LỜI GIỚI THIỆU
Nhân dịp Năm Đức tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng Vaticanô II và 20 năm ban hành Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, Thời sự Thần học số 58 đã dành nhiều bài cho các biến cố ấy. Số 59 tiếp tục những đề tài vừa rồi dưới tựa đề “Thông truyền đức tin” trùng với chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám mục họp vào tháng 10 năm ngoái. Đây là một sứ mạng của toàn thể Giáo hội và bao gồm nhiều lãnh vực: chứng tá đời sống, rao giảng Lời Chúa, phụng vụ, hoạt động bác ái. Chúng tôi muốn giới hạn vào tác vụ Lời Chúa (ministerium Verbi) dưới các hình thức: giảng dạy, giáo dục, suy tư thần học.
1. Ngay từ thời các thánh tông đồ, huấn giáo được coi như một công tác quan trọng trong việc đào tạo đức tin. Tuy nhiên, trải qua dòng thời gian, đã có những thay đổi quan điểm về huấn giáo: dành cho các dự tòng sắp lãnh nhận các bí tích dự tòng, hay dành cho những người đã được rửa tội và cần được học hỏi để hiểu biết thêm đức tin. Những phương thế sử dụng vào việc huấn giáo cũng thay đổi, cách riêng từ thế kỷ thứ XVI với sự xuất hiện hình thức Sách Giáo lý. Bài viết về catechesis – catechismus – catechetica theo dõi mối liên hệ giữa ba khái niệm (huấn giáo, sách giáo lý, khoa huấn giáo) từ xưa đến nay.
2. Trong các văn kiện công đồng Vaticanô II, có lẽ Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo Gravissimum educationis ít được chú ý hơn cả. Đức cha Jean-Louis Bruguès, O.P. , nguyên tổng thư ký Bộ Giáo dục Công giáo, phân tích văn kiện của Công đồng và những vấn đề được đặt ra vào thời nay.
3. Sau những suy tư mang tính cách tổng quát, chúng ta đi vào hai áp dụng cụ thể về thời gian và không gian. Làm thế nào nói về Thiên Chúa cho thời đại hôm nay? Đó là băn khoăn của cha Edward Schillebeeck (1914-2009). Vấn đề không chỉ là tìm một ngôn ngữ mới nhưng là một phương pháp thần học mới, và linh mục Nguyễn Đình Tân, O.F.M. cho thấy rằng cha Schillebeeck đã sử dụng nhiều phương pháp để nói về Thiên Chúa cho con người sống trong thế giới tục hóa, hoặc con người phải đương đầu với bao nhiêu đau khổ : thần học tiên nghiệm, thần học giải thích, thần học thực hành, tương quan liên đới. Nói cho cùng, những phương pháp mới mẻ nhằm nói lên chân lý căn bản: “Thiên Chúa luôn mới mẻ.”
4. Linh mục Nguyễn Văn Nhứt, O.P. suy tư về việc rao giảng sứ điệp hòa giải trong Chúa Kitô cho văn hóa Việt Nam. Giảng thuyết có nghĩa là công bố sứ điệp của hy vọng cho một xã hội mang nhiều thương tích, gây ra bởi việc suy giảm ý thức về tính thánh thiêng của cuộc sống, ý thức lương tri về thiện và ác.
5. Từ sau công đồng, thuật ngữ “mục vụ” đã trở thành quen thuộc trong Giáo hội, và được áp dụng cho một ngành chuyên biệt của thần học (thần học mục vụ) cũng như hoạt động của Giáo hội (hoạt động mục vụ). Hơn thế nữa, “mục vụ” còn được gắn với nhiều thực thế khác: trung tâm mục vụ, hội đồng mục vụ, tinh thần mục vụ, thực tập mục vụ, kinh nghiệm mục vụ. Thế nhưng: mục vụ là gì? Linh mục Phan Tấn Thành, O.P. tìm cách trả lời qua việc nghiên cứu việc áp dụng thuật ngữ này trong lịch sử Giáo hội, và những vấn đề được đặt ra cho “thần học mục vụ” (cũng gọi là “thần học thực hành”).
6. Cách đây 30 năm, ngày 25 tháng Giêng năm 1983, đức thánh cha Gioan Phaolô II ban hành Bộ Giáo luật, như một hoa trái của Công đồng. Bộ Giáo luật có ý nghĩa gì đối với đời sống Giáo hội? Pháp luật có liên quan gì đến mục vụ không? Đức hồng y Julian Herranz, nguyên chủ tịch Hội đồng Văn bản Pháp lý, trả lời những câu hỏi ấy trong bài thuyết trình Giáo luật để làm chi?
7. Trong Năm đức tin, học hỏi về “đặc ân đức tin” (privilegium fidei) trong giáo luật hẳn là rất thời sự: linh mục Nguyễn Trường Tam, O.P. trình bày những trường hợp áp dụng vào việc tiêu hủy giá thú, đặc biệt dựa trên văn kiện gần đây của bộ Giáo lý Đức tin.
8. Bộ Giáo luật đã được ban hành 30 năm. Từ đó đến nay đã có những sửa đổi gì không? Thời sự Thần học xin cung cấp vài tài liệu bổ sung cho bản văn pháp lý này: những luật mới, những sửa đổi, những giải thích.
9. Kết thúc số báo về thông truyền đức tin là một bài điểm qua vài nét nổi bật của khóa họp Thượng Hội đồng Giám mục hồi tháng 10 năm ngoái về “Loan báo Tin Mừng mới mẻ để thông truyền đức tin Kitô giáo.”
***
TRONG SỐ NÀY
CATECHESIS – CATECHISMUS CATECHETICA
Giuse Phan Tấn Thành
CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC
Jean-Louis Bruguès
ĐỨC TIN VÀ PHƯƠNG PHÁP SUY TƯ THẦN HỌC : EDWARD SCHILLEBEECKX
Joseph Tân Nguyễn
GIẢNG SỨ ĐIỆP HÒA GIẢI TRONG CHÚA KITÔ CHO VĂN HÓA VIỆT NAM
PX. Nguyễn Văn Nhứt
MỤC VỤ : HOẠT ĐỘNG VÀ THẦN HỌC
Giuse Phan Tấn Thành
GIÁO LUẬT ĐỂ LÀM CHI ?
Julian Herranz
NHỮNG TRƯỜNG HỢP THÁO CỞI DÂY HÔN PHỐI NHỜ ĐẶC ÂN ĐỨC TIN
Tôma Aq. Nguyễn Trường Tam
BỘ GIÁO LUẬT BA MƯƠI NĂM QUA : NHỮNG BỔ SUNG VÀ SỬA ĐỔI
Tsth
THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC 2012 : NHỮNG GÌ CÒN LẠI
Sandro Magister
————————–
Ghi chú:
– Các Ấn phẩm của Anh Em Đaminh được bán tại Thư Viện Trung Tâm Học Vấn Đaminh, Nhà Sách Martino (Giáo Xứ Đaminh – Ba Chuông), Nhà Sách Đức Bà Hoà Bình và một số Nhà sách Công giáo khác.
– Các Chủng Viện và Học Viện đặt mua số lượng nhiều, có thể liên hệ với chúng tôi qua email:
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
– HỌC VIỆN – TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐAMINH, 90 Nguyễn Thái Sơn, Phường 3, Quận Gò Vấp, Tp. HCM