Tình Trạng Và Bản Chất Của Các Tu Đoàn Tông Đồ – Vấn Đề 115

0
928


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ

(Điều 731 – 746)

***

VẤN ĐỀ 115

CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ: TÌNH TRẠNG – BẢN CHẤT

(đ. 731 – 746)

 

Niên giám của Tòa Thánh năm 1983 có kể đến hai mươi bảy Tu Đoàn nam với 19636 thành viên. Các Tu Đoàn này được chia làm hai loại lớn:

1/. Các Tu Đoàn hướng đến đời sống trọn lành (điển hình là Tu Đoàn Xuân bích, Vinh sơn, Nhà Chúa);

2/. Các Tu Đoàn lo việc truyền giáo (điển hình là Hội Truyền giáo Paris). Về phía nữ, Tu Đoàn đông đảo và quen thuộc hơn cả là các Nữ tử Bác ái của thánh Vinh Sơn Phaolô với 34,600 thành viên.

Nhà lập pháp đã đặt các Tu Đoàn (societates) vào một khối riêng biệt, tách biệt ra khỏi các Dòng tu và Tu Hội Đời (instituta religiosa / instituta saecularia). Như vậy điều kiện pháp lý của phần tử các Tu Đoàn Tông Đồ thì khác với các “tu sĩ”“thành viên tu hội đời”. Điều 731 §l nói rằng các Tu Đoàn Tông Đồ “được coi như tương đương” (accedunt: gần giống như, được đồng hóa,.v.v), bởi vì tuy sống chung với nhau, nhưng các thành viên không tuyên khấn công. Mặt khác, các thành viên có lời cam kết dưới nhiều hình thức (khấn đơn, lời thề, hoặc các lời cam kết khác do hiến pháp xác định: đ.731§2), qua đó họ theo đuổi sự trọn lành Phúc âm.

Dù sao, đặc trưng của các Tu Đoàn này là “đời sống tông đồ” được hiểu theo nghĩa nguyên gốc thời xưa, nghĩa là quy về “các thánh tông đồ”, được thuật lại trong sách Tông đồ công vụ, nhấn mạnh đến đời sống chung (Cv 2,42-46 4; 32;35, 5,12-16), và được sai đi và các trình thuật trong sách Tin mừng đề cập đến việc Chúa Giêsu sai các tông đồ đi truyền giáo (Mt 10; Mc 3,6.13; Lc 9,10).

Chính mục tiêu tông đồ này định hướng cho nếp sống của các Tu Đoàn: một quy luật sống Phúc âm và đời sống chung.