Lời giới thiệu
Linh mục Giuse Phan Tấn Thành OP. hiện là Giám đốc Trung Tâm Học Vấn Đaminh và thành viên Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGM Việt Nam. Cha đạt học vị Tiến sĩ Thần học và Tiến sĩ Giáo luật. Cha từng đảm nhiệm các chức vụ: Khoa Trưởng phân khoa Thần Học tại Đại học Giáo Hoàng Angelicum – Roma; Giám đốc Viện Linh Đạo – Roma; Cố vấn Bộ Phong Thánh; Giáo sư giảng dạy tại nhiều trường Đại học Công Giáo, các Đại Chủng Viện, Học Viện,… ở nhiều nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong số rất nhiều các tác phẩm của Cha, tác phẩm “Dẫn Nhập Vào Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội” được Cha biên soạn làm giáo trình giảng dạy cho các sinh viên và các nhóm trí thức tại những nơi Cha cộng tác hướng dẫn. Học viện Đaminh xin giới thiệu đến quý đọc giả và những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu học thuyết của Giáo Hội Công Giáo Về Xã Hội.
***
***
LỜI NÓI ĐẦU
Chữ viết tắt:
– GHXH: Giáo huấn Xã hội của Giáo hội
– GLCG: Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo
– TLHT: Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo
Khi được vài anh chị em giáo dân nhờ hướng dẫn học hỏi về Giáo huấn xã hội của Hội thánh, tôi đã đề nghị tìm một tài liệu căn bản để cùng nhau nghiên cứu. Chúng tôi đã nhất trí dùng sách Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo, do Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình phát hành năm 2004, và được dịch sang tiếng Việt do linh mục An-tôn Nguyễn Ngọc Sơn cùng với Uỷ ban Bác ái xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bản văn có thể đọc trên website của cơ quan này: http://www.justpax.it/ita/home_ita.html
Dù mang tựa đề là “Tóm lược”, nhưng nguyên bản tiếng Ý dày hơn 500 trang. Số lượng trang sách có thể làm cho người đọc “ngán” tiếp xúc; vì vậy đã có những người tìm cách tóm tắt cuốn Tóm lược, rút xuống chừng độ một-hai trăm trang thôi. Tuy nhiên, thiển nghĩ điều ngại ngùng thật sự không phải do số trang cho bằng cách trình bày vấn đề. Vì mang tính cách tóm lược cho nên bản văn đi thẳng vào nội dung, nhằm trình bày đạo lý của Giáo hội, chứ không dài dòng với nguồn gốc của những cuộc tranh luận hoặc với những quan điểm khác, và cũng không đi vào những chi tiết áp dụng[1].
Tập tài liệu này được soạn như là hướng dẫn để tiếp cận cuốn sách “Tóm lược” (viết tắt: TLHT), bằng cách:
– Trình bày bối cảnh của những vấn đề được nêu lên;
– Trình bày những quan điểm hoặc giải pháp khác nhau đã được đề xướng;
– Trình bày giáo huấn của Giáo hội; ở điểm này, chúng tôi sẽ tóm tắt nội dung của sách Tóm lược.
Tiếp đến là những gợi ý suy tư để áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể.
Cấu trúc của tập tài liệu
Tài liệu được chia ra thành “Bài”, thay vì “Chương” để tránh lẫn lộn với chương của sách Tóm lược. Con số của Bài không nhất thiết tương ứng với số của Chương sách.
Trong Bài thứ nhất, mang tính cách dẫn nhập, chúng tôi xin trình bày vài khái niệm về Giáo huấn xã hội của Giáo hội (viết tắt: GHXH), tương đương với Phần I của sách TLHT (bốn chương đầu) bàn về những yếu tố căn bản của GHXH.
1/ Nguồn gốc GHXH
2/ Sự thành hình GHXH
3/ Bản chất GHXH
4/ Phương pháp xây dựng GHXH
5/ Những nguyên tắc của GHXH
6/ Những đề tài chính của GHXH.
Những bài kế tiếp sẽ lần lượt nghiên cứu bảy đề tài chuyên biệt được bàn trong Phần II của sách TLHT, đó là: 1/ Gia đình (chương 5). 2/ Lao động (chương 6). 3/ Kinh tế (chương 7). 4/ Cộng đồng chính trị (chương 8). 5/ Cộng đồng quốc tế (chương 9). 6/ Môi sinh (chương 10). 7/ Hòa bình (chương 11).
Như sẽ nói sau, có thể xếp đặt các đề tài chuyên biệt theo một thứ tự khác, thậm chí có thể thêm hoặc bớt vài đề mục. Điều này không những tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của tác giả nhưng còn tuỳ thuộc hoàn cảnh địa phương.
***
NHỮNG CÂU HỎI MỞ ĐẦU
Trước khi đi vào đề, thiết tưởng cần trả lời hai câu hỏi mở đầu:
1. Giáo huấn xã hội là gì?[2]
2. Tại sao tôi phải quan tâm đến Giáo huấn xã hội?
I. GIÁO HUẤN XÃ HỘI LÀ GÌ?
Có lẽ một thắc mắc đầu tiên được đặt ra liên quan đến những tựa đề khác nhau ghi trên các tập sách hoặc văn kiện Tòa Thánh: Giáo huấn xã hội, Học thuyết xã hội, Đạo lý xã hội.
Sự khác biệt này một phần bắt nguồn từ việc dịch thuật. Cùng một từ “Church” mà có thể dịch là “Hội thánh”, hoặc “Giáo hội”, hoặc “giáo đoàn”. Một cách tương tự như vậy, “doctrine” có thể dịch là: “đạo lý, giáo huấn, học thuyết, giáo thuyết, giáo điều, chủ nghĩa”[3]. Hai từ ngữ đầu tiên (đạo lý, giáo huấn) có lẽ chỉ lưu hành trong nội bộ Giáo hội; những từ ngữ còn lại có thể áp dụng cho những trào lưu triết học, chính trị (chẳng hạn của Marx). Thực ra theo tầm nguyên tiếng Latinh, doctrina bởi động từ docere: giảng dạy, dạy bảo; vì thế doctrina có thể hiểu là việc giảng dạy, hoặc điều giảng dạy (so sánh tiếng Anh: động từ to teach, teaching, hoặc tiếng Pháp enseigner, enseignement).
Tuy nhiên, ngay trong các ngôn ngữ châu Au cũng không có sự thống nhất từ ngữ: Social teaching, Social doctrine, Social Ethics tuỳ thuộc vào quan niệm về bản chất của nó (doctrine thì mạnh hơn là teaching)[4].
A.- GHXH không phải là…
Trước khi trả lời câu hỏi “Giáo huấn xã hội là gì”, thiết tưởng nên bắt đầu bằng những câu trả lời “ GHXH không phải là …” để tránh những ngộ nhận hoặc ảo vọng.
+ GHXH không phải là một tuyên ngôn chính trị, một cương lĩnh để xây dựng một chế độ hoặc chính sách phù hợp với Đạo Công giáo.
+ GHXH không phải là một học thuyết chính trị hoặc kinh tế được đề ra như “đường lối thứ ba” đứng giữa hai khối “Tư bản” (Tự do) và “Xã hội” (Cộng sản).
+ GHXH không phải là cẩm nang cung cấp những kỹ năng cho các tín hữu xử dụng trong các hoạt động xã hội (kinh tế, thương mại, chính trị) ngõ hầu đạt được kết quả tối ưu.
Những cái “không” vừa rồi nhằm đánh tan những hiểu lầm thường gặp ở ngoài Giáo hội (và đôi khi ngay cả trong Giáo Hội). Những cái “không” tiếp theo là những ngộ nhận thường gặp nơi các tín hữu Công giáo.
+ GHXH chỉ liên quan đến những ai dấn thân vào chính trị. Không phải thế, GHXH bao trùm tất cả các mối tương quan của con người với tha nhân, bắt đầu từ gia đình, hàng xóm, cho đến những tương quan giữa các dân tộc và với vũ trụ.
+ GHXH chỉ là những lời khuyên răn về cách cư xử sao cho “tốt đạo đẹp đời”. Không phải đâu. GHXH không chỉ là những khuyên lơn sốt sắng, nhưng còn vạch cho thấy những nghĩa vụ của người tín hữu muốn sống trọn Tin mừng
+ GHXH gồm những đạo lý mà ta cần phải học tập để quán triệt lập trường của Giáo hội. Không phải đâu. GHXH không chỉ gồm những học thuyết cần biết nhưng còn đòi hỏi phải mang ra áp dụng trong đời sống hằng ngày nữa.
+ GHXH là những tuyên ngôn về lập trường của Giáo hội trước những hoàn cảnh mới của xã hội Au Mỹ vào thế kỷ XIX-XX. Không hẳn thế. Tuy phần lớn những “thông điệp xã hội” được viết trong thế kỷ XX, nhưng GHXH bắt nguồn từ những đạo lý của Tân ước và truyền thống lâu đời của Hội thánh.
B.- GHXH là…
Những cái “không” vừa rồi đưa chúng ta dần dần đến việc xác định bản chất của GHXH. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã mô tả như sau ở các số 2419-2423:
Số 2419. Mạc khải Kitô giáo đưa chúng ta đến sự hiểu biết sâu xa hơn về những luật lệ của đời sống xã hội. Hội thánh đón nhận từ Tin mừng mạc khải trọn vẹn về con người. Khi chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng, Hội thánh nhân danh Đức Kitô, chứng tỏ cho con người biết phẩm giá riêng của họ và ơn gọi riêng của họ đến sự hiệp thông các nhân vị; Hội thánh dạy cho con người biết các đòi hỏi của công lý và hoà bình, theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Số 2420. Hội thánh đưa ra phán đoán luân lý trong lãnh vực kinh tế và xã hội, “khi các quyền căn bản của con người hoặc ơn cứu độ các linh hồn đòi hỏi việc đó”. Trên bình diện luân lý, Hội thánh hành động do sứ vụ khác với sứ vụ của chính quyền: Hội thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì lý do chúng quy hướng về Sự Thiện tối thượng, là mục đích tối hậu của chúng ta. Hội thánh cố gắng thôi thúc những thái độ đúng đắn liên quan đến của cải trần thế và trong các tương quan kinh tế xã hội.
Số 2421. Giáo huấn xã hội của Hội thánh được triển khai vào thế kỷ thứ XIX khi Tin mừng tiếp xúc với xã hội kỹ nghệ cơ khí hiện đại, với những cơ cấu mới của nó để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ, với quan niệm mới của nó về xã hội, về quốc gia và quyền bính, với các hình thức mới của nó về lao động và quyền sở hữu. Sự triển khai giáo huấn của Hội thánh về vấn đề kinh tế và xã hội chứng tỏ giá trị trường tồn của giáo huấn Hội thánh, đồng thời cho thấy ý nghĩa đích thực của Truyền thống luôn sống động và tích cực của Hội thánh.
2422. Giáo huấn xã hội của Hội thánh là tập hợp các giáo huấn được nối kết với nhau, theo như đã được Hội thánh giải thích về các biến cố xảy ra trong dòng lịch sử, dưới ánh sáng của toàn thể lời đã được Chúa Giêsu Kitô mạc khải, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Giáo huấn này sẽ được những người thành tâm thiện chí đón nhận hơn, khi nó gây cảm hứng nhiều hơn cho các hành động của các tín hữu.
2423. Giáo huấn xã hội của Hội thánh đề ra những nguyên tắc để suy tư, quy định những tiêu chuẩn để phán đoán, và trình bày những kế hoạch để hành đông.
Chúng ta có thể tóm lược vào một vài điểm chính yếu như sau, và sẽ được khai triển trong các mục tiếp theo.
– Nguồn gốc của GHXH là mạc khải của Thiên Chúa về con người: phẩm giá của con người, ơn gọi sống chung với những người khác, những nghĩa vụ của công lý và hoà bình.
– Bản chất của GHXH là sứ mạng giáo huấn của Giáo hội nhằm soi sáng cho các tín hữu những cách cư xử trong đời sống xã hội, giữa những hoàn cảnh thay đổi của mỗi thời đại.
– Phương pháp của GHXH mang tính phối kết. Phối kết giữa việc quan sát sự kiện với việc phân định dưới ánh sáng Tin mừng. Phối kết giữa những dữ kiện thâu thập bởi khoa học nhân văn với những nguyên tắc luân lý rút bởi Tin mừng. Mặt khác, GHXH không chỉ thuần tuý lý thuyết hay thuần tuý thực dụng, nhưng bao gồm những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán, những kế hoạch hành động.
– Nói cho cùng GHXH là một đường lối để loan báo Tin mừng; đây là sứ mạng được Chúa Giêsu uỷ thác cho toàn thể Giáo hội (giáo dân cũng như giáo sĩ)[5].
Có thể nói được rằng đó là những điểm tóm tắt tất cả phần thứ nhất của sách TLHT bàn về GHXH tổng quát.
II. TẠI SAO TÔI PHẢI QUAN TÂM ĐẾN GIÁO HUẤN XÃ HỘI?
Câu trả lời sẽ rõ ràng hơn sau khi đã giải thích bản chất của GHXH. Phải nhìn nhận rằng có nhiều lý do khiến cho ít người quan tâm đến GHXH: có thể bởi vì họ nghĩ rằng đây là một lãnh vực chuyên môn, dành riêng cho những ai dấn thân vào công tác xã hội; có thể bởi vì họ nghĩ rằng đây là một bài giáo lý mới cộng thêm bao nhiêu bài giáo lý mà mình đã học mà không nhớ hết.
Thật là đáng tiếc. GHXH không phải là một môn học dành cho những người chuyên môn: như sẽ thấy, nó nằm trong những điều thuộc về đời sống luân lý của người Kitô hữu, và đã được đem vào Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. Đàng khác, GHXH không phải là những điều cần phải học thuộc lòng để trả bài, nhưng là những định hướng để hành động. Hơn thế nữa, trong lãnh vực này, người tín hữu không hoàn toàn thụ động, chỉ biết chấp nhận những điều mà Giáo hội đã dạy. Không, họ cần phải linh động áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể; và chính tại môi trường cụ thể mà Tin mừng được loan báo và thể hiện. Chúng ta có thể trình bày một cách khác: khi áp dụng GHXH, không những chúng ta đem Tin mừng vào môi trường sống của mình, nhưng còn là lời đáp trả lại kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Ở chương 12, sách TLHT đã trình bày những môi trường phục vụ của người tín hữu mà GHXH đã cung cấp (số 551-574): phục vụ con người, phục vụ văn hóa, phục vụ kinh tế, phục vụ chính trị.
Sau những câu hỏi mở đầu, bây giờ chúng ta có thể đi sâu rộng hơn vào nguồn gốc, lịch sử, bản chất, phương pháp, những nguyên tắc căn bản và những đề tài chính.
***
MỤC 1
NGUỒN GỐC GIÁO HUẤN XÃ HỘI
Có thể hiểu “nguồn gốc GHXH” theo nhiều nghĩa; từ đó có những câu hỏi khác nhau và những câu trả lời khác nhau: GHXH ra đời từ hồi nào? vì lý do gì? do ai sáng tác? dựa trên cơ sở nào? vv…
1. Có thể hiểu nguồn gốc GHXH theo nghĩa là sự ra đời của một môn học: từ lúc nào xuất hiện môn học mang tựa đề “Giáo huấn xã hội của Giáo hội”? Trả lời: vào khoảng giữa thế kỷ XX (từ đức Piô XI năm 1931)[6]. Nên biết là mãi đến nay, môn này vẫn chưa được đem vào chương trình huấn luyện linh mục tại nhiều chủng viện, mặc dầu đã có lời yêu cầu của Bộ Giáo dục Công giáo từ năm 1988.
2. Đi xa hơn một chút nữa, có thể hiểu nguồn gốc của GHXH như là sự hình thành những giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề xã hội: từ lúc nào các Giáo hoàng viết những thông điệp về vấn đề xã hội? Trả lời: từ cuối thế kỷ XIX. Người ta thường lấy khởi điểm là thông điệp Rerum novarum của đức thánh cha Lêô XIII (1891). Chúng ta sẽ điểm qua những văn kiện quan trọng trong mục 2 dưới đây.
3. Câu hỏi vừa rồi dẫn đến một câu hỏi khác liên quan đến nguồn gốc, hiểu theo nghĩa là tác giả của giáo huấn: phải chăng GHXH là những văn kiện do các Giáo hoàng viết ra để giảng dạy cho Hội thánh (vai trò giáo huấn), còn chúng ta chỉ ngoan ngoãn chấp nhận? Đúng là các văn kiện do các giáo hoàng viết ra, nhưng phải thêm rằng “nhờ sự đóng góp của toàn thể Dân Chúa”. Đứng trước những vấn đề nhiêu khê của thời cuộc, nhiều tín hữu (giám mục, linh mục, giáo dân) cách riêng là những người dấn thân phục vụ Tin mừng, đã suy tư và đề ra những giải pháp. Các giáo hoàng lắng nghe, đón nhận những đề nghị ấy, và phát biểu quan điểm chính thức của Giáo hội dưới hình thức của các thông điệp. Điều này càng rõ rệt hơn nữa tại công đồng Vaticanô II: hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” là kết quả làm việc của nhiều chuyên gia (về thần học cũng như các khoa học nhân văn) cùng với các giám mục. Văn kiện này ra đời như là một tác phẩm của công đồng, với sự tham gia của nhiều thành phần Dân Chúa. Ta cũng có thể nói tương tự về các văn kiện của các Thượng hội đồng Giám mục (trong đó có một khóa họp bàn về Giáo hội tại châu Á).
4. Đi sâu hơn nữa, câu hỏi về nguồn gốc có thể hiểu về lý do: tại sao Giáo hội đưa ra giáo huấn về các vấn đề về xã hội? Phải chăng Giáo hội cũng muốn tham gia vào chính trị? Câu hỏi này đã được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trả lời ở các số 2420-2421 được trích dẫn trên đây. Giáo hội lên tiếng về các vấn đề xã hội chính trị dưới góc cạnh luân lý, để cho thấy điều gì đúng hay sai, xét dưới viễn ảnh của Sự Thiện Tuyệt đối (định mệnh vĩnh cửu của con người).
Điều này nằm trong sứ mạng loan báo Tin mừng mà Chúa Kitô đã uỷ thác cho Giáo hội. Một lần nữa, chúng ta nên hiểu Giáo hội theo nghĩa là toàn thể Dân Thiên Chúa. Tuy các giáo hoàng lên tiếng trong cương vị của “Mẹ và Thầy”, nhưng động lực thúc đẩy là mối quan tâm của mục tử đối với những người được trao phó: cần phải trình bày chân lý, tố cáo những sai lầm, đưa ra những phương dược để sửa chữa sai lầm. Mặt khác, sứ mạng loan báo Tin mừng không kết thúc với những tuyên ngôn nhưng cần được diễn tả qua hành động. Ơn gọi sống các đức bác ái và công bình là của tất cả các Kitô hữu. Họ được mời làm chứng tá cho tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người.
Đó là lý do của chương thứ nhất của sách TLGH, bàn về “Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại”. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở mục 3.
5. Câu hỏi về nguồn gốc cũng có thể đặt lên một cách khác nữa, quen gọi là “nguồn mạch suy tư”[7]: Dựa vào đâu các Giáo hoàng viết các thông điệp xã hội: phải chăng chỉ dựa trên những luận cứ triết học? Phải chăng chỉ dựa trên các tài liệu chuyên môn do các chuyên gia cung cấp?
Câu hỏi này liên quan đến phương pháp sẽ được giải thích ở mục 4. Tạm thời có thể nói vắn tắt thế này: Một đàng, Giáo hội sử dụng các kiến thức của thời đại (triết học, khoa học nhân văn xã hội); đàng khác, Giáo hội phải đối chiếu với Kinh thánh và truyền thống (cách riêng: đạo lý của các giáo phụ và các tiến sĩ, gương các thánh)[8]. Từ công đồng Vaticanô II, người ta thêm một “nguồn mạch” nữa, đó là “dấu chỉ thời đại”: trong dòng lịch sử, Chúa Thánh Thần hướng dẫn Dân Thiên Chúa tiến đến chân lý vẹn toàn qua những biến cố nhiều khi đau thương[9]. Như vậy, nhìn dưới khía cạnh phương pháp GHXH có ba nguồn gốc[10]: a/ Kinh thánh và Truyền thống Giáo hội; b/ Khoa học nhân văn; c/ Kinh nghiệm của Dân Chúa, khám phá tiếng Chúa giữa dòng lịch sử hiện đại. Yếu tố “lịch sử” giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự thành hình của GHXH được bàn trong mục kế tiếp.
***
MỤC 2
SỰ THÀNH HÌNH GIÁO HUẤN XÃ HỘI
Trong mục vừa rồi, khi bàn về nguồn gốc của GHXH, chúng ta đã đả động sơ qua sự hình thành bộ môn GHXH.
Hầu hết các tác giả đều nói rằng GHXH ra đời với thông điệp Rerum novarum của đức Lêô XIII (1891). Ý kiến không hoàn toàn đúng, bởi vì không phải là Giáo hội không hề lên tiếng về các vấn đề xã hội trong suốt 19 thế kỷ trước.
Thực vậy, như vừa nói trên đây, liên quan đến nguồn tài liệu, GHXH phải quy chiếu về Kinh thánh và truyền thống. Điều này có nghĩa là ngay từ lúc ban đầu, Kitô giáo đã có những giáo huấn về luân lý xã hội được phát biểu trong Kinh thánh (cách riêng là Tân ước), các giáo phụ, các vị tiến sĩ Hội thánh. Ngày nay, khi phải đối phó với những vấn đề mới, các giáo hoàng và công đồng Vaticanô II lục lọi những giáo huấn ấy, và tìm những giải đáp cho thời đại.
Mục này được chia làm hai phần: thứ nhất, điểm lại những giáo huấn cổ truyền; thứ hai, nêu bật những vấn đề mới của thế kỷ XIX-XX.
I. NHỮNG GIÁO HUẤN CỔ TRUYỀN
Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể lướt qua vài nét nổi bật của Kinh thánh, các giáo phụ, các tiến sĩ Giáo hội, là nguồn cung cấp chất liệu cho các giáo hoàng tìm ra định hướng cho thời buổi hiện đại.
Chúng ta có thể tóm vào ba giai đoạn chính: 1/ Kinh thánh. 2/ Các giáo phụ. 3/ Thời Trung Cổ.
A.- Kinh Thánh[11]
1/ Cựu ước
Những chủ đề nổi bật
a/- Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người được dựng nên có nam có nữ. Con người được trao vai trò quản trị vũ trụ.
b/- Anh hưởng xã hội của tội nguyên tổ: những tương quan xã hội bị xáo trộn (giữa nam nữ, giữ con người với thiên nhiên). Đây là nguồn gốc của những lệch lạc trong đời sống cá nhân và cộng đoàn trải qua dòng lịch sử.
c/- Cuộc giải phóng Israel khỏi cảnh nô lệ Ai cập. Tuy biến cố diễn ra trong một khung cảnh lịch sử chính trị và kinh tế, nhưng nó cho thấy rằng Thiên Chúa thương yêu con người, đặc biệt là những thành phần bị áp bức, bị bóc lột (xc. Xh 3,7-8).
d/- Thiên Chúa ban bố lề luật cho dân Israel: đây là nền tảng cho sự tự do đích thực, khi con người duy trì những tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân[12].
e/- Các ngôn sứ lên tiếng bảo vệ quyền lợi dân nghèo.
2/ Tân ước
Những chủ đề nổi bật
a/. Cuộc cứu độ của Đức Kitô được nhìn như là sự hoà giải giữa Thiên Chúa và nhân loại và với vạn vật.
b/. Đức Kitô mạc khải cho nhân loại ơn gọi làm con Thiên Chúa.
c/. Ơn cứu độ được nhìn như cuộc giải phóng toàn diện con người: giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi sự chết. Một khi con tim được chữa lành thì các tương quan xã hội cũng được canh tân.
d/. Luật Mới của Tân ước mở ra những viễn tượng mới cho thế giới:
– Giới luật của tình yêu trong cách cư xử.
– Những giá trị mới: các mối phúc thật; đề cao giá trị đích thực thay thế cho những giá trị hão huyền.
– Trong tổ chức chính trị, đề cao sự phục vụ thay vì thống trị.
– Mối quan tâm đến người nghèo.
– Thế giới này chỉ có giá trị tương đối, so sánh với thời đại cánh chung.
e/. Đức Giêsu không chỉ giảng dạy luật mới, nhưng Người còn thực hành luật ấy, đến nỗi hy sinh mạng sống cho bạn hữu.
B. Các giáo phụ
1. Các Kitô hữu tiên khởi đã để lại một truyền thống về đời sống xã hội từ kinh nghiệm sống động trong Giáo hội: sự chia sẻ huynh đệ (kể cả về tài sản vật chất), tình huynh đệ đại đồng (vượt lên trên biên cương của chủng tộc).
2. Thái độ của các Kitô hữu đối với quyền lực chính trị (và thế giới nói chung) thay đổi trước và sau thế kỷ IV:
– Trong thời kỳ bị bách hại, các tín hữu bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, kể cả bằng mạng sống. Thế gian bị đồng hoá với sự dữ, và các tín hữu tỏ ra thái độ thù nghịch.
– Sau khi Kitô giáo được hưởng tự do và trở thành quốc giáo trong đế quốc Rôma, Giáo hội tỏ ra thiện cảm đối với chính quyền, và đôi khi đưa tới sự trà trộn giữa Giáo hội và xã hội chính trị.
3. Giáo huấn các giáo phụ về các nghĩa vụ công bằng xã hội là một kho tàng lớn cho GHXH của các giáo hoàng cận đại.
C. Thần học kinh viện
1. Các tiến sĩ hồi thế kỷ XIII, cách riêng thánh Tôma Aquinô, đã để lại nhiều khảo luận về luật tự nhiên, về cách tổ chức xã hội, về các nhân đức (công bằng xã hội).
2. Những biến chuyển chính trị xã hội châu Au thời cận đại:
– Việc “khám phá” những châu lục mới đặt lên vấn đề luật quốc tế (trường phái Salamanca), quyền lợi của thổ dân,
– Tại châu Au, sự tách biệt “thế quyền” khỏi “giáo quyền”, “khoa học” tách khỏi “đức tin”, dẫn đến những suy tư về sự độc lập của mỗi lãnh vực.
– Sự tham gia của các Dòng tu vào những công tác bác ái xã hội: mối quan tâm đến người nghèo, được thể hiện qua việc mở các bệnh viện, cô nhi viện, trường học.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ HIỆN ĐẠI
Như đã nói trên đây, các tác giả thường lấy thông điệp“Rerum Novarum” của đức Lêo XIII (15/5/1891) làm khởi điểm cho GHXH vào thời cận đại. Bối cảnh lịch sử của nó là cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Âu châu, lôi kéo theo rất nhiều cuộc thay đổi về những công cụ sản xuất, cũng như những mối tương quan xã hội.
Thực ra, xã hội Âu châu đã bị lay động từ nhiều thế kỷ trước bởi nhiều nhân tố khác nhau. Trước tiên là các cuộc cách mạng chính trị, lật đổ các chế độ chuyên chế, đòi hỏi các quyền tự do bình đẳng cho hết mọi công dân (điển hình là cách mạng Pháp 1789). Tiếp theo cuộc cách mạng chính trị đòi hỏi các quyền tự do cho công dân, là thuyết tự do kinh tế, theo đó trong lãnh vực kinh tế, chính quyền phải để cho sáng kiến tư nhân hoạt động (laissez faire, laissez passer) chứ không được can thiệp vào guồng máy sản xuất (từ việc thiết lập cơ xưởng, cho tới khế ước thuê mướn nhân công, lẫn giá cả).[13] Chủ thuyết tự do cũng đề cao tư sản như là cái gì thánh-thiêng ngang hàng với tôn giáo và gia đình. Những tiền đề của chủ thuyết tự do, khi được áp dụng vào cuộc cách mạng kỹ nghệ, không những đã làm thay đổi các điều kiện làm việc (từ nông nghiệp sang kỹ nghệ, từ đồng quê lên thành thị), nhưng còn tạo ra những giai cấp mới trong xã hội: một bên là lớp tư bản và một bên là lớp vô sản. Từ khi mà mức sống giữa đôi bên càng lúc càng chênh lệch, thì hai bên càng ngày càng trở nên đối thủ.
Đứng trước tình trạng bất công mà đa số dân nghèo phải chịu đựng, nhiều học giả tựa như Robert Owen (1771-1858), Saint Simon (1760-1825), Proudhon(1809-1865) và nhất là Karl Marx (1818-1883), cho rằng nguồn gốc của các bất công xã hội là chủ nghĩa tự do kinh tế. Vì vậy muốn dẹp bỏ những bất công, thì chính quyền cần phải nắm giữ các bộ máy sản xuất. Marx không chỉ đề ra một lý thuyết nhưng ông còn khơi lên một hiệp hội quốc tế các công nhân, từ năm 1866 mang tên là Đệ nhất Quốc tế, nhằm chuẩn bị cho giới lao động chiếm chính quyền, đập tan chế độ tư sản.
GHXH đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, cũng cần phải thêm rằng, Giáo hội không chỉ phải đương đầu với những lý thuyết tự do trong lãnh vực kinh tế. Thực vậy, từ thời cách mạng chính trị bên Pháp, giữa Giáo hội với chủ nghĩa tự do còn có những cuộc đụng độ trên nhiều phạm vi khác nữa thí dụ như : về nguồn gốc quyền bính trong xã hội (từ trời, hay là từ nhân dân?), về tự do lương tâm (ai muốn theo đạo nào thì theo, hay là phải theo đạo chân thật?). Các Giáo hoàng Grêgoriô XVI (thông điệp Mirari vos 15/8/1832, Singulari nos 25/7/1834) và Piô IX (Syllabus: danh mục những sai lầm của thời đại, 8/12/1864) đã lên án những tiền đề của chủ thuyết tự do trong lãnh vực chính trị; nhưng thái độ lên án mang tính cách tiêu cực.
Đức Lêo XIII(1878-1903) bắt đầu tạo ra một học thuyết có tính cách tích cực và vững chắc về luân lý xã hội, để đáp lại những học thuyết tự do lẫn học thuyết cộng sản về nguồn gốc quyền bính trong xã hội, về ý nghĩa của tự do, về mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước. Cách riêng, với thông điệp Rerum Novarum (15/5/1891), đức Lêo XIII giải quyết vấn đề do cuộc kỹ nghệ hóa đã đặt ra, đó là: một thiểu số người giàu đã áp đặt ách nô lệ lên đại đa số người vô sản. Có thể coi đây như là khởi điểm của học thuyết xã hội của Giáo hội, tuy phải nhìn nhận rằng các văn kiện chính thức của Giáo hội đã được chuẩn bị trước đó nhờ những nhà thần học hoặc các giáo dân đi tiên phong[14].
Từ thông điệp Rerum Novarum trở đi, học thuyết xã hội của Giáo hội được bổ túc dần dần, do những vấn đề được gợi lên tùy thời thế và cũng do những cuộc tìm hiểu và suy tư càng ngày càng chín chắn hơn. Khi trình bày lịch sử GHXH, sách TLHT (số 87-104) chỉ theo dõi thứ tự niên biểu của các giáo hoàng chứ không phân chia thành giai đoạn tiến triển của học thuyết. Tuy nhiên, cũng có tác giả[15] phân chia các giai đoạn dựa theo lịch sử Giáo hội trong thế kỷ XX, với mốc điểm là công đồng Vaticanô II; từ đó các văn kiện được phân thành ba nhóm:
+ Trước Vaticanô II: Lêô XIII, Piô XI, Piô XII
+ Công đồng Vaticanô II: Gioan XXIII, công đồng, Phaolô VI
+ Sau công đồng: Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI.
Khi đối chiếu sự tiến triển của đạo lý với những biến chuyển của thời cuộc thế giới, Alfonso Cuadrón phân chia làm 6 giai đoạn:[16] 1/ Thời phác họa những vấn đề(1891-1931). 2/ Thời khủng hoảng của các chế độ kinh tế(1931-1939). 3/ Thời thế chiến và chiến tranh lạnh(1939-1958). 4/ Thời lạc quan của thập niên 60(1958-1969). 5/ Thời khủng hoảng trong Giáo hội và xã hội(1969-1989). 6/ Từ 1989, với sự sụp đổ của bức tường Bá linh. Chúng tôi cũng dựa theo tác giả này để theo dõi sự tiến triển của GHXH, với một vài sửa đổi nho nhỏ nhằm nêu bật liên kết với các triều đại giáo hoàng hơn.
A. Thời phác họa vấn đề: từ Rerum novarum (1881) đến cuộc khủng hoảng 1929
Trước những bất công gây cho giới thợ thuyền do chủ nghĩa tự do kinh tế gây ra, phương thức duy nhất để chữa trị xem ra là chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên đức Lêô XIII đã chống lại chủ trương ấy. Ngài bảo vệ tư hữu như là nền tảng của trật tự xã hội, chống lại sự tranh đấu giai cấp, và cổ võ sự hoà đồng của tất cả mọi nhóm. Mặt khác, ngài cũng đả kích chủ nghĩa tự do vì đã gây ra nhiều bất công xã hội, cách riêng bởi vì họ coi tư hữu như là một quyền lợi tuyệt đối và hạn chế sự can thiệp của chính quyền. Thông điệp cũng bảo vệ quyền lập hội, cũng như quyền của Giáo hội được góp phần vào việc kiến thiết xã hội.
Không phải tất cả mọi giới công giáo đều hoan hỉ đón nhận thông điệp“Rerum Novarum”. Một nhóm trưởng giả đã trách đức Lêo XIII là đã vượt quá thẩm quyền của mình khi can thiệp vào những vấn đề xã hội thay vì chú trọng đến chuyện cứu rỗi các linh hồn. Dù sao, thông điệp ấy đã thức tỉnh lương tâm của nhiều tín hữu về vai trò của họ trong xã hội. Vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, người ta nhận thấy rất nhiều sáng kiến đã được xúc tiến về phía các chủ nhân cũng như các công nhân Kitô giáo, muốn đem ra áp dụng đạo lý của Hội thánh. Chính trong khi thực hành, người ta mới thấy nảy ra những vấn đề mới mà thông điệp chưa nghĩ tới, nhưng cũng nhờ vậy mà GHXH dần dần được bổ túc và hoàn chỉnh. Vài thí dụ : người công giáo có nên thành lập một đảng chính trị để tranh đấu cho một chính sách hòa hợp với luân lý hay không ? Các công nhân công giáo nên lập ra nghiệp đoàn riêng hay là nên gia nhập những nghiệp đoàn khác tuy không đồng tín ngưỡng ? Riêng về quyền lợi của các công nhân, các nhà thần học còn tranh luận xem vấn đề phụ cấp dành cho gia đình thuộc về công bằng hay thuộc đức bác ái ?
B. Thời khủng hoảng của các chế độ (1931-1939)
Thập niên 30 của thế kỷ XX được đánh dấu bằng nhiều khủng hoảng. Chế độ tư bản tự do gặp phải cơn khủng hoảng, điển hình với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Nữu ước (24/10/1929). Chế độ xã hội, sau cuộc cách mạng 1917 bên Nga, cũng bị rạn nứt giữa khuynh hướng đệ Nhị và đệ Tam quốc tế. Đang khi đó tại Đức và Ý nảy ra chủ nghĩa quốc xã (Adolf Hitler) và phát xít (Benito Mussolini).
Thông điệp Quadragesimo anno của đức Piô XI (15/5/1931), kỷ niệm 40 năm thông điệp Rerum Novarum, đã vạch ra những sai lầm của ba chủ nghĩa nói trên:
1. Chủ nghĩa tư bản bị lên án là bất công bởi vì hoàn toàn dựa trên định luật cung cầu; mặc dù đề cao tự do nhưng trên thực tế nó áp đặt sự thống trị của thiểu số có tiền lực.
2. Chủ nghĩa cộng sản bị kết án vì quan niệm đấu tranh giai cấp, gây ra căm thù trong xã hội.
3. Chủ nghĩa độc tài phát xít bị công kích vì dành cho Nhà nước quá nhiều can thiệp vào đời sống xã hội đến nỗi bóp nghẹt những sáng kiến tư nhân. Nên biết là đức Pio XI đã dành ba thông điệp cho ba chế độ độc tài: Non abbiamo bisogno (29/6/1931) dành cho phát xít Ý; Mit brennender Sorge (14/3/1937) hướng tới quốc xã Đức; bốn ngày sau đó (19/3/1937), thông điệp Divini Redemptoris ra đời bàn về chế độ cộng sản. Đức Piô XI đã mạnh dạn tố cáo tất cả những chủ nghĩa nào, – dù hữu phái hay tả phái, dù thuộc khuynh hướng tự do hay xã hội-, khi chúng đe dọa sự tự do đích thực của con người.
Thông điệp Quadragesimo anno dành phần thứ hai để trình bày quyền sở hữu, tư bàn và lao động, tiền lương công bằng. Thông điệp cũng bàn vai trò của Nhà Nước, và phát biểu nguyên tắc hỗ trợ, để chống lại các chủ nghĩa toàn chế. Trong phần thứ ba, thông điệp đề nghị những hệ thống trung gian giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
C. Thời chiến tranh thế giới và chiến tranh lạnh (1939-58)
Triều đại của Đức Piô XII trùng với thời chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh của thế giới. Chiến tranh nóng khởi sự với thế chiến thứ hai (1/9/1939). Khi thế chiến vừa kết liễu thì cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu giữa hai khối Nga-Mỹ: châu Au bị phân chia thành hai vùng Đông-Tây; sự phân chia cũng xảy ra tại châu Á (Triều Tiên, Việt Nam). Thêm vào đó, ngay tại nước Nga, người ta cũng đã chứng kiến cuộc hạ bệ Staline năm 1956 đưa tới việc lên án vào năm 1961, dưới thời Kruschov, tuy ông này cũng làm thế giới đứng tim với cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962, sau khi đã xây bức tường Bá linh năm 1961.
Đức Piô XII không xuất bản một thông điệp nào về vấn đề xã hội, nhưng Ngài đã viết hoặc tuyên bố trên đài phát thanh nhiều bài diễn văn bàn về hòa bình trên thế giới, đặc biệt là: In questo giorno (1939), về hoà bình được xây dựng trên những yêu sách chính đáng của các dân tộc; Grazie (1940) về những nền tảng của một trật tự quốc tế mới; Nell’alba (1941) xác định những tiền đề của trật tự quốc tế; La solennità (1941) về vấn đề xã hội nhân kỷ niệm 50 năm thông điệp “Rerum novarum”; Con sempre (1942) về trật tự nội bộ trong các quốc gia; Begninitas et humanitas (1944) đề nghị chế độ dân chủ như là chính thể thích hợp nhất cho các quốc gia.
D. Thời lạc quan của thập niên 60 (1958-1969)
Thập niên 60 được đánh dấu với những nét lạc quan về chính trị, kinh tế xã hội. Mặc dù chiến tranh lạnh giữa hai khối Nga Mỹ còn tiếp diễn, nhưng lãnh tụ của hai phe đã có dịp gặp gỡ nhau để thảo luận về chính trị quốc tế. Mức sống của dân chúng tại Âu Mỹ đã được nâng cao nhờ sự phát triển kinh tế. Các công nhân và nghiệp đoàn đã có tiếng nói trong sinh hoạt chính trị và xã hội. Thập niên 60 cũng còn được đánh dấu với việc giành độc lập của các nước Á-Phi, làm thay đổi mối bang giao giữa các quốc gia, dần dần đưa tới những khối trong cộng đồng chính trị thế giới.
1/ Chân phước Gioan XXIII (1958-1963)
Về phía Giáo hội, giai đoạn này trùng hợp với triều đại của đức Gioan XXIII. Ngài đã để lại hai thông điệp xã hội : Mater et Magistra (15/5/1961) và Pacem in terris (14/4/1963).
– Thông điệp thứ nhất kỷ niệm 70 năm thông điệp“Rerum Novarum”, đặt lại những vấn đề quyền tư hữu, lương bổng, công bằng xã hội, các cơ cấu kinh tế trong viễn tượng mới của thế giới. Thông điệp phân tích những chênh lệch trong kinh tế thế giới (nông nghiệp, kỹ nghệ, các dịch vụ, các nước kém phát triển) và mời gọi sự hợp tác toàn cầu.
– Thông điệp Mater et Magistra kêu gọi giáo dân hãy phổ biến GHXH, cũng như nhắc đến phương pháp “xem – xét – làm”.
– Thông điệp thứ hai phát biểu quan điểm của Giáo hội trước các vấn đề chính trị quốc gia và quốc tế. Thông điệp này gửi đến “tất cả mọi người thiện chí”, chứ không chỉ giới hạn vào các phần tử của Giáo hội. ĐTC muốn xây dựng trật tự thế giới dựa trên hoà bình và sự tôn trọng các quyền lợi của con người. Thông điệp bàn đến bản chất của quyền bính trong xã hội, các chính thể, công ích, cũng như một cơ quan quản trị quốc tế.
– Thông điệp Pacem in terris nói đến bốn cột trụ của Hoà bình: chân lý, công bằng, yêu thương và tự do.
2/ Công đồng Vaticanô II (1962-1965)
Công đồng được đức Gioan XXIII triệu tập để canh tân Giáo hội. Công đồng bàn về Giáo hội, đối nội cũng như đối ngoại. Đối nội, trong hiến chế Lumen gentium, công đồng ý thức rõ rệt hơn về bản chất và sứ mạng của mình giữa lòng nhân loại; Giáo hội là Dân Thiên Chúa, gồm bởi nhiều thành phần với những chức năng chuyên biệt.
Đối ngoại, công đồng bàn về tương quan của Giáo hội đối với thế giới trong hiến chế Gaudium et spes (7/12/1965). Công đồng bàn về nhiều lãnh vực khác nhau: gia đình, văn hóa, kinh tế, chính trị, hoà bình. Xét về phương pháp, văn kiện này đi từ nhận định thực tại, rồi phân tích dưới ánh sáng mạc khải. Phương pháp tương tự cũng được sử dụng trong tuyên ngôn Dignitatis humanae (7/12/1965) bàn về quyền tự do tín ngưỡng được nhìn dưới mối tương quan giữa công dân và chính quyền.
E. Thời khủng hoảng trong xã hội và Giáo hội (1966-1978)
Vào năm 1969, con người đã đặt chân lên cung trăng. Nhưng thay vì mở màn cho những hy vọng vô bờ bến của nhân loại, thì nó lại đánh dấu một giai đoạn khủng hoảng. Trước đó một năm (1968), những cuộc biểu tình của sinh viên tại Paris và các thủ đô lớn ở Âu Mỹ đã cho thấy rằng thế hệ trẻ không hài lòng với những cơ cấu xã hội cổ truyền, và họ muốn phá đổ tất cả. Sự phát triển kinh tế bị đình trệ lại với cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973. Hòa bình thế giới bị thương tổn không những do những cuộc chiến tranh sôi bỏng tại Việt nam, nhưng còn có những cuộc chiến tranh du kích tại Nam Mỹ nhằm đòi hỏi một trật tự xã hội công bình hơn.
Trong nội bộ Giáo hội, luồng gió mới của công đồng Vaticano II đôi khi cũng gây ra những bão tố, điển hình là phản ứng tiếp theo thông điệp“Humanae vitae” của đức Phaolô VI (25/7/1968).
Trong giai đoạn này, đừng kể những văn kiện liên quan tới việc canh tân Giáo hội sau công đồng, chúng ta có thể ghi nhận rất nhiều văn kiện về học thuyết xã hội của Giáo hội.
1/ Đức Phaolô VI đã để lại một văn kiện quan trọng cho GHXH, đó là thông điệp Populorum Progressio (26/3/1966) bàn về sự phát triển các dân tộc. Thông điệp này không kỷ niệm Rerum novarum cho bằng nới rộng hiến chế Gaudium et spes. Sự phát triển không thể chỉ giới hạn vào lãnh vực kinh tế, nhưng cần được mở rộng tới sự phát triển toàn diện con người. Mặt khác, sự phát triển cũng đòi hỏi tình liên đới giữa các nước giàu và các nước nghèo; vì thế vấn đề quyền tư hữu cần được lồng trong bối cảnh nhằm phục vụ lợi ích của toàn thể nhân loại. Như vậy điểm mới mẻ của thông điệp là đề tài “phát triển” (phát triển toàn diện con người) nhìn ở tầm mức hoàn vũ (phát triển của toàn thể nhân loại): sự phát triển là danh xưng mới của hòa bình[17].
* Tuy không được xếp vào số huấn giáo về xã hội, nhưng thông điệp Humanae vitae (25/7/1968) đáng được quy chiếu khi bàn về đời sống gia đình, nền tảng của xã hội.
2/ Để kỷ niệm 80 năm thông điệp Rerum Novarum, Đức Phaolo VI đã viết tông thư Octogesima Adveniens (15/5/1971), trình bày lập trường của Giáo hội trước những vấn đề mới (hiện tượng đô thị hóa, truyền thông xã hội, phong trào phụ nữ, môi sinh), đặc biệt là sự tham gia của các tín hữu vào các phong trào xã hội. Ngài đã phân tích hai “ý thức hệ” (tự do và mác xít), khác với ba “phong trào lịch sử” (chủ nghĩa xã hội, cộng sản, tư bản). Từ đó, tông thư chấp nhận rằng do cùng một đức tin thúc đẩy, các tín hữu có thể chọn lựa những phương thức khác nhau để hành động.
3/ Thượng hội đồng các Giám mục họp năm 1971 đã dành một văn kiện bàn về “Sự Công bằng trên thế giới”. Thượng hội đồng họp năm 1974, được đức Phaolô VI đúc kết trong tông huấn “Rao truyền Phúc âm” (Evangelii Nuntiandi 8/12/1975), đã dành nhiều khoản (số 29-39) để nói về mối liên hệ giữa việc rao truyền Phúc âm với sự thăng tiến con người.
F. Thời xác định căn cước GHXH trước một trật tự thế giới mới
Với sự sụp đổ của bức tường Bá linh ngày 9/11/1989, một trang sử được lật qua với những ảnh hưởng không riêng gì cho chính trị tại Âu châu mà còn cho trật tự của toàn thế giới. Bản đồ của nhiều quốc gia đã được vẽ lại. Người ta không còn lo sợ sự đụng độ giữa hai siêu cường Nga-Mỹ nữa, (điển hình là nhân chiến tranh vùng vịnh Ba-tư). Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội vẫn còn trờ trờ ở đó: nạn thất nghiệp, nợ quốc tế, vv; đó là chưa kể cuộc khủng hoảng của các giá trị luân lý tinh thần. Mặt khác, người ta cũng lo sợ những phong trào khủng bố của những nhóm quá khích xử dụng chiêu bài tôn giáo.
Trùng với giai đoạn này là triều đại của đức Gioan Phaolô II, một công dân Ba-lan đã từng sống dưới chế độ cộng sản cũng như kinh nghiệm đời công nhân. Những thông điệp xã hội vào thời này xác định rõ hơn căn tính của GHXH trong bối cảnh của một trật tự thế giới mới.
Đức Gioan Phaolo II khai trương giáo huấn xã hội của triều đại với thông điệp Laborem exercens (14/9/1981) bàn về lao động, vào dịp kỷ niệm 90 năm thông điệp Rerum Novarum. Tiếp theo là thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987) kỷ niệm 20 năm thông điệp Populorum Progressio. Những dịp kỷ niệm không chỉ là để lặp lại chuyện cũ nhưng là để bàn đến những vấn đề mà thời đại đặt ra. Thí dụ vào thời đại hôm nay, vấn đề lao động lôi kéo theo vấn đề nghiệp đoàn, lãng công, thất nghiệp, di dân, phụ nữ. Sự phát triển các dân tộc bị đình trệ vì nợ của các nước nghèo: thế giới không phải chỉ chia thành hai khối tư bản và xã hội, nhưng còn thêm những nước thuộc thế giới thứ ba và thứ bốn.
Đức Gioan Phaolô II xác định rõ hơn bản chất của GHXH: đây là một ngành thuộc thần học luân lý trong thông điệp Sollicitudo rei socialis. Nguyên tắc liên đới cũng được đề cập nhiều lần.
Bên cạnh giáo huấn của ĐTC, còn phải kể thêm hai huấn thị của Bộ Giáo Lý đức tin về thần học giải phóng (6/8/1984 và 22/3/1986), một huấn thị của Bộ Giáo dục công giáo về việc dạy học thuyết xã hội trong các chủng viện (30/12/1988), đó là chưa kể các văn kiện của Hội đồng Tòa thánh về“Công lý Hòa bình” và của các Hội đồng Giám mục.
Thông điệp Centesimus Annus (1/5/1991) không nhằm kỷ niệm 100 năm thông điệp Rerum Novarum cho bằng phác họa hướng đi cho tương lai. Thông điệp ôn lại thái độ của Giáo hội đối với hai chế độ mác-xít và tư bản, cho thấy những khuyết điểm của mỗi chế độ, chung quy ở chỗ quan điểm lệch lạc về phẩm giá của con người. Khuyết điểm chính của thuyết mác-xít là cắt đứt con người khỏi chiều kích siêu việt, cũng như chủ trương đấu tranh giai cấp. Khuyết điểm của chủ nghĩa tư bản là đề cao tự do cá nhân mà không đếm xỉa đến tình liên đới xã hội, hoặc đề cao một thứ tự do quá khích tách rời khỏi mọi giá trị luân lý.
Đề tài GHXH được đưa vào Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (11/10/1992), trong phần luân lý tổng quát cũng như luân lý chuyên biệt (xc Phụ trương II).
Trước khi bước sang thiên niên kỷ mới, đức Gioan Phaolô II đã triệu tập những khóa họp đặc biệt Thượng hội đồng giám mục, để nghiên cứu tình hình tôn giáo, chính trị xã hội tại các lục địa. Chính trong khoá họp dành cho châu Mỹ, các nghị phụ đề nghị soạn thảo một bản tóm lược Giáo huấn xã hội[18] . Công tác này được trao cho Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hoà bình, và tác phẩm được xuất bản năm 2004.
Những văn kiện dưới thời đức Gioan Phaolô II đã xác định rõ bản chất thần học của Giáo huấn xã hội công giáo. Cũng trong đường hướng đó, các thông điệp của đức Bênêđictô XVI (Deus caritas est, Spe salvi, Caritas in veritate) muốn liên kết hoạt động xã hội của Giáo hội với nguồn mạch phát xuất là tình yêu Thiên Chúa. Đặc biệt thông điệp Caritas in veritate, được ban hành ngày 29/6/2009 để kỷ niệm 40 năm thông điệp Populorum progressio, nhấn mạnh đến chiều kích tôn giáo và luân lý của công cuộc phát triển con người.
KẾT LUẬN
Sau khi nhìn lại tiến trình hình thành GHXH, chúng ta có thể rút ra vài kết luận như sau.
1. GHXH đã bắt nguồn từ thời xa xưa (từ Tân ước, các giáo phụ), nhưng được phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XX. GHXH biểu lộ đặc tính lữ hành của Giáo hội. Giáo hội đồng hành với nhân loại trong dòng lịch sử, chia sẻ những vui mừng và hy vọng, buồn sầu và lo âu với mọi người. GHXH được phát biểu như là những định hướng cho cuộc hành trình, cách riêng trước những thách đố mới. Hiểu như vậy, GHXH chưa hoàn thành, và cần được cập nhật liên lỉ ngõ hầu đáp ứng với những thách đố mới. Một thí dụ cụ thể, thông điệp cuối cùng về xã hội của chân phúc Gioan Phaolô II là thông điệp Centesimus annus (1991) vừa kỷ niệm 100 năm thông điệp Rerum novarum, vừa suy tư về những thách đố mới được đặt ra sau sự sụp đổ của các chế độ Cộng sản ở châu Au. Vào năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông điệp Populorum progresio, đức thánh cha Bênêđictô XVI suy tư về những vấn đề hiện đại được đặt ra do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong quá khứ, các đức giáo hoàng phải đương đầu với hai ý thức hệ: tư bản và cộng sản. Vào thời nay, hai ý thức hệ đã mất nhiều ảnh hưởng; nhưng nảy lên các thách đố mới là: chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa tiêu thụ.
2. Trong những nhân tố của sự tiến triển của GLXH phải kể đến yếu tố “lịch sử”, nghĩa là những biến đổi kinh tế, chính trị, xã hội trong hai thế kỷ XIX-XX: đó là những nhân tố bên ngoài. Chúng ta cũng cần thêm một nhân tố bên trong nữa, đó là sự tiến triển của Giáo hội trong nhận thức về bản chất của mình, cách riêng từ công đồng Vaticanô II. Trước đây, Giáo hội thường được quan niệm như một “xã hội toàn vẹn” (societas perfecta) với các guồng máy thể chế tương tự như một quốc gia và đôi khi ra như tranh đua với các quốc gia. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến bản chất Giáo hội như là “dấu chỉ và dụng cụ của ơn cứu độ”, về cơ cấu như là Dân Thiên Chúa dưới sự lãnh đạo của hàng giám mục, về sứ mạng như là mang Tin mừng cho thế giới và đồng thời cũng lãnh nhận nhiều giá trị từ thế giới. Những quan điểm này ảnh hưởng đến phương pháp xây dựng GHXH. GHXH không phải là công tác dành riêng cho Giáo hoàng và các giám mục. Các giáo dân giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng và áp dụng “Tin mừng về xã hội”.
3. GHXH mang tính cách phổ quát, đối diện với những vấn đề mang tính cách toàn cầu. Viễn ảnh này rất cần thiết trong thời đại toàn-cầu-hóa ngày nay. Tuy nhiên, mỗi giáo hội địa phương cần tìm cách để áp dụng giáo huấn này vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Việc áp dụng này không những giúp cho GHXH được diễn ra thực tại, nhưng còn góp phần cho nó tiến triển, qua sự đóng góp bằng chính kinh nghiệm sống.
***
MỤC 3
BẢN CHẤT GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
Trong chương vừa rồi, chúng ta thấy sự tiến triển của GHXH cách riêng trong thế kỷ XX. Sự tiến triển này phần nào bắt nguồn từ những vấn đề mới được đặt ra cho xã hội và Giáo hội, tiếp theo những thay đổi chính trị và kinh tế tại châu Au. Trước những tình thế mới, Giáo hội tìm cách đưa ra những câu trả lời mới, dựa theo sự phân tích nhận định dưới ánh sáng của Lời Chúa.
Song song với việc can thiệp vào những vấn đề cụ thể, Giáo hội cũng suy nghĩ về ý nghĩa của những tuyên ngôn của mình: tại sao phải lên tiếng? lên tiếng với danh nghĩa nào? Nói đúng ra, những vấn nạn được nêu lên từ hai phía:
– Đối ngoại, về phía chính quyền: tại sao Giáo hội “làm chính trị”? Tại sao Giáo hội xen mình vào lãnh vực chính trị? Hoạt động chính trị và kinh tế có những “định luật” riêng của chúng, và các nhà chính trị không muốn để cho ai sửa lưng.
– Đối nội, về phía các phần tử trong Giáo hội: những tuyên ngôn của Huấn quyền về vấn đề xã hội có giá trị vĩnh cửu bất biến không? Hay chúng chỉ có giá trị nhất thời, tuỳ theo cơ hội?
Dưới khía cạnh này, chúng ta có thể thấy một sự tiến triển trong chính quan điểm của Giáo hội về những giáo huấn xã hội. Sự tiến triển này có thể nhận thấy dưới nhiều khía cạnh.
I. TIẾN TRIỂN TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH BẢN CHẤT GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (Xc. TLHT SỐ 72)
Chúng ta có thể tóm tắt những sự tiến triển như thế này:
– Từ vài vấn đề cụ thể đến cái nhìn toàn diện;
– Từ lập luận dựa theo lý trí đến việc quy chiếu vào mạc khải;
– Từ một ngành triết học đến một ngành thần học.
1. Từ cụ thể đến tổng bộ
Như đã thấy trong mục trước, những thông điệp đầu tiên thường chỉ đề cập đến một vài vấn đề cụ thể, chẳng hạn như: lao động, tư hữu, hòa bình. Dần dần, Giáo hội nhận thấy rằng những tuyên ngôn ấy không mang tính cách lẻ tẻ, rời rạc, nhưng có liên hệ với nhau, họp thành một tổng bộ, xếp đặt thành hệ thống mạch lạc.
2. Từ lý trí đến đức tin
Trong những thông điệp đầu tiên, các đức giáo hoàng thường dùng đến những luận cứ triết học, vì nghĩ rằng những luận cứ của lý trí có thể dễ được chấp nhận bởi những người ngoài Giáo hội.
Tuy nhiên, dần dần, các đức giáo hoàng ý thức rằng Giáo hội không phải là một trường phái triết học, vì thế cần phải quy chiếu vào mạc khải nữa. Mạc khải không xung khắc với lý trí, trái lại còn nâng cao lý trí tới những viễn tượng mới.
Mặt khác, khi nại đến mạc khải, Giáo hội giải thích ý nghĩa của việc can thiệp vào vấn đề chính trị xã hội: Giáo hội không đề ra một trường phái triết học mới, cũng không đề ra một chính sách, nhưng Giáo hội thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ.
3. Từ triết học đến thần học
Từ đó, GHXH được xếp vào một bộ môn thần học, chứ không thuộc về triết học. GHXH là một ngành của thần học luân lý[19]. Như sẽ thấy trong phụ lục II, những vấn đề GHXH được đưa vào Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, ở phần thứ ba (Sống đức tin). Tuy nhiên, cần lưu ý là luân lý không chỉ gồm những mệnh lệnh phải làm hoặc những ngăn cấm phải tránh như trong một bộ luật hình sự. Không phải thế, luân lý được ví như là những con đường dẫn con người đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu. Luân lý cũng được ví như là những cách cư xử xứng hợp với tư cách của một “hình ảnh Thiên Chúa”. Nói theo ngôn ngữ cổ truyền, luân lý dạy ra “đạo làm người”, ăn ở sao cho xứng hợp với thiên chức làm người. Tuy nhiên, bên cạnh việc khám phá thiên chức của con người dựa theo lý luận tự nhiên, Thiên Chúa còn mạc khải kế hoạch mà Ngài dành cho con người, đó là đưa con người đến kết hiệp với Ngài trong cõi trường sinh. Đáp lại sự mạc khải đó, con người lại cần phải cư xử thế nào cho xứng với ơn gọi của mình.
Đó là lý do của việc trình bày về phẩm giá con người trong sách GLCG (số 1700-1869) cũng như trong sách TLGH (chương Ba, số 105-159).
II. GIÁ TRỊ CỦA GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
Có thể hiểu giá trị của GHXH theo nghĩa là “ích lợi”: GHXH nói cho ai? Có ai muốn nghe không? Có thể mang ra áp dụng không? Nhưng ở đây, chúng ta bàn đến giá trị theo nghĩa thần học: GHXH có thêm gì mới vào kho tàng đạo lý của Giáo hội không? Nó có tính cách bó buộc đối với các tín hữu không? Xin trả lời như sau:
GHXH được hình thành từ việc phân tích các biến cố dưới ánh sáng của Lời Chúa. Vì thế ta cần phải phân biệt những gì mang tính cách “thời sự” và những gì mang tính cách “vĩnh cửu”.
Đây là một nguyên tắc đã được chấp nhận trong thần học luân lý: việc đánh giá một hành vi cần dựa theo ba tiêu chuẩn: a) bản chất của hành vi; b) mục tiêu của người thực hiện; c) những hoàn cảnh của hành vi (xc. GLCG số 1750). Bản chất thì coi như bất biến, còn mục tiêu và hoàn cảnh thì thay đổi, thậm chí tác dụng luôn cả đến bản chát của hành vi. Một thí dụ: đi tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật là điều tốt (và còn là điều buộc); nhưng đi lễ chỉ nhằm khoe một cái áo mới sắm hoặc chỉ để nghe ca đoàn thì không còn tốt nữa (bởi vì mục tiêu không tốt); một cách tương tự như vậy, một bà mẹ bỏ đứa con thơ ở nhà một mình để đi lễ thì cũng không tốt (xét theo hoàn cảnh).
Điều này cũng xảy ra đối với GHXH. Khi áp dụng vào những tình huống cụ thể, đôi khi một nguyên tắc luân lý cần được phát biểu lại. Nguyên tắc “chớ giết người” có thể chấp nhận luật trừ trong trường hợp tự vệ chính đáng (nếu tên cướp nả súng bắn tôi, tôi có quyền dùng súng để tự vệ, thậm chí đến nỗi gây sự thiệt mạng cho tên cướp). Trong quá khứ, luật trừ này đã được trưng dẫn để biện minh cho “chiến tranh chính đáng” và “án tử hình”; nhưng ngày nay, trong hoàn cảnh mới, hai luật trừ ấy cần được xét lại. Thật vậy, vào thời nay khó xác định khi nào chiến tranh trở nên chính đáng (xét về động lực thúc đẩy, cũng như những hậu quả của nó); án tử hình không còn đạt được mục tiêu của nó là cải hóa tội nhân và ngăm đe tội phạm.
Vì thế không lạ gì mà khi nghiên cứu GHXH, các học giả đã phân biệt những cấp độ khác nhau xét về tín lực của các văn kiện.
A. Những cấp độ giá trị
Các cấp độ giá trị của giáo huấn có thể xét theo khía cạnh pháp lý hoặc theo khía cạnh nội dung.
1/ Cấp độ dựa theo tiêu chuẩn pháp lý
Cấp độ dựa theo tiêu chuẩn pháp lý nghĩa là do cơ quan nào đã ban hành. Trong việc thực thi quyền giáo huấn, người ta đã phân biệt nhiều đẳng cấp khác nhau (GLCG số 891-892). Một thông điệp của đức giáo hoàng thì quan trọng hơn một lá thư của một Hội đồng giám mục. Một nghị quyết của Hội đồng giám mục thì quan trọng hơn một bài phát biểu của một giám mục giáo phận.
Xét về cấp độ pháp lý của các văn kiện của Huấn quyền, các nhà thần học đã xếp loại như sau:
– Công đồng Vaticanô II: Hiến chế (Constitution), Sắc lệnh (Decree), Tuyên ngôn (Declaration).
– Đức Giáo hoàng: Thông điệp (Encyclical), Tông huấn (Apostolic Exhortation), Tông thư (Apostolic letter). Hầu hết các văn kiện GHXH là do Giáo hoàng ban hành dưới hình thức “thông điệp”.
2/ Cấp độ dựa theo nội dung vấn đề
Thần học nói đến một “hệ trật chân lý” giữa các tín điều[20]. Tín điều về đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì quan trọng hơn là tín điều về đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Một cách tương tự như vậy, những điều tuyên bố về đức tin thì quan trọng là những điều tuyên bố về luân lý.
Trong những giáo huấn của Giáo hội về luân lý, cũng có những cấp độ của nó, chẳng hạn như những tuyên bố về việc tôn trọng mạng sống con người thì quan trọng hơn những tuyên bố về việc bảo vệ môi sinh. Thậm chí ngay trong cùng một lãnh vực, chúng ta cũng có thể phân biệt nhiều cấp độ khác nhau. Hãy lấy một thí dụ trong luân lý về hôn nhân: chân lý về dây hôn nhân duy nhất và bất khả ly thì quan trọng hơn là chân lý về việc tình yêu vợ chồng phải mở rộng đến việc sinh con cái; giáo lý về việc phá thai thì nghiêm trọng hơn là giáo lý về việc ngừa thai.
B. Ba cấp độ trong Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội
Trong lãnh vực GHXH, người ta phân biệt ba cấp độ khác nhau: 1/ nguyên tắc suy tư (principes de réflection), 2/ tiêu chuẩn phán đoán (critères de jugement), 3/ định hướng hành động (orientations pour l”action)[21]. Thực ra sự phân biệt ba cấp độ không đơn giản.
Đại khái, đối với hai cấp độ đầu tiên thì có thể nói như sau:
1/ Những nguyên tắc thì có tính cách bền vững, bởi vì dựa trên Kinh thánh hay luật tự nhiên. (Chúng ta sẽ nghiên cứu những nguyên tắc này trong mục 5 dưới đây).
2/ Những phán đoán thì tùy thuộc vào những hoàn cảnh nhất thời. Sự phân biệt giữa “nguyên tắc” và “phán đoán” được công đồng Vaticano II nhắc tới ngay ở đầu Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”. Văn kiện này được chia làm hai phần: phần đầu gồm có những nguyên tắc đạo lý về con người và về thế giới; phần thứ hai thì phát biểu thái độ trước một vài vấn đề khẩn trương của thời đại. Do đó việc giải thích phần thứ hai cần được đối chiếu với những thực trạng của thời buổi đương thời, chứ không mang tính chất bất biến. Dĩ nhiên sự phân biệt này cũng được áp dụng trong toàn thể học thuyết xã hội của Giáo hội. Những nguyên tắc về phẩm giá con người, về trách nhiệm của con người đối với xã hội thì có tính cách bền vững. Còn những phán đoán về những vấn đề cụ thể thì thay đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội. Thí dụ trong quá khứ, nhiều Giáo hoàng đã bênh vực quyền tư hữu chống lại những chủ nghĩa cộng sản; nhưng dần dần, trước những bất công của chế độ tư bản, Giáo hội cũng cho thấy những khuyết điểm của quyền tư hữu khi nó không đếm xỉa gì tới tình liên đới, dẫn tới sự bóc lột tha nhân. Từ đó, học thuyết về quyền tư hữu lần lần được bổ túc bởi học thuyết về việc các tài sản được dành cho toàn thể nhân loại hưởng dụng. Chúng ta cũng có thể nhận xét như vậy về chiến tranh chính đáng, án tử hình.
3/ Định hướng hành động: sau khi đã cân nhắc đắn đo, cũng như đối chiếu với những dữ liệu, đến lúc phải chọn lựa một biện pháp để hành động.
GHXH thường nằm ở cấp nguyên tắc và tiêu chuẩn. Khi mang những nguyên tắc GHXH ra thực hành, chúng ta đừng bao giờ quên rằng một nguyên tắc lý thuyết có thể gợi lên nhiều đường hướng hành động: đó là lý do vì sao cần chấp nhận thuyết đa nguyên (pluralism).
Chúng ta lấy một thí dụ điển hình từ nước Hoa kỳ. Tại đây có hai đảng lớn: đảng Cộng Hoà và đảng Dân Chủ. Cả hai đảng đều có các thành viên công giáo, nhưng không ai dám khẳng định rằng đảng nào có đường lối phù hợp với giáo huấn Công giáo hơn. Đảng Cộng Hoà bảo vệ sự sống (chống phá thai), nhưng không quan tâm đến người nghèo. Đảng Dân Chủ đề cáo những cuộc cải cách xã hội để nâng cao mực sống của những thành phần bị loại trừ, nhưng coi nhẹ việc ngừa thai và phá thai.
Trên thực tế, trong đời sống hằng ngày, chúng ta gặp nhiều hoàn cảnh phức tạp, không thể lúc nào cũng phân chia ranh giới rạch ròi giữa tốt / xấu; trắng /đen (vàng thau lẫn lộn). Chính vì thế cần đến đức khôn ngoan, không những để phân định cái tốt cái xấu (khi đổ nước bẩn trong chậu, đừng nên đổ luôn cả đứa bé mà ta vừa tắm nó trong chậu đó), những cũng biết ước lượng những trạng huống rủi ro của một giải pháp (nhổ cỏ lùng thì có nguy cơ bứng luôn cả lúa tốt).
Mặt khác, chúng ta cũng đừng “chụp mũ” cho đối phương là hoàn toàn xấu, chẳng có gì tốt hết! Nên nhớ rằng ai cũng có điều hay điều dở, và bao lâu còn sống trên đời này, con người vẫn còn cơ hội thay đổi. Điều này được áp dụng cho cá nhân cũng như các chủ nghĩa chính trị (đức thánh cha Phaolô VI, trong tông thư Octogesima adveniens, đã phân biệt giữa “ý thức hệ” và “phong trào lịch sử”[22].
Kết luận
Ý nghĩa của thuật ngữ “Giáo huấn xã hội của Giáo hội”
1. Ngay từ nhập đề của giáo trình, chúng tôi đã nêu lên một thắc mắc liên quan đến danh xưng của môn học: “Học thuyết xã hội” hay “Giáo huấn xã hội”. Thực ra cả hai thuật ngữ đều dịch cùng một thuật ngữ trong các tiếng châu Au (Pháp Doctrine sociale de l’Eglise; Anh: Social Doctrine of the Church; Ý: Dottrina sociale della Chiesa). Thực chất của vấn nạn không nằm ở chuyện dịch thuật, nhưng ở bản chất của nó. Trong các ngôn ngữ châu Au, người ta sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau: social doctrine, social teaching, social ethics, social philosophy.
Trong những văn kiện gần đây, Tòa thánh dùng từ ngữ chính xác là Social Doctrine.
– Doctrine muốn nói lên hai điều: a) đây là một hành động thuộc về sứ vụ giảng dạy (munus docendi) của các giám mục; b) xét về nội dung, nó bao gồm một toàn bộ mạch lạc những nguyên tắc, phán đoán, định hướng liên quan đến vấn đề xã hội.
– Social liên quan đến xã hội (society). Theo nguyên gốc latinh, socius chỉ có nghĩa là bạn bè, thân hữu, đồng chí. Tự nó, “xã hội” mang một nghĩa rất rộng, bao gồm hết mọi tương quan giữa con người với nhau, từ tương quan bạn bè, vợ chồng, cho đến các hiệp hội, công ty, làng xã, quốc gia. Vì thế người ta phân biệt giữa “xã hội tư” (private) và “xã hội định chế” (institution). Tuy rằng ranh giới đôi bên không rạch ròi (chẳng hạn: gia đình, giáo dục, có thể xếp vào bên nào cũng được), nhưng có thể khẳng định rằng: đối tượng của GHXH là các “xã hội định chế”. Trong thông điệp Centesimus annus (số 54), Đức Gioan Phaolô II đã kê ra những đề mục như sau: “những quyền lợi của con người, cách riêng là của giới vô sản, gia đình và giáo dục, các nghĩa vụ của Nhà Nước, cách tổ chức xã hội quốc gia và quốc tế, đời sống kinh tế, văn hoá, chiến tranh và hòa bình, cũng như việc tôn trọng sự sống từ lúc đầu thai cho đến lúc chết”.
Cũng nên thêm rằng, GHXH bàn đến những vấn đề này không phải dưới khía cạnh kỹ thuật chuyên môn, nhưng là dưới khía cạnh luân ly. Giáo hội can thiệp vào những vấn đề liên quan đến hạnh phúc của con người, dựa trên sứ mạng mà Đức Kitô đã uỷ thác, đó là loan báo chân lý về tình yêu Thiên Chúa cho con người sống trong xã hội. Đây là một việc phục vụ tình yêu trong sự thật (xem thông điệp Caritas in veritate, số 5).
2. Nếu muốn chính xác, thì thuật ngữ “Giáo huấn xã hội” (social doctrine) được dành riêng cho các bản văn của Huấn quyền, bởi vì trình bày giáo huấn của cơ quan có thẩm quyền trong Giáo hội; còn những tác phẩm giải thích các văn kiện đó (chẳng hạn như tập giáo trình này) thì không thể gọi là GHXH theo nghĩa chặt. Tương tự như “Kinh thánh” phải hiểu về cuốn sách được viết ra do Chúa Thánh Thần linh hứng; còn những sách chú giải, học hỏi Kinh thánh thì không phải là Kinh Thánh!
Nên biết là cuốn Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội không phải là một văn kiện mới về giáo huấn, nhưng chỉ là một sưu tập các giáo huấn của các Giáo hoàng và công đồng Vaticanô II, xếp đặt theo thứ tự và giải thích mà thôi[23]. Tài liệu của Bộ Giáo dục Công giáo về “Những định hướng trong việc nghiên cứu và giảng dạy giáo huấn xã hội trong việc đào tạo linh mục” (30/12/1988) cũng nằm trong đường hướng này.
Đôi khi những tác phẩm trình bày GHXH cũng mang tựa đề khác, chẳng hạn như: “Luân lý (Đạo đức) xã hội”, “Tư tưởng Kitô giáo xã hội”, hoặc “Hoạt động xã hội theo tinh thần Kitô giáo” (nếu muốn nhấn mạnh đến khía cạnh thực hành).
***
MỤC 4
PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
Nói đến phương pháp GHXH, chúng ta có thể hình dung ra hai chặng: chặng hình thành (mà chúng ta đã nói qua ở mục 2) và chặng áp dụng, xét vì GHXH không chỉ là những suy tư lý thuyết nhưng còn phải mang ra thực hành.
Thực ra chúng ta phân biệt ra hai chặng để nghiên cứu vấn đề chứ trên thực tế thì cả hai chặng trà trộn với nhau, xét vì GHXH không phải là một thứ công trình xây dựng đã hoàn tất (tựa như một dinh thự), nhưng vẫn còn tiếp tục được xây cất, bởi vì dòng lịch sử tiếp tục tiến triển. Chính lúc đem GHXH ra “áp dụng” mà chúng ta tiếp tục “xây dựng” nó, để nó đi sát với thời cuộc, chứ nó không phải là món đồ cổ đêm trưng bày ở viện bảo tàng.
Dù sao, dù ở chặng xây dựng hay ở chặng áp dụng, phương pháp GHXH cũng tương tự như nhau.
1/ Nói chung, người ta thường phân chia các phương pháp khoa học làm hai hướng chính: diễn dịch và quy nạp.
– Phương pháp diễn dịch (áp dụng trong triết học, toán học) dùng đường lối suy diễn để khám phá thêm những chân lý mới.
– Phương pháp quy nạp (áp dụng trong khoa học thực nghiệm) dùng đường lối quan sát, thâu thập dữ kiện, rồi đưa ra những kết luận mới.
Trong quá khứ, việc áp dụng hai phương pháp một cách cực đoan đã đưa tới hai chủ thuyết duy tâm (idéalisme) cho rằng ý tưởng thực sự hiện hữu; và phái duy nghiệm (positivisme) phủ nhận những tư tưởng phổ quát, siêu nghiệm.
Ngày nay, người ta thấy rằng cần phối hợp cả hai phương pháp để truy tầm chân lý, tuy rằng có bộ môn thiên về lý thuyết hơn là thực hành, hoặc ngược lại.
2/ Bản chất của GHXH là phân định những sự kiện xã hội dưới ánh sáng của Lời Chúa.
Điều này giả thiết trước hết là nắm bắt tình hình (sự kiện), sau đó phân tích, suy tư, lượng định dưới ánh sáng của Lời Chúa. Đàng khác, GHXH không phải là bộ môn thuần túy lý thuyết nhưng dẫn tới hành động.
Từ đó, phương pháp của GHXH gồm ba giai đoạn, được diễn tả như là: Xem – xét – làm. Đây là phương pháp đã được xử dụng bởi phong trào Thanh Lao Công (Jeunesse Ouvrière Chrétienne, do cha Joseph Cardijn thành lập năm 1925), và trở thành thông dụng trong Giáo hội (xc. TLHT số 568).
3/ Trên thực tế, tiến trình làm việc phức tạp hơn nhiều.
– Trong giai đoạn “xem”, cần nghiên cứu các hiện tượng xã hội, nhờ những phương pháp của các môn xã hội học.
– Trong giai đoạn “xét”, người tín hữu không chỉ dùng lý trí để phân định (dựa theo những phương pháp triết lý và thần học), nhưng còn cần đến kinh nghiệm đức tin nữa.
– Trong giai đoạn “hành” cần thiết không những là sáng kiến để tìm ra những giải pháp mới, nhưng còn đức khôn ngoan để chọn lựa giải pháp cụ thể thích hợp nhất.
Nói khác đi, phương pháp GHXH mang tính đa ngành, diễn ra trong bầu khí đối thoại lắng nghe (TLHT số 78).
Kết luận
Trong mục trước, chúng ta đã nói đến ba cấp độ trong GHXH: nguyên tắc suy tư – tiêu chuẩn phán đoán – đường hướng hoạt động.
Trong mục này, chúng ta bàn đến phương pháp (xây dựng hoặc áp dụng) GHXH. Nó làm sáng tỏ hơn bản chất của khoa này, nêu bật ba chiều kích của nó: lý thuyết – lịch sử – thực tiễn.
1/ Lý thuyết, bởi vì đề ra những nguyên tắc luân lý về thực trạng của con người và đời sống xã hội.
2/ Lịch sử, bởi vì nó gồm có những phán đoán về những thực tại và hoàn cảnh biến thiên của lịch sử. Xét vì những hoàn cảnh này biến đổi liên tục tùy nơi và tùy thời, nên những phán đoán về chúng cũng cần được xét đi xét lại để xem những gì là phù hợp hay tương phản với nhân phẩm.
3/ Thực tiễn, bởi vì Giáo hội không phải chỉ đứng ngoài cuộc để phê phán, nhưng qua những phần tử của mình, Giáo hội muốn góp tay vào việc xây dựng một xã hội công bằng nhân đạo hơn khi mang ra áp dụng học thuyết xã hội.
***
MỤC 5
NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA GHXH
Như đã nói trên, trong GHXH người ta phân biệt ba cấp độ: nguyên tắc suy tư, tiêu chuẩn phán đoán, kế hoạch hành động. Trên thực tế, sự phân biệt giữa “nguyên tắc” và “tiêu chuẩn” không được rõ ràng. Người ta giả thiết rằng phần tổng quát trình bày các nguyên tắc, còn các tiêu chuẩn sẽ được đề cập ở phần chuyên biệt.
Trước tiên, chúng tôi xin trình bày vài khái niệm về những nguyên tắc, sau đó chúng ta sẽ nghiên cứu các nguyên tắc dựa theo sách TLHT.
I. KHÁI NIỆM
Nguyên tắc có thể hiểu như là những quy tắc phải tuân giữ khi hành động, và cũng thế hiểu như những nguyên lý từ đó rút ra những hệ luận khác.
Các nguyên tắc của GHXH được thành hình theo một tiến trình từ những quy tắc tắc đơn giản của luân lý đến những phát biểu chi tiết khi đối diện với những chủ trương triết lý vào thời hiện đại.
A. Những nguyên tắc đơn giản
Trong những nguyên tắc đơn giản của luân lý, chúng ta có thể kể ra “luật vàng” của yêu thương, luật công bình.
1/ Bác ái – thương người
Khi bàn về tương quan xã hội, người xưa đã phát biểu vài nguyên tắc cư xử sơ đẳng nhất, tựa như: “Bạn đừng làm cho người khác điều mà bạn không muốn người khác làm cho mình” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Tân ước tìm cách diễn đạt cách tích cực hơn: “Bạn hãy làm cho người khác điều mà bạn muốn người khác làm cho mình” (Mt 7,12)[24].
Hơn thế nữa, Tân ước còn muốn chúng ta cải thiện và nâng cao cách đối xử với tha nhân bằng cách ngắm nhìn tiêu chuẩn nơi Thiên Chúa là Cha nhân lành: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 6,44-45).
Thực ra nguyên tắc vừa rồi tuy đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Nó đòi hỏi một cái nhìn “siêu nhiên”. Vì thế, luân lý tìm cách phát biểu một đường hướng cư xử khả thi, đó là đức công bằng, “của ai thì trả lại cho người ấy”.
2/ Nhân đức công bằng
Luân lý cổ truyền phân biệt hai dạng thức công bằng: giao hoán và phân phối.
a) “Công bằng giao hoán” (iustitia commutativa) quy định những tương quan giữa cá nhân với nhau: tôi nợ ông A một ngàn đồng thì tôi phải trả cho ông một ngàn đồng. Món nợ này bắt nguồn từ những lý do khác nhau: có thể là tôi đi vay tiền của ông A, có thể là tôi thuê ông A làm cho tôi một công việc, có thể là tôi đã ăn trộm của ông. Dù lý do có thế nào đi nữa, nếu tôi nợ ông một ngàn thì phải trả một ngàn, không hơn không kém.
b) “Công bằng phân phối” (iustitia distributiva) quy định bổn phận của nhà lãnh đạo cộng đồng đối với các phần tử: người lãnh đạo cộng đồng có nghĩa vụ phải phân phối các quyền lợi và bổn phận tuỳ theo nhu cầu và khả năng của mỗi người. Chúng ta có thể lấy thí dụ từ trong gia đình: cha mẹ phải yêu thương tất cả các con như nhau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa may cho tất cả một bộ đồ với một kích thước như nhau cho các đứa con, bất kể chiều cao thấp, gầy béo, phái tính. Một cách tương tự như vậy, khi phân chia công tác, cha mẹ không thể nào bắt tất cả phải làm một công việc như nhau, bất chấp điều kiện sức lực của các con. Từ gia đình, ta có thể suy ra tương quan trong làng xã, tỉnh huyện, lên đến những thực thể cao hơn nữa là cộng đồng quốc gia và quốc tế: thực không dễ gì thực hành công bằng khi phân phối các quyền lợi và nghĩa vụ!
c) Ngoài hai hình thức cổ điển, vào thời cận đại, thần học còn thêm hình thức thứ ba đó là “công bằng pháp lý” (iustitia legalis), nói đến bổn phận của phần tử phải đóng góp vào công ích. Nó bổ túc cho “công bằng phân phối”, theo nghĩa là công bằng phân phối thì nói đến nghĩa vụ của cộng đồng đối với phần tử, còn công bằng pháp lý nói đến nghĩa vụ của phần tử đối với cộng đồng. Trong bối cảnh này mà vài tác giả chế ra hạn từ “công bằng xã hội” (iustitia socialis) chi phối tương quan giữa xã hội với cá nhân, đối lại với “công bằng giao hoán” chi phối tương quan giữa các cá nhân với nhau[25].
3/ Công bằng và bác ái
Trên nguyên tắc, sự khác biệt giữa công bằng và bác ái xem ra khá rõ rệt: công bằng nói lên một nghĩa vụ (buộc phải làm), còn bác ái nói lên sự hảo tâm, chứ không bắt buộc: tôi đi thuê một người làm công thì tôi phải trả lương theo lẽ công bằng; tôi gặp một người nghèo và bố thí cho họ là điều bác ái (không ai bắt buộc tôi được).
Thực tế không đơn giản như vậy. Chúng ta đã trưng một thí dụ về công bằng phân phối trong một gia đình: làm thế nào tránh được thiên vị khi phân phối những quyền lợi và nghĩa vụ? Tuy nhiên tương quan giữa các phần tử trong gia đình không thể chỉ dựa trên những quy tắc công bằng mà thôi, còn cần đến tình yêu nữa chứ! Ta có thể nói cách thức tương tự trong tương quan giữa chủ với thợ. Ong chủ có nghĩa vụ phải trả lương cho thợ theo như đã thoả thuận trong hợp đồng. Nhưng thế nào là hợp đồng công bằng? Tôi có thể hợp đồng trả lương bèo cho một người thợ bởi vì anh ta thất nghiệp và cần chút tiền để sống qua ngày? Hay là tôi phải căn cứ trên khả năng của anh, sự đóng góp của anh vào xưởng làm, cũng như các nhu cầu về sức khoẻ, gia đình của anh?
Vì thế, không lạ gì mà từ những nguyên tắc đơn giản, HTXH đã phát biểu những nguyên tắc chuyên môn hơn để ứng phó với những tình hình phức tạp của xã hội.
B. Những nguyên tắc chuyên môn
1/ Lịch sử
Vào thời cận đại, trong triết học Tây phương, người ta đã đề xướng nhiều lý thuyết liên quan đến tương quan giữa cá nhân và xã hội, dần dần đưa đến hai chủ nghĩa đối lập: cá nhân và xã hội, mỗi bên đề cao một khía cạnh. Chủ nghĩa cá nhân đề cao tự do của cá nhân; chủ nghĩa xã hội đề cao vai trò của tập thể. Mỗi bên cố gắng biện minh cho lý thuyết của mình dựa trên lịch sử, bằng cách trở về với nguồn gốc của loài người:
– Phe tự do cho rằng vào lúc khởi thuỷ, con người sống độc lập riêng rẽ; nhưng vì nhu cầu sinh tồn, con người đồng ý sống chung với nhau, qua một hợp đồng xã hội (contrat social). Cá nhân chuyển nhượng cho xã hội một vài quyền lợi của mình, nhưng vẫn duy trì một vài quyền lợi bất khả nhượng. Xã hội phải tôn trọng những quyền lợi cơ hữu ấy (cũng được đặt trên là “những quyền tự do cá nhân”).
– Phe xã hội cho rằng giống như các động vật khác, con người sinh ra trong bầy đàn, chứ không có chuyện hiện hữu tự lập. Xã hội (bầy đàn, tập thể) hiện hữu trước cá nhân. Cá nhân hoàn toàn lệ thuộc vào tập thể.
Cả hai lập trường đều dựa trên những giả thuyết về nguồn gốc loài người thời sơ thuỷ. Một bên giả thiết rằng cá nhân xuất hiện trước xã hội; một bên giả thiết rằng xã hội xuất hiện trước cá nhân. Thật khó khẳng định ai đúng ai sai, cũng tựa như câu hỏi: cái trứng có trước con gà, hay con gà có trước cái trứng?
Hơn thế nữa, cuộc tranh luận này lại còn bao hàm nhiều quan niệm triết học về nhân sinh: phải chăng con người chỉ có những tương quan với xã hội mà thôi, hay còn tương quan với Đấng siêu việt nữa? Phải hiểu thế nào về “tương quan xã hội”: một đôi vợ chồng đã đủ để họp nên xã hội hay chưa, hay xã hội chỉ áp dụng cho bộ lạc, quốc gia?
2/ Tương quan
Triết học Kitô học bàn đến các “tương quan” của con người dưới nhiều chiều kích:
– Một đàng là những tương quan hướng đến Đấng Tuyệt đối hoặc với các giá trị siêu việt của tinh thần; đàng khác là những tương quan hướng đến người đồng loại;
– Những tương quan hướng đến người đồng loại mang nhiều cấp độ: từ những tương quan giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái (mở rộng đến ông bà tổ tiên với con cái cháu chắt); cho đến những tương quan trong làng xóm, bộ lạc, tỉnh thành, quốc gia, quốc tế.
Những nguyên tắc căn bản của GHXH muốn thiết lập sự quân bình giữa các tương quan ấy:
– Con người mang bản tính xã hội, chứ không thể sống cô độc trên hoang đảo.
– Đàng khác, xã hội cũng cần nhìn nhận giới hạn của mình: xã hội không phải là Thượng đế! Xã hội cần tôn trọng chiều kích siêu việt của con người.
– Ngoài ra, xét vì có nhiều cấp độ xã hội[26], cho nên cần có sự phối hợp hữu cơ giữa các cấp độ đó.
Khi muốn phát biểu những yêu sách vừa kể nguyên tắc căn bản của GHXH, các tác giả đã đưa ra nhiều ý kiến: có người liệt kê ba nguyên tắc, có người liệt kê năm, hoặc bảy, hay hơn nữa. Tất cả đều được xây dựng trên một nền tảng chung, đó là “nhân học Kitô giáo”, nghĩa là một quan điểm về con người dưới nhãn quan Kitô giáo, mang nhiều mối tương quan: con người gồm bởi tinh thần và thể chất, con người mang chiều kích siêu việt nhưng sinh sống và hoạt động trong lịch sử; con người có ơn gọi vươn lên cứu cánh tối hậu nhưng cần sự hỗ trợ của xã hội trần thế (TLHT số 126).
II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA GHXH THEO SÁCH TLHT
Sách TLGH dành chương Bốn (số 160-208) để bàn về những nguyên tắc của GHXH. Chương này gồm tám đoạn, khiến cho người đọc dễ lầm tưởng rằng có tám nguyên tắc. Sự thực không phải như vậy.
– Ở nhập đề, số 160 cho biết rằng chỉ có ba nguyên tắc (công ích, hỗ trợ, liên đới).
– Đến khi đi vào chi tiết, chúng ta thấy danh sách được kéo dài thêm, theo thứ tự như sau: 1/ nguyên tắc công ích (số 164-170); 2/ nguyên tắc “ở đời muôn sự của chung” (số 171-184), tuy nó được coi như là hệ luận của nguyên tắc công ích vừa nói (số 171); 3/ nguyên tắc hỗ trợ (số 185-188); 4/ nguyên tắc tham gia (số 189-191) tuy nó được coi như hệ luận của nguyên tắc hỗ trợ (số 189); 5/ nguyên tắc liên đới (số 192-196). Như vậy là có năm nguyên tắc: ba nguyên tắc chính (công ích, hỗ trợ, liên đới) và hai nguyên tắc phụ.
– Thêm vào đó, đoạn Bảy (từ số 197) còn thêm “những giá trị căn bản của đời sống xã hội”, đó là: 1/ chân lý; 2/ tự do; 3/ công bình; rồi đoạn Tám (từ số 204) còn thêm một giá trị nữa để kết thúc, đó là tình thương (đức ái)[27].
Người đọc có thể thắc mắc: như vậy phải nói đến ba hay năm nguyên tắc? Phải chăng bốn “giá trị” tạo nên một khối riêng biệt, hay chúng hợp thành nguyên tắc thứ bốn (hoặc thứ sáu)?
Dù sao, khi tranh luận về con số các nguyên tắc và giá trị, chúng ta đừng nên quên một nguyên tắc khác còn quan trọng hơn nhiều, đó là nguyên tắc về phẩm giá con người. Đây mới thực là nguyên tắc căn bản; những nguyên tắc và giá trị khác đều phát xuất từ nền tảng ấy (số 160).
Vì thế chương Bốn liên hệ mật thiết với chương Ba, “Nhân vị và nhân quyền”, hay nói đúng hơn, “Cái nhìn Kitô giáo về con người”, “sự thật về con người” (TLHT số 13) quen gọi là “Nhân học Kitô giáo”. Nhân học Kitô giáo cho ta thấy một cái nhìn về những tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân (từ gia đình, đến cộng đồng dân sự, cộng đồng văn hoá, chính trị, cộng đồng nhân loại).
Nhân học Kitô giáo không chỉ mở rộng nhiều chân trời rộng hơn, nhưng còn cung cấp những động lực để con người sống những yêu sách ấy (mẫu gương của đức Kitô, con người gương mẫu; sức mạnh của Thánh Thần). Đồng thời, nhân học Kitô giáo cũng trình bày thảm trạng của con người: con người có khả năng vươn lên đến vô biên, nhưng đồng thời con người cũng sống ích kỷ, bị lôi cuốn chiều theo dục vọng. Đó là hình ảnh của con người trong lịch sử cứu độ: con người được nâng cao, sa ngã, và được cứu chữa. Mạc khải cho ta thấy sự thật tiêu cực nơi con người, đó là tội lỗi, nguồn gốc của những bất công trong tương quan giữa cá nhân cũng như trong các cơ cấu xã hội (được đặt tên là “cơ cấu tội lỗi”[28].
Do đó việc trình bày hệ thống các nguyên tắc căn bản của GHXH phải bắt đầu từ quan niệm Kitô học về con người (nhìn dưới những chiều kích khác nhau). Vì lý do ấy, chúng tôi gom chương Ba và chương Bốn làm một, và trình bày các đề mục theo thứ tự như sau:
1. Nguyên tắc nền tảng của GHXH: phẩm giá con người và những quyền lợi căn bản
2. Bản tính con người là sống trong xã hội: nguyên tắc công ích
3. Nguyên tắc tổ chức xã hội: liên đới và hỗ trợ
4. Con người với xã hội: nguyên tắc tham gia vào đời sống xã hội. Chia sẻ tài sản.
5. Những giá trị luân lý trong việc tổ chức xã hội: chân lý, công bình, tự do, hòa bình và tình yêu.
Tuy phân tích ra làm nhiều nguyên tắc, nhưng thực sự chúng bổ túc lẫn cho nhau, và chung quy cũng là tìm sự quân bình giữa tôn trọng nhân vị và hợp tác xã hội, làm sao để tránh hai thái cực: ích kỷ (khi quá đề cao nhân vị) và toàn chế (khi quá đề cao xã hội).
A. Nguyên tắc nền tảng của GHXH: phẩm giá con người
1. Nhờ Kinh thánh, chúng ta biết rằng con người được dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Trong lịch sử Kitô giáo, thuật ngữ này đã được giải thích theo nhiều chiều hướng:
– Con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì có trí tuệ và ý chí tự do.
– Con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì được chia sẻ quyền quản trị vũ trụ
– Con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì được mời gọi vào chia sẻ tình yêu Thiên Chúa.
– Con người là hình ảnh Thiên Chúa “Ba Ngôi” vì được mời gọi sống hiệp thông với tha nhân. Con người gồm bởi nam và nữ.
2. Dưới ánh sáng của triết học tự nhiên, người ta cũng nhìn nhận phẩm giá con người ở chỗ nó vượt lên trên các loài động vật và thực vật, bởi vì có lý trí, lương tâm, tự do. Con người là một “nhân vị” (personne humaine), nghĩa là một chủ thể (sujet) có lý trí và tự do; vì thế không thể bị đối xử như là đồ vật (objet). Đàng khác, vì là nhân vị, con người tìm thấu sự triển nở trong cuộc gặp gỡ các nhân vị khác, chứ không khép kín trong vỏ ốc của mình.
3. Tất cả mọi con người đều bình đẳng về phẩm giá. Nguyên tắc này loại trừ các kỳ thị về phái tính, màu da, giai cấp, tôn giáo; cũng như chống lại mọi sự bóc lột khai thác về kinh tế chính trị.
4. Trong tương quan với xã hội, sự bình đẳng về phẩm giá được phát biểu qua việc tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người. Việc ý thức và liệt kê những quyền lợi căn bản đã tăng trưởng theo dòng lịch sử, điển hình nơi tuyên ngôn cách mạng Pháp 1789 và tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948.
GHXH bắt đầu suy tư về quyền lợi con người (nhân quyền) kể từ thông điệp Pacem in terris, và được tiếp tục ở công đồng Vaticanô II và đức Gioan Phaolô II (TLHT số 155). Trong thông điệp Centesimus annus, đức Gioan Phaolô II đã liệt kê những quyền lợi căn bản như sau:
– Quyền sự sống (ngay từ khi được thụ thai trong lòng mẹ);
– Quyền được sống trong một gia đình hợp nhất và trong một môi trường luân lý phù hợp cho sự phát triển nhân cách;
– Quyền được tăng trưởng về trí tuệ và về tự do trong việc tìm kiếm và hiểu biết chân lý;
– Quyền được làm việc để hưởng dụng những tài nguyên của trái đất và kiếm được điều cần thiết để nuôi sống bản thân và người thân thuộc;
– Quyền được lập gia đình, và đón nhận và giáo dục con cái;
– Quyền tự do tín ngưỡng.
Trong bản danh sách ấy, có hai quyền lợi được coi như căn bản hơn cả: quyền sự sống và quyền tự do tín ngưỡng.
Ngoài những quyền lợi của cá nhân, cũng cần nói đến quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia; đồng thời không được quên rằng việc đòi hỏi quyền lợi cũng kèm theo trách nhiệm thi hành các nghĩa vụ (TLHT số 156-157). Nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi con người không chỉ ràng buộc xã hội đối với cá nhân, mà còn ràng buộc cá nhân với cá nhân khác: xã hội phải tôn trọng quyền lợi của tôi; tôi phải tôn trọng quyền lợi của xã hội và của những công dân khác.
5. Tóm lại, phẩm giá con người là nguyên tắc căn bản của GHXH. Phẩm giá có thể nhìn dưới khía cạnh “tĩnh” (chiều kích siêu việt, khả năng hướng đến Chân Thiện Mỹ), hoặc dưới khía cạnh “động”, trong mối tương quan với xã hội, là khung cảnh trong đó con người phát triển những tiềm năng của mình, và cũng góp phần thăng tiến đồng loại. Xã hội phải tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người bằng hai cách: một đàng, không được xâm phạm đến những “quyền tự do” (chẳng hạn: tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu tư tưởng, tự do di chuyển); đàng khác phải tạo điều kiện để con người có thể phát triển quyền lợi của mình (chẳng hạn: quyền giáo dục, quyền lao động). Trong bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc, chúng ta có thể phân biệt hai nhóm quyền lợi: a) những quyền tự do cá nhân (điều 3-20); b) những quyền chính trị xã hội (điều 21-27).
B. Con người sống trong xã hội: nguyên tắc công ích
Con người vừa mang chiều kích siêu việt vừa có tương quan với xã hội. Nhận xét cơ bản này đòi hỏi duy trì sự quân bình giữa hai thái cực: một bên đề cao cá nhân chủ nghĩa, không đếm xỉa gì đến đồng loại; một bên đề cao xã hội đến nỗi đòi hỏi cá nhân phải hy sinh cho tập thể.
GHXH chủ trương rằng:
1/ Con người không phải là một ốc đảo, nhưng sinh ra để sống chung với tha nhân. Con người phải coi tha nhân như là anh chị em, chứ không phải là kẻ thù (Homo homini lupus). Con người cần đến tha nhân để phát triển chính mình, chứ không phải bất đắc dĩ chấp nhận họ. Nhận xét này sẽ đưa tới hệ luận là nguyên tắc liên đới sẽ nói dưới đây.
2/ Khi chấp nhận sống trong xã hội, con người cùng nhau tìm kiếm “công ích”, nghĩa là điều thiện chung (bonum commune, common good: công thiện). Công thiện không tiêu diệt những điều thiện của mỗi phần tử, nhưng bao gồm tất cả những điều thiện riêng.
Khái niệm “công ích” đã được các triết gia Hy lạp bàn đến. Họ trưng ra một thí dụ từ thân thể con người: nơi mà mỗi bộ phận có chức năng riêng, nhưng tất cả liên kết với nhau để hoạt động cho ích lợi toàn thân. Dựa theo tư tưởng ấy thánh Phaolô áp dụng cho Hội thánh là thân thể của Đức Kitô (1 Corintô chương 12): đầu có chức năng của đầu, chân tay có chức năng của chân tay; tất cả đều cần thiết trong thân thể; đầu không thể nói với chân rằng cái chân hèn hạ vô dụng! Trước đó, ngài cũng khuyến khích: “anh em đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác” (1Cr 10,24)
Công thiện không phải là tổng số của những thiện ích cộng lại với nhau. Công thiện là một “giá trị gia tăng” thêm vào điều thiện của mỗi cá nhân. Công thiện là mục tiêu của xã hội, lý do hiện hữu của xã hội. Nhờ xã hội mà các phần tử đạt được sự hoàn thiện cho chính mình.
Cụ thể hơn nữa, nguyên tắc công ích đặt nền tảng cho sự cần thiết của quyền bính trong xã hội (Công quyền). Công quyền có nghĩa vụ điều hợp cách công bằng những ích lợi của những nhóm khác nhau trong cộng đồng. Công quyền phải nhắm tới ích lợi chung của toàn thể (lưu ý đặc biệt đến những thành phần yếu ớt), chứ không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của phe nhóm.
Quan niệm về công ích có thể thay đổi tuỳ theo dạng của cộng đồng: công ích của gia đình, làng xã, thì khác với công ích của một hội thân hữu, một hiệp hội. GHXH chú trọng cách riêng đến cộng đồng quốc gia. Ở cấp độ này, nhà cầm quyền phải tạo ra những điều kiện thuận lợi để tạo ra sự thăng tiến toàn diện của các công dân, chẳng hạn như: tổ chức cơ cấu luật pháp, các cơ quan hành chánh, cung cấp các dịch vụ căn bản (công ăn việc làm, nhà ở, trường học, bệnh viện, phương tiện giao thông), tạo ra môi trường thuận lợi để các công dân có thể thực hiện nhu cầu tâm linh, bảo vệ môi sinh và hòa bình, vv. (TLHT số 166)
Tuy nhiên, công quyền không phải là cơ quan duy nhất quan tâm đến công ích. Tất cả mọi công dân đều phải góp phần vào công ích, như sẽ thấy trong những nguyên tắc tiếp theo. Công quyền phải tạo điều kiện cho các công dân, các đoàn thể có cơ hội đóng góp vào công ích (TLHT số 167).
Ngoài ra, khi bàn đến công ích, nghĩa là những “phúc lợi” hay “dịch vụ” mà công quyền cần cần phải tạo ra cho nhân dân, GHXH dành mối quan tâm đặc biệt đối với “nhu cầu tâm linh” của con người. Nhà Nước không được phép loại bỏ nó (TLHT số 170).
C. Những nguyên tắc về tổ chức xã hội: liên đới và hỗ trợ
Tuy được kể là hai nguyên tắc, nhưng nên bàn chung để làm nêu bật mối liên hệ hỗ tương.
1/ Nguyên tắc liên đới (solidariété)
Từ lâu, từ ngữ “liên đới” đã được sử dụng trong ngôn ngữ pháp lý khi bàn đến trách nhiệm trong các công ty. Có những công ty trong đó chỉ các người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm; có những công ty chỉ đòi hỏi mỗi hội viên chịu trách nhiệm tùy theo phần đóng góp của mình; có những công ty đòi hỏi trách nhiệm liên đới (in solidum), nghĩa là tất cả các hội viên đều mang trách nhiệm chung, đến nỗi chủ nợ có thể đòi hỏi bất cứ hội viên nào phải thanh toán tất cả món nợ của công ty (chứ không cần phải kiện giám đốc của công ty). Như vậy, tính liên đới nói lên sự tham gia của mỗi phần tử vào toàn thể trách nhiệm của cộng đồng.
Trong ngôn ngữ thường nhật, tình liên đới được hiểu theo một nghĩa rộng hơn: nó muốn nói lên mối dây liên kết giữa con người với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng: điều tốt của cá nhân cũng là điều tốt của cộng đồng, và ngược lại. Chúng ta dễ nhận ra điều này trong gia đình: một người làm quan cả họ được nhờ, một con sâu làm rầu nồi canh). Kinh thánh cho chúng ta biết tất cả mọi người đều là con cái một Cha trên trời. Sách Luận ngữ cũng đã viết “Tứ hải giai huynh đệ”. Tình liên đới cũng là nguồn gốc của những hành vi “tương thân tương ái”, “tương trợ”, vv… Tình liên đới không cho phép tôi chỉ nghĩ đến ích lợi của bản thân, nhưng đòi buộc tôi phải quan tâm đến người khác. Tiếc rằng do tính tội lỗi, tôi thường nghĩ đến việc trục lợi, bóc lột người khác, thay vì giúp đỡ họ!
Tình liên đới trở thành ngôn ngữ phổ thông trong GHXH cận đại với thông điệp Sollicitudo rei socialis của đức thánh cha Gioan Phaolô II. Tình liên đới không chỉ là một tình cảm, một khuynh hướng, nhưng còn một nhân đức (nghĩa là ý muốn kiên trì) mong muốn hợp tác với tha nhân như là một con người được Chúa yêu, chứ không đối xử với họ như món hàng khai thác (TLHT số 193).
Tình liên đới thúc đẩy tôi cùng với những người khác đi tìm công ích của cộng đồng (gia đình, nghề nghiệp, làng xã ..). Tình liên đới được áp dụng không chỉ giữa cá nhân với xã hội, hoặc xã hội với cá nhân, nhưng còn giữa các xã hội với nhau (thí dụ các nước giàu đối với các nước nghèo).
Đối với người tín hữu, tình liên đới còn bao gồm chiều kích siêu nhiên: tôi phải quan tâm không những đến các phúc lợi vật chất hay tinh thần của tha nhân, nhưng cả đến phúc lợi siêu nhiên, tức là sự cứu độ của họ nữa. Ngoài ra, một khi biết rằng những chênh lệch bất công trên xã hội là do tội lỗi gây ra, thì tình liên đới trong đức tin cũng đòi hỏi phải góp phần vào việc cải thiện những cơ cấu tội lỗi, biến đổi chúng thành cơ cấu của tình liên đới. Mục tiêu cuối cùng của tình liên đới là sao cho “anh em bốn phương nên một nhà”.
2/ Nguyên tắc hỗ trợ (subsidiarité)
Trong tiếng Việt, có người gọi là “hỗ trợ”, có người gọi là “bổ trợ” hay “phụ trợ”. Trong tiếng Latinh, subsidiaritas bắt nguồn từ subsidium (giúp đỡ, nâng đỡ). Chúng ta có thể hiểu nguyên tắc này khi đi từ dưới lên trên (từ cá nhân đến cộng đồng) hoặc từ trên xuống dưới (từ cộng đồng đến cá nhân).
a) Từ dưới lên trên: khi tôi không thể thực hiện một công tác hay một nghĩa vụ, thì tôi đến nhờ ai đó hỗ trợ giúp đỡ. Nếu người ấy cũng không có khả năng, thì nại đến một cơ quan cao cấp hơn. Tất cả những người được “nhờ” như vậy phải tìm cách giúp đỡ tôi, chứ không làm thay thế cho tôi. Thí dụ cha mẹ có bổn phận giáo dục con cái. Công tác này quá nặng, vì vậy cha mẹ nhờ đến các thầy cô. Thầy cô cần đến cộng đồng để tổ chức trường học. Cộng đồng có thể được hiểu về làng, hoặc huyện, xã, tỉnh, và thậm chí quốc gia. Sự hỗ trợ nằm trong tương quan xã hội (giữa cá nhân và xã hội, hoặc xã hội thấp với xã hội cao).
b) Từ trên xuống dưới. Nguyên tắc này quan niệm xã hội như một tổ chức hữu cơ, bao gồm nhiều cơ quan và bộ phận với những chức năng riêng biệt (gia đình, làng mạc, hiệp hội, đoàn thể, cơ sở văn hoá giáo dục, doanh nghiệp, vv). Những cơ quan cấp trên phải tôn trọng những yêu sách và sinh hoạt riêng của các cơ quan cấp dưới; vì thế cơ quan cấp trên không nên dành chỗ của cấp dưới, nhưng trái lại, hãy giúp đỡ (hỗ trợ) cho những cơ quan cấp dưới những phương thế để thực hiện chức năng của mình.
Trong việc tổ chức xã hội, nguyên tắc hỗ trợ chống lại chính sách toàn chế (totalitarisme) hoặc “bao cấp”, tập trung tất cả các dịch vụ vào cơ quan trung ương của Nhà nước, và dẹp bỏ tất cả các tổ chức, hiệp hội khác, bởi vì làm như vậy là bóp chẹt những sáng kiến tư nhân. Mặt khác, vai trò của nhà nước là tổ chức các cơ chế để phục vụ ích lợi của cộng đồng. Các cơ chế không tạo ra những con người đức hạnh, sống thân hữu với nhau. Những tương quan thân hữu được triển nở nơi những tổ chức, hiệp hội tự nguyện[29].
Như vậy nguyên tắc hỗ trợ có hai khía cạnh: a) tích cực: cấp trên phải giúp đỡ cấp dưới trong những vấn đề cấp dưới không làm nổi; b) tiêu cực: cấp trên không được lấn át cấp dưới, bóp nghẹt sáng kiến của họ (HTXH số 186-187). Không dễ gì duy trì sự quân bình giữa hai khía cạnh!
Nguyên tắc hỗ trợ cũng được áp dụng trên lãnh vực bang giao quốc tế: các cơ quan chính trị quốc tế không được dành quyền định đoạt của các quốc gia hay của các tổ chức khác.
D. Con người với xã hội: nguyên tắc tham gia vào đời sống xã hội và chia sẻ tài sản
Hai nguyên tắc này có thể coi như hệ luận của những nguyên tắc đã nói trước đây. Thực vậy, nguyên tắc liên đới đã nói lên nghĩa vụ của mỗi phần tử phải tham gia vào ích chung; nghĩa vụ này đồng thời cũng là quyền lợi của họ. Không ai có quyền bị gạt ra ngoài lề (HTXH số 189).
Trong một chính thể dân chủ, các công dân đều có quyền tham gia vào việc điều hành đời sống chung, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu
Sự tham gia vào ích chung bao gồm nhiều lãnh vực: văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội. Sự tham gia không chỉ nằm trong lãnh vực cộng đồng địa phương, mà kể cả trong lãnh vực cộng đồng quốc tế. Dù sao, GHXH chú ý đặc biệt đến lãnh vực tài sản vật chất, đầu mối của những bất công xã hội, gây ra sự tranh chấp giữa người giàu và người nghèo. Để giải quyết tình trạng này, các chủ nghĩa xã hội đòi dẹp bỏ quyền tư hữu, và sung công tất các tài sản. Giáo hội đã lên tiếng để bảo vệ quyền tư hữu, với lý do là vì nó gắn liền với phẩm giá con người. Tuy nhiên, ở một thái cực khác, các chủ nghĩa tư bản muốn chiếm đoạt tất cả các tài nguyên cho một thiểu số, và bỏ rơi đa số dân nghèo trong cảnh đói kém.
GHXH tìm cách tránh hai thái cực ấy, qua hai nguyên tắc:
– Thứ nhất, Giáo hội khẳng định rằng các tài nguyên trên địa cầu được Thiên Chúa ban cho hết mọi người và toàn thể nhân loại (“Ở đời muôn sự của chung”). Do đó tất cả mọi người đều được quyền hưởng dụng những tài nguyên để sinh sống. Điều này bao hàm một tình liên đới, nhắm tới việc tạo ra những điều kiện cho mọi người và mọi dân tộc được hưởng sự phát triển xứng với nhân phẩm (TLHT số 171-172).
– Thứ hai, Giáo hội bênh vực cho quyền tư hữu, bởi vì nó là kết quả của con người biết dùng tài năng để khai thác vũ trụ, ngõ hầu tìm phương tiện sinh sống cho mình và cho người thân yêu. Quyền tư hữu là một biểu hiện của sự tự do (TLHT số 176-177). Tuy nhiên, quyền tư hữu không có tính cách tuyệt đối, nhưng cần được điều hợp với nguyên tắc về các tài nguyên được ban cho tất cả mọi người hưởng dụng.
Trong bối cảnh đó, Giáo hội bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đối với người nghèo, những người thiếu may mắn, thiếu điều kiện để phát triển. Khi đi vào chi tiết, chúng ta sẽ thấy những lúc nào Nhà Nước cần can thiệp vào hoạt động kinh tế để tạo phương tiện cho người nghèo có phương kế sinh sống (HTXH số 351-355).
E. Những giá trị luân lý trong việc tổ chức xã hội: chân lý, tự do, công bình, tình yêu
Những nguyên tắc căn bản được xem như là những trụ cột để xây dựng xã hội. Tuy nhiên, dưới cái nhìn Kitô giáo, việc thực hành những nguyên tắc ấy đòi hỏi các nhân đức, nghĩa là các giá trị luân lý. Mặt khác, đó cũng là lý tưởng của xã hội mà chúng ta nỗ lực xây dựng: một xã hội nhân đạo hơn, công bằng hơn, một “nền văn minh tình thương”.
Bốn giá trị được đức Gioan XXIII phát biểu trong thông điệp Pacem in terris và được công đồng Vaticanô II lặp lại trong hiến chế Gaudium et spes, là: chân lý, tự do, công bình và yêu thương.
1/ Chân lý (sự thật). Chân lý là nền tảng để xây dựng xã hội: chân lý về con người, về phẩm giá con người, về tương quan của con người đối với Thiên Chúa và tha nhân. Những chân lý này do lý trí khám phá (luật tự nhiên) hoặc do Thiên Chúa mạc khải, trở thành tiêu chuẩn khi phân định các thực tại xã hội. Chân lý cũng có nghĩa là chân thật, thành thật: đây là một giá trị căn bản trong tương quan giữa con người với nhau. Vì thế cần phải tôn trọng sự thật, cũng như cần được giáo dục để tìm kiếm và làm chứng cho sự thật. Ap dụng vào chính trị, điều này đòi hỏi hành động trong sáng, chứ không âm mưu lén lút. Chân lý cũng đòi hỏi quyền được thông tin trung thực (TLHT số 198).
2/ Tự do biểu lộ phẩm giá cao quý nhất của con người. Việc thực hành tự do cần phải xứng hợp với phẩm giá, nghĩa là với tinh thần trách nhiệm, cũng như tôn trọng tự do của người khác. Tự do cũng đòi hỏi phải loại bỏ những gì là tiêu cực xét về luân lý (TLHT số 199-200)
3/ Công bằng là một giá trị tương ứng với nhân đức cùng tên. Nó đòi hỏi ý chí trao trả cho Thiên Chúa và tha nhân điều gì thuộc về họ. Nhân đức công bằng mang các dạng thức: giao hoán, phân phối, xã hội dưới nhiều khía cạnh (chính trị, kinh tế)
4/ Tình yêu. Công bằng và yêu thương liên hệ mật thiết với nhau. Cả hai nhân đức này chi phối các tương quan với tha nhân. Trong lịch sử, đôi khi tình thương (bác ái) dọn đường cho công bằng: mối quan tâm đến người nghèo dẫn đến ý thức về quyền lợi của họ. Mặt khác, nếu công bằng mà thiếu tình yêu thì chỉ tăng thêm các bàn giấy, cơ chế, nhưng mất đi mục tiêu là phục vụ con người. Theo Kitô giáo, tình yêu là dây liên kết các nhân đức. Nếu thiếu tình yêu, thì ta không thể nào cảm thấy liên đới với tha nhân, nhất là những kẻ xa lạ. Tình yêu “xã hội” thôi thúc chúng ta không những coi tha nhân như người thân cận, nhưng còn tìm cách để tạo ra những cơ cấu nhằm cải thiện mức sống của người nghèo hoặc loại bỏ những cơ chế tội lỗi, làm ngăn cản sự phát triển của họ.
Thông điệp Caritas in veritate của đức Bênêđictô XVI tìm cách liên kết hai giá trị “Sự thật” và “Tinh yêu”, nêu bật cách riêng là cả hai đều là ân ban.
KẾT LUẬN
Trong mục này, chúng ta bàn về những nguyên tắc căn bản của GHXH. Chúng ta ghi nhận những cách thức khác nhau giữa các tác giả khi liệt kê các nguyên tắc (3, 5, 7) và giá trị.
Thiết tưởng có thể kết luận như sau.
1/ Nguyên tắc quan trọng nhất là phẩm giá của con người, được nhìn dưới ánh sáng của lý trí (con người là nhân vị, có lý trí và tự do) và dưới ánh sáng của mạc khải (Con người là hình ảnh của Thiên Chúa Ba ngôi); đồng thời con người sống trong xã hội. Nguyên tắc này là nguồn gốc của những quyền lợi căn bản của con người, nhìn các chiều kích khác nhau.
2/ Những nguyên tắc khác có thể coi như hệ luận của việc hoà hợp giữa chiều kích siêu việt và thông hiệp của con người. Ba nguyên tắc căn bản là: công ích, liên đới, hỗ trợ.
a) Nguyên tắc “công ích”: điều thiện hảo chung (mục đích của xã hội) là khung cảnh để các phần tử đạt được những thiện ích của mình chứ không phải là để xoá bỏ những quyền lợi của các phần tử.
b) Nguyên tắc “liên đới” (hoặc nhân đức liên đới) thì ngược lại: nó thúc đẩy các phần tử hãy quan tâm đến điều thiện của cộng đồng, chứ không được phép chỉ nghĩ đến các điều ích lợi cá nhân.
c) Nguyên tắc “hỗ trợ” nhằm dung hòa hai nguyên tắc vừa kể: Công quyền phải tạo ra những cơ cấu để giúp các phần tử đạt được thiện ích của mình, nhưng đồng thời cũng phải để cho các phần tử được tự do phát triển những khả năng của mình, và tham gia vào đời sống chung[30].
Dĩ nhiên các nguyên tắc liên hệ chặt chẽ và bổ túc cho nhau. Nguyên tắc “tham gia” có thể móc nối với “công ích” hoặc “hỗ trợ”.
3/ Chúng ta còn đang ở trong phần tổng quát. Sang đến phần chuyên biệt, Sách TLHT sẽ việc áp dụng các nguyên tắc này vào nhiều lãnh vực khác nhau, thí dụ:
– Công ích: tương quan với lao động (số 266,287), doanh nghiệp (số 338), chính sách kinh tế (số 354), Nhà Nước (số 412).
– Liên đới: gia đình (số 246), nghiệp đoàn (số 305), hợp tác quốc tế (số 446)
– Hỗ trợ: Nhà nước (số 351, 354, 357), Cộng đồng quốc tế (số 441).
Khỏi nói ai cũng biết, các nguyên tắc vừa kể sẽ trở thành “tiêu chuẩn phán đoán” trong mỗi hoàn cảnh.
4/ Khi nghiên cứu những nguyên tắc của GHXH, chúng ta đừng nên quên lồng trong toàn thể sứ mạng của Hội thánh. Chúng ta cần đến những nguyên tắc để phát biểu quan điểm và để bày tỏ lập trường khi đối thoại. Nhưng cuối cùng, điều quan trọng là làm sao thể hiện được kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đó là nên thánh. Điều này đòi hỏi nỗ lực của chúng ta nhưng cũng cần đến ân sủng do chính Chúa ban. Nói cách khác, GHXH vừa là đạo lý vừa là linh đạo nữa. Lý tưởng mà GHXH muốn đạt đến là “xây dựng nền văn minh của tình yêu” (xc. Tựa đề của Kết luận cách TLHT, số 575-583). Tình yêu là một hồng ân của Thiên Chúa.
***
MỤC 6
NHỮNG ĐỀ TÀI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
I. DẪN NHẬP
Từ những điều vừa nói, chúng ta có thể hiểu được là những đề tài của GHXH rất bao la, bởi vì nó bao trùm rất nhiều điểm liên quan đến tương quan giữa con người với xã hội. Theo một nghĩa rộng, GHXH bao gồm tất cả những chiều kích của nhân đức yêu thương (đức mến) và của nhân đức công bình. Theo một nghĩa hẹp, môn GHXH nghiên cứu những “vấn đề mới” (rerum novarum) được đặt lên từ thế kỷ XIX, như chúng ta đã thấy trong phần lịch sử (Mục 2).
Khi muốn trình bày GHXH một cách hệ thống mạch lạc, các tác giả đã liệt kê nhiều danh mục khác nhau. Xin trưng dẫn ba thí dụ:
1) Trong văn kiện mang tựa đề Những định hướng cho việc nghiên cứu và giảng dạy giáo huấn xã hội trong việc đào tạo linh mục của bộ Giáo dục Công giáo (30/12/1988), ở phần phụ trương, danh mục các đề tài được liệt kê như sau.
Gia đình. Kinh tế. Tư hữu. Lao động. Doanh nghiệp. Chính trị (Nhà Nước). Văn hóa. Khoa học và kỹ thuật. Cộng đồng quốc tế. Môi sinh. Thế giới thứ ba.
2) Tập tài liệu The Social Agenda do Hội đồng Tòa thánh về Công lý Hòa bình xuất bản năm 2000 đã xếp đặt các giáo huấn xã hội dựa theo 10 đề tài:
Bản chất GHXH. Con người. Gia đình. Trật tự xã hội. Vai trò của Nhà Nước. Kinh tế. Lao động và lương bổng. Nghèo nàn và bác ái. Môi trường. Cộng đồng quốc tế.
3) Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo (2011), đã bàn về các đề tài sau đây trong phần chuyên biệt:
Chiều kích văn hoá – Công bằng xã hội – Dấn thân phục vụ – Phát triển toàn diện – Lao động của con người – Thị trường tự do – Toàn cầu hóa – Vai trò của doanh nhân – Đạo đức truyền thông – Môi trường sinh thái – Chiến tranh và hoà bình.
Các đề tài của sách TLHT đã được điểm qua ở những bài đầu tiên. Sau phần tổng quát, những đề tài chuyên biệt là:
1/ Gia đình (chương 5). 2/ Lao động (chương 6). 3/ Kinh tế (chương 7). 4/ Cộng đồng chính trị (chương 8). 5/ Cộng đồng quốc tế (chương 9). 6/ Môi sinh (chương 10). 7/ Hòa bình (chương 11).
Chúng ta có thể nhận thấy sách TLHT liệt kê gia đình vào số những đề tài của GHXH (nhiều tác giả không đả động đến vấn đề này); đối lại, xem ra đề tài văn hóa, truyền thông xã hội đã không được nhấn mạnh, đó là chưa nói đến các đề tài: nghèo đói, thi đua vũ trang, vv.
Dù sao GHXH dừng lại ở mức Giáo hội phổ quát, và cần được bổ túc do những kinh nghiệm của nhiều Giáo hội địa phương (xc. TLHT số 8).
II. SƠ LƯỢC PHẦN THỨ NHẤT CUỐN SÁCH TLHT
Để kết thúc phần dẫn nhập tổng quát vào GHXH, chúng tôi xin tóm tắt Phần thứ nhất sách TLHT, tuy bàn về cùng một nội dung nhưng với cách xếp đặt thứ tự hơi khác.
Phần thứ nhất gồm bốn chương.
Chương 1. Kế hoạch tình thương Thiên Chúa dành cho nhân loại
1. Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Điều này được chứng tỏ trong Cựu ước qua cuộc giải phóng dân tộc Israel khỏi cảnh nô lệ, việc ký kết giao ước, việc bảo vệ quyền lợi người nghèo. Trong Tân ước, đức Giêsu mạc khải tình thương của Thiên Chúa bằng lời nói cũng như trong hành động.
2. Nhờ mạc khải của Thiên Chúa, chúng ta biết được kế hoạch mà Ngài dành cho nhân loại: ngài muốn cho con người được chia sẻ Tình Thương của Ba ngôi; người muốn cứu độ toàn thể con người và tất cả mọi người. Được làm môn đệ của Đức Kitô, người Kitô hữu trở nên thụ tạo mới.
3. Giáo hội có sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ, loan báo sự thật về con người.
Chương 2. Sứ mạng của Giáo hội và Giáo huấn xã hội
1. Giáo huấn xã hội nằm trong sứ mạng loan báo Tin mừng. Đây là một bổn phận và quyền lợi của Giáo hội: công bố Tin mừng, gieo Tin mừng vào các thực tại trần thế, cổ võ sự thăng tiến con người.
2. Bản chất Giáo huấn xã hội
Nó nằm trong nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội. Được hình thành nhờ kết hợp giữa kiến thức tự nhiên với ánh sáng đức tin. Nó nhắm tới các con cái Giáo hội cũng như toàn thể nhân loại.
3. Lịch sử Giáo huấn xã hội, từ Rerum novarum đến nay.
Chương 3. Nhân vị và nhân quyền
1. Phẩm giá con người: hình ảnh Thiên Chúa
2. Những chiều kích của nhân vị: gồm bởi hồn và xác; hướng đến siêu việt; độc nhất vô nhị. Cần phải tôn trọng nhân vị: như là chủ thể như không phải là đồ vật. Tự do: giá trị và giới hạn; liên hệ với chân lý và luật tự nhiên. Mọi người đều bình đẳng về phẩm giá. Con người sống trong xã hội.
3. Nhân quyền. Giá trị của nhân quyền (phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả chuyển nhượng). Quyền lợi và nghĩa vụ. Quyền lợi của các dân tộc và quốc gia.
Chương 4. Những nguyên tắc của Giáo huấn xã hội
1. Ý nghĩa
2. Nguyên tắc công ích
3. Mục tiêu phổ quát của các tài sản
4. Nguyên tắc hỗ trợ
5. Sự tham gia
6. Nguyên tắc liên đới
7. Các giá trị nền tảng của đời sống xã hội
8. Đạo yêu thương
*** Nhận xét
1/ Về hai chương đầu.
– Đi theo thứ tự thời gian: từ kế hoạch của Thiên Chúa đến sứ mạng của Giáo hội, từ việc loan báo Tin mừng đến giáo huấn xã hội.
– Thiết tưởng có thể đảo ngược lại. Khởi đi từ bản chất của GHXH: Giáo hội can thiệp vào vấn đề này do sứ mạng Loan báo Tin mừng, với nội dung là kế hoạch Thiên Chúa dành cho con người.
2/ Về chương Ba và chương Bốn
– Cả hai đều bàn về những nguyên tắc căn bản của GHXH (chứ không phải chỉ trong chương Bốn).
– Khi gom cả hai chương lại, ta có thể nói được là có bốn nguyên tắc căn bản: a) phẩm giá con người; b) công ích; c) hỗ trợ; d) liên đới.
***
PHỤ LỤC I
DANH SÁCH CÁC VĂN KIỆN CỦA GIÁO HỘI BÀN VỀ XÃ HỘI
Hầu hết các tác giả khởi đầu các văn kiện GHXH từ thông điệp Rerum novarum. Tuy nhiên, cũng có những tác giả bắt đầu sớm hơn, hoặc kéo dài danh mục các văn kiện của các giáo hoàng cận đại.
* ĐỨC PIO IX
– Thông điệp Qui Pluribus (1846)
– Thông điệp Quanta cura (1864)
* ĐỨC LEO XIII
– Thông điệp Quod Apostolici muneris (1878)
– Thông điệp Arcanum (1880)
– Thông điệp Diuturnum illud (1881)
– Thông điệp Humanum genus (1881)
– Thông điệp Immortale Dei (1885)
– Thông điệp Libertas (1888)
– Thông điệp Sapientiae christianae (1890)
– Thông điệp Rerum novarum (1891)
– Thông điệp Graves de communi (1901)
* ĐỨC PIO XI
– Thông điệp Ubi arcano (1922)
– Thông điệp Quas primas (1925)
– Thông điệp Miserentissimus Redemptor (1928)
– Thông điệp Divini illius Magistri (1929)
– Thông điệp Casti connubii (1930)
– Thông điệp Quadragesimo anno (1931)
– Thông điệp Acerba animi (1932)
– Thông điệp Mit brennender sorge (1937)
– Thông điệp Divini Redemptoris (1937)
* ĐỨC PIO XII
– Thông điệp Summi pontificatus (1939)
– Các sứ điệp truyền thanh 1944
– Diễn văn Tres sensible (1951)
– Diễn văn Ci riesce (1953)
* ĐỨC GIOAN XXIII
– Thông điệp Mater et Magistra (1961)
– Thông điệp Pacem in terris (1963)
* ĐỨC PHAOLO VI
– Thông điệp Populorum progressio (1967)
– Thông điệp Humanae vitae (1968)
– Tông thư Octogesima adveniens (1971)
* ĐỨC GIOAN PHAOLO II
– Thông điệp Redemptor hominis (1979)
– Thông điệp Laborem exercens (1981)
– Tông huấn Familiaris consortio (1981)
– Tông huấn Reconciliatio et paenitentia (1984)
– Thông điệp Sollicitudo rei socialis (1987)
– Thông điệp Centesimus annus (1991)
– Thông điệp Evangelium vitae (1997)
* ĐỨC BENEDICT XVI
– Thông điệp Veritas in caritate (2009).
***
PHỤ LỤC II
GHXH TRONG SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Giáo huấn xã hội của Giáo hội được trình bày rải rác ở nhiều nơi trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội đã trưng dẫn nhiều điều của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.
Điều này cho thấy rằng có nhiều cách thức để “tóm lược” GHXH, và đàng khác GHXH không phải là điều gì dành riêng cho những nhà chuyên môn muốn nghiên cứu lãnh vực này, nhưng nó thuộc về gia sản của Giáo hội mà tất các Kitô hữu cần học biết.
Chúng tôi xin liệt kê những đoạn văn của sách GLCG có liên quan đến GHXH, theo số thứ tự của Sách (hầu hết nằm trong phần Ba, luân lý tổng quát và chuyên biệt):
1. Con người hình ảnh Thiên Chúa: 1701-1706; 1708-1709.
2. Tự do của con người trong lịch sử cứu độ: 1730-1742.
3. Cộng đồng nhân loại: 1877-1888.
4. Việc tham gia vào đời sống xã hội: 1897-1916
5. Công bằng xã hội: 1928-1942
6. Những quyền bính trong xã hội dân sự: 2234-2246
7. Việc bảo vệ hoà bình: 2302-2317.
8. Giới răn thứ bảy: 2401.
9. Tài sản được dành để phục vụ cho toàn thể nhân loại, quyền tư hữu: 2402-2418
10. Giáo huấn xã hội của Giáo hội: 2419-2425.
11. Hoạt động kinh tế và công bằng xã hội: 2426-2436.
12. Công bằng và liên đới giữa các quốc gia: 2437-2442
13. Lòng yêu thương người nghèo: 2443-2449.
Một số địa chỉ Website hữu ích
Xét vì các sách vở bằng tiếng Việt trong lãnh vực này còn ít[31], cho nên chúng tôi xin giới thiệu những trang web để quý vị tham khảo thêm. Hầu hết các địa chỉ bằng tiếng Anh, mặc dù có lẽ các tài liệu bằng tiếng Tây-ban-nha dồi dào hơn, bởi vì chính tại lục địa này từ sau công đồng Vaticanô II, công tác đào tạo các nhân viên hoạt động xã hội được phát triển mạnh hơn cả.
* Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hoà bình
http://www.justpax.it/eng/home_eng.html (Với các ngôn ngữ Ý, Anh, Pháp, Tây-ban-nha)
* Uỷ ban Công lý Hòa bình của các Hội đồng giám mục
– Anh: http://www.justice-and-peace.org.uk/catholic_social_teaching.html
– Australia: http://www.socialjustice.catholic.org.au/
– Hoa kỳ: http://www.usccb.org/about/justice-peace-and-human-development/
– Việt Nam: http://conglyvahoabinh.org/
* Những trung tâm nghiên cứu giáo huấn xã hội
– Osservatorio Internazionale Cardinale Van Thun sulla Dottrina Sociale della Chiesa: http://www.vanthuanobservatory.org (Tiếng Ý, Anh, Tây-ban-nha)
– Instituto social Leon XIII (Madrid): http://www.instituto-social-leonxiii.org/ (Các tài liệu bằng tiếng Tây-ban-nha)
– Thư mục tài liệu học hỏi về Giáo huấn xã hội (tiếng Anh): Theological Library: Catholic Social Teaching http://www.shc.edu/theolibrary/cst.htm
– Office for Social Justice (Archdiocese of St Paul and Minneapolis): http://www.osjspm.org/catholic_social_teaching.aspx
***
MỤC LỤC
I. DẪN NHẬP VÀO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
II. GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ GIA ĐÌNH
III. GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ LAO ĐỘNG
IV. GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ KINH TẾ
V. CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ
VI. CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ
VII. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
VIII. BẢO VỆ HÒA BÌNH
IX. MỤC VỤ XÃ HỘI
KẾT LUẬN
[1] Xc. Tóm lược Học thuyết Xã hội (viết tắt TLHT), số 8.
[2] Lẽ ra nếu muốn dịch sát thì phải viết: “Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo”, nhưng tôi thu gọn là “Giáo huấn xã hội”, và viết tắt là GHXH..
[3] Tuy nhiên, khi dịch ngược lại thì những từ vừa kể có thể tương đương với những danh từ khác: theory, dogma, teaching, vv
[4] Trong tiếng Pháp cũng có nhiều danh xưng tương tự: philosophie sociale, morale (éthique) sociale, doctrine sociale, enseignement social. Trong tiếng Tây-ban-nha, các danh xưng còn tăng thêm hơn nữa: doctrina social de la Iglesia, magisterio social de la Iglesia, ensenanza social de la Iglesia, pensamiento social de la Iglesia, doctrina social católica, teología social, moral social, filosofía social, catolicismo social.
[5] Xc. TLHT số 7.
[6] Xem chú dẫn vào số 87 của sách TLHT.
[7] Thuật ngữ chuyên môn trong tiếng Latinh là locus theologicus. Xc. Sách GLCG số 11.
[8] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 2038) đã viết như sau về tầm quan trọng của kinh nghiệm sống của các tín hữu: “Trong việc giảng dạy và áp dụng luân lý Kitô giáo, Hội thánh cần đến sự tận tâm của các mục tử, kiến thức của các nhà thần học và sự đóng góp của mọi người Kitô hữu và mọi người thiện chí. Đức tin và việc thực hành Tin mừng đem lại cho mỗi người một kinh nghiệm về đời sống “trong Đức Kitô”, kinh nghiệm này soi sáng cho họ và giúp họ có khả năng đánh giá những thực tại thần linh và nhân linh theo Thần khí của Thiên Chúa. Như vậy Chúa Thánh Thần có thể dùng những kẻ thấp hèn nhất, để soi sáng cho những người thông thái và những người có chức phận cao trọng hơn.
[9] Chẳng hạn như qua cuộc cách mạng Pháp 1789 và cuộc cách mạng Cộng sản ở Nga 1917, Giáo hội quan tâm đến quyền người dân làm chủ chính quyền (chứ không phải chính quyền do cha truyền con nối), đến quyền lợi của lớp vô sản (họ có những yêu sách theo sự công bằng, chứ không chỉ dựa trên sự tuỳ tiện của lòng hảo tâm bác ái).
[10] Nói theo ngôn ngữ của thần học: ex fide, ex ratione, ex experientia
[11] Xem thêm GM Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn … chương Hai: Sứ điệp xã hội trong Kinh thánh.
[12] Nên lưu ý là trong Kinh thánh, từ Justice áp dụng không những cho tương quan giữa con người với nhau, mà còn giữa con người với Thiên Chúa (sự “công chính”).
[13] Vài học giả tiêu biểu : Adam Smith (1723-1790); David Ricardo (1772-1823).
[14] Chẳng hạn như : các chân phước Antoine-Frédéric Ozanam y Adolf Kolping, các hồng y Manning, Gibbons và Mermillod , giám mục Von Ketteler, linh mục Taparelli d”Azeglio SJ, các giáo dân Léon Harmel, Albert de Mun và René de la Tour du Pin.
[15] Escuela de Agentes de Pastoral Diocesis de Plasencia, Formacion basica. Doctrina Social de la Iglesia, 2009.
[16] AA.VV. Manual de doctrina social de la Iglesia, obra coordinada por Alfonso A. Cuadron, BAC, Madrid 1993, pp.814.
[17] Đức Phaolô VI đã thành lập ngày Hòa bình thế giới, được cử hành hằng năm vào ngày 1/1, kể từ năm 1968.
[18] Xc. Tông huấn hậu thượng hội đồng Eccléia in America số 54.
[19] Quan điểm này rõ ràng từ thông điệp Sollicitudo rei socialis số 41. Xc. TLHT số 73.
[20] hierarchia veritatum: GLCG số 90.
[21] Theo nguyên bản Italia: principi di riflessione – criteri di giudizio – direttrici di azione (xc. TLHT số 7; 85). Sự phân biệt ba cấp độ này đã được nói đến trong thông điệp Sollicitudo rei socialis số 3, và lặp lại trong sách GLCG số 2423. Xem thêm văn kiện của bộ Giáo dục Công giáo số 3.
[22] Thiết tưởng nên lưu ý đến sự tiến triển của các chủ nghĩa chính trị kinh tế. Hồi đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tự do chủ trương rằng Nhà Nước không được can thiệp vào hoạt động kinh tế; và như vậy các nhà tư bản được tự do thao túng thị trường, theo định luật cạnh tranh. Để phản ứng lại, thuyết tập thể chủ trương Nhà Nước phải can thiệp vào hoạt động kinh tế, và quốc hữu hoá tất cả các dụng cụ sản xuất. Đó là hai chủ nghĩa cực đoan. Dần dần, cả hai chủ trương đều đã thay đổi, đưa đến những khuôn mẫu khác nhau của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội, thậm chí không loại trừ việc kết hợp cả hai. Thông điệp Centesimus annus (số 42) cho thấy rằng chủ nghĩa tư bản có thể hiểu theo nhiều nghĩa, mang theo những đánh giá luân lý khác nhau.
[23] Phương pháp biên soạn cuốn TLHT khác với tập tài liệu cũng do Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình xuất bản năm 2000 mang danh là Tho Social Agenda: đây chỉ là bộ sưu tập giáo huấn trích nguyên văn từ các thông điệp hoặc các văn kiện khác của Giáo hội.
[24] Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Thương người như thể thương thân”.
[25] Xc. GLCG 1928; 2411. TLHT 201; 302.
[26] Người ta phân biệt nhiều cấp độ xã hội. Có thứ xã hội tự nhiên như là gia đình, quốc gia; có thứ xã hội tự nguyện: hiệp hội, nghiệp đoàn. Về phương diện chính trị, người ta phân biệt “cộng đồng dân sự” và “Nhà Nước”. Quan niệm “Nhà Nước” cũng thay đổi tuỳ nơi, tuỳ thời: có lúc đồng hóa với quốc gia, dân tộc, có lúc thì khác với quốc gia. Rồi trong một nước liên bang như Hoa kỳ, thì quan niệm về Nhà Nước cũng khác.
[27] Bốn giá trị: “chân lý, công bình, yêu thương, tự do” đã được phát biểu trong thông điệp Pacem in terris số 35, và được lặp lại ở hiến chế Gaudium et spes 27-28.
[28] Về các “cơ cấu tội lỗi” xem TLHT số 119; 193; 333; 446; 566; và GLCG số 1869.
[29] Sự phân biệt cổ điển của Max Weber giữa Community và Society. Ngày nay, người ta thường phân biệt giữa “xã hội dân sự” và “xã hội chính trị”.
[30] Sách GLCG bàn đến nguyên tắc: tôn trọng nhân vị ở số 1929-1933; công ích ở số 1905-1912; liên đới ở số 1939-1942; hỗ trơ ở số 1883-1885.
[31] Có thể tìm đọc quyển sách của Giám mục Nguyễn Thái Hợp: Một cái nhìn về Giáo huấn Xã hội Công Giáo, Nhà Xuất bản Phương Đông 2011, được đăng trên mạng (online) của Uỷ Ban Công lý Hòa bình: http://clhb.org/sach-online/Mot-cai-nhin-ve-giao-huan-xhcg/index.htm. Một tài liệu nữa có thể đọc trên mạng là Hervé Carrier, Một cái nhìn mới về học thuyết xã hội Công giáo, bản dịch của Nguyễn Đăng Trúc, đăng trên mạng lưới Dũng lạc.