Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 82
CÁC TU NGHỊ KHÁC
(đ. 632)
Các phân chi của Hội Dòng, tựa như các Tỉnh Dòng và các tu viện, cũng có thể có những cơ quan quản trị theo kiểu Tu Nghị. Tuy nhiên, các cơ cấu tập đoàn này không có tính bắt buộc, và tại một vài Hội Dòng, chúng không phải là các cơ quan quyết định nhưng chỉ là chỗ suy nghĩ và đề nghị, cho nên không được xem như những Tu Nghị thực sự. Bởi vậy điều 632 nói đến “những hội nghị khác tương tự như thế”. Dầu sao, “luật riêng (không nhất thiết là Hiến Pháp) sẽ xác định bản chất, quyền hành, thành phần, cách tiến hành và thời gian cử hành các hội nghị này”.
Ở đây, chúng tôi sẽ bàn về các Tu Nghị cấp Tỉnh Dòng và cấp tu viện. Vấn đề 83 sẽ đề cập đến “những cơ quan tham gia và tham khảo khác” mà không phải là Tu Nghị.
A. Cấp Tỉnh Dòng
Thành phần, quyền hành và cách hoạt động của các Tu Nghị Tỉnh Dòng thay đổi tùy theo mỗi Dòng. Trong một số Dòng, Tu Nghị trong Tỉnh Dòng (= Tỉnh Hội) có chức năng tương ứng với Tổng Tu Nghị đối với toàn Dòng: Tỉnh Hội bầu Bề trên Giám Tỉnh và có thể ban hành những luật lệ buộc mọi thành viên của Tỉnh Dòng phải tuân theo. Tuy nhiên, cuộc bầu cử Bề trên Giám Tỉnh phải được Bề trên Tổng Quyền phê chuẩn (đ. 625 §3). Đàng khác, Tỉnh Hội chỉ có thể đưa ra những biện pháp không trái nghịch với luật phổ quát và luật riêng của Dòng, và cũng không trái nghịch với các chỉ thị của Tổng Tu Nghị và của Bề trên Tổng Quyền. Các văn kiện của Tỉnh Hội phải được Bề trên Tổng Quyền phê chuẩn.
Tuy nhiên, nhiều Tu Nghị Tỉnh không được hưởng nhiều thẩm quyền rộng lớn như thế. Tỉnh Hội chỉ được coi như một cơ quan đề nghị danh sách lên thẩm quyền cao hơn, để chỉ định vào những chức vụ, hoặc chỉ nhằm chuẩn bị Tổng Tu Nghị, hoặc áp dụng các quyết định của Tổng Tu Nghị vào Tỉnh Dòng, hoặc nghiên cứu những khía cạnh của đời sống Tỉnh Dòng để đệ trình các dự án lên cấp trên cứu xét.
B. Cấp địa phương
Tu Nghị bao gồm tất cả các thành viên của cộng đoàn. Các đan viện “tự trị” tất nhiên phải có Tu Nghị để lo liệu một số công việc. Còn đối với các nhà khác, thì Tu Nghị chỉ có tính bắt buộc tại một vài Hội Dòng mà thôi.
Tu Nghị bầu Bề trên tu viện. Đôi khi đây là hành vi duy nhất của Tu Nghị địa phương. Thường thì Tu Nghị hoạt động như là một Ban Cố Vấn. Trong những công việc quan trọng, đôi khi Hiến Pháp đòi hỏi hai cuộc bỏ phiếu: của Tu Nghị và của Hội Đồng. Trong truờng hợp đó, Bề trên sẽ hỏi ý kiến hoặc xin sự đồng ý của cộng đoàn, chứ không phải là một hành vi tập đoàn. Sự đồng ý của Tu Nghị được minh nhiên đòi buộc nơi điều 684 §3, khi một tu sĩ chuyển từ một đan viện tự trị này sang một đan viện khác thuộc cùng một Dòng, hoặc cùng một Liên Hiệp hay Tổng Liên Hiệp. Và đây là nói về Tu Nghị của đan viện đón nhận tu sĩ đó.
Luật riêng có thể dự liệu những hành vi khác có tính tập đoàn, chẳng hạn trong các đan viện tự trị, Tu Nghị sẽ bỏ phiếu chấp thuận bản Hiến Pháp hoặc Kim Chỉ Nam(= Quy Chế).
Trong trường hợp không có Tu Nghị, tất nhiên cộng đoàn vẫn phải được tham khảo ý kiến, và luật riêng phải dự trù những trường hợp mà Bề trên phải tập họp cộng đoàn để thảo luận; nhưng đó không phải là hành vi tập đoàn theo đúng nghĩa của Giáo Luật.