Việc Chỉ Định Các Bề Trên: Điều Kiện Và Thể Thức – Vấn Đề 77

0
972


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 77

VIỆC CHỈ ĐỊNH CÁC BỀ TRÊN

NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ THỂ THỨC

(đ. 623-626)

 

A. Những điều kiện

Về việc chỉ định các Bề trên, Giáo Luật nêu lên hai điều kiện: a/ Thời gian sau khi khấn trọn đời. b/ Thời hạn giữ chức vụ.

1/. Thời gian khấn Dòng

Do bởi việc thi hành chức vụ Bề trên đòi phải có sự trưởng thành chín chắn và hiểu biết cuộc sống của Tu Hội, cho nên Giáo Luật ấn định một quãng thời gian để chứng tỏ tu sĩ đã trưởng thành và hiểu biết về cuộc sống trong Tu Hội. Việc khấn trọn đời trong Dòng có thể xem như một suy đoán về sự trưởng thành và hiểu biết ấy. Tuy nhiên, điều 723 cho rằng như thế chưa đủ, vì thế cần phải thêm một số năm nữa, tùy theo quy định của Hiến Pháp nếu là Bề trên Cao Cấp, hoặc quy định của luật riêng nếu là Bề trên nhà. Để xác định thời gian này, cần chú ý đến bản chất của chức vụ (thời gian dài hơn đối với các vị Bề trên Cao Cấp), cũng như lưu ý đến thời gian khấn tạm trước khi khấn trọn đời. Thời gian này cũng có thể khác nhau tùy các tu sĩ, nhưng điều này không liên quan đối với khả năng được chỉ định làm Bề trên: thời gian cần được tính là thời gian sau khi khấn trọn đời. Nếu thời gian chưa đủ thì phải xin miễn chuẩn, bởi vì nó có liên quan đến tính thành hiệu của sự chỉ định.

2/. Thời hạn giữ chức vụ

Điều 624 khẳng định nguyên tắc không ai được giữ một chức vụ mãn đời. Nguyên tắc này được áp dụng qua hai thể thức.

a/. Về phương diện chức vụ

“Chức vụ Bề trên phải được thiết lập với một nhiệm kỳ rõ rệt và thích hợp, tùy theo bản chất và những nhu cầu của Dòng”. Luật chỉ xác định một điểm: thời hạn giữ chức vụ phải được ấn định rõ rệt. Trước hết, việc ấn định nhiệm kỳ phải xét tới bản chất của chức vụ: nhiệm kỳ của Bề trên Tổng Quyền sẽ phải dài hơn nhiệm kỳ của các Bê trên khác. Kế đó, cũng cần xét đến những tiêu chuẩn khác, như tầm quan trọng của Dòng, mức độ phát triển của Dòng,v.v… Tuy rằng Bộ Luật cũ 1917 không còn hiệu lực áp dụng nữa, nhưng ta có thể tham chiếu như một hướng dẫn. Trước đây, nhiệm kỳ tối đa của Bề trên Tổng Quyền được dự trù là mười hai năm, còn các Bề trên khác là chín năm. Thời hạn này thường phù hợp với tổng số những nhiệm kỳ kế tiếp của một vị Bề trên (ví dụ: 6 + 6 đối với Bề trên Tổng Quyền; 3 + 3 + 3 đối với Giám tỉnh). Như thế, sẽ dễ thay đổi người giữ chức Bề trên, bởi vì nếu quá thời hạn tối đa thì phải thỉnh cử.

Đối với nguyên tắc không được giữ chức vụ trọn đời, Bộ Giáo Luật còn dự trù hai ngoại lệ. Thật vậy, Hiến Pháp của một số Dòng có thể dự trù Bề trên Tổng Quyền của họ sẽ được chỉ định suốt đời; trường hợp tương tự cũng xảy ra cho một số đan viện tự trị. Xét vì điều này đã được quy định trong Bộ Giáo Luật cũ 1917, cho nên ta có thể kết luận là Bộ Giáo Luật mới 1983 tôn trọng truyền thống hiện hành, tựa như Tổng Quyền của Dòng Tên, hoặc các đan viện phụ. Những Dòng không có truyền thống đó sẽ khó có thể có vị Bề trên Tổng Quyền được chỉ định mãn đời.

b/. Về phương diện cá nhân

Trong nội bộ của Dòng, một người không thể giữ mãi một chức vụ, và người ấy cũng không thể ở chức vụ cai quản quá lâu mặc dầu có thay đổi chức vụ (đ. 624 §2). Luật riêng phải dự trù những quy luật để có những sự cách quãng. Trong những Dòng có ít thành viên mà lại lớn tuổi, thì sẽ khó thực hành điều này, nhưng tinh thần của Giáo Luật đã quá rõ: không nên để cho một người ở quá lâu trong chức vụ cai quản.

B. Những thể thức

Trong các Dòng Tu, việc cai quản được coi là một chức vụ, nghĩa là theo định nghĩa của điều 145: “Bất cứ trách vụ nào được thiết lập một cách bền vững hoặc do ý định của Thiên Chúa hay của Giáo Hội, để được thi hành nhằm một mục đích thiêng liêng” (đ.145 §1). Sự trao ban các chức vụ này phải được thực hiện đúng theo các quy tắc của các điều 146-183 của Bộ Giáo Luật.

Có hai thể thức để chọn Bề trên: bầu cử và cắt đặt. Trong trường hợp bầu cử, việc chọn lựa diễn qua hai chặng: chỉ định người, và trao quyền. Việc trao quyền diễn ra qua hai động tác: sự chấp thuận của người được bầu, và sự chuẩn nhận của cấp trên. Nếu là sự thỉnh cử thì cần thêm sự miễn chuẩn của cấp trên nữa. Trong trường hợp cắt đặt chức vụ thì sự chỉ định và trao quyền trùng hợp với nhau.

Thể thức bầu cử là điều bắt buộc đối với chức vụ Bề trên Tổng Quyền (đ. 625 §l). Việc bầu cử này không đòi hỏi sự chuẩn nhận, bởi vì không còn cấp trên nào cao hơn nữa ở trong Dòng. Vì thế, khi người đắc cử chấp thuận thì đương nhiên nắm quyền. Người đắc cử không được phép từ chối nếu không có lý do nghiêm trọng. Nếu được dự trù trong Hiến Pháp, Tổng Tu Nghị có thể buộc người đắc cử phải chấp nhận.

Việc bầu cử phải diễn ra trong Tổng Tu Nghị (đ. 631 §l), theo đúng luật chung và Hiến Pháp.[1] Cuộc bầu cử Bề trên Tổng Quyền (nam hay nữ) của một Dòng Giáo phận sẽ do Đức Giám Mục của trụ sở chính (chứ không phải nơi diễn ra Tổng Tu Nghị) chủ tọa. Việc bầu cử Bề trên của đan viện tự trị cũng vậy. Sự chủ tọa này không cấp cho Đức Giám Mục quyền chuẩn nhận (hay không chuẩn nhận) cuộc bầu cử.

Các vị Bề trên khác cũng có thể được chỉ định bằng cách bầu cử, tùy theo quy định của Hiến Pháp. Quyền chuẩn nhận thuộc về Bề trên Cao Cấp: ngài sẽ xét người đắc cử có khả năng không, và cuộc bầu cử có hợp lệ không. Việc chuẩn nhận cuộc bầu cử các Bề trên Giám Tỉnh thuộc về thẩm quyền của Bề trên Tổng Quyền; việc chuẩn nhận cuộc bầu cử các Bề trên khác thuộc về thẩm quyền của Bề trên Cao Cấp do Hiến Pháp quy định. Việc chuẩn nhận phải được thực hiện bằng văn thư (đ. 179 §3).

Các Bề trên Giám Tỉnh và các Bề trên địa phương có thể được cắt đặt bởi các vị Bề trên do Hiến Pháp chỉ định. Trong trường hợp này, luật truyền rằng, cần có sự thăm dò ý kiến, theo thủ tục do luật riêng quy định (đ. 625 §3).

Trong việc bầu cử cũng như trong việc cắt đặt, các cử tri và các Bề trên phải hành động cách tự do, và chỉ nhìn vào ích chung của Dòng mà thôi! Như điều 626 đã minh định: “Các Bề trên và các thành viên phải tránh mọi hình thức lạm dụng và thiên tư, và không nhìn đến gì khác ngoài Thiên Chúa và thiện ích của Dòng. Họ sẽ đặt hoặc bầu những người mà trước mặt Thiên Chúa, họ nhận thấy có khả năng và xứng đáng. Hơn nữa, trong các cuộc bầu cử, họ phải tránh việc vận động phiếu cách trực tiếp hay gián tiếp, cho mình hoặc cho người khác”.

Khi nhận chức vụ, các Bề trên trong Dòng giáo sĩ phải tuyên xưng đức tin, theo quy định của Hiến Pháp (đ. 833, 8°).

 



[1]Xem thêm vấn đề 84.