Những Thách Đố Luân Lý Đối Với Doanh Nghiệp Và Xã Hội

0
619


Tác giả: Hồng Y Peter K.A. Turkson

Chuyển ngữ: Thiên Phúc

 

LTS: Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, đã tham dự Hội Nghị Hàn Lâm Quốc Tế về Quản Lý, được tổ chức tại Trường Kinh Doanh ESE, Đại học de los Andes ở Chile, từ ngày 06-07/01/2016 với chủ đề “Tương lai của Doanh nghiệp: Từ điều thiện hảo nhất trong thế giới cho tới điều thiện hảo nhất dành cho thế giới”. Trong Hội Nghị này, Đức Hồng Y đã có bài tham luận với đề tài: “Những Thách Đố Luân Lý Đối Với Doanh Nghiệp Và Xã Hội”. Dưới đây là toàn văn bài tham luận của Đức Hồng Y Turkson:

***

Xin cám ơn lời mời của quý vị. Cho phép tôi bắt đầu bằng cách nêu ra một điểm khá cơ bản: thế giới cần sự lãnh đạo trong tất cả mọi lãnh vực đời sống của nó, và những lãnh vực đa dạng cần phải chung sức làm việc để mưu cầu công thiện. Mỗi người phải đóng một vai, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với mọi người. Ngài hô hào những người có địa vị cao trong chính trị, kinh doanh và khoa học, và khuyến khích tất cả những người sống và làm việc trong các hoàn cảnh hết sức khiêm tốn – toàn thể hãy dấn thân để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người sống trên hành tinh này và của chính cả hành tinh này. Tất cả chúng ta hãy chung sức chung lòng, vì mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm với nhau.

Noi gương Đức Giáo Hoàng, tôi khẩn cầu quý vị hãy gần gũi với người khác, những người mà quý vị cho là hoàn toàn khác biệt và cách xa. Tuy nhiên, họ chính là anh chị em của quý vị. Và họ sống trong cùng một ngôi nhà, một ngôi nhà chung duy nhất với quý vị. Đức Thánh Cha đã tuyên bố một cách mạnh mẽ điều cần thiết là phải có sự lãnh đạo và tham gia của những người ở ngoại vi, không phải chỉ những người ở các trung tâm quyền lực. Đó là điều ngài đã tuyên bố tại cuộc Họp Mặt Thế Giới của Những Phong Trào Quần Chúng ở Bolivia tháng bảy năm ngoái:

Anh chị em, những người hèn mọn, những người bị bóc lột, những người nghèo và bị thiệt thòi, có thể làm, và đang làm, nhiều điều. Tôi muốn nói điều này rằng tương lai của nhân loại phần lớn là nằm trong tay của anh chị em, nhờ khả năng tổ chức và thực hiện những thay đổi có tính sáng tạo, nhờ những nỗ lực hàng ngày để bảo đảm ba chữ “T”: Trabajo, Techo y, Tierra – nghĩa là việc làm, nhà ở và lương thực – và nhờ sự tham gia cách chủ động trong các tiến trình thay đổi lớn ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.[1]

Quý vị có thể lắng nghe họ không? Quý vị có thể làm việc với họ và cho họ không? Từ phương pháp tiếp cận như thế có thể tuôn trào ra sự đối thoại, những viễn tượng mới cho quý vị, cả những thách đố tối quan trọng cho tất cả chúng ta.

A. Giới thiệu

Khi ngỏ lời với cộng đồng doanh nghiệp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cao ý thức rộng mở về ơn gọi, vốn làm gia tăng việc thi hành trách nhiệm sâu hơn. Cách đây hai năm, ngài đã viết những lời này gửi Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới: “Kinh doanh – thật vậy – là một ơn gọi, và là một ơn gọi cao qúy, với điều kiện là những người tham vào đó nhận thấy nơi chính họ bị thách thức bởi một ý nghĩa cao cả hơn trong cuộc sống”.[2]

Đây không thể là những lời lẽ của một ai đó hiểu sai hoặc miệt thị kinh doanh, vì có một số người nói cho quý vị tin như thế. Thật vậy, thông điệp của Đức Giáo Hoàng gửi cho diễn đàn Davos được đánh giá rất cao. Dựa vào những cải thiện phúc lợi của dân chúng trong các lãnh vực y tế, giáo dục và truyền thông, ngài đã ca ngợi “vai trò nền tảng mà hoạt động kinh doanh hiện đại đã và đang mang lại những đổi thay này, bằng cách khích động và phát triển những nguồn tài nguyên trí tuệ con người bao la”.

Đồng thời, ngài yêu cầu các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới hãy thừa nhận rằng, “những thành công đã đạt được, cho dù chúng đã làm giảm nghèo đói cho nhiều người, thường dẫn đến một sự loại trừ xã hội lan rộng. Thật vậy, đa số người nam và người nữ của thời đại chúng ta vẫn tiếp tục trải qua sự bất an hàng ngày, thường là với những hậu quả bi thảm”.

Kể từ đó, tất nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cống hiến cho thế giới bức thông điệp lừng danh Laudato si’ (Chúc Tụng Chúa), về Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung của Chúng Ta. Trong ánh sáng của nó, chúng ta có thể tăng thêm nỗi ân hận, lời cảnh báo khác vào tuyên bố Davos của ngài. Không những có sự nghèo đói và loại trừ xã hội trên diện rộng; hoạt động kinh doanh còn làm xuống cấp môi trường tự nhiên, thậm chí đến độ đe dọa cả tính mạng con người trong tương lai.

Trong các trình bày của mình, tôi muốn dựa vào hai tài liệu để diễn giải các vấn đề này. Một là Laudato si’, và tài liệu kia là một bản văn dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tôi sẽ trình bày cho quý vị bản tổng hợp ngắn gọn cả hai tài liệu, và sau đó sẽ xem xét một vài nguyên tắc kinh doanh chủ đạo dưới ánh sáng của chú.

B. Ơn gọi của Nhà lãnh đạo Doanh nghiệp: Cẩm Nang Hướng Dẫn đến Thành Công Đích Thực

Cách đây gần bốn năm, Hội Đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa Bình (PCJP) ra mắt cuốn cẩm nang mang tên “Ơn Gọi của Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp” (VBL). Tài liệu này nhắm tới người điều hành, quản lý và giới chủ – là toàn thể những người quyết định về bất kỳ lãnh vực nhằm hoạch định và thực hiện vô số các hoạt động mà chúng ta gọi là “kinh doanh”.

“Ơn Gọi của Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp” áp dụng những điều cốt yếu của Giáo Huấn Xã hội Công Giáo dành cho thế giới kinh doanh. Nó dựa vào những suy tư từ bức thông điệp xã hội vĩ đại của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Caritas in Veritate (Bác Ái trong Chân Lý). “Mỗi Kitô hữu”, ngài khẳng định – và ta thêm vào đây mỗi nhà lãnh đạo doanh nghiệp – “được kêu gọi thực thi đức ái này theo cách thế phù hợp với ơn gọi của mình và theo mức độ ảnh hưởng mà mình có trong polis [thành phố]”.[3]

Cuốn cẩm nang này có mục đích giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Kitô giáo phát triển thói quyen  phân định, là tiến trình khám phá sự thiện hảo và cân nhắc theo đuổi nó. Đặc biệt, trong phần thứ hai của ấn phẩm còn chuẩn bị cho các doanh nhân đưa ra những phán đoán hợp lý trong các thực tại kinh doanh phức tạp bằng cách tập trung vào hai khía cạnh song sinh, là tôn trọng phẩm giá con người và mưu cầu thiện ích chung. Đó là những nền tảng của Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh. Mỗi một cá nhân con người, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá của một ngôi vị, “không chỉ là một sự vật nào đó, nhưng là một ai đó”.[4] Con người là cùng đích nơi chính mình, không phải chỉ là các dụng cụ có sẵn cho nhu cầu sử dụng của họ. Hơn thế nữa, mỗi một khía cạnh về đời sống kinh tế và xã hội của con người đều tìm được sự hoàn thiện của nó khi nó đặt mình vào việc phụng sự thiện ích chung – là thiện ích của thân thể kinh tế và xã hội và tất cả mỗi thành viên của nó đều mưu cầu sự hoàn thiện của họ với tư cách là những con người. Vì thế, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố tại Bolivia, thiện ích chung phải là mối quan tâm bậc nhất của mọi chính sách kinh tế:

“Một nền kinh tế công bằng phải tạo ra những điều kiện cho mỗi người có thể tận hưởng tuổi thơ mà không còn thiếu thốn nữa, phát triển tài năng của họ lúc còn trẻ, làm việc với đầy đủ các quyền trong suốt những năm hoạt động, và đến khi về già, tận hưởng một thời kỳ hưu trí xứng đáng”.[5]

Ngoài việc trình bày giáo huấn xã hội Công Giáo trong bối cảnh kinh doanh, “Ơn Gọi của Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp” còn là một sự hướng dẫn rất thực tiễn. Tài liệu kết thúc với những điều cần ghi nhớ để giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà quản lý phát triển ơn gọi của mình. Nhìn ra bên ngoài, nó giúp họ suy nghĩ về việc kinh doanh như là một sự đóng góp chân thực cho thiện ích chung, chứ không phải là một hoạt động tư lợi. Nhìn vào bên trong, họ được khích lệ theo đuổi nghề nghiệp của mình từ một phương thức tổng thể, toàn diện, không tách rời lao động ra khỏi đức tin và gia đình – một sự phân chia trái với tự nhiên làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người.

Cẩm nang này đã dịch ra nhiều thứ tiếng. Tựa của Tiếng Tây Ban Nha là La vocación del líder empresarial.[6]

C. Ơn gọi của Nhân Loại là Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung của Chúng Ta

Tài liệu cốt lõi thứ hai dĩ nhiên là Thông điệp Laudato si’, được ban hành vào tháng 06 năm 2015. Laudato si’ dạy rằng, cách thức mà chúng ta tương tác với thế giới tự nhiên có liên quan một cách sâu đậm tới cách chúng ta tương quan như thế nào với người đồng loại của mình. Thật vậy, không có một cách thức giá trị nào để tách biệt hai khía cạnh này. Bởi vì tất cả mọi quyết định về môi trường thiên nhiên là những quyết định thuộc luân lý. Đây là tình trạng không thể tránh được, và nó có những hàm ý quan trọng.

Điều này có nghĩa rằng công nghệ và thương mại phải được tổ chức theo những tiêu chuẩn tiên nghiệm về ý nghĩa của cuộc sống và tầm nhìn về đạo đức. Nó được xác định bởi tình liên đới – cả với tất cả mọi người còn sống hôm nay và những người chưa được sinh ra – và phải hướng về thiện ích chung. Để trở thành một nhà cải cách kinh doanh và một nhà sản xuất thặng dư là chưa đủ – đó là những việc đáng làm nếu như họ phục vụ quyền công dân sinh thái, toàn diện. Và trong kỷ nguyên khủng hoảng môi trường nghiêm trọng này, trên thực tế là các cuộc khủng hoảng liên quan đến các môi trường xã hội và tự nhiên – Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc than của trái đất và tiếng khóc than của người nghèo. Chúng ta không những đang phá hủy một cách trầm trọng ngôi nhà chung của mình, mà còn – khi làm như thế – chúng ta đang làm tổn thương đến người nghèo và người bị loại trừ của thế giới.

Đường hướng của thông điệp thì chi tiết và phong phú. Đây là một vài tư tưởng chính của thông điệp:

“Tất cả mọi người và vạn vật trong tự nhiên đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, lạm dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất thải và tình trạng ô nhiễm. Mọi thứ đều có mối tương liên với nhau; chúng ta không thể hiểu được thế giới tự nhiên và xã hội hoặc bất kỳ bộ phận nào của chúng trong sự cách ly. Mọi người phải hành động một cách có trách nhiệm – từ những đơn vị tái chế cho đến các doanh nghiệp đang giảm bớt sự tác động vào sinh thái, rồi đến các nhà lãnh đạo thế giới đang đặt ra và tuân thủ những mục tiêu cắt giảm khí thải carbon đầy tham vọng”.

Chúng ta phải thành thật, không che dấu hoặc bóp méo sự thật để giành được những lợi thế ích kỷ. Chúng ta phải tham gia đối thoại; sự tham gia của các bên đòi hỏi phải thành thật, trung tín và đáng tin để thành công nơi mà mọi sự đều gặp rủi ro. Để thoát ra khỏi sự tự tin mù quáng vào kỹ thuật và thương mại của thời đại công nghiệp,[7] chúng ta phải vượt qua chính mình trong kinh nguyện, sống đơn giản và tình liên đới.

Với một thoáng nhìn ngắn gọn về Laudato si’, bây giờ tôi quay sang “Ơn Gọi của Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp”, một tài liệu có sự tương tác với thông điệp này. Cẩm nang hướng dẫn này trình bày một danh sách gồm sáu Nguyên Tắc Thực Hành dành cho Doanh Nghiệp mà tôi sử dụng như một dàn bài. Khi quý vị lắng nghe, hãy tự hỏi mình: Mỗi nguyên tắc có ý nghĩa gì đối với tôi? Tôi có thể để cho từng thách thức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đánh động tôi không? Đó có phải là một nhận thức sâu sắc và cơ bản về trách nhiệm phần nào đó “ở tại nhà mình” trong tôi? Những thách thức đó có vang vọng từ sự thật và khát vọng sâu thẳm của tôi với tư cách là người điều hành doanh nghiệp, giáo sư, sinh viên hoặc công dân?

D. Sáu Nguyên Tắc dành cho Doanh Nghiệp

“Ơn Gọi của Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp” lưu tâm đến ơn gọi kinh doanh trong sáu nguyên tắc thực hành này. Chúng đưa ra những quan điểm để suy xét hoặc tự kiểm tra, chúng cống hiến nhiều hướng dẫn lập kế hoạch. Chúng có thể được nghi nhớ nhờ những mục tiêu kinh doanh rộng lớn nhất: sản xuất hàng hóa tốt, cung cấp việc làm tốt và đạt được sự giàu có tác thiện… ba đặc tính “tốt” là ba con đường đóp góp vào “thiện ích chung”.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét từng mục tiêu và hai nguyên tắc thực hành của nó.

Sản xuất HÀNG HÓA TỐT

1/. Doanh nghiệp đóng góp cho thiên ích chung bằng cách sản xuất hàng hóa sao cho thật tốt và các dịch vụ phục vụ một cách thành thật. Đây là con đường đầu tiên mà các doanh nghiệp có thể đáp ứng các nhu cầu của thế giới nhờ sự phát triển hàng hóa và dịch vụ.

Sách hướng dẫn về ơn gọi này giải thích rõ khả năng của chúng ta – và trách nhiệm – nhằm mục đích đưa ra những phán đoán luân lý khách quan về những lợi ích thiết thực mà một doanh nghiệp cung cấp và tạo ra.[8]

Những sự cần phải tương phản với những sự muốn, vốn được mô tả như những thèm khát mà chẳng cần thiết gì cho hạnh phúc của con người, chẳng hạn như việc kinh doanh các loại thuốc không dùng vào việc trị bệnh, phim ảnh, sách báo khiêu dâm, cờ bạc, các trò chơi video bạo lực, và những sản phẩm độc hại khác. Nỗi ám ảnh về  những sự muốn này, thường được gọi là “chủ nghĩa tiêu thụ”, vốn cắt đứt việc sản xuất và tiêu thụ khỏi thiện ích chung và ngăn cản sự phát triển của con người. Hàng hóa thực sự tốt đều phục vụ sự cần của người tiêu dùng theo một trật tự có cấp bậc. Sự cần các loại hàng hóa dinh dưỡng rõ ràng là quan trọng hơn những sự muốn về thú vui cờ bạc. Đây là một trình tự khách quan, nó giải thích tại sao việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ phải tuân thủ sự thật này thay vì chỉ nhắm đến thú vui hoặc tiện ích.[9]

Mối bận tâm này đã được vang vọng bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Laudato si’. “Vì thị trường cổ súy chủ nghĩa tiêu thụ cực đoan thông qua nỗ lực bán hàng của nó”, ngài nói, “con người dễ dàng bị cuốn vào cơn lốc mua sắm và chi tiêu thụ không cần thiết… Khi con người trở nên tự coi mình là trung tâm và khép kín, thì lòng tham của họ sẽ nổi lên. Trái tim con người càng trống rỗng, con người càng cần thêm nhiều thứ để mua, chiếm hữu và tiêu thụ”.[10]

Laudato si’ bàn luận với một cấp độ khác nữa về mối bận tâm này. Chúng ta phải suy tư về giá trị thật của chính các lãnh vực công nghệ, các sản phẩm và dịch vụ mà chúng có thể tạo ra, và cũng như về cách thức mà sức mạnh kỹ thuật được sử dụng. Với thái độ biết ơn, thông điệp thừa nhận sự đóng góp to lớn của các lãnh vực kỹ thuật cho việc cải thiện các điều kiện sống. Tuy nhiên thông điệp cũng đưa ra lời cảnh báo về việc lạm dụng kỹ thuật, đặc biệt là khi nó rơi vào tay “những người có kiến thức, và nhất là người có nhiều nguồn lực kinh tế dồi dào sử dụng chúng như một ưu thế thống trị đầy ấn tượng trên toàn thể nhân loại và toàn thế giới”.[11]

Một cách chính xác chính là não trạng thống trị mang tính kỹ trị dẫn đến việc phá hủy thiên nhiên và tình trạng khai thác những người dễ bị tổn thương. “Mô hình kỹ trị cũng có khuynh hướng thống trị đời sống kinh tế và chính trị”,[12] khiến chúng ta mất đi khả năng nhận ra rằng “tự bản thân thị trường không thể đảm bảo cho sự phát triển con người toàn diện và hội nhập xã hội”.[13] Chúng ta cần một tiêu chuẩn khác, một tiêu chuẩn mà trong đó sự phát triển kỹ thuật phải được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của đạo đức.

2/. Các doanh nghiệp dưỡng nuôi tình liên đới với người người nghèo bằng cách tập chú vào những cơ hội để phục vụ những nhóm dân cư kém may mắn và những người túng thiếu. Đây là con đường thứ hai mà các doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu của thế giới thông qua sự phát triển hàng hóa và dịch vụ.

Trong sứ điệp Davos của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đòi hỏi “mối bận tâm này phải hoạch định mọi quyết định kinh tế và chính trị, nhưng mà đôi khi dường như quyết định đó chẳng khác nào là một ý nghĩ đến sau. Những người làm việc trong các địa hạt này hãy có một trách nhiệm đúng đắn đối với người khác, nhất là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương…”; ví dụ, tình trạng thiếu ăn trong một thế giới sản xuất dư thừa, hoặc những người tị nạn buộc phải bỏ trốn nhưng lại không có nơi nào an toàn để định cư.

Và tuy nhiên, như bản văn Ơn Gọi của Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp chỉ ra, nhu cầu thật sự của người nghèo và người dễ bị tổn thương, kể cả những người có những nhu cầu đặc biệt, thường bị các doanh nghiệp phớt lờ. Một cách tiếp cận tích cực để tìm kiếm những cơ hội phục vụ những người dân bị bỏ lơ, không chỉ là một trách nhiệm xã hội hợp lý mà còn là một lựa chọn kinh doanh cao thượng. Đối với tầng lớp dân chúng đông đúc ở “đáy của kim tự tháp”, các sản phẩm và dịch vụ mới – như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ tín dụng nhỏ, các doanh nghiệp xã hội và đầu tư tác động – đóng một vai trong quan trọng đến độ chúng giúp người nghèo giải quyết được các nhu cầu của riêng họ. Những sáng kiến này sẽ không những giúp người dân thoát khỏi sự nghèo đói cùng cực mà còn khai sáng sự sáng tạo và tiềm năng làm chủ doanh nghiệp của họ, và giúp họ khởi tạo động lực phát triển cho các nhóm bị loại trừ (inclusive development).[14] Trong tinh thần này, Đức Giáo Hoàng đã thúc dục các phong trào xã hội hãy tỏ ra sáng tạo: “Quý vị là những thi sĩ xã hội: những người tạo ra việc làm, thợ xây nhà, nhà sản xuất thực phẩm, hết thảy đều lưu tâm đến những người bị loại ra khỏi thị trường thế giới”. Tôi thật lấy làm hạnh phúc khi quý vị, với tư cách là những nhà lãnh đạo trong thị trường thế giới, nghe được lời kêu gọi này của Đức Giáo Hoàng.

Trong Thông điệp Laudato si’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với cảm xúc mạnh mẽ về việc người nghèo dễ dàng bị xua đuổi khỏi đất đai của họ như thế nào, khi các công ty giàu có muốn chiếm đoạt hết các nguồn tài nguyên; làm sao họ có thể còn cơ hội hưởng dùng nước sạch bởi những tiến trình công nghiệp và những thói quen lãnh phí.[15] “Cuộc đời” của họ “trên trái đất đất này thật là ngắn ngủi và [họ] không thể nào tiếp tục chờ đợi”.[16] Chúng ta có thể mất hết kiên nhẫn trước những nhu cầu của họ không, giống như khi phải chứng kiến cảnh người thân của mình bị tước đoạt hoặc bị lấy hết nước uống?

Đức Giáo Hoàng tỏ ra yêu mến hết mọi người, những người đang sống hiện nay cũng như những người sẽ đến sau chúng ta. Chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm vì sự công bằng giữa các thế hệ: “Chúng ta không còn có thể nói về sự phát triển bền vững khi tách khỏi tình liên đới giữa các thế hệ”.[17]  Câu hỏi then chốt mà ngài đặt ra cho nhân loại nằm trong chính những lời sau: “Loại thế giới nào mà chúng ta muốn để lại cho những người đến sau chúng ta, cho những trẻ em hiện đang lớn lên?”.[18]

Cung cấp VIỆC LÀM TỐT

3/. Các doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng bằng việc phát huy phẩm giá đặc biệt về lao động của con người. Đó là chiều kích duy nhất về mục tiêu kinh doanh của việc tổ chức lao động tác thiện và hữu hiệu.

Thông điệp Laudato si’ dành trọn một phần để bàn về lao động (Sự cần thiết phải bảo vệ lao động, các số 124-129). Đây không phải là sự tình cờ, và nó nhấn mạnh tầm quan trong của vấn đề không chỉ dành cho triều giáo hoàng này, mà còn cho toàn thể huấn quyền xã hội của Hội Thánh. Tâm điểm của vấn đề này là khái niệm mà lao động, giống như kinh doanh, là một ơn gọi cần thiết và cao quý. Lao động không chỉ là việc tìm kiếm lương thực hàng ngày cho mình, nuôi sống gia đình, và cơ hội sử dụng các điều kiện vật chất cơ bản vốn dĩ cần thiết cho sự thịnh vượng. Tất cả những điều đó đều quan trọng, vâng, nhưng lao động còn quan trọng hơn thế nữa. Theo ngôn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “lao động là một điều cần thiết, một phần ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất, một con đường dẫn đến sự trưởng thành, phát triển nhân bản và hoàn thiện cá nhân”.[19] Lao động là cách thức mà phẩm giá con người biểu lộ ra trong đời sống hiện thực mỗi ngày:

“Lao động phải là môi trường cho sự trưởng thành cá nhân phong phú này, nơi mà nhiều mặt của cuộc sống được triển nở: sự sáng tạo, dự phóng cho tương lai, phát triển tài năng của bản thân, thực hành các giá trị sống của ta, tương quan với tha nhân, tôn vinh Thiên Chúa. Thật vậy, trong thực tế xã hội toàn cầu của ngày hôm nay, điều thiết yếu là “chúng ta tiếp tục ưu tiên mục tiêu quyền có được công ăn việc làm ổn định cho mọi người”,[20] cho dù các khoản lợi tức của doanh nghiệp có hạn và luận chứng kinh tế không rõ ràng”.[21]

Thánh Gioan Phaolô II thúc giục mọi người, nam cũng như nữ, hãy tham gia vào hoạt động của Đấng Tạo Hóa bằng chính lao động của họ.[22] Đức Giáo Hoàng Phanxicô thêm rằng, họ “trở thành khí cụ được Thiên Chúa sử dụng để khai dụng tiềm năng mà chính Ngài đã đặt để trong vạn vật”.[23]

Chính bổn phận của doanh nghiệp là ưu tiên mục tiêu tạo ra công ăn việc làm ổn địch và an toàn này. Như Thánh Gioan Phaolô II nói, quyền sở hữu các phương tiện sản xuất là chính đáng và hợp lý nếu như nó giúp cho lao động sinh ích lợi.[24] Nghĩa là doanh nghiệp phải luôn coi lợi nhuận phụ thuộc vào việc tạo ra công ăn việt làm – một cách quả quyết, như lời ngài nói, lao động có sự ưu tiên hơn vốn liếng. Một ví dụ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu ra, là khi máy móc thay thế công việc. Điều này thường được bảo vệ dưa trên lý lẽ về năng suất và tính tiện lợi. Làm như vậy là ám chỉ rằng con người có thể thay thế được bằng máy móc vốn chỉ là những nhân tố của nền sản xuất. Nhưng điều đó phủ nhận phẩm giá của con người. Đó là một minh chứng hoàn hảo về điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là mô hình kỹ trị, và động cơ thúc đẩy của nó chung quy lại chỉ là lợi nhuận.

Chúng ta nên suy xét một cách nghiêm túc về những hậu quả của sự lệ thuộc chưa từng có vào máy móc và người máy để làm cho lao động được “năng suất” hơn cũng như về xu hướng “hợp lý hóa” việc sản xuất và phân phối. Một cách rõ ràng, lợi ích là lợi nhuận, nhưng với cái giá phải hy sinh là càng ngày càng có ít việc làm xứng hợp. Các cá nhân có được thịnh vượng không nếu bị thất nghiệp hoặc phải làm thêu tam thời? Dĩ nhiên là không. Xã hội có được hưởng lợi từ nạn thất nghiệp không? Dĩ nhiên là không. Thật vậy, hiện nay chúng ta chứng kiến quá nhiều người không thể tìm được việc làm xứng đáng và như ý. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi những người vô đạo đức có những suy nghĩ điên cuồng tuyển dụng những cá nhân nhàn rỗi này vào bạo lực và tội phạm.

Hoạt động kinh tế đã ăn sâu vào tư tưởng về hộ gia đình thành công và hòa thuận. Nếu chúng ta muốn sống khỏe mạnh và hòa thuận trong ngôi nhà chung của mình, chúng ta cần phải đảm bảo rằng những người có khả năng làm việc có thể thật sự tìm được việc làm. “Từ bỏ đầu tư vào con người để đạt được mối lợi tài chính trước mắt là việc kinh doanh tệ hại cho xã hội”.[25] Hoạt động tạo công ăn việc làm là một dịch vụ thiết yếu cho thiện ích chung. Vì lý do này “điều bắt buộc đối với một nền kinh tế là phải ủng hộ sự đang dạng sản xuất và sức sáng tạo trong kinh doanh”, và “các chính quyền dân sự phải có quyền và nghĩa vụ thi hành các biện pháp rõ ràng và vững chắc nhằm ra sức ủng hộ các nhà sản xuất nhỏ và và làm cho nền sản xuất được đa dạng.[26]

4/. Những doanh nghiệp áp dụng nguyên lý bổ trợ đều tạo các cơ hội cho các nhân viên thi thố tài năng của họ khi họ được góp phần vào sứ mạng của tổ chức. Như thế, mục tiêu kinh doanh thông qua việc tổ chức lao động hiệu quả và sinh ích lợi sẽ đi thêm được một bước lớn xa hơn.[27] Các nhà quản lý nên cho phép công nhân để chính họ được phát triển một cách đầy đủ tuy phải đi kèm với những nhiệm vụ mang tính thử thách; với sự đào tạo thích hợp, những bộ công cụ và các nguồn lực; và sự tài trợ đầy đủ của công ty, sao cho các công nhân được học tập và trưởng thành từ kinh nghiệm thay vì nơm nớp lo sợ hình phạt vì bất cứ sai sót nào.

Thiên Chúa đã thi hành nguyên lý bổ trợ bằng việc trao phó trái đất cho con người gìn giữ, canh tác và chăm sóc nó. Điều này làm cho con người trở thành những người đồng sáng tạo với Thiên Chúa. Các ông chủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà quản lý và những người giám sát nên thực thi cùng một sự bổ trợ như vậy và nâng cao toàn bộ phẩm giá con người, sự phát triển con người toàn diện cho những người mà họ thuê và hướng dẫn bằng sự phó thác thiêng liêng. Thật vậy, một doanh nhân tốt là “người đặt tư tưởng phục vụ lên trước rồi mới nghĩ đến tư tưởng lợi lộc, là người thuê nhân công sản xuất hàng hóa có giá trị thật, là người không làm điều gì xấu như khi yêu cầu nhân công tham gia làm ra những thứ phù phiếm hay thậm chí độc hại và xấu xa…”.[28] Nguyên lý bổ trợ, tấm gương phản chiếu mối tương quan của Thiên Chúa với nhân loại, đòi hỏi sự ràng buộc và sự đón nhận khiêm tốn vai trò của một tôi tớ lãnh đạo.

Đạt được SỰ GIÀU CÓ TÁC THIỆN

5/. Các doanh nghiệp làm mẫu quản lý các nguồn tài nguyên – dù là vốn liếng, con người hay môi trường – dưới quyền kiểm soát của họ. Mục tiêu kinh doanh “giàu có tác thiện” là tập trung vào việc tạo ra của cải bền vững và phân phối nó một cách công bằng.

Đối với doanh nghiệp, vai trò quản lý đều xoay quanh việc áp dụng các phương pháp thực hành bền vững: để công ty tồn tại trong vòng nhiều năm, và để đảm bảo rằng các hoạt động của nó không làm ô nhiễm môi trường và xâm phạm nhân phẩm. Vấn đề là, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý một cách rõ ràng, chính cái logic của sự cạnh tranh thúc đẩy một thứ chủ nghĩa trước mắt, vốn dĩ dẫn đến sự thất bại tài chính và phá hủy môi trường. “Chúng ta cần phải từ bỏ quan niệm ma thuật của thị trường, là thứ quan niệm cho rằng các vấn đề có thể được giải quyết một cách đơn giản bằng cách gia tăng lợi nhuận của các công ty hoặc của cá nhân”, ngài nói.[29]

Trái lại, Laudato si’ yêu cầu “chi phí môi trường và xã hội của việc sử dụng cạn kiệt các nguồn tài nguyên môi trường chung” phải được “nhìn nhận bằng sự minh bạch và những người gánh chịu chúng phải chi trả toàn bộ, chứ không thể bắt các dân tộc khác hoặc các thế hệ trong tương lai phải trả”.[30]

Đức Thánh Cha không phản đối kinh doanh; ngài phê phán nỗi ám ảnh về lợi nhuận và sự sùng bái thị trường. Nhưng khi đề cập đến những thách đố của sự phát triển bền vững, ngài kêu gọi doanh nghiệp hãy lãnh đạo bằng cách khai dụng sức sáng tạo của mình để giải quyết các nhu cầu cấp bách của con người. Và điều này không có nghĩa là từ bỏ động cơ lợi nhuận. “Các mô hình sản xuất đa dạng và đổi mới hơn vốn dĩ ít ảnh hưởng hơn đến môi trường đều chứng tỏ có thể rất có lợi nhuận”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói.[31]

Đây là điều đặc biệt quan trọng theo sau Sự Đồng Thuận Paris, trong đó các quốc ta của thế giới cam kết thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch càng sớm càng tốt, với mục tiệu tiến đạt đến lượng khí thải nhà kính bằng không vào hậu bán thế kỷ này. Mục tiêu đầy tham vọng này là những gì mà ngôi nhà chung của chúng ta cần nhằm đảm bảo cho con cháu chúng ta và những người đến sau chúng ta kế thừa một hành tinh sống. Các chính phủ có thể ban hành các thỏa thuận, luật lệ, và quy định, nhưng việc thực hiện lại rơi vào nhiều lực lượng xã hội. Nếu doanh nghiệp là để lãnh đạo, thì sau đó chúng ta hãy sử dụng cách hiệu quả tài chính, việc tái tổ chức và công nghệ vốn dĩ cần thiết để khử carbon nền kinh tế toàn cầu. Tôi đoan chắc Đức Thánh Cha tin rằng các doanh nghiệp, giống như những gì được trình bày ở đây, đều có thể đảm nhận được nhiệm vụ này.

6/. Các doanh nghiệp còn phải phân phối lợi tức cho tất cả các bên liên quan: người lao động, khách hàng, nhà đầu tư, nhà cung cấp, và cộng đồng. Như tôi đã đề cập, mục tiêu kinh doanh “giàu có tác thiện” tập trung vào việc tạo ra của cải bền vững và phân phối nó một cách công bằng.

Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo mọi sự – chúng ta có thể nghĩ về toàn thể tạo vật, chúng ta có thể nghĩ đến toàn thể mọi người, chúng ta có thể nghĩ về quà tặng của toàn bộ của cải đều dành hết cho nhân loại. Giáo huấn xã hội Công Giáo minh định điều này là quyền chung hưởng của cải. Nó gắn bó chặt chẽ với nguyên tắc nền tảng về công thiện. Tài liệu về Ơn Gọi của Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp này nói rõ điều này một cách rõ ràng:

“Mặc dầu tài sản và vốn liếng theo lệ thường là do tư nhân sở hữu, nhưng quyền tư hữu này phải phụ thuộc vào quyền hưởng dùng chung, vào sự thật là mọi người đều có quyền chung hưởng của cải”.[32] … Từ chối cho con người quyền chính đang hưởng dùng mọi hoa trái của trái đất, đặc biệt là các phương tiện để duy trì sự sống, thì chẳng khác nào là phủ nhận mệnh lệnh của Thiên Chúa là khám phá, canh tác và sử dụng mọi hoa trái của nó.[33]

Đức Giáo Hoàng Phanxicô minh định rằng đây là một bổn phận đạo đức, thậm chí là một điều răn. Tại Bolivia, ngài tuyên bố:

Làm việc nhắm đến một sự phân phối công bằng mọi hoa trái của trái đất và lao động của con người không chỉ là lòng bác ái. Nó là một nghĩa vụ luân lý. Đối với người Kitô hữu, trách nhiệm này còn nặng nề hơn: đó là một điều răn. Điều răn này nói về việc trả lại cho người nghèo và cho các dân tộc những gì thuộc về họ một cách chính đáng. Quyền chung hưởng của cải không phải là một hình thái ngôn từ được tìm thấy trong giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Nó là một thực tại có trước tư hữu. Quyền tư hữu, đặc biệt khi nó đụng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, phải luôn luôn phục vụ nhu cầu của các dân tộc.[34]

Điều này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết cho WEF cách đây hai năm, “yêu cầu mọi quyết định, cơ chế và tiến trình phải được hướng đến một sự phân phối của cải tốt hơn, đến việc tạo ra nguồn công ăn việc làm và sự thăng tiến toàn diện của người nghèo cần phải vượt ra khỏi một tâm thức phúc lợi đơn giản”.[35]

Với Đồng Thuận Paris, nó không những phải tạo ra của cải sao cho chúng được phân phối một cách công bằng. Công bằng còn phải bao trùm cả việc phân bổ gánh nặng cho sự phục hồi môi trường. Những nước tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều nhất và được hưởng lợi nhiều nhất từ thời kỳ công nghiệp, cần phải đảm nhận vai trò lãnh đạo và góp phần vào công việc giải quyết nhiều hơn những nước mà mức sống của họ chỉ mới bắt đầu gia tăng. Bước đầu tiên là họ phải thành thật hơn bao giờ hết về những thứ được gọi là ngoại tác hay các hiệu ứng tràn, bởi vì cuối cùng không có gì mà không liên quan đến các lợi ích của ngôi nhà chung của chúng ta mà ai cũng có phần trong đó.

E. Kết luận

Với tư cách là nhà lãnh đạo doanh nghiệp, một trong những vai trò của quý vị là trở thành nhà quản trị giỏi. Chúng ta mong đợi nghe được điều này trong Laudato si’, tuy nhiên hạn từ “nhà quản trị” chỉ được sử dụng duy nhất có hai lần, còn “nhà quản lý” chỉ có một lần. Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại nói về sự chăm sóc, cuidar and custodiar (chăm sóc và nuôi dưỡng). Từ này nằm trong tên gọi, “Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung của Chúng Ta”, “el Cuidado de la casa común” và được sử dụng đến hàng chục lần. Chăm sóc vượt xa hơn “sự quản trị”. Những nhà quản trị giỏi đảm nhận trách nhiệm và hoàn thành các nhiệm vụ của họ để quản lý và trình bày báo cáo. Trái lại, người ta có thể trở thành một nhà quản trị giỏi mà không cần tình cảm thân thuộc [connected, bà con họ hàng]. Nhưng khi người ta chăm sóc, người ta trở nên thân thuộc. Chăm sóc là cho phép bản thân chịu ảnh hưởng bởi người khác, nhiều đến nỗi thay đổi cả đường lối và những ưu tiên của ta. Những bậc cha mẹ tốt đều biết điều này. Họ chăm sóc con cái họ, nhiều đến độ mà cha mẹ sẵn sàng hy sinh vô số kể – thậm chỉ cả mạng sống – nhằm đảm bảo cho con cái họ được an toàn và thành đạt. Nhờ sự yêu thương chăm sóc, lằn ranh xơ cứng ngăn cánh giữa ta với người sẽ mềm mại, lu mờ và thậm chí biến mất.

Tôi thỉnh cầu quý vị hãy nghĩ về mối tương quan của quý vị với thế giới và với mọi người bằng sự tinh thần yêu thương chăm sóc này. Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta sống ơn gọi này bằng những hình ảnh từ chính thế giới của lao động. Ngài phán:

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không biết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha. Và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga10:11-15).

Vậy, làm sao các tập đoàn tư nhân có thể trở thành “một lực lượng đổi mới và thăng tiến xã hội”? Hãy tập luyện “ý thức trách nhiệm đổi mới, sâu xa và rộng mở”. Đừng để ‘thị trường’ quyết định, nhưng hãy mạnh dạn hành thiện vì đó là điều tốt đẹp và thị trường có thể biến đổi trở nên tốt hơn.

Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta đòi hỏi, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, không chỉ là một cuộc cánh mạng kinh tế và kỹ thuật, mà còn là một cuộc cách mạng tinh thần văn hóa – một cách thế tiếp cận hoàn toàn khác biệt về mối quan hệ giữa con người và môi trường, một con đường mới để đưa nền kinh tế toàn cầu vào trong trật tự. Và điều này lần lượt đặt ra một trách nhiệm cao cả trên đôi vai của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các nhà lãnh đạo dân chúng. Nhưng tôi tin rằng quý vị có thể hoàn thành được nhiệm vụ này.

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, hãy để cho lòng từ bi và sự yêu thương chăm sóc hướng dẫn sức sáng tạo và năng lực kinh doanh của quý vị ngõ hầu làm cho thế giới này được tốt đẹp hơn.

Nguồn: http://en.radiovaticana.va/news/2016/01/06/cardinal_turkson_on_moral_challenges_to_business/1199371

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn Từ cho Đại Hội Thế Giới Lần Thứ Hai của Các Phong Trào Quần Chúng, Santa Cruz de la Sierra, Bolivia, ngày 9-7-2015, § 1

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ Điệp Gửi Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, ngày 17-1-2014; Trích từ Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), số 203.

[3] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái trong Chân Lý), số 7.

[4] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1992, số 357.

[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn từ Đại Hội Thế Giới Lần Thứ Hai của Các Phong Trào Quần Chúng, Santa Cruz de la Sierra, Bolivia, ngày 9-7-2015, số 3.1.

[6] Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, Ơn gọi của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp: Một suy tư, 2014, http://www.iustitiaetpax.va/content/dam/giustiziaepace/VBL/VBL_Castellano.pdf

[7] “Sự tin tưởng mù quáng vào công nghệ và thương mại” là những gì mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô tóm lược dưới nhan đề “kỹ trị” trong Laudato si’.

[8] Đức Giáo Hoàng Piô XI nói đến tầm quan trọng của doanh nghiệp là “sản xuất hàng hóa hữu ích thực sự” cho người khác trong Thông điệp Quadragesimo Anno (Tứ Thập Niên), 1931, số 51.

[9] Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, Ơn Gọi của Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp, số 42.

[10] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), 2015, số 203, 204.

[11] Ibid., số 104.

[12] Ibid., số 109.

[13] Ibidem.

[14] Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, Ơn Gọi của Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp, số 43.

[15] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), 2015, số 30.

[16] Ibid., số 162.

[17] Ibid., số 159.

[18] Ibid., số 160.

[19] Ibid., số 128.

[20] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong chân lý), 2009, số 32.

[21] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), 2015, số 127.

[22] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (Lao Động của Con Người), 1981, số 25.

[23] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), 2015, số 124.

[24] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (Bách Chu Niên), 1991, số 43.

[25] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), 2015, số 128.

[26] Ibid., số 129.

[27] Ibid., số 47-50.

[28] Oswald von Nell-Breuning, Tái Tổ Chức Nền Kinh Tế Xã Hội, (Milwaukee: The Bruce Publishing Co., 1936), pp. 115-116. Trích trong VBL, số 42.

[29] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), 2015, số 190.

[30] Ibid., số 195.

[31] Ibid., số 191.

[32] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (Lao Động của Con Người), 1981, số 14.

[33] Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, Ơn Gọi của Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp, số 56.

[34] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn từ Đại Hội Thế Giới Lần Thứ Hai của Các Phong Trào Quần Chúng, Santa Cruz de la Sierra, Bolivia, ngày 9-7-2015.

[35] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ Điệp Gửi Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, ngày 17-1-2014.