Sự Chia Tách Trong Một Dòng Tu – Vấn Đề 23

0
627


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 23

SỰ PHÂN CHIA TRONG MỘT DÒNG TU

THIẾT LẬP, SỬA ĐỔI VÀ BÃI BỎ CÁC TỈNH DÒNG

(đ. 581, 585, 621)

 

Phân chia một tu hội làm nhiều Tỉnh Dòng, thành lập những Tỉnh Dòng mới, sát nhập các Tỉnh Dòng hoặc xác định lại ranh giới giữa các Tỉnh Dòng: tất cả những việc này thuộc về thẩm quyền trong dòng, chiếu theo quy định của Hiến Pháp.

A. Những điều kiện phải có để trở thành một Tỉnh Dòng

Điều 621 định nghĩa một Tỉnh Dòng như sau: “Tỉnh Dòng là tập hợp nhiều nhà với nhau, đặt dưới quyền một Bề trên, và làm nên một phần trực tiếp của Dòng, được thành lập bởi nhà chức trách hợp pháp theo giáo luật”. Câu định nghĩa này lấy lại điều 488§6 của Bộ Giáo Luật cũ 1917. Điều luật này cho ta biết ý nghĩa của vài từ ngữ được sử dụng. Bởi vì Bộ Giáo luật hiện hành không dành một điều khoản riêng để định nghĩa các từ ngữ được sử dụng trong thiên về đời sống thánh hiến, cho nên nhà lập pháp đưa các định nghĩa vào những điều luật đó đây. Thật vậy, ở điều 620 nhắc đến các Tỉnh Dòng khi định nghĩa các các Bề Trên Cao Cấp,[1] và trong điều khoản kế đó (đ. 621) đã cung cấp cho chúng ta định nghĩa Tỉnh Dòng.

Đối chiếu câu định nghĩa của điều 621 với những gì Giáo Luật quy định ở điều 115§2, về những điều kiện phải có để trở thành một pháp nhân trong Giáo Hội, người ta có thể kết luận rằng: cần phải có ít là ba tu viện thì mới có thể thành lập một Tỉnh Dòng.[2]

Một cách tương tự, dựa theo điều 610§2, ta có thể nghĩ rằng một Tỉnh Dòng phải có đủ phương tiện sinh sống thì mới được thiết lập.[3] Nhưng, như sẽ nói về việc thành lập một tu viện, sự giúp đỡ tài chính ổn định và quy mô giữa các Tỉnh Dòng trong cùng một Dòng có thể được kể vào “những phương tiện sinh sống”: vì thế một thực thể tuy chưa tự túc về kinh tế, nhưng được các Tỉnh Dòng khác giúp đỡ, vẫn có thể được thiết lập thành một Tỉnh Dòng.

Thẩm quyền để phân chia Dòng thành các Tỉnh Dòng, phải là Tổng Tu Nghị (hay Tổng Hội). Thẩm quyền để thành lập các Tỉnh Dòng mới, sát nhập các Tỉnh Dòng hoặc điều chỉnh ranh giới các Tỉnh Dòng có thể là Tổng Tu Nghị, Bề Trên Tổng Quyền và Hội Đồng Tổng Cố Vấn, hoặc một cơ quan tựa như “Hội Đồng Tổng Cố Vấn Mở Rộng”, tùy theo luật riêng của mỗi Dòng.

B. Việc bãi bỏ một Tỉnh Dòng

Việc bãi bỏ các Tỉnh Dòng thuộc thẩm quyền của nhà chức trách trong Dòng (chứ không đòi hỏi sự can thiệp của giáo quyền). Vì điều 585 không phân biệt, cho nên sự bãi bỏ có thể hiểu về sự bãi bỏ đơn thuần cũng như do sự sát nhập vào một Tỉnh Dòng khác.

Nhà chức trách có thẩm quyền bãi bỏ một Tỉnh Dòng có thể là Tổng Tu Nghị, vị Bề Trên Tổng Quyền và Hội Đồng Cố Vấn, hoặc một cơ quan tựa “Hội Đồng Cố Vấn Mở Rộng”, tùy theo luật riêng của mỗi Dòng.

Đối với các Dòng chỉ có một số ít Tỉnh Dòng, nên dành quyền quyết định này cho Tổng Tu Nghị, bởi vì Tổng Tu Nghị có nhiều uy tín để cho công việc tế nhị dễ được chấp nhận.

 

 


[1]Xem vấn đề 75.

[2]Điều này không có nghĩa là, một Tỉnh Dòng đã được thành lập hợp pháp sẽ đương nhiên không còn là Tỉnh Dòng nữa nếu chỉ còn hai tu viện.

[3]Xem vấn đề 25.