Đời Sống Thiêng Liêng

0
4599


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Bài thuyết trình tại khóa thường huấn

dành cho tu sĩ phụ trách huấn luyện và phụ trách cộng đoàn

Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 15-09-2016

 

Lời mở

Được mời thuyết trình về đề tài: “Đời sống thiêng liêng”, tôi vừa lo vừa mừng. Lo bởi vì tôi phải thuyết trình cho các bề trên và các nhà đào tạo, nhưng tôi chưa khi nào làm bề trên và nhà đào tạo, cho nên không có kinh nghiệm nào để chia sẻ với quý vị. Mừng vì trên đời này không có gì dễ hơn là bàn về chuyện thiêng liêng. Sách Cổ học tinh hoa kể lại rằng: “Có người thợ, vẽ cho vua nước Tề mấy bức tranh. Vua hỏi: “Vẽ cái gì khó?”. – Thưa: “Vẽ chó, vẽ ngựa khó”. – Vẽ cái gì dễ? – Vẽ ma, vẽ quỉ dễ. – Sao lại thế? “Chó ngựa ai cũng trông thấy, vẽ mà không giống thì người ta chê cười, cho nên khó vẽ. Ma quỉ là giống vô hình, không ai trông thấy, tuỳ ý muốn vẽ thế nào cũng được, không sợ ai bẻ, cho nên dễ vẽ”.

Chính xác: đời sống thiêng liêng, không ai thấy, cho nên muốn nói sao cũng được, không sợ ai bắt bẻ! Vì thế tôi tạm gác cái “lo” qua một bên, và chỉ chú tâm vào cái “mừng”. Tôi sẽ trình bày ba điểm:

– 1/. Từ ngữ: đời sống thiêng liêng là gì? Phải chăng nó cũng đồng nghĩa với “đời sống tâm linh”? Nó có đồng nghĩa với “linh đạo” không? Chưa hết, lại còn chuyện “đặc sủng” nữa. Toàn là những đề tài nóng bỏng đang tranh luận.

– 2/. Thần học. Dựa theo các văn kiện gần đây của Tòa Thánh, chúng ta hãy tìm hiểu: đời sống thiêng liêng là gì? Xin thưa trước rằng: đó là đời sống theo Thánh Linh.

– 3/. Đào tạo tâm linh. Cũng dựa trên những văn kiện của Tòa Thánh, chúng ta cũng muốn theo dõi nhưng phương thế để đào tạo đời sống tâm linh, và đặc biệt là những chặng đường tiến triển của nó.

I. TỪ NGỮ

Đời sống thiêng liêng là gì? Thiết tưởng khỏi cần giải thích “đời sống” là gì vì ai cũng biết rồi; vì thế chỉ cần tìm hiểu ý nghĩa của tính từ “thiêng liêng” thôi. Nói chung, “thiêng liêng” là cái gì không thấy được; chẳng hạn như Đức Chúa Trời, các thiên thần, các linh hồn là “loài thiêng liêng” mắt ta chẳng xem thấy được.[1] Tuy nhiên, tính từ “thiêng liêng” còn được ghép với những danh từ khác mà chắc rằng ý nghĩa không lúc nào cũng rõ ràng. “Rước lễ thiêng liêng” đối lại với “rước lễ thật”: rước lễ thật có nghĩa là rước Mình Thánh Chúa dưới hình bí tích (bánh); còn rước lễ thiêng liêng là rước Chúa với lòng ao ước. Chắc rằng tất cả quý vị đều biết điều này rồi. Trong thời khóa biểu của nhiều Dòng tu, có giờ dành cho việc “đọc sách thiêng liêng”. Đọc sách thiêng liêng là đọc cái gì? Phải chăng đó là đọc sách mà mắt ta không thấy được? Phải chăng đó là sách ảo, mới nghĩ trong đầu, chứ chưa viết ra giấy?

Trước khi đi vào thực chất vấn đề, thiết tưởng nên tìm hiểu ý nghĩa của từ “thiêng liêng” trong tiếng Hán Việt. Lẽ ra phải viết “thiêng linh” mới đúng. “Thiêng” do chữ “thinh” (cũng đọc là “thanh”) là yên lặng, sáng sủa; “Liêng” (do chữ “linh” là lanh lợi, ứng nghiệm) là ông thần, phần vô hình. Như vậy, “linh thiêng” tự nó có nghĩa là “có tài ba, làm việc ứng nghiệm và rất cao quý trong sáng.[2]

Theo giáo sư Trần Văn Toàn, các nhà thừa sai đã biến đổi “linh thiêng” thành “thiêng liêng” để dịch từ spiritualis tiếng Latin. Thế nhưng spiritualis có nghĩa là gì? Đến đây, chúng ta bắt đầu một cuộc thám hiểm đầy thú vị, bởi vì sẽ gặp thấy những anh em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha: có nhiều từ khác nhau trong tiếng Việt được sử dụng để chuyển nghĩa cùng một từ gốc Âu châu; nhưng ngược lại, một từ trong tiếng Việt lại tương đương với nhiều từ khác nhau bên châu Âu, và dĩ nhiên là với những ý nghĩa khác nhau.

A. Spiritus / spiritualis

Spiritualis là tính từ, gốc bởi danh từ spiritus (cũng như trong tiếng Pháp, spiritual bởi esprit hoặc tiếng Anh spiritual bởi spirit). Thế nhưng spiritus có nghĩa là gì? Nó có thể là: tinh thần, lý tưởng, thần khí, trần trí. Xét vì esprit có nhiều nghĩa, cho nên spirituel (hoặc vie spirituelle) cũng có thể hiểu được nhiều cách, có thể tóm trong ba ý nghĩa chính:

1. Tinh thần

Esprit là “tinh thần”, đối lại với “vật chất” (matière, matériel). Danh từ này có thể áp dụng vào nhiều thực thể trong vũ trụ này, chẳng hạn như thiên thần ma quỷ đều có thể xếp vào hạng “esprit” (linh thiêng, vô hình), đối lại với thế giới vật chất hữu hình. Cách riêng, nơi con người, esprit áp dụng cho linh hồn, đối lại với thân thể. Như vậy vie spirituelle bao gồm hết mọi sinh hoạt tinh thần (từ hoạt động trí thức như việc suy tư học hành, cho đến lãnh vực tâm lý tình cảm), đối lại với các sinh hoạt sinh lý thể chất, chẳng hạn khi chúng ta đối chọi “linh thao” (nghĩa là thao luyện tinh thần, hoặc linh hồn) với “thể thao” (thao luyện thân thể).[3]

2. Lý tưởng

Lên một cấp cao hơn, esprit ám chỉ một lý tưởng cao thượng (chẳng hạn như khi nói đến: tinh thần trách nhiệm, tinh thần liên đới, tinh thần yêu nước, chí khí anh hùng; hoặc những dụng ngữ: lên tinh thần, xuống tinh thần, mất tinh thần). Hiểu theo nghĩa này, vie spirituelle được hiểu là cuộc sống theo một lý tưởng, và cố gắng rèn luyện đức tính để thực hiện hoài bão đó. Thiết tưởng đó cũng là quan niệm thông thường về “đời sống tâm linh”. Hơn thế nữa, đối với những người có tín ngưỡng, từ esprit không phải là một lý tưởng trừu tượng nhưng là một Đấng Linh thiêng nào đó mà họ tôn kính. Đối với họ, vie spirituelle bao hàm những hành vi nhắm thông hiệp với Đấng Linh Thiêng, chẳng hạn như cầu nguyện, lễ bái. Nói khác đi, vie spirituelle chính là đời sống đạo đức và tôn giáo.

3. Thánh Linh

Hai nghĩa trên đây được sử dụng trong các khoa nhân văn. Riêng trong thần học Kitô giáo, Esprit còn được hiểu theo một nghĩa đặc biệt, đó là: Thánh Linh (Thần Khí, Thánh Thần). Truyền thống gán cho Ngài vai trò chủ động của công cuộc thánh hóa con người. Dựa theo tư tưởng của thánh Phaolô, vie spirituelle có nghĩa là sống theo Thần Khí (vie selon l’Esprit), dưới sự hướng dẫn của Thần Khí (Gl 5,25; và nhất là chương 8 của thư gửi các tín hữu Rôma). Đó là ý nghĩa mà chúng ta sẽ khai triển trong phần thứ hai, khi tìm hiểu khía cạnh thần học, nhưng chúng ta hãy tiếp tục với việc khảo sát từ ngữ.

B. Đời sống tâm linh như một môn học

Như vậy, “đời sống thiêng liêng” dịch từ vita spiritualis; nhưng thuật ngữ này cũng có thể dịch là: đời sống tâm lý, đời sống tinh thần, đời sống tâm linh. Như quý vị đã biết, những từ ấy không hoàn toàn đồng nghĩa.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học:[4]

– Tâm hồn: Ý nghĩ và tình cảm, làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người (nói tổng quát).

– Tâm huyết: lòng nhiệt tình đối với một cái gì cao cả, xuất phát từ tình cảm, nguyện vọng thiết tha, chân thật.

– Tâm lý: 1/ Toàn bộ nói chung sự phản ánh của hiện thực khách quan vào ý thức con người, bao gồm nhận thức, tình cảm, ý chí, vv. biểu hiện trong họat động và cử chỉ của mỗi người. 2/ Nguyện vọng, ý thích, thị hiếu, v.v. riêng của mỗi người, trong một hòan cảnh cụ thể nào.

– Tâm linh: 1/ Khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, theo quan niệm duy tâm, 2/ Tâm hồn, tinh thần.

– Tâm thần: 1/ Tâm trí, tinh thần. 2/ Bệnh tâm thần.

Dĩ nhiên, ở đây chúng ta sẽ không bàn đến sinh hoạt tinh thần hoặc tâm lý nói chung, mà chỉ nói đến lãnh vực tín ngưỡng. Tuy nhiên, chúng ta nên ý thức nguy cơ có thể bị hiểu lầm, bởi vì trên báo chí, các việc cầu cơ bói toán cũng được gọi là “đời sống tâm linh”. Mặt khác, trong văn chương công giáo, các sách viết về đời sống thiêng liêng đôi khi cũng còn mang nhiều danh xưng khác tương đương: tu đức học, đường nên thánh, đời sống siêu nhiên, đời sống nội tâm, đời sống đạo đức. Các từ này tương đương, nhưng không hoàn toàn đồng nghĩa.

“Tu đức học”

Đây là một sách giáo khoa được lưu hành ở Việt Nam từ thập niên 60 của thế kỷ trước, do cha Phạm Châu Diên biên soạn,[5] phỏng theo cuốn Précis de théologie ascétique et mystique của cha Adolphe Alfred Tanquerey.[6] Nếu muốn dịch sát nghĩa thì phải viết: “đại cương thần học khổ chế và huyền bí”. Đây là tựa đề phổ thông nhất trong thần học từ thế kỷ XVIII đến Công Đồng Vatican II. Đường tu đức được phân làm hai giai đoạn chính: khổ chế (trong đó con người giữ phần chủ động) và huyền bí (trong đó con người để cho Thánh Thần dìu dắt). “Tu đức” chỉ nói lên khía cạnh khố chế chứ chưa đụng tới khía cạnh huyền bí.

“Đường nên trọn lành” (hoặc “thánh hóa giáo khoa”)

Đối tượng của môn học này là giúp các tín hữu đạt tới sự trọn lành thánh thiện. Ý tưởng này dựa trên Mt 5,48:Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời, và đã trở thành tựa đề của một tác phẩm của thánh nữ Têrêsa Avila (Camino de perfección).[7]

– “Đời sống nội tâm”

Từ ngữ này không chỉ muốn nói đến hoạt động tâm linh (tựa như việc hồi tâm suy niệm), nhưng còn muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển nguyên lý chỉ đạo toàn thể cuộc sống. Con người trưởng thành là con người sống theo những xác tín nội tâm của mình chứ không để bị lôi cuốn theo những quyến rũ của ngoại giới. Con người nội tâm[8] là người hành động theo lương tâm, chứ không bị chi phối bởi áp lực xã hội. Hơn thế “đời sống nội tâm” có nghĩa là đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng ngự trong thâm tâm cõi lòng ta; cần phải dẹp tắt những ồn ào xáo trộn thì mới có thể tâm sự với Ngài.

– “Đời sống siêu nhiên” (Vie supernaturelle)

Từ ngữ này muốn nêu bật rằng ngoài cuộc sống theo bản tính tự nhiên, con người còn được mời gọi vào cuộc sống siêu nhiên, đó là hợp nhất với Thiên Chúa nhờ ân sủng do chính Ngài ban cho chúng ta. Trong tiến trình tăng trưởng, vai trò ưu thế là Thiên Chúa, chứ không phải là cố gắng của con người.

– “Đời sống đạo đức”

Đây là tựa đề của tác phẩm cổ điển do thánh Francois de Sales soạn cho các giáo dân.[9] Theo vị thánh này, đường nên thánh được mở ra cho tất cả mọi tín hữu chứ không phải chỉ dành riêng cho một thiểu số. Trọng tâm của việc nên thánh là lòng đạo đức, hiểu như là quyết tâm yêu mến phụng sự Chúa, kết hợp với thánh ý Chúa. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý, ngày nay trong tiếng Việt, “đạo đức” được hiểu là “luân lý” (chẳng hạn: đạo đức cách mạng), không liên quan gì đến tín ngưỡng. Còn trong nội bộ Công giáo, “đạo đức” thường được hiểu về các việc kinh nguyện (thí dụ các việc đạo đức kính Đức Mẹ).

Những từ ngữ này khá quen thuộc với chúng ta. Nên lưu ý, chúng mang một nguy cơ là chỉ chú trọng đến phần linh hồn (đời sống thiêng liêng) hoặc các việc đạo đức trong nhà thờ, mà bỏ qua việc thực hành đức tin trong cuộc sống (bên ngoài nhà thờ).[10]

C. Spiritualitas

Thường được dịch là “linh đạo”. Linh đạo là gì? “Đạo” có nghĩa là đường; “linh” là gì? Như vừa thấy trên đây, linh có nhiều nghĩa lắm: linh thiêng, linh cảm, linh diệu,.v.v… Phải chăng “linh đạo” là con đường linh nghiệm, linh thiêng, linh tinh? hay chẳng qua chỉ có nghĩa là “con đường thiêng liêng”? Thiết tưởng tốt hơn là chúng ta hãy trở về nguồn gốc của nó.

Tự nó, spiritualitas (spiritualité / spirituality) là một danh từ trừu tượng, ám chỉ một đặc tính có liên can đến spiritus, cũng tương tự như humanitas (bởi homo / humanus: tính người, tức là nhân tính, nhưng đôi khi cũng có thể hiểu như là nhân đạo), divinitas (divus / divinus: thiên tính). Trong thần học cổ điển, spiritualitas được hiểu như là “đời sống theo Thánh Linh”,[11] nhưng ít được sử dụng trong tiếng Latin. Công Đồng Vaticano II rất nhiều lần đề cập đến vita spiritualis, nhưng chỉ sử dụng từ spiritualitas hai lần.[12] Danh từ này trở thành phổ thông trong các sách thần học tiếng Pháp và Anh,[13] và thường được hiểu theo hai nghĩa chính: a) cảm nghiệm về Thiên Chúa; b) học thuyết mô tả con đường dẫn đến sự kết hiệp với Thiên Chúa. Chẳng hạn như khi nói đến “The spirituality of Saint Paul” thì chúng ta có thể hiểu: a) cảm nghiệm của thánh Tông đồ về Thiên Chúa (ơn gọi, sứ vụ, đặc biệt kể từ cảm nghiệm Damasco), từ đó ngài bị chiếm đoạt với Đức Kitô đến nỗi chỉ còn sống cho một mình Chúa; b) tất cả những gì mà ngài đã viết trong các thư về đời sống Kitô hữu.

Dần dần, từ spirituality cũng được sử dụng trong các văn kiện Tòa Thánh. Nhưng phải hiểu như thế nào? Có gì khác biệt giữa “spiritual life” và “spirituality” không? Nên lưu ý là cả hai đều có một gốc chung là “spiritual” (trong tiếng Việt, khó mà nhận ra họ hàng giữa “thiêng liêng” và “linh đạo”). Trong Tông huấn Vita consecrata,[14] xem ra ý nghĩa của hai từ ngữ này không khác nhau bao nhiêu: “Chúng ta có thể nói rằng spiritual life được hiểu như là sống trong Đức Kitô hoặc sống theo Thánh Linh, được coi như một cuộc hành trình mỗi ngày một trung tín hơn, trong đó người tận hiến được Thánh Linh dẫn dắt và biến đổi trở thành Đức Kitô, trọn niềm hiệp thông trong tình yêu và phục vụ trong Giáo Hội. Tất cả những yếu tố vừa nói được hội nhập vào trong những hình thức khác nhau của đời thánh hiến, kết thành một spirituality đặc thù, nghĩa là một dự phóng cụ thể sống tương quan với Thiên Chúa và với môi trường chung quanh, với những nét nhấn về mặt tinh thần hay về hình thức hoạt động tông đồ, do đó một khía cạnh này hay khía cạnh khác trong mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô được biểu dương hay họa lại. Khi công nhận một hình thức đời thánh hiến hay một tu hội, Giáo Hội công bố rằng trong đoàn sủng thiêng liêng và tông đồ đã hội đủ những điều kiện khách quan để đạt tới sự hoàn hảo theo Tin Mừng cho mỗi người và cho cộng đoàn”.[15]

Chúng ta sẽ trở lại với đoạn văn này trong phần thứ hai, khi bàn về thần học. Ở đây chỉ cần ghi nhận rằng ba từ ngữ đặt liền nhau trong một đoạn văn: spiritual life, spirituality, charism. Charism là gì?

D. Charism

Danh từ này thường được dịch là “đặc sủng” hoặc “đoàn sủng”. “Đặc sủng” được hiểu là một ân huệ đặc biệt được ban riêng cho một ai đó (chứ không phải cho tất cả mọi người); “Đoàn sủng” được hiểu là một ân huệ được ban cho một đoàn thể hoặc để phục vụ Hội Thánh (chứ không vì ích lợi của cá nhân). Nếu chỉ căn cứ trên từ ngữ thì chúng ta chẳng thấy mối liên hệ nào với những từ đã được bàn trên đây. Tuy nhiên, trong thần học, charism luôn được gắn liền với Chúa Thánh Thần (1Cr 12,4-11; Rm 1,11; 2Tm 1,6; Hb 2,4), như chúng ta thấy nhiều lần trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.[16]

Từ đó, vấn đề được nêu lên: có mối liên hệ gì giữa spirituality và charism không? Mỗi lần được các Dòng nhờ soạn Hiến Pháp, tôi luôn luôn được nhắc nhở là phải cố gắng nêu bật: tinh thần, đặc sủng, linh đạo của Dòng. Đến khi tôi hỏi lại: có gì khác nhau giữa ba điều đó, thì hầu như không ai trả lời nổi. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của các từ ngữ ấy. Tạm thời xin ghi nhận rằng:

– Khi bàn về các Dòng tu, Công Đồng Vaticano II nói đến “spirit of the founder”,[17] hoặc “primitive inspiration”.[18] Công Đồng chưa biết đến spirituality hay charism.

– Tông huấn Evangelica testificatio của Đức Phaolô VI mới sử dụng “charism of the founder and spirit of the founder”: charism và spirit khác nhau thế nào?[19]

– Tông huấn Vita consecrata tăng thêm sự phức tạp về từ ngữ: “charism of the founder”;[20] “spirit of the Institute”;[21] “spirit and finality of the founder”.[22]

Nên lưu ý là Công Đồng Vatican II chỉ nói đến “spirit” của vị sáng lập; Tông huấn Evangelica Testificatio thì thêm “charism” và “spirit” của vị sáng lập. Còn Tông huấn Vita consecrata lại còn mở rộng thêm ý nghĩa của “charism”, bởi vì đề cập đến nhiều cấp độ charism:[23]

1/. Nói cách tổng quát, tất cả đời sống thánh hiến là một charism mà Thánh Linh ban cho Hội Thánh. Tuy rằng, cụm từ “The charism of consecrated life” chỉ xuất hiện một lần trong Tông huấn Vita consecrata,[24] nhưng cụm từ tương đương: “Gift of the consecrated life” được sử dụng nhiều lần.[25]

2/. Xuống cấp độ thứ hai, văn kiện nói đến “Charism of Institutes”, nghĩa là nhiều hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến trong lịch sử Hội Thánh:[26] ẩn sĩ, đan tu, chiêm niệm, tông đồ, tu hội đời,.v.v…

3/. Ở cấp độ thứ ba, charism được áp dụng cho mỗi Hội Dòng “Charism of a Religious Institute”. Văn kiện còn tái phân chia thành hai cấp: charism của vị sáng lập và charism của Dòng:

– a/ Đặc sủng của vị sáng lập (“founding charism”),[27] hoặc “nguyên thủy” (“original charism”).[28] Đây là một ân huệ của Chúa Thánh Linh ban cho vị sáng lập,[29] nhờ đó các ngài giải thích những dấu chỉ thời đại và đáp ứng lại các nhu cầu mới mẻ”.[30]

– b/ “Đặc sủng” (hoặc đoàn sủng) của Dòng. Cụm từ này (“charism of the Institute”) xuất hiện rất nhiều lần trong Tông huấn.[31]

Như vậy, Tông huấn Vita consecrata đã khẳng định rõ ràng về đặc sủng của mỗi Dòng. Nhưng trên thực tế, có thể quả quyết rằng tất cả các Hội Dòng đều có một đặc sủng riêng, một tinh thần riêng, một linh đạo riêng hay không? Thật khó trả lời. Khi đọc Hiến Pháp các Dòng nữ được thành lập tại Việt Nam, tôi thấy Dòng nào cũng cố gắng xác định đặc sủng của mình; nhưng trên thực tế, ta thấy Dòng nào cũng như Dòng nào: cũng đi giúp xứ, dạy giáo lý, mở nhà trẻ,… chỉ có khác nhau về tên gọi và tu phục thôi. Để có một ý niệm về sự khác biệt về “căn tính”, “tinh thần” hoặc “đặc sủng” của các Dòng tu cổ truyền (mặc dù thời xưa, những từ ngữ này chưa xuất hiện), người ta thường kể các câu chuyện khôi hài như sau:[32]

– (i) Khi Đức Giêsu giáng sinh ở Bethlehem, thiên thần hiện ra mời các Dòng tu đến viếng thăm hang đá. Các thầy Dòng Biển Đức đến dâng cho Chúa trầm hương của kinh nguyện, hát một bài gregorian rồi bái lạy ra về. Các thầy Dòng Đaminh tiến dâng bộ sách mạ vàng, kết quả của các công trình suy tư thần học; họ dừng lại chiêm niệm một lát rồi rủ nhau ra về. Các thầy Dòng Phanxicô dâng cho Chúa mộc dược của sự khó nghèo; họ quan sát kỹ lưỡng hang đá với định tâm sẽ về dựng lên một hang đá tương tự trong các tu viện của mình. Sau cùng, các thầy Dòng Tên cũng đến thờ lạy Chúa nhưng không mang theo phẩm vật nào hết: một thầy tủm tỉm đi vòng sau nôi của Chúa, rỉ vào tai thánh Giuse rằng: “Mai sau cậu bé lớn lên, xin bác hãy gửi cháu đến học trường Dòng Tên, bởi vì trên thế giới không có trường nào sánh bằng!”.

– (ii) Bốn thầy Dòng đang nguyện thì điện cúp. Thầy Dòng Biển Đức tiếp tục đọc kinh tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, bởi vì đã thuộc lòng Sách nguyện rồi. Thầy Dòng Phanxicô quỳ gối sấp mình van xin Chúa hãy thương xót nhân loại đang chìm ngập trong bóng tối tăm tội lỗi. Thầy Dòng Đaminh gật gù suy nghĩ: “Ánh sáng là gì nhỉ? Ánh sáng từ đâu tới?” Lát sau, đèn lại sáng nhưng không ai thấy thầy Dòng Tên ở trong “côrô” nữa; thì ra thầy đã bỏ nguyện chung để loay hoay sửa cầu chì.

– (iii) Thay bóng đèn trong tu viện

+ Cần bao nhiêu tu sĩ Dòng Phanxicô để thay một bóng đèn? Thưa không cần thay, bởi vì họ sẽ lấy đàn ra gảy để chúc tụng Chúa vì Chị Đêm đen.

+ Cần bao nhiêu tu sĩ Dòng Đaminh để thay một bóng đèn? Hai người. Một người phân tích nguyên nhân của đèn cháy, mà người khác nghiên cứu hiệu quả thần học của việc cúp điện.

+ Cần bao nhiêu tu sĩ Dòng Biển Đức để thay một bóng đèn? Bốn người. Một người sửa bóng đèn. Một người cầm cây nến để cho người kia hát Thánh vịnh, và một người viết lại sự tích cho hậu thế.

+ Cần bao nhiêu tu sĩ Dòng Tên để thay một bóng đèn? Hai người. Một người gọi thợ điện, và một người rót bia.

– (iv) Khi nước Liên Xô còn sống dưới bức màn sắt, Tòa Thánh băn khoăn về tình hình tôn giáo tại đây. Ba thầy Dòng Biển Đức được cử đi quan sát tình hình. Vừa được 10 ngày, họ trở về tâu: “Ở đây chỉ có lao động chứ không có cầu nguyện. Chúng con chịu thua”. Đến lượt Dòng Phanxicô được cử đi, nhưng chẳng bao lâu họ đã trở về: “Bên đó mọi người đều phải đi nông trường chứ không được phép khất thực!”. Tại sao không phái Dòng Đaminh đi nhỉ? Họ cũng hăm hở ra đi nhưng được hai tháng thì chào thua: “Nhà Nước bên Liên Xô cấm giảng đạo; đi đâu thì cũng phải xin phép; chủ nghĩa xã hội thiếu dân chủ!”. Sau cùng, Tòa Thánh nhờ đến Dòng Tên. Thời gian trôi qua mau lẹ, thấm thoát đã một năm qua rồi mà không thấy tin tức gửi về. Tòa Thánh đâm lo, liền cử một đoàn khác của Dòng Tên để xem tình hình thế nào. Nhưng mới lọt qua biên giới thì họ liền bị thộp cổ và điệu ra tòa. Nhìn lên thành phần các thẩm phán, họ bật ngửa: thì ra là mấy anh cùng Dòng!

– (v) Thiên đàng địa ngục hai bên

+ Thiên đàng là gì? Là nơi mà tu sĩ Dòng Đaminh giảng, tu sĩ Dòng Tên làm linh hướng, tu sĩ Dòng Biển Đức đảm trách phụng vụ.

+ Hoả ngục là gì? Là nơi mà tu sĩ Dòng Biển Đức giảng, tu sĩ dòng Đaminh làm linh hướng, và phụng vụ do Dòng Tên đảm nhận.

Tóm lại, chúng tôi đã bắt đầu bài nói chuyện bằng việc tầm nguyên “đời sống thiêng liêng”. Trong tiếng Việt, “thiêng liêng” thường được hiểu như là cái gì vô hình, không thấy được. Nhưng nếu truy tầm nguyên gốc Latin, ta thấy nó liên quan đến spiritus, có nghĩa là tinh thần và nhất là Thần Khí; từ đó, chúng ta thấy nó có liên hệ về ý tưởng với các từ ngữ spirituality, charism, mà các từ ngữ trong tiếng Việt (linh đạo, đặc sủng) khó làm nêu bật.

Trong phần thứ hai, chúng ta sẽ đi sâu vào bản tính thần học của vita spiritualis, được hiểu như “đời sống trong (hoặc: theo) Thánh Linh”. Trước khi tiếp tục, một lần nữa, cần lưu ý ba điểm về từ ngữ.

– 1/. Khi đọc Kinh Thánh, nên lưu ý đến sự phân biệt giữa tư tưởng Do Thái và tư tưởng Hy Lạp. Trong tư tưởng Hy Lạp spiritus (pneuma) ám chỉ cái gì vô hình, thiêng liêng; đối lại với cái hữu hình, vật chất. Trong tư tưởng Do Thái thì khác, tuy spiritus / pneuma được dùng để dịch từ ruah, nhưng từ này ám chỉ một sức sống, sinh khí, tựa như hơi thở, cơn gió (St 8,1; Am 4,13; Is 40,7; Tv 104,4). Trong bối cảnh ấy, ta có thể hiểu được lời của Chúa Giêsu nói với ông Nicodemo: “Gió (Thần Khí) muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết từ gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8). Không lạ gì khi mà vào lễ Ngũ Tuần, Thần Khí Chúa đã thổi tung lên căn phòng nơi các môn đệ đang họp (Cv 2,2).

– 2/. Theo quan điểm nhân học của Hy Lạp, con người gồm bởi yếu tố “thiêng liêng” (gọi là linh hồn) và yếu tố “vật chất” (gọi là thân xác): hai yếu tố có thể tách rời nhau. Quan điểm nhân học của Do Thái thì khác: con người là “thần khí, linh hồn, thân xác” (1Tx 5,23); đó là ba chiều kích của con người, chứ không phải là ba yếu tố tách biệt. Thần Trí (hoặc Thần Khí) là con người xét như hướng lên cao, lên với Thiên Chúa; linh hồn ám chỉ con người xét như một hữu thể có tâm tình cảm xúc. Mỗi ngày trong kinh Magnificat, chúng ta hát với Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Còn thân xác ám chỉ con người như là thụ tạo mỏng giòn; đó là ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập thể: Lời Thiên Chúa trở thành thân xác (xác phàm) nghĩa là con người, chứ không phải là cái xác không hồn.

– 3/. Trong các thư của thánh Phaolô, từ pneuma không dễ hiểu, bởi vì không phải lúc nào cũng ám chỉ Ngôi Ba Thiên Chúa. Thật vậy, bên cạnh các thuật ngữ: “Thần Khí của Thiên Chúa” (1Cr 2,12) hoặc “Thần Khí thánh” (Rm 5,5), chúng ta còn gặp thuật ngữ “các thần khí của sự xấu” (pneumata tês ponerias: Ep 6,12);[33] điều này đòi hỏi không những sự phân định các thần khí (1Cr 12,10; 1Tx 5,19-21), mà chúng ta còn phải trang bị khí giới để kháng chiến nữa (Ep 6,10-20). Ngoài ra, đôi khi chúng ta không rõ tác giả nói đến Thần Khí của Chúa hay là thần khí của con người (từ đó, Nhóm Giờ kinh phụng vụ phân biệt giữa “thần khí” và “thần trí”), chẳng hạn đoạn văn Rm 8,9-11.14-16, nơi mà chúng ta thấy tập trung nhiều dụng ngữ (spiritus viết hoa hay viết thường là cả một vấn đề):

+ “Anh em không ở trong xác thịt nhưng ở trong Spiritus, bởi vì Spiritus Dei ngự trong anh em. Ai không có Spiritus Christi thì không thuộc về Đức Kitô. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dù thân thể anh em có phải chết vì tội, nhưng spiritus là sự sống vì sự công chính (bản văn tối nghĩa). Và nếu Spiritus của Đấng đã làm cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết mà ngự trong anh em thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ cho thân thể hay chết của anh em được sống lại nhờ Spiritus của Ngài đang ngự trong anh em. (…) Phàm ai được Spiritus Dei hướng dẫn thì là con cái Thiên Chúa. Bởi vì anh em không nhận được spiritus của nô lệ khiến cho anh em phải rơi vào sợ sệt nữa; nhưng anh em đã nhận được Spiritus filiationis, khiến cho anh em thốt lên Abba, Cha ơi! Chính Spiritus chứng thực cho spiritus của chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”.

Thêm vào đó, khi nói về con người tín hữu, thánh Phaolô còn đối chọi giữa “sống theo thần khí (pneuma)”“sống theo xác thịt (sarx)” (Gl 5,16-25; Rm 8,5-13). Sự đối chọi này không phải là giữa “linh hồn” và “thân xác” theo nhân luận Hy Lạp, cũng chẳng liên quan gì đến nhân đức khiết tịnh, nhưng là dựa trên định hướng luân lý của cuộc đời: “xác thịt” ám chỉ con người chiều theo khuynh hướng tự nhiên; “tinh thần” ám chỉ con người đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa (Gl 3,3; 4,29; Rm 8,4-9,13). Con người thực sự sống theo “tinh thần” khi nó được linh động bởi “tinh thần” của Chúa (1Cr 6,17). Đời sống thiêng liêng (tâm linh)“đời sống dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh” (Rm 8,14; Gl 5,25).

II. THẦN HỌC

Mỗi khi nói đến đời sống “thiêng liêng” hoặc “đời sống tâm linh”, thường chúng ta chỉ giới hạn vào việc cầu nguyện. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo đã muốn sửa đổi quan niệm ấy, khi đặt tựa đề cho phần luân lý (phần thứ ba)“Đời sống trong Đức Kitô” (Vita in Christo) nhưng cũng thể gọi là “Đời sống trong Thần Khí” (Vita in Spiritu: số 1639). Tuy hai thuật ngữ không đồng nghĩa với nhau, nhưng chung quy cũng trùng hợp với nhau.[34] Sách Giáo Lý giải thích như sau: “Bằng cuộc khổ nạn của Người, Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi Satan và tội lỗi. Người lập công cho chúng ta có sự sống mới trong Thánh Linh. Ẩn sủng của Người phục hồi những gì tội lỗi đã làm hư hỏng nơi chúng ta”.[35] “Các Kitô hữu, ‘được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa’ (1Cr 6,11), được thánh hóa và được gọi là thánh, họ trở thành ‘đền thờ của Thánh Linh’ (1Cr 6,19). Chính ‘Thần Khí của Chúa Con’ dạy họ cầu nguyện với Chúa Cha, và khi đã trở nên sự sống của họ, Ngài thúc đẩy họ hành động, để mang lại hoa trái của Thần Khí, nhờ thực hiện đức mến. Khi chữa lành vết thương của tội lỗi, Thánh Linh canh tân nội tâm chúng ta ‘bằng sự biến đổi tâm linh’ (Ep 4,23)”.[36]

Những điều này có giá trị cho tất cả mọi Kitô hữu. Ở đây chúng ta chỉ giới hạn vào hàng ngũ đời sống thánh hiến. Những văn kiện chính để tham chiếu là:

– 1/. Tông huấn Vita consecrate (25/3/1996), đặc biệt là số 93.

– 2/. Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” (19/5/2002).

– 3/. Thư luân lưu thứ 3 của Bộ Đời sống thánh hiến “Hãy chiêm ngưỡng” nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến (15/10/2015).[37]

Trước hết, tôi xin trích lại số 93 của Tông huấn Vita consecrata để tìm ra một đường link cho tất cả những thuật ngữ mà chúng ta đã phân tích trong phần thứ nhất: “Chúng ta có thể nói rằng spiritual life được hiểu như là sống trong Đức Kitô hoặc sống theo Thánh Linh, được coi như một cuộc hành trình mỗi ngày một trung tín hơn, trong đó người tận hiến được Thánh Linh dẫn dắt và biến đổi trở thành Đức Kitô, trọn niềm hiệp thông trong tình yêu và phục vụ trong Giáo Hội. Tất cả những yếu tố vừa nói được hội nhập vào trong những hình thức khác nhau của đời thánh hiến, kết thành một spirituality đặc thù, nghĩa là một dự phóng cụ thể sống tương quan với Thiên Chúa và với môi trường chung quanh, với những nét nhấn về mặt tinh thần hay về hình thức hoạt động tông đồ, do đó một khía cạnh này hay khía cạnh khác trong mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô được biểu dương hay họa lại. Khi công nhận một hình thức đời thánh hiến hay một tu hội, Giáo Hội công bố rằng trong đoàn sủng thiêng liêng và tông đồ đã hội đủ những điều kiện khách quan để đạt tới sự hoàn hảo theo Tin Mừng cho mỗi người và cho cộng đoàn”.

Chúng ta đã bắt đầu bài nói chuyện với việc phân tích thuật ngữ “đời sống thiêng liêng”, dịch bởi vita spiritualis (spiritual life), có nghĩa là đời sống tâm linh, hoặc theo Thánh Linh. Trong cụm từ ấy, “spiritualis” là một tính từ, vì thế xem ra phụ thuộc. Đoạn văn trong Tông huấn Vita consecrata số 93 vừa trích dẫn đã đảo ngược lại thứ tự: đời sống tâm linh có nghĩa là đời sống do Thánh Linh hướng dẫn. Thánh Linh là chủ động. Hệ quả là chúng ta cần phải để cho Ngài dẫn dắt, trong cuộc sống cá nhân cũng như trong cuộc sống cộng đoàn. Chúng ta hãy theo dõi những sáng khởi của Ngài.

A. Mục tiêu chính: Thánh Linh nhào nặn chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô

Các văn kiện của Công Đồng Vatican II được soạn ra trong bối cảnh của triết lý “đối thoại” (hoặc “tương quan liên chủ thể”). Thiên Chúa mặc khải chính mình cho con người để thiết lập tương quan với con người; do đó, tin là đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Đây là một lối nhìn khác với trước đây, nhấn mạnh rằng Thiên Chúa mặc khải các chân lý siêu nhiên, và con người chấp nhận các chân lý ấy bằng đức tin.

Một cách tương tự như vậy, xưa nay người ta thường định nghĩa đời tu qua việc tuyên giữ ba lời khấn vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo. Đây là lối tiếp cận “theo bản thể” (essentialist) theo ngôn ngữ triết học kinh viện. Công Đồng sử dụng lối tiếp cận “hiện sinh” (existentialist) theo ngôn ngữ của Kinh Thánh: nhấn mạnh rằng đời tu trì là đi theo Đức Kitô khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục. Chúng ta không khấn tuân giữ ba nhân đức trừu tượng, nhưng là muốn họa lại cuộc đời của Đức Giêsu, vì cảm thấy mê say, được lôi cuốn bởi lòng yêu mến Người.

Để có thể đáp trả mặc khải bằng đức tin, chúng ta cần sự trợ giúp của Thánh Linh.[38] Thánh Linh cũng giúp chúng ta hiểu biết sâu xa hơn những lời của Đức Kitô và gắn bó của Người. Nói vắn tắt, Thánh Linh là nguyên ủy của công cuộc thánh hóa: Ngài giúp chúng ta tăng trưởng đến con đường yêu mến, nhờ việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, chúng ta mang những tâm tình hiếu thảo của Người đối với Chúa Cha, và cộng tác với Người trong kế hoạch cứu độ thế giới. Điều này bao hàm một cuộc đối thoại yêu thương giữa con người với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Công Đồng Vatican II thích dùng thuật ngữ “đi theo” hoặc “bắt chước” Đức Kitô khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục.[39] Nhưng không chỉ có thế, các tu sĩ còn muốn họa lại Đức Kitô chiêm niệm trên núi, rao giảng Nước Trời, chữa lành và cứu giúp những người bệnh tật đói khổ.[40]

Tông huấn Vita consecrata chăm chú chiêm ngắm bức icon của cuộc Hiển dung (biến hình), để nêu bật cả hai khía cạnh của mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết trên thập giá và phục sinh. Icon Hiển dung rất quen thuộc đối với linh đạo đan tu bên Đông phương, khi họ định nghĩa đời tu như là philokalia (yêu thích cái đẹp),[41] chủ đề cho những câu nói bất hủ của Dostoiewski và Soloviev: “Cái đẹp sẽ cứu vãn thế giới”. Thật ra, chủ đề “vẻ đẹp thần linh” được nhắc đến trong cả hai truyền thống Đông phương và Tây phương, nhưng mỗi bên trình bày một cách khác nhau. Bên Đông, việc chiêm ngưỡng cái đẹp của Thiên Chúa là đích điểm của hành trình tâm linh của tất cả các Kitô hữu, mà các đan sĩ là những người dẫn đầu: mục tiêu của đời sống Kitô hữu là “thiên hóa”. Bên Tây phương, cái đẹp của Thiên Chúa được biểu lộ nơi dung nhan của Đức Kitô; mục tiêu của đời sống Kitô hữu là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.[42] Tông huấn Vita consecrata đã trích dẫn một đoạn văn của thánh Augustin:[43] “Ngôi Lời ở kề cận Thiên Chúa thật là tuyệt đẹp… Người tuyệt đẹp khi ở trên trời; tuyệt đẹp khi ở dưới đất; tuyệt đẹp khi làm các phép lạ, tuyệt đẹp khi chịu khổ hình; tuyệt đẹp khi kêu gọi đến với sự sống và tuyệt đẹp khi không ngại cái chết; tuyệt đẹp khi ở trên thập giá, tuyệt đẹp khi ở trong mộ, tuyệt đẹp khi lên trời”.[44] Đông phương nhấn mạnh đến chân phúc dành cho những ai có trái tim trong trắng, vì họ sẽ “nhìn thấy Chúa” (Mt 5,8); nói khác đi, họ đề cao sự chiêm ngưỡng. Tây phương thích chân phúc dành cho kẻ có lòng thương xót vì sẽ được xót thương (Mt 5,7); vì thế đề cao đến hoạt động, làm chứng cho Tin Mừng. Đông phương thích “lên núi” để chiêm niệm; Tây phương thích “xuống núi” để hoạt động.[45]

B. Hồng ân thánh hiến: Charisma

Đời sống thánh hiến được diễn tả như là “đi theo Đức Kitô” (sequela Christi). Nhưng đó là nhìn từ phía con người. Tông huấn Vita consecrata khởi đi từ sáng khởi của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương kêu gọi con người vào chia sẻ tình thân mật với Ngài, cũng như chia sẻ vào kế hoạch yêu thương mà Ngài dành cho nhân loại. Đây là khởi điểm của sự “thánh hiến”, nhìn từ phía Thiên Chúa. Một khi đã cảm nhận tình yêu ấy, con người muốn đáp lại bằng tình yêu dâng hiến trót đời cho Thiên Chúa; đó là sự “tận hiến”, nhìn từ phía con người. Thế nhưng, để có khả năng đáp trả tiếng gọi hy sinh, con người cần được Thánh Linh nâng đỡ. Tông huấn dùng thuật ngữ “đặc sủng” (charisma) để diễn tả ân huệ Thánh Linh trong đời sống thánh hiến. Như đã nói trên, danh từ này được áp dụng cho ba cấp độ.

1/. Cấp độ thứ nhất là ân huệ đời sống thánh hiến nói chung: đây là một đặc sủng mà Thánh Linh ban cho một số người, để quảng đại dâng trót cuộc đời cho Thiên Chúa. Gọi là “đặc sủng” bởi vì không phải tất cả mọi người đều nhận được tiếng gọi để đi vào nếp sống trinh khiết, khó nghèo, vâng phục “vì Nước Trời”.[46]

2/. Cấp độ thứ hai muốn nói lên những hình thức đa dạng của đời sống thánh hiến. Trải qua 20 thế kỷ, Thánh Linh đã gợi lên nhiều hình thức tận hiến khác nhau,[47] được Tông huấn điểm qua ở nhập đề: đan tu,[48] hàng ngũ trinh nữ,[49] những Dòng thuần túy chiêm niệm,[50] những Dòng hoạt động tông đồ,[51] các Tu Hội đời,[52] các Tu Đoàn tông đồ,[53] các hình thức mới.[54]

3/. Cấp độ thứ ba muốn nói lên đặc sủng của mỗi Dòng, yếu tố tạo nên căn tính của Dòng và liên kết các thành viên với nhau. Như đã nói trên đây, Tông huấn Vita consecrata đã phân biệt hai khía cạnh: đặc sủng của vị sáng lập và đặc sủng của Dòng.

– a/. Đặc sủng sáng lập muốn nói đến ân huệ mà Thánh Linh đã ban cho vị sáng lập. Tông huấn Vita consecrata,[55] – lấy lại tư tưởng của số 11 Văn kiện “Những liên hệ hỗ tương giữa Giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội” (1978)-, mô tả đặc sủng ấy như là “một cảm nghiệm về Thánh Linh, được truyền lại cho các đồ đệ của mình để họ sống, gìn giữ, đào sâu và triển khai thường xuyên hòa nhịp với Thân Thể của Đức Kitô đang lớn lên không ngừng”. Làm thế nào để biết được ai đó nhận được đặc sủng sáng lập một dòng mới? Ở số 51, văn kiện nêu lên vài tiêu chuẩn giúp cho sự phân định:

+ (i). Một ơn khởi hứng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, khác với các ơn cá nhân, dẫu rằng ơn khởi hứng không tách rời khỏi các ơn này. Ơn khởi hứng phải biểu lộ trong hành động và cách tổ chức.

+ (ii). Một lòng ao ước sâu xa được trở nên giống Đức Kitô để làm chứng cho một khía cạnh nào đó trong mầu nhiệm của Người.

+ (iii). Một tình yêu xây dựng đối với Giáo Hội, nhất quyết từ chối gây ra một chia rẽ nào trong Giáo Hội.

Thêm vào đó, các vị sáng lập phải là những người mà nhân đức đã được thử luyện,[56] cho thấy một sự sẵn sàng tuân phục đích thực hoặc đối với hàng giáo phẩm, hoặc trong việc đáp lại sự thúc đẩy của Thần Khí. Các tác giả lưu ý chúng ta khi nghiên cứu cuộc đời của một vị thánh lập Dòng (thí dụ thánh Phanxicô), chúng ta nên phân biệt một bên là cảm nghiệm riêng tư của ngài (chẳng hạn việc được in năm dấu thánh, biểu tượng của sự đồng hóa với Đức Giêsu chịu đóng đinh) và một bên là ý định thành lập một cộng đoàn để chia sẻ viễn tượng phục vụ Hội Thánh (làm chứng tá cho Tin Mừng qua nếp sống khó nghèo). Điều cảm nghiệm cá nhân không thể thông truyền cho ai khác; điều đặc sủng sáng lập mới truyền lại được.

– b/. Đặc sủng của Dòng: một đàng hẹp hơn cảm nghiệm của vị sáng lập (bởi vì như vừa nói, có những cảm nghiệm cá nhân không thể truyền lại được), một đàng lại rộng hơn đặc sủng của vị sáng lập, bởi vì nó còn được bồi đắp bởi các môn đệ theo dòng thời gian. Thánh Phanxicô Assisi không hề lai vãng các trường đại học, nhưng các môn đệ đương thời hoặc một thế hệ sau đó (chẳng hạn Anthony Padova, Bonaventura) đã làm giáo sư thần học. Vì thế đặc sủng của Hội Dòng không hoàn toàn trùng hợp với đặc sủng nguyên khởi vì lý do dễ hiểu: vị sáng lập chỉ là một cá nhân (hoặc cùng lắm là đôi ba người); còn Hội Dòng thì gồm bởi nhiều phần tử, và không thể nào đúc khuôn y như nhau! Các phần tử phải duy trì đặc sủng của vị sáng lập, và đồng thời cũng phải bồi đắp thêm vào gia sản đó, kể cả qua việc thích ứng với những đòi hỏi của thời đại. Điều này được giải thích ở số 67 của Huấn thị về việc huấn luyện trong các Hội Dòng (1990):Đặc sủng của đời sống tu trì trong một Hội Dòng là một ân huệ sống động, ân sủng này cần phải được đón nhận và sống trong những điều kiện, thường là mới mẻ… Tính cách đặc sủng riêng của mỗi Hội Dòng đòi hỏi vị sáng lập cũng như các môn đệ phải không ngừng chứng tỏ về lòng trung thành đối với Chúa; về sự sáng suốt chú ý đối với những hoàn cảnh và những dấu chỉ của thời đại; về ý chí muốn sống giữa lòng Giáo Hội; về sự sẵn sàng tuân phục phẩm trật Giáo Hội; về lòng can đảm trong những sáng kiến; về sự kiên trì trong đời hiến dâng; về sự khiêm tốn chịu đựng những nghịch cảnh… Thời đại chúng ta đặc biệt đòi hỏi các tu sĩ phải có tính trung thực theo đặc sủng, sống động và khôn ngoan trong các khám phá của thời đại, tính trung thực này đã nổi bật nơi các vị sáng lập.[57]

Phải hiểu thế nào về đặc sủng của một Hội Dòng? Có lẽ nhiều người nghĩ đến một hoạt động đặc thù nào đó, chẳng hạn chăm sóc bệnh nhân đối với Dòng thánh Gioan Thiên Chúa. Văn kiện “Những liên hệ hỗ tương giữa các Giám mục và tu sĩ trong Giáo Hội có một cái nhìn rộng hơn.[58] Đặc sủng của một Dòng có thể chi phối tất cả ba chiều kích của đời tu: thánh hiến, thông hiệp, sứ vụ.

+ Thánh hiến: Có thể là một linh đạo đặc thù nào đó,[59] một thể thức đặc biệt trong việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm (khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh) hay trong đường lối cầu nguyện (phụng vụ, phương pháp suy gẫm, linh thao), hoặc truyền bá một hình thức sùng mộ nào đó (Chúa Quan Phòng, Thánh Tâm, Thánh Giá),.v.v…

+ Thông hiệp: Một đặc điểm trong đường lối quản trị (cách thức tham dự vào quyền bính, cơ cấu quản trị), chương trình đào tạo,kế hoạch san sẻ, đào tạo.

+ Sứ vụ: một hình thức tông đồ đặc thù, một môi trường dấn thân phục vụ (truyền giáo, giáo dục, người bệnh,.v.v).

Đặc sủng của một Dòng còn được gọi là “gia sản” mà các phần tử có nghĩa vụ phải bảo vệ.[60] Mặt khác, Tông huấn Vita consecrata sử dụng một thuật ngữ xem ra mâu thuẫn, đó là “sự trung thành sáng tạo”:[61] một đàng phải trung thành với ý định nguyên thủy của vị sáng lập, đàng khác, cần phải thích nghi vào những hoàn cảnh thời gian và không gian mới. Thật không dễ gì duy trì sự quân bình: nhấn mạnh quá đến sự trung thành thì sẽ rơi vào bảo thủ, tồn cổ; nhấn mạnh quá đến sáng tạo thích nghi thì có nguy cơ mất gốc lạc đường! Dù sao, bên trên sự trung thành với ý định của vị sáng lập, cần phải trung thành với Đức Kitô và Tin Mừng; trung thành với nhân loại và thời đại; trung thành với sứ mạng của Giáo Hội.[62] Mặt khác, đặc sủng được ban nhắm phục vụ một nhu cầu của Giáo Hội. Điều có thể xảy ra là đến một lúc nào đó, nhu cầu ấy đã hoàn thành, và Dòng tu ấy không còn cần thiết nữa. Trong thời gian 50 năm sau Công Đồng, 370 Hội Dòng đã biến mất.[63] Sau cùng, cũng cần biết là các đặc sủng không chỉ được Thánh Linh ban cho các Dòng tu mà thôi; một văn kiện của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, được ban hành vào lễ Ngũ Tuần năm nay, đã mở rộng phạm vi đặc sủng cho các phong trào, hiệp hội nữa.[64]

C. Spirit – spirituality

Như đã biết, mở đầu cuốn Hiến Pháp, nhiều Dòng đã cố gắng xác định: đặc sủng, linh đạo của mình. Cả ba hạn từ đều có liên quan với Thánh Linh. Chúng ta đã phân tích “đặc sủng” (charisma); bây giờ chúng ta thử xem “tinh thần và linh đạo” là gì?

1/. Spirit

Phải thú nhận rằng không dễ gì tìm cho ra câu trả lời. “Tinh thần” là spirit (viết thường); nhưng mà Spirit (viết hoa) lại là Chúa Thánh Linh. Chúng ta đã tìm hiểu tác động của Chúa Thánh Linh trong đời sống thánh hiến, trong đó “đặc sủng” là một khía cạnh. Thế còn “tinh thần” là chính Thánh Linh hay là một khía cạnh khác của Thánh Linh?

Theo cha Mario Midali, từ charisma mới xuất hiện trong thần học sau Công Đồng Vatican II. Trước đó, từ thế kỷ XVIII, các tác giả bên Pháp (trường phái Berulle, Francois de Sales) dùng danh từ “tinh thần” (esprit) để định nghĩa khía cạnh tu đức và luân lý, hoặc giáo dục của một vị thánh.[65] Các văn kiện của Giáo Hội cũng hiểu theo nghĩa ấy, chẳng hạn như khi Công Đồng Vatican II nói đến sự trung thành với “tinh thần của vị Sáng lập”.[66] Như vậy, có thể nói được rằng, “tinh thần” cũng đồng nghĩa với “đặc sủng” của một Dòng tu. Thế nhưng, trong Tông huấn Vita consecrata, chúng ta vẫn còn gặp thuật ngữ “tinh thần” bên cạnh thuật ngữ “đặc sủng”, chẳng hạn như ở số 68, khi nói đến chương trình đào tạo của một Hội Dòng. Thử hỏi: đặc sủng và tinh thần giống nhau hay khác nhau?

Cha Midali giải thích thế này. Khi mô tả các tác động của Thánh Linh, thánh Phaolô sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau, chẳng hạn ở 1Cr 2,4-6: tựa như “linh ân” (pneumatika: spiritual gifts), “công việc” (energemata: works), “dịch vụ” (diakoniai: services); cách riêng, thánh tông đồ còn nói đến các “hoa trái” của Thánh Linh nữa (Gl 5,22). Vì thế ta có thể phân biệt hai khía cạnh trong tác động của Thánh Linh:

– a) Một đàng là khía cạnh “thần học”, nghĩa là tác động của Ngài, sáng khởi ban không của Ngài; điều này ta gọi là “ân ban” hay “đặc sủng”.

– b) Một đàng là khía cạnh “nhân học”, khía cạnh hoạt động về phía con người đáp lại tác động của Thánh Linh, từ đó phát sinh những “hoa trái của Thánh Linh”; ta gọi đó là “tinh thần” của vị sáng lập.

Như vậy, “đặc sủng” do Thánh Linh ban cho cá nhân vị sáng lập, và không thể truyền đạt được; “tinh thần” thì có thể phát triển và truyền đạt.

2/. Spirituality

Xin đừng vội dịch là “linh đạo”, bởi vì từ này có nhiều nghĩa lắm. Tự nó, spirituality là một danh từ trừu tượng, ám chỉ “tính chất linh thiêng”.[67] Trong thực tế, nó ám chỉ nhiều thực thể khác nhau: có thể được hiểu như là đời sống tâm linh, hoặc thần học tâm linh, hoặc trường phái thần học về đời sống tâm linh.

a/. Trong Tông huấn Vita consecrata, danh từ spirituality được sử dụng 30 lần trong những mạch văn khác nhau:

– Theo một nghĩa tổng quát, có thể hiểu spirituality như là “đời sống tâm linh”, một khuynh hướng đi tìm kiếm Thiên Chúa, mà ta gặp thấy nơi nhiều tôn giáo (“spirituality as a response to the search for the sacred and the desire for God”).[68] Theo nghĩa này, dĩ nhiên ta có thể nói đến “Christian spirituality”,[69] mà ta có thể dịch là “đời sống tâm linh Kitô giáo” (hoặc linh đạo Kitô giáo).

– Christian spirituality bao gồm nhiều loại “spirituality”, chẳng hạn như: “spirituality of priesthood” [70]hoặc “spirituality của linh mục giáo phận”,[71] “spirituality của đời sống thánh hiến”.[72] Ở đây, spirituality có thể hiểu như là “linh đạo” xét về cảm nghiệm hoặc xét về học thuyết (đạo lý). Thật vậy, Tông huấn nhiều lần nói đến “history of spirituality”[73] mà có lẽ nên dịch là “lịch sử thần học tâm linh”.

– Cách riêng đối với đời sống thánh hiến, Tông huấn còn nhắc đến vài nét linh đạo chung của tất cả các Dòng tu, chẳng hạn như: “linh đạo hiệp thông” (spirituality of communion);[74] “linh đạo hoạt động hoặc tông đồ (spirituality of action, or apostolic spirituality).[75]

b/. Có thể nói rằng, mỗi Dòng cần có một linh đạo riêng hay không? Tôi xin phép trả lời rằng: vừa có vừa không, tùy theo cách hiểu danh từ “spirituality”.

– Có. Bởi vì mỗi Dòng phải là một trường đào tạo nên thánh. Tông huấn nói đến “linh đạo của Hội Dòng” ở nhiều chỗ.[76] Thật vậy, đôi khi vì quá chú trọng đến hoạt động (kể cả hoạt động tông đồ), chúng ta chỉ nghĩ đến việc đào tạo các tay thợ lành nghề chuyên môn, nhưng bỏ qua việc đào tạo thánh thiện. Thế nhưng đây mới chính là mục đích của Dòng tu: Dòng tu không phải là một công ty lao động, nhưng tiên vàn là trường đào luyện các thánh. Tông huấn Vita consecrata nhấn mạnh rằng: “Đời sống tâm linh phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình của mọi gia đình tận hiến, ngõ hầu mọi dòng và mọi cộng đoàn trở thành trường học về linh đạo Phúc Âm chân chính. Từ việc lựa chọn ưu tiên đó mà mỗi người và mỗi cộng đoàn cương quyết sống, phát sinh một đời sống tông đồ phong phú, một mối tình quảng đại dành cho người nghèo, và khả năng khai sinh những ơn gọi mới trong thế hệ trẻ. Chính phẩm chất tâm linh của đời thánh hiến mới lay chuyển được những con người thời đại này đang khao khát những giá trị tuyệt đối và trở thành một lời chứng hấp dẫn”.[77] Điều này được khai triển trong phần thứ ba của Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”, dưới tựa đề “Đặt đời sống tâm linh lên hàng đầu”. Hiểu theo nghĩa này, mỗi Hội Dòng phải là một trường linh đạo.

– Không, nếu hiểu “spirituality” như là “trường phái thần học tâm linh”. Sự phân biệt những nghĩa khác nhau của spirituality đã được giải thích trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Trong mầu nghiệm hiệp thông các thánh, đã có nhiều đường hướng linh đạo (spiritualities) phát sinh suốt dòng lịch sử Hội Thánh. Đặc sủng cá nhân của vài chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa đối với con người có thể được truyền lại, tựa như “thần khí” (spirit) của ông Elia được truyền lại cho ông Elisê và cho ông Gioan Tẩy giả, để các môn đệ có thể tham dự vào thần khí ấy. Một linh đạo đặc thù (distinct spirituality) cũng có thể nảy sinh từ sự kết tinh của những trào lưu phụng vụ và thần học, và làm chứng cho sự hội nhập đức tin vào một môi trường nhân văn trong lịch sử. Những trường phái linh đạo khác nhau của Kitô giáo chia sẻ vào truyền thống sống động của việc cầu nguyện và là những hướng dẫn cần thiết cho các tín hữu. Các trường phái đa dạng này đều tỏa chiếu ánh sáng tinh tuyền và duy nhất của Thánh Linh”.[78]

Như thế, ta thấy có sự phân biệt giữa “linh đạo” (spirituality) và “trường phái linh đạo” (school of spirituality). Cần có những tiêu chuẩn nào để trở thành một trường phái linh đạo? Theo cha Agostino Favale,[79] có ba chủ trương khác nhau, nhấn mạnh đến đạo lý, hoặc kinh nghiệm, hoặc cả hai:

– [i] Đạo lý: Trường phái linh đạo là một tổng bộ hữu cơ của tất cả những yếu tố cốt yếu của đời sống tâm linh, do một tác giả nổi tiếng, được nhìn nhận như là vị sáng lập của trường phái. Chủ trương này nhấn mạnh đến khía cạnh đạo lý, đòi hỏi một thần học có hệ thống.

– [ii] Những yếu tố chung để nên thánh: Ý kiến thứ hai chú ý đến thực hành, đúc kết những phương thế chung đã giúp cho một số người đã nên thánh nhờ đi theo sự hướng dẫn của một vị sáng lập, chẳng hạn để mô tả những đặc tính của trường phái Biển đức, thì ta phân tích cuộc đời của các vị thánh trong Dòng, xét xem họ đã dùng những phương tiện nào để nên thánh. Theo quan điểm này, trường phái tâm linh khác với trường phái thần học ở chỗ nó không dừng lại ở bình diện lý thuyết, nhưng cần phải đưa ra trắc nghiệm, nghĩa là cần phải xét xem nó có thực sự bảo đảm cho ai đi theo con đường ấy sẽ nên thánh không.

[iii] Chủ trương thứ ba muốn kết hợp cả hai ý kiến vừa rồi: Trường phái linh đạo là một hệ thống thần học liên quan đến đời sống tâm linh, được hình thành nhờ một học thuyết của vị sáng lập và được thực hành bởi nhiều đồ đệ. Vị sáng lập không hẳn là một nhà thần học sâu sắc (thí dụ thánh Phanxicô Assisi, thánh Inhaxio Loyola), nhưng đã quy tụ chung quanh mình nhiều đồ đệ, cùng đi theo một đường.

Đi vào cụ thể, có bao nhiêu trường phái? Theo các nhà chuyên môn, chắc đếm không quá 10 đầu ngón tay, thường liên kết với những Dòng lớn: Biển Đức, Đaminh, Phanxicô, Carmel, Augustin, Inhaxio, Salesio, Bérulle. Thường trong mỗi trường phái, ta gặp thấy những vị thánh lớn, vừa là nhà thần học (nghĩa là phát biểu đạo lý) vừa là thánh nhân (nghĩa là đã thực hành đạo lý ấy), nghĩa là cảm nghiệm và đạo lý đi đôi với nhau, thí dụ như thánh Tôma Aquinô đối với trường phái Đaminh, thánh Bonaventura đối với trường phái Phanxicô, thánh Teresa và Gioan Thánh giá đối với trường phái Carmel. Nếu trong toàn thể Hội Thánh chỉ có hơn kém 10 trường phái linh đạo, thì không mong gì mỗi Hội Dòng có khả năng trở thành một trường phái. Xin nhắc lại, để đáng mang danh một trường phái, không chỉ cần một nền tảng thần học vững chắc, nhưng còn cần một đoàn người đã được đào luyện thành công theo đường hướng đó, tức là đã nên thánh. Ở Việt nam chúng ta, ngoài các thánh tử đạo, không rõ còn trường phái nào nữa không.

III. THỰC HÀNH

Sau khi đã dài dòng về lý thuyết, chúng ta bước sang phần thực hành để kết thúc. Đầu để của buổi nói chuyện là “đời sống thiêng liêng”. Theo lối hiểu cổ truyền, các tu sĩ thực hành đời sống thiêng liêng bằng việc cầu nguyện, khổ chế, thực tập các nhân đức. Tuy nhiên, trong bài này, chúng ta hiểu “đời sống thiêng liêng” như là “sống theo sự hướng dẫn của Thánh Linh”. Hiểu theo nghĩa này, việc thực hành đời sống tâm linh vừa đơn giản vừa phức tạp: đơn giản, bởi vì có thể tóm gọn trong một câu: “để cho Thánh Linh dẫn dắt”; phức tạp bởi vì nó bao trùm nhiều lãnh vực, không chỉ giới hạn vào việc cầu nguyện, nhưng còn mở rộng đến sứ vụ tông đồ truyền giáo.

A. Những phương thế sống đời tâm linh

Nếu hiểu theo “đời sống tâm linh” như là “sống theo Thánh Linh”, thì nó bao hàm rất nhiều lãnh vực, không phải chỉ khi cầu nguyện, mà cả trong những hoạt động thường nhật. Người Kitô hữu nói chung và người tu sĩ nói riêng cố gắng mở rộng trái tim theo sự thúc đẩy của Thánh Linh tiến đến sự thánh thiện.[80] Đây không chỉ là nỗ lực riêng rẽ của từng cá nhân mà còn của toàn thể cộng đoàn nữa, cố gắng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong những biến cố lịch sử, khám phá ra những “dấu chỉ thời đại”.

Sống đời tâm linh có nghĩa là để cho Thánh Linh hướng dẫn trên con đường thanh luyện,[81] ngõ hầu mỗi ngày ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, làm cho Ngài hiện diện trong lịch sử.[82] Thành thực mà nói, đây là lý tưởng mà thánh Phaolô vạch ra cho tất cả mọi Kitô hữu: qua Bí tích Thánh Tẩy, họ đã mặc lấy Đức Kitô, thông dự vào cái chết của Người cũng như sự phục sinh của Người. Người tu sĩ đào sâu thêm mối tương quan ấy, đặc biệt qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm, nhằm biểu lộ tình yêu với Đức Kitô cách triệt để hơn: lời khuyên Khiết Tịnh mở rộng con tim cho đến chiều kích của con tim Đức Kitô và làm cho nó có thể yêu mến như Người đã yêu; Lời khuyên Nghèo Khó giải thoát ta khỏi nô lệ các sự vật và các nhu cầu giả tạo đang lôi cuốn xã hội tiêu dùng và dẫn ta đến việc tái khám phá Đức Kitô, kho tàng duy nhất đáng để ta tìm kiếm; Lời khuyên vâng phục đặt cuộc sống hoàn toàn trong bàn tay Đức Kitô ngõ hầu Người có thể sử dụng theo kế hoạch của Thiên Chúa và biến nó trở nên một tuyệt tác. Như vậy, “sống theo Thánh Linh” cũng có nghĩa là sống với Đức Kitô. Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” đặt tên cho kế hoạch này là “chiêm ngưỡng khuôn mặt của Đức Kitô”, và tìm ra được một sợi chỉ nối kết những phương tiện giúp chúng ta sống đời tâm linh: chúng là những phương thế giúp cho ta gặp gỡ Đức Kitô.

Thật vậy, khi đọc các văn kiện Tòa Thánh về các phương tiện nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, ta thấy có sự trùng hợp đáng kể. Chúng tôi chỉ xin lướt qua:

– Sắc lệnh Perfectae caritatis (số 6): cầu nguyện; đọc Kinh Thánh; phụng vụ nhất là cử hành Thánh Thể.

– Huấn thị “Chiều kích chiêm niệm của đời tu” (1980) mô tả tỉ mỉ hơn: Lời Chúa (số 8), Thánh Thể (số 9), bí tích sám hối (số 10), linh hướng (số 11), phụng vụ giờ kinh (số 12), Đức Trinh nữ Maria (số 13), khổ chế cá nhân và cộng đoàn (số 14).

– Tông huấn Vita consecrata: Lắng nghe Lời Chúa (số 94), Phụng vụ thánh bao gồm Thánh Thể, phụng vụ giờ kinh, bí tích hòa giải, linh hướng, lòng tôn kính Đức Maria (số 95).

Tất cả những phương thế vừa kể được Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” đặt tên là “những nơi chiêm ngưỡng khuôn mặt Đức Kitô”:“Có vô vàn sự hiện diện cần được khám phá ra theo những cách thức luôn luôn mới mẻ. Đức Kitô thực sự hiện diện trong Lời của Người và trong các bí tích, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Đức Kitô sống trong Giáo Hội, Người làm cho mình hiện diện trong cộng đoàn những người tụ họp vì danh Người. Người đứng trước mặt chúng ta trong mọi người, đồng hoá cách đặc biệt với những người bé nhỏ, người nghèo, người đau khổ và người đang thiếu thốn nhất. Người gặp gỡ chúng ta trong mọi biến cố vui buồn, trong thử thách hay trong niềm vui, trong đau khổ hay trong bệnh tật. Thánh thiện là hoa quả của cuộc gặp gỡ với Người trong nhiều cách thế hiện diện qua đó chúng ta có thể khám phá khuôn mặt của Người như là Con Thiên Chúa, một khuôn mặt đau khổ và đồng thời khuôn mặt của Đấng phục sinh. Như Người đã làm cho mình hiện diện trong cuộc sống hằng ngày, Người vẫn còn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của ngày hôm nay, nơi Người tiếp tục tỏ bày khuôn mặt của Người. Muốn nhận ra Người thì cần đến một cái nhìn đức tin, cái nhìn có được nhờ đọc Lời Chúa, nhờ cầu nguyện và trên hết nhờ thực thi bác ái, bởi vì duy tình yêu mới giúp hiểu biết trọn vẹn Mầu nhiệm. Chúng ta có thể nhắc lại một vài nơi chốn đặc biệt mà ta có thể chiêm ngưỡng khuôn mặt Đức Kitô, để canh tân việc dấn thân vào đời sống theo Thánh Linh. Đây là những lộ trình của một linh đạo được sống, một dấn thân ưu tiên trong thời đại này, bằng cách nắm lấy cơ hội đọc lại trong đời sống, trong những kinh nghiệm hằng ngày, những phong phú thiêng liêng của đoàn sủng riêng, qua việc tiếp xúc lại với những nguồn mạch làm nảy sinh, nhờ kinh nghiệm Thánh Linh của các vị sáng lập, tia sáng của đời sống mới và những công việc mới, những cách đọc lại Tin Mừng riêng biệt được tìm thấy trong mọi đoàn sủng.[83]

Trong bối cảnh ấy, đọc Lời Chúa là một hình thức lắng nghe Đức Kitô để học biết tư tưởng của Người,[84] cầu nguyện và chiêm ngưỡng trở nên giây phút thân mật ở bên Đức Kitô,[85] Thánh Thể là chốn đặc trưng để gặp gỡ Chúa, trở nên một với Người,[86] các việc khổ chế biểu lộ sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh.[87] Người tu sĩ cũng hiệp thông với Đức Kitô chịu đau khổ qua những đau khổ của bản thân hay của cộng đoàn, sự thống hối tội lỗi, sự chia sẻ với những khuôn mặt đau khổ của anh chị em đồng loại. Như thế, đời sống tâm linh của chúng ta mang một nét tương quan, đó là chia sẻ cuộc sống với Đức Kitô.

B. Huấn luyện

Buổi họp này được mở ra cho các nhà đào tạo. Vì thế để kết thúc, xin thêm đôi lời về việc huấn luyện.

1/. Các nhân tố

Công việc đào tạo giả thiết một mối tương quan: những nhà huấn luyện (huấn luyện viên) và những người được huấn luyện (thụ huấn). Một trong những mục tiêu của khóa học này nhằm “đào tạo các nhà đào tạo”, một đề tài nóng bỏng tại Việt Nam, nơi mà Chúa thương ban cho rất nhiều ơn gọi, nhưng lại thiếu nhà đào tạo.

Tuy nhiên, khi bước vào đề tài “đời sống thiêng liêng” (hoặc đời sống tâm linh), thì mô hình nói trên cần điều chỉnh. Trong suốt bài thuyết trình này, chúng tôi cố gắng định nghĩa “đời sống tâm linh” là “đời sống theo sự hướng dẫn của Thánh Linh”. Khái niệm này lập tức buộc đặt lại vấn đề: ai giữ vai trò của nhà huấn luyện?. Câu trả lời đã quá rõ: chính Thánh Linh giữ vai trò chủ động. Cũng vậy, cần phải đặt lại câu hỏi: ai là người thụ huấn? Thưa rằng: tất cả các tu sĩ, bất luận già trẻ lớn bé, bề trên hay bề dưới. Như vậy, tương quan giữa nhà huấn luyện và người thụ huấn đã bị đảo lộn: những nhà huấn luyện trở thành kẻ thụ huấn. Dù sao, điều này không ngăn trở sự hiện diện của những nhân viên phụ trách huấn luyện: tuy cũng là người thụ huấn, nhưng họ hợp tác với Thánh Linh để đồng hành với các anh chị em của mình trên hành trình nên thánh. Chúng ta cũng đừng quên rằng, vai trò đồng hành không chỉ giới hạn vào vài người đặc trách, nhưng bao gồm cả cộng đoàn, cả Hội Dòng nữa.

Câu hỏi kế tiếp: Việc huấn luyện kéo dài bao lâu?. Xin thưa: kéo dài suốt đời. Chương trình huấn luyện như thế nào?. Xin thưa: toàn diện. Thật vậy, mặc dù chúng ta thường phân biệt nhiều khía cạnh trong việc huấn luyện: nhân bản, tâm linh, đạo lý, văn hóa, nghề nghiệp, mục vụ,…;[88] nhưng nếu hiểu đào tạo tâm linh như là mặc lấy những tâm tình của Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Người, thì chúng ta sẽ thấy rằng nó bao hàm toàn diện con người chúng ta, “sao cho toàn bộ cách ăn nết ở, trong những lúc quan trọng cũng như những lúc bình thường của cuộc sống, cho thấy người đó vui sướng thuộc về Chúa cách trọn vẹn”.[89]

Khi đúc kết seminar của các Bề trên tổng quyền tại Rôma năm 2011 về đào tạo, cha José Rodriguez Carballo, OFM. (hiện nay làm Tổng thư ký Bộ Đời Sống Thánh Hiến) đã nói rằng, sự huấn luyện phải chạm đến tất cả các chiều kích của con người: cái đầu (cần có tư tưởng), quả tim (tình cảm), cánh tay (thực hành), cái chân (hướng đến sứ vụ). Dù sao, đi nữa, cha lưu ý rằng, Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” đã đặt nặng việc thường huấn hơn là sự huấn luyện khởi đầu,[90] và dĩ nhiên, công cuộc thường huấn không chỉ giới hạn vào vài khóa tu nghiệp, nhưng bao trùm tất cả cuộc sống tu trì, trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn.

2/. Các giai đoạn

Các chương trình huấn luyện đời tu thường chia tiến trình huấn luyện thành hai giai đoạn: huấn luyện khởi đầu (từ tập viện đến tuyên khấn vĩnh viễn) và huấn luyện trường kỳ (sau khi khấn trọn đời).

Riêng về tiến trình của đời sống tâm linh, chúng ta thấy có sự khác biệt trong cách trình bày của các sách giáo khoa cổ điển và các văn kiện gần đây của Tòa Thánh. Nói cách khác, có nhiều mô hình.

a/. Ba giai đoạn

Trong các sách giáo khoa cổ điển về thần học tâm linh, các tác giả thường phân chia sự tiến triển đời sống tâm linh thành ba giai đoạn:

– i) Thanh luyện (purificativa: chống lại tội lỗi);

– ii) Chiếu sáng (illuminativa: thực hành nhân đức);

– iii) Kết hiệp (unitiva, huyền nhiệm, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh).

Không thiếu người đã muốn móc nối ba giai đoạn ấy với thời kỳ tập viện, thời kỳ khấn tạm và thời kỳ khấn trọn. Tiếc rằng thực tế không xảy ra như điều ước mong. Có lẽ tất cả chúng ta trong phòng họp đều đã khấn trọn đời, nhưng có ai dám tự hào rằng mình đã đạt tới trình độ kết hiệp chưa?

Thực ra xét về lý thuyết, mô hình ba giai đoạn sử dụng từ ngữ của ông Dionysio (tên giả của một đan sĩ thế kỷ V). Các từ ngữ: “thanh luyện – chiếu sáng – kết hiệp” không ám chỉ ba giai đoạn tiến triển đời sống tâm linh, cho bằng tiến trình gia nhập Kitô giáo: “thanh luyện” và “chiếu sáng” là hai danh xưng của Bí tích Thánh Tẩy; “kết hiệp” là danh xưng của bí tích Thánh Thể. Khi áp dụng vào đường nên trọn lành, ta thấy mô hình có khuyết điểm là không phản ánh thực tế. Trong chương trình giáo dục, khi một học sinh đã lên cấp ba thì không còn tụt xuống cấp một nữa; nhưng trong đường trọn lành, không thể nào bỏ qua sự thanh luyện nết xấu và tập luyện nhân đức, dù đã tiến đến chỗ kết hiệp. Đàng khác, đường trọn lành không thẳng băng một chiều, nhưng nhiều gập ghềnh, lúc lên lúc xuống.

b/. Tuổi đời sống tâm linh

Thánh Augustin và thánh Tôma Aquinô đưa ra mô hình khác, khi đề cập đến sự tăng trưởng trong đức ái, đó là ba “tuổi” (ages)[91] hoặc “cấp”: khai tâm, tiến bộ, toàn thiện. Những thuật ngữ vẫn còn được sử dụng trong việc phân trình độ học sinh ngữ: beginners – proficient – advanced. Dựa theo khuôn ấy, các nhà tâm lý cũng nói đến đời sống tâm linh dựa theo lứa tuổi.[92] Cách riêng, chương trình thường huấn của Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (OSM) đã phân chia các tu sĩ theo “tuổi khấn” thành bốn mùa như sau:

– a) mùa Xuân (cho đến 40 tuổi);

– b) mùa Hạ (trung niên: 40-65);

– c) mùa Thu (cao niên: trên 65);

– d) mùa Đông (sắp lìa đời).

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, tuổi đời tự động tăng theo dòng thời gian, nhưng tuổi khôn chưa chắc đã tăng. Người xưa có nói: “khôn đâu có trẻ, khỏe đâu có già”. Vâng, người già không còn khỏe như người trẻ nữa, nhưng chưa chắc đã khôn hơn (càng già càng lú lẫn)!

c/. Những khủng hoảng

Một cách thực tế, Huấn thị về việc huấn luyện trong các Dòng tu Potissimum institutioni (số 70) cũng như tông huấn Vita consecrata (số 69) có nhắc đến các cuộc khủng hoảng hầu như xảy ra theo chu kỳ cuộc đời:

– a) Thời chuyển tiếp từ giai đoạn huấn luyện sơ khởi sang kinh nghiệm đầu tiên của sự tự lập;

– b) Khoảng 10 năm sau khấn trọn đời;

– c) Sự trưởng thành;

– d) Thời gian rút khỏi các công việc;

– e) Những khủng hoảng trầm trọng do những yếu tố ngoại lai (đổi nơi ở, đổi việc làm, thất bại, bị hiểu lầm, bị bỏ rơi.., hoặc biến chuyển xã hội), hay do những yếu tố trực tiếp nơi cá nhân (stress, bệnh tật, khô khan, bị thử thách nặng nề, khủng hoảng đức tin hay tình cảm).

Vì không có thời giờ để đi sâu vào đề tài này, tôi chỉ xin đưa ra hai nhận xét:

– Một: “Khủng hoảng” dịch bởi chữ “crisis” (tiếng Anh và crise tiếng Pháp). Theo tầm nguyên Hán Việt, “khủng hoảng” có nghĩa là quá sợ hãi, làm đầu óc rối loạn (Khủng: sợ hãi; hoảng: đầu óc rối loạn, không còn phân biệt gì). Tuy nhiên, gần đây, người ta nhận thấy rằng, crisis được chuyển sang tiếng Hoa là “nguy cơ”. Từ này gồm bởi hai từ: “nguy” (là sợ hãi vì điều tai hại có thể xảy đến) và “cơ” (vừa có nghĩa là căn cớ, vừa có nghĩa là cơ hội, dịp may). Như vậy, nó sát với nguyên gốc Hy Lạp, bởi vì krisis có nghĩa là “phân tích, cân nhắc, thử thách”. Do đó cái crisis không hẳn là tiêu cực, nhưng có thể trở thành cơ may để trưởng thành.

– Hai: Những nguyên nhân của khủng hoảng nói trên đây hầu như bắt nguồn từ con người (điều kiện tâm lý, xã hội). Tuy nhiên, chúng ta đừng bỏ qua nguyên nhân nữa là Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá nói đến những cuộc thanh luyện, đêm tối đức tin. Thiên Chúa muốn cho đức tin của chúng ta nên tinh ròng hơn, chỉ bám vào Chúa vì Chúa chứ không vì động lực nào khác. Thánh Têresa Hài Đồng Giêsu và Thánh Têresa Calcutta đều đã trải qua những đêm tối ấy. Chúng ta cũng đừng nên quên rằng: cầu nguyện là vật lộn với Thiên Chúa.[93]

Kết luận

Đề tài của bài nói chuyện hôm nay là “đời sống thiêng liêng”. Cụm từ này thường được hiểu như là đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện. Nhưng khi truy tầm ý nghĩa của nó qua nguồn gốc bên tiếng Latin (vita spiritualis), chúng ta khám phá ra rằng: đó là “đời sống theo Thánh Linh”, được thánh Phaolô nói đến nhiều lần khi trình bày đời sống của người Kitô hữu. Sống theo Thánh Linh có nghĩa là sống trong và với Đức Kitô. Thánh Linh uốn nắn chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Từ đó chúng ta đã theo dõi những tác động của Thánh Linh trong đời sống thánh hiến, được Tông huấn Vita consecrata diễn tả qua thuật ngữ “đặc sủng” (charisma) ở ba cấp độ. Cũng khởi đi từ Thánh Linh, chúng ta nhận ra một mối liên hệ cả về ý tưởng lẫn về thực tại giữa các từ ngữ: “tâm linh”, “tinh thần”, “linh đạo”.

Một khi liên kết “đời sống thiêng liêng” (hoặc: tâm linh) với Thánh Linh, chúng ta thấy phạm vi của nó rất rộng rãi, bao trùm tất cả mọi khía cạnh của đời sống tu trì (và Kitô hữu): nó không chỉ liên quan đến việc đọc kinh cầu nguyện, thực tập nhân đức và khổ chế, nhưng nó chi phối toàn thể cuộc sống tu trì, xét về cá nhân cũng như xét về cộng đoàn. Tuy nó hướng đến việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nhưng nó bao gồm cả chiêm niệm lẫn hoạt động, cả hoạt động tâm linh cũng như hoạt động xã hội.

Hiểu như vậy, đời sống tâm linh mang tính cách năng động: chúng ta cần để cho Thánh Linh dẫn dắt chúng ta đến chỗ mặc lấy những tâm tình của Đức Kitô. Các nhà chuyên môn về thần học đời sống tâm linh nêu cho ta thấy một nghịch lý: chúng ta phải cố gắng cộng tác càng ngày càng quảng đại hơn với tác động của Thánh Linh; điều này không có nghĩa là chúng ta cần gồng mình nhiều hơn, tăng gia nỗ lực, nhưng là chúng ta hãy trở nên ngoan ngoãn hơn để cho Thánh Linh tự do tác động nơi ta, chứ đừng cất lên những rào cản. Chúng ta cần biết phó thác để cho Ngài dẫn dắt. Các tác giả theo trường phái thánh Tôma Aquinô nói rằng, trong giai đoạn đầu của hành trình tâm linh, chúng ta hãy nỗ lực thực tập các nhân đức; bước sang giai đoạn hai, chính Thánh Linh sẽ dẫn dắt chúng ta bằng các ân huệ của Ngài. Giai đoạn đầu ví như vất vả chèo thuyền; giai đoạn sau ví như căng buồm cho gió thổi. Sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn diễn ra qua một cuộc hoán cải, nói theo ngôn ngữ của tu đức học là “sự hoán cải thứ hai” (deuxième conversion). Đức đương kim Giáo Hoàng, thuộc trường phái thần bí của Dòng Tên (Lallemant, Surin),[94] rất quen thuộc với từ ngữ này, cho nên ngài thích sử dụng những thuật ngữ “ngoan ngoãn với Thánh Linh” hoặc “hoán cải”, chẳng hạn như trong Tông huấn đầu tiên Evangelii gaudium, ngài đã dành ra một mục để bàn về sự “hoán cải mục vụ” (pastoral conversion),[95] bao gồm hoán cải mục vụ, truyền giáo và tâm linh.[96] Thậm chí trong Thông điệp Laudato si, ngài cũng dành hai số để nói đến “hoán cải sinh thái” (conversion ecologica),[97] đòi hỏi một cái nhìn mới trong tương quan với vạn vật.

Đến đây, chúng ta nên ghi nhận sự chuyển hướng không phải trong vấn đề “đời sống thiêng liêng” cho bằng tác động của Thánh Linh. Trước đây, tác động của Thánh Linh thường chỉ giới hạn vào việc thánh hóa các linh hồn, cụ thể qua “bảy ơn Chúa Thánh Thần”. Cao điểm của lối trình bày này là Thông điệp Divinum illud munus của Đức Thánh Cha Leo XIII (9/5/1897). Công Đồng Vaticano II, đặc biệt trong Hiến chế Lumen gentiumGaudium et spes chú trọng đến tác động của Thánh Linh trong Hội Thánh và trong lịch sử. Không lạ gì mà các tác giả viết nhiều về các “đặc sủng Thánh Linh” và “dấu chỉ thời đại”. Thông điệp Dominum et vivificantem (18/5/1986) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có thể coi như một dấu mốc. Vì thế khi nói đến sự hiện diện của Thánh Linh, trước đây, các sách thần học tâm linh thường đề cập đến việc Thánh Linh cư ngụ trong linh hồn, và ban cho linh hồn các linh ân và hoa trái. Nền tảng Thánh Kinh của đạo lý về bảy ơn Thánh Linh là đoạn văn Isaia 11,2.[98] Sau Công Đồng Vatican II, người ta ít nói đến bảy ơn Chúa Thánh Thần nhưng dành nhiều chỗ hơn cho các đặc sủng (hay đoàn sủng). Về từ ngữ, trong tiếng Latin, các “ơn Chúa Thánh Thần” được gọi là dona (tiếng Pháp là dons, tiếng Anh là gifts: có nghĩa là quà tặng, tặng phẩm); các “đặc sủng” được gọi là charisma gốc Hy Lạp, và được dịch sang tiếng Latin là dona, dona peculiaria, gratiae speciales. Nền tảng Kinh Thánh là các thư thánh Phaolô (16 lần, đặc biệt là trong thư thứ nhất gửi Corintô, với hai bản liệt kê danh sách 1Cr 10,8-10.28-30).[99] Đã đến lúc cần có một nhìn toàn diện về tác động của Thánh Linh trong lịch sử, trong Hội Thánh, trong đời sống các Kitô hữu. Đó là điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã cố gắng thực hiện trong loạt 80 bài huấn giáo chú giải Kinh Tin Kính từ ngày 26/4/1989 đến ngày 3/7/1991.

Để kết thúc, tôi xin lưu ý về thuật ngữ “đọc sách thiêng liêng”. Ở đầu bài này, tôi có đặt câu hỏi: “sách thiêng liêng là sách gì?”, và có lẽ có người sẽ nghĩ rằng đó là sách nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Nhưng dựa theo lịch sử đời tu, tôi nghĩ rằng, tính từ “thiêng liêng” không gắn với “sách” (spiritual book) cho bằng gắn với “đọc” (spiritual reading): đọc thiêng liêng. Thế nào là “đọc thiêng liêng”?. Xin thưa rằng đây là một thuật ngữ của các giáo phụ khi đề cập đến việc đọc Kinh Thánh. Ta có thể đọc Kinh Thánh như bất kỳ một tác phẩm văn chương nào: nhưng như thế là ta chỉ mới hiểu được nghĩa “văn chương” (sensus litteralis) của nó. Chúng ta cần được Thánh Linh soi sáng để hiểu ra được nghĩa “thiêng liêng” (sensus spiritualis) hoặc nghĩa “thần khí”, tức là ý nghĩa theo Thánh Linh, Đấng linh hứng Kinh Thánh và là Đấng muốn nói với chúng ta hôm nay. Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa. Lời ấy có một khuôn mặt, đó là Đức Kitô. Thánh Linh giúp chúng ta nhận ra Đức Kitô nói qua những trang sách của Cựu ước và Tân ước, Đức Kitô đang nói trong Hội Thánh cách riêng nơi các cộng đồng phụng vụ, Đức Kitô cũng nói qua các biến cố lịch sử.[100] Điều này đòi hỏi một cảm thức đức tin sâu xa để nhận ra tiếng Chúa.

 

 

 

 

 


[1]Sách Giáo lý Tân Định, câu 11: H. Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, làm sao ta xem chẳng thấy ?T. Vì người là tính thiêng liêng, cho nên con mắt ta xem chẳng thấy.

[2]Thiêng 聲 (chữ Nôm này mượn chữ Hán “thanh” để ghi âm “thiêng”): linh ứng, mầu nhiệm, có phép lạ .Vd: sống khôn chết thiêng; lời nói thiêng (linh ứng); chẳng thiêng ai gọi là thần (ca dao Việt Nam)… – Liêng 灵 (chữ Nôm này mượn chữ Hán “linh” để ghi âm “liêng”). “Liêng” đồng nghĩa với “linh”. “Liêng” không dùng một mình. “Thiêng liêng” tương ứng với “linh thiêng”, ám chỉ cái gì thuộc thần thánh, hoặc cao quý (thí dụ: nghĩa vụ thiêng liêng). (Xc. Lê Gia, Tiếng nói nôm na, TP. HCM 1999, tr. 1157).

[3]Đó cũng là ý nghĩa của “linh” (thiêng liêng) trong các từ: cha thiêng liêng, linh hướng, linh tông.

[4] Viện Ngôn Ngữ Học, Từ điển tiếng Việt, in lần thứ năm, Hà Nội – Đà nẵng, 1997, tr. 865.

[5]Phạm Châu Diên, Tu đức học (Ra khơi: Saigon, 1965).

[6]Adolphe Alfred Tanquerey, Précis de théologie ascétique et mystique (Paris, 1923-1924).

[7] St. Theresa Avila, Camino de perfección.

[8]Thánh Phaolô nói đến “con người nội tâm” (homo interior) ở Ep 3,16-18; Rm 7,22; 2Cr 4,16.

[9] St. Francois de Sales, Introduction à la vie dévote.

[10]Trong tiếng Latinh, spiritualis (đôi khi được dùng như đồng nghĩa với religiosus) đối lại materialis (vật chất), temporalis (thế tục).

[11]Lần đầu tiên, xuất hiện trong tác phẩm De scientia divinae legis (PL 30, 105-116) gán cho thánh Hieronimo (+ 420) nhưng kỳ thực là của Pelagio (+ c.423-439): “Age, ut in spiritualitate proficias”.

[12]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (Đức ái hoàn hảo), số 6; Sắc lệnh Ad Gentes (Đến với muôn dân), số 29.

[13]Spiritual Theology được cha Hoành Sơn Hoàng Sỹ Quý đặt tên là “Thần học thiêng liêng” trong tác phẩm 2 quyển xuất bản năm 1995. Tôi thích gọi là “Đời sống tâm linh”.

[14] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), ngày 25-03-1996, số 93: https://catechesis.net////index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/tong-huan/1749-tong-huan-vita-consecrata-doi-song-thanh-hien-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-25-03-1996-1

[15]Tôi xin trưng dẫn bản văn tiếng Anh (mặc dù chỉ là phiên dịch bản gốc tiếng Ý): “We may say that the spiritual life, understood as life in Christ or life according to the Spirit, present itself as a path of increasing faithfulness, on which the consecrated person is guided by the Spirit and configured by him to Christ, in full communion of love and service in the Church. All these elements, which take shape in the different forms of the consecrated life, give rise to a specific spirituality, that is, a concrete program of relations with God and one’s surroundings, marked by specific spiritual emphases and choices of apostolate, which accentuate and re-present on or another aspect of the one mystery of Christ. When the Church approves a form of consecrated life or an Institute, she confirms that in its spiritual and apostolic charism are found all the objective requisites for achieving personal and communal perfection according to the Gospel”.

[16]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1992, số 799-801; 1509.

[17]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 45a; Sắc lệnh Perfectae Caritatis (Đức ái hoàn hảo), số 2b; Sắc lệnh Ad Gentes (Đến với muôn dân), số 40c.

[18]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (Đức ái hoàn hảo), số 2a.

[19] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelica testificatio (Chứng tá Phúc Âm), ngày 29-06-1971, số 11: https://catechesis.net////index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/tong-huan/624-tong-huan-evangelica-testificatio-chung-ta-phuc-am-cua-dgh-phaolo-vi-ngay-29-06-1971

[20] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), ngày 25-03-1996, số 48: https://catechesis.net////index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/tong-huan/1749-tong-huan-vita-consecrata-doi-song-thanh-hien-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-25-03-1996-1

[21]Ibid., số 71f.

[22]Ibid., số 71d.

[23]Xc. Phan Tấn Thành, Những hình thức tu trì Kitô giáo (Đời sống tâm linh, tập VI, 2006), tr. 230-238.

[24] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), ngày 25-03-1996, số 49: https://catechesis.net////index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/tong-huan/1749-tong-huan-vita-consecrata-doi-song-thanh-hien-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-25-03-1996-1

[25]Ibid., số 1. 13. 23. 40. 104. 105.

[26]Ibid., số 1.5.

[27]Ibid., số 12. 36. 61.72. 80. 81.

[28]Ibid., số 62.73.97.

[29]Ibid., số 48. 67b.

[30]Ibid., số 9.

[31]Ibid., số 9. 10. 19. 25. 30. 37. 42. 45. 47. 49. 53. 56. 59. 60. 63. 68. 77. 79. 80. 83. 93. 94. 98. 99. 101. 102.

[32]Phan Tấn Thành, Đạo Kười (Học Viện Đaminh, 2004).

[33]Một vài thuật ngữ mà spirit mang nghĩa tiêu cực mà ta có thể dịch là “tinh thần” (hơn là thần khí), chẳng hạn: “tinh thần vụ luật” (Gl 3,2-3; 5,18), “tinh thần nô lệ” (Rm 8,14), “tinh thần thế gian” (1Cr 2,12)

[34]Thánh Phaolô diễn tả cuộc đời người Kitô hữu với những quy hướng tương tự về Đức Kitô hoặc về Thánh Linh: “Ở trong Đức Kitô Giêsu … Nếu Đức Kitô ở trong anh em” (Rm 8,1.10) / ở trong Thánh Linh bởi vì Thánh Linh ngự trong anh em” (Rm 8,9). Được nên thánh trong Đức Kitô Giêsu (1Cr 1,2.30) / Được nên thánh trong Thánh Linh (Rm 15,16; x. 2 Tx 2,13). Được tràn đầy Đức Kitô (Cl 2,10) / được tràn đầy Thánh Linh (Ep 5,18),.v.v… Xem Yves Congar, I believe in the Holy Spirit, vol.I, Geoffrey Chapman, London 1983, p.37-40.

[35]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1708.

[36]Ibid., số 1695.

[37]Trong Năm Đời sống thánh hiến, Bộ Đời sống thánh hiến đã phát hành ba thư luân lưu: “Hãy vui lên” (2/2/2015), “Hãy truy tầm” (8/9/2015), “Hãy chiêm ngắm”. Dường như ở Việt Nam, chỉ có bản dịch lá thư thứ nhất.

[38]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 5.

[39]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (Đức ái trọn hảo).

[40]x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 46a.

[41] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), ngày 25-03-1996, số 19.

[42]Đề tài này được khai triển trong Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” của Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hội Đời Sống Tông Đồ, năm 2002.

[43]St. Augustin, Enarratio in Ps 44,3.

[44] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), ngày 25-03-1996, số 24.

[45]x. Ibid., số 14c; 75d.

[46]x. Ibid., số 19; 30.

[47]Ibid., số 5.

[48]Ibid., số 6.

[49]Ibid., số 7.

[50]Ibid., số 8.

[51]Ibid., số 9.

[52]Ibid., số 10.

[53]Ibid., số 11.

[54]Ibid., số 12.

[55]Ibid., số 48.

[56]x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 45.

[57]Xem thêm: số 68; 93.

[58]Thánh Bộ Giám Mục và Bộ Tu Sĩ, Huấn thị Mutuae Relationes (Tương quan hỗ tương), ngày 14-05-1978, số 11.

[59] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), ngày 25-03-1996, số 48b; 93d.

[60]Ibid., số 48b.

[61]Ibid., số 37; 73b.

[62]x. Ibid., số 110.

[63]Xc. Phan Tấn Thành, Thần học đời tu trong vòng 50 năm qua, trong: “Thời sự thần học” 57 (8/2012), trang 201: https://catechesis.net////index.php/than-hoc/tam-linh/1957-than-hoc-doi-tu-trong-50-nam-qua

[64]Congregation for the Doctrine of the Faith, Letter “Iuvenescit Ecclesia” to the Bishops of the Catholic Church Regarding the Relationship Between Hierarchical and Charismatic Gifts in the Life and the Mission of the Church, May 15, 2016.

[65]M. Midali, Percorsi di speranza per consacrati e consecrate, Elledici, Leumann Torino 1997, tr. 274.

[66]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), số 45a; Sắc lệnh Perfectae Caritatis (Đức ái trọn hảo), số 2a. 20a.21.22.

[67]Có thể dịch là “linh tính”, cũng tựa như humanity là “nhân tính”, divinity là “thiên tính”.

[68] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), ngày 25-03-1996, tựa đề số 103.

[69]Ibid., số 94a; 101b.

[70]Ibid., số 10.

[71]Ibid., số 50.

[72]Ibidem.

[73]Ibid., số 40c; 47; 58c; 60d.

[74]Ibid., số 46a; 50; 51.

[75]Ibid., số 74.

[76]Ibid., số 54; 56; 62.

[77]Ibid., số 93f: “The spiritual life must therefore have first place in the program of Families of consecrated life in such a way that every Institute and community will be a school of true evangelical spirituality. Apostolic fruitfulness, generosity in love of the poor and the ability to attract vocations among the younger generation depend on this priority and its growth in personal and communal commitment. It is precisely the spiritual quality of the consecrated life which can inspire the men and women of our day, who themselves are thirsting for absolute values. In this way the consecrated life will become an attractive witness”.

[78]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2684: In the communion of saints, many and varied spiritualities have been developed throughout the history of the Churches. The personal charism of some witnesses to God’s love for men has been handed on, like ‘the spirit’ of Elijah to Elisha and John the Baptist, so that their followers may have a share in this spirit. A distinct spirituality can also arise at the point of convergence of liturgical and theological currents, bearing witness to the integration of the faith into a particular human environment and its history. The different schools of Christian spirituality share in the living tradition of prayer and are essential guides for the faithful. In their rich diversity they are refractions of the one pure light of the Holy Spirit.

[79]A. Favale, Spiritualità e scuole di spiritualità, in: “Salesianum” 52 (1990) 819-856. See also: E. Ancilli (cura), Le grandi scuole della spiritualità cristiana, Teresianum, Roma 1984. Eulogia Pacho, Le scuole di spiritualità, in: Ch.A. Bernard (cura), La spiritualità come teologia, Paoline, Cisinello Balsamo 1993, p.65-74. A. Matanic, Scuole di spiritualità, in: Dizionario degli Istituti di Perfezione VIII (1988), coll.1198-1220. A. Royo Marin, Los grandes maestros de la vida espiritual. Historia de la espiritualidad, BAC, Madrid 1973.

[80]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), ngày 25-03-1996, số 25; 65; 73.

[81]x. Ibid., số 36; 98.

[82]Ibid., số 19.

[83]Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hội Đời Sống Tông Đồ, Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”, 2002, số 23.

[84]Ibid., số 24.

[85]Ibid., số 25.

[86]Ibid., số 26.

[87]Ibid., số 27.

[88] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến), ngày 25-03-1996, số 65; 71.

[89]Ibid., số 65b.

[90]Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hội Đời Sống Tông Đồ, Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”, 2002, số 15.

[91]R. Garrigou-Lagrange, Les trois âges de la vie intérieure, 3 vol. Paris 1938-39. P. Evdokimov, Les âges de la vie spirituelle. Des Pères du désert à nos jours, Paris 1964. B.J. Groeschel, Spiritual passages, Crossroad, New York 1983.

[92]R. Guardini, Le età della vita. Loro significato educativo e morale,Vita e Pensiero, Milano 1992.

[93]Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 2573; 2629.

[94]Claire Lesegretain, Ces jésuites qui inspirent le Pape (La Croix, 9 mars 1014): http://www.jesuites.com/2014/03/ces-jesuites-mystiques-qui-inspirent-le-pape

[95]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Tin Mừng), ngày 24-11-2013, số 25-33: https://catechesis.net////index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/tong-huan/1762-tong-huan-evangelii-gaudium-niem-vui-tin-mung-cua-dgh-phanxico-ngay-24-11-2013-1

[96]Ibid., số 201.

[97]Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato si’ (Chăm sóc ngôi nhà chung), ngày 24-05-2015, số 216-217: https://catechesis.net////index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/thong-diep/1821-thong-die-p-laudato-si-cham-so-c-ngoi-nha-chung-cu-a-dgh-phanxico-ngay-24-05-2015-1

[98]Xc. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập III, tr. 320-324 ; tập XII, tr. 67-73.

[99]Xc. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập III, tr. 75 ; tập VI, tr. 225-236.

[100]Xc. Đức Thánh Cha Benedicto XVI, Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa), ngày 30-11-2010, số 7; Về nghĩa văn chương và nghĩa thiêng liêng, số 37-38: https://catechesis.net////index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/tong-huan/1760-tong-huan-verbum-domini-loi-chua-cua-dgh-benedicto-xvi-ngay-30-11-2010-1. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 115-117.