Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 83
VIỆC THAM GIA VÀO CÔNG ÍCH
(đ. 633)
Khi nói đến Tổng Tu Nghị, Bộ Giáo Luật đã nêu bật sự kiện là Tu Nghị phải đại diện cho toàn thể Hội Dòng, và mỗi thành viên phải có thể tự do gửi đến Tu Nghị những nguyện vọng và những gợi ý của mình, chiếu theo những quy định của luật riêng. Như vậy, mỗi người đều phải cảm thấy đồng trách nhiệm với thiện ích của mọi người. Các Tu Nghị khác cũng là cơ hội để mọi nguời tham gia vào công ích như thế. Nên nhớ, những gì Sắc lệnh Perfectae Caritatis đã nói về sự canh tân cuộc sống tu trì: “Việc canh tân hữu hiệu và sự thích nghi đúng đắn chỉ có thể đạt được với sự cộng tác của tất cả các tu sĩ trong Dòng”.[1]
Ngoài các Tu Nghị ra, còn một vài cơ cấu có thể cho phép các thành viên của Dòng hoặc phân chi của Dòng tham gia vào các quyết định của các ban quản trị, hoặc để chuẩn bị cho các quyết định đó, hoặc để trao đổi thông tin giữa các Bề trên và các thành viên của các cộng đoàn. Chúng tôi sẽ đề cập đến ba cơ cấu thường xuyên hơn cả.
A- Hội Đồng Cố Vấn mở rộng
Hội Đồng Cố Vấn được gọi là “mở rộng” khi Hội Đồng Cố Vấn thường lệ có thêm những thành viên khác (các chức vụ ở tại trụ sở, các Bề trên, hoặc các đặc trách cho các lãnh vực đặc biệt). Hội Đồng Cố Vấn mở rộng như thế sẽ cho phép có những thông tin đầy đủ hơn, và có khả năng cho ý kiến trong các công việc quan trọng do luật riêng đã ấn định, hoặc do sáng kiến của Bề trên. Ít khi Hội Đồng Cố Vấn mở rộng giữ vai trò quyết nghị.
Hiến Pháp sẽ xác định những trường hợp triệu tập Hội Đồng Cố Vấn mở rộng: đó có thể là triệu tập một Tổng Tu Nghị ngoại lệ, việc di chuyển trụ sở Bề trên Tổng Quyền, xác định những quy tắc về bầu cử những đại biểu tham dự Tổng Tu Nghị,… Trong các bản Hiến Pháp được Bộ Tu Sĩ phê chuẩn, quyền quyết nghị này chỉ được cấp cho các Hội Đồng Cố Vấn mở rộng, gồm bởi các thành viên có trách nhiệm quản trị, tựa như các Bề trên Giám Tỉnh và các Bề trên miền, nếu là Hội Đồng Cố Vấn mở rộng ở cấp toàn Dòng. Dĩ nhiên, trong các trường hợp đó, Hội Đồng Cố Vấn mở rộng là một cơ cấu quản trị thật sự.
B- Các Đại hội
Các Đại hội tập họp tất cả các thành viên, hoặc một số lớn các thành viên của Dòng, hoặc của Tỉnh Dòng. Các đại hội được coi như là “diễn đàn” chứ không phải là những cơ cấu quản trị. Các đại hội sẽ giúp cho người ta hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống cụ thể và những nhu cầu của Dòng, hoặc góp ý cho các Bề trên.
C- Các ủy ban
Các ủy ban, thường trực hay không thường trực, là những cơ quan được ủy nhiệm nghiên cứu về một vấn đề, hay đảm nhiệm một lãnh vực cụ thể nào đó, ngõ hầu trình các dự án lên các Bề trên có thẩm quyền. Để tiến hành tốt công việc của mình, các ủy ban có thể tham khảo ý kiến các thành viên chuyên môn hoặc tha thiết với Dòng.
Kết luận
Ngoài những cấu trúc cần thiết cho việc quản trị, các Dòng còn có thể thêm những cơ quankhác nhằm kết nạp thêm nhiều anh em vào trách nhiệm của các Bề trên và các Tu Nghị. Có là phương thức diễn tả cố gắng của mỗi người trong việc tham gia vào công ích của Dòng.
Dù sao, điều 633 §2 nhắc nhở chúng ta hãy thận trọng và khôn ngoan. Kinh nghiệm cho thấy rằng, hội họp nhiều quá sẽ gây ra sự nhàm chán tham gia vào ích chung, thay vì cổ súy nó. Ngược lại, nếu chẳng hội họp gì cả, thì cũng sẽ tai hại không kém.
[1]Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 4