Họp Mặt Anh Chị Em Đaminh Tại Gp. Kontum: "Để Cùng Nhau Thi Hành Sứ Vụ"

0
723


Khắc Thành, OP.

 

Sáng thứ bảy ngày 31 tháng 08 năm 2013 vừa qua, trong không khí dịu mát của tiết trời Tây Nguyên, anh chị em Đa Minh đang làm việc truyền giáo tại giáo phận Kontum đã có cuộc họp mặt tại giáo xứ Kon Rơbang để liên kết và hun đúc tinh thần tông đồ tại những nơi mà anh chị em đang đảm nhận. Được biết những tà áo trắng nam nữ Đa Minh đã lần lượt tung bay trên vùng đất Tây Nguyên từ hơn 8 năm qua, tuy nhiên, vì anh chị em được phân bố tại các địa điểm rất cách xa nhau, trải dài trên hai tỉnh Gia Lai và Kontum nên chưa lần nào có dịp gặp gỡ chung với nhau.

Hiện diện trong buổi họp mặt, có cha Phụ tá Giám tỉnh Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP. cũng là vị đặc trách Gia Đình Đa Minh từ Sài Gòn lên tham gia; cha niên trưởng và anh em cộng đoàn Kon Rơbang; cha đại diện phụ xá Mactinô – Giang Sơn;các chị em thuộc hội Dòng Nữ Đa Minh  Thánh Tâm đang phục vụ tại làng Kret Krot, Hà Ra, Mang Yang và nhà thờ thánh Phaolô, tỉnh GiaLai; các chị em thuộc hội dòng Đa Minh Rôsa Lima đang phục vụ người dân tộc Jrai giáo xứ Mỹ Thạch,Chư  Sê thuộc tỉnh Gia Lai. Được biết các chị em này đều phải dậy rất sớm và vượt qua hơn kém trên 100 cây số để đi tham dự. Riêng các chị em hội dòng nữ Đa Minh Tam Hiệp ở Kon Chro, vì quá lớn tuổi không thể đi xe lên Kontum được nên đã gọi điện xin kiếu nhưng vẫn hiệp thông với anh chị em qua lời cầu nguyện. Thật cảm động!

Mở đầu cuộc họp, cha A.M.Z Phan Tự Cường, O.P niên trưởng cộng đoàn Kon Rơbang thay mặt anh em ngỏ lời chào mừng cha Phụ tá Giám tỉnh và quý anh chị em trong ngày “lịch sử” này, hứa hẹn cho một sự hợp tác lâu dài như Công vụ Tỉnh hội tỉnh dòng hằng khuyến khích.Tiếp đến đại diện từng hội dòng chia sẻ các công việc mà anh chị em đang thực hiện. Nói chung, Tây Nguyên là một cánh đồng truyền giáo bao la mà đối tượng là anh chị em dân tộc Bahnar và Jrai. Vốn là những người bản chất đơn sơ, thật thà, xưa nay họ vui với cuộc đời trên nương rẫy, dưới sông suối, ít được học hành, không quen tính toán. Nhưng nay họ đang phải đối diện với một sống mới, bị lôi cuốn bởi những trào lưu vật chất: xe cộ, máy móc, điện thoại di động, quần áo… Những thứ này đương nhiên có thể giúp họ có một cuộc sống tiện nghi thoải mái hơn, nhưng ngược lại, chúng lại đẩy họ vào một đời sống khốn khổ hơn vì thích đua đòi, nợ nần chồng chất, không biết tính toán. Từ đó đời sống văn hóa và cả đời sống thiêng liêng của họ ngày một sa sút hoặc biến dạng. Hiện diện với họ, các anh chị em nhận thấy vừa cần phải học hỏi để thấu hiểu cả một cuộc sống mà Thiên Chúa phú ban cho họ xưa nay, nhưng ngược lại cũng phải giúp họ và con em họ bây giờ và tương lai không phải hụt hẩng mà có thể đứng được trên đôi chân mình trong thời đại này. Vấn đề thật quá lớn và anh chị em thấy vượt quá tầm tay. Tuy nhiên là người đi gieo giống ở một cánh đồng “nhiều sỏi đá” cản trở, anh chị em cứ kiên nhẫn gieo hạt, cứ khởi đầu trong khả năng có thể,  rồi chờ Thiên Chúa cho mọc lên. Được sai đến đâu, ngoài vấn đề chăm sóc mục vụ, anh chị em đều phải tính đến chuyện mau chóng tiếp cận và giúp đỡ họ: học ngôn ngữ, vào làng thăm viếng tìm hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của từng nơi. Hầu hết các nơi đều mở nhà nội trú để giúp một số các em có điều kiện học hành, tìm học bổng cho những em nhà nghèo.Có nơi mở nhà trẻ để dạy dỗ các em từ lúc còn thơ. Rồi phải giúp người dân biết cách làm ăn, biết tính toán, không để người Kinh lợi dụng trục lợi. Ngoài ra, còn phải giúp họ chữa bệnh, phòng bệnh, thay đổi thói quen uống nước giọt lấy từ những  mạch trong lòng đất nay đã bị ô nhiễm bằng nước lọc tinh khiết để tránh bệnh tật…Bao nhiêu là chuyện đã làm, muốn làm. Thành công cũng có, thất bại cũng có vì họ không làm theo được. Lại cũng có những người lợi dụng lòng tốt mà sinh ươn lười làm anh chị em phải khốn khổ.

Đến phần nói chuyện, cha Phụ tá Giám tỉnh rất cảm phục tinh thần dấn thân của anh chị em trên vùng Tây Nguyên này và chia sẻ với anh chị emđề tài rất thực tế dựa vào Sứ điệp truyền giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô “Truyền giáo là thông truyền niềm vui”. Mọi người phải có thể trải nghiệm niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui được ơn cứu độ! Đó là một ân huệ mà không ai được giữ cho riêng mình, nhưng phải được chia sẻ. Nếu chúng ta chỉ muốn giữ lấy nó cho riêng mình, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu bị cô lập, khô cằn và ốm yếu. Anh chị em chúng ta cần được thể hiện trong đời sống và chia sẻ cho mọi người niềm vui Đức tin. Không có đời sống tu trì an vui, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, thì không truyền giáo được. Sứ vụ có thể tạo nên những căng thẳng và áp lực về thời giờ, sức lực, tài chính… nhưng không phải là căn cớ của buồn bực, của bất thuận bất hòa và tước mất niềm vui cuộc sống.

Với một giọng nói trầm ấm đầy chân thành, ngài còn tỉ tê với anh chị em thật nhiều điều. Cha nhấn mạnh vào ba khía cạnh: Ra đi, Đừng sợ và Phục vụ. Ra đi khỏi chính mình để thay đổi lối sống, nếp nghĩ, cách hành động để hòa mình vào cuộc sống của anh em dân tộc. Mục đích của ra đi là để phục vụ nhưng đừng sợ. Cha nhắc đến các ngôn sứ trong Kinh thánh khi nhận sứ mạng Thiên Chúa trao hầu như lúc nào các ngài cũng có lý do này lý do kia vì sợ hãi nhưng Chúa nói: “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi”. Cũng thế, phẩm chất của người tu sĩ ĐA MINH  là luôn toát lên nhiệt huyết để ra đi tiếp nối tinh thần của cha anh. Cha nhắc lại lịch sử dòng từ những ngày đầu tiên khi cha thánh sai 16 anh em ra đi, ai có thể hình dung được tương lai sẽ được như ngày hôm nay, tất cả luôn phó thác trong tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Ngài cũng nhắc đến chủ đề suy tư của toàn Dòng trong năm nay là “Đức Maria chiêm niệm và rao giảng Lời”. Sau khi đã đón nhận và cưu mang Lời, Mẹ đã trải nghiệm niềm vui lớn lao và đã cất bước lên đường đem Lời đến tha nhân.

Cuối cùng Ngài đưa lên một mẫu gương niềm vui ra đi truyền giáo thật tuyệt vời. Đó là gương của chính Thánh phụ Đa Minh qua bài hát của Sơ Sourire OP: “Kìa nhìn xem cha thánh Đa Minh đơn sơ ra đi làm người bộ hành, hát xướng, nghèo nàn vẫn vui…”. Đó phải là thái độ mà anh chị em Đa Minh Tây Nguyên phải thể hiện hàng đầu trong hành trình truyền giáo của mình.

Tình hiệp thông của anh chị em Đa Minh được tiếp nối cách sâu xa hơn khi cùng lãnh nhận bánh Lời Chúa và Thánh Thể qua thánh lễ kính nhớ cha thánh Đa Minh do cha Phụ tá Giám tỉnh chủ sự. Trong phần chia sẻ Lời Chúa, ngài nhắc nhớ anh chị em cùng trở nên muối và ánh sáng cho trần gian qua cái tâm.

Tiếp đến là buổi Agape thân tình tại phòng ăn của cộng đoàn. Không biết cha quản lý cộng đoàn Kon Rơbang xoay sở cách nào mà tất cả anh chị em sau khi thưởng thức các món ăn đều giơ tay biểu quyết … xin cứ tổ chức như vậy mãi !!!

Đến chiều, anh chị em lại qui tụ bên nhau để bàn thảo về một vài công việc có thể hợp tác chung. Trước hết, là phân công chuẩn bị ngày lễ Đức Mẹ Măng Đen 17/09 sắp tới. Năm nay, anh chị em vinh dự được giáo phận  Kon Tum phân công chủ sự hướng dẫn giờ đọc kinh Mân Côi kính Đức Mẹ trước Thánh lễ. Mọi người liên tưởng ngay, đây là công việc vốn được ủy thác cho các cha Đa Minh tại trung tâm hành hương quốc tế Đức Mẹ Lộ Đức vào tháng 10 hàng năm. Vì tại Kontum có nhiều ngôn ngữ dân tộc khác nhau, anh chị em đã phân công tìm người địa phương phù hợp, nhờ họ giúp hướng dẫn và suy niệm theo từng mầu nhiệm để việc đọc kinh Mân Côi này mang màu sắc tổng hợp ngôn ngữ dân tộc. Anh chị em nào, lâu nay mong muốn được đi hành hương Đức Mẹ Măng Đen và thích được nghe các bài hát dân tộc không thể bỏ qua cơ hội hiếm có này.

Tiếp theo đó, anh chị em lại thảo luận đến việc tạo đường dây thông tin hỗ trợ nhau trong công tác tông đồ. Nhận thấy nhu cầu phục vụ đồng bào dân tộc thật bao la, cần phải có nhiều chân rết hỗ trợ mới có thể hoạt động và hoạt động lâu dài được, anh chị em đã thông tin cho nhau về một vài địa chỉ của các nhà hảo tâm có lòng giúp đỡ người dân tộc về học bổng , thuốc men, hàng cứu trợ. Anh chị em đọc bản tin này và có lòng yêu thương người dân tộc cũng có thể tiếp tay với anh chị em chúng tôi.

Cuối cùng trước khi chia tay, tất cả anh chị em cùng vào quây quần chầu Thánh Thể Chúa, đọc lại lời hiến tế của Chúa Giêsu với Chúa Cha để tạ ơn về một ngày họp mặt đầy yêu thương và thắm đượm tình huynh đệ này. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể duy trì cho sự hiệp nhất giữa anh chị em đang sống nơi vùng đất truyền giáo này cùng chúc lành cho công việc anh chị em đang thực hiện.