Bài Phát Biểu Của Cha Phan Tấn Thành, OP. – Giám Đốc Trung Tâm Học Vấn Đaminh

0
3224


 
LỄ BỔN MẠNG TRUNG TÂM HỌC VẤN ĐAMINH
VÀ TRAO BẰNG CỬ NHÂN THẦN HỌC
NGÀY 26 – 01 -2013

BÀI PHÁT BIỂU CỦA CHA PHAN TẤN THÀNH, OP. – GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM

Kính thưa cha Giám tỉnh, Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam và quý Bề trên,

Kính thưa quý Giáo sư, quý Quan khách, và các bạn Sinh viên thân mến!
 
Như quý vị đã được nghe giới thiệu, vị chủ tọa buổi lễ hôm nay là cha Rodel Aligan, khoa trưởng thần học của đại học Santo Tomas Manila. Tôi muốn nói vài lời chào mừng.

Dear Father Rodel,
It is a privilege of our Dominican Center of Studies to have the Dean of the Faculty to preside over the conferment of STB diploma to our students on occasion of the feast of Saint Thomas, because you are very busy too in Manila for the celebration of our common Patron. This year is special for us, not only because it is the Year of Faith, but also of the tenth anniversary of our affiliation to your Faculty. I hope that our relations will continue for the benefit of our service to the Gospel in Asia.
 

Kính thưa quý vị,

Tôi xin chia bài phát biểu trong ngày lễ hôm nay làm ba phần: Quá khứ – Hiện tại – Tương lai
 
I. Quá khứ

Hôm nay đã là rằm tháng chạp. Tôi xin kết hợp lời chào mừng quý vị quan khách với lời chúc đầu năm mới. Đầu năm chúc cái gì? Nếu tôi không lầm, truyền thống dân tộc đã dành ngày đầu năm để chúc tuổi. Người xưa không có tục mừng sinh nhật (birthday) riêng rẽ, bởi vì tất cả mọi người đều được tăng thêm  một tuổi với ngày đầu năm. Đó là niềm vui hay nỗi buồn? Chắc chắn là niềm vui. Thời xưa, người ta vui mừng hãnh diện vì tuổi thọ, lên lão làng. Nhưng ngày nay, tuổi cao mang lại nỗi buồn thay vì niềm vui, bởi vì người lão bị gạt ra ngoài lề xã hội, và mặt khác, họ cũng chưa sẵn sàng bước sang qua bên kia thế giới. Vì thế theo tôi nghĩ rằng tuy vẫn giữ thói tục chúc tuổi, nhưng chúng ta phải biến báo làm sao để cho người cao tuổi không cảm thấy tủi. Tôi xin được chia sẻ với quý vị một bài thơ không ra thơ, nguyện không ra nguyện, mà tôi đã chép từ một tờ báo hồi còn ở lớp triết II (nghĩa là cách đây 45 năm), vì lúc ấy tôi biết chắc rằng sẽ có lúc mình già. Tôi xin các bạn sinh viên cũng hãy ghi lại để 50 năm sau mang ra nghiền ngẫm với hậu thế. Tựa đề ấy như thế này: Già là .. Sống lại
(của một tu sĩ ham già. Tặng các tu sĩ … đã già hay tưởng mình không còn trẻ lắm)

Lưỡi tôi sẽ bớt lanh lảu để đả thông với người đời,
nhưng sẽ thân mật hơn trong cuộc truyện vãn tâm sự với Chúa.

Cẳng tôi tê liệt, yếu đuối, không còn có thể nhảy từng hai … ba bậc thang lầu, cỡi xe gắn máy hay Honda,
phóng xuống nhà khách, hay đứng vững trên tòa giảng,
nhưng sẽ đưa tôi mau tiến trên bước đường lên Núi Thánh.

Mắt tôi mờ đi, yếu đi, không còn nhìn thấy mọi vật thế trần,
nhưng mắt tôi còn nhìn thấy Nhan thánh Thiên Chúa vô hình một cách rõ ràng hơn.

Tai tôi càng ngày càng cứng, làm cho tôi không còn nghe rõ các mẩu chuyện trần, bắt tôi phải nhăn nhó yêu cầu người ta nói to lên khi người ta đã phải đứt gân cổ để bắn vào tai tôi những tiếng thật to, thật chậm, thật ít …
nhưng tôi đã nghe được dễ dàng hơn tiếng nói của Thiên Chúa tình yêu.

Bạn bè của tôi dầu dần xa lánh tôi, cho tôi là chậm, là cù lần, là cũ, là chướng,
nhưng tôi đã nếm được dễ dàng hơn tình bạn trung thành của Bạn tình luôn hiện diện.

Việc tôi càng ngày càng ít, càng hay hư hỏng,
nhưng tôi sẽ được lãnh phần thưởng muôn đời một ngày không xa.
Càng già, tôi càng thấy ngày sống lại vinh quang đến gần!

Khỏi nói ai cũng biết, đó là một cái nhìn tuổi già trong viễn tượng của đức tin: tuổi già sẽ mở ra cho chúng ta một chân trời mới. Cũng trong cái nhìn đức tin, chúng ta bước sang phần thứ hai là Hiện tại.
 
II. Hiện tại
 
Năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm nhiều biến cố của quốc gia và của Giáo hội. Tôi chỉ xin ghi lại một biến cố, đó là kỷ niệm 50 thông điệp Pacem in terris, được coi như chúc thư của chân phước Gioan XXIII, một người đã khai mạc công đồng Vatican II nhưng lại để cho vị kế nhiệm tiếp tục và kết thúc. Trong những đặc trưng của thông điệp này, tôi ghi nhận hai điểm: thứ nhất, nó hướng đến tất cả mọi người thiện chí trên thế giới chứ không chỉ dành riêng cho các tín đồ công giáo; thứ hai, nó du nhập thuật ngữ “dấu chỉ thời đại” để đọc lại vài sự kiện thoạt tiên xem ra bất lợi, nhưng dưới ánh sáng đức tin thì lại là tiếng nói của Thiên Chúa. Ngài đã kể ra ba điểm làm thí dụ: cuộc tranh đấu của những công nhân, cuộc tranh đấu của các phụ nữ, cuộc tranh đấu của các nước nhược tiểu. Xem ra những điều ấy trái ngược với trật tự cổ truyền, nhưng kỳ thực chúng nói lên khát vọng chính đáng của con người, dựa trên luật tự nhiên do Thiên Chúa thiết lập.

Kính thưa quý vị. Dưới cái nhìn đức tin, chúng ta sẽ thấy nhiều biến cố xem ra bất lợi nhưng kỳ thực lại có lợi và ngược lại. Năm nay Giáo hội cũng kỷ niệm 1700 năm chiếu chỉ của Hoàng đế Constantino nhìn nhận cho các Kitô-hữu quyền được tự do hành đạo. Ai cũng nhận rằng đây là một khúc quặt quan trọng trong lịch sử Kitô giáo, và dĩ nhiên là thuận lợi. Nhưng ngày nay lại có những ý kiến nghĩ ngược lại, theo đó, biến cố này đánh dấu khởi điểm của việc tục hóa Kitô giáo, khi tôn giáo đi vào chính trị, bắt tay với quyền lực thế gian. Như vậy là chuyện lợi mà thành bất lợi. Bây giờ chúng ta chọn một chuyện bất lợi mà trở thành có lợi. Năm nay Giáo hội Việt Nam kỷ niệm 25 năm phong thánh cho các 117 chân phước tử đạo. Sự kiện này gợi lên hai điều bất lợi: thứ nhất, chuyện cấm đạo trái ngược với quyền lợi tự do của con người; thế nhưng, khi đọc hồ sơ phong thánh thì nhiều người thấy rằng nhờ các cuộc bắt đạo mà các tín hữu có cơ hội giảng đạo cho các vua quan nghe; thứ hai, trước lễ phong thánh, nhiều buổi học tập đã được Nhà Nước tổ chức và các tín hữu bị bắt buộc phải tham dự; nhưng cũng nhờ vậy mà nhiều người có dịp học biết thêm về hạnh tích các thánh tử đạo. Thời giờ ngắn ngủi không cho phép tôi kể thêm những thí dụ khác. Tôi chỉ muốn nhắc đến một chuyện thời sự xảy vào đầu tuần này, đó là tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam được đức thánh cha tiếp kiến. Xin cam đoan với quý vị rằng xưa nay chưa có một quốc gia Cộng sản nào mà Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng lần lượt đến thăm Tòa Thánh. Phải chăng đó cũng là một bài học của Pacem in terris: Giáo hội đừng chỉ quan tâm đến chuyện nội bộ của mình, nhưng hãy nhìn ra bên ngoài với cặp mắt thiện cảm? Cầu chúc cho tất cả chúng ta biết khám phá những dấu chỉ thời đại giữa những chuyện rối ren của thời cuộc, dĩ nhiên với cặp mắt đức tin. Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Đây là sức mạnh chiến thắng của chúng ta: đức tin” (1Ga 5,3).
 
III. Tương lai
 
Hôm nay là lễ phát bằng cử nhân cho các sinh viên tốt nghiệp hồi tháng 6 năm ngoái. Từ hôm ấy, nhiều anh em đã lên đường đi đến những sứ vụ mới, trong nước cũng như ngoài nước. Vì thế một số anh em không thể hiện diện trong buổi lễ hôm nay. Thật là một niềm vui khi chúng ta gặp lại nhau. Trung tâm học vấn Đaminh đã đồng hành với anh em trong một thời gian tối thiểu là 6 năm hoặc lâu hơn nữa. Buổi lễ hôm nay không có nghĩa là chúng ta sẽ dứt khoát chia tay nhau. Nhờ những phương tiện truyền thông, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ tiếp tục duy trì những dây liên lạc, không chỉ là hữu nghị xã giao mà còn thiết thực cho sứ vụ. Ngoài tờ báo Thời sự thần học giúp anh em tiếp tục công cuộc thường huấn, tôi hân hạnh giới thiệu địa chỉ internet của Trung tâm học vấn được khai trương kể từ ngày hôm nay với tên gọi catechesis.net, một kho lưu trữ những tài liệu nghiên cứu và học tập. Dù ở xa xôi đến đâu, anh em cũng sẽ cảm thấy mình vẫn còn gần gũi với mái trường xưa.

Tôi phải kết thúc ở đây theo lệnh của Ban Giám đốc. Ban Giám đốc là ai vậy? Thưa rằng đó là những người cộng tác với tôi trong việc điều hành Trung tâm học vấn. Đây là cơ hội để tôi bày tỏ lòng biết ơn với những người giúp cho bộ máy Trung tâm được vận hành xuôi xắn, đó là: Phó Giám đốc, Trưởng phòng giáo vụ (kiêm phụ trách báo Thời sự thần học), Quản thủ thư viện, Thư ký, Thủ quĩ. Tôi cũng phải mở rộng lòng biết ơn đến những tài-công khác nữa, đó là ban đại diện sinh viên. Sau cùng, tôi cũng cám ơn tất cả các bạn sinh viên. Thứ bảy tuần trước, chúng ta đã có ngày hội thao: điều này nhắc nhớ chúng ta rằng Trung tâm này không chỉ dành riêng cho sinh hoạt trí thức hoặc thể thao, nhưng trước đó, còn có những mối tương giao thân hữu. Cầu chúc cho những mối dây đó kéo dài mãi.

Xin cám ơn quý vị.

Nguồn tin: Học Viện Đaminh