Thánh Địa, dù tình hình tại đây còn căng thẳng, nhưng lộ trình hành hương vẫn an toàn. Một điều không thể không nhắc đến là Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc. Lòng Thương xót là phương thuốc chữa trị những căn bệnh của thời đại, là giải đáp cho tình hình nhiều xung đột trên thế giới hiện nay.Toàn văn Sứ điệp như sau:

***

Các bạn thân mến, các dân tộc tại Thánh Địa yêu quý,

Xin chúc các bạn và những người thân yêu một lễ Giáng sinh tràn đầy niềm vui và phúc lành!

Các bạn phóng viên thân mến, xin cảm ơn sự hiện diện của các bạn; cũng cảm ơn các bạn về những việc làm rất quý báu của các bạn. Mong sao công việc ấy được thực hiện với sự thẳng thắn, tự do và khôn ngoan, và mong sao công việc ấy luôn được hướng dẫn bởi một mối quan tâm thường xuyên đến Chân Lý.

Trong ít ngày nữa chúng ta sẽ mừng lễ Chúa Kitô sinh ra; Giáng sinh, mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Ngôi Lời vĩnh cửu “đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta; Giáng sinh, ngày lễ của Ánh sáng chiếu soi đêm tối, ngày lễ của Niềm vui, Hy vọng và Bình an. Trẻ em trên khắp thế giới mơ ước một ngày lễ tuyệt vời, có nhiều quà tặng, đèn sáng, với những cây Giáng sinh được trang trí và máng cỏ. Nhưng tôi xin lặp lại những lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, mọi sự đang bị bóp méo, vì thế giới vẫn còn chiến tranh”“Cuộc chiến chiến tranh thế giới thứ ba từng mảng” này mà ngài vẫn thường nói với chúng ta, đang diễn ra trước mắt chúng ta, theo từng mảng trong khu vực của chúng ta, trên mảnh đất của chúng ta.

I- BẠO LỰC

– Thật đau xót khi một lần nữa nhìn thấy Thánh Địa yêu quý của chúng ta bị vướng vào vòng xoáy đẫm máu của bạo lực! Đau xót biết bao khi một lần nữa nhìn thấy hận thù đánh bại lý trí và đối thoại! Nỗi thống khổ của các dân tộc trên miền đất này cũng là đau khổ của chúng ta, chúng ta không thể làm ngơ. Thế là đủ rồi. Chúng ta đã quá mệt mỏi với cuộc xung đột này, khi phải nhìn thấy Thánh Địa đẫm máu.

Với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine, chúng tôi nói rằng đây là lúc phải chứng tỏ sự can đảm, phải nỗ lực thiết lập một nền hòa bình chân chính. Đừng chần chừ, đừng do dự, đừng viện cớ giả tạo nữa! Hãy tôn trọng các nghị quyết quốc tế! Hãy lắng nghe tiếng nói của người dân của quý vị đang khao khát hòa bình; hãy hành động vì lợi ích của họ! Cả hai dân tộc của Thánh Địa, Israel và Palestine, ai cũng có quyền được hưởng phẩm giá, có một quốc gia độc lập và nền an ninh lâu dài”.

– Than ôi, tình trạng mà chúng ta đang sống ở Thánh Địa phản ánh tình hình thế giới: phải đối mặt với một mối đe dọa khủng bố chưa từng có. Một ý thức hệ hiểm độc dựa trên sự cuồng tín và không khoan nhượng về mặt tôn giáo, gieo rắc khủng bố và man rợ nơi những người vô tội. Ngày hôm qua nó nhằm vào Liban, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, nhưng từ nhiều năm nay đã hoành hành ở Iraq và Syria. Hơn nữa Syria đang ở trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay; tương lai của Trung Đông tùy thuộcvào việc giải quyết cuộc xung đột này.

Những cuộc chiến tranh kinh hoàng này được nuôi dưỡng nhờ việc buôn bán vũ khí, mà nhiều thế lực quốc tế cũng tham gia. Chúng ta đang phải đối mặt với một tình trạng phi lý và lừa dối hoàn toàn. Một đàng, người ta nói đối thoại, công lý và hòa bình; mặt khác họ lại đẩy mạnh việc bán vũ khí cho các bên tham chiến! Chúng tôi kêu gọi những nhà buôn bán vũ khí không hề đắn đo ngại ngùng và không có lương tâm này: “hãy hoán cải”. Quý vị có trách nhiệm rất lớn trong những thảm hoạ đã đè nặng trên chúng tôi và quý vị sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về máu của người anh em mình.

Giải pháp quân sự và con đường sức mạnh không giải quyết được các vấn đề của nhân loại.- Phải tìm ra nguyên nhân và gốc rễ của vấn đề này là gì để giải quyết. – Phải đấu tranh chống lại nghèo đói và bất công, là những thứ có thể tạo thành một nơi thuận lợi phát sinh khủng bố; cũng vậy, phải tăng cường giáo dục lòng khoan dung và sự đón nhận Người khác.

– Giáo hội và các cộng đồng tín hữu cũng có một giải đáp cho tình hình hiện nay. Giải đáp ấy là Năm Thánh Lòng Thương Xót, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc ngày 08 tháng 12 vừa qua. Lòng Thương xót là phương thuốc chữa trị những căn bệnh của thời đại chúng ta. Nhờ lòng thương xót mà chúng ta tỏ cho thế giới thấy lòng nhân lành và sự gần gũi của Thiên Chúa.

Lòng thương xót không giới hạn ở các mối tương quan cá nhân mà phải bao trùm đời sống chung trong mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội), ở mọi cấp độ (quốc tế, khu vực và địa phương) và trong mọi chiều kích (giữa các quốc gia, dân tộc, dân tộc tôn giáo). Khi lòng thương xót trở nên một thành phần của hành động chung, nó sẽ có thể biến đổi thế giới từ lĩnh vực của những quyền lợi ích kỷ sang lĩnh vực các giá trị của con người.

Lòng thương xót là một hành động chính trị tuyệt diệu, đặt chính sách vào trong ý nghĩa cao quý nhất của nó, là chăm sóc gia đình nhân loại, khởi đi từ các giá trị đạo đức, trong đó lòng thương xót là một thành phần chủ yếu, đối ngược với bạo lực, áp bức, bất công và tinh thần thống trị.

Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng tôi mời khách hành hương đến viếng thăm Thánh Địa. Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng tôi đã mở một Cửa Thánh, Cửa Thương Xót, trong nhiều nhà thờ của Giáo phận tại Jerusalem (Vương cung thánh đường Gethsemani), Nazareth (Vương cung thánh đường Truyền Tin) và Bethlehem (Vương cung thánh đường Giáng Sinh). Khách hành hương đừng sợ đến đây. Mặc dù tình hình căng thẳng tại vùng đất này, lộ trình hành hương vẫn an toàn. Hơn nữa, họ còn được mọi thành phần ở Thánh Địa tôn trọng và hoan nghênh.

II- PHẢI LÀM GÌ?

– Chúng ta tin vào giá trị nền tảng của giáo dục. Và chính ở đây, làm sao chúng ta không nhắc lại cuộc đấu tranh cam go để bảo vệ các trường học Kitô giáo của chúng ta ở Israel? Làm sao không cảm ơn những người đã tham gia cuộc đấu tranh ấy: các bậc cha mẹ, các trẻ em và các nhà giáo? Có nhiều nhà chính trị, trong số ấy có Tổng thống Israel Reuven Rivlin và nhiều thành viên của Quốc hội Israel, đã hoạt động cho sự nghiệp cao quý này. Sự dấn thân của họ đã thể hiện cho chúng ta thấy sự gắn bó nhất định vào công cuộc giáo dục của các trường này, mở ra cho mọi công dân mà không phân biệt đối xử, dựa trên các nguyên tắc của tình huynh đệ, đối thoại và hoà bình.

– Quan điểm liên tôn này khiến tôi nhớ đến kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate, có lẽ là văn kiện mang tính cách mạng nhất của Công đồng Vatican II. Tuyên ngôn này đặt nền tảng cho cuộc đối thoại giữa Giáo hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Ở đây, tại Thánh Địa, cuộc đối thoại này lại mặc lấy tầm quan trọngđặc biệt; chắc chắn những khó khăn vẫn còn đó, nhưng cần phải tiếp tục hy vọng, hơn bao giờ hết, vào khả năng tồn tại của một cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo-Hồi giáo.

Tôi cũng có lời chào giáo phận Thánh Giacôbê với những người Công giáo nóitiếng Do thái, giáo phận này năm nay kỷ niệm sáu mươi năm thành lập, một giáo phận không ngừng thực hiện cuộc đối thoại Do Thái giáo-Kitô giáo, và quảng đại dấn thân phục vụ người di dân.

III. LỄ GIÁNG SINH NĂM NAY

– Tình hình chính trị hiện nay buộc chúng ta điều tiết vẻ hoành tráng của các cử hành, và đào sâu ý nghĩa thiêng liêng của các cử hành ấy. Vì thế, chúng tôi mời gọi các giáo xứ tắt đèn trên cây Giáng sinh trong năm phút để bày tỏ tình liên đới với tất cả các nạn nhân của bạo lực và khủng bố. Tương tự, chúng ta sẽ dâng Thánh lễ Giáng sinh để cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, “xin cho họ được vững lòng, được hưởng niềm vui và bình an Giáng sinh.

– Chi tiết về cuộc rước của Thượng phụ:

Từ tháng Mười Hai năm ngoái, chúng tôi đã cùng với Dòng Quản thủ Thánh Địa thành lập một Uỷ ban để tổ chức lại việc vào thành Bethlehem cách long trọng của Thượng phụ vào chiều ngày 24 tháng Mười Hai. Nhiều biện pháp đã được thực hiện để cuộc rước của Thượng phụ đến Bethlehem không bị chậm trễ và có trật tự hơn tại địa điểm Giáng sinh. Cũng có nơi dành riêng cho các phóng viên và các nhà nhiếp ảnh.

Tôi muốn kết thúc sứ điệp này với lời cảm ơn Đức Thánh Cha, vì nhiều lý do: Trước hết, vì ngài đã tuyên thánh cho hai vị thánh Palestine hồi tháng Năm vừa qua, vì Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình mà tôi đã vui mừng tham dự, vì Tự sắc đơn giản hóa thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu; vì thỏa ước song phương lịch sử giữa Nhà nước Palestine và Toà Thánh; cuối cùng, vì Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha về việc bảo vệ tạo thành và môi trường, là những vấn đề chính đối với hành tinh của chúng ta và đối với nhân loại.

Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người con đã được ban tặng cho chúng ta! Người mang trên vai vương quyền. Thiên hạ sẽ gọi Ngài là Cố vấn kdiệu, Thiên Chúa hùng mạnh, Người Cha muôn thuở, Hoàng Tử thái bình” (Is 9,5).

Các bạn thân mến, cuộc giáng sinh của Chúa Kitô là dấu chỉ lòng thương xót của Chúa Cha, và là lời hứa ban niềm vui cho tất cả chúng ta. Ước gì sứ điệp này tỏa sáng trên thế giới đầy thương tích của chúng ta, an ủi những ai khốn khổ, bị áp bức, và hoán cải những tâm hồn tàn bạo.

Xin chúc mọi người một lễ Giáng sinh thánh thiện và vui tươi!

 

Giêrusalem, ngày 16 tháng 12 năm 2015

+ Fouad Twal

Tổng Giám Mục Giêrusalem

 

 

(Theo LPJ, Minh Đức chuyển ngữ)