Hoạt Động Tông Đồ Của Các Tu Hội Đời – Vấn Đề 113

0
990


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC TU HỘI ĐỜI

(Điều 710 – 730)

***

VẤN ĐỀ 113

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ CỦA CÁC TU HỘI ĐỜI

(đ. 713 § l)

 

Bằng một công thức súc tích, Bộ Giáo Luật nói rằng hoạt động tông đồ diễn tả và thực thi việc thánh hiến. Như vậy sẽ tránh được sự giằng co giữa sự hiến thân cho Chúa và sứ vụ: những ai hiến thân cho Chúa Cha qua việc sống giữa trần gian thì đương nhiên được sai đến với anh chị em mình để loan báo cho họ hồng ân của Thiên Chúa. Việc tông đồ không phải là cái gì phụ thêm vào sự thánh hiến nhưng nó là một yếu tố diễn tả sự thánh hiến.

Cách thức làm việc tông đồ của các thành viên Tu Hội Đời đã được trình bày bằng một câu lấy lại từ sắc lệnh Perfectae Caritatis:[1] thấm nhuần tất cả mọi thực tại bằng tinh thần Phúc âm tựa như nắm men để củng cố và làm tăng trưởng nhiệm thể Chứa Kitô. Hình ảnh của nắm men (Mt 13,33) đã được dùng trong tự sắc Primo feliciter nói lên moojy hình thái hiện diện giữa lòng trần thế. Các sách của phong trào Công giáo tiến hành thường dùng thuật ngữ: “Nắm men trong bột”. Trong bài diễn văn năm 1972 và 1976, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thường khai triển ý tưởng của một sự hiện diện và một hành động biến hóa ngay từ bên trong thế giới để nhào nặn, cải thiện và thánh hóa thế giới” (2/2/1972). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nói đến việc “biến đổi thế giói từ bên trong” (28/8/1980).

A. Hoạt động tông đồ của các thành viên giáo dân (đ. 713 §2)

Đối với giáo dân, Bộ Giáo luật đề ra hai hình thức việc tông đồ:

1/. Tham gia vào sứ mạng giảng Phúc âm của Giáo hội, ở giữa đời và từ môi trường của đời. Ngay từ năm 1976, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã kêu gọi các Tu Hội Đời hãy đáp lại lời mời của tông huấn Evangelii Nuntiandi. Người ta gặp thấy ở đây câu nói của cha Augustino Gemelli viết trong cuốn hồi ký năm 1938, và được lặp lại trong Primo feliciter II và Perfectae Caritatis 11: “ở giữa đời và ra như từ môi trường của đời ” (bộ Giáo Luật đã bỏ chữ “ra như”). Đó là cách nói lên rất rõ “tính trần thế” của các Tu Hội Đời.

Sự tham gia này được thực hiện bằng hai cách:

a/. Bằng chứng từ của đời sống Kitô hữu và nhất là qua lòng trung thành đối với việc thánh hiến sống Phúc âm cách triệt để.

b/. Bằng cách hợp tác vào việc dấn thân của Giáo Hội vào trần thế, tìm cách xếp đặt mọi thực tại đời này theo Thiên Chúa [2] và lấy sức mạnh của Phúc âm mà uốn nắn thế giới.

2/. Cộng tác bằng việc tham gia vào việc phục vụ cộng đồng Giáo hội theo phương thức riêng của tu hội đời. Nên ghi nhận rằng công việc này được đặt vào hàng thứ hai: Giáo Luật nhấn mạnh tiên vàn đến việc dấn thân vào các thực tại trần thế để biến đổi chúng theo tinh thần Phúc âm. Vì thế tu hội không thể đảm nhận một công cuộc của Giáo hội với tư cách Tu Hội. Các thành viên có thể dấn thân vào các công cuộc đó, nhưng với tư cách cá nhân.

B. Hoạt động tông đồ của các thành viên giáo sĩ (đ. 713 §3)

Các thành viên giáo sĩ, nhờ sự thánh hiến của mình, được mời gọi làm chứng tá về tính triệt để Phúc âm và giúp đỡ anh em linh mục bằng bằng một đức ái tông đồ trổi vượt. Họ góp phần vào việc thánh hóa thế giới cách riêng do thừa tác vụ của mình. Lối hành văn ở đây không được phong phú cho lắm. Trước đây, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói đến “một ý thức trách nhiệm đặc biệt linh mục để khuôn đúc trật tự trần thế theo công lý”: đó là việc mà vị linh mục thực hiện cách chủ yếu “nhờ thừa tác vụ của mình và nhờ vai trò của mình là nhà giáo dục đức tin”. Và ngài thêm rằng “đó là phương tiện cao cả nhất để góp phần vào việc lo cho thế giới được không ngừng cải thiện theo trật tự và sự thánh hóa của muôn vật muôn loài” (2/2/1972). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại nhiệm vụ của các linh mục là giáo dục đức tin cho các giáo dân dấn thân vào thế giới, và nhận định rằng: “Một linh mục của tu hội đời có thể giúp cho các linh mục khác ba điều: một kinh nghiệm của đời sống Phúc âm, một sự trợ giúp của đời cộng đoàn, một ý thức chính xác về tương quan giữa Giáo Hội và thế giới” (28/8/1986).

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 11.

[2]Đây là một kiểu nói của Hiến chế Lumen Gentium, số 31.