Xa-Tan (Satanas) – Quỷ (Diabolos, Daimonion) – Ác Thần (Ponêros) Trong Kinh Thánh

0
1757


Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

 

DẪN NHẬP

Bài viết này sẽ bàn đến các từ ngữ: Xa-tan (Satanas), quỷ (diabolos, daimonion), Ác thần (ponêros) trong Cựu Ước, trong các tài liệu giữa hai Giao Ước (les écrits intertestamentaires) và trong Tân Ước qua ba mục sau: (I) Xa-tan và quỷ (diabolos), (II) Quỷ (daimonion) và thần ô uế, (III) Ác thần và tà thần. Bài viết này chỉ là trình bày sơ lược về đề tài rộng lớn này trong Kinh Thánh.

I. XA-TAN VÀ QUỶ (DIABOLOS)

Xa-tan là tiếng Híp-ri, chuyển âm sang tiếng Hy Lạp là “satan” hay “satanas”. Phần này sẽ trình bày hai đề tài: (1) Xa-tan trong Cực Ước và trong các tài liệu giữa hai Giao Ước, (2) Xa-tan trong Tân Ước.

A. Xa-tan trong Cựu Ước và tài liệu giữa hai Giao Ước

Trong Cựu Ước, nghĩa của từ “xa-tan” tiến triển qua hai giai đoạn: (a) Xa-tan là con người ở trần gian, (b) Xa-tan là thiên thần ở thượng giới. Trong mục (c) sẽ cho biết từ “xa-tan” tiếng Híp-ri được dịch ra tiếng Hy Lạp là “quỷ” (diabolos) trong bản Bảy Mươi (bản LXX). Đây là bản dịch phần lớn các sách Cựu Ước bằng tiếng Híp-ri sang tiếng Hy Lạp.

1. Xa-tan trong thế giới con người

Trong Cựu Ước, “xa-tan” chỉ về kẻ đối nghịch (adversaire) giữa con người với nhau. Chẳng hạn, Đa-vít nói với ông A-vi-sai, con bà Xơ-ru-gia, mà Đa-vít gọi là “xa-tan” (người chống đối) ở 2Sm 19,23: “Chuyện của ta can gì đến các ngươi, hỡi các con bà Xơ-ru-gia, khiến hôm nay các ngươi trở nên người chống đối (xa-tan) ta? Hôm nay mà lại có người trong Ít-ra-en bị xử tử sao? Ta chẳng biết rằng hôm nay ta là vua Ít-ra-en sao?”. Ở 1V 11,25, từ “xa-tan” được áp dụng cho vua Xy-ri là kẻ thù nghịch với vua Sa-lô-môn: “Điều ác của Ha-đát là ông gớm ghét Ít-ra-en mà ông lại làm vua cai trị Ê-đôm. Ông là kẻ thù nghịch (xa-tan) với Ít-ra-en suốt thời vua Sa-lô-môn.” (Thứ tự câu 1V 11,25 văn theo La Bible de Jérusalem). Xem cách dùng từ “xa-tan” theo nghĩa này ở 1Sm 29,4; 1V 11,14.23.

Trong Thánh Vịnh 109(108), có 3 lần động từ “tố cáo” (tiếng Híp-ri là động từ satan) ở Tv 109,4.20.29 và một lần danh từ “kẻ tố cáo” (tiếng Híp-ri là danh từ satan) ở Tv 109,6. Tác giả viết ở Tv 109,6-7: “6 Xin cho kẻ dữ nổi lên chống nó, bên phải nó, đặt một người cáo tội (satan) đứng kèm. 7 Ước gì nó phải mang án khi ra khỏi cửa công, và lời xin ân xá thành lời buộc tội.” Động từ “tố cáo” (satan) xuất hiện ở Tv 109,29: “Ước gì những kẻ tố cáo con bị phủ đầy nhục nhã, bị xấu hổ trùm lên như chiếc áo choàng.” Xem cách dùng động từ “satan” theo nghĩa này ở Tv 38(37),21.

Như thế, từ “xa-tan” là danh từ chung để nói về kẻ đối nghịch (adversaire) giữa con người với nhau hay kẻ tố cáo (accusateur) trước toà. Ở giai đoạn này, Xa-tan là một con người trong thế giới loài người. Thực tế ở hạ giới này được dùng để diễn tả những thực tại thượng giới. Xa-tan là một thiên sứ (aggelos) ở trên trời.

2. Xa-tan ở thượng giới

Xa-tan là một thiên sứ có nhiệm vụ cụ thể ở trên trời. Nhân vật “xa-tan” tiến triển qua ba giai đoạn: (b.1) Nhiệm vụ chính đáng của Xa-tan trước toà ở thượng giới, (b.2) Xa-tan là kẻ thử thách con người, (b.3) Xa-tan đã đưa tội vào thế gian và trở thành thiên sứ phản nghịch, chống lại Thiên Chúa.

a) Nhiệm vụ chính đáng của xa-tan

Xa-tan là một thiên sứ giữ vai trò “buộc tội” trong các phiên toà ở trên trời. Vai trò “công tố viên” của Xa-tan được thuật lại trong sách ngôn sứ Da-ca-ri-a ở 3,1-5: “1 Người [Đức Chúa] lại cho tôi thấy thượng tế Giê-su-a đang đứng trước mặt thần sứ của ĐỨC CHÚA; còn Xa-tan đứng bên phải ông để tố cáo ông. 2 Thần sứ của ĐỨC CHÚA nói với Xa-tan: ‘Ước gì ĐỨC CHÚA trừng phạt ngươi, hỡi Xa-tan; ước gì ĐỨC CHÚA, Đấng đã tuyển chọn Giê-ru-sa-lem, trừng phạt ngươi, hỡi Xa-tan; ước gì ĐỨC CHÚA, Đấng đã tuyển chọn Giê-ru-sa-lem, trừng phạt ngươi. Người này lại chẳng phải là thanh củi đã được kéo ra khỏi lửa sao?’ 3 Bấy giờ, ông Giê-su-a, áo xống dơ bẩn, đứng trước mặt vị thần sứ. 4a Vị này lên tiếng nói với những người đang đứng trước mặt mình rằng: ‘Hãy cởi áo dơ bẩn của ông ấy ra, 4c và mặc cho ông lễ phục huy hoàng. Hãy đội lên đầu ông ấy mũ tế thanh sạch.’ 5 Người ta đã đội lên đầu ông mũ tế thanh sạch và mặc cho ông áo xống thanh sạch, trong khi đó thần sứ của ĐỨC CHÚA đứng 4b và nói với ông: ‘Này, ta đã gỡ tội cho ngươi.’” (Dcr 3,4 chia thành 4a, 4b, 4c theo bản LXX và sắp xếp lại cho dễ hiểu).

Trong đoạn văn trên, Xa-tan là “công tố viên” trước toà ở thượng giới (Dcr 3,1). Vai trò luật sư bào chữa, tức là người bênh vực bị cáo (thượng tế Giê-su-a) ở đây là “thần sứ của ĐỨC CHÚA” (Dcr 3,2a). Cho dù những lời buộc tội của Xa-tan bị thần sứ của ĐỨC CHÚA bác bỏ (Dcr 3,2), nhưng trong giai đoạn này, nhiệm vụ “công tố viên” của Xa-tan trong các phiên toà ở trên trời là chính đáng. Xa-tan là một thiên sứ, một thụ tạo ở thượng giới, có nhiệm vụ đưa ra những lý chứng để kết tội những ai bị cho là phạm tội.

Trong nguỵ thư Cựu Ước (Pseudégraphes), sách I Hénoch XL,7 nói về xa-tan ở số nhiều: “Tiếng nói thứ tư [của thiên sứ Phanouël] mà tôi [Hénoch] đã nghe là đẩy lùi các Xa-tan và cấm chúng tiến lại gần Đức Chúa các thần khí (le Seigneur des Esprits) để vu khống dân cư trên trái đất (đất liền, les habitants de l’aride).” (Các trích dẫn bản văn giữa hai Giao Ước (tài liệu Qumran và nguỵ thư Cựu Ước) được dịch từ tiếng Pháp: A. DUPONT-SOMMER; M. PHILONENKO, (dir.), La Bible, écrits intertestamentaires, (Bibliothèque de la Pléiade), Paris, Gallimard, 1987). Tiếng nói thứ tư ở đây là của thiên sứ Phanouël (I Hénoch XL,9d). Ba tiếng nói trước đó là của các thiên sứ Michel, Raphaël và Gabriel (I Hénoch XL,9). Bốn tiếng nói này được nghe trong bối cảnh thị kiến dành cho Hénoch: “Kế đến, tôi đã thấy ngàn ngàn, vạn vạn, vô số, không đếm xuể, những vị đứng trước nhan Đức Chúa các thần khí” (I Hénoch XL,1). Từ “aride” ở cuối câu I Hénoch XL,7 nói về trái đất.

I Hénoch XL,7 trên đây, thiên sứ Phanouël đẩy lùi các Xa-tan. Pierre de Martin de Vivié giải thích rằng: “Ở đây, từ ‘xa-tan’ được dùng như danh từ chung và có thể để ở số nhiều để nói về cùng nhiệm vụ của xa-tan đã nói đến trong sách Da-ca-ri-a hay sách Gióp.” (Pierre de Martin de VIVIÉS, Apocalypses et cosmologie du salut, (Lectio Divina). Paris, Le Cerf, 2002, p. 119). Trong giai đoạn tiếp theo, Xa-tan không chỉ là “công tố viên” trước toà trên trời nữa mà là kẻ thử thách con người ở hạ giới, đó là trường hợp ông Gióp.

b) Xa-tan thử thách con người

Xa-tan là một thiên sứ trên trời, muốn thử thách con người ở dưới đất và làm cho con người bị vấp ngã. Xa-tan ở giai đoạn này được thuật lại trong sách Gióp. Nhân dịp Xa-tan đến trình diện ĐỨC CHÚA, Người nói với Xa-tan: “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác!” (G 1,8). Nhưng Xa-tan đáp lại ĐỨC CHÚA ở G 1,9b-11: “9b Có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa mà không cầu lợi chăng? 10 Chẳng phải chính Ngài đã bao bọc, chở che nó tư bề, nó cũng như nhà cửa và tài sản của nó sao? Ngài đã ban phúc lành cho công việc do tay nó làm, và các đàn súc vật của nó lan tràn khắp xứ. 11 Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt!” ĐỨC CHÚA phán với Xa-tan: “Được, mọi tài sản của nó thuộc quyền ngươi, duy chỉ có con người của nó là ngươi không được đưa tay đụng tới” (G 1,12a).

Phần tiếp theo kể lại cuộc đời của Gióp, ông đã trải qua những thử thách và đau khổ đến tột cùng. Con cái của ông đều chết, của cải không còn gì, sức khoẻ cạn kiệt. Trong đau khổ lớn lao về tinh thần và thể lý, Gióp vẫn trung tín với ĐỨC CHÚA. Xa-tan đã không thành công trong việc làm cho Gióp vấp ngã. Nhưng Xa-tan đã thành công trong trường hợp vua Đa-vít, được thuật lại ở 1Sb 21,1.

c) Xa-tan đã đưa tội vào thế gian

Xa-tan là kẻ cám dỗ con người phạm tội. Tác giả sách Sử biên niên cuốn thứ nhất viết ở 1Sb 21,1: “Xa-tan đứng lên chống Ít-ra-en và xúi giục vua Đa-vít thống kê dân số Ít-ra-en.” Trong câu này, từ Híp-ri “Satan” không có mạo từ, trong khi ở Dcr 3,1-5 và G 1,1-12 thì có mạo từ. Nên từ “Xa-tan” ở 1Sb 21,1 là tên riêng, nói về kẻ chống lại Ít-ra-en. Câu 1Sb 21,1 gán việc “xúi giục vua Đa-vít thống kê dân số” cho Xa-tan trong khi sách Sa-mu-en quyển thứ hai (2Sm 24,1) cho rằng “cơn giận của ĐỨC CHÚA” đã làm điều này. Tác giả viết ở 2Sm 24,1: “ĐỨC CHÚA lại nổi giận với Ít-ra-en, và Người xúi giục vua Đa-vít gây hoạ cho họ. Người phán: ‘Hãy đi đếm dân Ít-ra-en và người Giu-đa.’” Sự khác nhau giữa 1Sb 21,1 và 2Sm 24,1 cho thấy thần học sách Sử biên niên muộn thời hơn và giải thích lại điều đã viết trong sách Sa-mu-en. Pierre de Martin de Vivié nhận xét: “Sự biến đổi này cho thấy ưu tư đầu tiên của tác giả sách Sử biên niên: đưa ĐỨC CHÚA ra khỏi sự kết tội đã xúi dục bằng cách cám dỗ Đa-vít và đẩy vua đến phạm tội. Thay vào chỗ ĐỨC CHÚA, hình ảnh đơn giản nhất để đưa Thiên Chúa ra khỏi trách nhiệm (xúi dục Đa-vít) là Xa-tan.” (Pierre de Martin de VIVIÉS, Apocalypses et cosmologie du salut, 2002, p. 115).

Trong sách Khôn ngoan (Kn 2,23-24), Xa-tan đã đưa sự chết vào trần gian. Đây là bước quyết định làm cho Xa-tan trở thành kẻ bất tuân lệnh Thiên Chúa, trở thành thiên sứ bị truất phế. Tác giả sách Khôn ngoan viết ở 2,23-24: “23 Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. 24 Nhưng chính vì quỷ dữ (diabolou) ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.” Ở đây, tác giả dùng danh từ Hy Lạp “diabolos” (quỷ) để nói về “Xa-tan” là tiếng Híp-ri, chúng tôi sẽ nói về điều này sau. Sách Khôn ngoan được viết bằng tiếng Hy Lạp vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Như vậy, sách Khôn ngoan là sách được viết sau cùng của bộ Cựu Ước. Ở Kn 2,24, nhiệm vụ của Xa-tan (quỷ) không còn là công tố viên của toà án trên trời để phục vụ Thiên Chúa nữa. Xa-tan đã trở thành thiên sứ phản nghịch, chống lại chương trình của Thiên Chúa bằng cách đưa sự chết vào thế gian.

Nguỵ thư Cựu Ước (Pseudégraphes), nói về Xa-tan với từ ngữ khác. Chẳng hạn, Xa-tan được trình bày như thủ lãnh các thiên sứ phản nghịch ở Martyre d’Isaïe, II,2: “Massasé thôi không phục vụ Thiên Chúa của cha ông mình mà phục vụ Xa-tan, các thiên sứ của nó và những thế lực của nó.” Martyre d’Isaïe, là một tài liệu hỗn hợp. Phần muộn thời có thể viết vào thời Tân Ước (l’ère chrétienne). Câu Martyre d’Isaïe, II,2 có thể là do Ki-tô hữu viết. (Xem chú thích câu Martyre d’Isaïe, II,2 trong A. DUPONT-SOMMER; M. PHILONENKO, (dir.), La Bible, écrits intertestamentaires, 1987, p. 1026).

Xa-tan trong các bản văn giữa hai Giao Ước (les écrits intertestamentaires), còn mang những tên khác như: Bélial, Thiên sứ thù nghịch (l’Ange d’hostilité) ở 1QM XIII,11 (1QM: Règlement de la Guerre), CD XVI,5 (CD: Document de Damas), Thiên sứ bóng tối (l’Ange des ténèbres) ở 1QS III,20-21 (1QS: Règle de la Communauté), Mastéma  ở Jubilés X,8-11; XI,5.11; XVII,16.

3. “Xa-tan” tiếng Híp-ri dịch sang Hy Lạp: “quỷ”

Sách Khôn ngoan không viết bằng tiếng Híp-ri mà viết bằng tiếng Hy Lạp. Bản văn Kn 2,23-24 trích dẫn trên đây dùng từ “diabolos”, dịch sang tiếng Việt là “quỷ”. Từ “diabolos” tương đương với từ “xa-tan” trong tiếng Híp-ri, bởi vì bản Bảy Mươi (LXX) dịch từ “xa-tan” sang tiếng Hy lạp là “diabolos”.

Chẳng hạn, từ “xa-tan” ở 1V 11,14 trong bản văn Híp-ri được chuyển âm trong bản LXX là “satan” (không dịch). Trong Tv 109(108),6: “Xin cho kẻ dữ nổi lên chống nó, bên phải nó, đặt một người cáo tội (satan) đứng kèm”, từ “người cáo tội” là “xa-tan” trong tiếng Híp-ri, được dịch trong bản LXX là “diabolos”. Bản LXX dịch tương tự như thế ở Dcr 3,1-5; G 1,1-12; 1Sb 21,1. Như thế, bản LXX dịch từ “xa-tan” trong tiếng Híp-ri sang tiếng Hy lạp là “diabolos” (quỷ), nói cách khác, Xa-tan và quỷ là một nhân vật.

Nói chung từ “diabolos” (quỷ) trong Tân Ước đồng hoá với Xa-tan. Tuy nhiên có một vài nơi dùng theo nghĩa giảm nhẹ. Theo ngôn ngữ thông thường thời đó, “diabolos” còn có nghĩa là “người nói xấu” (médisant). Chẳng hạn, Phao-lô viết trong thư gửi Ti-tô: “Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu (mê diabolous), không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành” (Tt 2,3). Xem từ “diabolos” theo nghĩa “nói xấu” ở 1Tm 3,11; 2Tm 3,3.

B. Xa-tan trong Tân Ước

Tân Ước đi theo hướng suy tư của Cựu Ước về Xa-tan. Xa-tan đã cám dỗ Đức Giê-su trong hoang mạc (Mc 1,13; Mt 4,10). Sách Khải huyền đồng hoá Xa-tan với nhiều tên gọi khác nhau ở Kh 12,9. Sách Khải huyền thuật lại cuộc chiến trên trời ở Kh 12,7-9: “7 Và đã xảy ra cuộc giao chiến trên trời: Mi-ca-en và các thiên sứ của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà và các thiên sứ của nó giao chiến. 8 Nhưng nó không mạnh, không còn tìm thấy chỗ của chúng trên trời nữa. 9 Con Mãng Xà lớn đã bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, được gọi là Quỷ và Xa-tan, kẻ mê hoặc toàn thể địa cầu. Nó đã bị tống xuống đất, các thiên sứ của nó cũng đã bị tống xuống với nó.” Trong đoạn văn này, Xa-tan là thủ lĩnh của các thiên sứ phản nghịch. Trong cuộc chiến giữa “Mi-ca-en và các thiên sứ của người” với “Con Mãng Xà và các thiên sứ của nó”, lực lượng của Con Mãng Xà không đủ mạnh nên “Con Mãng Xà và các thiên sứ của nó” đã thất bại và bị tống xuống đất, không được ở trên trời nữa. Con Mãng Xà trong sách Khải huyền được đồng hoá với “Quỷ và Xa-tan, kẻ mê hoặc toàn thể địa cầu” (Kh 12,9b).

Tin Mừng Gio-an định nghĩa về quỷ ở Ga 8,44. Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông. Ngay từ đầu, nó đã là kẻ sát nhân, và nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói, nó nói theo bản tính của nó là sự gian dối, vì nó là kẻ nói dối, và là cha của sự gian dối”(Ga 8,44). Quỷ trở thành cha của những người Do Thái thay vì Thiên Chúa là vì họ chống lại Đức Giê-su và đang tìm cách giết Người (Ga 8,37.40). Ở Ga 8,44, quỷ có bốn đặc tính: (1) Quỷ là cha của những kẻ chống đối và bách hại Đức Giê-su. (2) Quỷ là kẻ sát nhân ngay từ lúc khởi đầu. (3) Quỷ không có sự thật ở nơi mình. (4) Quỷ là kẻ nói dối và là cha sự gian dối. Nếu như những người Do Thái trong đoạn văn Ga 8,31-47 có cha là quỷ, thì thế gian thù ghét ở đoạn văn Ga 15,18–16,4a có “thủ lãnh của thế gian” (Ga 12,31; 14,30; 16,11). Đối với Tin Mừng Gio-an, “thủ lãnh của thế gian” đồng hoá với quỷ và Xa-tan. Xem phân tích về đề tài “Thuộc về thủ lãnh của thế gian và quỷ” trong bài viết: “Những Đặc Điểm Của “Thế Gian Thù Ghét” Và “Những Kẻ Chống Đối Đức Giêsu” Trong Tin Mừng Gioan”.

Từ “xa-tan” chỉ xuất hiện một lần trong Tin Mừng Gio-an ở 13,27 trong liên lệ với “quỷ” (diabolos) ở Ga 13,2. Trong trình thuật Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-20) và câu chuyện về Giu-đa (Ga 13,21-30), hai câu Ga 13,2.27 cho thấy liên hệ giữa Giu-đa với quỷ và Xa-tan. Người thuật chuyện cho biết ở Ga 13,2: “Trong bữa ăn, quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Người [Đức Giê-su]” và ở Ga 13,27a: “Và khi nhận miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào ông ấy [Giu-đa].” Cuối cùng Giu-đa ra đi để thực hiện ý định của Xa-tan ở Ga 13,30: “Sau khi nhận lấy miếng bánh, ông ấy [Giu-đa] đi ra ngay lập tức. Lúc đó, trời đã tối.”

Trong các Tin Mừng, Đức Giê-su đồng hoá hai nhân vật với Xa-tan, đó là Phê-rô và Giu-đa. Câu chuyện về Phê-rô được thuật lại ở Mc 8,31-33: “31 Và Người [Đức Giê-su] bắt đầu dạy các ông [các môn đệ] rằng: Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị loại bỏ bởi các kỳ mục, các thượng tế và các kinh sư, Người bị giết chết và sau ba ngày, Người sống lại. 32 Một cách không úp mở, Người nói Lời cho họ.Phê-rô kéo Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi quay lại và thấy các môn đệ của Người, Người trách Phê-rô và nói: “Hãy đi sau Thầy, Xa-tan, vì anh không suy nghĩ  theo suy nghĩ của Thiên Chúa, nhưng theo suy nghĩ của loài người.” Ở Ga 6,70, Đức Giê-su nói với Nhóm Mười Hai: “Chẳng phải chính Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao? Thế mà một người trong anh em là quỷ (diabolos).” Người thuật chuyện giải thích ở Ga 6,71: “Người [Đức Giê-su] nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt; vì ông ấy sẽ nộp Người, một người trong Nhóm Mười Hai.” Cả hai trường hợp đều có liên hệ với biến cố Thương Khó của Đức Giê-su. Phê-rô thì đề nghị Đức Giê-su xa rời biến cố này, còn Giu-đa lại đẩy Đức Giê-su vào biến cố này bằng cách nộp Thầy. Cả hai môn đệ này bị Đức Giê-su gọi là Xa-tan, một người thì bởi suy nghĩ (Phê-rô) một người thì bởi hành động (Giu-đa).

Ở Lc 10,19, từ “kẻ thù” (ekhthros) nói về Xa-tan. Sau khi Đức Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng (Lc 10,1-16), câu chuyện kể tiếp ở Lc 10,17-20: “17 Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: ‘Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ (daimonia) cũng phải khuất phục chúng con.’ 18 Đức Giê-su bảo các ông: ‘Thầy đã thấy Xa-tan (satanan) như một tia chớp từ trời sa xuống. 19 Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù (ekhthrou), mà chẳng có gì làm hại được anh em. 20 Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì các thần dữ (pneumata) phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” Trong đoạn văn này, Lu-ca dùng từ “daimonia” (quỷ, số nhiều), “satanan” (Xa-tan), “ekhthros” (kẻ thù) và “pneumata” (các thần khí). Trong mạch văn câu “các thần khí (pneumata) phải khuất phục anh em” (Lc 10,20b) gợi đến lời các môn đệ nói ở Lc 10,17b: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ (daimonia) cũng phải khuất phục chúng con.” Vậy “các thần khí” (les esprits) ở Lc 10,20b là “quỷ” (daimonia), là “các thần ô uế” (les esprits impurs) hay “các tà thần” (les espirts mauvais). Ở Lc 10,19, “thế lực Kẻ Thù (ekhthrou)” là thế lực của Xa-tan.

Ở Mt 13,39, quỷ được gọi là Ác thần (ponêros) và Kẻ Thù (ekhthros). Đức Giê-su giải thích cho các môn đệ dụ ngôn cỏ lùng ở Mt 13,37-39: “37 Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần (ponêrou). 39 Kẻ thù (ekhthros) đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ (diabolos). Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.” Như thế, Tin Mừng Nhất Lãm dùng từ Kẻ thù (ekhthros) theo nghĩa kẻ chống đối để nói về Xa-tan.

II. QUỶ (DAIMONION) VÀ THẦN Ô UẾ

Tiếng Việt dịch danh từ Hy Lạp “diabolos” là “quỷ” (le diable). Một danh từ Hy Lạp khác là “daimôn”, tính từ là “daimonion”, dịch sang tiếng Pháp là “démon”, nhưng tiếng Việt vẫn dịch là “quỷ”. Phần trên đã trình bày “quỷ” (diabolos, le diable) phần này sẽ bàn về “quỷ” (daimonion, démon). Theo thần thoại Hy Lạp, quỷ thuộc loài linh thiêng (être surnaturel), tốt hoặc xấu, khởi xướng số phận của cá nhân hay tập thể. Theo nghĩa thông thường, “quỷ” (daimonion, démon) là thiên sứ bị truất phế, có tà ý và chống lại Thiên Chúa. Khi daimonion (démon) dùng với mạo từ có nghĩa Xa-tan, là thủ lãnh của quỷ, thủ lãnh của các thiên sứ phản nghịch chống lại Thiên Chúa. (Xem mục từ “démon” trong Le Petit Robert, 2001).

Trong Kinh Thánh, danh từ giống đực tiếng Hy Lạp “daimôn” (quỷ) chỉ xuất hiện hai lần ở Is 66,11 (bản LXX) và Mt 8,31. Tất cả những nơi khác trong Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, dùng tính từ “daimonion” có nghĩa như danh từ, ở số ít hay số nhiều, để nói về “quỷ”. Phần này sẽ bàn đến hai đề tài: (1) Quỷ (daimonion) trong Cựu Ước và trong các bản văn giữa hai Giao Ước (les écrits intertestamentaires), (2) Quỷ (daimonion) và thần ô uế trong Tân Ước.

1. Quỷ trong Cựu Ước và tài liệu giữa hai Giao Ước

Trong Cựu Ước, bản LXX dịch nhiều từ Híp-ri bằng từ “daimonion” (quỷ). Chẳng hạn, từ Híp-ri “sed” ở Đnl 32,17 được dịch trong bản LXX là “daimonion” (quỷ). Trong bài ca của ông Mô-sê (Đnl 32), ông này đã nói về dân Ít-ra-en ở Đnl 32,17: “Chúng tế những quỷ (sedim) không phải là Thiên Chúa, tế những thần chúng không biết, những thần mới, vừa mới đến, mà cha ông các ngươi đã không khiếp sợ.” “Những quỷ” (sedim) trong câu này nói chung là các thần bảo vệ (génies protecteurs). Chỉ sau này, vào thời talmud (những giải thích và tranh luận của các Ráp-bi về Lề Luật), “sed” (quỷ) trở thành thần giả, thần xấu, tà thần. (Xem mục từ “démon” trong Dictionnaire encyclopédique de la Bible (DEB), Centre Informatique et Bible Abbaye de Maredsous, (dir.), (3è éd. rev. et aug.), Turnhout, Brepols, 2002).

Có những từ Híp-ri khác mà bản LXX dịch là “quỷ” như “thần Gát” (Is 65,11), “hư ảo” (Tv 96(95),5), “mèo rừng” hay các loài thú ăn đêm (Is 34,14), “dê đực” (Is 13,21), quỷ Li-lít là con quỷ cái thường ở nơi hoang tàn (Is 34,14), thần dịch bệnh (Kb 3,5; Tv 91(90),6), quỷ A-da-dên (Lv 16,8.10.26). (Xem DEB, 2000). Sách Tô-bi-a nói đến “ác quỷ Át-mô-đai-ô” (Tb 3,8.17).

Trong tài liệu Qumran (les écrits qoumrâniens), quỷ (daimonion) là các thần ô uế, chúng theo Xa-tan và phục vụ Xa-tan. Chẳng hạn, các thiên sứ chống lại Thiên Chúa được gọi là “các thiên sứ huỷ diệt” ở 1QM XIII,11-12a: “Và Ngài (Hoàng tử ánh sáng) Ngài đã làm ra Bélial cho Hố sâu, Thiên sứ thù nghịch và khước từ, [với chương trình] của nó và với ý đồ của nó, người ta phạm tội báng bổ, phạm những sai lầm, và tất cả thần khí thuộc về nó là các thiên sứ huỷ diệt.” (Những từ trong ngoặc vuông  [ ] được thêm vào vì đã bị hư hỏng trong thủ bản). Trong nguỵ thư Cựu Ước (Pseudégraphes), Jubilés X,8.11, đặt song song giữa Mastéma và Xa-tan, các thần khí phục quyền Mastéma được gọi là “tà thần (les esprits mauvais)” (Jubilés X,11), hay “thần đồi bại (les esprits pervers)” (Jubilés XI,4).

2. Quỷ và thần ô uế (l’esprit impur) trong Tân Ước

Một trong những hoạt động quan trọng của Đức Giê-su trong Tin Mừng Nhất Lãm là trừ quỷ. Có thể lấy một số ví dụ trong Tin Mừng Mác-cô. Mác-cô tóm kết hoạt động của Đức Giê-su ở 1,39: “Rồi Người [Đức Giê-su] đến rao giảng trong các hội đường của họ trong khắp miền Ga-li-lê và trừ quỷ (daimonia).” Đức Giê-su trao cho các môn đệ quyền trừ quỷ ở Mc 3,14-15: “14 Người thiết lập Nhóm Mười Hai những kẻ Người đặt tên là Tông Đồ để các ông ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng 15 và có quyền trừ quỷ (daimonia).” Các môn đệ đã thực hiện việc trừ quỷ ở Mc 6,13: “Các ông trừ nhiều quỷ (daimonia), xức dầu nhiều người đau ốm và chữa lành họ.”

Mc 3,22, các kinh sư kết tội Đức Giê-su là người có Bê-en-dê-bun, thủ lãnh của quỷ. Họ nói ở Mc 3,22b: “Ông ấy [Đức Giê-su] có Bê-en-dê-bun, và rằng: Ông ấy dựa vào thủ lãnh của quỷ mà trừ quỷ.” (Xem bản văn song song Mt 10,25; 12,24.27; Lc 11,15-19). Ở Mc 3,22b, Bê-en-dê-bun là thủ lãnh của quỷ, còn ở Mt 12,24; Lc 11,15 thì gọi là “quỷ vương Bê-en-dê-bun.” Đức Giê-su trả lời các kinh sư và nói đến Xa-tan trong dụ ngôn ở Mc 3,23b-36: “23b Làm sao Xa-tan có thể trừ Xa-tan? 24 Nếu một vương quốc chia rẽ chống lại mình, vương quốc ấy không thể đứng vững được. 25 Nếu một nhà chia rẽ chống lại mình, nhà ấy không thể đứng vững được. 26 Nếu Xa-tan dấy lên chống lại mình và chúng bị chia rẽ, chúng không thể đứng vững nhưng sẽ tận số.” Cuối đoạn văn Mc 3,23-29, người thuật chuyện giải thích về tội nói phạm thượng đến Thánh Thần ở Mc 3,30: “Vì họ [các kinh sư] nói: ‘Ông ấy [Đức Giê-su] có thần ô uế (pneuma akatharton ekhei).’” Lời này gợi đến lời kết tội của các kinh sư ở Mc 3,22b: “Ông ấy [Đức Giê-su] có Bê-en-dê-bun (Beelzeboul ekhei).” Trong Tin Mừng Gio-an, những kẻ chống đối đã kết tội Đức Giê-su là người bị quỷ ám. Những người Do Thái nói với Đức Giê-su ở Ga 8,48b: “Chẳng đúng sao, khi chúng tôi nói rằng: Ông là người Sa-ma-ri và là người bị quỷ ám (daimonion ekheis)?” Dịch sát là “người có quỷ.” (Xem Ga 7,20; 8,52; 10,20.21).

Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại nhiều trình thuật trừ thần ô uế (les esprits impurs). Chẳng hạn, trong trình thuật trừ quỷ song song Mc 1,21-28 và Lc 4,31-37, Mác-cô nói đến “thần ô uế (pneuma akatharton)” (Mc 1,23.26), còn Lu-ca lại dùng kiểu nói: “quỷ thần ô uế (pneuma daimonion akathartou)” (Lc 4,33). Ở Kh 14,6, tác giả nói đến “những thần khí của quỷ (pneumata daimoniôn).” Như vậy, có thể xem “thần ô uế” (les esprits impurs) là quỷ (les démons), còn Xa-tan, Bê-en-dê-bun là thủ lãnh của quỷ (le chef des démons).

Tóm lại Kinh Thánh bản LXX dùng từ “daimonion” (quỷ) để nói về nhiều thực tại như: thú ăn đêm, dê đực, một số thần ngoại bang hay quỷ như A-da-dên, Át-mô-đai-ô. Phần lớn từ “daimonion” chỉ thế lực siêu tự nhiên (surnaturelle) làm nguy hại đến lòng tin của Ít-ra-en vào Thiên Chúa đích thực. Trong Tân Ước, trình thuật trục xuất quỷ và trục xuất thần ô uế có nghĩa là trục xuất quỷ. Có thể nói, “thần ô uế” (l’esprit impur) là kiểu diễn tả trong ngôn ngữ Híp-ri, còn “quỷ” (le démon) thì quen thuộc hơn trong ngôn ngữ Hy Lạp.

III. ÁC THẦN (LE MAUVAIS) VÀ TÀ THẦN (l’ESPRIT MAUVAIS) TRONG TÂN ƯỚC

Tính từ Hy Lạp “ponêros” có nghĩa thông thường là “xấu”, chẳng hạn như “quả xấu”, “quả tốt” trong dụ ngôn cây nào trái ấy (Mt 7,15-20). Đức Giê-su nói ở Mt 7,17: “Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu (ponêrous) thì sinh quả xấu.” Tính từ “ponêros” (xấu) còn được dùng như danh từ để nói về “người xấu”, “người tốt” như trong dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22,1-10). Người thuật chuyện kể ở Mt 22,10: “Đầy tớ [của nhà vua] liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu (ponêrous) tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.”

Một cách dùng khác của từ “ponêros” (xấu) trong Tân Ước theo nghĩa đặc biệt: “ponêros” là “Ác thần” đồng hoá với Xa-tan. Phần sau sẽ trình bày ba cách dùng từ “ponêros” (xấu) theo nghĩa trên: (1) Ác thần (le Mauvais) và Xa-tan, (2) Tà thần (les esprits mauvais) và quỷ (les démons), (3) Những việc xấu xa (les œuvres mauvais).

1. Ác thần (le Mauvais) và Xa-tan

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, có những từ được các tác giả Tin Mừng dùng tương đương với từ “Xa-tan”. Chẳng hạn, trong phần áp dụng dụ ngôn gieo giống (Mc 4,13-20; Mt 13,18-23; Lc 8,11-15), ba câu song song: Mc 4,13-20 // Mt 13,18-23 // Lc 8,11-15 cho thấy nghĩa tương đương của ba từ: Xa-tan (satanas), quỷ (diabolos) và Ác thần (ponêros). Dưới đây là các câu song song:

+ Mc 4,15: “ Những kẻ thuộc loại ở bên vệ đường, nơi Lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì ngay lập tức Xa-tan (satanas) đến và lấy đi Lời đã được gieo nơi họ.”

+ Mt 13,19: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì Ác thần (ponêros) đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.”

+ Lc 8:12: “Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ (diabolos) đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ.”

Như thế, ba từ “Xa-tan” (Mc 4,15), “Ác thần” (Mt 13,19) và “quỷ” (Lc 8,12) nói về cùng một nhân vật. Những nơi khác dùng từ Ác thần (ponêros) để chỉ Xa-tan là Mt 5,37; 6,13. Đức Giê-su dạy ở Mt 5,37: “Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác thần (ponêrou).” “Kinh Lạy Cha” (Mt 6,9-13) kết thúc ở Mt 6,13 như sau: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ (ponêrou).” Dịch sát là “Ác thần” (Mauvais).

Tin Mừng Gio-an chỉ dùng 1 lần từ “ponêros” theo nghĩa “Ác thần” ở Ga 17,15. Đức Giê-su ngỏ lời với Cha của Người: “Con không can thiệp để Cha cất họ khỏi thế gian nhưng để Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (ponêrou)” (Ga 17,15). Trong thư thứ nhất Gio-an nhiều lần tác giả nói với cộng đoàn: “Anh em đã thắng Ác thần (ponêron)” (1Ga 2,13.14). Ở 1Ga 5,18-19, tác giả viết: “18 Chúng ta biết rằng mọi người được sinh ra bởi Thiên Chúa thì không phạm tội; nhưng Đấng được sinh ra bởi Thiên Chúa giữ gìn người ấy, và Ác thần (ponêros) không đụng đến người ấy được. 19 Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn toàn thể thế gian nằm dưới quyền lực Ác thần (ponêrôi).” Những trích dẫn trên cho thấy trong một số đoạn văn, tính từ Hy Lạp “ponêros” dùng như danh từ và đồng hoá với Xa-tan.

2. Tà thần (les esprits mauvais) và quỷ (les démons)

Nếu như “Ác thần” (le Mauvais) là “quỷ” (le diable) thì “thần ô uế” (les esprits impurs) được đồng hoá với “tà thần” (les esprits mauvais). Lu-ca thuật lại những gì Đức Giê-su đã làm ở 7,21: “Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi tà thần (pneumatôn ponêrôn), và ban ơn cho nhiều người mù được thấy.” Mác-cô tóm kết hoạt động của Đức Giê-su ở Mc 1,39: “Rồi Người [Đức Giê-su] đến rao giảng trong các hội đường của họ trong khắp miền Ga-li-lê và trừ quỷ (daimonia).” Như thế, “quỷ” (daimonia) ở Mc 1,39, song song với “tà thần” (les esprits mauvais) ở Lc 7,21.

Người thuật chuyện kể về sứ vụ của Đức Giê-su và những ai đi theo người ở Lc 8,1-2: “1 Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2 và mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần (pneumatôn ponêrôn) và bệnh tật. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ (daimonia),…” Trong Công Vụ các Tông đồ, chính Phao-lô trục xuất tà thần. Lu-ca kể ở Cv 19,11-12: “11 Thiên Chúa dùng tay ông Phao-lô mà làm những phép lạ phi thường, 12 đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt ông mà đặt trên người bệnh, và bệnh tật biến đi, tà thần (ta pneumata ta ponêra) cũng phải xuất.” Tóm lại, “quỷ” (les démons) và “tà thần” (les esprits mauvais) là một.

3. Những việc xấu xa (les œuvres mauvaises)

Nếu “Ác thần” (le Mauvais) và “tà thần” (les esprits mauvais) song song với Xa-tan và quỷ (les démons) thì “những việc xấu xa” (erga ponêra, les œuvres mauvaises) có thể xem là những việc của quỷ. Tác giả thư thứ nhất Gio-an nối kết “Ác thần” với “những việc xấu xa” ở 1Ga 3,11-12: “11 Đây là lời loan báo mà anh em đã nghe từ khởi đầu là chúng ta hãy yêu mến nhau. 12 Không như Ca-in là kẻ thuộc về Ác thần (ponêrou) nên đã giết em mình. Tại sao Ca-in đã giết em? Bởi vì các việc của nó là xấu xa (ta erga autou ponêra ên), còn các việc của em nó công chính.”

Tin Mừng Gio-an dùng 2 lần cụm từ “những việc xấu xa” (erga ponêra)” ở Ga 3,19; 7,7 để nói về hành động từ chối tin vào Đức Giê-su và bách hại Người. Đức Giê-su tuyên bố ở Ga 3,19: “Đây là án xử: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã yêu mến bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc của họ thì xấu xa (ponêra ta erga).” Ở Ga 7,7, Đức Giê-su nói với anh em của Người rằng: “Thế gian không thể ghét các anh, nhưng Tôi thì nó ghét, vì Tôi làm chứng về nó là các việc của nó thì xấu xa (ta erga autou ponêra estin).” Trong Tin Mừng Gio-an những người Do Thái tìm giết Đức Giê-su, họ đang làm công việc của quỷ như Đức Giê-su đã nói với họ ở Ga 8,41a và 8,44a: “Còn các ông, các ông làm những việc của cha các ông” (8,41a); “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông” (8,44a). Như vậy, “những việc xấu xa” (erga ponêra) trong các trích dẫn trên đây có nghĩa mạnh, đó là những công việc của Ác thần, của quỷ, của Xa-tan.

KẾT LUẬN

Chúng tôi đã trình bày vắn tắt về các từ Xa-tan (Satanas), quỷ (diabolos), quỷ (daimonion), Ác thần (ponêros) trong Kinh Thánh và có thể tóm kết như sau:

XA-TAN là tiếng Híp-ri, khởi đầu là danh từ chung, nhưng dần dần được dùng như tên riêng. Nghĩa của từ Xa-tan tiến triển qua ba giai đoạn:

1) Trước hết, xa-tan là kẻ chống đối, giữa con người với nhau (2Sm 19,23; 1V 11,25). Xa-tan còn là người kết tội ở trần gian này (Ps 109(108),6).

2) Kế đến, từ “xa-tan” được dùng để mô tả những thực tại thượng giới. Xa-tan là một thiên sứ, hay một loại thiên sứ, giữ một nhiệm vụ hợp pháp trong toà án trên trời (Dcr 3,1-5). Đó là “công tố viên”, kết tội bị cáo trước toà ở thiên đình, nhằm phục vụ Thiên Chúa trong việc xét xử.

3) Cuối cùng Xa-tan là thiên sứ phản nghịch, chống lại ý định của Thiên Chúa bằng cách đưa tội và sự chết vào trần gian (1Sb 21,1; Kn 2,23-24). Xa-tan trở thành kẻ đối nghịch với con người, kẻ cám dỗ và dụ dỗ để làm con người sa ngã. Trong một số đoạn văn Xa-tan là tên riêng theo nghĩa thủ lãnh của các thiên sứ phản nghịch (Kh 12,7-9).

QUỶ (LE DIABLE) là tiếng Hy lạp “diabolos”. Bản LXX dịch từ Híp-ri “satan” sang tiếng Hy Lạp là “diabolos” (quỷ). Như thế Xa-tan và quỷ (diabolos) là một nhân vật. Từ “diabolos” còn có cách dùng giảm nhẹ ở 1Tm 3,11; 2Tm 3,3; Tt 2,3, trong đó “diabolos” có nghĩa là “nói xấu”.

QUỶ (LE DÉMON) là tiếng Hy Lạp, danh từ: daimôn, tính từ: daimonion. Quỷ dùng với mạo từ (Le démon) đồng nghĩa với Xa-tan, thủ lãnh của quỷ (le  prince des démons). Trong Cựu Ước, quỷ (démon) được dùng để nói về các thần ngoại, thần giả, tà thần như là những sức mạnh siêu nhiên có thể dẫn con người xa rời Thiên Chúa của Ít-ra-en.

Một số từ khác để nói về Xa-tan như: KẺ THÙ (Lc 10,18-19; Mt 13,37-39), ÁC THẦN (Mt 5,37; 6,13; 13,19; Ga 17,15; 1Ga 2,13.14), CON MÃNG XÀ, CON RẮN XƯA, KẺ MÊ HOẶC (Kh 12,9), THỦ LÃNH CỦA THẾ GIAN (Ga 12,31; 14,30; 16,11). Trong các bản văn giữa hai Giao Ước (les écrits intertestamentaires), tên gọi và kiểu nói ám chỉ Xa-tan: Mastéma (Jubilés X,8-11; XI,5.11; XVII,16). Bélial, Thiên sứ thù nghịch (1QM XIII,11), Thiên sứ bóng tối (1QS III,20-21).

QUỶ (LES DÉMONS) hiểu theo nghĩa số nhiều, cùng với những kiểu nói khác: “THẦN Ô UẾ” (LES ESPRITS IMPURS), “TÀ THẦN” (LES ESPRITS MAUVAIS) là những thụ tạo siêu nhiên, những thiên sứ phản nghịch, chúng đi theo Xa-tan và chống lại Thiên Chúa. Một trong những hoạt động của Đức Giê-su trong sứ vụ công khai là trừ quỷ và trục xuất thần ô uế và tà thần.

Làm thế nào để con người có thể đứng vững trước những cám dỗ và dụ dỗ của Xa-tan? Tin Mừng Gio-an đề nghị với mọi người một số lựa chọn và  cách sống sau đây:

1- Đứng về phía Thiên Chúa để có thể nghe và hiểu giáo huấn của Đức Giê-su, vì Người đã nói với những người Do Thái: “Ai thuộc về Thiên Chúa thì nghe lời Thiên Chúa. Vì điều này mà các ông không nghe, đó là các ông không thuộc về Thiên Chúa” (Ga  8,47).

2- Đón nhận và tin vào Đức Giê-su, Lời làm người, để trở nên con cái Thiên Chúa như tác giả đã khẳng định trong lời tựa sách Tin Mừng: “Những ai đã đón nhận Người (Lời, Logos), Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ là những người tin vào danh của Người” (Ga 1,12).

3- Tin vào Đức Giê-su để có sự sống đời đời nơi mình (Ga 6,40).

4- Làm sự thật và đến với ánh sáng là Đức Giê-su (Ga 3,21).

5- Ở lại trong lời của Đức Giê-su để trở thành môn đệ thực sự của Người (Ga 8,31).

6- Ở lại trên cây nho đích thực là Đức Giê-su để sinh nhiều hoa trái (Ga 15,5).

7- Đón nhận và sống bình an (Ga 14,27) và niềm vui (Ga 15,11) của Đức Giê-su ban tặng.

8- Yêu mến Đức Giê-su và giữ các điều răn của Người để được Đấng Pa-rác-lê, Đức Giê-su và Chúa Cha ở lại nơi mình (Ga 14,15-23).

9- Sống điều răn yêu thương để mọi người nhận ra mình là môn đệ của Đức Giê-su (Ga 13,34-35).

10- Can đảm trước những khó khăn, thử thách và bách hại, bởi vì Đức Giê-su đã thắng thế gian thù ghét (Ga 16,33) và thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử (Ga 16,11).

Nếu chúng ta chấp nhận những đề nghị trên và tiến bước trên con đường là chính Đức Giê-su (Ga 14,6) thì chúng ta có thể đứng vững và vượt qua mọi trở ngại trong cuôc sống. Xa-tan với quyền lực của nó, vẫn chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa. Quyền năng của Thiên Chúa (Đấng tạo hoá, Créateur) và Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người là vô cùng lớn lao so với thế lực của Xa-tan và quỷ (thụ tạo, créature).

Bằng cách bước vào trong tương quan nhân vị càng ngày càng mật thiết với Đức Giê-su, mọi người có thể khẳng định như Phao-lô đã nói trong thư Rô-ma 8,38-39: “38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”./.