Tinh Thần Vị Sáng Lập: Gia Sản Của Mỗi Hội Dòng – Vấn Đề 7

0
635


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC HỘI DÒNG TẬN HIẾN

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

(Điều 573 – 606)

***

VẤN ĐỀ 7

TINH THẦN CỦA VỊ SÁNG LẬP: GIA SẢN CỦA MỖI HỘI DÒNG

(đ. 578)

 

Điều 578 của Giáo Luật đã lấy lại hầu như nguyên văn bản văn Công Đồng Vatican II: “Phải trung thành nhận thức và noi giữ tinh thần cùng ý hướng đặc biệt của các Đấng sáng lập cũng như tất cả các truyền thống lành mạnh, vì tất cả những yếu tố ấy tạo nên gia sản của mỗi Hội Dòng”.[1] Tất cả những điều này đã được phê duyệt bởi nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội.

Như đã được nhấn mạnh ở vấn đề 5, sáng kiến của một tổ chức thường bắt đầu từ một người được Chúa Thánh Thần soi dẫn, và những sáng kiến khác biệt này phải được coi là một trong những vẻ đẹp phong phú của Giáo Hội, như đã được ghi nhận nhiều lần trên đây.

Sau Công Đồng Vatican II, mỗi Hội Dòng đều cố gắng trở về với các nguồn mạch của mình, và tìm cách nhận ra đâu là những ý định của vị sáng lập, đâu là những đặc điểm làm nên “vẻ đặc sắc” của Dòng. Đồng thời người ta đã tìm cách phân biệt “tục truyền sống động” thật sự, để tách nó ra khỏi những tập tục và tục lệ đôi khi đã lỗi thời, chồng chất trải qua nhiều thế hệ, và đang làm ngăn cản bước tiến của mỗi Dòng. Tự sắc “Ecclesiae Sanctae” đã quyết định như sau: “Vì lợi ích của Giáo Hội, các Hội Dòng hãy cố gắng nhận biết đâu là tinh thần đích thực của nguồn gốc của mình, ngõ hầu, nhờ trung thành nắm giữ tinh thần đó trong những thích nghi cần phải làm, đời sống của họ được thanh lọc khỏi những yếu tố xa lạ và những yếu tố đã lỗi thời”.[2]

Không phải vô tình mà Bộ Giáo Luật 1983 đã lặp lại tất cả những sự định hướng này. Nhiệm vụ đầu tiên của các tu nghị (capitulum) là minh xác lại cái “gia sản” đó nhờ những quy luật, nhắc nhở và cổ võ lòng trung thành theo hai chiều hướng:

– Một đàng là trung thành với tinh thần nguyên thủy và truyền thống;

– Thứ đến là trung thành với những nhu cầu của Giáo Hội vào mỗi thời điểm của lịch sử loài người. Đó mới là trung thành thật sự.

Chính Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở rằng: “Lối sống, cách cầu nguyện và hoạt động phải tùy theo tính chất của mỗi Dòng để thích nghi với hiện trạng thể lý và tâm lý của các tu sĩ, cũng như với các nhu cầu tông đồ, những đòi hỏi văn hóa, những hoàn cảnh xã hội và kinh tế của mỗi nơi, nhưng đặc biệt là tại các xứ truyền giáo”.[3]

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh “Perfectae Caritatis” (Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu), số 2b

[2] Tự sắc “Ecclesiae Sanctae”, II, số 16,3

[3] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh “Perfectae Caritatis” (Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu), số 3