Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Bài chia sẻ trong dịp Tĩnh Tâm tháng 12/2015,
Tu viện Rất Thánh Mân Côi
Không biết nên gọi buổi tĩnh tâm này là “cuối năm” (vì diễn ra vào tháng cuối năm dương lịch, và cũng vào tuần lễ cuối học kỳ Một) hay là “đầu năm” (vì diễn ra vào tháng đầu của năm phụng vụ, và cũng là tháng đầu của năm Toàn xá ngoại thường). Dù sao, vào các dịp tĩnh tâm, người ta thường chọn một đề tài “thiêng liêng”, để thay đổi bầu khí căng thẳng của các lớp Triết-Thần vốn nặng về lý thuyết! Nhưng lần này, tôi xin chọn một đề tài mang tính cách “trần thế” (chứ không thiêng liêng), vì nhiều lý do. Chúng ta vừa bắt đầu Năm Thánh của Dòng với khẩu hiệu: “Ra Đi Loan Báo Tin Mừng”. Thế nhưng, Tin Mừng ấy không liên quan đến các hành tinh trên trời cho bằng những vấn đề của con người thời nay, theo như những lời mở đầu của Hiến chế Gaudium et spes mà chúng ta sắp kỷ niệm 50 năm ngày ban hành (07-12-1965): “Vui Mừng và Hy Vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng của họ”.[1] Tin Mừng mà chúng ta loan báo hôm nay là Tin Mừng của lòng thương xót dành cho một thế giới đang bị xáo trộn vì bạo lực cũng như vì nhiều cảnh chênh lệch bất công. Mặt khác, trong kế hoạch mục vụ ba năm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 2016 sắp đến được dành cho việc mang “Tin Mừng vào đời sống xã hội”, cách riêng nhờ việc học hỏi “Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội”.
Thế nhưng, giả như có ai hỏi rằng: “Giáo huấn xã hội của Giáo hội là gì?” thì không biết có bao nhiêu người trong tu viện chúng ta có khả năng trả lời. Các sinh viên không có khả năng trả lời là chuyện đương nhiên, bởi vì môn học này được dành cho học kỳ chót của năm thứ Tư, nghĩa là những người sắp sửa ra trường. Nhưng thử hỏi, về phía các linh mục, có bao nhiêu vị có một khái niệm về Giáo huấn xã hội của Giáo hội?. Tôi dám nêu lên nghi vấn như vậy do chính kinh nghiệm bản thân. Cách đây gần 4 năm, khi bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn nhờ tôi giúp một nhóm giáo dân học hỏi về Giáo huấn xã hội của Giáo hội, tôi cảm thấy lúng túng; và phải mất khá nhiều thời gian để có một ý tưởng về ngành này. Một niềm an ủi lớn lao là thậm chí các Đức Giáo Hoàng cũng không luôn luôn có ý tưởng rõ rệt về môn này. Thật vậy, tuy những văn kiện đầu tiên ra đời vào cuối thế kỷ XIX,[2] nhưng phải chờ đến cuối thế kỷ XX, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mới xác định cho nó như là một ngành của thần học luân lý qua Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (ngày 30/12/1987).
Trước khi vào đề, thiết tưởng nên đánh tan vài ngộ nhận, từ bên ngoài và từ bên trong Giáo hội, hầu hết do vấn đề từ ngữ!
I. VẤN ĐỀ TỪ NGỮ
1. Bên ngoài Giáo hội
Có hai vấn nạn đặt ra:
– a/. Chúng ta đang sống trong một quốc gia theo xã hội chủ nghĩa; vì thế, mỗi lần nghe nói đến “xã hội”, nhiều người dễ nổi da gà! Tại sao? Vì Giáo huấn xã hội của Giáo hội có dính dáng gì đến Xã Hội Chủ Nghĩa không? Tôi xin thưa rằng: Giáo huấn xã hội của Giáo hội không phải là một dạng thức của Xã Hội Chủ Nghĩa, mặc dù phần lớn Giáo huấn xã hội của Giáo hội nhằm trả lời các thách đố của Xã Hội Chủ Nghĩa (dù sao, nên biết rằng, có nhiều hình thức Xã Hội Chủ Nghĩa, như sẽ thấy ở phần sau).
– b/. Giáo huấn xã hội của Giáo hội có khác Xã-hội-học không? Thưa rằng có; sự khác biệt quan trọng nhất nằm ở phương pháp luận. Xã hội học là một môn học thực nghiệm ra đời trong thế kỷ XIX (Auguste Comte, Emile Durkheim), nghĩa là dựa trên việc quan sát các hiện tượng để phát biểu các học thuyết;[3] còn Giáo huấn xã hội của Giáo hội là một môn học quy phạm, tìm cách phát biểu các nguyên tắc tổ chức một xã hội phù hợp với chân lý (Triết học hay Tôn giáo). Một thí dụ cụ thể: Giáo huấn xã hội của Giáo hội đề ra nguyên tắc hôn nhân bất khả ly, dựa trên bản chất của hôn nhân và dựa trên luật Thiên Chúa; Còn Xã hội học nghiên cứu thực trạng của hôn nhân: bao nhiêu đôi hôn nhân bền vững, bao nhiêu đôi tan vỡ cũng như các cuộc tái hôn. Tuy là hai môn khác biệt, nhưng chắc hẳn có nhiều tương quan, như sẽ thấy.
2. Bên trong Giáo hội
Xét từ trong Giáo hội, một vấn nạn được đặt ra liên quan đến danh xưng của môn này: “Học thuyết xã hội”, “Luân lý xã hội”, “Giáo huấn xã hội”?. Xin thưa rằng, điều này một phần lệ thuộc vào quan niệm về bản tính của môn học; đàng khác, tùy thuộc về việc dịch thuật.
– a/. Xét về bản tính, “Học thuyết” (hoặc “Đạo lý”) có thể hiểu như một hệ thống tư tưởng (Marxit cũng là một học thuyết); “Luân lý” (hoặc “Đạo đức”) muốn nêu bật tính cách thực hành, biết điều gì phải làm hoặc không được phép làm; “Giáo huấn” muốn nhấn mạnh đến uy tín của nó, bởi vì là một hành vi của Huấn quyền Giáo hội.
– b/. Xét về dịch thuật, thì các từ “Đạo lý”, “Giáo lý”, “Giáo huấn” đôi khi được xem như đồng nghĩa, dịch từ tiếng Latin “Doctrina” (động từ “Docere” trong tiếng Latin) vừa có nghĩa là hành vi giảng dạy (Teaching) vừa có nghĩa là nội dung được giảng dạy (“Doctrine”; chẳng hạn: “Doctrine of faith”, đạo lý đức tin).
Sau những mào đầu như vậy, chúng ta đi vào đề tài, với 3 câu hỏi: 1/ Tại sao (Why) Giáo hội lên tiếng về vấn đề xã hội. 2/ Giáo huấn xã hội của Giáo hội gồm những đề tài nào (What)?. 3/ Giáo huấn xã hội của Giáo hội được xây dựng như thế nào (How)?
II. GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
A. Tại sao Giáo hội can thiệp vào vấn đề xã hội?
Có hai cách trả lời: lý do lịch sử và lý do thần học
1. Lý do lịch sử
Từ lâu, Giáo hội vốn lên tiếng về các vấn đề liên quan đến đức tin và luân lý. Tuy nhiên, vào những thế kỷ gần đây, nhiều lý thuyết xã hội đã được đề ra và gây nhiều cuộc cách mạng chính trị tại châu Âu, điển hình qua hai chủ nghĩa đối lập nhau: tự do và xã hội; một bên đề cao tự do của cá nhân, bên kia đề cao vai trò của tập thể. Thật ra, đàng sau hai nhãn hiệu “tự do” và “xã hội”, chúng ta gặp thấy rất nhiều chủ trương khác nhau.
a/. Thuyết tự do (Libéralisme) có thể hiểu theo nhiều nghĩa: tôn giáo, chính trị, kinh tế.
– Nghĩa tôn giáo của các triết gia duy lý: Tự do là đặc trưng của con người. Con người hãy biết dùng lý trí và tự do để điều khiển cuộc đời của mình, không cần phải tuân theo một quy tắc luân lý nào cao hơn. Do đó, Thiên Chúa và luật luân lý tự nhiên bị gạt ra một bên.
– Nghĩa chính trị của các nhà tư tưởng cách mạng Pháp, cảm hứng từ Jean Jacques Rousseau. Theo ông, vào lúc nguyên thủy, con người sống tự do biệt lập. Vì diều kiện sinh tồn, họ kết ước với nhau để họp thành xã hội. Tuy nhiên, trong “hợp đồng xã hội” ấy, họ giữ lại một vài quyền tự do, chứ không chuyển nhượng cho xã hội. Do đó, vai trò của chính quyền là phải tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do của các công dân. Tiếc rằng tự do mang tính cách cá nhân và không chịu tuân theo một quy tắc luân lý khách quan.
– Nghĩa kinh tế, thuyết tự do cho rằng hoạt động kinh tế có những định luật riêng của thị trường (thí dụ: luật cung cầu), và chúng tự điều hành. Nhà nước không được can thiệp vào hoạt động kinh tế của tư nhân (Laissez faire, Laissez passer). Ta có thể kể ra những thuyết gia tiêu biểu: Quesnay, Adam Smith, Ricardo. Trong thực tế, thuyết tự do đưa đến chủ nghĩa tư bản (Capitalisme), đề cao quyền tư hữu trong các phương tiện sản xuất, và thị trường tự do.
b/. Một cách tương tự, thuyết xã hội (Socialisme) cũng có thể hiểu theo nhiều nghĩa và mang nhiều hình thức: nhân văn, chính trị, kinh tế.
– Nghĩa nhân văn. Đối lại với thuyết tự do cho rằng cá nhân có trước xã hội, thuyết xã hội chủ trương rằng xã hội có trước cá nhân. Dựa theo thuyết tiến hoá, họ cho rằng vào thời nguyên thuỷ, con người sống theo bầy đàn giống như thú vật, rồi dần dần mới có ý thức về cá nhân và tư hữu.
– Nghĩa chính trị. Các chế độ toàn chế (Totalitarisme) trong thế kỷ XX tại châu Âu (Quốc xã, Phát xít, Cộng sản), chủ trương tập trung quyền bính vào một lãnh tụ hoặc một đảng phái lãnh đạo quốc gia. Các cá nhân được hưởng tự do trong tầm mức mà xã hội ban cấp. Hậu quả của các chế độ toàn chế là tính độc tài của tập thể chỉ huy (Đảng, Nhà nước, hoặc Lãnh tụ): Xã hội là tất cả.
– Nghĩa kinh tế, điển hình là học thuyết của Karl Marx. Đứng trước những bất công do giới tư bản gây ra cho lớp vô sản, Marx chủ trương tập trung tư bản và các công cụ sản xuất vào tay của tập thể.
Trên thực tế, có nhiều hình thức xã hội chủ nghĩa: “xã hội cộng sản” (và cộng sản cũng có nhiều dạng thức) hoặc “xã hội dân chủ”, đó là chưa kể những quan niệm khác nhau về “xã hội”, chẳng hạn giữa xã hội dân sự và Nhà Nước, giữa xã hội chính trị và xã hội tôn giáo.
Tóm lại, thuyết tự do đề cao cá nhân đến nỗi bỏ qua tập thể; thuyết xã hội đề cao tập thể đến nỗi đòi hy sinh cá nhân. Cả hai gặp nhau ở chỗ là gạt bỏ Đấng Tạo Hoá và luật luân lý tự nhiên khỏi đời sống xã hội; vì thế giới hạn viễn ảnh cuộc sống con người: ra như con người chỉ đóng khung vào những hoạt động kinh tế ở trần thế này. Cách mạng Pháp đặt lý trí làm tiêu chuẩn tối thượng cho chân lý; cách mạng vô sản của Marx coi tôn giáo là đồ tha hóa. Có thể nói được là hai chủ thuyết này là đầu mối của những cuộc cách mạng chính trị và kinh tế, lúc đầu còn giới hạn trong một vài quốc gia, dần dần mở rộng sang châu Âu, và sớm lan rộng đến toàn thế giới, do ảnh hưởng của các chính sách đế quốc thực dân hoặc phong trào giải phóng quốc tế. Trong bối cảnh ấy, các Giáo Hoàng đã lên tiếng để trình bày giáo huấn xã hội, và đã gây rắc rối cho nhiều phía: tại sao Giáo hội lại can thiệp vào các vấn đề chính trị, kinh tế?
B. Những vấn đề Giáo huấn xã hội của Giáo hội quan tâm
1. Lý do thần học
Ta có thể tóm tắt vào ba lý do chính:
a/. Giáo hội lên tiếng về các vấn đề xã hội bởi vì nó nằm trong sứ vụ loan báo Tin Mừng: Giáo hội có bổn phận phải vạch rõ cho thấy trong các hành động của con người điều gì đúng điều gì sai, điều gì phù hợp hoặc trái nghịch với con đường cứu độ.
b/. Một cách cụ thể, Giáo hội theo gương Đức Kitô là Thầy và thủ lãnh của mình. Đức Giêsu loan báo Vương quốc Thiên Chúa bằng lời nói và bằng hành động, nhằm bày tỏ lòng lân tuất của Thiên Chúa đối với những người bất hạnh: những người bệnh tật, những kẻ bị quỷ ám, những kẻ tội lỗi. Người muốn mang lại hạnh phúc cho nhân loại, bằng cách đẩy lui sự ác ra khỏi thân thể và tâm hồn con người. Người cũng muốn chữa lành các mối tương quan giữa con người, vượt lên những kỳ thị, tranh chấp (giữa những người tự coi là công chính và khinh thường những kẻ tội lỗi; giữa những người giàu và người nghèo). Một cách tương tự như vậy, Giáo hội không chỉ rao giảng ơn cứu độ dành cho linh hồn và cá nhân, nhưng còn tìm cách chữa lành những vết thương của thân thể và những lệch lạc trong các cơ cấu xã hội.
c/. Giáo hội không chỉ là hàng giáo phẩm mà còn là cộng đồng các môn đệ của Đức Kitô. Các Kitô hữu có nghĩa vụ thực thi đức công bình và bác ái. Lòng yêu thương tha nhân dành cho các người nghèo không chỉ dừng lại ở các việc bố thí mà còn gắng tìm các xoá bỏ những nguyên nhân đưa đến tình trạng nghèo đói nữa. Muốn thế, cần phải tìm cách đưa những nguyên tắc của công bình bác ái vào các cơ cấu xã hội.
2. Giáo huấn xã hội gồm những đề tài nào?
Chúng ta cũng có thể đưa ra hai kiểu trả lời: 1/ Dưới khía cạnh lịch sử. 2/ Dưới khía cạnh thần học.
a. Lịch sử
Có một sự mở rộng các lãnh vực can thiệp của Giáo huấn xã hội của Giáo hội trong vòng hơn một trăm năm qua: từ vài lãnh vực cụ thể sang toàn bộ các vấn đề nhân sinh.
1/. Mặc dầu các Giáo Hoàng đã lên tiếng từ lâu về các vấn đề xã hội, nhưng các học giả lấy Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII (15/5/1891) làm khởi điểm cho Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Thông điệp ra đời trong bầu khí tranh chấp giữa thuyết tự do và xã hội, giữa giai cấp tư bản và giai cấp vô sản xảy ra trong cuộc cách mạng kỹ nghệ; vì thế thông điệp đề cập các vấn đề liên quan đến quyền tư hữu, lao động, và nói chung là các vấn đề thuộc phạm vi kinh tế.
2/. Vào thập niên 30 của thế kỷ XX, châu Âu chứng kiến sự bá chủ của các chủ nghĩa toàn chế: Cộng sản, Quốc xã, Phát xít. Các Thông điệp của Đức Piô XI đề cập đến tương quan giữa chính quyền và tự do của công dân. Nói cách khác, Giáo huấn xã hội của Giáo hội mở sang các vấn đề chính trị.
3/. Cuộc thế chiến thứ hai bùng nổ năm 1939, kéo dài qua các cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự do và Cộng sản, đã khiến Giáo hội phải lên tiếng về chiến tranh và hòa bình. Từ nay, câu chuyện “xã hội” vượt ra khỏi biên cương của quốc gia và mang một chiều kích quốc tế, như ta thấy nơi các diễn văn của Đức Piô XII, các Thông điệp của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Hiến chế Gaudium et Spes của Công Đồng Vatican II.
4/. Cũng trong thế kỷ XX, từ thập niên 60, người ta nhận thấy hố ngăn cách giàu nghèo không chỉ xảy ra trong biên cương quốc gia (tư bản / vô sản) như trước đây, nhưng mở rộng đến toàn thế giới: giữa khối Bắc (các nước kỹ nghệ) và khối Nam (các nước đang phát triển). Tình trạng này kéo dài với những hiện tượng toàn cầu hóa vào cuối thế kỷ XX. Những vấn đề xã hội mang những danh xưng mới, tựa như: Phát triển, Môi trường, như ta đọc thấy trong các văn kiện của các Giáo Hoàng sau Công Đồng Vatican II.
b. Thần học
Giáo huấn xã hội của Giáo hội mở rộng đến nhiều lãnh vực khác nhau, tùy theo những đòi hỏi của thời thế. Tuy vậy, dần dần người ta khám phá ra một sự liên hệ hữu cơ giữa các đề tài ấy, tựu trung xoay quanh những chiều kích khác nhau của con người. Nói khác đi, những sai lầm của các học thuyết kinh tế chính trị trong những thế kỷ gần đây bắt nguồn từ những cái nhìn thiếu sót về con người.
Vào Cổ thời, có những triết thuyết chỉ coi linh hồn mới thực sự là phần tinh anh của con người, còn thân xác chỉ là cái tù ngục của linh hồn; đối lại là thuyết duy vật, phủ nhận chiều kích thiêng liêng của con người. Vào thời Cận đại, đặc biệt trong lãnh vực kinh tế chính trị, có những thuyết đề cao tự do cá nhân, chống lại các chế độ độc tài; đối lại, có những thuyết nhấn mạnh chiều kích xã hội chống lại những chế độ tư bản bóc lột người nghèo. Vì thế cần có một cái nhìn toàn diện về con người, duy trì một sự quân bình giữa các yêu sách đôi khi xem ra trái nghịch nhau: con người không phải là một cá thể tuyệt đối, nhưng cũng không chỉ là một tế bào chức năng của một hệ thống; cần đề cao phẩm cách của con người, là một nhân vị độc nhất vô nhị trên đời; tuy nhiên, con người không phải là một hữu thể tự lập, nhưng cần đến cộng đồng xã hội để phát triển bản thân.
Hiến chế Gaudium et Spes của Công Đồng Vatican II đã có công lớn trong việc trình bày một cái nhìn thống nhất về con người.[4] Con người là một đơn vị duy nhất, gồm bởi xác và hồn, là chủ thể của các hành vi luân lý. Linh hồn thiêng liêng và bất tử là nguyên tố hợp nhất của con người, nhờ đó con người hiện hữu như một ngôi vị. Con người có hai đặc điểm khác nhau: vừa là hữu thể vật chất có liên quan với thế giới này nhờ thân xác, vừa là hữu thể thiêng liêng, mở rộng đến chiều kích siêu việt.
– Nhờ thân xác, con người được gia nhập vào vũ trụ; nhờ linh hồn, con người vượt lên vũ trụ. Nhờ thân xác, con người đã thống nhất nơi mình các yếu tố của thế giới vật chất. Vũ trụ đạt được chóp đỉnh nơi thân xác con người, và có thể tự do ca ngợi Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, cũng do thân xác mà con người cảm nghiệm những cuộc nổi loạn và những khuynh hướng ngang trái của con tim.
– Nhờ linh hồn, con người khám phá rằng mình vượt hơn thế giới vật chất. Con người biết rằng linh hồn của mình bất tử, và mình không phải là một yếu tố vô danh của xã hội.
– Con người là một nhân vị, có lý trí và tự do, nhưng sống trong xã hội chứ không đơn độc. Con người cũng được nhìn trong lịch sử cứu độ, nghĩa là được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng cũng mang nhiều vết thương của tội lỗi, khiến cho các tương quan với tha nhân bị lệch lạc.
Như vậy “con người” trở thành tiêu chuẩn đánh giá các thực tại kinh tế, chính trị. Tất cả nhằm đến sự phát triển “toàn thể con người” và “toàn thể loài người”. Một vài thí dụ:
+ Lao động vì con người, chứ không phải con người vì lao động (không thể đối xử một công nhân như một dụng cụ sản xuất).
+ Kinh tế phục vụ con người chứ không phải con người phục vụ kinh tế: con người đừng làm nô lệ cho tài sản vật chất, nhưng hãy mang tài sản phục vụ cộng đồng nhân loại, cách riêng là những người nghèo.
+ Nhà Nước cần nhắm đến công thiện của xã hội. Công thiện bao gồm phúc lộc vật chất cũng như các giá trị tinh thần. Nhà Nước cần chấp nhận để các công dân và xã hội dân sự cũng được quyền tham gia vào việc xây dựng công thiện.
C. Giáo huấn xã hội của Giáo hội được xây dựng như thế nào?
Câu hỏi này liên quan đến phương pháp luận của Giáo huấn xã hội của Giáo hội. Chúng ta có thể trả lời qua ba điểm: nguồn mạch, tiến trình, thẩm quyền.
1. Nguồn mạch
Nguồn mạch của “Giáo huấn xã hội của Giáo hội” là Mặc khải và lý trí, tương tự như các ngành thần học khác. Khi nói đến lý trí, chúng ta hãy nghĩ đến triết học cũng như các khoa học nhân văn. Điều này giả thiết một việc nghiên cứu liên ngành, với những giới hạn sẽ nói dưới đây.
2. Phương pháp làm việc
Giáo huấn xã hội của Giáo hội không phải là một khoa học suy diễn, đi từ nguyên tắc tổng quát rồi rút ra những hệ luận, cũng không phải là một khoa học thực nghiệm, rút ra những kết luận từ việc quan sát các dữ kiện. Bản chất Giáo huấn xã hội của Giáo hội là phân định những sự kiện xã hội dưới ánh sáng của Lời Chúa. Điều này giả thiết trước hết là nắm bắt tình hình (sự kiện), sau đó phân tích, suy tư, lượng định dưới ánh sáng của Lời Chúa. Đàng khác, Giáo huấn xã hội của Giáo hội không phải là bộ môn thuần túy lý thuyết nhưng dẫn tới hành động.
Từ đó, phương pháp Giáo huấn xã hội của Giáo hội gồm ba giai đoạn, được diễn tả như là: “Xem – Xét – Làm”. Đây là phương pháp đã được sử dụng nơi phong trào Thanh Lao Công (Jeunesse Ouvrière Chrétienne, do cha Joseph Cardijn thành lập năm 1925), và trở thành thông dụng trong Giáo hội. Thực ra, tiến trình làm việc phức tạp hơn nhiều:
– a/. Trong giai đoạn “Xem”, cần nghiên cứu các hiện tượng xã hội, nhờ những phương pháp của các môn xã hội học;
– b/. Trong giai đoạn “Xét”, người tín hữu không chỉ dùng lý trí để phân định (dựa theo những phương pháp triết lý và thần học), nhưng còn cần đến kinh nghiệm đức tin nữa;
– c/. Trong giai đoạn “Hành”, không những ta cần đến sáng kiến để tìm ra những giải pháp mới, nhưng còn cần đức khôn ngoan để chọn lựa giải pháp cụ thể nào thích hợp nhất.
Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô (24/05/2015). Mặc dù văn kiện được chia làm 8 chương, nhưng ta có thể nhận thấy cấu trúc xây dựng ba phần:
+ “Xem” (Chương 1: Các dữ kiện khoa học về tình trạng môi sinh);
+ “Xét” (Chương 2-4: Dưới ánh sáng mặc khải, suy tư);
+ “Làm” (Chương 5-6).
3. Thẩm quyền
Như đã nói trên đây, Giáo hội can thiệp vào các vấn đề xã hội (kinh tế, chính trị) dưới khía cạnh luân lý, là lãnh vực chuyên biệt của mình. Trên thực tế, xét về cấp độ thẩm quyền của giáo huấn, người ta phân biệt ba cấp độ khác nhau: [5]
– a/. Nguyên tắc suy tư;
– b/. Tiêu chuẩn phán đoán;
– c/. Định hướng hành động.
Những “Nguyên tắc” thì có tính cách bền vững, bởi vì dựa trên Kinh Thánh hay luật tự nhiên.[6] Các “Phán đoán” áp dụng các nguyên tắc vào những thực trạng cụ thể. Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ Thông điệp Laudato Si’. Thông điệp có thể xếp vào cấp thứ hai (tiêu chuẩn phán đoán) về tương quan của con người đối với vũ trụ, dựa trên các nguyên tắc: “Công thiện” (số 156-158); “Hỗ trợ” (số 157; 196); “Liên đới” (số 14, 58, 142, v.v…). Các “Hành động” thì cần được thích nghi vào những hoàn cảnh từng nơi từng thời. Đức Thánh Cha tuyên bố rằng, Giáo hội không chủ trương quyết định những vấn đề khoa học (số 188). Trọng tâm của giáo huấn nằm ở việc bảo vệ con người khỏi bị hủy diệt (số 79); việc bảo vệ môi trường sinh sống nhắm bảo vệ sự sống con người của thời hôm nay cũng như các thế hệ tương lai. Điều này đòi hỏi một “nhân luận toàn diện” (số 118).
KẾT LUẬN
Để kết luận, tôi thêm một câu hỏi và một ghi nhận.
1/. Một câu hỏi: tìm đâu ra Giáo huấn xã hội của Giáo hội (where)?
Dĩ nhiên, chúng ta chỉ muốn nói đến những tài liệu ngắn gọn chứ không nói đến các sách vở chuyên môn. Tài liệu vừa tầm tay hơn cả là Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, đặc biệt là Phần thứ ba (Luân Lý), trong đó chương hai được dành để bàn về cộng đồng nhân loại (số 1877-1948): ta có thể tìm thấy những nguyên tắc tổng quát về tương quan giữa cá nhân và xã hội. Kế đó, Sách Giáo lý bàn về các vấn đề cụ thể rải rác ở nhiều đoạn: Quyền bính trong xã hội dân sự (số 2234-2246, liên quan đến giới răn thứ bốn); Việc bảo vệ hòa bình (số 2302-2317, liên quan đến giới răn thứ năm); Các đề tài về tư hữu (số 2402-2418), hoạt động kinh tế và công bằng xã hội (số 2426-2442), lòng yêu thương ngưởi nghèo (số 2443-2449) trong mục về giới răn thứ bảy.
Một tác phẩm trình bày cách hệ thống Giáo huấn xã hội của Giáo hội là cuốn “Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội”, do “Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình” xuất bản năm 2004.[7]
2. Một nhận xét nữa: Dòng Đaminh với Giáo huấn xã hội của Giáo hội
Nhân dịp kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng Anh Em Giảng thuyết, thiết tưởng nên nhắc qua vài khuôn mặt đã góp phần quan trọng cho Giáo huấn xã hội của Giáo hội.
– Đứng đầu là thánh Tôma Aquinô, được sách “Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội” trưng dẫn 26 lần (thánh Augustin 2 lần).
– Mỗi khi nói đến việc tranh đấu cho nhân quyền, không thể nào bỏ qua Cha Bartolomé de Las Casas và trường phái Salamanca. Dẫn đầu bởi Cha Francisco de Vitoria (1483-1546) trong thế kỷ XVI. Vào giữa thế kỷ XX, hai nhân vật nổi bật là: cha Lebret người Pháp và cha Pire người Bỉ.
– Cha Louis Joseph Lebret (1897-1966), với quan điểm kinh tế phục vụ con người, đã thảo kế hoạch kinh tế cho nhiều chính phủ ở Nam Mỹ, Phi châu và Á châu (trong đó có Việt Nam), và được Đức Thánh Cha Phaolô VI mời soạn thảo Thông điệp Populorum Progressio (26-3-1967).
Cha Dominique Pire (1910-1969) đã được trao giải thưởng Nobel hòa bình năm 1958 vì những công cuộc cứu trợ người di cư tại châu Âu sau thế chiến thứ hai, và công tác huấn luyện hòa bình.
Chúng ta được mời gọi hãy cố gắng để tiếp nối các Cha Anh, nếu không phải để đề xướng các học thuyết thích hợp với những đòi hỏi của thời đại hôm nay, thì ít là để phổ biến và huấn luyện cho các huynh đoàn giáo dân Đaminh, mà nhiệm vụ đặc trưng là thấm nhuần các thực tại trần thế với các giá trị Tin Mừng.
[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 1.
[2] Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum, ngày 15/5/1891.
[3] Phan Tấn Thành, Nhân sinh quan Kitô giáo (Đời sống tâm linh VIII), Rôma 2009, trang 204-206.
[4] X. Francesco Scanziani, Nhân luận trong Hiến chế Gaudium et Spes, Thời sự thần học số 67 (tháng 2/2015) trang 31-53.
[5] Theo nguyên bản Italia: principi di riflessione – criteri di giudizio – direttrici di azione (xc. TLHT, số 7; 81; 85). Sự phân biệt ba cấp độ này đã được nói đến trong Thông điệp Sollicitudo rei socialis, số 3, và lặp lại trong sách GLCG, số 2423. Xem thêm văn kiện của bộ Giáo dục Công giáo, số 3.
[6] Bốn nguyên tắc chính yếu là: phẩm giá con người; công thiện; hỗ trợ; liên đới.
[7] Vài tài liệu khác: Bộ Giáo dục công giáo, Những định hướng cho việc nghiên cứu và giảng dạy Giáo huấn xã hội trong việc đào tạo linh mục, (30-12-1988). Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo, Nxb Phương Đông 2011. Phan Tấn Thành, Mang Tin mừng vào các thực tại trần thế (Đời sống tâm linh XIII), Nxb Tôn giáo Hà Nội 2015.