Giải Phóng Và Thần Học Giải Phóng

0
2006


Vũ Văn An

 

THẦN HỌC GIẢI PHÓNG

Các vị giáo hoàng từ Đức Phaolô VI tới Đức Phanxicô đều hiểu giải phóng theo chiều hướng trên, và không hề quên đề cập tới cảnh nghèo vật chất và nhu cầu phải dấn thân vì người nghèo. Rất nhiều Kitô hữu đã chấp nhận sống trong các điều kiện phi nhân để giúp đỡ và an ủi vô số nạn nhân của cảnh nghèo. Trong số ấy “một số người cố gắng tìm ra phương thế hữu hiệu nhất để nhanh chóng kết liễu tình thế không thể nào chịu đựng được này”.

Bất hạnh thay, sự nhiệt tâm và lòng xót thương của những người này đôi khi bị lái qua những công việc gây hại tới con người chẳng kém gì chính cảnh nghèo mà họ tìm cách tiêu diệt. Bởi lòng nhiệt thành này, cộng với tính khẩn trương của tình thế, khiến họ đặt việc phúc âm hóa vào trong ngoặc như thể triển hạn nó tới ngày mai: trước nhất phải có cơm bánh cái đã, sau mới là Lời Chúa, ngược hẳn với giáo huấn của Chúa Giêsu: “Con người không sống nguyên bằng cơm bánh mà còn bằng mọi lời Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Đnl 8:3).

Có người đi xa hơn, coi cuộc đấu tranh tất yếu cho công lý và tự do theo nghĩa kinh tế và chính trị đủ tạo ra toàn bộ yếu tính của cứu rỗi. Đối với họ, Tin Mừng chỉ là tin mừng hoàn toàn có tính trần thế.

Các nền thần học gọi là giải phóng thường nằm giữa việc “ưu tiên chọn người nghèo” và cơn cám dỗ muốn giản lược Tin Mừng vào lãnh vực trần thế. Chỉ thị nói tới các nền thần học giải phóng muốn đề xuất lối giải thích mới cho cả nội dung đức tin lẫn cuộc sống Kitô Giáo, khác với lối giải thích của Giáo Hội, mà thực tế là bác bỏ lối giải thích sau. Lối giải thích của họ dựa vào ý thức hệ Mácxít và nếu có căn cứ vào Thánh Kinh thì lại dựa vào lối giải thích duy lý và do đó, làm băng hoại bất cứ những gì chân thực trong cam kết buổi đầu phục vụ người nghèo của họ.

PHÂN TÍCH MÁCXÍT

Như trên đã nói sự nôn nóng muốn thấy kết quả ngay đã khiến một số Kitô hữu dựa vào lối phân tích của chủ nghĩa Mác để tìm ra phương cách chấm dứt cảnh nghèo. Họ cho rằng phương pháp này duy nhất có tính khoa học và do đó hữu hiệu tìm ra căn nguyên nghèo đói để tiêu diệt.

Khó khăn đầu hết của chọn lựa này, theo chỉ thị, là việc phân tích này chỉ là một phần trong lý thuyết của Mác; người ta khó có thể chỉ chọn một phần và bỏ các phần khác, vì lý thuyết của Mác là một viễn kiến toàn bộ về thực tại trong một “cấu trúc triết lý và ý thức hệ… Các nguyên tắc ý thức hệ đến trước việc nghiên cứu thực tại xã hội và được giả thiết trong việc nghiên cứu này. Thành thử, không thể tách biệt các phần của phức thể độc đáo về nhận thức luận này được”.

Chỉ thị cho rằng đó là giáo huấn của Đức Phaolô VI khi ngài dạy rằng “quả là ảo tưởng và nguy hiểm khi không lưu ý tới mối liên kết chặt chẽ từng hợp nhất chúng lại với nhau một cách căn để, và chấp nhận các yếu tố trong lối phân tích của Mác mà không nhìn ra các liên kết của nó với toàn bộ ý thức hệ, hay bước vào việc thực hành đấu tranh giai cấp và giải thích Mácxít mà không nhìn thấy loại xã hội toàn trị mà diễn trình này từ từ dẫn ta vào” (Octogesima Adveniens, n.34 AAS 63 (1971) pp. 424- 425).

Vả lại, cốt lõi lý thuyết của Mác là chủ nghĩa vô thần và việc bác bỏ con người nhân bản cùng tự do và các quyền của họ, tất cả đều là những “lầm lạc trực tiếp đe dọa các chân lý đức tin liên quan tới số phận đời đời của cá nhân. Ngoài ra, cố gắng tích nhập vào thần học một thứ phân tích mà tiêu chuẩn giải thích tùy thuộc quan niệm vô thần là tự mâu thuẫn với chính mình. Hơn thế nữa, việc hiểu sai bản chất thiêng liêng của con người còn dẫn đến việc bắt con người phải phụ thuộc tập thể, và do đó dẫn tới việc không thừa nhận các nguyên tắc sinh hoạt xã hội và chính trị phải phù hợp với nhân phẩm”.

Tóm lại các phương pháp phân tích vay mượn của bất cứ ai cũng phải được thần học gia sử dụng dưới ánh sáng đức tin, theo viễn tượng thần học. Nói cách khác, tiêu chuẩn tối hậu và dứt khoát chỉ có thể là tiêu chuẩn thần học.

Chỉ thị, sau đó, đã bàn tới các điểm đặc thù trong lý thuyết của Mác. Trước nhất, đối với Mác, “phân tích” không thể tách rời khỏi “nghiệm tác” (praxis) (1) và quan niệm lịch sử mà nghiệm tác này được nối vào. Phân tích là khí cụ của phê phán và phê phán chỉ là một giai đoạn của đấu tranh cách mạng và cuộc đấu tranh này chính là cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản.

Đối với lý thuyết Mácxít, chỉ những ai dấn thân vào cuộc đấu tranh này mới phân tích chính xác mà thôi. Thành thử, ý thức chân thực duy nhất là ý thức “đảng phái”: không có chân lý nào ngoài chân lý “trong và nhờ nghiệm tác đảng phái”, nói cách khác chỉ có chân lý do “đấu tranh giai cấp” tạo ra, chân lý là chân lý của giai cấp; chỉ có chân lý trong cuộc đấu tranh của giai cấp cách mạng.

Như thế, định luật căn bản của lịch sử, tức định luật đấu tranh giai cấp, hàm nghĩa: xã hội được xây dựng trên bạo lực: bạo lực tạo ra mối tương quan giầu thống trị nghèo, và phản đề biện chứng là phản-bạo lực cách mạng nhờ đó tương quan thống trị được đảo ngược.

Đấu tranh giai cấp được trình bày như một định luật khách quan, tất yếu. Nhờ bước vào diễn trình này nhân danh người bị áp bức, người ta “làm nên” chân lý, hành động “hợp khoa học”. Thành thử, quan niệm chân lý đi song song với việc khẳng định bạo lực tất yếu, và do đó, khẳng định tính phi luân chính trị (political amorality). Trong viễn tượng này, bất cứ tham chiếu đạo đức nào đòi phải cải cách định chế và cơ cấu một cách can đảm và triệt để đều vô nghĩa.

Chỉ thị cho rằng, theo quan điểm Mácxít, đấu tranh giai cấp là sức mạnh lèo lái lịch sử. Lịch sử như thế trở thành ý niệm trung tâm. Và chỉ có một lịch sử, việc phân biệt giữa lịch sử cứu độ và lịch sử phàm trần không còn cần thiết nữa. Bởi thế, theo thần học giải phóng, nước Thiên Chúa và việc lớn mạnh của nó được đồng hóa với phong trào giải phóng con người, lịch sử trở thành diễn trình con người tự cứu chuộc mình bằng đấu tranh giai cấp. Việc đồng hóa này đi ngược lại đức tin của Giáo Hội, như đã được trình bày tại số 39 của hiến chế Gaudium et Spes.

Có người còn đi xa hơn, đã đồng hóa Thiên Chúa với lịch sử và định nghĩa đức tin như là “lòng trung thành với lịch sử” nghĩa là trung thành với chính sách chính trị phù hợp với việc lớn mạnh của loài người, được quan niệm như một chủ nghĩa thiên sai hoàn toàn trần thế. Đức tin, đức cậy và đức mến trở thành “trung thành với lịch sử”, “tin tưởng tương lai” và “chọn người nghèo”. Thực tại đối thần không còn nữa. Trong hệ thống này, mọi khẳng định của đức tin hay của thần học đều phụ thuộc tiêu chuẩn chính trị, tiêu chuẩn chính trị phụ thuộc đấu tranh giai cấp, vốn là sức mạnh lèo lái lịch sử.

Như thế, tham dự vào đấu tranh giai cấp là một đòi hỏi của chính đức ái. Ý nguyện yêu thương mọi người ngay ở đây và ngay lúc này, bất chấp giai cấp, gặp gỡ họ bằng các phương tiện bất bạo động như đối thoại và thuyết phục bị tố cáo là phản sản xuất và chống lại tình yêu…

Trong ý hướng này, Giáo Hội chỉ là một thực tại bên trong lịch sử, lệ thuộc các định luật của lịch sử, không còn là hồng phúc do Thiên Chúa ban hay mầu nhiệm đức tin nữa. Điều tích cực duy nhất là chủ trương “Giáo Hội của người nghèo”: ưu tiên phải dành cho người nghèo vì họ là người được Thiên Chúa yêu thương hơn. Chủ trương này giúp các chi thể Giáo Hội ý thức đầy đủ hơn các đòi hỏi của Tin Mừng về cảnh nghèo.

Chỉ có điều, thần học giải phóng đồng hóa “người nghèo” của Thánh Kinh với “giai cấp vô sản” của Mác. Do đó, đã hủ hóa ý nghĩa Kitô Giáo về người nghèo. Và Giáo Hội của người nghèo có nghĩa là Giáo Hội của giai cấp đã ý thức được nhu cầu phải đấu tranh cách mạng làm bàn đạp tiến tới giải phóng và không ngại cử hành việc giải phóng này trong phụng vụ.

Tóm lại, đối với chỉ thị, sai lầm lớn nhất của thần học giải phóng là đã thay thế “nền giáo lý chính thống” (orthodoxy) tức qui luật đúng đắn của đức tin bằng “nền nghiệm tác chính thống” (orthopraxis) làm tiêu chuẩn cho chân lý. Ở đây, không nên lẫn lộn “nghiệm tác” cách mạng với xu hướng thực tiễn vốn có trong thần học truyền thống: một phương pháp thần học lành mạnh luôn xem sét tới “nghiệm tác” của Giáo Hội, nhưng “nghiệm tác” này phát xuất từ đức tin và là phát biểu sống động của đức tin.

Dĩ nhiên sai lầm nghiêm trọng khác là việc tục hóa Nước Thiên Chúa và nội tại hóa nó vào lịch sử nhân bản. Hai điều này khiến ta nhìn sai con người của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là người vừa là Thiên Chúa đích thực. Chúng cũng bác bỏ đặc tính chuyên biệt của ơn cứu độ do Người mang tới là giải phóng ta khỏi tội lỗi, vốn là nguồn gốc mọi sự ác.

MẠNH BẠO VÀ CAN ĐẢM

Như trên đã nói, trong phần “định hướng mới” (phần X của chỉ thị), tất cả các điều trên được coi là “các lệch lạc nghiêm trọng” (serious deviations). Nhưng không được dùng việc vạch ra chúng làm cớ để người ta tiếp tục giam hãm người nghèo trong cảnh bần cùng, hay lạm dụng họ hoặc không làm gì cả, dửng dưng. Đáp lại tiếng kêu cứu của người nghèo, Giáo Hội khẩn thiết kêu gọi toàn thể các thành viên của mình: phải mạnh bạo và can đảm, nhìn xa trông rộng và khôn ngoan, nhiệt tâm và mạnh mẽ trong tinh thần để yêu thương người nghèo, một yêu thương đòi phải hy sinh. Giáo Hội khuyên các mục tử phải lấy việc này làm ưu tiên cao nhất.

Chỉ thị kêu gọi các thần học gia hợp tác một cách trung thành và trong tinh thần đối thoại với Huấn Quyền Giáo Hội. Chỉ có thế, ta mới lượng giá được nhu cầu tiến bộ và giải phóng một cách chân chính. Việc giải phóng này phải dựa vào những cột trụ chính sau đây: chân lý về Chúa Giêsu Cứu Thế, chân lý về Giáo Hội, và chân lý về con người và phẩm giá của họ. Chính dưới ánh sáng Các Mối Phúc, nhất là mối phúc “người nghèo”, mà Giáo Hội trở thành Giáo Hội của người nghèo, với ý hướng hỗ trợ cuộc đấu tranh cao cả giành chân lý và công bình.

Việc bảo vệ công bình muốn hữu hiệu phải đặt cơ sở trên chân lý về con người, được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi hưởng ơn phúc làm con cái Người. Chính mối tương quan này tạo nên nền tảng của công bình. Cuộc đấu tranh giành quyền cho con người tạo nên cuộc đấu tranh đúng nghĩa giành công lý. Cuộc đấu tranh này phải được tiến hành theo cung cách nhất quán với với nhân phẩm. Bạo lực mù quáng cần bị kết án. Dùng bạo lực tái lập công lý chỉ là một ảo tưởng.

Chỉ thị cho rằng nguồn gốc bất công nằm ở trái tim con người. Chỉ có “tiềm năng tinh thần” hay việc hồi hướng nội tâm mới đem lại các thay đổi xã hội chân chính nhằm thực sự phục vụ con người. Vì nói cho cùng, đối với Kitô Giáo, Chúa Thánh Thần mới là nguồn của mọi canh tân đích thực và Thiên Chúa mới là chủ lịch sử thật sự.

Ngoài ra, chỉ thị nhấn mạnh tới “ý nghĩa xã hội của Giáo Hội” theo nghĩa “nghiệm tác” mục vụ và hành động xã hội lấy hứng từ Tin Mừng. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đề ra các nét chính cho đường hướng đạo đức; các nét chính này cần được khai triển bởi các nhà chuyên môn trong các lãnh vực khoa học, kỹ thuật cũng như khoa học nhân văn và chính trị. Các mục tử nên đào tạo ra các nhà chuyên môn biết sống Tin Mừng một cách sâu sắc theo hướng này.

Chỉ thị không hẳn không thấy nhiều điểm tích cực của thần học giải phóng, nhưng lo ngại trước việc chúng thiếu hẳn “phẩm chất và nội dung giáo lý” nhất là những điều căn bản như Thiên Chúa thật và là người thật, tính tối thượng của ơn thánh, bản chất đích thực trong các phương thế cứu độ, nhất là Giáo Hội và các bí tích. Ngoài ra, phải quan tâm tới ý nghĩa đích thực của đạo đức: không nên tương đối hóa sự phân biệt thiện ác, ý nghĩa đích thực của tội lỗi, sự cần thiết của hồi tâm, tính phổ quát của luật yêu thương huynh đệ.

Một lần nữa, trước khi kết thúc, chỉ thị cảnh cáo hiện tượng “những người bảo vệ giáo lý chính thống đôi khi bị tố giác là thụ động, khoan dung, hay đồng loã một cách đáng kết án đối với các hoàn cảnh bất công không thể nào dung thứ được cũng như đối với các chế độ chính trị chủ trương kéo dài các hoàn cảnh này”. Mọi người cần hồi tâm, tăng cường tình yêu Chúa và tha nhân, nhiệt thành đối với công lý và hòa bình, nắm chắc ý nghĩa Tin Mừng về người nghèo và cảnh nghèo… Quan tâm tới sự tinh ròng của đức tin đòi ta phải làm chứng hữu hiệu qua việc phục vụ anh em, nhất là người nghèo.

Câu kết thúc của chỉ thị khá lạc quan, khi cho rằng không thiếu Kitô hữu đã dấn thân trên con đường Tin Mừng đích thực này nhằm tạo ra một một xã hội công bằng.

THẦN HỌC GIẢI PHÓNG ĐÍCH THỰC

Với nhận định lạc quan trên trong một chỉ thị mà phần đông coi như để kết án thần học giải phóng, ta có thể nghĩ rằng Đức HY Ratzinger muốn nhắn gửi: những người này mới làm thần học giải phóng đích thực. Và đó là kết luận mặc nhiên của Đức TGM Muller, căn cứ vào cuộc phỏng vấn ngài của Włodzimierz Rędzioch, thuộc tuần báo Ba Lan Niedziela.

Trong cuộc phỏng vấn này, Đức TGM Muller “phân biệt giữa một nền thần học giải phóng xấu và một nền thần học giải phóng tốt”. Thần học giải phóng xấu là nền thần học dựa vào ý thức hệ Mácxít, là ý thức hệ chủ trương nền độc tài của giai cấp vô sản. Nền thần học giải phóng tốt nói về tự do và tình yêu. Thần học giải phóng xấu khước từ chiều kích siêu việt. Nền thần học giải phóng đích thực xây dựng Nước Thiên Chúa dựa trên Thánh Kinh, các Giáo Phụ, Vatican II…

Tuy hài lòng về việc hai chỉ thị của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ngăn cản không để thần học giải phóng trở thành một nền thần học chính thức của Giáo Hội, Đức TGM Muller vẫn cho rằng các khía cạnh tiêu cực mà Đức Bênêđíctô XVI nhắc đến trong buổi tiếp kiến các giám mục Ba Tây ngày 7 tháng Mười Hai, năm 2009 “là kết quả của một sự hiểu sai, một sự áp dụng sai, thần học giải phóng.”

Thậm chí, như trên đã nói, trong phần dẫn nhập tác phẩm viết chung với Cha Gutiérrez, ngài còn cho rằng thần học giải phóng là một trong các trào lưu có ý nghĩa nhất của thần học Công Giáo thế kỷ 20. Điều này thực ra muốn nói gì?

Đức TGM Muller cho rằng lấy Vatican II làm mốc, ta có thể chia thế kỷ 20 thành hai giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị từ sau Thế Chiến I tới Vatican II và giai đoạn thi hành từ sau Vatican II trở đi. Trong giai đoạn chuẩn bị, ta có các phong trào canh tân về thánh kinh, phụng vụ, và xã hội đem tới cái hiểu mới về bản chất Giáo Hội. Trong giai đoạn thi hành, nhiều phong trào mới có ý định đem các thúc đẩy và hướng dẫn của Vatican II ra áp dụng để giải quyết các thách đố lớn lao của thế giới hiện đại. “Trong ngữ cảnh này, tầm quan trọng cao nhất đã được dành cho thần học giải phóng trong phạm vi hai hiến chế ‘Lumen Gentium’ và ‘Gaudium et Spes’”.

Giải thích rõ hơn, ngài viết thêm rằng muốn hiểu Vatican, không những phải đọc các tuyên bố của nó mà còn phải lưu ý tới các phạm trù mới nó đưa ra để nói về nguồn gốc và sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Trong ngữ cảnh này, mạc khải Thiên Chúa được hiểu không phải như một thông tri về các thực tại siêu nhiên mà ta phải vâng theo từ bên ngoài dựa trên thế giá của Thiên Chúa, để được thưởng hạnh phúc đời sau, sau khi chết. Đúng hơn, mạc khải là việc tự thông truyền của Thiên Chúa Ba Ngôi trong việc nhập thể của Chúa Con và trong việc dứt khoát đổ tràn Chúa Thánh Thần, để Thiên Chúa được biết đến và được chào đón như là sự thật và như là sự sống cho mỗi con người cho tới tận cùng lịch sử loài người.

Chính vì thế, Giáo Hội không phải là một trong các cộng đồng tôn giáo thực hành một cách trung thành ít hay nhiều các lý tưởng của vị sáng lập và được đánh giá dựa trên triết lý hạnh phúc kiểu thuyết nhân bản của Phong Trào Ánh Sáng mà mô thức hiện đại của chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo vốn tuyên dương như là “nghiệm tác cứu chuộc” (soteriopraxis).

Đúng hơn, trong Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội là dấu chỉ và dụng cụ của ý chí cứu chuộc đại đồng mà Thiên Chúa vốn dành cho mọi người. Trong tư cách “hiệp thông” mọi tín hữu, Giáo Hội phục vụ nhân loại bằng Lời Chúa, bằng hiến tế ơn cứu chuộc ban sự sống và bằng việc chứng tỏ Chúa Kitô vì-người-khác qua việc phục dịch người nghèo, người bị bóc lột, và những ai bị tước nhân phẩm và công lý.

Vatican II cũng nhấn mạnh tới các phạm trù bản vị, đối thoại và thông đạt. Chúa Kitô được nhắc đến nhiều trong tư cách bản vị và là một bản vị đã được lồng về phương diện xác thân-thể chất vào không gian lịch sử, vào xã hội và văn hóa. Giáo Hội, vì đức tin của mình vào Chúa Kitô, cũng phải nhận trách nhiệm của mình đối với xã hội loài người như một toàn bộ, phải lao khổ trong các lãnh vực lao động, kinh tế quốc tế, công bình xã hội và công bình cá nhân, và hoà bình thế giới…

Hiểu như thế, ý hướng của thần học giải phóng không hẳn là sai, chỉ bất cập khi không đề cập tới đức tin Công Giáo trong mọi chiều kích của nó. Vì đức tin vào Chúa Kitô của Giáo Hội không dừng ở những lao khổ trên trần gian của Chúa Kitô, Người còn sống lại và lên trời nữa. Dĩ nhiên, thần học giải phóng sai ở chỗ đã cho chân lý từ “nghiệm tác” mà có.Vả lại nguyên tắc hướng dẫn cuộc tranh đấu xã hội của Giáo Hội không phải là đấu tranh giai cấp mà là tình thương phổ quát vì mọi người đều được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và đều là anh chị em của nhau.

Hiểu thần học giải phóng một cách tích cực như Đức TGM Muller là hiểu nó một cách rộng rãi, không giới hạn như các chỉ thị của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Chính Đức Hồng Y Ratzinger cũng có lúc hiểu như vậy: trong nhận định riêng, trước khi ra chỉ thị năm 1984, ngài nói tới thần học giải phóng với nhiều lớp lang khác nhau từ hình thức Mácxít tới các cố gắng trình bày nó trong khuôn khổ thần học chân chính của Giáo Hội, nhằm nhấn mạnh tới trách nhiệm của Kitô hữu đối với người nghèo và người bị áp bức. Thần học giải phóng này chắc chắn là thần học giải phóng của những người như Tổng Giám Mục Óscar Romero, người đã bị chế độ độc tài El Salvador bắn gục tại chân bàn thờ ngay lúc Truyền Thánh Thể, người vốn được lịch sử liệt kê là thành viên của thần học giải phóng, và là người đã được Giáo Hội nhìn nhận tư cách Tôi Tớ Thiên Chúa, sẽ được tôn chân phước nay mai như một đấng tử vì đạo vì tranh đấu cho người nghèo và người bị áp bức.

Chính nền thần học giải phóng ấy đã nối kết Đức TGM Muller với Đức HY Ratzinger mà sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Bởi thế, trong cuộc phỏng vấn nói trên với tờ báo Ba Lan, Đức TGM Muller khẳng định: không hề có sự gián đoạn nào giữa Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô liên quan tới thần học giải phóng. Cả việc bổ nhiệm ngài làm tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng “không có nghĩa là mở ra một chương mới trong các mối tương quan với nền thần học này, nó là một dấu của tính liên tục”.

Điều đáng lưu ý, theo bản tin ngày 13 tháng Chín vừa qua của CNA, linh mục Dòng Tên Juan Carlos Scannone, thầy dạy cũ của Đức Phanxicô, quả quyết có một nền thần học giải phóng được Đức Tân Giáo Hoàng chấp nhận, đó là nền thần học giải phóng của Á Căn Đình. Nền thần học giải phóng này không dựa vào phân tích Mácxít, lấy đấu tranh giai cấp làm nguyên lý điều hướng để giải thích xã hội và lịch sử mà dựa vào việc phân tích lịch sử và văn hóa. Nền thần học giải phóng này không tập chú vào việc giải phóng khỏi nghèo đói và bất công vật chất mà tập chú vào tự do tâm linh. CNA cũng xác nhận sự kiện: theo yêu cầu của Đức TGM Muller, Đức Phanxicô đã tiếp kiến linh mục Gustavo Gutiérrez, vốn được coi là một trong các sáng lập viên của thần học giải phóng, nhân dịp ngài tới Rôma dự lễ phát hành ấn bản tiếng Ý của tác phẩm viết chung với Đức Cha Muller.

 

——————————
(1) Từ Cha Hoàng Sĩ Qúy, Dòng Tên, sử dụng trong bài Còn Chăng Một Tương Lai Cho Thần Học Giải Phóng? (dongten.net Sunday, 13 February 2011). Nghiệm tác hàm nghĩa cả hành động lẫn lý thuyết.