Các Tài Sản Và Việc Quản Lý Các Tài Sản: Những Điều Tổng Quát – Vấn Đề 85

0
873


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 85

CÁC TÀI SẢN VÀ VIỆC QUẢN LÝ TÀI SẢN

NHỮNG ĐIỀU TỔNG QUÁT

(đ. 634, 635 và 640)

 

Theo luật phổ quát, các Hội Dòng, các Tỉnh Dòng và các tu viện đều là những pháp nhân trong Giáo Hội, cho nên có quyền thủ đắc, sở hữu, quản lý và di nhượng các động sản và bất động sản, trừ khi nào khả năng này đã bị Hiến Pháp gạt bỏ hoặc hạn chế. Nguyên tắc này đòi hỏi vài ghi chú:

A. Nguyên tắc của khả năng này không phải là một chuyện tất nhiên và không cần được biện minh. Thật vậy, tại sao tập thể các tu sĩ có quyền sở hữu tài sản trong khi cá nhân mỗi tu sĩ đã khấn từ bỏ của cải? Chỉ có hai lý do biện minh cho quyền của Hội Dòng được sở hữu động sản và bất động sản:

a. Việc nuôi dưỡng các thành viên còn hoạt động và đã về hưu, với mức sống thanh đạm chứ không có vẻ gì dư dật. Bộ Giáo Luật đã cảnh giác các tu sĩ hãy tránh xa mọi hình thức xa hoa, trục lợi quá đáng hoặc tích trữ của cải (đ. 634 §2).

b. Thực hiện mục tiêu tông đồ của Dòng. Dĩ nhiên, điều này thay đổi tùy mỗi Dòng. Có những Dòng cần những trang bị đại quy mô để có thể phục vụ hữu hiệu trong ngành được Giáo Hội ủy thác. Những trang bị như thế đòi phải có tiền bạc, cơ sở đắt giá. Điều này hợp pháp và không nên có mặc cảm gì hết. Trái lại, những Dòng khác, để hoạt động tông đồ, chỉ cần những trang bị đơn sơ: hoặc vì các tu sĩ làm việc ở những cơ sở, công hay tư, không thuộc về Dòng, hoặc vì các tu sĩ làm việc trong khuôn khổ những cơ sở ít tốn kém của Dòng, vì thế không cần nhiều tiền bạc và bất động sản; nhưng không nên vì thế mà có mặc cảm tự đại đối với những Dòng cần những trang bị đại quy mô cho sứ mạng của mình. Mỗi Dòng hãy đặt sứ vụ lên hàng ưu tiên; các dụng cụ trang bị và phí tổn nhằm thực hiện sứ vụ của mình.

B. Cần phải có sự chia sẻ tài sản, một sự liên đới kinh tế giữa các cộng đoàn thuộc cùng một Hội Dòng, một Tỉnh Dòng hoặc một Miền Dòng, cũng như giữa các Tỉnh Dòng và các Miền thuộc cùng một Hội Dòng.

Sự tương trợ này có thể thay đổi tùy theo mỗi Hội Dòng, nhưng cần phải đi xa hơn việc chia sẻ các phí tổn của Ban Tổng Cố Vấn, Hội Đồng Cố Vấn Tỉnh Dòng hay Miền. Sự tương trợ này phải giúp thanh toán các chi phí cho việc đào tạo sơ khởi, và hỗ trợ cho các cộng đoàn thiếu thốn về nguồn tài chính. Sự tương trợ này cũng phải chu cấp cho những tu sĩ không còn hoạt động nữa tại những quốc gia không có an sinh xã hội, hoặc quá thấp.

C. Điều 634 §2 yêu cầu các Hội Dòng đừng tích lũy tài sản. Trong lịch sử, đời sống tu trì đã đánh mất sức mạnh Phúc Âm mỗi khi các Dòng Tu trở nên giàu sang, vượt quá những đòi hỏi của việc tông đồ hoặc của cuộc sống thanh đạm. Trong mỗi Hội Dòng, Tỉnh Dòng, nhà Dòng, tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm, mỗi người theo phần của mình, về lối sống chung. Dĩ nhiên, Dòng cần đặt ra những phương thế cần thiết để thực thi trách nhiệm này.

Trên thực tế, Dòng nào cũng có những phương thế để điều chế và kiểm soát lối sống của các Tỉnh Dòng và các tu viện. Các phương thế này nhắm phục vụ cho đức khó nghèo thực sự của đời tu. Điều 635 §2 yêu cầu các Tu Hội phải đặt ra các phương thế đó: “Mỗi Hội Dòng phải ấn định những luật lệ thích hợp cho việc sử dụng và quản lý các tài sản, để đức khó nghèo của Dòng được nuôi dưỡng, bảo vệ và biểu lộ”. Các phương thế này có thể mang nhiều hình dạng khác nhau và bổ túc cho nhau.

– Xem xét sổ sách chi thu của các cộng đoàn và của các cơ sở vào dịp kinh lý của các Bề trên Cao Cấp.

– Thiết lập một ngân sách dự chi cho cộng đoàn, được phê chuẩn bởi Bề trên Cao Cấp có thẩm quyền.

– Buộc phải xin phép đặc biệt để mua sắm những đồ vật vượt qua một “mức trần” chi tiêu.

– Cần có phép đặc biệt để sắm những vật dụng đắt tiền, chẳng hạn như: mua xe hơi, các máy móc đắt tiền,…

Có nhiều phương thế nhằm hỗ trợ đức khó nghèo của tập thể, điều chủ yếu không hệ ở phương thế mà là sự thực thi hữu hiệu. Nhất là cần phải nhớ đến nguyên tắc này: những luật lệ cần phải có hiệu lực ràng buộc hơn khi đụng tới những lãnh vực mà nguy cơ phản lại chứng tá Tin Mừng sẽ kéo dài. Một lãnh vực mà sự vi phạm đức khó nghèo có thể kéo dài là các bất động sản: một chiếc xe hơi có thể hư mòn, một chiếc áo càng mau hư hơn nữa, nhưng một ngôi nhà sẽ có thể tồn tại nhiều thế kỷ. Bởi vậy các Bề trên Cao Cấp cần phải có các phương tiện pháp lý để kìm hãm và kiểm soát lãnh vực bất động sản của Dòng và của các Tỉnh Dòng. Các phương tiện pháp lý này có thể là:

– Cần phải có phép bằng văn thư của Bề trên có thẩm quyền, được ban cấp với sự ưng thuận của hội đồng sau khi đã xem xét cẩn thận các dự án và dự chi, trước khi xây cất hoặc nới rộng cơ sở, dù chỉ là nhà nhỏ.

– Cần phải có phép bằng văn thư của Bề trên Cao Cấp, sau khi xem xét bản dự chi, trước khi biến đổi, sửa chữa hoặc trang bị nhà cửa.

D. Điều 640 yêu cầu như sau: “Tùy hoàn cảnh địa phương, các Hội Dòng phải cố gắng làm chứng tập thể về đức khó nghèo và đức bác ái, và tùy khả năng của mình, đóng góp tài sản để đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội và nâng đỡ những người nghèo túng”.

Đây là một luật thực hành quan trọng. Ý nghĩa của nó như sau: sau khi đã tài trợ cho các trang bị tông đồ của Hội Dòng (nên nhớ rằng việc sử dụng những trang bị đắt tiền chẳng giúp ích nhiều cho nước Chúa), sau khi đã bảo đảm việc chu cấp các tu sĩ còn hoạt động và đã về hưu, và sau khi thực hiện sự tương trợ với các tu viện và các Tỉnh Dòng, thì số tiền còn dư phải được phân phát cho người nghèo hoặc dâng cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

Trong đời sống tu trì, chúng ta phải tuân giữ nguyên tắc “quyền tư hữu lệ thuộc” điều hành luật về tài sản của Giáo Hội. Theo dân luật của đa số các nước, quyền tư hữu cho phép người sở hữu một bất động sản được sử dụng nó tùy theo sở thích (cho thuê, biến đổi hoặc sửa sang), miễn là tôn trọng những điều khoản về công ích. Tuy nhiên, quyền tư hữu của một pháp nhân trong Giáo Hội thì bị hạn chế, vì vậy gọi là “lệ thuộc” (subordinata). Một pháp nhân cấp dưới (thí dụ một họ đạo, một nhà Dòng, một Tỉnh Dòng) chỉ có thể hành sử quyền tư hữu tài sản của mình dưới sự kiểm soát và lệ thuộc vào một pháp nhân cao hơn trong Giáo Hội: đó là Giáo phận đối với họ đạo, Hội Dòng đối với Tỉnh Dòng, và Tỉnh Dòng đối với các tu viện, cũng như Tông Tòa đối với các Hội Dòng và các Giáo phận. Do sự lệ thuộc đó, tức là một sự hạn chế việc thực thi quyền sở hữu, mà các tài sản của tu viện và Tỉnh Dòng được coi là “tài sản của Dòng”, và các tài sản của Dòng được cọi là “tài sản của Giáo Hội” (đ. 1257 §1).

Tuy nhiên, cần hiểu rõ quyền này: tài sản của một cộng đoàn không phải là tài sản của Giáo phận; tài sản của Tỉnh Dòng và của Hội Dòng không phải là tài sản của Tông Tòa. Mỗi pháp nhân trong Giáo Hội thực sự là sở hữu chủ các tài sản của mình, nhưng chỉ được quản trị, sử dụng và định đoạt về các tải sản đó đúng theo luật phổ quát và luật riêng, dưới sự kiểm soát của pháp nhân cấp trên trực tiếp.

Bởi vậy, điều 635 §1 minh định rằng, bởi vì tài sản của các Dòng Tu là tài sản Giáo Hội, nên phải được quản trị theo các quy định của quyển V Bộ Giáo Luật, “Về tài sản của Giáo Hội”, trừ khi được minh thị quy định cách khác.