Đời Sống Cộng Đoàn: Những Đặc Trưng – Vấn Đề 35

0
2453


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 35

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN: NHỮNG ĐẶC TRƯNG

(đ. 602; 607 §2; 608; 619)

 

Một trong những yếu tố cốt yếu của đời tu là cuộc sống huynh đệ trong cộng đoàn. Các văn kiện hậu Công Đồng nhấn mạnh về chiều kích cộng đoàn này, vào thời đại mà trong thế giới người ta tha thiết mong muốn tình liên đới.

Giữa lòng cộng đoàn Giáo Hội và giữa lòng thế giới, các tu sĩ là những chuyên viên về hiệp thông, được mời gọi trở thành những chứng nhân và những tác nhân cho kế hoạch hiệp thông, được xem như đỉnh cao của lịch sử loài người dựa theo kế hoạch của Thiên Chúa.[1]

Các thành viên của tất cả mọi Hội Dòng thánh hiến đều được kêu gọi hãy sống tình huynh đệ theo hình thức riêng của mỗi Dòng (đ. 602).

Chính Đức Kitô đã kết hợp họ lại với nhau khi kêu gọi họ vào cùng một sự thánh hiến. Các cách thức của đời sống của họ phải được xác định thế nào ngõ hầu tất cả nhận được sự trợ giúp hỗ tương trong việc thực hiện các mục tiêu của Dòng và ơn gọi riêng của mỗi người. Sự hiệp thông huynh đệ này, được xây nền và bén rễ sâu trong đức ái, là dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa Kitô, và mẫu gương cho sự hòa giải đại đồng.[2]

Một đặc trưng của các Dòng Tu là đời sống huynh đệ này thể hiện trong cộng đoàn (đ. 607 §2).

Sự dấn thân của các tu sĩ vào cuộc sống thông hiệp hằng ngày như thế không phải là chuyện chẳng ảnh hưởng gì đến Giáo Hội và thế giới. “Quả vậy, trước một thế giới bị chia rẽ trầm trọng, họ chứng minh khả năng của sự hiệp thông của cải, tình yêu huynh đệ, kế hoạch đời sống và hoạt động, có thể có được là nhờ biết đón nhận lời mời gọi tự do đi theo Chúa Kitô sát hơn”.[3]

Các Bề trên và các tu sĩ sẽ cùng nhau dấn thân xây dựng một cộng đoàn huynh đệ trong đó Thiên Chúa được tìm kiếm và yêu mến trên hết mọi sự (đ. 619).

Mỗi Dòng cần xác định những hình thức cụ thể của nếp sống huynh đệ của mình (đ. 602); nhưng mỗi cộng đoàn cũng có bổn phận phải thường xuyên chất vấn về phẩm chất đời sống cộng đồng của mình, về khả năng đáp ứng với những nhu cầu của mỗi người, về chứng từ của mình giữa cộng đồng nhân loại, trong sự trung thành với ơn kêu gọi của mỗi Dòng. Dù cộng đoàn được xây dựng trong đức tin nhưng cũng không nên bỏ qua những điều kiện nhân bản trợ giúp cho cuộc sống chung.

“Cộng đoàn phải ở trong một nhà đã được thành lập cách hợp pháp, dưới quyền một vị Bề trên đã được chỉ định theo quy tắc của luật” (đ. 608).

Cái “nhà” ở đây không nhất thiết phải là một ngôi nhà riêng biệt. Một “căn hộ” cũng là một “nhà” theo nghĩa chung của Giáo Hội. Để gọi là “được thành lập cách hợp pháp”, một cộng đoàn tu sĩ phải được thành lập với phép của Bề trên có thẩm quyền theo Hiến Pháp, và sự ưng thuận bằng văn thư của Đức Giám Mục giáo phận (đ. 609 §l).[4]

Mỗi cộng đoàn cũng phải ở dưới quyền của một Bề trên; vị này có thể cư ngụ tại chỗ, hoặc trong một cộng đoàn kế cận. Bộ Giáo Luật hiện hành không còn hân biệt giữa “các nhà đã hình thành”“các nhà chưa hình thành” (domus formata / non formata).[5]

Mỗi nhà phải có ít là một nhà nguyện để cử hành và lưu giữ Thánh Thể, ngõ hầu Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn (đ. 608).[6]

Mỗi nhà phải có một khu vực riêng biệt, dành riêng cho các phần tử trong Dòng. Các khu vực này rất cần thiết cho sự quân bình về tinh thần và cho khung cảnh thinh lặng hồi tâm dẫn đến đời sống cầu nguyện.[7]

 

 


[1] Ibid., số 24.

[2] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae caritatis (về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Tu Trì), số 15.

[3] Xc. Văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người”, số 24.

[4]Xem thêm vấn đề 25.

[5]Ibidem.

[6]Xem thêm vấn đề 42.

[7]Xem thêm vấn đề 39.