Thời Sự Thần Học Số 78: Truyền Thống Kitô Giáo Của Nước Nga

0
2064


 

Trung tâm Học vấn Đa Minh

LỜI GIỚI THIỆU

Tháng Mười năm nay kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng Cộng sản tại Nga. Dù muốn dù không, nước Nga được coi như nơi xuất phát của chủ nghĩa vô thần trên thế giới. Tiếc rằng hình ảnh đó không trung thực: có thể nói được rằng cuộc hôn nhân giữa nước Nga với chủ nghĩa Cộng sản là gượng ép; vì thế sau 25 năm ly thân, hai bên không còn muốn nhớ lại chuyện cũ nữa. Trên thực tế, năm nay, Tổng thống Putin quyết định không tổ chức một lễ nghi nào để kỷ niệm cách mạng 1917.

Số báo này muốn trình bày một bộ mặt khác của nước Nga: bộ mặt Kitô giáo. Lịch sử nước Nga gắn liền với Kitô giáo ở nước này. Nước Nga được khai sinh từ ngày dân Rus’ được rửa tội năm 989[1]. Lịch sử quốc gia và lịch sử Giáo hội gắn chặt với nhau, lúc thịnh cũng như lúc suy.

Bài mở đầu Giáo hội Nga trải qua lịch sử của linh mục Phan Tấn Thành muốn ghi lại những nét chính của sự tiến triển của một “Giáo hội giữa lòng dân tộc”: từ Kiev, một giáo phận trực thuộc tòa Constantinopolis chuyển lên Moskva với chế độ tự trị, và tiến đến vị trí của một tòa Thượng phụ. Dựa trên chủ thuyết “Moskva là Rôma thứ ba” (sau sự sụp đổ của Roma thứ nhất và thứ hai), nước Nga được điều hành giống như mô hình của Constantinô trước đây: Nga Hoàng mang tước hiệu Tsar (tức là Caesar) cũng mang trách nhiệm điều hành Giáo hội. Sự gắn bó giữa Hoàng triều và Giáo hội mang theo nhiều hệ quả tích cực và tiêu cực, như lịch sử cho thấy.

Qua bài Thần học Nga, Bernhard Schultze cho thấy rằng Giáo hội Nga đã gặp khá nhiều khó khăn trong việc vạch ra cho mình một bản sắc riêng. Trước tiên, cần bảo đảm sự độc lập về chính trị, không bị lệ thuộc Mông Cổ ở mạn Đông và cũng không bị xâm lăng từ phía Tây (Ba Lan, Đức). Điều kiện chính trị giải thích phần nào sự lúng túng của Giáo hội Nga: ngay từ lúc đầu, họ chịu ảnh hưởng của thần học Đông Phương cho nên tỏ ra dị ứng với thần học Latinh; mặt khác, họ khâm phục cách tổ chức các học viện thần học theo khuôn mẫu Latinh (tiêu biểu nơi các trường Dòng Tên). Tiếc rằng sang thế kỷ XIX, tư tưởng “Tây phương” không còn được đồng hóa với thần học kinh viện Công giáo mà còn bao gồm thần học Tin Lành, cũng như những triết học duy lý cận đại. Dưới chế độ Cộng sản của thế kỷ XX, một số nhà thần học Nga di cư sang Paris, và họ có dịp quảng bá những nét đặc trưng của thần học Nga, mang đậm truyền thống các giáo phụ Đông phương. Trong phần phụ lục, chúng ta sẽ có cơ hội để đối chiếu những điểm khác biệt về thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống.

Một đặc trưng của đời sống đức tin bên Nga được linh mục Vladimir Zelinskij nêu bật trong bài viết Những khuôn mẫu thánh thiện của Giáo hội Nga. Một nét độc đáo ở đây là sự hiện diện của “các thánh điên”, bên cạnh các thánh tử đạo, ẩn tu. Đây là một hình thức để sống bài giảng của Chúa Giêsu về các mối phúc thật.

Ký sự một người hành hương. Đây là đầu đề của một cuốn chuyện của một tác giả vô danh sống vào cuối thế kỷ XIX, thuật lại một cuộc hành hương xuyên qua nước Nga để đi Đất thánh. Thật ra, đàng sau cuốn chuyện này là cả một học thuyết về đường tâm linh của thần học hesychast thịnh hành bên Nga[2]. Qua “Kinh nguyện Chúa Giêsu”, người tín hữu được dẫn đưa vào đời sống kinh nguyện qua những hình thức và cấp độ khác nhau, đưa tới kết hiệp huyền nhiệm. Tác phẩm tượng trưng cho thần học về “trái tim” bên Giáo hội Đông phương, qua bài dẫn nhập của Hồng y Tomas Splidik, S.J.

Sau những bài trình bày tổng quát, chúng ta sẽ khảo sát tư tưởng Kitô giáo nơi hai văn hào nổi tiếng nhất của nước Nga cũng như của thế giới: Fyodor Dostoyevsky (1821-1881) và Lev Tolstoy (1828-1910)[3]. Họ không chỉ là những tiểu thuyết gia, nhưng còn là triết gia và nói được là thần học gia nữa, muốn tìm hiểu ý nghĩa đức tin trong những thực tại cuộc sống. Dĩ nhiên để hiểu rõ nội dung của các câu chuyện, người đọc cần có một kiến thức về Kitô giáo cũng như về các thể chế của Giáo hội Chính thống.

Trong bài Dostoyevsky và vấn nạn về Thiên Chúa, Tu sĩ Nguyễn Quốc Minh Tuấn cho thấy một cuộc giằng co của tác giả khi tìm cách giải quyết niềm tin vào Thiên Chúa giữa những thực tại tiêu cực của cuộc đời: bất công, đau khổ, tội lỗi. Các nhân vật trong bốn tác phẩm điển hình (Tội Ác và Trừng Phạt, Thằng Ngốc, Lũ Người Quỷ Ám, và Anh Em Nhà Karamazov) gợi lên những luận chứng để phủ nhận hoặc bênh vực niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Xem ra thái độ vô thần hợp lý hơn, nhưng những hệ luận của nó sẽ rất thảm khốc. Dường như tác giả đã tiên đoán điều sẽ xảy ra cho đất nước không đầy nửa thế kỷ tiếp đó. Dù sao, chìa khóa để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử không phải là luận cứ triết học, nhưng là Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.

So với Dostoyesky, Tolstoy có nhiều điểm khác biệt. Ông đã có lần mất đức tin nhưng sau đó trở lại. Ông tự tìm kiếm Thiên Chúa qua việc nghiên cứu Kinh Thánh theo lối suy tư riêng của mình, chứ không theo truyền thống của Giáo hội Chính thống. Ông bị kết án là lạc đạo và vị trục xuất khỏi Giáo hội, nhưng ông vẫn cho rằng mình đã là người hiểu Tin Mừng chính xác hơn hết. Qua bài viết Đường tâm linh của Toltoy, Gary Hamburg cho thấy sự khó khăn trong việc xếp loại một người độc đáo như ông.

Sau cùng, Triết học trong xã hội đang biến đổi là đề tài buổi thuyết trình của Tiến sĩ Bùi Văn Nam Sơn tại Trung Tâm Học Vấn Đa Minh ngày 28 tháng 10 vừa qua. Dựa trên một tác phẩm của Walter Schulz, diễn giả phân tích năm “từ khóa”: “khoa học hóa”, “nội tâm hóa”, “tinh thần hóa và thể xác hóa”, “lịch sử hóa” và “trách nhiệm”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here