Sự Tiến Triển Trong Suy Tư Thần Học Của Thánh Toma Aquino Về Bí Tích Truyền Chức

0
2854


Tác giả: Lm. Pierre-Marie GY, OP.

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Lâm Văn Sỹ, OP.

 

 

Thấm thoát cũng đã 40 năm kể từ khi tôi có dịp biên khảo về đề tài “các từ cổ dùng để chỉ chức linh mục”;[1] nói cụ thể hơn, đó là hai từ “ordo” và “sacerdos”. Trong thế giới Roma thời xưa, hạn từ ordo chỉ về các giới chức hay hiệp hội xác định, chẳng hạn người ta thấy có sự phân biệt giữa ordo và populus, giữa ordo và plebs. Có thể đơn cử trường hợp kinh tưởng niệm của Lễ Quy Roma, trong đó có những lời này: “chúng con là tôi tớ Ngài cùng với đoàn dân thánh của Ngài” (nos servi tui sed et plebs tua sancta). Thế nhưng, 8 thế kỷ sau sự ra đời của Lễ quy Roma, tức là vào thế kỷ XII, thời điểm mà con số bảy bí tích đã được ấn định dứt khoát, thì Hugues de Saint-Victor và Pierre Lombard đã dùng hạn từ “ordo” như một chuyên từ để chỉ một trong số bảy bí tích: bí tích đó nay được gọi là Bí tích Truyền Chức Thánh. Trong phần hai của bài khảo cứu viết cách đây 40 năm, tôi cũng đã trình bày lịch sử của việc sử dụng từ Latinh sacerdos trong Kitô giáo: lúc đầu nó hầu như được dùng chủ yếu để chỉ các giám mục; rồi sau đó chỉ giám mục cũng như linh mục; và sau cùng vào khoảng thế kỷ XI, từ này được dùng chủ yếu để chỉ các linh mục, tức các linh mục “trơn”. Trong bài viết này, tôi sẽ tập trung nghiên cứu chủ đề thần học về Bí tích Truyền Chức theo Thánh Toma Aquino.

Thánh Toma Aquino đã luận bàn về Bí tích Truyền Chức trong các phân mục (distintio) 24 và 25, ở quyển IV của bộ chú giải sách Sententiae của Pierre Lombard. Thế còn trong phần III của bộ Summa theologiae, khi qua đời, Thánh Nhân mới chỉ kịp hoàn tất phần khảo luận về Bí tích Sám Hối; những gì nói về Bí tích Truyền Chức thì nằm trong phần “Bổ túc” của bộ Summa, được biên soạn sau khi Thánh Nhân qua đời, dựa trên những gì đã được viết trong bộ chú giải sách Sententiae. Theo tác giả người Ý Mauro Turrini, phần Bổ túc của bộ Summa là công trình của Réginald Piperno, thư ký của Thánh Toma Aquino.[2] Ngoài ra, vì hiện nay chúng ta chưa có được ấn bản phê bình của quyển IV trong bộ chú giải sách Sententiae, nên tôi đồng ý với Bataillon khi tác giả này cho rằng, hầu như chắc chắn là Réginald đã có trong tay bộ chú giải sách Sententiae mà Thánh Toma Aquino từng dùng riêng. Nói thế có nghĩa là đang khi chờ đợi có được ấn bản phê bình của bộ chú giải Sententiae, thì bản văn của phần Bổ túc trong bộ Summa có thể tạm coi là bản văn xác thực.

Ngoài ghi nhận chính yếu trên, tôi có thể bổ sung một vài điểm như sau:

1/. Khi tìm hiểu những gì liên quan đến Bí tích Truyền Chức trong bộ chú giải Sententiae cũng như trong bộ Summa, chúng ta cũng cần lưu ý cả đến những vấn đề thuộc phần bí tích tổng quát nữa.

2/. Không kể một số lần đề cập đây đó, chủ đề Bí tích Truyền Chức còn được bàn đến trong Summa contra Gentiles,[3] và trong tiểu phẩm De articulis fidei et Ecclesiae sacramentis (viết trong khoảng từ 1261 đến 1270); như chúng ta đã biết, tài liệu sau đã được dùng trong Công Đồng Florence để soạn thảo Sắc lệnh gửi các tín hữu miền Armenia.

3/. Trong phần chú giải sách Sententiae, quyển IV, phân mục 25, Thánh Toma Aquino đã bàn về tội mại thánh (simonie), tức là tội “buôn bán” các bí tích để thu lợi. Trong bộ Summa, Thánh Nhân lại bàn về chủ đề này trong vấn đề 100 của phần Secunda Secundae (II-II, q. 100). Tuy nhiên, chúng ta không được phép quên điều này, đối với một nhà thần học thời Trung cổ khi bàn về Bí tích Truyền Chức thì không thể bỏ qua ba điểm mấu chốt chính của cuộc cải cách từ thời Đức Giáo Hoàng Gregorio – đây là những gì sử gia có thể dễ dàng nhận thấy đây đó trong khi nghiên cứu; ba điểm này bao gồm:

– Quyền tự do của Giáo hội trong tương quan với thế quyền,

– Việc ấn định tình trạng độc thân của các linh mục,

– Và tội mại thánh.

Như thế, tội mại thánh bao gồm tất cả những hình thức “buôn thần bán thánh” trong việc ban phát các bí tích, cũng như những gì ngày nay chúng ta gọi là các thứ bậc long trọng hơn kém của các thánh lễ cử hành theo ý người xin. Còn về luật độc thân linh mục, khi tìm trong sách Sententiae, quyển IV, phân mục 13, để xem các nhà thần học nói gì về việc linh mục năng cử hành thánh lễ, thì người ta nhận thấy các nhà thần học lẻ tẻ đây đó cũng có quan tâm đến vấn đề ấy; tuy nhiên, có một điều – vừa thuộc luân lý vừa thuộc Giáo luật – mà không một nhà thần học nào bỏ qua, đó là vấn đề có được phép tham dự thánh lễ do một “linh mục bê bối” (lỗi luật độc thân) cử hành hay không. Ngoài ra, chúng ta còn có thể gặp thấy một dữ kiện còn sâu xa hơn nữa liên quan đến lịch sử văn minh, tức là những khía cạnh văn hóa – xã hội khác nhau gắn liền với sự phân biệt giữa giáo sĩ và giáo dân ở thời Trung Cổ.

Dựa trên bối cảnh đó, giờ đây, chúng ta quay trở lại với cái nhìn thần học của Thánh Toma Aquino về Bí tích Truyền Chức.[4]

Theo cũng một cách như trước đây tôi đã từng làm khi bàn về các bí tích nói chung,[5] ở đây tôi sẽ tìm cách đối chiếu Thánh Toma Aquino với một số nhà thần học sống cùng thời với ngài, để tìm ra đâu là những điểm đồng thuận giữa họ với nhau, và đâu là những điểm mà Thánh Toma Aquino có lập trường riêng. Trong số các nhà thần học thời này, tôi sẽ chủ yếu tập trung vào các vị sau: trước hết là Thánh Alberto Cả, thầy của Thánh Toma Aquino. Tiếp đến là Thánh Bonaventura, một vị tôn sư Dòng Phanxico. Thiết tưởng, khi Thánh Toma Aquino biên soạn bộ chú giải sách Sententiae, thì ngài đã có trong tay bộ chú giải do Bonaventura thực hiện, thành thử có lúc Toma Aquino bằng lòng với việc tóm lược tư tưởng của Bonaventura, lúc khác ngài lại chuyển đổi cả một loạt những luận điểm của Bonaventura thành các vấn nạn để luận phi.[6] Một tác giả nữa là Pierre de Tarentaise (sau này là Giáo Hoàng Innocente V); không kể Toma Aquino, đây là một tu sĩ Đaminh khác giữ ghế giáo sư; và trong nhiều trường hợp, vị này đã chứng tỏ lập trường gần với Bonaventura hơn Toma Aquino.[7] Sau cùng là người trợ giảng của Thánh Toma Aquino, tên là Annibald de Annibaldis; ông này xuất thân từ một môi trường tương tự Thánh Toma Aquino: con của một gia đình gốc Roma, có người bác là Giáo Hoàng Innocente III; còn bản thân thì ít lâu sau cũng được đặt làm hồng y.[8] Annibald chuẩn bị các bài đứng lớp của mình với “cây kéo” trong tay, và tùy trường hợp, khi thì ông chọn một đoạn của Toma Aquino, khi khác lại chọn đoạn văn của Pierre Lombard. Chi tiết này cũng khá lý thú ở chỗ, nó giúp chúng ta biết được tầm ảnh hưởng của vị này hoặc vị kia trong từng trường hợp. Đây không phải một thiên tài, nhưng là một nhà sư phạm sáng suốt,[9] biết bỏ qua một bên những vấn đề mà ông cho là thuần lý thuyết, chẳng hạn vấn đề được đặt ra vào thời đó (thế kỷ XIII) liên quan đến việc truyền chức cho phụ nữ (đây lại là vấn đề được Thánh Toma Aquino quan tâm). Tuy nhiên, người ta hiện còn giữ được hai đoạn bản (fragments) là thủ bút của Toma Aquino, phần còn sót lại của cảo bản gốc của bộ chú giải Sententiae, quyển IV. Đây là một tư liệu quý giá giúp xác lập ấn bản phê bình mà Cha Fauser, một thành viên của Ủy Ban Leonina, đang nỗ lực thực hiện. Một trong hai đoạn bản nói trên lại đề cập đến vấn đề truyền chức cho nữ giới (distintio 25).[10]

Giáo lý về Bí tích Truyền Chức gặp thấy nơi các nhà thần học mà tôi đã kể ra trên đây, cách chung thì tương tự nhau, có khác chăng chỉ là những độ nhấn hơn kém. Giáo lý này có thể được đúc kết thành một số điểm chính như sau:

1/. Bí tích Truyền Chức là một trong bảy Bí tích của Luật mới

Trước hết là sự xác định về hai khía cạnh: về tên gọi “các Bí tích của Luật mới” (sacramenta novae Legis); và về sự phân biệt giữa con số bảy Bí tích và cái tạm gọi là bản liệt kê theo Dionysius.

Pierre Lombard là người đề xuất sự phân biệt giữa các bí tích của Luật cũ và bảy Bí tích của Luật mới; lối phân biệt ấy nay không còn thông dụng nữa; thay vào đó, cách gọi vắn tắt “các bí tích” đã trở thành tên riêng để chỉ bảy Bí tích. Thành ngữ “sacramenta novae Legis” đã xuất hiện trong bộ chú giải sách Sententiae, và sau đó còn thấy trong tiểu phẩm De articulis fidei et Ecclesiae sacramentis, trong đó Thánh Toma Aquino kể ra bảy Bí tích. Tôi tự hỏi không biết diễn ngữ ấy có còn giữ nguyên tầm quan trọng trong phần III của Bộ Summa theologiae hay không. Rất có thể chúng ta gặp thấy ở đây một dấu chứng về sự tiến triển trong tư duy thần học hướng đến một thứ từ vựng chuyên môn hơn, cả khi chúng ta biết rằng Thánh Toma Aquino vốn không thuộc “típ” người quá chăm chút đến tính đơn nghĩa chặt chẽ của từ vựng theo kiểu Duns Scotus.

2/. Năm Bí tích đầu nhắm đến sự thiện của cá nhân; hai bí tích cuối thì nhắm đến sự thiện của cộng đoàn Hội Thánh.

Điểm thứ hai liên quan đến một lối nhìn hoàn toàn bất ngờ đối với thời hiện đại; đó là sự phân biệt giữa các Bí tích nhắm đến các cá nhân (in remedium unius personae), tức là năm Bí tích đầu; và còn lại là các Bí tích nhắm đến cộng đoàn (in remedium totius Ecclesiae), tức là Bí tích Truyền Chức và Bí tích Hôn Phối. Sự phân biệt giữa các Bí tích như phương dược chữa trị các cá nhân, và các Bí tích như phương dược dành cho toàn thể Hội Thánh, tức là hai Bí tích Truyền Chức và Hôn Phối, đã được Thánh Toma Aquino chỉ ra ngay khi ngài thực hiện việc chú giải sách Sententiae.[11] Sự phân biệt này cần đặt trong bối cảnh lịch sử của nó. Hai mươi hoặc hai mươi lăm năm trước đó, Alexandre de Halès đã viết: “Bí tích thứ bảy là Bí tích Truyền Chức linh mục, mà nhiệm vụ chính của người chịu chức là thánh hiến Mình và Máu Chúa, nơi đó biểu thị mối dây hiệp thông của Nhiệm Thể bằng đức ái”.[12] Ở đây chúng ta gặp lại chủ đề Thánh Thể – Nhiệm Thể, một đề tài mà Cha Henri de Lubac trước đây đã từng nghiên cứu và khơi mào cho những cuộc tranh luận. Về phần mình, tôi không có ý đi sâu vào vấn đề này. Tôi chỉ ghi nhận thoáng qua như vậy thôi, nhân nói đến sự phân biệt giữa các cá nhân và cộng đoàn, điều mà tôi không gặp thấy trong bộ chú giải của Thánh Alberto cũng như của Thánh Bonaventura.

Mặt khác, Thánh Toma Aquino đã nêu rõ sự phân biệt này liền ngay sau khi đã luận bàn về các Bí tích xét như là “các Bí tích của Hội Thánh”, nghĩa là được phân phát do các thừa tác viên của Hội Thánh (ut sunt Ecclesiae sacramenta, scilicet per ministres Ecclesiae dispensanda) và xét như là “các tác động thuộc phẩm trật”.[13] Phải chăng chính Thánh Toma Aquino chứ không phải thánh Alberto là người đã quảng bá hay đề xướng theo một phương thức mới mẻ hai khái niệm “sacramenta Ecclesiae” và “ministri Ecclesiae”? Xem ra đúng như vậy, và người ta thấy ngài vẫn còn tiếp tục sử dụng hai khái niệm ấy; riêng về khái niệm “actiones hierarchicae”, ngài không còn dùng khái niệm ấy nữa kể từ sau bộ chú giải sách Sententiae. Vậy thì Thánh Tiến Sĩ đã thay nó bằng khái niệm nào? Và tại sao? Lúc này thì tôi chưa có câu trả lời.[14] Dầu sao, tôi thiên về lập trường cho rằng Thánh Toma Aquino, đang khi thực hiện thành công một sự tổng hợp sâu sắc giữa tư tưởng phương Tây và tư tưởng của Dionysius, thì cũng chính ở đây ngài đồng thời nhận ra rằng, quan điểm của Dionysius về các “tác động thuộc phẩm trật” không thể hòa hợp trọn vẹn với quan điểm phương Tây về bảy Bí tích. Dù luận điểm này chưa rõ đúng sai thế nào, nhưng hầu như chắc chắn là lối nhìn của Dionysius ít nhiều cũng đã gợi hứng cho Toma Aquino nhấn mạnh nhiều hơn đến Bí tích Truyền Chức. Cũng vẫn liên quan đến hai khái niệm “sacramenta Ecclesiae” và “ministri Ecclesiae”, vấn đề đặt ra là phải chăng trong tư tưởng của Toma Aquino có một mối liên hệ minh nhiên hay mặc nhiên nào đó giữa hai khái niệm ấy với cái ý tưởng, mà theo đó thì “linh mục hành động “in persona Christi” và “in persona Ecclesiae”?[15] Về điểm này, tôi không dám chắc.

3/. Bí tích Truyền Chức là một trong ba Bí tích ghi ấn tích trên người lãnh nhận.

Đây có lẽ là điểm quan trọng nhất trong sự tiến triển về tư tưởng thần học của Toma Aquino cũng như tính độc đáo của ngài. Đây không chỉ là việc xác định con số các bí tích có ghi ấn tích, tức là ba Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức; nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ Toma Aquino ở vào giai đoạn chú giải sách Sententiae, đã chia sẻ cùng một lập trường với các nhà thần học khác khi cho rằng, điều tương tự bậc nhất (premier analogué) trong ba ấn tích thì thuộc về Bí tích Rửa Tội, xét vì nó ghi dấu ấn của Ba Ngôi;[16] thế còn trong bộ Summa, Toma Aquino lại cho rằng, điều tương tự bậc nhất thuộc về ấn tích của Bí tích Truyền Chức, xét vì nó là sự thông dự vào Chức Tư Tế của Chúa Kitô, như được diễn tả trong Thánh Vịnh: “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Melchisedech”.[17]

4/. Bí tích Truyền Chức, ngoài chức linh mục, còn bao hàm hai chức thánh kia và bốn chức nhỏ, đang khi đó các nhà thần học thời ấy (chứ không phải các nhà giáo luật, bao gồm cả Thánh Raymond de Peñafort) lại cho rằng, chức giám mục, xét về mặt bí tích, không phải là một chức phân biệt với chức linh mục, mà chỉ là sự phân biệt về phẩm vị (dignitas) mà thôi.[18]

Điểm thứ tư. Trong những năm liền trước và sau Công Đồng, Cha Lécuyer đã bỏ công nghiên cứu thần học của Thánh Toma Aquino về chức giám mục; đặc biệt trong một bài viết đăng trong Revue thomiste, tác giả này đã thâu tập tất cả các bản văn của Toma Aquino có thể được giải thích theo hướng xác nhận tính bí tích (sacramentalité) của chức giám mục.[19] Cha Lécuyer đã khảo sát các bản văn của Toma Aquino một cách khá tỉ mỉ, nhưng lại không xét đến các bản văn của các tác giả thần học hoặc giáo luật cùng thời với Thánh Nhân. Cha Lécuyer đã có lý khi chứng minh rằng, tư tưởng của Toma Aquino về chức giám mục mang một sắc thái riêng; tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, tác giả này đã hơi “gò ép” tư tưởng của Toma Aquino theo hướng biện hộ cho tính bí tích của chức giám mục; ngoài ra, tư tưởng của Toma Aquino cũng không được xem xét trong bối cảnh lịch sử thời đó. Hơn nữa, tác giả xem ra chưa để ý đúng mức đến hai dữ kiện: một đàng, kể từ cuối thế kỷ XII, người ta càng lúc càng chú trọng đến sự phân biệt giữa chức thánh (ordre) và quyền tài phán (jurisdiction);[20] và đàng khác, đó là sự nhấn mạnh của Toma Aquino về tác vụ linh mục gắn với Bí tích Thánh Thể. Điểm sau cùng này cũng sẽ là nội dung cuối cùng trong phần trình bày của tôi.

5/. Chức thánh là năng quyền để cử hành phép Thánh Thể,[21] tha tội; và một cách thứ yếu cũng để ban phép xức dầu bệnh nhân.

Điểm thứ năm và cũng là điểm cuối cùng, liên quan đến Chức linh mục xét cách chủ yếu như là năng quyền (potestas) để thánh hiến phép Thánh Thể.[22]

– Trước hết, việc các nhà thần học chấp nhận sự phân biệt theo giáo luật giữa chức thánh và quyền tài phán, hẳn nhiên đã góp phần làm cho các vị này nhìn Bí tích Truyền Chức không gì khác hơn là tác vụ cử hành các bí tích.

– Thứ đến, trong khảo luận về Bí tích Thánh Thể ở Phần III của bộ Summa (q. 82, a. 10), Thánh Toma Aquino đã đưa ra một lập trường khá mới mẻ liên quan đến việc linh mục năng cử hành thánh lễ; đây là điều khác xa với chủ trương của Bonaventura. Theo Toma Aquino, việc linh mục thường xuyên cử hành thánh lễ là một điều đòi buộc, không chỉ vì nhu cầu của giáo hữu nhưng còn chủ yếu do mối tương quan với Thiên Chúa và với hy tế.[23] Theo ngài, quả là vô lý (irrationabiliter) nếu ai đó cho rằng có thể chấp nhận sự việc một linh mục kiêng hẳn việc dâng lễ.[24] Lập trường này làm tôi liên tưởng đến án phong thánh của vị Thánh Tiến sĩ, trong đó có lời chứng rằng, kể từ khi chịu chức linh mục, ngài dâng lễ hằng ngày. Đây là điều hiếm thấy ở thời đó.

Trước khi kết luận, tôi đọc lại bài viết của mình với cái nhìn khách quan và tự đặt ra cho mình một số câu hỏi:

1/. Khi đọc Thư gửi tín hữu Hipri cũng như khi suy tư về chức tư tế của Chúa Kitô, Thánh Toma Aquino thời trưởng thành hẳn đã lĩnh hội một cách thấu đáo hơn, vậy thì điều ấy đã tác động thế nào đến thần học bí tích của Thánh Nhân?

Chúng ta có câu trả lời đối với thần học bí tích nói chung và Bí tích Thánh Thể nói riêng; tuy nhiên, chúng ta cũng muốn biết điều gì đã xảy ra cho quan niệm thần học của Toma Aquino về Bí tích Truyền Chức.

Như tôi đã trình bày trên đây, về các bí tích nói chung, Thánh Toma Aquino đã tập trung suy tư thần học về các ấn tích xoay quanh sự thông dự vào chức Tư tế của Chúa Kitô, đây là một điều mới mẻ. Còn về Bí tích Thánh Thể, như tôi đã có dịp đề cập nơi khác,[25] Thánh Nhân đã có một tiểu mục (article) luận bàn về Hy tế Thánh Thể một cách xác đáng và đặc sắc; tuy nhiên, toàn bộ khảo luận của ngài về Bí tích Thánh Thể, dù tầm quan trọng của nó thật đáng kể, nhưng vẫn còn chưa đạt đến mức triển triển của thần học về hy tế như người ta sẽ thấy ở thời Công Đồng Trentô. Thiết nghĩ, nếu như giả thiết rằng trong bộ Summa, khảo luận về Bí tích Truyền Chức hẳn phải đem lại cho khía cạnh tư tế của bí tích này một tầm quan trọng lớn hơn thế nữa, thì rất có thể người ta đang phạm phải sai lầm khi làm đảo lộn trình tự thời gian trong thần học.

2/. Về những gì liên quan đến Thánh Toma Aquino trong việc tiếp cận nguồn tư liệu của các Giáo phụ và nền phụng vụ cổ, ta có thể ghi nhận rằng, giữa các nhà thần học cùng thời, ngài nổi bật lên như một người quan tâm nhiều nhất và say mê nhất trong việc tìm hiểu Truyền thống.[26] Tôi thiết nghĩ, giả như có được nguồn tư liệu mà chúng ta sẵn có hiện nay, thì hẳn là Thánh Toma Aquino đã có thể thẩm định một cách xác đáng hơn rằng, sự phân biệt giữa chức thánh và quyền tài phán – điều mà hơn 50 năm trước Thánh Toma Aquino, thần học đã nhào luyện nên khi tiếp cận với luật pháp Roma – điều ấy không được phép che mờ sự gắn kết giữa tác vụ Lời và tác vụ Thánh Thể, một sự gắn kết mà Truyền thống đã đặc biệt nhấn mạnh. Khi tiếp cận với Truyền thống cổ kính, phải chăng Toma Aquino, cũng như Công Đồng Vaticanô II thời nay, đã bị choáng ngợp bởi chủ đề ba chức năng (tria munera)? Tôi không dám chắc, và tôi thiết tưởng một trong những trọng trách mà các nhà nghiên cứu ngành Giáo Phụ học thuộc thế hệ tương lai sẽ phải làm, đó là lật lại “hồ sơ” này.

Liên quan đến nguồn tư liệu của các Giáo phụ và ngay cả của Tân ước về các Bí tích, mà tính chất hết sức đa dạng của nó đã được Thánh Toma Aquino thoáng thấy lúc này lúc khác khi ngài nghiên cứu Dionysius, có lẽ ở đây vấn đề được đặt ra là làm sao xác định được một cách đích đáng vị trí của truyền thống Giáo phụ thuộc trường phái Antiokia vốn chú trọng đến sự thành toàn trên thiên quốc của hy tế Chúa Kitô: truyền thống này có chỗ đứng như thế nào so với các truyền thống khác? Tương tự như vậy, giáo lý của Thư Hipri có chỗ đứng như thế nào so với các văn phẩm khác của Tân ước?

3/. Còn một câu hỏi cuối cùng, tuy có vẻ tinh tế nhưng tôi cho là có cơ sở và cần thiết, đó là: trong đức tin và lối thực hành của Hội Thánh, bảy Bí tích vốn là một dữ kiện vừa cốt thiết vừa bất khả chuyển nhượng, vậy thì các Bí tích ấy có biến thái xét về tầm quan trọng hay không? Người ta có thể nhận thấy điều đó trong các văn phẩm viết về các Bí tích, khởi đi từ thời điểm ấn định con số bảy Bí tích vào giữa thế kỷ XII. Tôi thiết nghĩ, người ta cũng có thể nhận thấy điều đó trong cả Truyền thống nói chung. Ở đó chúng ta nhận thấy có ít nhất hai nhân tố chi phối: một nhân tố thì thuộc về mối quan tâm ưu tiên trong đời sống thiêng liêng, còn nhân tố kia thì thuộc về mối tương quan với thế giới.

Trong suốt một thế kỷ kể từ Pierre Lombard cho đến Toma Aquino, người ta thấy nổi bật lên tầm quan trọng riêng biệt của hai Bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, điều này còn được nhấn mạnh đặc biệt hơn nữa trong bộ Summa. Thế còn trong mối tương quan với thế giới, có một sự khác biệt lớn giữa thời Thánh Toma Aquino so với những thời kỳ khác, đó là vì nơi các xứ sở mà Thánh Nhân đã sống, hầu như tất cả mọi người đều được rửa tội. Chắc hẳn nhiều người trong số những kẻ sống cùng thời với ngài chưa từng gặp thấy một ai không được rửa tội. Trong khi đó, Công Đồng Laterano IV lại chỉ ra một ranh giới rạch ròi ngay giữa lòng các người được rửa tội, giữa một bên là những người không xưng tội hằng năm với vị linh mục của mình cũng như không rước lễ Mùa Phục Sinh, còn bên kia là khối còn lại.

Thay lời kết

Tôi xin được gợi lại ở đây câu điệp ca thứ nhất của Kinh Phụng vụ ngày lễ Mình Máu Thánh, được Thánh Toma Aquino sáng tác vào khoảng giữa thời điểm viết bộ chú giải sách Sententiae và thời điểm viết Phần III của bộ Summa; đồng thời, tôi cũng muốn phân tích hình vẽ minh họa thường đi kèm với câu điệp ca ấy. Khởi hứng từ Thánh Vịnh 109, câu điệp ca ấy viết như sau: “Sacerdos in aeternum Christus Dominus secundum ordinem Melchisedech panem et vinum obtulit”.

Khi thích ứng lại câu trích Thánh Vịnh theo cách đó, phải chăng Thánh Toma Aquino nghĩ đến hình ảnh vị linh mục dâng lễ trên bàn thờ? Ở vào thời điểm không lâu trước khi Toma Aquino được phong thánh, trong sách Kinh Thần Vụ rút gọn cổ xưa nhất của Dòng Đaminh ở đó có bài Kinh Phụng vụ lễ Mình Máu Thánh nói trên, người ta luôn luôn gặp thấy bức hình minh họa đi kèm diễn tả một vị linh mục với cử chỉ giơ tay lên cao, thế nhưng lại có vầng hào quang từ vị linh mục phát ra theo hình thánh giá, như thể có sự hòa quyện vào nhau giữa vị linh mục đang dâng lễ với chính Chúa Kitô trong hy tế của Ngài, và như vậy nó muốn chứng tỏ rằng vị linh mục là chính Chúa Kitô. Thiết tưởng, một hình ảnh như thế hoàn toàn không đi ngược lại với thần học của Thánh Toma Aquino về Bí tích Truyền Chức.

 

 

 

 


[1] Xc. P.-M. GY, “Études sur le sacrament de l’Ordre”, Lex Grandi – 22, Paris, Cerf, 1957, p. 125-145.

[2] M. TURRINI, “Réginald de Piperno et le text original de la Tertia Pars de la Somme de théologie de S. Thomas d’Aquin”, RSPT 73 (1989), p. 233-247.

[3] SCG, IV, cap. 74-77.

[4] Trong số các công trình nghiên cứu gần đây, có thể kể đến tác phẩm của Attilio CARPIN, Il sacramento dell’Ordine dalla teologia isidoriana alla teologia tomista, Bologna, 1988.

[5] Xc. P.-M. GY, “Divergences de théologie sacramentaire autour de S. Thomas”, đăng trong Ordo sapientiae et amoris, Hommage au Prof. J.-P. Torrell, édité par Pinto de Oliveira, Fribourg, Éd. universitaires, 1995, p. 425-433. Tôi ghi lại ở đây một số chi tiết về niên biểu: Thánh Alberto chú giải sách Sententiae tại Paris khoảng từ năm 1243-1245 (bản thảo hoàn tất năm 1249); Thánh Bonaventura, 1250-1252; Thánh Toma Aquino, 1252-1254 (bản thảo hoàn tất năm 1257); Pierre de Tarentaise, 1256-1258 (hoặc 1257-1259); Annibal, 1258-1260 (hoặc 1259-1261). Tôi không xét đến các bộ chú giải của Hugues de Saint-Cher cũng như của Guerric de Saint-Quentin.

[6] Trong bộ Summa Alexandri, không thấy phần mục nào bàn riêng về Bí tích truyền chức; cũng không nên vội cho đó là một tín hiệu cho thấy các thế hệ tu sĩ Phanxicô đầu tiên sống trong một bầu khí ít đặt nặng vấn đề giáo sĩ.

[7] Để biết đầy đủ hơn về Pierrre de Tarentaise, có thể đọc bài viết của Dom Lottin, “À propos du Commentaire des Sentences de Pierre de Tarentaise”, RTAM 13 (1946), p. 86-98.

[8] Xc. M. DYKMANS, “D’Innocent III à Boniface VIII, Histoire des Conti et des Annibaldi”, Bulletin de l’Institut historique belge de Rome 45 (1975), p. 19-208.

[9] Xc. chẳng hạn ANNIBALD, Corn. In IV Sent., d. 24, a. 2, ad 4 (cũng có trong S. THOMAS, Opera omnia, Ed. Vives, t. 30, p. 717), liên quan đến vấn đề phân biệt các nghĩa chuyên dụng của từ “ordo” trong bối cảnh thần học bí tích của trường phái Kinh viện, người ta đọc được trong bản văn đó những lời như sau: “Ordo potest dupliciter accipi. Uno modo secundum quod est sacramentum; et sic omnis ordo ordinatur ad Eucharistiam. Unde, cum episcopus non habeat potestatem superiorem sacerdote respecta Eucharistiae, episcopatus non erit ordo. Alio modo accipitur ordo secundum quod est officium quoddam respectu quarumcumque actionum sacrarum : et sic, cum episcopus habeat potestatem in actibus hierarchicis respectu corporis mystici supra sacerdotem, episcopatus erit ordo.”

[10] Đoạn bản này tương ứng với questio 2, đã được Cha Adolfo ROBLES ấn hành, “Fragmente autografo del IV de las Sentencias de San Tomás”, Escritos del Vedat 10 (1980), p. 565-581.

[11] Xc. In IV Sent., d. 2, q. 1, a. 2, n° 38bis (Ed. Moos).

[12] ALEXANDRE DE HALÈS, In librum IV Sententiarum, d. 24, Ed. Quaracchi, 1957, § 3 (i), p. 409: “Septimus est ordo sacerdotalis, cuius officium est principaliter consecrare Corpus Domini et Sanguinem, in quo figuratur communio corporis mystici per caritatem”.

[13] In IV Sent., d. 2, q. 1, a. 2, n° 38.

[14] Phải chăng nó được thay bằng thành ngữ “in persona Christi”? Cũng một câu hỏi như thế được đặt ra cho khái niệm “oratio publica”, áp dụng cho linh mục trong bộ chú giải sách Sententiae.

[15] Xc. B.-D. MARLIANGEAS, Clés pour une théologie du ministère, In persona Christi, In persona Ecclesiae, Paris, Beauchesne, 1978.

[16] In IV Sent., d. 4, q. 1, a. 2, qla 2, n° 40.

[17] Xc. STh III, q. 63, a. 3; sự quy chiếu vào câu Thánh vịnh được nói đến trong a. 5.

[18] Xc. Raymond de PEÑAFORT, Summa Iuris [1222], Ed. Rius Serra, Barcelone, 1945, p. 111; F. GILLMANN, Zur Lehre der Scholastik vom Spender der Firmung und des Weihesakraments, Paderborn, 1920, p. 9; HOSTIENSIS (Henri de Suse), Summa Aurea [trước năm 1253], ad titul. De ord. ab episcopo qui renunt[iavit] episc[opatui], n. 1 (ed. Lyon, 1556, 46 va) G. FRANSEN, “La tradition des canonistes au Moyen Age”, Études sur le sacrement de l”Ordre, “Lex orandi, 22”, Paris, Cerf, 1957, p. 270.

[19] Xc. J. LÉCUYER, “Les étapes de l’enseignement thomiste sur l’épiscopat”, RT 57 (1957), p. 29-52.

[20] Về chủ đề này, có thể tham khảo S.-Th. BONINO, “La place du pape dans l’Église selon saint Thomas d’Aquin”, RT 86 (1986), p. 392-422.

[21] Chính vì công nhận năng quyền này nên Toma Aquino và Bonaventura đã coi việc trao chén thánh như là nghi thức chính yếu (xc. H. LENNERZ, De sacramento Ordinis, Roma, Pont. Univ. Gregoriana, 1947, p. 133-136). Chúng ta ghi nhận rằng các tác giả thời nay tìm cách xác định xem nghi thức cốt yếu duy nhất nào đủ để làm cho bí tích thành sự; trong khi đó, các nhà thần học của thế kỷ XIII lại tìm cách phối kết các biểu tượng mang tính nghi thức. Sự khác biệt trong lối nhìn ấy đã khơi mào cho các cuộc tranh luận ở thời hiện đại về tầm mức của Sắc lệnh gửi các tín hữu vùng Armenia.

[22] Ở đây tôi không đi vào vấn đề đâu là nghi thức cốt yếu của việc truyền chức, điều mà ở vào thế kỷ XIII chỉ là một vấn đề thuộc về việc phân tích thần học chứ không phải một nghiên cứu lịch sử về lex orandi hay là về sự xác định theo giáo luật.

[23] Tôi có luận bàn về vấn đề này trong một tập sách nhỏ do Trung tâm Saulchoir phát hành năm 1999, liên quan đến việc linh mục thường xuyên cử hành Thánh lễ.

[24] Thánh Tôma Aquinô dùng trạng từ irrationabiliter theo những cách khác nhau, mà tôi không chủ ý xác định các sắc thái khác nhau ấy. Riêng trường hợp chúng ta gặp ở đây, tôi không dám chắc là từ irrationabiliter chỉ thuần túy liên quan đến chuyện lý lẽ hay còn có hàm nghĩa tình thái biểu lộ sự giận dữ.

[25] Tôi đã có bài viết “Avancées du traité de l’Eucharistie de S. Thomas dans la Somme par rapport aux Sentences”, RSPT 77 (1993), p. 219-228.

[26] Độc giả có thể tham khảo thêm bài viết của tôi “La documentation sacramentaire de Thomas d’Aquin. Quelle connaisance S. Thomas a-t-il de la Tradition ancienne et de la Patristique?”, RSPT 80 (1996), p. 425-431.