Những Động Lực Truyền Thống Trong Đời Sống Tu Trì

0
1630


Tác giả: Paul Lebeau, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Quốc Bảo

 

1. Cần một lý giải sáng tỏ hơn

Trước khi đi vào suy tư nhân học đúng nghĩa về đời sống tu trì, ta cần lược qua những động lực xưa nay vẫn được gán cho đời sống đó, để xem chúng phù hợp đến đâu, đồng thời cũng để thấy rằng cần phải nhờ đến một soi sáng nhân học hầu nắm bắt được nét chuyên biệt của lối sống này trong Giáo Hội.

Vậy trước hết, đâu là “nền tảng Tin Mừng cho đời sống tu trì?”

Ta biết rằng, về mặt lịch sử, câu trả lời cho vấn đề trên đã được xác định dứt khoát bởi câu chuyện ơn gọi của thánh Antôn, do một người sống cùng thời với ngài là thánh Athanasio thành Alexandria kể lại. Vị này thuật lại rằng, một ngày kia, đấng tổ phụ của các đan sĩ đã nhận ra ơn gọi của mình trong nhà thờ, khi nghe bài đọc kể lại việc kêu gọi người thanh niên giàu có, trích trong Tin Mừng thánh Matthew (19,21): “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi và đem cho người nghèo khó, rồi đến theo Ta, và ngươi sẽ có một kho tàng ở trên trời”.[1]

Nói chung, truyền thống giáo phụ và vô số chú giải mà truyền thống này đã khơi lên nơi các Đan viện và các tập viện trên khắp thế giới, đều tin rằng từ đoạn văn trên có thể lảy ra nền tảng của ba lời khấn: “Ở đó, đức khó nghèo được khẳng định rõ ràng; và có lẽ cả đức tuân phục nữa, theo lệnh của Chúa Giêsu: ‘Hãy đến theo tôi!’, và, nếu khéo tìm, ta có thể nhận ra ở đấy đức khiết tịnh, hoặc bằng cách trở lên câu 12 (những hoạn nhân vì Nước Trời), hoặc đồng ý với lời tuyên bố của một nhà chú giải tài ba tuyên bố rằng “sau khi đã bán tất cả mọi sự, người ta không còn nghĩ đến hôn nhân nữa”.[2]

Đời sống đan tu cũng như các hình thức tu trì khác, ắt phải có liên hệ với đoạn văn trên, chuyện này khó mà phản bác được. Bằng không thì đoạn văn trên đã không thể khởi hứng biết bao thế hệ tu sĩ, và “việc giải thích Kinh Thánh bằng chính cuộc sống” như vậy thật đáng cho ta trân trọng.

Tuy nhiên, kể từ khi cuốn sách chủ chốt của S. Légasse[3] ra mắt năm 1966, phần đông các nhà chú giải đều đồng ý với lối giải thích vừa phù hợp hơn với ngữ cảnh, lại vừa thoáng đãng hơn. Linh mục Jane-Marie Van Cangh đã tóm tắt điều trên bằng những dòng sau: “Lối nhìn của chúng ta không cho phép phân biệt hai con đường khác nhau: một của những lệnh truyền có tính cách bó buộc cho mọi người, và một của những lời khuyên chỉ ngỏ với một số người trọn lành. Câu trả lời thứ hai của Chúa Giêsu cho người thanh niên giàu có đâu phải là một sự đòi hỏi phụ thuộc hoặc thêm thắt vào, song là câu trả lời cho một trường hợp chính xác, như đã được rút ra từ cuộc đối thoại (‘anh chỉ còn thiếu một điều’)”. Tóm lại, “sứ điệp trên của Tin Mừng Matthew là ngỏ với mọi Kitô hữu, và việc truất hữu triệt để thì cần thiết để đạt mục đích chung: sự trọn lành”.[4]

Cũng phải hiểu như vậy khi nói về những hoạn nhân vì Nước Trời (Mt 19,10-12): đây là một bổ túc cho đạo lý về hôn nhân không thể tháo gỡ. Trong trường hợp rẫy vợ vì tội bất trung, người chồng “phải chấp nhận một sự từ bỏ khiến anh ta trở nên như hoạn nhân”.[5]

Như vậy, dù là chuyện từ bỏ của cải hoặc chuyện khước từ sử dụng khả năng tình dục, thì một môn đệ của Đức Giêsu luôn phải chấp nhận những đòi hỏi tuyệt đối nhất “vì Nước Trời”. Và những đòi hỏi đó, tương ứng với những đòi hỏi trong Bài Giảng Trên Núi, không nhắm đến một hạng người “trọn lành”, song là cho tất cả không trừ một ai (xc. Mt 5,48).

Vậy, nếu “những lời khuyên Phúc âm” không tìm được trong Tin mừng thứ nền tảng có thể định vị ngay lập tức, thì ít nhất chúng có thể qui chiếu vào đòi hỏi triệt để mà chúng bao hàm: “Tính triệt để Tin Mừng trước hết là ngỏ với bất cứ ai muốn đi theo Đức Giêsu; còn đời sống tu trì chỉ khiến cho một thái độ triệt để vốn đòi buộc mọi người tín hữu trong những hoàn cảnh riêng biệt, trở thành liên tục và tập trung quyết liệt mà thôi. Đó là tuyệt đối phục vụ Nước Trời, bó buộc đối với mọi người, với quyết định ‘cho từng lúc và cho mãi mãi’. Đó là một chọn lựa cho tương lai”.[6]

Người ta sẵn lòng thừa nhận kết luận trên, là hướng chung cho nhiều nhà chú giải cũng như thần học gia về đời sống tu trì. Song phải chăng những quan điểm khác lại không đóng góp đáng kể trong việc khai sinh nhiều ơn gọi chân chính đó sao? Và hơn nữa, quyết định này “cho từng lúc và cho mãi mãi”, “chọn lựa này cho tương lai”, lại đã chẳng được kiểm chứng trong những trường hợp ngoài ơn gọi tu trì: trong hôn nhân Kitô giáo chẳng hạn, từng đặt những đôi vợ chồng, đặc biệt là ngày nay, vào trong một bất ổn và một hy vọng không kém bức xúc so với hoàn cảnh của những tu sĩ, đó sao? Tuy nhiên, trước khi trực tiếp trả lời cho câu hỏi trên, tưởng cũng nên kể ra đây những động lực cựu truyền khác.

2. Những động lực hướng thần

Các thần học gia có uy tín đều nhấn mạnh đến những động lực hướng thần trong đời sống tu trì. Chẳng hạn Dom Miquel, viện phụ Đan viện Ligugé: “Đời sống đan tu Kitô giáo trước hết đặt nền tảng trên việc “Sequela Christi” (theo Đức Kitô) và “Imitatio Christi” (noi gương Đức Kitô). Người đan sĩ bước theo Đức Kitô, và tìm cách bắt chước cuộc đời Đức Kitô nghèo khó, khiêm nhường, khiết tịnh, vâng lời, ẩn dật”.[7] Một chuyên gia thời danh khác về đời tu, cha J.M.R. Tillard, đã viết theo cùng một cung giọng và còn lạc quan nữa: “Việc lắng nghe Thiên Chúa, sự nhiệt tình (thực tế, trưởng thành) với Đức Giêsu” phải được coi như “bối cảnh của đời sống cũng như hành động. Không có nó thì người ta vẫn ở trong các lời khấn, nhưng chẳng còn sống theo những lực đẩy của chúng nữa”.[8]

Cha Tillard cũng nhấn mạnh rằng không nên giản lược ý nghĩa các lời khấn vào tính cách sẵn sàng cho việc tông đồ: “Lời khấn đem lại tính cách sẵn sàng trong ý nghĩa phục vụ, đó là chuyện có thực và hữu ích, nhưng dẫu sao tính sẵn sàng vẫn không múc cạn lý do hiện hữu nền tảng của các lời khấn. Lý do này thuộc lãnh vực hướng thần: không thuần túy là việc tập luyện khổ chế với mục đích tự phấn đấu, cũng không phải chỉ là sự thanh thoát để rảo chân phục vụ tha nhân tốt hơn, những lời khấn cho phép đương sự hiến thân trọn vẹn”.

Người ta chỉ còn biết đồng ý về nền tảng, về lý tưởng phải theo đuổi và thể hiện, với cái giá phải trả là một cuộc hoán cải liên tục, và điều này trước hết là công trình của ân sủng. Nhưng nếu ta mường tượng cụ thể việc nảy sinh một ơn gọi, thì thứ công thức hóa như vậy lại không cho phép gợi lên một số thắc mắc sao?.

Chẳng hạn một nữ tu tuổi ngũ tuần, là thừa sai đang phụ trách một cộng đoàn đã diễn tả như sau về những động lực cá nhân của chị, sau khi đã theo một khóa thần học “kinh điển” về đời tu, nhân một kỳ nghỉ tại Châu Âu:

Tôi cứ lưỡng lự về một trong những tiêu chuẩn của ơn gọi (được trình bày trong giảng khóa): “phải chăng người ta đã đích thân tìm được Chúa Giêsu Kitô?”. Tôi thấy nếu người ta đặt cho tôi câu hỏi trên, thì có lẽ tôi không phải là nữ tu, bởi vì mãi về sau tôi mới thực sự khám phá ra Đức Giêsu Kitô. Tôi thật sự cảm kích khi đọc được cuốn sách của Đức ông Riobé (tôi nghĩ thế) nói rằng chỉ sau khi đã thụ phong linh mục thì ngài mới khám phá ra Đức Giêsu Kitô. Chắc chắn, đối với một số người, đã có sự nhận biết ngay từ đầu; với một số khác, lại có những biến cố hàm hồ hơn kém nơi cội nguồn ơn gọi của họ, và kể từ đó bắt đầu cuộc hành trình và rồi cuộc khám phá được hình thành. Trong đời sống tu trì của nữ giới, rất nổi bật bởi một nếp vâng lời dễ khiến người ta thành ấu trĩ, thì việc học cách chọn lựa và phân biệt là rất quan trọng. Đó là một công trình dài dòng, bởi không dễ gỡ rối những động lực đôi khi cực kỳ phức tạp.

Phức tạp, chắc chắn rồi. Tuy nhiên, chuyện này không có nghĩa là một số điểm trong đó, ngay cả khi không minh nhiên qui chiếu vào ngôi vị Đức Kitô, lại không có giá trị và khả dĩ minh định một ơn gọi.

Ngày nọ, một vị đan sĩ cao niên kể với tôi rằng có một ứng sinh tu huynh kia, khi được hỏi về những lý do khiến anh xin nhập dòng, vào đầu thế kỷ, đã thành thật trả lời rằng: “bởi tôi biết rằng, trong tu viện, tôi sẽ được ăn bánh mỗi ngày”. Ơn gọi “thực dụng”, người ta sẽ thốt lên như vậy. Phán đoán khá sơ sài đấy! Về mặt nhân loại và về mặt Tin Mừng, chẳng đáng khâm phục sao khi một cộng đoàn bảo đảm cho mọi thành viên của mình, bất chấp nguồn gốc xã hội của họ, khả năng làm việc và trình độ văn hóa của họ có thế nào, tất cả đều đến chung một bàn ăn và hằng ngày được tham dự việc chia sẻ cơm bánh? Và đó chẳng phải là một dấu chỉ nói lên rằng “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15) đó sao?

Tính cách “phức tạp” đó, nói đúng ra ít gây lo âu song lại có ý nghĩa nơi nhiều ơn gọi, cũng có mặt nơi một số chứng từ mà Catherine Baker đã sưu tập, bà này là người không có đức tin, đã sống nhiều tháng trong những đan viện các nữ tu chiêm niệm và đã hỏi han họ về những lý do chọn lựa. Chẳng hạn, sau đây là chọn lựa của một nữ tu 63 tuổi:

Tôi chưa biết hết về ơn gọi của mình… Lý do còn chưa biết đó (không thể đúc kết thành một “giải thích” hữu lý để tôi có thể hiểu được), tôi gọi đó là Thiên Chúa. Tuy nhiên, tôi không nói rằng: “Thiên Chúa đã gọi tôi”, tôi nói rằng nhiều lần ý tưởng trên xuyên thấu tâm trí tôi đến độ tôi thật hạnh phúc trong việc hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa. Điều đó đến từ tôi, từ Thiên Chúa qua tôi. Song tôi chẳng biết gì hết.[9]

Lời thố lộ trên đáng cho ta kính phục. Và chắc chắn nó đáng quí hơn là chuyện cứ mải thần học hóa mọi sự, gạt bỏ những gì “không thích hợp” và những trung gian cụ thể. Tuy nhiên, phải chăng ở đây lại không phù hợp để áp dụng vào hình thức sống đức tin này, tức là việc dấn thân trong đời sống tu trì, nguyên tắc thời danh của thánh Anselme: “Một đức tin chân chính thì đi tìm để hiểu”, fides quaerens intellectum?.

3. Những ngoại ý tâm lý và đạo đức

Cũng thật ý nghĩa khi ta thấy ngay những trình bày rõ ràng mang tính cách hướng thần về đời sống tu trì, đã làm nổi bật đời sống đó bằng cách gợi lên những tính chất không chuyên biệt cho đời tu, vì chúng thuộc lãnh vực tâm lý và đạo đức. Chẳng hạn Dom Miquel đã viết:

Người chiêm niệm có một tinh thần tổng hợp: trước những biến cố, những con người và sự việc, anh đều có cái nhìn tổng thể, cho phép anh nhìn ra chúng dưới những tỉ lệ chuẩn xác. Thành phần đã không ngăn cản anh nhìn thấy toàn bộ. Người chiêm niệm có một tinh thần quảng đại: không những anh biết tha thứ, mà còn không nhìn thấy những gì tầm thường. Việc anh lo lắng đến những chuyện vụn vặt không hề khiến anh trở thành nhỏ mọn, câu nệ, bối rối. Lòng tín thác khiêm nhu của anh vào Thiên Chúa khiến anh hoàn toàn tự do. Người chiêm niệm có một tinh thần bền bỉ: anh kiên nhẫn trong những khó khăn và bách hại, song tính kiên trì của anh không phải là cứng cỏi,… Việc anh hối hả đi đến cuối đường không hề buộc anh đốt giai đoạn. Anh chịu đựng những trì hoãn và chậm trễ mà không cay cú. Người chiêm niệm có một cảm thức u mặc: nghĩa là anh cảm nhận được tính tương đối của tất cả những gì không phải là Thiên Chúa. Anh không bao giờ coi mình là quan trọng;… anh thích nghi với mọi hoàn cảnh bằng sự mềm dẻo: bởi anh biết rằng việc trung tín với những biến cố cũng chính là suy phục thánh ý Thiên Chúa.[10]

Quả là những ghi nhận thật ý vị, dẫu rằng vẫn phải kể đến những yếu kém và những vô hiệu của con người xét về cách thức mà những cộng đoàn chúng ta đã trải nghiệm. Riêng cha Tillard, bên cạnh những đặc tính mà ngày nay bậc tu trì phải xác minh, đã nhắc đến tính cách “trong sáng”:

Cộng đoàn thôi là “nơi chốn” cho việc tông đồ, để trở nên “môi trường” ở đó xác tín Tin Mừng bén rễ và được củng cố. Khi đó, một trong những chức năng chủ yếu của cộng đoàn là tạo cho mỗi cá nhân khả năng phán đoán phê bình về sự dấn thân cũng như hành động của riêng mình. Tình huynh đệ tu trì từ nay phải xét đến tính cách trong sáng trong số những đặc tính hàng đầu của mình.[11]

Sau cùng, hãy nhắc đến cách thức, rất độc đáo, mà một trong những nhà khai sáng đan tu của thế kỷ này, Dom Lambert Beauduin, tự diễn tả nhân chủ đề khổ chế. Riêng về Dom Marmion, nguyên là bề trên của ngài tại Mont-César, ngài đánh giá đó là một đan sĩ mà “nét khổ chế nơi bản thân luôn mang tính cách làm nguôi ngoai, khỏe khoắn và đầy nhân bản”.[12]

Và trong tập “Ghi chú về khổ chế”, ngài đã xác định: Như vậy, tất cả giá trị và phong phú của tính nhân bản có thể hữu dụng trong công chuyện này, vốn chỉ có một mục tiêu: khát vọng Thiên Chúa bằng tất cả năng lực của mình, khích động toàn bộ hữu thể đi theo lý tưởng trên; rung động trước mọi vẻ đẹp và mọi nét huy hoàng nơi vinh quang Đức Chúa: nói tóm lại, luôn luôn hoàn thiện hóa nơi mình một con người và một Kitô hữu.[13]

Ta thấy đấy: các chứng tá và các tác giả vừa nêu trên đều ý thức hẳn hoi rằng đời sống tu trì bao hàm cũng như thôi thúc những giá trị “nhân bản”, liên quan đến con người cũng như Kitô hữu.

Các giá trị nhân bản đó gắn bó thế nào với những động lực thuần túy Kitô giáo và hướng thần mà các chứng tá đã khai triển ở nơi khác? Các phần sau sẽ soi sáng thêm.

 

 


[1] ATHANASE, Vita Antonii, 2; PG 26, tr. 842-844.

[2] J.KNABENBAUER, Commentarius in Evangelium secundum Matthaeum,II, Paris,1903, tr. 164.

[3] L’appel du riche (Mc 10,17-31 et parallèles). Contribution à l’étude des fondements scripturaires de l’état religieux, Paris, 1966.

[4] “Fondement évangélique de la vie religieuse”, trong Nouvelle Revue Théologique 95 (1973), tr. 636 và 639.

[5] J. DUPONT, Mariage et divorce dans l’Evangile, Bruges, 1959, tr. 219.

[6] J. M. VAN CANGH, art. Cité, tr. 644-645.

[7] Etre moine (coll.”Semeurs”), Paris, Cerf, 1982, tr. 43.

[8] Dans le monde, pas du monde. La “Vie religieuse apostolique”, Bruxelles, Lumen Vitae, 1981, tr. 17-19.

[9] Catherine BAKER, Les contemplatives, des femmes entre elles, (coll. Voix de femmes), Paris, Stock, 1979, tr. 72.

[10] Ibid., Être moine, tr. 31-32.

[11] Ibid., tr. 94.

[12] L. BEAUDUIN, Dom Marmion et la liturgie, trong La Vie Spirituelle, n0 325 (1948), tr. 40.

[13] Citées par N.EGENDER, Les principes monastiques de Dom Lambert Beauduin, dans Veilleur avant l’aurore, Colloque Lambert Beauduin, Chevetogne, 1978, tr. 260.