Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.
Nguyên Bề trên Giám tỉnh
1. Curia và Tu viện
Theo lối tổ chức của Dòng Đa Minh, một Tỉnh Dòng thường có nhiều Tu viện với một số nhân sự và cách điều hành được quy định theo Hiến Pháp. Mỗi Tu viện được bầu Bề trên để cai quản với những quyền khá rộng rãi. Tu viện là “cộng đoàn căn bản”, vì đây là nơi mỗi thành viên sống thật và sống trọn vẹn nhất cuộc sống của mình, cũng như thực thi ơn gọi và sứ vụ của mình. Đồng thời, chính mỗi Tu viện, qua đời sống và sinh hoạt của mình, phải trở thành một lời chứng chân thật về sự hiệp thông trong đời sống thánh hiến, và là nơi anh em thi hành sứ vụ giảng thuyết mang tính cộng đoàn. Đó là một chọn lựa đầy tính nhân bản, và có lẽ cũng đầy ý nghĩa đức tin trong linh đạo của Dòng. Lựa chọn đó cho thấy linh đạo Đa minh không muốn một cá nhân thành viên nào bị trở thành một dụng cụ, một phương tiện chỉ nhằm đáp ứng cho một chương trình lớn lao nào. Lựa chọn đó cho thấy linh đạo Đa Minh đặt niềm tin vào Chúa nhiều hơn trên chương trình tổng thể, còn trách nhiệm của con người lại là chính cuộc sống thật, sống ơn gọi và sứ mệnh của mình một cách chân thật, trong môi trường thật của cuộc sống hằng ngày. Nếu so sánh với luật “bổ trợ” trong học thuyết xã hội của Giáo Hội, và so sánh với ý nghĩa của sự hiệp nhất theo công đồng Vatican II, chúng ta sẽ thấy rõ lựa chọn của linh đạo Đa Minh là một lựa chọn đúng đắn trong tầng căn bản của ý nghĩa nhân bản cũng như ý nghĩa của đức Tin.
Tuy nhiên, cái khó khăn muôn đời của kiếp sống con người vẫn luôn dính dáng tới mối tương quan giữa cá nhân và tập thể, giữa những điều tạm gọi là một “tập thể đơn vị” với một “tập thể bao quát”. Bất cứ một sự loại trừ, hoặc một sự thiên lệch quá đáng nào cũng sẽ để lại những hậu quả tai hại. Thật vậy, một sự hiệp thông đích thực trong đời sống cộng đoàn không bao giờ chân chính trong sự đóng kín, trong thái độ tự túc tự cường, nhưng thiết yếu mang tính cách rộng mở, liên đới trách nhiệm ở những cấp độ lớn hơn. Chính vì thế, Hiến Pháp đã nói:
“Như tu luật dạy, sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa. Sự thống nhất này vượt qua các ranh giới Tu viện, đạt tới sự viên mãn khi hiệp thông với Tỉnh Dòng và toàn Dòng” (Hiến Pháp số 2, khoản 1).
Mỗi đơn vị Tu viện không chỉ nhìn vào mình, không chỉ lo cho mình, chỉ thấy những lợi ích địa phương, nhưng vẫn cần phải được hướng dẫn và hiệp nhất theo một kế hoạch được đề ra nhằm phục vụ sứ vụ chung, do chính các vị Bề trên của các đơn vị đã đồng ý với nhau. Nói cách khác, nếu như không thể “áp đặt” một chương trình chung cách khiên cưỡng và một tập thể đơn vị, thì mỗi tập thể đơn vị lại không thể nào không hội nhập đường hướng phát triển của mình vào một chương trình chung, để xây dựng một sự hiệp nhất lớn hơn và trọn vẹn hơn.
Mặt khác, nếu việc hình thành các kế hoạch, các dự phóng đã đòi phải có lòng dũng cảm, thì việc thực thi kế hoạch lại là thách đố lớn lao hơn nhiều. Không thiếu những dự phóng, những quyết định đã được bàn cãi sôi nổi ở Tỉnh hội, nhưng khi về đến Tu viện thì chẳng còn là gì cả. Mỗi đơn vị vẫn biết kế hoạch chung của Tỉnh Dòng, nhưng nhà nào cũng có những kế hoạch riêng phù hợp hơn, ít là trước mắt, với hoàn cảnh và nhân sự của mình. Quả thật, để có một sự hiệp nhất chân thật, để làm một tu sĩ Đa Minh chân thật, để có một cộng đoàn Đa Minh chân thật, nguyên điều đó cũng không dễ một chút nào. Ở đây, có lẽ chúng ta cần hiểu rằng Thiên Chúa làm chủ thời gian, và Người có đủ kiên nhẫn với con người; còn con người lại nằm trong thời gian, bị xô đẩy với những bức bách của thời cuộc, lại luôn dễ rớt vào thái độ “tính toán” chương trình cho Chúa. Không thể thực hiện chương trình ngay lập tức, nhưng cũng không thể cứ an ổn, dậm chân tại chỗ trong việc chỉ lo giải gỡ những khó khăn trước mắt. Không thể bắt Thiên Chúa thực hiện chương trình của mình, nhưng cũng không thể mặc kệ Thiên Chúa trong chương trình của Người.
2. Mong mỏi một “cộng đoàn Curia”
Hiến Pháp Dòng chỉ đề cập đến vai trò và nhiệm vụ của Giám Tỉnh là người đứng đầu Tỉnh Dòng. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ lâu đã cho thấy, các kế hoạch đã được phê duyệt này cần được thúc đẩy, xem xét, và nhất là cần được nối kết với nhau để đạt được hiệu quả cao nhất và thích hợp nhất.
Thêm vào đó, Giám Tỉnh là người chịu trách nhiệm về đường lối đối nội và đối ngoại của Tỉnh Dòng. Việc liên hệ và gặp gỡ các anh em, hiểu biết hoàn cảnh của mỗi người không phải là việc đơn giản. Mỗi cộng đoàn tại các địa phương, nhất là các địa điểm mới, cần được quan tâm nâng đỡ về mọi thứ vấn đề hầu có thể tự lập và thực thi sứ vụ của Dòng.
Chính vì vậy, Giám Tỉnh cần có những người hỗ trợ để việc điều hành có thể xuôi xắn và sứ vụ của Dòng được thực thi ở mức độ cao nhất. Theo lối tổ chức của Dòng Đa Minh, các vị cố vấn Tỉnh Dòng (khoảng từ 6 – 8 vị) không sống chung với Giám Tỉnh, nhưng sống tại các cộng đoàn địa phương của mình, như một tu sĩ với các bổn phận tại cộng đoàn địa phương. Các vị cố vấn chỉ được triệu tập vào những phiên họp, tuỳ theo quy định và tình hình, và chỉ lúc ấy mới thi hành chức vụ cố vấn của mình. Kết quả cụ thể là thường các vị cố vấn chỉ giúp Giám Tỉnh để giải quyết đúng pháp lý những vụ việc cụ thể chứ ít khi cùng tham gia vào việc hoạch định kế hoạch chung, cũng như thúc đẩy thực hiện những dự phóng chung. Thực ra, bên dưới những giải pháp pháp lý trong một vụ việc, thực tại cuộc sống luôn hàm chứa rất nhiều mâu thuẫn, éo le, rắc rối, và những điều này thì thường được phó mặc cho Giám Tỉnh. Giám Tỉnh thường cô đơn trong nhiều quyết định của mình; và ngược lại nhiều chương trình, kế hoạch của Tỉnh Hội cũng thường trôi nổi theo cách suy nghĩ hoặc tâm tính của Giám Tỉnh trong tình trạng “cô đơn” ấy.
Đã từ rất lâu rồi, nhiều anh em trong Tỉnh Dòng đều ý thức được rằng Tỉnh Dòng cần có một nơi riêng, gọi là Curia – trụ sở, để cùng với Giám Tỉnh, có những anh em khác thường xuyên quan tâm theo dõi, bàn bạc, góp ý về những vấn đề của Tỉnh Dòng; để nhờ đó sinh hoạt của Tỉnh Dòng có những khích lệ, đôn đốc hầu được khởi sắc hơn. Tôi nhớ có một lúc cách đây khoảng 20 năm, ý kiến này đã được chấp thuận và sắp trở thành hiện thực. Tiếc là vì một số ngăn trở vào phút cuối nên chưa thực hiện được.
Mãi cho đến ngày 01 tháng 04 năm 2004, cách đây đúng 10 năm, ước mơ này mới thành sự thật. Sau khi nhận lại cơ sở 43 Nguyễn Thông, anh em bên Tu viện Mai Khôi đã sắp xếp lại và dành một tầng lầu bên phía nhà 43 Nguyễn Thông để làm trụ sở Tỉnh Dòng. Tuy cơ sở còn rất khiêm tốn và nhỏ bé, nhưng nơi đây đã bắt đầu hình thành một cộng đoàn Tỉnh Dòng, với những nhân sự chủ chốt cho việc điều hành gồm có Giám Tỉnh, Phụ Tá Giám Tỉnh, Tổng Quản Lý, Thư Ký… Chính đây là nơi để tiếp đón các vị khách, quốc tế lẫn quốc nội, kể cả các anh em, và cũng lo điều hành các công việc của Tỉnh Dòng, những hoạt động liên quan đến sứ vụ, mà không chỉ của riêng anh em, nhưng là mọi thành phần trong Gia Đình Đa Minh: các nữ đan sĩ, anh chị em huynh đoàn, các chị em nữ tu…
Sau khi Tu viện Mai Khôi xây được cơ sở mới vào năm 2007, Tỉnh Dòng tiến hành sửa sang lại khu Villa cũ và bắt đầu sinh hoạt tại cơ sở 229 Võ Thị Sáu từ tháng Giêng 2008.
Tạm kết
Curia không phải chỉ là một ngôi nhà. Curia hiện diện như là hoa trái của lịch sử, của tâm tư, của não trạng,… trong đó ít nhiều có những nỗ lực và thiện chí muốn sống, muốn thực thi tinh thần Đa Minh một cách trọn vẹn hơn. Ghi nhận dấu ấn 10 năm Curia, đó là dịp để Tỉnh Dòng ngoái nhìn lại hành trình của mình; ngoái nhìn, trước tiên, có lẽ để hiệp thông được bám rễ trên mặt đất thật của lịch sử, để cùng vui cùng buồn với nhau, để cùng ưu tư và cùng hy vọng với nhau, và để cùng bắt tay nhau trên hành trình sứ vụ….
Tháng 03 năm 2014