GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO:
MỘT CÁI NHÌN MỚI
TỪ THÔNG ĐIỆP RERUM NOVARUM ĐẾN THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’
*************
Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Thái Bảo, O.P.
Tu sĩ Phêrô Vũ Nguyễn Minh Tiến, O.P.
chuyển dịch từ tác phẩm
CATHOLIC SOCIAL TEACHING :
A NEW SYNTHESISRERUM NOVARUM TO LAUDATO SI’
By Daniel Schwindt
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
1. Mục đích của cuốn sách này
2. Hướng đến Năm Đại Xá
3. Những lưu ý về nguồn tài liệu được tham khảo
PHẦN I. VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI
1. Lời minh giải cho học thuyết
a. Ân sủng giả thiết thiên nhiên
b. “Linh hồn” của thân thể xã hội
c. Đức tin và luân lý
d. Khi trần thế phá hoại sự vĩnh cửu
2. Việc giải thích những dấu chỉ của thời đại
3. Liên tục và đổi mới
4. Những lời nhận xét về Công Đồng Vaticanô II
5. Một ví dụ từ Tuyên ngôn Dignitatis Humanae
6. Giáo huấn Xã hội Công giáo, các hệ thống, và các hệ tư tưởng
7. Thẩm quyền của Giáo huấn
PHẦN II. CHÂN LÝ VỀ CON NGƯỜI
1. Bản chất xã hội của con người
a. Quan điểm của Thánh Tôma Aquinô về bản chất xã hội của con người
b. Sự đồng thuận của người ngoại giáo
c. Thời đại Khai Sáng và “khế ước xã hội”
d. Sự phát triển cá nhân
e. Tội xã hội
f. Luật suy thoái – Luật thăng tiến
2. Quyền lợi và nghĩa vụ
a. Quyền lợi hàm ý mối tương quan
b. Quyền lợi bao hàm nghĩa vụ
c. Các quyền lợi không có tính tuyệt đối
3. Đời sống gia đình
a. Người nam và người nữ “từ lúc khởi đầu”
b. Tết bào xã hội – cái nôi của sự sống
c. Giáo Hội tại gia
d. Mục đích kép của gia đình
e. Các nhu cầu của gia đình là trọng tâm của GHXH
PHẦN III. NHỮNG NGUYÊN TẮC THƯỜNG HẰNG
1. Nguyên tắc Công ích
2. Cứu cánh phổ quát của các tài sản trần gian
3. Quyền tư hữu
a. Những biện minh cho quyền tư hữu theo Thánh Aquinô
b. Quyền tư hữu nhằm nuôi dưỡng gia đình
c. Quyền tư hữu không có tính cách tuyệt đối
4. Sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo
5. Liên đới và Bổ trợ
a. Liên đới – hành động cho công ích
b. Bổ trợ – việc trao trách nhiệm
6. Tự do
a. Tự do có mục đích
b. Tự do của ý chí phụ thuộc vào trí tuệ
c. Tự do và chân lý
d. Tự do và luân lý
e. Tự do và xã hội
f. Tự do, luật tự nhiên và thân xác
g. Tự do và lương tâm
h. Nô lệ
7. Công bằng
a. Công bằng giao hoán
b. Công bằng phân phối
c. Công bằng pháp lý
d. Công bằng xã hội
e. Ý thức hệ và sự giản lược công bằng
PHẦN IV. LUÂN LÝ
1. Luật tự nhiên (luật bản tính: natural law)
a. Luật nào? Tự nhiên (bản tính) là gì?
b. Luật vĩnh cửu
c. Luật tự nhiên
d. Nhân luật
e. Các mệnh lệnh của luật tự nhiên
f. Không phải mọi sự trong tự nhiên đều là tự nhiên
2. Lương tâm
a. “Lương tâm thành thực” là gì?
b. Lương tâm thì không thể không sai lầm
c. Vấn đề ‘lương tâm trên hết’
3. Hành vi và ý hướng
a. Luân lý chủ quan
b. Trong cái xấu chọn cái ít xấu hơn
4. Sự vận hành của đức khôn ngoan
a. Ký ức
b. Dễ dạy
c. Sắc sảo
d. Tiên liệu
e. Lo xa
f. Tham dự tích cực và vâng phục
g. Vấn đề với ‘phán đoán khôn ngoan’
5. Sự vô tri
a. Hai loại vô tri
b. Vô tri bất khả thắng
c. Vô tri khả thắng
6. Những vấn đề và áp dụng cụ thể
a. Nói dối
b. Phá thai
c. Đồng tính luyến ái
d. Tra tấn
e. Sát nhân
f. Tự sát
7. Vấn đề tội trạng
PHẦN V. ĐỜI SỐNG KINH TẾ
1. Bốn giai đoạn trong hoạt động kinh tế
2. Ba yếu tố kinh tế bị hiểu sai thành hàng hóa: đất đai, sức lao động, tiền bạc
a. Đất đai
b. Lao động
c. Tiền bạc
3. Về chủ nghĩa tư bản và xã hội chủ nghĩa
a. Bản chất của tư bản chủ nghĩa
b. Sự tách biệt giữa quyền sở hữu với lao động
c. Gỡ bỏ các lực lượng tập quyền
d. Chủ nghĩa tư bản xét như chủ nghĩa tự do kinh tế
e. Chủ nghĩa xã hội xét như con đẻ của chủ nghĩa tư bản
f. Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, xét như hai ý thức hệ cần phải ngăn chặn
g. Chống lại những hình thái của ‘chủ nghĩa duy kinh tế’ thiên về vật chất
h. Giáo huấn về việc tư hữu phổ biến
4. Lao động của con người
a. Lao động là lợi ích
b. Mục đích chủ quan và khách quan của lao động
c. Chủ thuê trực tiếp và gián tiếp
d. Những thỏa thuận giữa chủ thuê và người lao động
e. Những người liên hệ trực tiếp đến doanh nghiệp vượt trên những cổ đông
5. Cạnh tranh hay hợp tác?
6. Tư lợi và động cơ lợi nhuận
a. Một kiểu diễn đạt của chủ nghĩa duy kết quả
b. Tư lợi cung cấp nhiên liệu cho sự lớn mạnh của Nhà nước
c. Động lực thu lợi nhuận xét như động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
7. Thị trường tự trị và thị trường “tự do”
8. Luân lý và thuyết kinh tế
9. Chủ nghĩa tiêu thụ
10. Các tổ chức trung gian – các công đoàn
11. Giá cả công bằng
12. Mức lương đủ sống
13. Hệ thống phường hội
a. Bản chất của phường hội (guild)
b. Giáo hội Công giáo kêu gọi trở về với nguyên tắc phường hội
c. Thích nghi
PHẦN VI. XÃ HỘI CHÍNH TRỊ
1. Vấn đề ý thức hệ
a. Chủ nghĩa tư bản tự do
b. Chủ nghĩa tự do không phải là một đảng phái chính trị của Mỹ
2. Mục đích thực sự của Nhà nước
3. Mục đích của Nhà nước phải tương hợp với mục đích của công dân
4. Các mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà nước
a. Chủ nghĩa thế tục tự do và thuyết vô thần thực tiễn
b. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII với sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước
c. Quan điểm của Martin Luther về sự tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước
d. Tuyên xưng và ép buộc
5. Hoà bình hay xung đột?
a. Hoà bình đích thực là sự hài hoà của ý chí
b. Về sự tùng phục và nổi dậy
6. Các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ
a. Nhà nước với vai trò bảo vệ quyền lợi
b. Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí
c. Quyền tư hữu
d. Những quyền lợi của Thiên Chúa
7. Những thái độ đúng đắn về tiền bạc
a. Một “dịp tội” cần thiết
b. Phân biệt giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng
c. Từ thiện của tư nhân đối lại với hoạt động của chính quyền
d. Công bình đến trước bác ái
e. “Các bạn đã không xây dựng nó”
f. Tốc lực của tiền
8. Những thái độ đúng đắn đối với người nghèo
a. Cả tư nhân lẫn Nhà nước đều có vai trò của mình
b. Chống lại hình thức đúc khuôn bêu xấu người nghèo
c. Nghèo đói không hàm ý tính lười biếng hay không muốn làm việc
d. “Đói kém là một nguồn động lực tuyệt vời.”
e. “Ai không làm thì cũng đừng ăn.”
9. Thuế
a. Công bằng trong một hệ thống thuế luỹ tiến
b. Người nghèo không phải đóng thuế lương bổng
10. Sự không đồng đều và sự tái phân phối tài sản
a. Vấn đề công bằng phân phối
b. Loại bỏ đi những căn nguyên gây bất bình đẳng trong cấu trúc
c. Việc tái phân phối
PHẦN VII. MÔI TRƯỜNG
1. Mối bận tâm đã có từ lâu
2. Một mối bận tâm chính đáng
3. Các thái độ đúng đắn với môi trường
4. Cơn khủng hoảng của tính ích kỷ
5. Trách nhiệm không cân xứng
6. Chống lại chủ nghĩa duy kinh tế và sự thiển cận
7. Những giá trị đi liền với công trình sáng tạo
a. Giá trị của các tài nguyên xét như nguồn vốn
b. Giá trị xét dưới khía cạnh vẻ đẹp
c. Giá trị xét dưới khía cạnh chân lý
8. Việc tôn trọng công trình sáng tạo không phù hợp với lối sống ngày nay
9. Sinh thái nhân bản
10. Kiểm soát dân số không là đáp án
11. Thiếu quan tâm đến thiên nhiên sẽ dấn tới một phản ứng ngược lại (hậu quả)
PHẦN VIII. CHIẾN TRANH
1. Jus ad bellum, “quyền lâm chiến”
a. So sánh “tức giận chính đáng” với “phẫn nộ”
b. Các điều kiện nghiêm ngặt
c. Tính lâu dài, nghiêm trọng và chắc chắn
d. Tất cả các phương thế khác phải vô hiệu
e. Viễn tượng thành công
f. Không kéo theo những tai hại lớn hơn
g. Thẩm quyền thích hợp
2. Jus in bello hay “luân lý thời chiến”
a. Thường dân
b. Quy tắc hiệu quả kép
3. Việc giải trừ quân bị
4. Chủ nghĩa khủng bố
*************
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
AA Apostolicam Actuositatem
AM Apostolic Mandate
CA Centesimus Annus
CC Casti Connubii
CV Caritas in Veritate
DH Dignitatis Humanae
DR De Regno
DV Donum Vitae
EG Evangelii Gaudium
EN Evangelii Nuntiandi
EV Evangelium Vitae
FC Familiaris Consortio
GHXH Giáo huấn Xã hội Công giáo
GLHTCG Giáo lý của Hội thánh Công giáo
GS Gaudium et Spes
HG Humanum Genus
HTXHCG Tóm lược Học thuyết Xã hội của Hội thánh Công giáo
HV Humanae Vitae
ID Immortale Dei
LC Libertatis Conscientia
LE Laborem Exercens
LP Libertas Praestantissimum
LS Laudato Si’
MM Mater et Magistra
OA Octogesima Adveniens
PDG Pascendi Dominici Gregis
PP Populorum Progressio
PT Pacem in Terris
QA Quadragesimo Anno
RH Redemptor Hominis
RN Rerum Novarum
RP Reconciliatio et Paenitentia
SRS Sollicitudo Rei Socialis
ST Summa Theologica
TFP Tametsi Futura Prospicientibus
UA Ubi Arcano
VS Veritatis Splendor
LỜI GIỚI THIỆU
1. Mục đích của cuốn sách này
Trong Thông điệp Laudato Si’ được ban hành gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nêu lên thách đố sau:
“Chúng ta cần khai triển một tổng hợp mới có khả năng vượt thắng được những biện chứng sai lầm của hai thế kỷ vừa qua. Trung thành với căn tính và kho tàng sự thật phong phú được lãnh nhận từ Đức Giêsu Kitô, Kitô giáo tiếp tục suy tư về những vấn đề này trong cuộc đối thoại hữu hiệu với các hoàn cảnh lịch sử đang biến đổi. Như thế, Kitô giáo tỏ lộ được sự mới mẻ vĩnh cữu của mình.”[1]
Cuốn sách này cho thấy nỗ lực của một số thành viên giáo dân để đáp ứng lại thách đố đó. Đó là những lý do minh chứng cho sự tồn tại của một công trình như thế này, và cũng thật cần thiết để nói rõ cách thức tiếp cận mà chúng tôi sẽ dẫn vào trong những trang tiếp theo, bởi lẽ một cách căn bản nào đó, nó có thể khác với cách thức mà độc giả đã quen. Để thực hiện điều này, nên chăng chúng tôi mượn lời của Harold Robbins, ông đã mở đầu cuốn sách xuất sắc nhất của mình, The Sun of Justice, như sau:
“Quyển sách này không phải là một bản phân tích những gì mà Giáo Hội làm ngơ, và cũng không phải là những hướng dẫn bị làm ngơ. Nó nhắm đến việc trở thành một bản tuyên bố về những điều mà Giáo Hội muốn… Điểm khác biệt này, vốn dường như hiển nhiên, lại hiếm khi gây kinh ngạc. Giáo Hội có những tiêu chuẩn xem ra tiêu cực, tức là nếu vi phạm vào những điều đó là thành tội. Những tiêu chuẩn này là tối thiểu, vì Đức ái là quy chuẩn cho bộ môn Thần học Luân lý. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng có những tiêu chuẩn tích cực vốn rất khác. Những người bạn giáo sĩ của tôi đã chỉ cho tôi biết rằng tên của những tiêu chuẩn trên đây là Thần học Tu đức. Dường như tôi thấy làm lạ, khi muốn thực thi điều mà Giáo Hội chấp thuận thì phải cố gắng đạt tới một thứ gọi là Khổ chế, ít nhất trong ý nghĩa thông thường của nó. May thay, sự ước ao thì phổ quát hơn những điều trên đây ngụ ý. Nhưng chúng ta không cần thảo luận thêm. Điểm chính ở đây là quan điểm của chúng ta về xã hội này thì có quá nhiều thuật ngữ dành cho các hối nhân, trong khi lại có quá ít thuật ngữ dành cho Thành Đô của Thiên Chúa. Một người có thể tránh được tội say sưa suốt ngày xét theo nghĩa Thần học, nhưng không diễn tả hết được nội dung của Nhân đức Tiết độ cho những người xung quanh mình. Và các triệu phú thì không bị vạ tuyệt thông vì mình là triệu phú, tuy nhiên, với những ai quen với những ngôn từ sắc bén của Đức Lêô XIII và Đức Piô XI, không ai có thể nghĩ rằng: tất cả mọi người đều thấy vui khi có các triệu phú. Cả tôi cũng thấy không có lí do gì để người giáo dân phải thấy vui vì điều đó.”[2]
Như đã nói, chúng tôi có thể thêm rằng công việc mà chúng tôi đang làm đây hi vọng sẽ giúp xua tan mây mù tăm tối vốn đã bao phủ các tín hữu suốt thời đại này; một sự tăm tối vốn vẫn rất nguy hiểm, dẫu cho chúng ta có thể hiểu sự u minh ấy khi nhìn vào những người nam và nữ phải bươn chải để mưu sinh, và vì thế, không có đủ thời giờ, năng lượng, hoặc khát khao để lần giở lại các trang thông điệp của các vị Giáo hoàng ở những thế kỷ trước. Chúng ta không còn sống trong thời đại vâng phục khi mà những kẻ thất học hướng về Giáo Hội với sự cởi mở như một đứa trẻ sẵn sàng tin tưởng vào lời khuyên dạy của Rôma. Đối lại, trong những thời đại dân chủ, mỗi người được bảo “hãy tự mình suy nghĩ.” Người ta bị lèo lái để tin rằng những quan điểm mà người ta đạt được nhờ năng lực phán đoán riêng mình là thước đo chân lý tối hậu cho thế giới này, trong khi những quan điểm đó rốt cuộc lại là kết quả được hình thành gần như hoàn toàn bởi những gì được phát trên truyền hình. Vì không có điều gì như một quan điểm được hình thành “một cách độc lập.” Tất cả chúng ta vốn phải chịu ảnh hưởng rất nhiều áp lực từ bên ngoài; vấn đề ở đây chỉ là làm thế nào chúng ta cho phép những ảnh hưởng đó dẫn dắt suy tư của chúng ta.
Và vì thế, trong “thời đại thông tin này,” mỗi người ở Mỹ đều biết trận động đất mới nhất diễn ra ở thế giới thứ ba, có thể trưng dẫn “số lượng người chết” cho đến tận danh tánh của người phụ nữ và đứa trẻ cuối cùng; người ta biết về vụ xả súng và âm mưu khủng bố gần đây nhất; người ta biết điều gì khiến những người nổi tiếng li dị: nhưng người này không có một chút ý niệm gì về các giáo huấn của Giáo hội Công giáo liên quan đến các chủ đề như: hỗ trợ, liên đới, mục đích phổ quát của các tài sản và vấn đề quyền tư hữu. Dẫu cho người ta có nghe về các giáo huấn đó, thì chúng cũng đã bị sàng lọc bởi các phương tiện truyền thông mang tính cách chính trị, mà phải nói rằng những phương tiện truyền thông đó đã làm méo mó các giáo huấn của Giáo Hội đến mức không thể nhận ra được. Dù có trả hàng ngàn đô la, người ta cũng không thể kể ra những tài liệu quý giá mà trong đó những nguyên tắc này đã được soạn thảo công phu, mặc dù các tài liệu đó đều nằm sẵn trong tầm tay của họ nhờ internet.
Vì lẽ đó, chúng tôi nhận thấy rằng mặc dù chúng ta có nhiều thông tin sẵn có hơn các thời đại trước đây, nhưng dường như là những chân lý của Giáo huấn Xã hội Công giáo đã bị che lấp bởi hàng loạt chương trình truyền hình, đài phát thanh và các trang mạng, vốn dẫn chúng ta vào bóng tối để rồi vô tình vấp ngã bởi các vấn đề nổi lên. Trong tình thế này, chúng ta không thể cứu giúp được gì ngoài việc nhắc lại lời than vãn của Đức Piô X vốn rất thích hợp cho thời đại của chúng ta hơn cho thời đại của ngài:
“Ý chí sẽ không đúng đắn cũng không thể đưa đến đạo đức tốt khi lý trí bị bao phủ trong đêm tối của sự u mê. Dĩ nhiên, một người bước đi với đôi mắt sáng thì vẫn có thể bị lạc xa con đường chính lộ, nhưng một người mù tịt về đạo lý thì dễ có nguy cơ bị lầm đường lạc lối nhiều hơn… Do đó, một người không biết những bổn phận của người Kitô hữu thì làm sao hi vọng được người ấy sẽ thi hành chúng.”[3]
Vậy thì mục đích lớn hơn của cuốn sách này, đó là đưa các chân lý truyền thống của Kitô giáo vào trong đại dương rời rạc nơi mà con người hiện đại buộc phải sống – để chống lại những cơn sóng lầm lạc và ngu muội dù chỉ một chút, và trao cho con người cơ hội được hít thở bầu khí trong lành của Giáo lý Hội thánh Công giáo.
Chúng tôi cũng muốn nói thêm rằng quyển sách này được viết một cách rất tình cờ, trong khi chúng tôi đang thu thập những văn bản cho một công trình khác hẳn, nó có tính chất tham vọng hơn. Chuyện là, sau khi sắp xếp những bản văn phong phú cho dự án khác biệt nói trên, chúng tôi nhận ra rằng, nhờ vào tính súc tích và sự sắp xếp các chủ đề và trích dẫn đó, thông tin mà chúng tôi thu thập được có thể phục vụ như một công cụ hữu ích cho những ai quan tâm đến Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo như chúng tôi.
Bất kỳ ai mà đưa ra lời khẳng định rằng “Giáo Hội giảng dạy như thế” phải lập tức sẵn sàng đưa ra tư liệu thích hợp như sự hỗ trợ cho việc xác nhận chúng. Vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp một ít tham chiếu cho mỗi đề tài mà chúng tôi giải quyết. Công việc này không khó, nhờ sự hoạt động liên lỉ của Giáo Hội suốt hàng thế kỷ qua để giải quyết những vấn đề khi chúng xuất hiện. Thật vậy, chúng ta có thể tự tin yên tâm rằng có rất ít vấn đề xã hội mà Giáo Hội không phải đối phótrong suốt dọc dài lịch sử của mình. Do sự chuyên tâm này, bất kỳ khẳng định nào liên quan đến quan điểm của Giáo Hội, một đường hướng hoặc những vấn đề đặc biệt khác lạ thì hầu như luôn được xác minh ngay. Chúng tôi phải thừa nhận rằng việc giải thích về những cuộc tranh luận khác nhau vốn dai dẳng liên quan đến những vấn đề như thế thì không phải vì Giáo Hội thinh lặng, nhưng đúng hơn là sự thiếu hiểu biết của dư luận. Có lẽ, đã có một khoảng thời gian dài, Giáo Hội bị chê trách vì sự ngu muội của giáo dân, nhưng ngày nay đơn giản không có lời bào chữa nào về sự thiếu hiểu biết này. Vatican đã cố gắng từng bước đưa hàng ngàn bản văn của mình lên trên mạng internet, bao gồm bộ tập hợp những tóm lược về Học thuyết Xã hội của Giáo Hội. Thật vậy, trong khi chúng ta đề cập đến một ít những bất đồng có cơ sở về bản chất của giáo huấn Giáo Hội, phần lớn những cuộc tranh luận như thế có thể bị xua tan một cách nhanh chóng, nếu những người tham gia biết sẵn lòng tạm ngừng tranh luận để truy tầm về những nguồn mạch của chúng. Chúng tôi hi vọng rằng công trình này có thể khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đó.
2. Hướng đến Năm Đại Xá
Để chúng ta chú tâm vào chủ đề mà chúng ta có trước mặt đây, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tham chiếu đến một truyền thống của Cựu Ước được biết đến với tên gọi là Năm Đại Xá. Một chút ôn lại truyền thống này sẽ hữu ích vì Năm Đại Xá đã được Giáo Hội mô tả lại như một minh họa của Học thuyết Xã hội thu nhỏ.[4] Vì thế, có thể xem đó như là một bản tóm tắt cô đọng đáng quý về các giáo huấn mà chúng ta sắp khám phá đây.
Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXH) nhắm đến sự bền vững và công lý của đời sống xã hội. Điều này có nghĩa là cách nào đó nó quan trọng đối với bất cứ xã hội nào thuộc bất cứ thời đại nào. Hầu hết chúng ta có xu hướng tưởng tượng GHXH như một phần chính yếu của những văn kiện Giáo Hội mà được viết để chống lại các sự dữ của thời kỳ công nghiệp hiện đại. Nghĩa là, chúng ta vô thức gán cho GHXH tính “đối đầu” thuần túy – một điều bị đòi buộc xảy ra trong những bối cảnh lâm nguy chứ thực chất không quan trọng. Nhưng rõ ràng, bất kỳ học thuyết nào chỉ mang tính đối đầu thì không phải là một học thuyết, bởi vì học thuyết không bị ảnh hưởng bởi thời gian, không gian, và mang tính khẳng định. Chúng mang tính tích cực. Nếu có một học thuyết nào dường như là sự phản ứng với một thời điểm lịch sử cụ thể nào đó, thì nó mang tính chống lại thời đại vốn đã chọn chối bỏ nó. Và vì thế, nếu các nguyên tắc này được nêu ra trong Thông điệp Rerum Novarum dường như là một phản ứng vớichủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa tư bản, chỉ đơn giản, bởi vì hai hệ tư tưởng này cố gắng không đề cập đến chúng, và bởi vì hai hệ tư tưởng này cứ nhất định phải bỏ qua chúng, nên Đức Lêô XIII phải tái khẳng định chúng. Ngài không nói điều gì mới.
Chúng tôi có thể tạm dừng và chắc chắn chúng tôi có thể minh giải cho những gì mình khẳng định, đó là những giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo thì không hoàn toàn mới, bắt nguồn từ Cuộc Cách mạng Công nghiệp, nhưng không chịu ảnh hưởng của thời gian. Nếu chúng tôi nói rằng giáo huấn xã hội của Giáo Hội hình thành trước Thông điệp Rerum Novarum, chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa xã hội, thì khi đó chúng tôi nên giải thích về nguồn cội mà giáo huấn thực sự đã hình thành. Điều này dẫn chúng tôi tìm đến một trong những bản ghi chép cổ nhất mà chúng tôi có – Cựu Ước – Nơi đây chính Thiên Chúa trực tiếp chỉ rõ những định chế kinh tế của dân Người. Một định chế như thế là Năm Đại Xá. Trích dẫn từ sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội:
“Trong số nhiều chuẩn mực diễn tả cách cụ thể sự ban tặng nhưng không của Thiên Chúa và việc chia sẻ sự công bằng như Chúa đã thôi thúc, luật Năm Sabát (cứ bảy năm một lần) và luật Năm Toàn Xá (cứ năm mươi năm một lần) được coi là những chỉ dẫn quan trọng… Các luật cử hành Năm Sabát và Năm Đại Xá chính là một hình thức học thuyết xã hội thu nhỏ.”[5]
Vì tán thành với quan điểm này, những tác giả của sách Tóm lược (sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo) đã hướng về Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người nói rằng: “Giáo huấn xã hội của Giáo Hội được bắt nguồn sâu xa từ truyền thống của Năm Toàn Xá, giáo huấn xã hội vẫn luôn luôn là một phần trong bộ giáo huấn của Giáo Hội, và đã được khai triển rất nhiều trong thế kỷ vừa qua, đặc biệt là sau Thông điệp Rerum Novarum.”[6]
Vì thế, rõ ràng khi Đức Lêô XIII đặt tựa đề cho văn kiện của mình là “Tân sự” (Rerum Novarum), chữ Sự tồn tại trong tâm trí của Đức Thánh Cha không phải là những nguyên tắc mà người giảng dạy, nhưng là những vấn đề mà người muốn giải quyết, những vấn đề sẽ không nảy sinh nếu “Cổ sự” không bị lãng quên.
Nhưng nếu Năm Đại Xá thật sự là “nguồn gốc” của GHXH, và nếu nó thật sự tượng trưng cho học thuyết xã hội “thu nhỏ,” thì khi ấy chúng ta có thể tìm thấy những nguyên tắc của GHXH từ định chế của Cựu Ước. Vì thế, để biện minh cho sách Tóm lược, chúng ta hãy lấy ra những nguyên tắc cốt yếu của GHXH như chúng thường được nêu ra, cụ thể là: liên đới, hỗ trợ, công bằng, giá cả công bằng, mục tiêu phổ quát của các tài sản, quyền tư hữu, và sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo. Theo Đức Phanxicô, chúng ta cũng sẽ xem xét Năm Đại Xá đã thể hiện sự tôn trọng đối với sự sáng tạo như thế nào, bày tỏ một tầm ảnh hưởng rõ ràng đến sự bảo vệ đất đai. Chúng ta cùng xem những chân lý này được diễn tả trong luật Cựu Ước như thế nào.
Để có được một khởi đầu thích hợp, chúng tôi sẽ trích dẫn những nét chính của Năm Đại Xá đã được tìm thấy trong sách Lêvi. Những nguyên tắc cơ bản là tuần hoàn, phản ánh những sự nhịp nhàng của cuộc sống con người và chính thiên nhiên. Nó tập trung vào những thời kỳ nghỉ ngơi (cho đất nghỉ cứ bảy năm một lần) và sự chuộc lại (một quy mô kinh tế lớn được thiết lập lại cứ năm mươi năm một lần):
“Trong sáu năm, ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của ngươi, trong sáu năm, ngươi sẽ tỉa vườn nho của ngươi, và ngươi sẽ thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy sẽ là một sabát, một thời kỳ đất nghỉ, một sabát kính Đức Chúa: ngươi không được gieo vãi trong cánh đồng của ngươi, không được tỉa vườn nho của các ngươi.”[7]
“Ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm… Các ngươi sẽ thánh hóa năm thứ năm mươi và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với ngươi, đó là thời kỳ đại xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình.”[8]
“Trong năm đại xá, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình.”[9]
Đoạn văn này vẫn còn khá dài, nhưng chúng ta có thể nói thêm điều gì về nó?
i. Nguyên tắc liên đới
Đầu tiên, chúng ta hiểu rõ ý nhĩa không thể chối cãi được của từ liên đới. Thánh Phaolô đã nói rằng tất cả chúng ta là một thân thể, và “nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.”[10]Trong khi ngày nay, đa phần chúng ta tán thành quan điểm này trên lý thuyết, khi thực hiện một tình liên đới mang tính cảm tính chứ không mang tính thực tiễn, thì tình liên đới là một thứ khác hoàn toàn để đóng góp vào trong cấu trúc kinh tế của xã hội. Mục đích của Năm Đại Xá là thế:
“Năm Đại Xá có nghĩa là năm phục hồi tình trạng bình đẳng cho tất cả mọi con cái trong dân Israel, trao ban cho những gia đình bị mất mát của cải, và ngay cả tự do cá nhân của họ, những cơ hội mới. Ngoài ra, Năm Toàn Xá còn là một lời nhắc nhở cho người giàu về một thời sẽ đến, khi mà những người nô lệ Israel của họ, một lần nữa, có thể lấy lại quyền bình đẳng của mình và có thể đòi lại các quyền lợi của mình.”[11]
ii. Nguyên tắc hỗ trợ
Nhưng đồng thời, chúng ta nhận thấy việc thực thi mặt khác của “đồng tiền” liên đới, là sự hỗ trợ. Chúng ta chú ý đến thực trạng sau, hoạt động kinh tế trong hệ thống này sẽ diễn tiến trong 49 năm và ngưng lại trong năm 50. Thật là khó để hình dung một chính sách của chính phủ ít có tính chất bắt buộc. Nhưng vì những giá trị này dựa trên những cuộc trao đổi cá nhân thì giống như con người, chỉ mang tính bất toàn, nên thật cần thiết cho thẩm quyền chính trị để can thiệp một cách định kỳ ngõ hầu phục hồi sự hợp tác hòa hợp giữa những người tham gia.
iii. Nguyên tắc công bằng
Và tiếp đến, chúng ta sẽ đến với nguyên tắc thứ ba, là mối liên hệ hài hòa giữa công bằng giao hoán và công bằng phân phối. Nguyên tắc này đã được Thánh Tôma Aquinô giảng dạy và được Giáo Hội phê chuẩn. Trong khung cảnh của Năm Đại Xá, những cá nhân được phép tiến hành (miễn là họ cam kết không cho vay nặng lãi và những hình thức trộm cướp khác) việc buôn bán hằng ngày của mình mà họ thấy phù hợp. Nhưng do sự không hoàn chỉnh của những việc kinh doanh này, những sai lầm tích lũy trong hệ thống, đã góp phần vào sự mất cân bằng kinh tế ngày càng gia tăng. Sự phân loại giàu nghèo bắt đầu phản ánh sự thiếu hài hòa này, điều này nói lên rằng hệ thống đã trở nên thiếu cân bằng. Khi đó, chính quyền phải can thiệp để điều chỉnh cho đúng hàng loạt những sai lầm do việc chối bỏ trách nhiệm, khi thêm công bằng phân phối vào phía trên khuôn khổ của công bằng giao hoán, bằng cách ấy đưa đến sự cân bằng và hoàn tất một “vòng xoay” của chu trình. Bằng việc kết hợp chặt chẽ “những vòng xoay có chủ đích” vào trong đời sống kinh tế, “Những vòng xoay không có chủ đích” – không kiểm soát, bất công và hầu như luôn bạo lực – thường được xoa dịu trước khi chúng bắt đầu.
vi. Giá cả công bằng
Nhưng bằng tiêu chuẩn nào chúng ta có thể đánh giá công bằng hoặc bất công trong những cuộc trao đổi cá nhân ở bất kỳ kiểu mẫu nào? – Do đâu có quá nhiều những sự mất cân bằng nhỏ được đưa vào trong toàn bộ hệ thống? Câu trả lời hệ tại đoạn văn này được trích dẫn một cách trực tiếp ở trên:
“Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình. Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau năm đại xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch. Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch.”[12]
Ở đây, chúng ta tìm kiếm một tiêu chuẩn khách quan cho việc định giá, mà nó khởi đi và giả định khía cạnh mang tính chu kỳ của nền kinh tế Năm Đại Xá. Bởi vì đất đai được mua trực tiếp, sau Năm Đại Xá có thể sử dụng 49 năm để sản xuất, một người nào đó muốn mua được mảnh đất này sẽ phải trả một cái giá cao, và cái giá này phải tương đương với “số năm thu hoạch,” nghĩa là, sản phẩm mà đất sẽ mang lại và sẽ tăng gấp bội sau mỗi năm. Ngoài ra, vì những lý do rõ ràng, đất bị thu hồi trước Năm Đại Xá một năm sẽ có giá ít hơn, bởi vì sản phẩm của một mùa thu hoạch là tất cả những gì sẽ được tính vào giá của nó.
v. Quyền tư hữu và mục tiêu phổ quát của các tài sản
Chúng ta có thể xem những điều kể trên về lề luật trong sách Lêvi, giống như truyền thống của Giáo Hội, thừa nhận định chế tư hữu, nhưng ở cùng một thời điểm, cũng giống như Giáo Hội, muốn giữ gìn để làm cho quyền tư hữu phụ thuộc mục tiêu nguyên thủy của cuộc tạo dựng như một món quà đối với toàn thể nhân loại. Trong bối cảnh phổ quát này, đất được mua và bán, và chính vì lý do này mà nó không thể được bán vĩnh viễn:
“Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta. Trong toàn xứ sẽ thuộc quyền sở hữu của các ngươi, các ngươi phải cho người ta quyền chuộc lại đất.”[13]
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày thêm về nguyên tắc này như sau:
“Thật vậy, một niềm xác tín chung là ‘the dominium altum’ (chủ quyền tối thượng) – tức là quyền làm chủ trên tất cả mọi tạo vật, và cách riêng là trên mặt đất, chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa là Đấng Hoá Công mà thôi (cf. Lv25,23). Nếu trong chương trình quan phòng, Thiên Chúa đã ban trái đất cho loài người, thì có nghĩa là Ngài đã ban nó cho mọi người. Bởi thế, những tài sản của thiên nhiên phải được coi như là một ích lợi chung cho toàn thể loài người. Những ai có được những sản vật này như tài sản riêng của mình thì họ thực sự chỉ là những người tôi tớ, những quản trị viên có trách nhiệm sử dụng nhân danh Chúa, là Đấng duy nhất có chủ quyền đúng nghĩa, vì theo ý định của Thiên Chúa, các phẩm vật được tạo dựng nên là để mọi người hưởng dùng bằng một đường lối chính đáng. Năm Đại Xá có nghĩa là phục hồi tình trạng công chính xã hội này.”[14]
vi. Quyền sở hữu được phân phối cách rộng rãi
Dựa trên thần học vừa nói về quyền sở hữu, luật của người Israel bảo đảm rằng bất cứ ai vì khó khăn buộc phải bán đất của mình cho một người khác sẽ được phép “chuộc” lại hoặc mua nó vào một thời gian sau đó. Cái giá người ấy phải trả sẽ được tính theo hệ thống tính tỉ lệ xoay quanh Năm Đại Xá.
Chúng ta nên dừng lại để xem xét những ngụ ý của việc tính tỉ lệ này: nếu một người đã mất đất của mình, người ấy ít ra có thể nghỉ ngơi, được bảo đảm rằng người ấy đã mất đất khi giá của nó cao. Người ấy biết rằng mỗi năm đất sinh ra nhiều thiệt hại, giá chuộc lại đất sẽ giảm đi, phù hợp với khả năng của anh ấy hơn. Hệ quả là giá đất sẽ ở mức thấp nhất vào khoảng cuối của chu kỳ Năm Đại Xá, dù đây là thời điểm mà tại đó sự tập trung, và với đòi hỏi của nó, thông thường sẽ đạt mức giá cao nhất. Việc đầu cơ đất trong hệ thống này thì gần như không thể xảy ra được, hoặc nếu có xảy ra thì chỉ có lợi nhuận rất thấp; và không chỉ bởi vì Năm Đại Xá, mà còn bởi vì kiểu tính tỉ lệ này được thực hiện khả thi nhờ nó, kiểu tính tỉ lệ này tương đương với công bằng giá cả và khuyến khích một mô hình sở hữu được phổ biến rộng rãi.
vii. Sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo
Chúng ta tiếp tục với đoạn văn sau:
“Nếu người anh em của ngươi lâm cảnh túng thiếu, và không trả nợ được ngươi, thì ngươi phải nâng đỡ nó, dù nó là ngoại kiều hay khách trọ, để nó có thể sống bên ngươi. Với nó, ngươi không được lấy lãi ăn lời, nhưng ngươi phải kính sợ Thiên Chúa, và người anh em của ngươi sẽ có thể sống bên ngươi. Ngươi không được cho nó vay bạc của ngươi để lấy lãi và vay lương thực của ngươi để ăn lời.”[15]
Rõ ràng, chủ đích của đoạn văn trên là để cấm việc cho vay nặng lãi và ngăn ngừa sự phát triển của việc làm tôi để trả nợ. Nhưng tinh thần ưu tiên, nếu chúng ta xem xét toàn bộ học thuyết Năm Đại Xá, là sự lo lắng cho người nghèo. Mỗi giới hạn và cơ chế mà nó thi hành thì đều củng cố cho mục đích này. Do đó, chúng ta xem lại lần nữa tại sao Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói:
“Công bằng, theo lề luật của người Israel, trước hết ở tại việc bảo vệ kẻ yếu thế, và nhà vua phải làm gương trong vấn đề này, như lời Thánh vịnh: ‘Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.’ (Tv 72,12-13).”[16]
viii. Mối bận tâm cho Công cuộc Sáng tạo
Đặc biệt, trong ánh sáng của Thông điệp Laudato Sí, thật là quan trọng để gợi lại đoạn văn được trích dẫn lúc ban đầu:
“Trong sáu năm, ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của ngươi, trong sáu năm, ngươi sẽ tỉa vườn nho của ngươi, và ngươi sẽ thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy sẽ là một sabát, một thời kỳ đất nghỉ, một sabát kính Đức Chúa: ngươi không được gieo vãi trong cánh đồng của ngươi, không được tỉa vườn nho của các ngươi.”[17]
Ở đây, năm Sabát được dành cho đất, tức là, nó không chỉ là một sự nghỉ ngơi biểu tượng, thể hiện cho việc nghỉ ngơi tinh thần và chẳng có gì hơn nữa, nhưng đúng hơn, nó có một một chức năng thật sự quan trọng. Nó vừa đầy đủ ý nghĩa vừa cần thiết. Hầu như bất cứ ai quen thuộc với kỹ thuật nông nghiệp thì có thể hiểu tại sao lại như thế, và những kết quả tiêu cực nào sẽ xảy đến nếu đất được khai thác liên tục, không có thay đổi gì, và không có cơ hội để phục hồi đất. Nó sẽ trở nên cằn cỗi, thiếu sức sống tự nhiên. Và chỉ có sự nghỉ ngơi định kỳ mới có thể duy trì sức sống đó.
ix. Kết luận
Giá trị tối hậu của Năm Đại Xá là để nhắc nhở chúng ta rằng toàn bộ sự sắp xếp của xã hội chúng ta – tiền bạc, tài sản, thị trường – là những thứ thuộc về con người. Chúng được sáng chế và thực thi thông qua suy tư lý trí của con người, một năng lực cao quý nhưng khiếm khuyết, với mục đích trở nên giống công lý của Thiên Chúa. Tất cả mọi hệ thống của chúng ta chắc chắn thiếu sót, tích lũy nhiều sai lầm, và tan vỡ. Và điều này vẫn đúng dẫu cho sự suy thoái này có thể diễn ra tức thì, hiển nhiên, và dẫn đến một sự suy thoái trầm trọng, hoặc dẫu cho nó có đơn điệu, nặng nề, và thậm chí liên lỉ.
Học thuyết Năm Đại Xá đáp ứng cho việc giữ vai trò nhắc nhở trong những vấn đề tinh thần và việc đưa ra một sự tái lập trong những vấn đề vật chất. Chúng ta cần một người nhắc nhở bởi vì chúng ta là con người, và chúng ta quên rằng sự công bằng của chúng ta không phải là chân lý tối hậu.
3. Những lưu ý về nguồn tài liệu được tham khảo
Chúng tôi đã muốn dừng lại khá lâu để nói đến Năm Đại Xá, bởi vì không chỉ vì nó phục vụ như một sự minh họa hữu ích của GHXH, nhưng đồng thời, nó mạc khải tính vượt thời gian của những nguyên tắc của Giáo hội Công giáo. Sau khi đã thiết lập trên nền tảng này, chúng tôi sẽ tiến hành việc sử dụng rộng những tài liệu thời cận đại. Thêm vào việc sử dụng Kinh Thánh, những tác phẩm của các Giáo Phụ, và nhiều những văn kiện chính thức được công bố bởi chính Giáo Hội, chúng ta sẽ thường xuyên sử dụng những tài liệu của Thánh Tiến sĩ Thiên Thần, Thánh Tôma Aquinô. Chúng ta sẽ cảm thấy yên tâm khi tham khảo những tài liệu của một tên tuổi lớn như Aquinô chỉ vì, trong cách làm như vậy, là chúng ta đang theo quan điểm của chính các Đức Giáo hoàng. Thánh Giáo hoàng Piô X đã không bày tỏ một ý kiến cá nhân nào khi ngài nói:
“Trước hết, liên quan đến việc nghiên cứu, Chúng tôi mong muốn và quy định rằng triết học kinh viện được chọn làm nền tảng cho khoa học thánh… Và khi nói đến triết học kinh viện, chúng tôi muốn nói đến gia sản mà vị Thánh Tiến sĩ Thiên Thần đã để lại cho chúng ta… Hơn nữa, các giáo sư hãy nhớ rằng họ không thể nào gạt Thánh Tôma Aquinô sang một bên mà không gặp phải những nguy hại nghiêm trọng, đặc biệt trong những vấn đề siêu hình.”[18]
Chúng tôi cũng cố gắng giới hạn việc nghiên cứu riêng biệt của mình trong những nguồn tài liệu có thể kiếm dễ dàng trên internet. Mỗi nguồn tài liệu mà chúng tôi sử dụng ở đây, từ sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, đến sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, đến Tổng luận Thần học của Thánh Tôma Aquinô, bất cứ ai cũng có thể tìm thấy chúng trên mạng trực tuyến nhờ kết nối internet. Tôi hi vọng rằng phần lớn độc giả sẽ tận dụng sự việc này để kiểm lại và nghiên cứu sâu rộng hơn bất cứ nguồn tư liệu nào mà họ cảm thấy ý nghĩa hoặc thích thú.
Nhiều thông điệp khác nhau, sách Tóm lược, sách Giáo lý, và phần lớn các tài liệu khác được dùng trích dẫn dưới đây chúng ta có thể tìm thấy trên trang mạng của Vatican: http://www.vatican.va/archive/index.htm
Tổng luận Thần học của Thánh Tôma Aquinô, Từ điển Công giáo và nhiều tác phẩm quan trọng khác chúng ta có thể tìm thấy ở New Advent: www.newadvent.org
Những tác phẩm còn lại của Thánh Aquinô chúng ta có thể tìm thấy ở Dominican House of Studies, www.dhspriory/thomas
Cuối cùng, độc giả nên nhận thấy rằng chúng tôi không giới hạn vào những tài liệu thường được gắn liền với GHXH – trong thực tế, nó là lãnh vực chuyên ngành cụ thể. Lý do là vì những tài liệu được gắn liền với GHXH, theo cách tiếp cận và ngôn ngữ, giả thiết đã quen thuộc với đạo lý. Tuy nhiên, trong thời đại của chúng ta, sự quen thuộc ấy không phải là chuyện đương nhiên.
Ví dụ, tất cả những tài liệu thuộc GHXH phải bao hàm sự thừa nhận của nền triết học luân lý Công giáo, nhưng thật đáng buồn là nó thường bị thiếu hụt. Thậm chí các thành viên giáo dân, những người vốn mau mắn tiếp cận với các giáo huấn, và tin tưởng bản thân chúng hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Huấn Quyền, nhận thấy rằng trong thực tế, họ không bao giờ nghe được một vài nguyên tắc nào của Giáo Hội. Và như thế, khi chúng tôi đi vào những phần nghiên cứu những đề tài liên quan đến triết học luân lý Công giáo, chúng tôi sẽ tạm dừng việc bàn luận về GHXH để nghiên cứu những tài liệu từ những lãnh vực khác, như là thông điệp luân lý của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor. Không phải vì Thông điệp Veritatis Splendor là tài liệu duy nhất bàn đến luân lý, nhưng vì nó là tài liệu đầu tiên tổng hợp những giáo huấn luân lý của Giáo Hội nhằm mưu ích cho tất cả mọi thành phần và được phổ biến cho mọi người theo một hình thức ngắn gọn. Và chính tài liệu này đã nói rõ:
“Kỳ thực, đây là lần đầu tiên mà Huấn Quyền Giáo Hội đưa ra một bản văn diễn giải khá sâu rộng về các yếu tố cơ bản của học thuyết luân lý, và cũng là lần đầu tiên mà Huấn Quyền trình bày những lý lẽ của công việc phân định mục vụ là công việc phải nói rất cần thiết trong những tình huống thực tiễn và những điều kiện văn hóa phức tạp và lắm gay cấn như hiện nay.”[19]
Trong suốt tập sách này, sẽ còn nhiều “mở ngoặc” tương tự như vậy.
[1] LS, 121.
[2]Harold Robbins, Sun of Justice (London, 1938), p. 9.
[3] AM, 5-6.
[4]HTXHCG, 25; LS, 71.
[5] HTXHCG, 24, 25.
[6] TMA, 13.
[7] Lv 25,3-6.
[8] Lv 25,8-10.
[9] Lv 25,13.
[10] Cf. 1 Cr 12,12-26.
[11]TMA, 13.
[12] Lv 25,14-17.
[13] Lv 25,23-24.
[14] TMA, 13.
[15] Lv 25,35-37.
[16]TMA, 13.
[17] Lv25,3-6.
[18] PDG, 45.
[19] VS, 115.