Bài Giảng Lễ Khai Giảng Niên Học Mới 2015-2016

0
467


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Giám đốc Học Vụ Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam

 

 

Kính thưa Ban Giám Đốc, Quý Bề Trên các Dòng, Quý Giáo sư, các bạn Sinh Viên thân mến!

Chúng ta đang sống trong Năm “Đời Sống Thánh Hiến”, được mở ra để kỷ niệm 50 năm ban hành hai văn kiện của Công Đồng Vatican II liên quan đến “Đời Sống Thánh Hiến” Lumen Gentium và Perfectae Caritatis. Chúng ta sắp sửa mừng Năm thánh đặc biệt kính “Lòng Chúa Thương xót”, cũng để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Vatican II. Đó là những chuyện mà mọi người hiện diện trong phòng này đều đã biết. Nhưng có lẽ một chuyện ít người biết là năm nay kỷ niệm 50 năm mở cửa Trung Tâm Học Vấn Đaminh tại Vũng Tàu, rồi sau đó được chuyển về Thủ Đức và cuối cùng về Gò Vấp. Tuy nhiên, nhớ lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta cần phải chấm dứt cái bệnh tự quy (autoreferencia), loay hoay với những chuyện nội bộ Giáo hội. Không, chúng ta phải “đi ra” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 20).

Vâng, tôi xin đi ra: đi ra khỏi nhà đạo, để đi vào những vấn đề của thời cuộc, của dân tộc. Năm nay đất nước chúng ta mừng hai biến cố quan trọng. Ngày 30 tháng 4 vừa rồi, kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước; hôm ấy là buổi học cuối cùng của niên học 2014-2015. Cách đây 3 ngày, chúng ta mừng 70 năm ngày tuyên bố độc lập, trùng vào dịp bắt đầu niên học 2015-2016. Sự liên hệ giữa việc kết thúc niên học cũ và khai giảng niên học mới dễ nhận ra. Có gì liên hệ giữa ngày 30 tháng 4 với ngày 2 tháng 9 không? Chúng ta đang tham dự một buổi cử hành đức tin chứ không phải là một cuộc hội thảo chính trị; vì thế chúng ta thử tìm cách đọc các biến cố dưới ánh sáng đức tin, chứ không dựa theo tiêu chuẩn chính trị.

Chúng ta hãy bắt đầu với ngày 2 tháng 9 năm 1945. (Có lẽ ít ai biết rằng hôm ấy là chúa nhật kính các chân phúc tử đạo Việt Nam, và nơi đọc tuyên ngôn gần ngôi nhà thờ tu viện Mai Khôi của các cha Đaminh). Hôm thứ tư vừa rồi, chúng ta đã mừng kỷ niệm 70 năm ngày tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cũng vào sáng thứ tư vừa rồi, tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến một biến cố quan trọng mang tầm quốc tế, đó là ngày kết thúc thế chiến thứ hai, với việc ký lá thư đầu hàng của chính quyền Nhật Bản trên chiến hạm Missouri, đậu ngoài khơi Tokyo. Trung Quốc đã tổ chức một cuộc duyệt binh rầm rộ để mừng biến cố ấy, nhưng không hiểu vì sao vào ngày 3 tháng 9, thay vì vào chính ngày mùng 2 (có lẽ vì không muốn hai cuộc duyệt binh ở Hà Nội và Bắc Kinh trùng hợp). Ngày 2 tháng 9 năm 1945 đánh dấu sự kết thúc cuộc thế chiến tuy chỉ kéo dài 6 năm nhưng đã làm tiêu hao hàng triệu sinh mạng. Còn ở Việt Nam, ngày 2 tháng 9 mở màn cho một cuộc chiến tranh dài hơn: thứ nhất là cuộc kháng chiến chống Pháp, chấm dứt với hiệp định Geneve năm 1954; tiếp đến là kháng chiến chống Mỹ, kết thúc với ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đến đây, chắc quý vị đã thấy sự liên hệ giữa hai biến cố ngày 2 tháng 9 năm 1945 và ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày 30 tháng 4 được đặt tên khác nhau tùy theo quan điểm chính trị của mỗi người. Dù sao, như đã nói, chúng ta không họp nhau ở đây để bàn chuyện chính trị nhưng cố gắng suy tư đức tin. Tôi xin phép đề ra 3 điểm, dựa theo Hiến chế Gaudium et Spes: thứ nhất, thần học của kẻ thắng người thua; thứ hai, ai thắng ai thua; thứ ba, Chúa Thánh Thần tác động vượt lên cả kẻ thắng người thua.

1/ Thứ nhất, khi kết thúc một cuộc chiến, thế nào cũng có người thắng kẻ thua. Có điều là khi đọc lại Kinh Thánh, Thiên Chúa thường đứng về phía kẻ thua. Mỗi ngày chúng ta lặp lại lời tuyên xưng ấy cùng với Đức Maria trong kinh Magnificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng”. Nhất là mỗi lần tụ họp để cử hành phụng vụ, chúng ta tuyên dương một kẻ thua cuộc, chết trên thập giá; nhưng Người ấy đã Phục Sinh khải hoàn. Chúng ta tuyên xưng Người đã thắng tất cả mọi quyền lực sự dữ. Tiếng nói cuối cùng của lịch sử là chân lý và tình yêu, chứ không phải là tội lỗi và hận thù.

2/ Thứ hai, Hội Thánh được ủy thác loan báo Tin mừng Chúa Kitô Phục sinh cho nhân loại. Thế nhưng, qua Hiến chế Gaudium et Spes, Hội Thánh không phải ở trên hay ở ngoài nhân loại, nhưng ở giữa lòng nhân loại (số 40). “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ”. Hội Thánh ở giữa lòng dân tộc, và Hội Thánh cũng gồm bởi những con người đầy khuyết điểm (số 43). Nhiều lần chúng ta không ngờ rằng mình cũng đứng về phía kẻ thống trị thay vì đứng về phía những kẻ bị đàn áp. Điều này đã được Đức Thánh Cha cảnh giác trong Tông huấn Evangelii Gaudium và mới đây trong Thông điệp Laudato si, chương cuối cùng. Nhiều lần chúng ta bị thu hút bởi lợi lộc trước mắt bất chấp quy tắc luân lý. Chúng ta nghĩ đến sự hưởng thụ, khai thác, thay vì quan tâm đến khát vọng của những người nghèo.

3/ Thứ ba, nãy giờ chúng ta vẫn còn mang trong đầu sự phân biệt giữa hai phe: bên thắng cuộc và bên thua cuộc, phía bóc lột và phía bị bóc lột, những người công chính sống theo luật Chúa và những kẻ bất lương không đếm xỉa đến luân lý. Chúng ta thường có khuynh hướng lôi kéo chân lý về phe ta, còn phe kia chẳng có gì là tốt đẹp cả. Tuy nhiên, Hiến chế Gaudium et Spes (số 38-39) đã nhìn nhận rằng, Chúa Thánh Thần đã gieo vào lòng của mỗi con người những khát vọng hướng về tuyệt đối, những giá trị nhân bản của tình huynh đệ, công bằng. Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động ở trong Giáo Hội, mà còn tác động cả bên ngoài biên cương của Giáo Hội hữu hình nữa. Ở đâu mà những giá trị về nhân phẩm, hiệp thông, huynh đệ, tự do được cổ võ, thì ở đấy phải nhận thấy tác động của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta cử hành Thánh lễ cầu xin Chúa Thánh Thần nhân dịp đầu năm học. Nhưng chúng ta không chỉ xin Ngài soi sáng công việc học hành của chúng ta, mà còn cho cuộc sống của chúng ta trong Giáo Hội và xã hội nữa. “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!”. Thật ra, Ngài không chờ chúng ta van nài thì Ngài mới đến. Ngài vốn liên lỉ tác động trong thế giới. Duy có điều là chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Ngài. Bởi vậy, chúng ta hãy cầu xin để biết nhận ra tiếng nói của Ngài trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy cầu xin để biết nhận ra tiếng nói của Ngài trong quyển “sách Tin mừng của tạo dựng”, như Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Thông điệp Laudato si (chương hai). Chúng ta hãy cầu xin để biết nhận ra tiếng nói của Ngài qua các dấu chỉ thời đại. Không thiếu lần, Chúa Thánh Thần đã dùng những phong trào chống đối Giáo Hội để giúp cho các Kitô hữu tái khám phá Tin Mừng. Các khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, huynh đệ” của cách mạng Pháp 1789 được rút từ thư Thánh Phaolô gửi Galát. Lý tưởng cộng sản được gợi hứng từ chương 4 của sách Tông Đồ Công Vụ và học thuyết của các Giáo Phụ về mục tiêu phổ quát của các tài sản, được lặp lại trong Thông điệp Laudato si (số 93). Thật không dễ gì nhận ra tiếng nói của Thánh Linh qua những kẻ chống đối, bách hại các Kitô hữu. Cần có thời gian mới dần dần nhận ra các hoàn cảnh trái nghịch ấy như là tiếng gọi để tái khám phá Tin Mừng.

Hôm thứ ba vừa qua, tại buổi phụng vụ Lời Chúa cử hành ở Đền Thờ Thánh Phêrô nhân ngày cầu nguyện cho sự bảo vệ trái đất, Cha Cantalamessa (nhà giảng thuyết phủ Giáo hoàng) lưu ý rằng, Thánh Phanxicô đã sáng tác bài ca vạn vật “Ngợi khen Chúa, Lạy Chúa tôi vì anh mặt trời” vào lúc cuối đời, khi đang bị bệnh, mắt đã lòa, và tia mặt trời gây đau nhức cho cặp mắt của Thánh Nhân. Thế nhưng ngài cũng chúc tụng Chúa: “Lạy Chúa, nhờ anh mặt trời, Chúa soi chiếu chúng tôi. Anh đẹp và tỏa sáng rạng ngời”.

Một cách tương tự, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết nhận ra tác động của Ngài qua các dấu chỉ thời đại, kể cả khi chúng làm nhức mắt ta. Hơn thế nữa, chúng ta xin Chúa Thánh Thần biến chúng ta thành những dấu chỉ Tin Mừng cho thế giới hôm nay, như những lính canh, những người đánh thức thế giới. Amen.