Lm. P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.
Nhập Đề
Theo quan điểm của khoa học thế tục, môi trường chỉ đơn giản là không gian vật thể – môi trường thiên nhiên[1] – hoặc tinh thần – môi trường văn hóa[2] – nơi con người – cùng với các loài vật khác – sinh sống, làm việc và phát triển.
Những bận tâm dành cho môi trường – như công cuộc phòng chống “hiện tượng nhà kính” – chỉ tập trung vào việc gây ý thức và đề ra các biện pháp để chấm dứt hoặc giảm thiểu khí thải dẫn đến thảm họa “nóng toàn cầu.”[3]
Trong tầm nhìn của Ki-tô Giáo, môi trường – cả thiên nhiên lẫn tinh thần – đều không chỉ đơn giản là phương tiện để con người sinh sống và phát triển. Môi trường còn có một mối tương quan và tương tác sâu hơn và cao cả hơn với sứ mạng của con người được vinh dự cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa Tạo Hóa.
Môi Trường Trong Thánh Ý Thiên Chúa
Trong khi khoa học thế tục chỉ có thể suy đoán về nguồn gốc của vạn sự vạn vật nhờ dựa vào các bằng chứng kiểm nghiệm được, thì Ki-tô Giáo đón nhận chân lý mạc khải từ Thiên Chúa dạy rằng: muôn loài, muôn vật – kể cả con người – và toàn thể vũ trụ càn khôn nầy đều đã được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô.[4] Tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện đều tốt lành.[5]
Thánh Kinh xác quyết là Thiên Chúa có chủ quyền tuyệt đối trên toàn thể kiệt tác của Người, và, trái với quan niệm Duy Ý[6] và Nhị Nguyên,[7] khẳng định bản tính tốt lành của muôn loài muôn vật trong cõi tạo thành.
Thiên Chúa là Nguồn Cội của tất cả những gì thiện hảo và xinh đẹp đã tự biểu lộ qua công trình sáng tạo. Nét đẹp của bầu trời rực rỡ ánh thái dương ban ngày và lấp lánh trăng sao ban đêm; dáng vẻ hùng vĩ của non cao, biển rộng, muông thú rừng xanh và hải vật tung hoành sóng nước, đều chung một lời công bố vinh quang vĩ đại của Thiên Chúa:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
Đêm nầy kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu,
Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.[8]
Toàn thể vũ trụ vạn vật, từ loài thú hiếu động tung tăng trên bầu trời, dưới sông biển hay trên mặt đất, cho đến loài thực vật không ngừng phát triển mãnh liệt phủ xanh địa cầu, và thậm chí cho đến loài vô tri vô giác như gỗ đá, mưa gió,… cũng đều chung tiếng chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa Hóa Công:
Chúc tụng Chúa đi, mọi công trình của Chúa,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, chín tầng trời thăm thẳm,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mặt trời với mặt trăng,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú trên trời,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nào mưa sương tất cả,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, mọi luồng gió cơn giông,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nầy đồi xanh núi biếc,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, nào sông sâu biển cả,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, kình ngư cùng thủy tộc,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, hết mọi loài chim chóc,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.
Chúc tụng Chúa đi, gia súc lẫn thú rừng,
Muôn ngàn đời, hãy ca tụng suy tôn.[9]
Tự bản chất xinh đẹp hồn hậu, chân thật, thiên nhiên luôn là áng văn thơ tuyệt phẩm, là bản trường ca hùng tráng muôn ngàn đời chúc tụng uy danh và thượng trí của Đấng tác thành ra mình, vượt xa mọi nỗ lực học hỏi, phụ họa, bắt chước nhân tạo vụng về, thô thiển.
Lời chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa do thiên nhiên liên tục muôn ngàn thế hệ dâng lên không ngưng nghỉ chẳng ai và chẳng có quyền lực nào ngăn cản được, ngay cả khi con người bị bắt buộc phải ngậm miệng giả câm: “Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên.”[10]
Chẳng những thiên nhiên biết theo cách thức đặc trưng của mình mà tôn vinh Thiên Chúa, nhưng lại còn nêu cao gương vâng phục quy luật Người ban bố. Trong buổi đầu Sáng Tạo, muôn loài muôn vật nhanh nhẹn đáp lại lệnh truyền của Thiên Chúa: “Hãy xuất hiện!”, ngay lập tức, từ cõi hư vô vô định, chúng đến trình diện Người và thưa “Có mặt!”.[11] Kể từ thời khắc ấy, chúng nhất mực tuân theo mọi định luật Thiên Chúa đã ấn định, không mảy may sai chạy. Mỗi loài, mỗi vật góp phần làm nên một tổng thể vũ trụ càn khôn hòa điệu, chuẩn xác nghiêm minh diệu kỳ.
Chúa lập địa cầu trên nền vững,
Khôn chuyển lay muôn thủa muôn đời!
Áo vực thẳm choàng lên trái đất,
Khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao.
Nghe tiếng Ngài dọa nạt, chúng đồng loạt chạy dài.
Sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát.
Băng qua núi qua đồi, chảy xuôi ra đồng nội,
Về nơi Chúa đặt cho.
Ngài vạch đường ranh giới, ngăn cản chúng vượt qua,
Không còn cho trở lại, dâng lên ngập địa cầu.
Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết,
Dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian.
Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối,
Chốn rừng sâu muông thú tung hoành.
Ánh dương lên, chúng bảo nhau về,
Tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ.[12]
Chính nhờ thiên nhiên nghiêm chỉnh tuân thủ lệnh truyền của Thiên Chúa, mới xuất hiện khái niệm không gian và thời gian, mới hình thành lịch sử và các khoa học, khởi điểm của văn minh nhân loại.
Không chỉ giản đơn là những thụ tạo luôn tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa, thiên nhiên còn được vinh dự phục vụ Người như những công bộc trung thành:
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Áo Ngài mặc, toàn oai phong lẫm liệt,
Cẩm bào Ngài khoác, muôn vạn ánh hào quang.
Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng,
Điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không.
Chúa ngự giá xe mây, Người lướt bay cánh gió,
Sứ giả Ngài: làn gió bốn phương,
Nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn.[13]
Hơn nữa, phẩm chất trung kiên, muôn thủa tuân giữ luật pháp Thiên Định khiến những thụ tạo nầy được chỉ định làm bồi thẩm đoàn, thậm chí còn đứng vai công tố, trong phiên tòa Công Lý Nhà Trời xét xử con người:
Đức Chúa, Thượng Đế chí tôn, nay Người lên tiếng,
Từ khắp cõi đông tây, Người triệu tập hoàn cầu.
Tại Xi-on, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh,
Thiên Chúa ta ngự đến, Người không nín lặng.
Hang tiền đạo: kìa lửa hồng thiêu đốt.
Quân tả hữu: đây bạo vũ cuồng phong.
Chúa hạ lệnh đòi trời cao đất thấp,
Phải ra phiên tòa nghe Chúa xử dân Người.
Rằng: “Hãy triệu tập cho Ta những người trung hiếu,
Những người đã giao ước với Ta bằng hy lễ.”
Các tầng trời tuyên bố Chúa công minh,
Vì chính Người sẽ đứng ra xét xử.[14]
Vươn cao bên trên cõi đời phàm trần, nơi thiên hạ bon chen đắm mình vào bao cảnh tội lụy thấp hèn, những quả thạch sơn uy nghi, hùng vĩ, thánh thiêng, còn được vinh dự làm địa điểm cho loài người chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, lập tế đàn, và xây đền thờ tôn kính Người.
– Núi Xi-nai gắn liền với biến cố Thiên Chúa ban Mười Điều Răn cho nhân loại.[15]
– Núi Kho-rép là nơi Thiên Chúa truyền mật chỉ cho Ngôn Sứ Ê-li-a.[16]
– Núi Mô-ri-gia, nơi Tổ Phụ Áp-ra-ham sát tế con trai duy nhất là I-xa-ác, được Thiên Chúa chọn để xây đền thờ Giê-ru-sa-lem tôn kính Người.[17]
– Chúa Ki-tô chọn núi cao để giảng dạy dân chúng[18] và cho các môn đệ nhìn thấy vinh quang của Chúa.[19]
– Ngọn đồi Gôn-gô-tha đã đi vào lịch sử cứu độ, khi được chọn làm nơi Chúa Ki-tô dâng chính mạng sống của Người làm hiến lễ thục tội toàn thể nhân loại.[20]
– Và núi Ô-liu là địa điểm Chúa Ki-tô ủy nhiệm Hội Thánh sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.[21]
– Biển Đỏ và Sa Mạc Sua trở thành yếu tố không thể tách rời trong biến cố Vượt Qua khi Thiên Chúa giải thoát Dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Pha-ra-ô.[22]
– Giòng sông Giô-đan chứng kiến biến cố Chúa Ki-tô chịu thanh tẩy do tay một người phàm và lãnh nhận sứ vụ từ uy quyền một Đấng Thiên Chúa vĩ đại.[23]
– Chất liệu ngũ hành – như nước – và hoa trái kết tinh từ các vật thể đó – như dầu trái ô-liu, bột lúa miến, tinh cốt quả nho – được Chúa Ki-tô sử dụng trong các bí tích thánh của Giao Ước Mới.[24]
Mối Tương Quan Thân Thiết Giữa Môi Trường Và Con Người
Sau khi hoàn thành công trình sáng tạo, Thiên Chúa ủy thác toàn thể vũ trụ vạn vật cho con người “để cày cấy và canh giữ.”[25] Môi trường thiên nhiên trở thành chẳng những là phương tiện sinh sống, mà còn là sản nghiệp và là mái nhà của con người.
Nhận biết phẩm chất màu mỡ, tiềm năng phong phú của thiên nhiên, con người đem tài trí, công sức chuyển hóa chúng thành lương thực nuôi sống mình. Sức sống mãnh liệt của các vật thể, các loài trong thiên nhiên tác động trên mạng sống và sức khỏe con người để bồi bổ, tăng trưởng, chữa trị, và phục hồi. Thiên Chúa đã hữu ý tác thành con người từ khối đất,[26] qua đó, thiết lập mối tương quan giữa con người – tiểu vũ trụ – với ngũ hành trong đại vũ trụ.
Với thẩm quyền Thiên Chúa trao cho, con người có chính nghĩa để tuyên bố quyền sở hữu trên các công trình đã thực hiện – thành quả lao động thể lý và trí tuệ – niềm tự hào của công bộc trung tín và khôn ngoan luôn chu toàn ý muốn của chủ.[27]
Thật ra, thiên nhiên không phải là môi trường sinh sống độc chiếm của con người. Đây là nơi cộng sinh của muôn ngàn hình thức mang sức sống, từ giản đơn cho đến phức hợp trong thực vật và động vật. Ý thức đúng đắn về vai trò quản lý Thiên Chúa ủy thác cho mình, con người tất yếu biết hành xử thật chuẩn mực trong trách nhiệm khai thác, phân phối, và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mọi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội do con người sáng kiến và thực hiện đều phải gắn liền với mối quan tâm về điều kiện an sinh bền vững, chẳng những cho nguời đồng loại , mà còn cho vô vàn vô số các loài khác nữa.[28]
Mối tương quan giữa con người và môi trường thiên nhiên có tính cách tương tác sinh tử. Càng học hỏi thấu đáo và tôn trọng nghiêm cẩn quy luật thiên nhiên, con người càng đạt tới một cuộc sống bình an, thịnh vượng. Càng có lương tri và tâm huyết xây dựng một môi trường trong lành, thân thiện, hòa điệu, con người càng được tận hưởng một cuộc đời ý nghĩa và mãn nguyện. Chỉ khi nào được sống trong một môi trường hoàn hảo của một cõi địa đàng thì tuổi thọ của con người – thậm chí ước nguyện cuộc đời “trường sinh bất tử” – mới thật sự đáng sống.
Cổ nhân quả có lý khi dạy phải xây dựng cuộc đời trên nền tảng mối tương quan hòa điệu giữa con người với đất và với trời – thiên-địa-nhân. Nói theo quan điểm Ki-tô Giáo, đó chính là mối hòa điệu giữa con người với môi trường tự nhiên theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa.
Môi Trường Và Phẩm Giá Con Người
Khi chuyển giao vũ trụ vạn vật cho con người khai thác và bảo quản, Thiên Chúa không đối xử với con người như một tay tá điền hoặc một viên quản lý đơn thuần, nhưng thực chất là chỉ định họ làm đại diện chính thức, nắm toàn quyền trên công trình sáng tạo.[29]
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo.
Muôn trăng sao Chúa đã an bài,
Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
Ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
Cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
Đặt muôn loài muôn sự dưới chân.[30]
Con người chứng tỏ có đủ khả năng, bản lãnh và uy tín để thi hành trách nhiệm Thiên Chúa giao phó khi đứng ra “xem mặt đặt tên” cho muôn vật muôn loài.[31] Theo ngữ cảnh Thánh Kinh, một danh xưng, của thần linh hay người phàm; của sinh vật và các vật thể vô hồn, phản ánh một cách chuẩn xác và hữu hình bản tính sâu thẳm của chủ thể mang danh xưng ấy.[32] Con người quả có đủ tri thức khoa học tự nhiên, lẫn khoa học nhân văn, và cả khoa học tâm linh, khi lãnh nhận công việc nghiên cứu, phân loại, và sắp xếp có hệ thống cơ man nào là các hình thái hiện hữu trong cõi hoàn vũ hầu như bao la bất tận.[33]
Thi hành đúng chức năng “một quản gia trung tín và khôn ngoan”[34], cần mẫn đáp ứng mọi nhu cầu cho mọi thành phần trong gia đình hoàn vũ, con người mang trọng trách rất lớn đối với lẽ tồn vong của muôn loài muôn vật xét theo 3 chiều kích: pháp lý, luân lý và tôn giáo.[35]
Luật hưu lễ và quy định cử hành năm toàn xá[36] trong Cựu Ước diễn đạt được cả 3 chiều kích nói trên khi liên kết luật công bằng xã hội với luật luân lý hướng dẫn lương tri trong cách con người đối xử với đồng loại và với môi trường thiên nhiên, và sau cùng, đặt cả 2 luật công bằng xã hội và luân lý trên nền tảng luật trường cửu của Thiên Chúa.
Về pháp lý, luật pháp xã hội quy định hợp lý về thời gian, mức độ làm việc và nghỉ ngơi, cùng với việc phân phối thành quả lao động, chẳng những cho mọi người – chủ, thợ, gia nhân, ngoại kiều – mà còn cho gia súc lẫn muông thú nữa. Điều gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ là thái độ tôn trọng môi trường sinh thái từ khoản luật buộc phải để đất đai – đối tượng không có tiếng nói, vô tri vô giác – cũng được quyền nghỉ ngơi. Nhưng để luật pháp có tính nhân văn và nhắm mục tiêu phục vụ đời sống con người, không thể bỏ qua quy tắc luân lý, sao cho luật pháp xã hội không vi phạm phẩm giá con người, không gây tổn hại cho các sinh vật khác, và không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
“Trong sáu năm, các ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi; trong sáu năm, các người sẽ tỉa vườn nho của các ngươi, và các ngươi sẽ thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy sẽ là một sa-bát, một thời kỳ đất nghỉ, một sa-bát kính Đức Chúa: các ngươi không được gieo vãi trong cánh đồng của các ngươi, không được tỉa vườn nho của các ngươi; các ngươi không được gặt lúa tự nhiên mọc sau mùa gặt, không được hái những chùm nho từ vườn nho không cắt tỉa của các ngươi: đó sẽ là một năm đất nghỉ. Sản phẩm tự nhiên của đất trong năm sa-bát sẽ nuôi các ngươi, tôi tớ nam nữ của các ngươi, người làm thuê của các ngươi, khách trọ nhà các ngươi; tóm lại các người trú ngụ nơi các ngươi. Còn gia súc và dã thú ở trong đât các ngươi, thì tất cả hoa lợi của đất sẽ là lương thực cho chúng”.[37]
Việc giữ luật pháp xã hội trở thành chỉ dấu của lương tri chính trực và lòng mộ đạo thờ phượng Thiên Chúa. Một khi biết cẩn trọng chu toàn cả 3 chiều kích nầy, dân Thiên Chúa được chúc phước nơi thành quả thu hoạch hoa màu thật sung túc, dư dùng cho suốt thời gian giữ luật hưu lễ.
“Các ngươi phải đem ra thực hành các quy tắc của Ta, phải giữ và đem ra thực hành các quyết định của Ta, và các ngươi sẽ được sống yên hàn trên đất ấy. Đất sẽ sinh hoa trái, các ngươi sẽ được ăn no nê và được sống yên hàn tại đó.
Có lẽ các ngươi sẽ nói: “Năm thứ bảy chúng tôi sẽ ăn gì, nếu chúng tội không gieo vãi và không thu hoa lợi?” Ta sẽ truyền cho phúc lành của Ta đến với các ngươi vào năm thứ sáu, và phúc lành sẽ sinh hoa lợi đủ cho ba năm. Năm thứ tám, các ngươi sẽ gieo vãi, nhưng sẽ lấy hoa lợi cũ mà ăn; đến năm thứ chín, đến khi gặt hoa lợi năm ấy, các ngươi sẽ ăn hoa lợi cũ”.[38]
Mối tương quan nhân quả giữa đời sống luật pháp, luân lý và tôn giáo với môi trường thiên nhiên càng được khắc họa sắc nét hơn khi Thánh Kinh quả quyết mọi thảm họa xảy ra trong vũ trụ – thường gọi là thiên tai – thật ra, đều có nguồn gốc từ con người.
Chúa khiến sông ngòi cạn đi thành sa mạc,
Đổi suối nguồn ra hoang địa khô khan,
Đất mầu mỡ hóa đồng chua nước mặn,
Vì dân cư độc ác gian tà.[39]
Sách Sáng Thế vẽ ra một cảnh tượng tương phản của bức tranh địa đàng trước và sau hành vi phạm tội của con người, giống như khung cảnh của một thành phố sang trọng, xinh đẹp, trước và sau khi bị tàn phá vì một cơn động đất dữ dội, một trận siêu bão, hoặc một cuộc chiến bằng vũ khí hạt nhân.[40]
Hiện tình xã hội con người và môi trường thiên nhiên là một chứng cứ cho thấy cơn khủng hoảng cùng cực mọi thú giá trị có nguyên nhân sâu xa và chính yếu từ thái độ con người – công khai hoặc ngấm ngầm, bằng lý thuyết hay do thực hành – phủ nhận vai trò của Thiên Chúa là chủ nhân, là nhà lập pháp và thẩm phán tối cao của vạn loài vạn vật hiện hữu trong vũ trụ càn khôn.
Một khi đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, trở thành điếc và mù trước lệnh truyền của lương tri, để chỉ biết chạy theo tham vọng bất chính, bất nhân của mình, con người phá vỡ tình trạng trật tự, hòa điệu do chính Thiên Chúa thiết lập cho muôn loài muôn vật trong vũ trụ càn khôn. Không chấp nhận luật lệ Thiên Chúa làm nguyên lý tuyệt đối cầm cân nẩy mực, con người phải tự biến mình thành chuẩn mực tuyệt đối trong mọi hành xử với tha nhân và với môi trường thiên nhiên. Bị cuốn hút vào cơn lũ ác tà cuồng bạo, con nguời càng lúc càng chìm sâu vào mọi thứ thảm họa khủng khiếp mà không còn có khả năng ngoi lên, và càng chẳng hy vọng vượt thoát.
Các thảm họa con người gánh chịu, theo góc độ nhận định trong tương quan liên hoàn luật pháp-luân lý-tôn giáo như đã trình bày bên trên, có thể được xem vừa như hình phạt vì đã phạm luật, vừa như cái giá phải trả cho sai lầm mắc phải, và cũng vừa là công cuộc cải huấn công minh của Thiên Chúa.
Mọi vi phạm luật pháp – cả luật thiết định lẫn luật thiên nhiên – đều dẫn tới trách nhiệm của thủ phạm. Khung hình phạt đối với vi phạm luật lệ thiết định của xã hội gồm đền bù thiệt hại bằng giá trị tương đương hoặc phải chịu một số hình thức chế tài đích đáng. Một thiên nhiên tơi tả, què quặt, dẫn đến một môi trường bị thu hẹp về diện mạo mỹ thuật, quy mô phục vụ, và phẩm chất của tài nguyên, đều là án lệnh áp đặt trên phạm nhân. Hiện tượng nóng toàn cầu, hoang mạc hóa, nạn tuyệt chủng của nhiều giống loài là những điều khoản mạnh mẽ kết án bao sai phạm của con người đối với quy luật thiên nhiên.
Trách nhiệm luân lý tiếp theo sau hình phạt luật pháp là bằng chứng cho thấy địa vị và phẩm giá con người khi hành xử như một nhân vị – có lý trí và tự do – chứ không theo bản năng hoặc xung động sinh tồn của loài vật khác. Tòa án lương tâm, tuy không ồn ào, ấn tượng bằng pháp đình xã hội, song lại đáng sợ gấp ngàn lần. Trừ phi phải thi hành mọi phán quyết của lương tri liên quan đến việc đền bù cân xứng những lỗi lầm đã gây ra, phạm nhân không bao giờ có thể quay lại hội nhập vào nếp sống bình an, trong sáng trước đây. Phạm nhân có thể tìm nhiều cách trốn chạy phán quyết của tòa án lương tâm – như lao vào cảnh ồn ào, tất bật và náo loạn của nhiều tội ác khác chẳng hạn – nhưng tất cả đều trở thành vô dụng bởi lẽ vị thẩm phán chủ tọa xét xử tại pháp đình nội tại của con người chính là con người.
Tuy nhiên, đáng kính sợ hơn hết là khi đặt trách nhiệm của phạm nhân trong tương quan với Thiên Chúa dưới ánh sáng đức tin vào tình thương và công lý của Thiên Chúa. Thiên Chúa được Thánh Kinh giới thiệu vừa là tình thương[41] vừa là công lý[42]. Là Đấng thi hành công lý, Thiên Chúa xét xử, phân định tội phúc công minh, không bỏ sót lỗi lầm, không quy trách oan sai. Nhưng vì là Người Cha giàu lượng từ bi thương xót, Thiên Chúa luôn biểu lộ tình thương yêu ngay cả lúc sửa trị lỗi phạm của con cái.[43] Đàng khác, công lý của Thiên Chúa chú trọng mục đích giáo dục, cải hóa, cứu chữa và phục hồi phẩm giá của tội nhân chứ không giới hạn vào mục tiêu trừng phạt và báo thù như công lý phàm nhân. Công cuộc hòa giải tội nhân với Thiên Chúa do Chúa Ki-tô thực hiện[44] là chứng cứ không thể chối cãi về quyền năng diệu kỳ của Đấng Thiên Phụ vì có thể hóa giải tình thể lưỡng nan: yêu thương mà không có công lý là thứ tình yêu mù quáng; thi hành công lý với trái tim vô cảm là thứ công lý của quỷ dữ.
Điều cần ghi nhận là khi nói về việc án lệnh của Thiên Chúa được thi hành ra sao. Tất nhiên, Thiên Chúa vừa là Đấng Lập Pháp và Thẩm Phán,[45] việc ban hành luật pháp, tiến trình xét xử, công bố và thi hành án lệnh nhất thiết phải diễn ra tức khắc và chuẩn xác. Kỳ diệu thay, “cánh tay công tố” mẫn cán và “lực lượng cưỡng chế” hùng hậu luôn sẵn sàng thực thi phán quyết của Thiên Chúa, chính là toàn thể muôn vật muôn loài trong vũ trụ nầy, trong thiên nhiên, trong môi trường sống của chính con người. Chẳng những muôn loài thú vật, muôn loài cỏ cây, lúc nào cũng răm rắp vâng phục luật pháp Thiên Chúa, mà toàn thể ngũ hành – kim, mộc, thủy, hỏa, thổ – cũng cung cúc phụng mạng Đấng Tạo Hóa Chí Tôn, Chí Thánh, một khi phán quyết được ban bố. Động tác muôn loài muôn vật trong thiên nhiên thi hành phán quyết của Thiên Chúa tuyệt đối nhanh chóng, chính xác và đúng mực là kết quả – như đã trình bày bên trên – của bản chất trung thực, hồn nhiên, thủy chung và phục tùng của chúng trước uy quyền của Đấng Tạo Hóa. Toàn thể tạo thành – thiên nhiên – luôn luôn đứng về phía Thiên Chúa, Chủ Nhân duy nhất của chúng.
Hành động của muôn loài muôn vật, đồng loạt và nhất quán, quyết liệt và một mất một còn, chống lại con người, là một tuyên ngôn rõ ràng, tách bạch: con người đã mất hết tư cách của một quản gia có thẩm quyền, thừa lệnh Thiên Chúa lãnh đạo công trình sáng tạo hùng vĩ nầy. Đúng như câu: “thượng bất chính, hạ tắc loạn.” Vì con người dám tạo phản chống đối lệnh truyền của Thiên Chúa, hành xử như những kẻ tá điền bất lương,[46] chiếm đoạt trái phép vai trò chủ tể của Người trên toàn thể tạo thành, nên không còn lý do để vạn vật kính trọng và vâng phục con người. Còn hơn cả một cuộc nổi dậy long trời lở đất của những kẻ từng bị áp bức bất công để lật đổ chế độ hôn quân vô đạo, phản ứng của vũ trụ vạn vật chống lại con người vừa là một cuộc chiến tổng lực,[47] không khoan nhượng, vừa là một cuộc cách mạng có tầm mức phổ cập hoàn vũ.[48] Gọi là “tổng lực”, vì bất cứ phương tiện nào có thể vận dụng vào mục tiêu chiến tranh – nhân, tài, vật lực – đều được tận dụng không hạn chế. Gọi là “hoàn vũ” vì cuộc nổi dậy nầy không chỉ xảy ra ở cấp vĩ mô – trong thiên nhiên, trời đất của đại vũ trụ – mà còn cả trong cấp vi mô – trong từng tế bào, từng nguyên tử của tiểu vũ trụ – của mỗi cá thể con người và mọi thụ tạo khác.[49]
Đây là cuộc tổng phản công của vũ trụ vạn vật chống lại tội ác của con người để thoát khỏi tình trạng bị áp bức, lạm dụng và hủy hoại.[50] Không còn cảnh rừng xanh kêu cứu vì bị xâm hại, mà là tiếng thét xung trận uất hận của cỏ cây bị tàn phá, của muông thú bị cướp mất môi trường sống. Không còn là thảm trạng sông ngòi, biển khơi quằn quại, vật vã rên siết vì bị ô nhiễm, khai thác cạn kiệt, mà là cuộn cuộn sóng thần, thác lũ, tập hợp cơ man hải tộc, càn quét cứ địa và giận dữ đòi mạng của kẻ thủ ác.
Điều vô cùng quan trọng con người phải lập tức nhìn nhận, nếu không muốn “hối quá bất cập”, đó là trong cuộc chiến phế truất ách độc tài vô luân vô đạo của con người, chính nghĩa chính danh hoàn toàn không còn đứng về phía họ.
Kết Luận
Khi so sánh tầm nhìn và trách nhiệm của hai quan niệm thế tục và Ki-tô Giáo, chúng tôi không chủ tâm coi nhẹ phần đóng góp đáng khâm phục của khoa học cho đời sống con người. Hội Thánh chính thức nhìn nhận vai trò của khoa học trong việc thăng tiến các giá trị nhân văn.[51] Tuy nhiên, để giải quyết rốt ráo mọi vấn đề liên quan đến lẽ sống còn của con người – trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường – các biện pháp chỉ dựa trên khoa học thế tục đã bộc lộ tính phiến diện – nếu không muốn nói là sai lầm – và do đó không đủ thẩm quyền và khả năng hoàn thành được những gì con người vẫn mong đợi.[52]
Cơn khủng hoảng hầu như toàn diện đối với các giá trị – nhất là các giá trị văn hóa, luân lý và tâm linh – là hệ lụy tất yếu của cơn khủng hoảng các mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa – vừa là Đấng Tạo Hóa, vừa là Đấng Cứu Độ với đồng loại – với tính cách là thành viên, là huynh đệ, trong gia đình nhân loại – và với môi trường thiên nhiên – được lãnh nhận với lòng tôn kính và tri ân như gia sản vô giá của Thiên Phụ.
Trong tinh thần đó, con người phải xác tín việc bảo vệ môi trường chẳng những đơn giản là trách nhiệm pháp lý theo nguyên tắc công ích xã hội, hay cao hơn, như một ràng buộc lương tri vì đó là lẽ sống còn của cộng đồng nhân loại, mà trước hết và trên hết chính là để bảo vệ chính phẩm giá của mình. Nếu người tôi tớ trung thành và khôn ngoan được ông chủ trọng thưởng xứng đáng biết chừng nào, thì ngược lại, kẻ giúp việc bất lương phải chịu hậu quả tệ hại khôn lường.[53]
Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội nhìn nhận và tin tưởng khả năng con người quán xuyến được ngần ấy công việc khi lưu ý tầm mức trách nhiệm toàn diện và bao quát của các kế hoạch phát triển dựa vào thế lực khoa học kỹ thuật không những đối với người đồng loại mà còn đối với các thành viên khác trong “ngôi nhà chung môi trường thiên nhiên.”
“Khi áp dụng các thành quả khoa học và kỹ thuật vào việc phát triển thiên nhiên, cần phải tham chiếu với nguyên tác quan trọng nầy, đó là thái độ kính trọng con người, đi kèm với lòng tôn trọng tất cả các sinh vật khác. Ngay cả khi có ý định biến đổi các sinh vật ấy, con người phải thận trọng tìm hiểu bản chất và mối liên kết hỗ tương của từng vật thể trong một hệ thống đã được sắp đặt có quy củ. Theo tinh thần nầy, không thể tránh được mối quan ngại sâu xa về những tiềm năng đáng gờm của việc nghiên cứu sinh học, bởi lẽ chúng ta chưa đủ thẩm quyền để lượng định tình trạng xáo trộn về sinh học do hành vi thao túng bừa bãi trong lãnh vực gien di truyền và việc triển khai thiếu cân nhắc những hình thái mới cho thảo mộc và động vật”.[54]
[1] Xc. http://en.wikipedia.org/wiki/Natural_environment.
[2] Xc. http://www.fao.org/docrep/w5973e/w5973e07.htm.
[3] Xc. http://en.wikipedia.org/wiki/Greenhouse_effect.
[4] Xc. St 1:1-2.
[5] Xc. St 1:31.
[6] Chủ trương đề cao tinh thần và khinh miệt vật chất. xc Gerald O’Collins, S.J., “A Concise Dictionary of Theology”, Quezon City: Claretian Publications, 2001.
[7] Chủ trương vũ trụ có 2 nguồn gốc, một thiện và một ác. xc Gerald O’Collins, S.J., “A Concise Dictionary of Theology”, Quezon City: Claretian Publications, 2001.
[8] Tv 18:1-5.
[9] Đn 3:57-81.
[10] Lc 19:40.
[11] Xc. St 1:3.7.9.11.15.
[12] Tv 104:5-9.19-22.
[13] Tv 104:1-4.
[14] Tv 50:1-6.
[15] Xc. Xh 19:1-20:17.
[16] Xc. 1 V 19:8-18.
[17] Xc. 2 Sb 3:1; St 22:2.
[18] Xc. Mt 5:1.
[19] Xc. Mt 17:1.
[20] Xc. Ga 19:17.
[21] Xc. Lc 24:45-48; Cv 1:9-12.
[22] Xc. Xh 14:19-30; 15:22.
[23] Xc. Mt 3:13-17.
[24] Xc. Ga 3:5; Mc 14:22-25; Gc 5:14.
[25] St 2:15.
[26] Xc. St 2:7.
[27] Xc. Mt 25:21.
[28] Xc. Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, số 466.
[29] Xc. St 1:28-29.
[30] Tv 8:4-7.
[31] Xc. St 2:29.
[32] Đây là lý do vì sao Thiên Chúa luôn từ chối tiết lộ Thánh Danh của Người. Thay vào đó, con người chỉ được biết các biệt danh của Thiên Chúa. Thí dụ St 32:30; Xh 3:14.
[33] Xc. Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, số 465.
[34] Xc. Lc 12:42.
[35] Xc. Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, số 468.
[36] Xc. Lv 25:1-55.
[37] Xc. Lv 25:3-7.
[38] Lv 25:20-22.
[39] Tv 107:33-34.
[40] Xc. St 3:17-19.
[41] Xc. 1 Ga 4:16.
[42] Xc. Đnl 32:4; G 37:23; Tv 119.
[43] Xc. Dt 12:5-13.
[44] Xc. 2 Cr 5:18-21.
[45] Xc. Gc 4:12.
[46] Xc. Mt 21:33-43.
[47] Theo nghĩa cụm từ Anh Ngữ“all-out-war”.
[48] Theo nghĩa từ Anh Ngữ “universal”: áp dụng cho mọi người, mọi hòan cảnh, mọi thời gian và không gian.
[49] Xc. Nguyễn Văn Nhứt, O.P., Reconciliation in Christ—Theological Background for Inter-faith Dialogue. Manila:University of Santo Tomas, 2011.
[50] Xc. Rm 8:19-22.
[51] Xc. Hiến chế “Gaudium et Spes” (Vui Mừng Và Hy Vọng), các số 4, 5, 6, 36 và 59.
[52] Xc. Hiến chế “Gaudium et Spes” (Vui Mừng Và Hy Vọng), số 57.
[53] Xc. Mt 25:45-51.
[54] Xc. Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, số 459.