Hội Thảo Chuyên Đề Về Giảng Thuyết Tại Thành Phố St. Louis, Missouri, Hoa Kỳ

0
659


Maria Hoàng Kim Dung

Ghi nhận từ một chuyến đi trong vai trò

Đại diện Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh Việt Nam

tham dự hội nghị

 

 

Trong khuôn khổ các hoạt động của Năm Thánh mừng 800 năm thành lập Dòng Đaminh, Viện Đào Tạo Mục Vụ Giảng Thuyết (Tỉnh Dòng Teutonia ở Đức) cùng với Viện Thần Học Aquino (Tỉnh Dòng Thánh Albeto Cả ở Hoa Kỳ) và Viện Giảng Thuyết (Tỉnh Dòng Philippine) đã phối hợp tổ chức Hội Thảo Chuyên Đề về Giảng Thuyết tại Trung Tâm hành hương Pallotine và Viện Thần Học Aquino ở Tp. St. Louis thuộc tiểu bang Missouri nước Mỹ. Hội nghị diễn ra từ ngày 10-14/10/2016 với chủ đề: “Phương Ngôn Của Nhà Giảng Thuyết Đaminh: Ra Đi Và Làm Như Vậy!” (The Way of the Dominican Preacher: Go and Do Likewise!) đã quy tụ 63 anh em, các đan sĩ, các nữ tu Đaminh và huynh đoàn giáo dân Đaminh từ trên khắp thế giới về tham dự.

Đây là ý tưởng của Cha Gregory Hellie, OP. (Đặc trách về giảng thuyết của Tỉnh Dòng Trung Mỹ, Giáo sư chủ nhiệm Khoa giảng thuyết hàn lâm tại Viện Thần học Aquino) và Cha Manfred Entrich, OP. (Giám Đốc Điều Hành kiêm Chủ tịch Viện Đào Tạo Mục vụ Giảng Thuyết Teutonia), với mong muốn để mọi người có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm giảng thuyết cho nhau, qua đó tạo mạng lưới nối kết anh chị em Đaminh toàn cầu và tạo tiền đề để trong tương lai có thêm nhiều hoạt động như vậy được tổ chức tại từng khu vực. Là một huynh đoàn có số lượng đoàn viên đông nhất thế giới, Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh Việt Nam đã được mời tham dự hội thảo lần này để thế giới được lắng nghe những gì chúng ta đã và đang làm để thực thi sứ vụ giảng thuyết của mình và xây dựng, phát triển huynh đoàn.

Sau bao nhiêu ngày ráo riết chuẩn bị cho chuyến đi, cuối cùng cũng đến ngày tôi lên đường với biết bao hồi hộp, lo lắng xen lẫn phấn khích. Chuyến bay kéo dài hơn 20 tiếng đưa tôi đến xứ sở Cờ Hoa ở tận bên kia bán cầu trái đất. Thành phố St. Louis đón tôi vào một chiều mùa thu se lạnh, nhiệt độ xuống còn 50 độ F (khoảng 16 độ C), trời phảng phất chút nắng vàng nhạt xen lẫn những cơn gió nhè nhẹ thơm mùi cỏ cây. Từ sân bay, chúng tôi đón xe Hertz (một dạng xe bus sân bay) đến trạm cuối để thuê xe hơi tự lái đi về Trung tâm hành hương Pallotine. Đồng hành với tôi, đồng thời cũng là người thuê xe đưa chúng tôi về Trung tâm là Cha Tom Condon, OP. (Bề trên Giám tỉnh Tỉnh Dòng Thánh Martino De Porres, Miền Nam nước Mỹ) và Cha Dominic Delay, OP. (Một nhà sản xuất phim đến từ Tỉnh Dòng Đaminh miền Tây nước Mỹ).

Xe đi vào freeway (đường cao tốc), hai bên đường trải dài những thảm cỏ xanh mướt sạch sẽ, những ngôi nhà gạch tường màu ngói nâu hoặc đỏ thẫm thấp thoáng hiện ra bên hàng cây đang chuyển màu đón thu sang. Chúng tôi trò chuyện rôm rả, hỏi han nhau về công tác sứ vụ tại nơi mình đang sống, 45 phút chóng vánh trôi qua chẳng mấy chốc thì cũng đến Pallotine – nơi chúng tôi sẽ ở lại trong những ngày hội thảo sắp tới.

Pallotine là một trung tâm hành hương Công Giáo của các nữ tu Dòng Pallotine, được xây dựng từ năm 1968 trên một khu đất riêng biệt rộng lớn, xung quanh khuôn viên có cây xanh bao phủ. Kể từ khi mở cửa đến nay, mỗi năm trung tâm đón tiếp khoảng 3000 người đến tĩnh tâm. Đón chúng tôi ở sảnh tiếp tân bằng nụ cười nồng ấm, hai chị Mary Margaret & Honora Werner hướng dẫn mọi người làm thủ tục, nhận bảng tên và brochure (tập sách mỏng cung cấp những thông tin cần thiết về hội thảo, lịch đọc kinh phụng vụ, về thành phố St. Louis,…).

Lúc này trời đã nhá nhem tối, mọi người nhanh chóng về nhận phòng để chuẩn bị cho giờ kinh tối và khai mạc vào lúc 6h30 tối tại nhà nguyện của trung tâm. Sau giờ nguyện kinh, Cha Gregory Heille có đôi lời phát biểu ngắn gọn để chào đón các đại biểu và giới thiệu ban tổ chức. Chúng tôi rất vinh dự có sự hiện diện của Cha Bề Trên Tổng Quyền Bruno Cadore cùng đồng hành với chúng tôi trong 3 ngày sắp tới và đồng thời Ngài cũng là diễn giả chính trong ngày hội thảo đầu tiên. Các đại biểu đến từ nước Mỹ, Anh, Đức, Ý, Pháp, Nga, Latvia, CH Séc, Ukraine, Na Uy, Thuỵ Điển, Hà Lan, Ba Lan, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc, Việt Nam, Argentina, Peru, Canada bao gồm các Cha, các soeur Dòng kín, soeur hội Dòng nữ Đaminh, huynh đoàn giáo dân. Mọi người làm quen, hỏi thăm nhau và cùng nhau dùng bữa cơm huynh đệ thân mật, kết thúc một ngày đi đường khá mệt và chuẩn bị tinh thần cho ngày mai bắt đầu hội thảo.

Lịch trình ba ngày hội thảo được ban tổ chức lên chương trình rất bài bản và chi tiết. Từ một Đaminh trẻ ngày bận bịu với 8-10 tiếng nơi công sở, tôi được sống những ngày hội thảo trên đất Mỹ theo đúng tinh thần Đaminh. Sáng dậy sớm nguyện kinh đúng giờ, ăn sáng đúng giờ, lên xe bus đúng giờ, nghỉ trưa đúng lúc. Chiều về lịch trình xoay tua ngược lại, cũng đọc kinh, ăn tối, ngủ nghỉ đúng giờ đã định. Ấy vậy mà tinh thần rất hân hoan, tươi mới vì được hoà mình vào một bầu khí đầy ân phúc này, được học hỏi và đón nhận được nhiều điều hay, điều mới từ các nhà “giảng thuyết” tài ba. Cứ mỗi ngày sau giờ ăn sáng, xe bus đưa chúng tôi đến Đại Học St. Louis để tham dự các hoạt động trong ngày tại đó. Đoạn đường từ trung tâm Pallotine đến Đại Học St Louis khá xa, khoảng 45 phút chạy freeway mà khung cảnh hai bên đường thì chao ôi đẹp như tranh vẽ mà không có một ngôn từ nào có thể diễn tả hết nét đẹp thực sự của thiên nhiên.

Ở St. Louis, bạn sẽ hiếm khi nào tìm được một căn nhà có kiến trúc khác biệt, tất cả liền lạc theo một phong cách chung với tường gạch thô màu đỏ. Xung quanh nhà phủ đầy những bãi cỏ xanh mượt mà như nhung, men theo lối đi là hàng cây xanh thẳng tắp. Xa xa theo tầm mắt là những toà nhà cao lộng lẫy nhưng vẫn không bỏ qua mô típ ấy. Mọi thứ tổng hoà tạo nên một thành phố St. Louis vừa đẹp cổ kính cũng không kém phần hiện đại. Tôi cứ miên man ngắm nhìn mà quên cả thời gian, chỉ tới khi xe bus dừng ngay cổng dẫn vào trung tâm Đại Học St. Louis mới ngỡ ngàng vì được thực sự đi vào một trong những không gian tuyệt đẹp ấy.

Viện thần học Aquino nằm cách Đại học St. Louis một dãy phố ở phía bên kia con đường. Vì hội nghị được tổ chức trong hội trường lớn của đại học, chúng tôi phải đi bộ qua một dãy phố, lối dẫn vào là con đường lát sỏi trên nền xi măng với những bụi hoa nhỏ li ti không rõ tên, xa xa là bồn nước theo lối kiến trúc phương Tây mà các bạn sinh viên thì đi lại hối hả như bỏ mặc cả không gian đẹp như cổ tích. Buổi sáng đầu tiên chúng tôi được lắng nghe những chia sẻ và huấn từ của Cha Bề Trên Tổng Quyền (BTTQ) Bruno Cadore với chủ đề: “Vì vai trò của Giáo Hội là được mời gọi canh tân sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Dòng Anh em Giảng Thuyết cần có câu trả lời cụ thể như thế nào để đáp lại lời mời gọi ấy?”.

Với chủ đề này, Cha BTTQ nhắc lại cho mọi người nhớ sứ vụ truyền giảng của mình về lòng Chúa thương xót và đem tình yêu của Chúa đến với tha nhân như thế nào. Khi khắc hoạ lại vai trò của người Đaminh giảng thuyết, Cha đặt vai trò ấy trong bối cảnh giao lưu hội nhập văn hoá, một bối cảnh thế giới đa sắc tộc, đa tôn giáo thì việc giảng thuyết không chỉ gói gọn trong việc ra đi và nói, nhưng còn phải thể hiện cụ thể trong chính đời sống hàng ngày của mỗi người. Đời sống đó còn phải giữ nguyên tinh thần Đaminh là chuyên chăm học hỏi, trưởng thành lên từ chính những khó khăn trong đời sống cộng đồng; là đối thoại với anh em và lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau; là cùng nhau sống và xây dựng cộng đồng giảng thuyết về vương quốc của Cha trên trời… Trong phần thảo luận, Ngài còn đề cập đến vấn đề ngày nay làm sao chúng ta có thể kết bạn và xây dựng mạng lưới bạn bè trong cộng đồng. Việc tạo ra những kết nối ấy sẽ giúp chúng ta lĩnh hội được những tinh hoa từ chia sẻ của người khác để làm hành trang cho sứ vụ giảng thuyết cho mình… Buổi hội thảo kết thúc bằng thánh lễ lúc 11h30 sáng tại nhà nguyện của Viện Thần Học Aquino.

Sau giờ cơm trưa, chương trình buổi chiều tiếp tục với sáu workshop (thuyết trình đề tài và thảo luận nhóm) được thực hiện bởi các thành viên tham dự hội thảo. Sáu đề tài này được trình bày bởi các nước Việt Nam, Slovakia, Mỹ (Missouri, California, Illinois, New Jersey) đề cập đến sứ vụ giảng thuyết của người Đaminh dựa trên nền tảng kinh thánh và thông qua đời sống xã hội, nghệ thuật, phim ảnh. Với mục đích được đóng góp chia sẻ tiếng nói của mình vào đại gia đình Đaminh thế giới, đoàn Việt Nam gồm 3 đại diện là Cha Giuse Nguyễn Mạnh Hà, soeur Maria Đỗ Thị Kim Ngọc và Maria Hoàng Kim Dung – đại diện Ban Phục Vụ Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh Việt Nam lần lượt trình bày phần thuyết trình của mình xoay quanh chủ đề: Sứ vụ Giảng Thuyết của Gia đình Đaminh Việt Nam tại nước Việt Nam và Thái Lan.

Trong đó, sứ vụ giảng thuyết của người giáo dân Đaminh tại Việt Nam được quan tâm rất nhiều vì huynh đoàn Việt Nam để lại dấu ấn đặc biệt với số lượng đoàn viên đông nhất thế giới là hơn 113,000 đoàn viên. Giờ thuyết trình kéo dài gần 1 tiếng, đủ để tôi có cơ hội trình bày và làm thỏa mãn trí tò mò của nhiều người đang thắc mắc về một huynh đoàn Việt Nam đông đảo như vậy. Qua đó, chân dung của người giáo dân Đaminh Việt Nam lần lượt được tái hiện qua từng thời khắc thăng trầm của lịch sử, một lịch sử oai hùng cần được khắc ghi, những truyền thống văn hoá, gia đình được bảo tồn và gìn giữ cho đến tận hôm nay. Người giáo dân Đaminh Việt Nam nhận thức được ơn gọi sống theo linh đạo Đaminh của mình dựa trên 4 nền tảng chính: Cầu nguyện, học tập, thi hành Sứ vụ tông đồ và hiệp thông huynh đệ. Để trở thành người rao giảng Tin Mừng, người giáo dân Đaminh đang sống theo ơn gọi của Dòng để trở thành những người: hăng say cầu nguyện, ham học hỏi, biết cho đi nhưng không và xây đắp tình bác ái hiệp thông huynh đệ với mọi người.

Qua thời gian, những nền tảng tinh thần ấy được xây dựng và phát triển bằng nhiều cách thức và đem lại nhiều hoa trái cho Dòng với những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, đề tài cũng đề cập đến những khó khăn và thách đố của thời đại, đồng thời cũng là những ưu tư làm sao phát triển huynh đoàn trẻ và xây dựng lớp kế thừa cho huynh đoàn trong tương lai. Phần thảo luận cũng khá sôi nổi với những thắc mắc từ huynh đoàn mới thành lập như Hàn Quốc về cách thức tổ chức, sinh hoạt, hoạt động huynh đoàn và những trăn trở chung của mọi người về thách thức trong sứ vụ truyền giáo tại địa phương mình. Thời gian có lẽ không đủ để chia sẻ hết tâm tư của mình, cho đến tận những phút cuối khi tiếng chuông reo vang lên thì mọi người mới nhanh chân di chuyển ra xe bus về Pallotine, kết thúc ngày hội thảo đầu tiên khá suôn sẻ và tốt đẹp. Con đường về như ngắn lại bởi cảnh vật đã dần nên thân thuộc, ráng chiều còn vương vấn trên những vòm lá xanh um, len lén đậu trên vai người lữ hành áo trắng đang ngả đầu lim dim giấc nồng…

Sáng ngày thứ hai, mùa thu St. Louis dần khắc nghiệt hơn với cô gái miền nhiệt đới. Nhiệt độ xuống đột ngột tầm 10 độ C và bầu trời gần như u ám hẳn. Choàng mấy lớp khăn áo dày, tôi vẫn co ro lẩy bẩy trên chuyến xe bus bật điều hoà máy lạnh cho phần đa số đến từ phương Tây. May mắn thay, các nữ tu xung quanh thì hết sức ân cần lo lắng, chia sẻ thêm áo ấm cho tôi bớt lạnh. Phải rồi, hôm nay là ngày của các chị – những người nữ tu Đaminh tốt bụng giỏi giang. Ngày hôm nay sẽ được nghe chia sẻ của các chị, để thấu rõ hơn đời sống và sứ vụ giảng thuyết nơi những biên cương ấy ra sao. Lòng bỗng thấy ấm lại, và háo hức đợi chờ cho mau đến vòm cổng trường đại học, đến con đường lát gạch đầy hoa hai bên dẫn vào khán phòng hội nghị để mà được nghe…

Lịch trình ngày thứ hai có phần thư thái hơn với buổi diễn thuyết trong buổi sáng của soeur Sara Bohmer – Bề trên Tu Viện Dòng Nữ Đaminh Bethany (Waldniel, Đức), nguyên đại diện Nữ tu Đaminh quốc tế, giáo sư thần học và là nhà kinh tế học, với chủ đề: “Thuần hóa rồng: sứ vụ giảng thuyết của nữ tu Đaminh”.

Ngay từ khi nhập đề, soeur Sara đã bày tỏ sự trăn trở về sứ vụ giảng thuyết với tư cách là một nữ tu Đaminh. Sứ vụ này không chỉ dành riêng cho các nữ tu, nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Sự đóng góp vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng chỉ có thể hoàn thành khi những thách thức khác nhau, cách tiếp cận và kỹ năng của chị em Đaminh trên khắp thế giới được cải thiện. Để làm rõ hơn ý tưởng này, Sơ Sara đã liên hệ đến một truyền thuyết nổi tiếng về “gia đình Bethany” từ thế kỷ XI.

Tương truyền gia đình Bethany gồm Lazaro, Maria Madalena và Matha cùng với các tôi tớ của mình phải chạy trốn về miền Nam nước Pháp để chạy trốn khỏi cuộc bách hại người công giáo đầu tiên tại Palestine. Truyền thuyết không chỉ đặc biệt nói đến một mình Maria Madalena, nhưng là sự ảnh hưởng mạnh mẽ của gia đình Bethany ở Provence. Lazaro trở thành Giám mục. Maria thì hằng ao ước được ở bên Chúa nên chị đã đến hang động Ste. Baume. Tại đó, 7 lần trong ngày các Thiên Thần đưa chị tới đỉnh núi Mount Pilon để được chiêm ngắm Chúa Giêsu. Nhưng còn Martha thì sao? Chị cũng có một vai trò rất đặc biệt. Theo truyền thuyết, chị đến một thành phố nhỏ của Tarascon đang bị đe doạ bởi một con rồng. Marta không chọn cách dũng mãnh để tiêu diệt quái vật, nhưng chị chọn cách thức của phái yếu một cách nhẹ nhàng hơn để thuần hoá rồng.

Nếu như Martha trong Kinh Thánh là người rất năng động hoạt bát trong gia đình, thì Martha ở Tarascon khẳng định vai trò của một phụ nữ độc lập rất dũng cảm đương đầu với thử thách và tiếp thêm hy vọng cho những người đang sống trong tuyệt vọng và sợ hãi. Do vậy, theo soeur Sara, việc “thuần hoá rồng” chính là biểu tượng cho đời sống và sứ vụ của người nữ tu Đaminh. Họ tìm thấy chính mình trong lời dạy của Thánh Phanxico: “Hãy luôn luôn rao giảng Tin Mừng, và khi cần thiết thì chỉ dùng lời mà thôi”. Lời nói sẽ mang mọi người đến gần nhau hơn, để chia sẻ với những nỗi đau xung quanh mình, để xây dựng mạng lưới nối kết cộng đồng và tự hào là người nữ tu Đaminh giảng thuyết trong thời đại mới…

Buổi trưa, thời biết bắt đầu ấm dần lên và có chút nắng nhạt. Theo lịch trình, chúng tôi được xe bus đưa đi tham quan St. Louis với những địa điểm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi thành phố. St Louis là một thành phố mang nét đẹp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Nét đẹp truyền thống thể hiện trong kiến trúc tổng thể của thành phố, không chỉ được nhìn thấy ở những ngôi nhà tường nâu hoặc đỏ phủ cây xanh, mà ở khắp các trường học, bệnh viện, nhà thờ,… St. Louis có rất nhiều nhà thờ đẹp, và sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến Vương Cung Thánh Đường Thánh đường Saint Louis, còn được gọi là Nhà thờ Saint Louis, nơi chúng tôi được đặt chân đến tham quan.

Nhà thờ toạ lạc trong khu vực Central West End của St. Louis, Missouri. Hoàn thành vào năm 1914, đó là nhà thờ mẹ của Tổng Giáo Phận St. Louis và nơi ở của tổng giám mục. Thánh hiến nhà thờ đã diễn ra hơn một thập kỷ sau đó. Bên trong, trần nhà thờ phủ đầy các bức hoạ đồ sộ tái hiện lại Kinh Thánh Tân Ước được vẽ tỉ mỉ, công phu, tuyệt đẹp và thêm tác phẩm điêu khắc ngoài trời để thúc đẩy sự hòa hợp chủng tộc. Là một thành phố phát triển năng động, theo lịch sử còn được gọi là “Cửa Ngõ miền Tây” nên khi nhắc đến St. Louis, người ta nhớ ngay đến hình ảnh gắn liền với tên gọi này chính là Vòm Cung Gateway St. Louis. Nằm bên dòng Mississippi thơ mộng, Vòm cung Gateway Saint Louis bang Missouri – Mỹ cao gần 200 mét trở thành một trong những biểu tượng du lịch bắt mắt của nước Mỹ rộng lớn, và được coi là một trong những kỳ quan nhân tạo của những con người tài hoa.

Ngoài ra, chúng tôi còn được ghé thăm Tu Viện Thánh Đaminh thuộc Tỉnh Dòng Thánh Albeto Cả và kết thúc chuyến tham quan ở thiên đường kem Ted Drewes Frozen Custard để thưởng thức những ly kem khổng lồ mà ngon tuyệt giữa trời chiều lạnh căm căm. Cuối ngày, khi tiếng Kinh Chiều vừa dứt, các đại biểu họp theo nhóm các khu vực Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ để chia sẻ kinh nghiệm mục vụ giảng thuyết của mình và thống nhất thời gian cho kỳ hội thảo sắp tới theo khu vực. Kết quả là Châu Á Thái Bình Dương sẽ mở tiếp hội thảo riêng cho khu vực của mình vào tháng này năm sau, tức tháng 10/2017 tại Philippines. Các khu vực còn lại là Châu Âu, Châu Mỹ sẽ tổ chức lần lượt vào các năm sau đó 2018, 2019.

Ngày cuối cùng của hội thảo bắt đầu bằng giờ nguyện kinh như thường lệ và thánh lễ ban sáng. Sáu workshop còn lại cũng được thực hiện trong buổi sáng này tại ngay tại trung tâm Pallotine. Các đại biểu đến từ Phillipines, Đức, Mỹ (New Jersey), Canada và Peru trình bày mối quan tâm của họ về giảng thuyết trong thời đại xã hội công nghệ thông tin phát triển, trong một thế giới đa tôn giáo, trong công tác mục vụ giáo xứ, trong đào tạo huấn luyện ơn gọi và tất cả những điều đó được đặt trên nền tảng vững chắc là lời cầu nguyện liên lỉ của các nữ tu Đan viện. Buổi trưa, sau khi tập trung trước cổng trung tâm chụp hình lưu niệm với nhau, xe bus đưa đoàn tiếp tục đến Đại học St. Louis để lắng nghe phần thuyết trình của đại diện huynh đoàn giáo dân Đaminh – chị Mary N. Erika Bolanos – Giáo sư Thần học Đại học Thánh Tôma, Manila. Ngạn ngữ Mỹ có câu: “Điều tốt đẹp nhất được để dành cho giây phút sau cùng”. Quả đúng như vậy, cả khán phòng như bùng nổ với phần diễn thuyết cực kỳ lôi cuốn và hấp dẫn của chị.

Đề tài của chị về “Sứ vụ giảng thuyết của nữ giáo dân Đaminh, chứng nhân trong đời sống đức tin” quả thật không có gì qua mới mẻ, người nghe được dẫn dắt vào hành trình rao giảng đức tin tại quê hương chị đang sinh sống, tại khắp mọi miền đất nước nơi chị từng đặt chân đến để dạy giáo lý cho người bản địa. Nhưng cách chị và mọi người vượt qua khó khăn, dám đương đầu với thách thức về xung đột tôn giáo, sắc tộc, về những thiếu thốn vật chất cơ bản đáng để cho mọi người khâm phục và suy gẫm về con đường sứ vụ của một người giáo dân Đaminh. Sự nhiệt huyết và chân thành của chị trong việc thi hành sứ vụ làm tôi liên tưởng đến lời nói của Thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Corinth: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16-18).

Thật vậy, khác với các linh mục và tu sĩ, người giáo dân Đaminh là những người sống hoà nhập thực sự giữa đời sống xã hội, hơn ai hết họ thấu hiểu được những nhu cầu, tâm tư của con người trong đời sống hằng ngày. Khốn cho họ, nếu họ không nhận thức được vị thế đó để biến thành sức mạnh nâng đỡ cho mình trên bước đường thực thi sứ vụ giảng thuyết theo ơn gọi của người giáo dân Đaminh. Ngày hội thảo cuối cùng đem lại biết bao cảm xúc khó tả, tôi thật may mắn vì có cơ hội được lắng nghe những trải nghiệm tuyệt vời này để làm hành trang cho đời sống đức tin và ơn gọi Đaminh của mình. Cuối ngày, đoàn được vinh hạnh tham dự Tiệc chiêu đãi thường niên lần thứ 22 để vinh danh những đóng góp to lớn và trao giải Nhà Diễn Thuyết Tài Ba của Viện Thần học Aquino. Tiệc kết thúc lúc 9h00 đêm cũng là lúc Tp. St Louis lên đèn rực rỡ và đến lúc phải chia tay sớm với một số người đến từ các tiểu bang khác của nước Mỹ. Gió hối hả rít trên vòm cây buông hơi lạnh buốt giá làm se lòng thêm cho những cái ôm để chào tạm biệt nhau. Xe bus trống trải hơn trên con đường thênh thang về lại trung tâm Pallotine, không khí chùng xuống hẳn, không ai nói với ai lời nào, có lẽ vì lo lắng hay e ngại phải nói lời chia tay vào buổi sớm mai…

Buổi sáng cuối cùng, tôi thức dậy khi trời còn chưa sáng hẳn. Kéo rèm nhìn qua ô cửa, cảnh vật còn chìm trong đám hơi sương mỏng tang màu khói trắng. Xa xa là những căn nhà nhỏ xinh xinh nằm thoai thoải trên triền dốc phủ đầy lớp cỏ xanh non tơ. Một khung cảnh bình yên đến lạ. Tôi trầm tư suy nghĩ về một chặng đường ngắn ngủi mà đầy ý nghĩa vừa qua với biết bao kỷ niệm đẹp. Những ngày qua là một trải nghiệm khó quên với khí hậu, thức ăn ở một nơi có văn hoá khác biệt hoàn toàn với văn hoá phương đông. Hành trang mang về nhà sẽ là cả một biển trời tri thức, những kinh nghiệm quý báu mà tôi học hỏi được từ những nhà giảng thuyết tài ba của Dòng. Hội thảo cũng là nơi thắt chặt tình thân và nối kết mạng lưới Đaminh toàn cầu, để sứ vụ giảng thuyết của Dòng được triển nở bằng những cánh tay nối dài trên những vùng đất mới xa xôi. Tôi thầm biết ơn Dòng, đặc biệt là Ban Tổ chức Hội Thảo, Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam và Huynh Đoàn giáo Dân Đaminh Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi có được những trải nghiệm tuyệt vời này trên đất Mỹ.

Những điều học được từ chuyến đi chắc chắn là vô giá. Cuộc vui nào rồi cũng tàn, đến lúc phải chia tay tạm biệt. Người đi trước, kẻ về sau. Những cái nắm tay ôm xiết vội vàng để cho kịp chuyến bay sớm và lời hứa hẹn gặp lại vào kỳ hội thảo sắp tới. Chúng tôi tản đi mỗi người một ngả, trở về nơi đã đưa mình đến, hoặc còn lưu lại trên đất Mỹ vài ngày để tham quan. Chuyến bay đưa tôi đi, từ trên cao nhìn xuống, thành phố St. Louis nhỏ lại và khuất dần trong tầm mắt, tôi miên man nhớ đến nụ cười rạng rỡ của những người bạn mới quen đến từ Hàn Quốc, Philippines, Na Uy, Thụy Điển, Peru và mơ về một ngày hội ngộ không xa…

 

 

Xem thêm hình ảnh về Hội Nghị