Tác giả: Rafael Maria Sanz de Diego S.J.
Chuyển ngữ: Học Viện Đaminh
LTS: Đã có nhiều người viết về lịch sử Giáo huấn Xã hội của Giáo hội (= GHXH), nhưng có lẽ ít khi trình bày một cái nhìn tổng quan về những vấn đề được trình bày. Trong bài thuyết trình tại giảng đường phân khoa thần học Santander ngày 29 tháng giêng năm 2008, linh mục Rafael M. Sanz de Diego, S.J. cho thấy sự tiến triển của GHXH không những qua việc mở rộng các đề tài, nhưng còn qua các tiếp cận vấn đề. Tác giả là giáo sư đại học giáo hoàng Comillas Madrid. Các tác phẩm tiêu biểu: Pensamiento social cristiano, 2 vols. (1998) y Una nueva voz para nuestra época (3ª ed. 2006), Moral politicia (2012).
Sau nhập đề trình bày một thoáng nhìn về lịch sử GHXH, bài thuyết trình được chia làm ba phần:
1/ Điểm qua các đề tài.
2/ Những giải đáp cho các vấn đề thời thế.
3/ Những hướng tiến triển.
***
NHẬP ĐỀ : LỊCH SỬ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
Giáo huấn Xã hội của Giáo hội không bắt đầu với Rerum novarum (1891). Thông điệp này chỉ là văn kiện “chuyên khảo” đầu tiên của một Giáo hoàng về những vấn đề xã hội, tóm tắt tư tưởng của những năm trước đó. Tuy vậy, chúng tôi tạm chấp nhận như là khởi đầu. Từ đó đến nay, GHXH có thể chia thành ba giai đoạn:
1. Giai đoạn đầu dài nhất, bao gồm 50 năm, nhưng lại ít văn kiện:
– Rerum novarum, của đức thánh cha Lêô XIII, năm 1891.
– Quadragesimo anno, của đức thánh cha Piô XI, năm 1931, được ban hành 40 năm sau thông điệp Rerum novarum.
– La Solennità, năm 1941, không phải là một thông điệp, nhưng là một diễn từ của đức thánh cha Piô XII nhân kỷ niệm 50 năm thông điệp Rerum novarum.
2. Trong thập niên 60-70 bắt đầu tăng gia các văn kiện và kéo dài sang thế kỷ XXI:
– Mater et Magistra và Pacem in Terris, cả hai đều của đức thánh cha Gioan XXIII, vào năm 1961 và 1963.
– Gaudium et Spes, của công đồng Vaticanô II, năm 1965.
– Populorum Progressio và Octogesima Adveniens, của đức thánh cha Phaolô VI, năm 1967 và 1971.
Ta thấy rằng trong vòng 50 năm đầu chỉ có hai thông điệp và một diễn từ, và trong vòng 10 năm kế tiếp, chúng ta thấy 5 văn kiện, và còn nhiều nữa mà tôi không kể.
3. Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đã viết nhiều về GHXH.
Trước đây, ngài đã từng làm giáo sư môn luân lý xã hội và đã có những ý tưởng rất rõ rệt về vấn đề này trước khi trở thành vị lãnh đạo toàn thể Giáo hội. Sau đây là những văn kiện được phát hành:
– Laborem Exercens, năm 1981, nhân kỷ niệm 90 năm thông điệp Rerum novarum.
– Hai Huấn thị về Thần học giải phóng, năm 1984 và 1986, tuy được viết bởi Bộ Giáo lý Đức tin mà Hồng y Ratzinger đứng đầu, nhưng phản ánh tư tưởng của đức Gioan Phaolô II, người cho phép phát hành.
– Văn kiện thứ ba, Những định hướng cho việc học hỏi GHXH của Bộ Giáo dục Công giáo (1988).
– Thông điệp Solicitudo Rei Socialis năm 1987
– Thông điệp Centesimus Annus, năm 1991, nhân 100 năm thông điệp Rerum novarum
– Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, năm 1992. Lần đầu tiên trong một sách giáo lý, có một khảo luận ngắn về GHXH khi bàn về điều răn thứ bảy.
– Toát yếu Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, năm 2004.
Hai tháng trước khi băng hà, và nhân dịp kỷ niệm 100 năm cắt đứt bang giao giữa Giáo hội và Nhà nước, đức Gioan Phaolô II đã viết một bức thư rất sâu sắc gửi Chủ tịch Hội đồng Giám mục nước Pháp.
4. Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã viết hai thông điệp, tuy không thông điệp nào được coi là xã hội:[1]
– Deus Caritas est, năm 2006; trong phần thứ hai có nhắc đến GHXH.
– Spe Salvi, năm 2007.
Trong các bài diễn từ, nhiều lần Ngài đả động đến GHXH, đặc biệt là vấn đề trung lập của Nhà nước đối với tôn giáo và luân lý (laicidad), tương quan giữa đức tin và lý trí.
Một thoáng nhìn về lịch sử GHXH cho phép chúng tôi đưa ra ba nhận xét và vài câu hỏi:
* Nhận xét thứ nhất là mối lưu tâm: như đã nói trên, từ năm 1961, các văn kiện gia tăng cách khác thường.
* Nhận xét thứ hai là đề tài đa dạng: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, v.v.. Khi bàn đến các vấn đề này, có một sự tiến triển, bởi vì nếu không thì lặp đi lặp lại một luận điệu sẽ trở thành vô nghĩa. Nhưng mà tiến về đâu? Đây là điều mà chúng tôi sẽ trả lời trong phần thứ ba của bài thuyết trình.
* Nhận xét thứ ba là một câu hỏi: GHXH có đáp ứng cân xứng với những vấn đề hiện nay không, hay là chỉ “nói trên mây gió”? Lắm lần chúng ta có cảm tưởng rằng các linh mục giảng cho một thế giới mơ hồ, và phải chăng điều này cũng xảy ra cho những văn kiện của các đức giáo hoàng?
I. ĐIỂM QUA CÁC ĐỀ TÀI
A. Các đề tài kinh tế vẫn còn đứng hàng đầu trong GHXH. Mater et Magistra nói rất nhiều về nông nghiệp và việc toàn cầu hóa; tuy danh từ “toàn cầu hóa” chưa được sử dụng, nhưng thông điệp ý thức rõ rệt về tiến trình của kinh tế mang một chiều kích toàn cầu.
Tại công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes đề cập đến những biến đổi kinh tế ở bình diện hoàn vũ. Tuy mang danh là một công đồng hoàn vũ (concilium oecumenicum), nhưng rốt cục công đồng không nhìn xa hơn châu Âu, và chẳng nhắc đến châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Vào thời ấy, người ta chưa có ý thức về điều này.
Sự phát triển là chủ đề của Populorum Progressio. Lao động là đề tài chính của Laborem Exercens. Kinh tế vĩ mô là đề tài của Solicitudo Rei Socialis. Và những thay đổi kinh tế tiếp theo sự sụp đổ của bức tường Bá-linh là đề tài của Centesimus Annus.
B. Các đề tài chính trị luôn luôn là bối cảnh của GHXH. Pacem in Terris là một tổng lược giáo huấn của Giáo hội về chính trị được viết trong thời kỳ hòa bình. Tổng lược của Học thuyết Giáo hội về chính trị vào thời cận đại đã được thảo hoạch dưới thời đức Lêô XIII, một thời điểm tương đối hòa hoãn giữa chủ nghĩa tự do và Giáo hội. Đức Piô XI bày tỏ một lập trường rõ rệt trước những chế độ toàn trị (totalitarismus) dưới mọi hình thức. Đức Piô XII tiếp tục hướng đó. Nhưng đã tới lúc không còn tranh chấp nữa, và Pacem in Terris trình bày luân lý chính trị của Giáo hội vào thời bình.
Kể từ công đồng Vaticanô II không có những văn kiện chính trị theo nghĩa chặt; các đề tài kinh tế và chính trị thường quyện lẫn nhau, tuy dù đôi khi được bàn đến riêng biệt. Hiến chế Gaudium et Spes dành một chương trong phần thứ hai cho kinh tế, một chương khác cho chính trị và một chương cho hòa bình.
Populorum Progressio đề cập đến chuyện kinh tế đồng thời với chuyện chính trị trong cùng đề tài: sự phát triển. Câu nói nổi tiếng: sự phát triển là tên gọi mới của hòa bình có nghĩa là các chủ đề chính trị chắc chắn mang một bối cảnh kinh tế.
Sau cùng, đức thánh cha Gioan Phaolô II, và nhất là Bênêđictô XVI, thường nhắc đến vấn đề thái độ của các quốc gia trước các vấn đề luân lý và tôn giáo (laicismo – laicidad) trong một xã hội đa nguyên. Đức Bênêđictô XVI trình bày các khía cạnh khác nhau của vấn đề này.
C. Các đề tài xã hội: cuộc cách mạng dân số, hiện tượng di dân từ nông thôn lên thành thị, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Hai đề tài, di dân và môi sinh, vốn là những vấn đề xã hội, nhưng trở thành nổi bật khi Giáo hội ý thức về “mục tiêu phổ quát của các tài nguyên”,[2] vào lúc đầu là một đề tài kinh tế.
Nằm trong những đề tài xã hội là các vấn đề về gia đình, phụ nữ, tuổi trẻ, người cao niên, việc tôn trọng sự sống từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc cách tự nhiên.
D. Các đề tài văn hóa, cụ thể là văn hóa và các phương tiện truyền thông đại chúng. Và tôi nghĩ rằng, trong GHXH, giáo dục tuy là một đề tài văn hóa, nhưng được bàn đến chủ yếu như là đề tài chính trị.
Như quý vị có thể thấy, các chủ đề rất phong phú, và nhiều khi chỉ được đề cập cách khái quát.
II. NHỮNG GIẢI ĐÁP CHO NHỮNG VẤN ĐỀ THỜI THẾ
Người ta thường nghĩ rằng Giáo hội rất chậm chạp trong việc suy tư các vấn đề xã hội. Để dẫn chứng, họ nói rằng: Tuyên ngôn Cộng sản của Marx Engels đã ra đời vào năm 1848, nhưng mãi đến năm 1891, nghĩa là 43 năm sau, Giáo hội mới lên tiếng về vấn đề xã hội với thông điệp Rerum novarum. Tuy nhiên, nghĩ như vậy là không đúng, bởi vì như đã nói trên Rerum novarum không phải là thông điệp xã hội đầu tiên, nhưng chỉ thu thập những giáo huấn có trước; thí dụ như của đức giám mục Ketteler, một người đương thời của Marx, và hơn thế nữa, đã đưa ra một sự phân tích xã hội chính xác trước cả Marx.[3]
Các văn kiện GHXH luôn đáp ứng với tình hình vào lúc mà chúng ra đời; chúng không bàn đến những đề tài thuộc quá khứ nhưng là những vấn đề hiện đại. Trong vài cuốn sách của tôi, tôi chia làm hai cột: một bên là những vấn đề mà xã hội và các ý thức hệ tự do và vô sản đang bận tâm; một bên là những vấn đề được bàn trong các văn kiện của của Giáo hội. Và chúng ta nhận thấy rằng Giáo hội không sống ở “thế giới bên kia”, nhưng đã trả lời cho những vấn đề nổi lên ở mỗi thời. Tuy nhiên, cần phải xác định vài điểm:
1. Khởi đi từ một viễn ảnh lý thuyết: Các văn kiện của GHXH không phải là những công tác cụ thể, nhưng là một giáo huấn để cho chúng ta đem ra thực hành. Đây không phải là toa thuốc chế sẵn, nhưng là những đề nghị nhằm giúp chúng ta đặt vấn đề thời đại cho đúng chỗ.
2. Với một tầm nhìn phổ quát: Các văn kiện không nói đến những vấn đề của một quốc gia nào, nhưng Tòa Thánh muốn phục vụ toàn thể nhân loại. Ngày nay, khi tất cả chúng ta đang ý thức về hiện tượng toàn cầu hóa, thì đây quả là một tiếng nói rất có ảnh hưởng. GHXH không kết thúc tại Tòa thánh; các giám mục tại mỗi miền cần phải đem ra áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể.
3. GHXH đã đi tiên phong trong nhiều chủ đề: trong đó có những đề tài gắn với nhân sinh quan. Quan điểm về con người là một điểm son của GHXH, bởi vì ngoài những điều có thể nhận ra bằng cặp mắt và lý trí, đức tin còn cho biết rằng chúng ta là những thụ tạo, con cái Thiên Chúa, hình ảnh Thiên Chúa. Đây là một nhãn giới mới và rất có giá trị. Trong bài diễn văn đọc tại Liên hiệp quốc, đức thánh cha Phaolô VI đã nói: tôi phát biểu nhân danh Giáo hội, “từng trải về những vấn đề của con người”. Giáo hội đã chú ý chăm sóc con người từ hai mươi thế kỷ nay.
Chắc chắn là sự suy tư về lao động trong các thông điệp thì thâm thúy hơn các lý thuyết gia của chủ nghĩa xã hội và tư bản, bởi vì nó tinh tế, sâu sắc và trung thực hơn.
Về các nghiệp đoàn, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều biết đến sự tiến hóa của công đoàn. Ngày nay, các công đoàn đã có ít ảnh hưởng hơn trước kia, bởi vì số hội viên đã giảm. Lý do bởi vì người công nhân và người công dân biết rằng sinh hoạt của công đoàn rất bị hạn chế. Những đường hướng của chính sách kinh tế không được soạn thảo trong các doanh nghiệp hoặc công xưởng, cũng chẳng do các Bộ Kinh tế, nhưng đã được quyết định ở Newyork, mặc dầu sau đó các nhà chính trị sẽ tự hào là do họ nghĩ ra nếu như mọi cái trôi chảy tốt đẹp, còn nếu không xuôi thì họ đổ lỗi cho phe đối lập. Tất cả chúng ta đều biết rằng cuộc khủng hoảng kinh tế không tùy thuộc vào các chính phủ, lại càng không tùy thuộc các Công ty; vì thế các công đoàn có ít quyền hành. Giáo hội đã ý thức trước về hướng đi của các công đoàn khi họ không còn “việc làm” nữa. Trong vấn đề này, GHXH đã đi trước các công đoàn, các chủ nghĩa xã hội và các chủ nghĩa tư bản.
Một cách tương tự như vậy khi đưa ra học thuyết về “mục tiêu phổ quát của các nguồn lợi”. Trong chuyện tư hữu, Giáo hội đã nắm bắt và đặt lại vấn đề trước các chủ nghĩa tư bản và xã hội.
Đức Gioan Phaolô II tỏ vẻ khó chịu khi nghe nói rằng GHXH là con đường thứ ba. Thực sự, nhiều người vẫn nghĩ rằng nếu Giáo hội không bênh chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản… thì tất nhiên là đã đề ra con đường thứ ba. Nói cách đơn giản như sau: chủ nghĩa tự do kinh tế (tư bản) nói rằng tư sản là điều thánh thiêng không được đụng đến, bởi vì nó là một hình thức của quyền tự do. Chủ nghĩa xã hội nói rằng: tư sản là đồ trộm cắp, vì thế cần phải tiêu diệt, ít nhất là quyền sở hữu các phương tiện sản xuất không thể trao cho tư nhân. Marx đã nói rất nhiều về chuyện này.
Ngay từ đầu, Giáo hội không nghe theo bên này cũng chẳng nghe theo bên kia. Giáo hội dạy rằng “tư sản có ý nghĩa của nó – điều răn thứ bảy (chớ trộm cắp) chẳng là gì khác – vì vậy, không thể bãi bỏ quyền tư hữu; tuy nhiên, không thể nói rằng đó là một quyền bất khả xâm phạm. Công thức do công đồng Vaticano II đề ra “mục tiêu phổ quát của các nguồn lợi” nói rõ như vậy: Thiên Chúa đã dựng nên trái đất cho loài người, và bởi vì công trình của Ngài có tính mạch lạc cho nên Ngài đã muốn cho tất cả mọi sinh linh sống nhờ những nguồn lợi của trái đất. Do đó, mọi nguồn lợi của trái đất có mục tiểu phổ quát, nghĩa là dành cho hết mọi người. Nếu đã xác tín như vậy, thì đương nhiên vấn đề di dân sẽ được đặt lại, vấn đề môi trường cũng được đặt lại: quê hương tôi không chỉ là dành riêng cho tôi, cũng như môi trường không chỉ là của riêng tôi. Bởi vậy, vì không đi theo các tiền đề của thuyết tự do cũng không đi theo các tiền đề của thuyết cộng sản, Giáo hội đã đi đến một tình trạng mà ngay cả phe tư bản cũng như phe xã hội đều chấp nhận, nghĩa là quan điểm của Giáo hội trở thành điểm quy chiếu cho tư tưởng của họ.
Về sự đấu tranh giai cấp, ngay từ thông điệp Rerum novarum, đức Lêô XIII đã nói rằng sự đấu tranh giai cấp chẳng có ý nghĩa gì; không thể nào đặt áp lực lên trên pháp luật, công lý và sự thật. Hồi ấy phe tư bản cũng nói như vậy, còn phe xã hội dựa theo Marx đã chủ trương sự đấu tranh giai cấp là điều cần thiết. Ngày nay, mọi người đều đồng ý rằng không thể nào đặt sự đấu tranh lên hàng đầu. Thật là vô nghĩa nếu chúng ta gào thét “hòa bình, hòa bình” nhưng lại không muốn hòa bình trong các nơi làm việc. Khi có ai nói với tôi rằng “nếu không có đấu tranh giai cấp thì không thể làm gì được hết”, tôi trả lời rằng: “Nói như vậy thì cũng như là nếu ông có vợ con, và ông tuyên bố rằng nếu vợ con làm sai mà không thể đánh đập vợ con thì chẳng còn làm gì được hết.” Câu nói ấy xem ra thô bạo, nhưng có thể áp dụng cho các tương quan lao động. Vì thế, phe tư bản và phe cộng sản đã đi tới điều mà Giáo hội đã nói ngay từ lúc ban đầu, đó là: các giai cấp xã hội không phải là thù địch với nhau, và phải hợp tác với nhau. Cần phải đấu tranh cho công bằng, song không bằng vũ lực, nhưng bằng cách đạt được những thỏa thuận.
Bây giờ tôi muốn đặt thêm một câu hỏi: sau năm 1991, với thông điệp Centesimus Annus, còn có gì để nói thêm nữa không?
Theo tôi nghĩ, đức Gioan Phaolô II đã nói hết tất cả những gì muốn nói trong thông điệp Centesimus Annus năm 1991. Khi đọc lại các tác phẩm của ngài, người ta thấy rằng trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5 năm 1978, người ta đã đặt ra cho đức hồng y Karol Wojtyla nhiều câu hỏi về Đạo lý Xã hội của Giáo hội. Ngài đã gửi bản trả lời vào tháng 7, và đến tháng 10 thì ngài được bầu làm giáo hoàng kế vị đức Gioan Phaolô I. Khi đọc những câu trả lời này, người ta thấy ngạc nhiên vì khám phá ra tất chương trình hành động của đức Gioan Phaolô II, và ngài rất nắm vững vấn đề. Những bài phát biểu của ngài khi tham dự công đồng Vaticanô II cho thấy rằng diễn giả là một người am tường vấn đề. Vì thế khi đọc lại những gì ngài đã viết khi lên làm giáo hoàng, người ta có cảm giác rằng những gì mà ngài đã nghĩ trong đầu thì đã làm hết rồi cho đến năm 1991. Vì lý do ấy, vào năm 2001, ngài không ban hành một văn kiện nào để kỷ niệm 110 năm thông điệp Rerum novarum. Theo tôi, ngài nghĩ rằng mình đã nói hết rồi.
Tuy nhiên, sách Toát yếu Giáo huấn Xã hội của Giáo hội (năm 2004) không chỉ là một cuốn tóm lược. Tại nhiều Thượng hội đồng giám mục ở cấp lục địa (Châu Âu, Phi, Á, Mỹ), nhiều hội đồng giám mục nhận thấy rằng GHXH rất tốt, nhưng các văn kiện thì dài và khó kiếm, vì thế họ đặt ra việc soạn thảo một quyển Toát yếu mạch lạc. Đức Gioan Phaolô II đã ủy thác công tác cho Hội đồng Tòa Thánh đặc trách Công lý và Hòa bình. Phải mất nhiều năm, công tác mới hoàn tất. Lúc đầu, người ta chỉ nghĩ đến một cuốn toát lược những văn kiện đã được xuất bản, và xem ra là việc đơn giản. Nhưng sau đó, người ta muốn đặt lại vấn đề quy chế tri thức luận của môn GHXH, và muốn trình bày các đạo lý một cách hệ thống. Giáo huấn Xã hội là một thứ Huấn quyền đặc biệt, khác với những lãnh vực khác.
Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng GHXH mang một đặc tính hướng Chúa (teologal): khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, đạt đến mức sung mãn nhờ Đức Giêsu Kitô, và được chuyển sang Hội thánh; Hội thánh có sứ mạng là tỏ hiện tình yêu đó. Sách Toát yếu giới thiệu GHXH như là đạo lý được soi sáng bởi đức tin và đối thoại với hết mọi tri thức. GHXH có những nguyên tắc bền vững nhưng luôn được canh tân và do đó cũng phát biểu lại các nguyên tắc.
Trước đây, Mater et Magistra, và Huấn thị thứ hai về Thần học giải phóng cũng như vài đoạn trong các thông điệp của đức Gioan Phaolô II đã phát biểu một vài nguyên tắc, nhưng không rõ rệt như sách Toát yếu đã kê ra các nguyên tắc sau đây:
* Công ích được đặt hàng đầu, bởi vì gắn chặt với các quyền lợi và điều thiện hảo của con người.
*Mục tiêu phổ quát của các nguồn lợi, trước đây xếp ở cuối, bây giờ được đặt ở hàng thứ hai.
* Rồi đến các nguyên tắc: hỗ trợ, tham gia và liên đới.
Hỗ trợ và liên đới đã được đức hồng y Ratzinger nói đến trong Huấn thị thứ hai về Thần học giải phóng như là hai nguyên tắc nền tảng, đi sau mệnh lệnh yêu thương. Nguyên tắc hỗ trợ đã được đức Piô XI phát biểu minh bạch trong thông điệp Quadragesimo anno, đứng trước những chính phủ Toàn chế – vào thời của Hitler và Mussolini – muốn bao cấp tất cả. Đức thánh cha nhắc lại rằng vai trò của Nhà nước là “hỗ trợ”, dự phòng, ngõ hầu làm điều gì các tư nhân và các đoàn thể khác không làm được; nhưng điều gì mà các tư nhân và đoàn thể có thể làm thì phải cho họ làm, và Nhà nước không được phép can thiệp.
Các chuyên gia về GHXH cho rằng nguyên tắc liên đới chưa bao giờ được phát biểu trực tiếp. Đúng vậy, nhưng nguyên tắc này luôn hiện diện trong các văn kiện như một điều then chốt.
Sách Toát yếu chen nguyên tắc tham gia vào giữa hai nguyên tắc hỗ trợ và liên đới. Sự tham gia và hỗ trợ đồng nghĩa với nhau, nhưng một bên là tích cực, một bên là tiêu cực. Hỗ trợ đòi hỏi rằng Nhà nước đừng nên nhúng tay vào điều mà tư nhân có thể làm được; Tham gia nói cho các tư nhân rằng họ hãy làm điều mà họ có thể làm. Tất cả chúng ta đều biết rằng, xét vì tiếng nói của chúng ta chẳng có trọng lượng gì trong các quyết định quan trọng về kinh tế, chính trị, môi sinh, cho nên dễ bị cám dỗ là “để cho người khác làm”. Vì lý do ấy, cần phải nhấn mạnh đến nguyên tắc tham gia.
Tiếp theo là bốn giá trị đã xuất hiện trong thông điệp Pacem in Terris: chân lý, tự do, công bằng, tình yêu.
Tôi nghĩ rằng sự đóng góp quan trọng nhất của sách Toát yếu là xếp đặt lại thứ tự các nguyên tắc. Như đã nói trên, trong Huấn thị thứ hai về Thần học giải phóng, sau mệnh lệnh yêu thương là hai nguyên tắc liên đới và hỗ trợ. Đó là lần thứ nhất mà người ta đã đặt ra thứ tự này, và không phải là không có lý, bởi vì nếu nói rằng nguyên tắc hỗ trợ là căn bản, thì hiểu rằng chúng ta cần phải là những thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, chứ đứng thoái thác cho các nhà chính trị và Nhà nước. Khi nói đến liên đới, chúng ta muốn nói rằng không được phép quên lãng những vấn đề của tha nhân. Liên đới và hỗ trợ mang theo hai tiềm năng: một cách tiêu cực, hai nguyên tắc nói rằng chúng ta không thuộc phe tư bản (vì ngược với nguyên tắc liên đới), nhưng chúng ta cũng không thuộc về phe xã hội chủ nghĩa, bởi vì Nhà nước không được phép nhúng tay vào hết mọi chuyện (trái với nguyên tắc hỗ trợ).
Như vậy đã rõ là quyển Toát yếu không chỉ tóm tắt các văn kiện GHXH, nhưng còn làm điều gì hơn nữa.
III. NHỮNG HƯỚNG TIẾN TRIỂN
Ngày nay vấn đề xã hội không giống như vào thời của đức Lêô XIII; chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội cũng không giống như vào thời thông điệp Rerum novarum. Dĩ nhiên, khi các vấn đề đã thay đổi và các đối tác của Giáo hội thay đổi, thì GHXH cũng thay đổi. Chỉ cần lấy một thí dụ thì đủ hiểu. Trong Rerum novarum, đức Lêô XIII cực lực bênh vực quyền tư hữu, và đưa ra sáu lý chứng. Thời gian trôi qua, công đồng Vaticanô II và đức Phaolô VI nói rằng quyền tư hữu không tuyệt đối cũng không vô điều kiện. Đã có nhiều điểm khác nhau giữa hai văn kiện ấy. Đó là một thí dụ để cho thấy rằng có một sự tiến triển trong GHXH. Tiến triển theo hướng nào? Đã có sự thay đổi ở bảy lãnh vực:[4]
1. Quan niệm về GHXH
Đức Lêô XIII bắt đầu viết các thông điệp xã hội vì xác tín rằng điều mình nói là sự thật. Các phe bắt đầu đọc và tranh luận: phe tư bản bực bội vì ngài đã vạch ra những khuyết điểm của họ và không để cho họ thao túng; phe cộng sản bất bình vì họ vẫn giữ độc quyền trong việc bênh vực giới lao động. Mặc dù vậy, các giáo hoàng vẫn tiếp tục nói rằng các ngài còn nhiều lý do để can thiệp vào lãnh vực này. Cho đến thông điệp Mater Magistra. Đức Gioan XXIII xác quyết rằng Giáo hội là Mẹ và Thầy, nên có bổn phận phải giảng dạy trong lãnh vực này.
Trong nội bộ Giáo hội, nhiều ý kiến cho rằng xét vì có những thay đổi chung quanh các chủ đề căn bản tựa như quyền tư hữu, cho nên đặt tên cho GHXH là “đạo lý” (doctrina) thì hơi quá đáng. Không thể đặt nó ngang hàng với đạo lý về Chúa Ba Ngôi, về Thánh Thể; vì thế nên dùng những hạn từ khác nhẹ hơn, tựa như “tư tưởng” (pensamiento), “giáo huấn” (ensenanza), v.v..
Có thể nói được là Đức Phaolô VI, trong thông điệp Populorum Progressio đã khai tử cho GHXH coi như một tổng bộ đạo lý phổ quát, khi ngài nói rằng, sau chuyến viếng thăm Ấn độ, “không thể đề ra một giải pháp duy nhất cho các vấn đề đa dạng” (PP 4). Ấn độ đã gây ấn tượng cho ngài không chỉ vì tình trạng nghèo đói, nhưng còn vì những nền văn hóa và tôn giáo có trước Kitô giáo, những hình thức khác nhau để đánh giá thực tại.[5]
Đức Gioan Phaolô II đã từng giảng dạy và cổ động các tín hữu hãy thực hành GHXH, bắt đầu nêu bật tầm quan trọng của nó, và khẳng định rằng đây là một tổng bộ “đạo lý” có những điểm chung với thần học, bởi vì khởi đi từ mạc khải và được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần… Điều này không có nghĩa là ngài không quan tâm đến lương tâm cá nhân và những hoàn cảnh cụ thể. Dù sao, ta thấy đã có một sự thay đổi trong quan điểm về GHXH, được nhìn từ những góc độ khác nhau.
2. Tương quan với các quan điểm đối lập
GHXH luôn luôn đối thoại với các chủ nghĩa tư bản và cộng sản. Cuộc đối thoại này đã trải qua năm bước tiến lớn:
– Thứ nhất, lên án: Đức Lêô XIII cũng như đức Piô XI không sợ sệt gì khi lên án chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Đừng ai tưởng lầm rằng các giáo hoàng chỉ gắt gao với thuyết Mác-xít; không phải, các ngài còn tấn công nhóm tư bản mà tôi nghĩ đôi khi hơi quá đáng.
– Đức Gioan XXIII nhận thấy rằng việc lên án chẳng có ích gì, vì thế ngài chủ trương tôn trọng khoảng cách, và sẽ được công đồng tiếp tục đường hướng ấy: ngài trình bày hướng đi của mình, và bày tỏ điều mà ngài nghĩ rằng người khác làm không tốt; tuy nhiên, ngài không lên án những ai nghĩ và làm theo phương án khác.
– Đức Phaolô VI cung cấp các dữ kiện, nhưng để cho mỗi người xử sự theo lương tâm.
– Đức Gioan Phaolô II, trong hai thông điệp đầu tiên, đã trở lại biện pháp lên án, như trước đây đã làm ở Ba-lan. Tuy nhiên, sau khi chế độ Mác-xít sụp đổ, ngài nhận thấy rằng thật là phi lý khi tuyên bố cả hai thuyết tư bản và Mác-xít đều xấu, bởi vì chủ nghĩa cộng sản đâu còn nữa. Mặt khác, ngài nhận thấy rằng việc lên án chẳng có ý nghĩa gì khi mà xét trên bình diện cá nhân thì chẳng có ai tư bản hoặc mác-xit. Hơn thế nữa, những lần lên án chỉ là cơ hội để cho những người ngoài Giáo hội lợi dụng như chiêu bài để chống lại Giáo hội. Biết bao nhiêu lần, một giám mục yêu cầu cải tổ xã hội thì liền bị chụp mũ là Mác-xít bởi những người chẳng tha thiết gì đến Giáo hội; hoặc ngược lại, người ta tố cáo chủ nghĩa tư bản là bất công, nhưng họ dùng chiêu bài này để thủ lợi cho mình chứ chẳng phải vì mong muốn sự tiến bộ của dân nghèo.
– Vì lý do ấy, và nhất là vào năm 1989, bức tường Bá-linh đã sụp đổ, cho nên thông điệp Centesimus Annus tỏ ra tinh thế hơn. Theo tôi nghĩ, nhiều người Công giáo vẫn nghĩ rằng Giáo hội chống lại cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa Mác-xít, nhưng đó là lập trường xa xưa rồi. Trong thông điệp Centesimus Annus, đức thánh cha nhìn nhận rằng chủ nghĩa tư bản, xét như là hệ thống kinh tế, gồm có 5 yếu tố: tự do, doanh nghiệp, thị trường, tư hữu và lợi nhuận. Tất cả đều tốt, nhưng phải phải điều chỉnh lại. Đối với đức thánh cha, điều nguy hiểm là cái hệ thống luân lý văn hóa, bao gồm một tổng bộ những giá trị và lối sống: chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa làm giàu, chủ nghĩa tự do kinh tế tuyệt đối; những điều này xảy ra trong thế giới tư bản cũng như trong thế giới Mác-xít.
Nói cách khác, đức thánh cha đã phân biệt giữa “ý thức hệ” và “các phương tiện cụ thể.” Trong chủ nghĩa tự do kinh tế, có những phương tiện cụ thể, tuy không hẳn là tối ưu nhưng vẫn khá hơn là tình trạng ngược lại; và có một ý thức hệ có thể gắn liền hay không với một hệ thống kinh tế, và cái ý thức hệ ấy không tốt.
3. Tương quan với các khoa học xã hội
Các giáo hoàng đầu tiên chưa có cơ hội để tiếp xúc với các khoa học xã hội; các ngài phát biểu dựa trên những xác tín của mình. Công đồng Vaticanô II nhìn nhận rằng các thực tại trần thế có một quy chế tự lập, có giá trị riêng và cần được quan tâm. Kể từ đó, công đồng cũng như các giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II rất lưu tâm đến kinh tế học và lịch sử, và đã đề cập nhiều đến lãnh vực này. Như vậy là đã có sự tiến triển.
4. Các nguồn mạch
Ta thấy một sự tiến triển lạ kỳ. Lúc ban đầu, GHXH dựa trên luật tự nhiên, và đức Piô XII đã nói rõ điều ấy. Hơn nữa, các giáo hoàng nghĩ rằng Giáo hội cần phải dựa vào đó vì là một bình diện chung với những người ngoài Kitô giáo. Lúc ấy, khi chỉ mới là một nhà thần học trẻ tuổi, Joseph Ratzinger đã nói rằng tuy vẫn chấp nhận luật tự nhiên, nhưng nhận thấy có vài điểm bất cập. Vào chính thời điểm ấy, GHXH bắt đầu dựa trên mặc khải. Khi muốn đối thoại với người khác, “với hết mọi người thiện chí”, Giáo hội muốn trình bày “đặc sản” mà mình có: mặc khải, đức tin. Trong một cuộc đối thoại, điều tốt nhất không phải là giấu kín căn tính của mình, nhưng mỗi bên bày tỏ những điều xác tín của mình. Đó là điều mà Giáo hội đã làm. Càng ngày các văn kiện càng nói đến Kinh thánh, mặc dù đức Gioan XXIII, con nhà nông dân với chân đạp đất, cũng sử dụng các luận cứ xã hội và thực nghiệm, và các giáo hoàng kế nhiệm cũng làm như vậy.
5. Các đối tác nhắm đến
GHXH gửi cho ai ? Về điều này ta cũng thấy có sự tiến triển. Trước đây, các thông điệp nhắm đến các giám mục, những con cái của Giáo hội. Thế nhưng, đức Gioan XXIII gửi đến “hết mọi người thiện chí ”… Đây không phải là lần đầu tiên, bởi vì đức Lêô XIII cũng đã làm như vậy; tuy nhiên, đức Gioan XXIII, “cha quản xứ của thế giới”, thi hành cách thường xuyên hơn. Và các người kế vị cũng theo gương đó.
Đức Gioan Phaolô II nói rằng ngài muốn hướng đến các tín đồ của các tôn giáo khác, những người vô thần, những người vô tín ngưỡng. Ngài cũng nói thêm rằng không có giải pháp cho vấn đề xã hội nếu không dựa theo Tin Mừng. Đức Gioan Phaolô II không thấy khó khăn gì khi khẳng định đức tin của mình trong việc kêu gọi mọi người hợp tác với GHXH.
6. Tầm mức của những đề nghị
Đức Lêô XIII viết thông điệp giữa một rừng hoang, khi con người đối xử với nhau như lang sói. Vì thế ngài nói với các chủ nhân là đừng đối xử với công nhân như nô lệ và phải trả lương đúng kỳ hạn; và ngài yêu cầu các công nhân đừng tấn công các chủ nhân, đừng đốt xe của họ. Ngài nói với mỗi giới tùy theo nhu cầu của thời đại.
Với thời gian, tầm mức được nâng cao. Trong Populorum Progressio, đức Phaolô VI đặt câu hỏi: “Bạn có sẵn sàng bỏ tiền để tài trợ cho những công cuộc tổ chức giúp người nghèo không ? Bạn có sẵn sàng nộp thêm thuế để chính quyền có phương tiện giúp người nghèo không ? Bạn có sẵn sáng mua các sản phẩm của các nước mới tiến bộ để giúp họ phát triển hơn không ? Bạn có sẵn sàng, nếu còn trẻ, để mang kiến thức và tài năng của mình đến giúp đỡ các dân tộc đang phát triển không ? ”
Câu hỏi này đã khởi đầu cho những phái bộ phát triển vẫn còn tiếp tục : nhiều bạn trẻ mới ra trường đã đi về châu Phi, châu Mỹ Latinh. Tôi đã nói với các sinh viên trường Cao đẳng Kỹ thuật rằng, nếu muốn làm giàu, thì sau khi ra trường hãy kiếm việc ở một công ty Hoa kỳ; còn nếu họ muốn đem tài năng kiến thức để giúp các người nghèo thì hãy sang châu Phi hay châu Mỹ Latinh chừng độ hai ba năm. Khi trở về, họ sẽ thấy các đồng nghiệp đã ở trên mình hai cấp, nhưng họ sẽ lãnh được một kinh nghiệm nhân bản (và tôn giáo, nếu có đức tin) rất phong phú. Đây là điều mà đức Lêô XIII không đòi hỏi, nhưng các văn kiện xã hội càng ngày càng nâng cao tầm mức của các đề nghị.
7. Mức độ đa dạng và đồng nhất
Đức Phaolô VI ý thức rằng các vấn đề rất khác biệt ở mỗi miền trên thế giới. Vì vậy, ngài nói rằng không có một giải pháp duy nhất, nhưng mỗi cộng đồng Kitô hữu, hợp nhất với các giám mục của mình và những người thiện chí, hãy tìm ra những giải pháp cho quốc gia và cho miền của mình.
Các đức giáo hoàng đã nhấn mạnh rằng các Hội đồng giám mục cần phải đưa GHXH vào những hoàn cảnh cụ thể. Các giám mục Tây-ban-nha đã phát hành nhiều văn kiện có giá trị. Tuy nhiên, nói chung, người ta quý trọng các văn kiện của các giáo hoàng hơn là của các giám mục địa phương. Các giám mục Hoa kỳ đã để ra bốn năm để soạn một văn kiện – Công bằng kinh tế cho mọi người – và để cho mọi người tự do góp ý. Các tín hữu đã tham gia vào việc bàn cãi, nhờ vậy đã giúp cho bản văn được hoàn hảo hơn.
KẾT LUẬN : SỰ MỞ RỘNG CÁC LÃNH VỰC
Như đã nói trên, GHXH bắt đầu với những đề tài kinh tế xã hội, nhưng dần dần cũng chú ý đến lãnh vực chính trị và văn hóa, vì thấy các đề tài liên hệ với nhau.
Bên cạnh việc mở rộng các lãnh vực vừa nói, tôi muốn kết thúc với ghi nhận vắn tắt bốn sự thay đổi trong hướng đi.
1. GHXH càng lúc càng ý thức hơn về sự bất công và khốn khổ trên thế giới. Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của các tài nguyên muốn nói rằng cần phải tôn trọng quyền tư hữu của một số người, nhưng cũng cần tôn trọng hơn nữa tình trạng khốn khổ của nhiều người.
2. Như đã nói, GHXH đã mở rộng hơn đến thực tại, sử dụng các khoa học xã hội nhiều hơn, và đối chiếu thực tại với Tin Mừng.
3. GHXH bớt trung ương tập quyền hơn, dành thêm tiếng nói cho các cơ quan khác của Giáo hội địa phương. Đành rằng xã hội đánh giá một thông điệp của đức giáo hoàng hơn là lá thư của các giám mục nhưng các giám mục cần phải lên tiếng, và các hiệp hội giáo dân cũng cần lên tiếng, tuy không thể đòi xã hội phải đón nhận ngang hàng với tiếng nói của giáo hoàng.
Sau cùng, bài này trình bày sự tiến triển Giáo huấn Xã hội của Giáo hội: chúng ta thấy nó tiếp tục tiến triển, và cuộc tiến triển này chưa chấm dứt.
——————-
[2] “Destinacion universal de los bienes”: có người dịch là Quyền chung hưởng của cải. xc. Gaudium et spes số 69.
[3] Đức cha Wilhelm Emmanuel von Ketteler (1811-1877), giám mục Mainz từ năm 1850, là linh hồn của phong trào xã hội Công giáo bên Đức kể từ cuộc cách mạng 1848, được đức giáo hoàng Lêô XIII gọi là vị “tiền nhiệm của tôi” [ND].
[4] Điều này đã được khai triển trong A. CUADRÓN (chủ biên), Manual de Doctrina Social de la Iglesia, Madrid, BAC, 1993, 127-147.
[5] Cha Adolfo Nicolás, bề trên tổng quyền Dòng Tên, cũng nói rằng Á châu đã làm thay đổi các viễn tượng, bởi vì ngài phải tiếp xúc với những đề tài tôn giáo, văn hóa, tư tưởng, nếp sống hoàn toàn khác.