Tác Phẩm: Bô Sách "Về Nguồn" (Bộ Mới)

0
1388


 

Tác phẩm: Bộ Sách “Về Nguồn”

Số trang: + Tập 1: Nguồn Gốc Kitô Giáo

                              và Thời Các Tông Đồ

Số trang: + Tập 2: Thời Các Giáo Phụ

Tác giả: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Phát hành: Học Viện Đa Minh (2013)

Số trang: + Tập 1 (500 trang)

                  + Tập 2 (652 trang)

Kích cỡ: 14.5cm x 20.5cm

***

LỜI NÓI ĐẦU

Bộ sách Về Nguồn được viết vào dịp chuẩn bị mừng biến cố 2000 năm bắt đầu kỷ nguyên Kitô giáo, và được phát hành từ năm 1997. Kỷ niệm năm 2000 có nghĩa là kỷ niệm nguồn gốc của Kitô giáo, khởi đi từ ngọn nguồn là Đức Giêsu Kitô, rồi theo dõi sự tiến triển của cộng đoàn những môn đệ của Người là Hội thánh.

Mặc dầu biến cố năm 2000 đã qua rồi, nhưng việc trở về nguồn gốc của Kitô giáo không mất tính cách thời sự. Bằng chứng là Đức Thánh Cha Benedict XVI đã viết và cho xuất bản bộ sách Đức Giêsu Nazareth, và đã dành nhiều loại bài huấn giáo hằng tuần kể từ ngày 15/3/2006 để giới thiệu các thánh Tông Đồ, và liếp tục với các giáo phụ (từ ngày 7/3/2007).

Trong lần tái bản lần hai này (2013), chúng tôi đã hiệu chỉnh và bổ sung thêm, đồng thời sắp xếp bộ sách Về Nguồn thành hai quyển (thay vì bốn tập như lần trước): Quyển Một gồm hai phần: Đức Giêsu và các thánh Tông Đồ (thế kỷ I); Quyển Hai dành cho các giáo phụ (thế kỷ II-VIII).

Trong quyển Một, chúng ta sẽ nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của Đức Kitô và tiếp theo là hoạt động của các thánh Tông đồ. Cả hai giai đoạn này bao trùm suốt thế kỷ thứ nhất của lịch sử Kitô giáo (quen gọi là Công nguyên). Tầm quan trọng của thời các tông đồ đối với hết mọi thế hệ của Hội thánh được biểu lộ ở chỗ các tác phẩm của các ngài được nhìn nhận làm quy thư, nghĩa là trở thành quy chuẩn của niềm  tin, phụng tựï và lối sống của các tín hữu.

Dưới một hình ảnh khác, các thánh tông đồ được ví như nền móng của toà nhà Hội thánh (Ep 2,21). Các thánh tông đồ đã đặt nền móng của Hội thánh  qua việc ấn định những cơ sở nền tảng của Kitô giáo: các công thức phát biểu đức tin và lời cầu nguyện, các nghi thức cử hành phụng vụ và chuyển thông ơn thánh, các nhân viên phục vụ cộng đoàn. Biến cố cứu độ của Chúa Kitô được diễn đạt thành những bài giảng, bí tích, tác vụ, với những chất liệu lấy từ các định chế của đạo Do Thái, của văn minh Hy Lạp, Rôma, của  truyền thống các dân tộc.

Từ nền móng mà các tông đồ đã đặt, ngôi nhà Hội thánh sẽ được tiếp tục xây dựng do các thế hệ sau đó. Trong quá trình xây dựng  suốt 20 thế kỷ vừa qua, bộ sách “Về Nguồn” chú trọng tới thời kỳ CÁC GIÁO PHỤ, kéo dài từ thời các tông đồ cho đến thế kỷ thứ VIII. Tầm quan trọng của thời kỳ này đã được biểu lộ ngay chính trong tên gọi “Giáo phụ”, nói nôm na là “những người cha của Hội thánh” (Patres Ecclesiae; Pères de l’Eglise; Fathers of the Church).

Đã hơn một lần đức Kitô đã nhắn nhủ các môn đệ: “các con đừng gọi ai là cha ở dưới đất này, bởi vì chỉ có một Cha mà thôi, Đấng ngự trên trời” (Mt 23,10). Khi tuyên bố như vậy, chắc là Đức Giêsu không có ý định xui giục các môn đệ hãy khước từ ông thân sinh của mình, nhưng Người chỉ muốn bài trừ não trạng trịch thượng hách dịch của những kẻ  mang đầu óc “cha chú”. Cách riêng, Đức Giêsu muốn rằng giữa các môn đệ của Người, kẻ chỉ huy hãy tỏ ra như một người hầu hạ. Dù sao, Người đã không đòi hỏi các môn đệ phải gạch bỏ danh xưng “cha” ra khỏi ngôn ngữ thông dụng hàng ngày (xc Lc 15,18.21).

Cũng như tại Việt Nam, người Do Thái (cũng như Hylạp và Rôma) đã dùng danh xưng “cha” không những chỉ  để gọi ông thân sinh của mình (nghĩa đen) nhưng còn mở rộng đến các lãnh vực khác nữa. Thầy giáo cũng được đặt ngang hàng với cha của mình, bởi vì ông thầy sinh ra ta về mặt tinh thần (Sư phụ: xc 2V 2,12). Một văn sĩ hay nghệ sĩ cũng được gọi là “cha đẻ” của một tác phẩm. Hơn thế nữa, có những người được phong là “cha già dân tộc” vì đã có công trong việc khai sinh hay kiến thiết quốc gia.

Từ những thí dụ vừa rồi, ta hiểu được tại sao Kinh thánh gọi các ông Abraham, Giácop là tổ phụ (patriarcha), cha tổ (cha ông) của dân tộc Israel: bởi vì họ  khai trương một kỷ nguyên mới của dân tộc, một dân được Thiên Chúa chiếu cố thiết lập giao ước (xc. Lc 16,24; Ga 8,39).

Riêng thánh Phaolô, người coi mình là “cha” đối với các tín hữu bởi vì đã sinh ra họ về đời sống đức tin, qua lời giảng và các bí tích (1Cr 4,15; xc Gl 4,19; 2Cr 6,13).

Từ thế kỷ thứ 2, các tín hữu đã gọi các giám mục là “cha”, bởi vì các ngài đã dạy dỗ dưỡng dục các tín hữu trong đời sống thiêng liêng. Sang thế kỷ thứ 4, khi đời đan tu xuất hiện, các vị sáng lập một đan viện cũng được gọi là “cha” (abbas), bởi vì họ giữ vai trò lãnh đạo và nhất là vì họ là bậc thầy hướng dẫn đường nên trọn lành.

Cũng từ thế kỷ thứ 4, từ ngữ “những người cha của Hội thánh” (quen gọi là “giáo phụ”: pater ecclesiae, cha của Giáo hội) mang một ý nghĩa đặc biệt, áp dụng cho các giám mục tham dự công đồng (nghị phụ) để xác định nội dung đức tin và kỷ luật của Hội thánh. Quyết định của các ngài trở thành điểm quy chiếu cho các cuộc tranh luận đạo lý, để biết điều gì là chính thống và điều gì là sai lầm.

Khi đan sĩ Vincent Lérins (+k.450)[1]  đặt câu  hỏi: làm thế nào biết được điều gì phù hợp  với đức tin công giáo và điều nào sai lầm, thì  chính ông đã đưa ra câu trả lời: cần phải truy về đạo lý của các giáo phu;, nghĩa là điều gì đã được hết mọi người (ab omnibus) xưa nay vốn nắm giữ (semper) khắp nơi (ubique). Thực vậy, các giáo phụ “là những người đã luôn luôn dạy dỗ đức tin và trung thành với đức tin;  họ đã chết trong niềm trung thành với Chúa Kitô, thậm chí có người đã được phúc chết vì Chúa”.  Dựa vào đâu để nhận biết một giáo phụ? Tác giả đề ra bốn tiêu chuẩn: 1/ thuộc về thời cổ, 2/ đạo lý chính thống, 3/ đời sống thánh thiện, 4/ được Hội thánh công nhận. Bốn tiêu chuẩn này trở thành cổ điển trong việc xác nhận một giáo phụ. Riêng về tiêu chuẩn thứ nhất (cổ thời), nên biết là thế hệ các giáo phụ vẫn còn kéo dài sau tác phẩm của Vincent Lérins. Thường các học giả kéo dài thời đại các giáo phụ cho đến thánh Grêgôriô Cả (+604) và thánh Isiđôrô Sevilla (+636) đối với Tây phương, còn bên Đông phương thì chấm dứt với thánh Gioan Đamascô (+749). Mặt khác, đã có người lại muốn khóa sổ thời các giáo phụ sớm hơn, với công đồng Calcêđônia (năm 451).

Dù sao, thời các giáo phụ được gom vào mục “Về nguồn” bởi vì là giai đoạn quan trọng của Kitô giáo. Các giáo phụ (những người cha của Hội thánh) đã tiếp tục công cuộc của các thánh tông đồ trong việc truyền thông mạc khải Kitô giáo, đặc biệt là trong việc xác định những biểu thức đức tin, những nghi thức cử hành phụng vụ bí tích, những cơ cấu tổ chức Giáo hội. Việc học hỏi các giáo phụ không phải chỉ là việc quay về quá khứ để ôn lại chặng đầu của sự tiến triển Kitô giáo,  nhưng còn để nêu bật nhiều giá trị hằng cửu trong suốt cuộc lữ hành của Hội thánh.

1/ Thời các giáo phụ, ít là trong giai đoạn đầu, trùng với thời kỳ cấm đạo. Đó là thời kỳ của các thánh tử đạo, thời của các chứng nhân. Bằng lời giảng và đời sống, các giáo phụ đã giúp cho Hội thánh trung thành với đức tin.

2/ Mặc dù gặp một thế giới thù nghịch, các giáo phụ không co cụm, đóng khung lại trong những chuyện nội bộ. Với nhiệt tình truyền giáo, các ngài đã viết những tác phẩm hộ giáo, trình bày đạo lý Chúa Kitô, đánh tan những hiểu lầm xuyên tạc về phía chính quyền hoặc về phía các học thuyết khác. Hơn thế nữa, các giáo phụ còn sử dụng các phạm trù triết học để diễn tả mặc khải của Thiên Chúa. Các giáo phụ quả là gương mẫu của cuộc đối thoại với các nền văn hóa đương thời. Cũng trong chiều hướng đối thoại văn hóa mà các giáo phụ đã để lại cho Kitô giáo và nhân loại một kho tàng văn chương, tức là nền văn học Kitô giáo.

3/ Thời của các giáo phụ là thời xác định những chân lý đức tin căn bản của Kitô giáo liên quan đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, điển hình qua bốn đại công đồng: Nixêa (325), Constantinôpôli (381), Ephêsô (431), Calxêđônia (451). Các công đồng này không được triệu tập dựa theo một lịch trình được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng do hoàn cảnh thúc đẩy. Nói một cách cụ thể, các công đồng được triệu tập để đối phó với các lạc thuyết. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội kết án các lạc thuyết. Họ không nuôi ác ý muốn gieo cỏ lồng vực trong lòng Hội thánh đâu. Các lạc thuyết bắt đầu từ những cố gắng muốn dung hoà mặc khải Kitô giáo với những yêu sách của lý luận tự nhiên. Tiếc rằng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện sự dung hoà đó. Có những lúc buộc phải chấp nhận sự điên rồ và nghịch lý của thập giá Chúa Kitô. Các giáo phụ để lại nhiều bài học về thái độ đối thoại với văn hóa, thái độ tôn trọng tính cách đa dạng trong lối suy tư và diễn đạt đức tin,  đồng thời với bài học về thái độ cương quyết khi cần khẳng định chân lý đức tin.

Trong lần xuất bản trước đây, các giáo phụ được bàn trong tập III và IV của bộ “Về Nguồn”. Lần này, chúng tôi gom thành một quyển, tuy nhiên vẫn tách thành hai giai đoạn, được đánh dấu với Công đồng Nixêa (325)[2]. Giai đoạn đầu tương ứng với thời kỳ Giáo hội bị cấm cách, và chấm dứt với quyết định của hoàng đế Constantinô cho phép Kitô giáo được tự do hành đạo (năm 313). Giai đoạn hai nổi bật với 4 công đồng đã nêu trên đây.

Trong giai đoạn một, chúng tôi sẽ trình bày bốn điểm sau đây.

1. Bối cảnh chính trị (Đế quốc Rôma với Kitô giáo. Lý do và lịch sử các cuộc bách hại) – Văn hóa xã hội (Phản ứng của các học thuyết và tôn giáo trước sự bành trướng của Kitô giáo).

2. Nguồn tư liệu về đời sống Hội thánh: tác phẩm của các giáo phụ, sự thành hình văn chương Kitô giáo.

3. Tổ chức của Hội Thánh. Sự bành trướng của Kitô giáo. Cơ cấu nội bộ. Các lạc thuyết và các nhóm ly khai.

4. Đời sống đạo của các tín hữu: các chân lý đức tin; phụng vụ bí tích; luân lý cá nhân và xã hội.

Điểm thứ nhất trình bày bối cảnh lịch sử; điểm thứ ba trình bày khung cảnh Hội Thánh. Hai điểm còn lại là nòng cốt của “giáo phụ học”: một đàng, nghiên cứu các tác giả và tác phẩm (patrologia), một đàng nghiên cứu tư tưởng thần học của các giáo phụ (theologia patristica).

Như đã nói trong quyển I, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã dành một loạt bài huấn giáo từ ngày 7/3/2007 (bắt đầu với thánh Clementê Roma) đến ngày 25/6/2008 (maimus Confessor) để giới thiệu các giáo phụ. Các bài được đăng trên trang mạng của Tòa Thánh.

 


[1] Tác phẩm Commonitorium viết khoảng 435

[2] Khi bàn về các giáo phụ, chúng tôi theo lối phiên âm đã quen thuộc (dựa theo la ngữ).

 

————————–

Ghi chú:

– Các Ấn phẩm của Anh Em Đaminh được bán tại Thư Viện Trung Tâm Học Vấn Đaminh, Nhà Sách Martino (Giáo Xứ Đaminh – Ba Chuông), Nhà Sách Đức Bà Hoà Bình và một số Nhà sách Công giáo khác.

– Các Chủng Viện và Học Viện đặt mua số lượng nhiều, có thể liên hệ với chúng tôi qua email:
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

HỌC VIỆN – TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐAMINH, 90 Nguyễn Thái Sơn, Phường 3, Quận Gò Vấp, Tp. HCM