Đời Sống Thiêng Liêng: Tự Do Và Tinh Thần Nghèo Khó

0
1800


Tác giả: Jack Philip

Chuyển ngữ: Nguyễn Ngọc Kính

 

1. Nhu cầu “hiện hữu”

Đi tìm căn tính là điều thúc bách nhất nơi con người.[1] Tất cả chúng ta đều muốn biết chúng ta là ai, chúng ta muốn hiện hữu với mình và với tha nhân. Khát vọng này ăn sâu vào lòng người đến nỗi đã làm nẩy sinh những tác phong dị thường, nhất là nơi người trẻ. Họ thường bắt chước một “hình ảnh” nhất định, để mình “là” hay cho người khác thấy mình “là” một nhà quản lý trẻ và năng động, một siêu sao, một ngôi sao NBA hay bất cứ ai được truyền thông đại chúng và xu hướng luôn luôn thay đổi giới thiệu như anh hùng hiện nay.

Người ta thường tìm cách thỏa mãn nhu cầu “hiện hữu” một cách hơi nông cạn bằng “sở hữu”, tức là chiếm hữu của cải vật chất hay chạy theo một lối sống nhất định. “Tôi là cái tôi sở hữu” – thể xác tôi, xe hơi của tôi, du thuyền của tôi; và những thứ đó có thể gây nhiều lo lắng cho tôi. Chúng ta chỉ có thể tự lừa dối trong một thời gian ngắn, cuối cùng thì cũng vỡ mộng. Hãy nhìn xem những người bị ngã gục vì thực tế là họ được yêu thương không phải vì chính họ mà chỉ vì tiền của họ! Hiện nay họ đang cô đơn tại chính nơi trước đây họ đã từng là “linh hồn của những buổi tiệc linh đình”.

Trên một bình diện thanh cao hơn, người ta có thể tìm cách đáp ứng nhu cầu “là” bằng cách thủ đắc những kỹ năng tri thức, nghệ thuật và điền kinh nhất định. Cách thức này có vẻ khá hơn cách thức trước, nhưng chúng ta phải ý thức là không được lẫn lộn giữa “là” và “làm”, hay đồng hóa con người với tài năng và năng khiếu của mình. Chúng ta chỉ có thế sao? Nếu tôi không còn tài năng nữa thì sao? Một căn bệnh có thể giam giữ ngôi sao bóng đá thế giới trên chiếc xe lăn, một tai nạn có thể làm cho nhà văn lỗi lạc của Pháp mắc chứng hay quên. “Còn tôi sẽ như thế nào?”.

Khuynh hướng dựa vào “việc làm của tôi” để xác định “tôi là gì” chắc chắn có một ảnh hưởng tích cực trên nhân cách. Quả bình thường và thích đáng nếu tôi muốn phát huy tiềm năng và trổi vượt hơn người về một kỹ năng nào đó. Bằng cách đó, người ta biết mình, tự tin và trải nghiệm niềm vui khi được thể hiện những tài năng mà Thiên Chúa ban tặng. Thật vậy, việc giáo dục và sư phạm đặt nền tảng nhiều trên xu hướng này và đó là cách thức phat huy các tài năng.

Dầu vậy, con người còn hơn là một tập hợp các khả năng tự nhiên. Chúng ta không thể phê phán một người dựa trên những gì họ có thể làm; mỗi người có một giá trị và phẩm giá duy nhất, bất chấp những việc họ làm. Nếu chúng ta không nhìn con người theo cách này, thì rất có khả năng là chúng ta phải chịu cơn “khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống” sau khi bị thất bại, hay chúng ta sẽ khinh thường kẻ khác vì những khiếm khuyết hay bất tài của họ; điều đó sẽ hủy họai mối tương quan liên vị và cản trở chúng ta yêu thương cách vô vị lợi. Nếu con người chỉ hiện hữu khi có được điều thiện hữu hình, thế thì thế giới này đâu có chỗ cho người nghèo và người khuyết tật.

2. Kiêu ngạo và tinh thần nghèo khó

Về điểm này, chúng ta nên dừng lại một chút để suy nghĩ về vấn đề kiêu ngạo.[2] Tất cả chúng ta đều sinh ra với một vết thương trầm trọng: Chúng ta cần phải “là” và nỗ lực lấp đầy khoảng trống vô nghĩa bằng cách tạo cho mình một căn tính để bù đắp cho sự “thiếu hụt” ấy. Căn tính này có thể thay đổi tùy theo vết thương đã hình thành nơi chúng ta như thế nào. Tạo ra một “cái tôi” khác với con người đích thật của mình thì giống như thổi bong bóng. Để duy trì “cái tôi” giả tạo, người ta phải tiêu tốn một năng lực khổng lồ, bởi vì nó giả tạo và mong manh, nên nó cần được bảo vệ. Đây chính là nơi mà sự kiêu ngạo và cứng lòng bắt đầu vào cuộc.

Nếu bản ngã chúng ta thiếu mềm dẻo, chúng ta cần bảo vệ nó suốt ngày đêm. Vô phúc cho ai dám đe dọa, chất vấn hay cố giữ cho nó đừng phồng lên quá mức! Họ sẽ bị cự tuyệt ngay! Khi Tin Mừng dạy chúng ta phải “chết cho bản thân”, điều đó muốn nói “cái tôi” giả tạo phải chết đi, ngõ hầu con người đích thật – mà Thiên Chúa ban tặng – mới có thể xuất hiện.

Tương tự như trên bình diện nhân bản, đời sống tâm linh cũng trải qua vấn đề căn tính và đi tìm căn tính có thể chỉ là một năng động.

Quả hữu ích nếu chúng ta biết phát huy “cái tôi” tâm linh, bởi vì nó thúc đẩy chúng ta theo đuổi những kỹ năng, tài năng và tranh đua với những mẫu gương cụ thể. Khi chúng ta khao khát nên giống như thánh Phanxicô Assisi hay thánh Thérèse Calcuta, đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của ơn gọi hay bước đầu của con đường nên thánh. Dĩ nhiên là nên khao khát trở thành “một ai đó” mà đời sống họ phản ánh các giá trị Tin Mừng.

Vấn đề căn tính sẽ trở nên nguy hiểm, nếu không được giải đáp. “Chúng ta mãn nguyện khi thực hành được những nhân đức nhất định hay đạt được những đặc điểm thiêng liêng cụ thể”. Điều đó muốn nói chúng ta tự đồng hóa một cách vô thức với điều thiện mà chúng ta có khả năng thực hiện. Những việc thiện (vd: Cầu nguyện, ăn chay, phục vụ tha nhân hay làm việc tông đồ,…) hẳn là những việc đáng khen, nhưng sẽ rất nguy hiểm, nếu chúng ta đồng hóa mình với của cải thiêng liêng mà chúng ta có khả năng thực hiện.

Mặc dầu “căn tính tâm linh của chúng ta thì cao trọng hơn của cải vật chất hay tài năng nhân loại, nhưng căn tính ấy cũng không kém mong manh và giả tạo”. Một ngày kia, nếu nhân đức trổi trang tiêu tan, làm sao chúng ta chịu được tai họa đó, nếu chúng ta đồng hóa mình với những thành tích thiêng liêng? Nhiều tu sĩ hiến thân cho một vài sự nghiệp đáng trân trọng đã gặp khủng hoảng, khi lâm bệnh hay không được bề trên cho tiếp tục dấn thân. Cơn khủng hoảng càng trầm trọng khi người ta mất ý thức “bản thân”. Đồng hóa mình với điều thiện có thể đưa người ta tới chỗ kiêu ngạo về mặt thiêng liêng. Với ý thức nhiều hay ít, chúng ta có khuynh hướng tin rằng những việc thiện ấy là của chúng ta mà thôi, và quên rằng mọi sự chúng ta làm đều là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Những việc thiện của chúng ta không phải là của chúng ta, mà là của Thiên Chúa. “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7). “Kiêu ngạo khiến chúng ta khắt khe và thiếu kiên nhẫn với những kẻ không “hành động” như họ phải làm và cản trở kế hoạch và dự phóng của chúng ta”.

Kiêu ngạo, cứng lòng, thái độ khinh miệt, sợ hãi và ngã lòng là hậu quả tất yếu của việc lẫn lộn giữa “cái tôi” và “tài năng của tôi”. Người ta khó lòng chấp nhận thất bại như một tai nạn thông thường – thậm chí có lợi cho mình. Đó là lý do tại sao nhiều người khiếp sợ khi mắc sai lầm.

Con người còn có giá trị hơn những gì mình có thể làm. Dù con người có làm điều tốt hay không, họ vẫn là và luôn luôn là con cái Thiên Chúa, bởi vì Người không bao giờ rút lại ân huệ và lời mời gọi. Cha trên trời không yêu thương chúng ta vì việc chúng ta làm, mà yêu thương chúng ta vì chính chúng ta và yêu thương một cách vô điều kiện.[3]

Chúng ta phải hiểu sự khiêm hạ hay “tinh thần nghèo khó” theo chiều hướng đó. Đó là một nhân đức đối lập với kiêu ngạo và bảo toàn “cái tôi”. Nếu kho tàng chúng ta ở nơi Thiên Chúa, thì không ai có thể cướp đoạt kho tàng ấy khỏi tay chúng ta. Khiêm hạ là sự thật này: Tôi là người thế nào trong mắt Thiên Chúa, thì tôi đích thị như vậy, chứ không phải là một hình ảnh mong manh và giả tạo luôn luôn bị vây hãm. Tôi là một người con nghèo nàn, không có gì là của mình, nhưng nhận lãnh mọi sự; tôi được yêu thương vô vàn và hoàn toàn tự do; tôi không sợ điều gì và không sợ mất điều gì, bởi vì Chúa Cha yêu thương và quảng đại cung cấp mọi sự cho tôi. Tất cả những gì của Cha đều là của con (x. Lc 15,31).

Căn tính chân thực của chúng ta thì sâu sắc hơn những gì chúng ta “có” hay “có thể làm”. Nó vận hành sâu hơn các nhân đức và phẩm chất thiêng liêng. Nó giúp chúng ta nhận thức chúng ta sống và hoạt động dưới ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa. Đó là một căn tính mà không một ai, biến cố hay sự sa ngã nào có thể lấy mất được. Đó là một báu vật mà không mối mọt nào có thể đục khoét được (x. Mt 6,19), bởi vì báu vật đó ở trong tay Thiên Chúa. Báu vật đó không lệ thuộc hoàn cảnh bên ngoài – tức là những gì chúng ta sở hữu hay thiếu thốn, thành công hay thất bại, thậm chí công việc chúng ta làm hay không làm. Nó chỉ tùy thuộc một mình Thiên Chúa và sự thiện hảo bất biến của Người mà thôi. Căn tính chúng ta, “bản chất” chúng ta phát xuất từ một nguồn cội khác xa và sâu thẳm hơn những hoạt động của chúng ta rất nhiều. Nó bắt nguồn từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Người, tiền định cho chúng ta được ở với người mãi mãi, và sẽ không bao giờ quay lưng lại với chúng ta. “Tình yêu thì tồn tại, khi mọi điều khác đã biến mất. Trong cõi lòng thâm sâu, chúng nhớ đến mọi sự khi bóng tối tan biến, giống như một bài hát chỉ vừa đủ nghe. Một không gian chắc chắn mà không ai có thể đe dọa và sẽ không bao giờ tiêu tan. Nó vượt trên mọi chiến thắng, chia rẽ và từ ngữ mà chúng bám víu để tồn tại. Nó siêu việt niềm vui và đau đớn, sinh và tử. Một không gian tinh tuyền, đó là không gian của tình yêu đã dựng nên chúng ta”.[4]

Điều đó không muốn nói chúng ta phải trở nên thụ động hay dửng dưng. Trái lại, chúng ta phải làm lành và lánh dữ bao nhiêu có thể. Tội lỗi làm chúng ta hư hoại và hậu quả của tội lỗi thì rất nguy hiểm và phải tốn nhiều thời gian mới có thể sữa chữa được. Điều đó chỉ muốn nói rằng, “một khi chúng ta không thể đồng hóa người khác (kể cả chúng ta) với việc thiện của họ, thì chúng ta không có quyền đánh đồng họ với điều xấu họ đã làm. Làm như thế là sỉ nhục và coi họ là kẻ vô phương cứu chữa”.

3. Thử thách thiêng liêng

Những suy tư sau đây sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa của thử thách trong đời sống nội tâm.

Tôi nghĩ rằng những thử thách – mà các nhà thần bí gọi là “thanh luyện” – có mục đích triệt phá những gì là giả tạo hay “được xây dựng” trong nhân cách chúng ta. Mục tiêu của thử thách là nêu bật “con người” chân thật của chúng ta và dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta có ý nghĩa đối với Thiên Chúa. Những “đêm tối” ấy có thể tỏ ra quá “thẳng thắn”, theo nghĩa chúng tước đoạt tất cả tài nguyên của chúng ta – kiến thức nhân lọai hay nhận thức thiêng liêng, năng khiếu, tài năng, kể cả nhân đức của chúng ta. Tuy nhiên, sự tước đoạt ấy thì có lợi cho chúng ta, bởi vì nó giúp chúng ta khám phá đâu là “cái tôi” đích thật của mình. Trong “đêm tối” này, con người thấy mình nghèo nàn và không thể yêu thương hay làm điều gì tốt, mà chỉ có khả năng phạm mọi thứ tội trên trần gian này. Chẳng hạn, kẻ yêu mến Chúa thì cảm thấy đau buồn, bởi vì mình đã mất hết nhiệt tâm và gớm ghét những việc đạo đức. Họ đau đớn bởi vì mình không tiến bộ trong cuộc đời dâng hiến cho Thiên Chúa. Cuộc sống dường như mất hết ý nghĩa.[5] Tuy nhiên, sự thử thách này giúp họ không chỉ dựa vào việc thiện mà họ thực hiện; lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ là nguồn trợ lực duy nhất của họ. Đây quả là một cuộc cách mạng tâm linh. Người ta không dựa vào tình yêu mà mình dành cho Thiên Chúa, nhưng chỉ dựa vào tình yêu Thiên Chúa dành cho mình. Cha giải tội của tôi có lần đã nói: “Khi bạn không còn tin vào những gì bạn có thể làm cho Thiên Chúa, bạn hãy luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa có thể làm mọi sự cho bạn”.

Cùng với kinh nghiệm nghèo nàn trong đời sống tâm linh, người tín hữu cũng như các tu sĩ tiến lên một bước trong niềm trông cậy vào Thiên Chúa. Họ bắt đầu hiểu rõ giá trị của kiểu nói đạo đức mà họ đã từng nghe: Thiên Chúa yêu thương tôi không phải vì việc thiện tôi làm hay vì tình yêu tôi dâng hiến cho Người, mà chỉ vì tình yêu vô điều kiện của Người. Người yêu thương bởi vì Người giàu lòng thương xót và nhân hậu vô lượng vô biên. Người yêu thương bởi vì Người là Cha. Kinh nhgiệm này tạo nên một bước ngoặt trong cuộc đời Kitô hữu, và giả thiết rằng, họ đã nhận lãnh dồi dào ân sủng. Thiên Chúa là nền móng duy nhất của đời sống và mối tương quan của tôi với Người. Điều đó làm cho tôi tự do thật sự. Tôi càng xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa dựa trên những việc tôi có thể thực hiện, mối tương quan đó càng dễ đổ vỡ; nhưng nếu tôi xây dựng tương quan đó dựa trên tình phụ tử của Người, bấy giờ tôi được bảo vệ khỏi mọi tai họa.

Tuy vậy, điều đó không muốn nói là chẳng có gì khác biệt khi tôi làm việc lành và khi tôi làm sự dữ. Sự thật là tôi càng yêu mến Thiên Chúa và muốn làm đẹp lòng Người qua những công việc mà tôi thực hiện một cách trong sáng hơn, tự do hơn và vô vị lợi hơn, tôi không còn hoạt động để tạo nên một “hình ảnh”, để tìm thành công, để khẳng định bản thân hay để được tưởng thưởng. Lý do tối hậu là chính Thiên Chúa.

Kinh nghiệm nghèo khó triệt để này và mạc khải về Thiên Chúa là Cha, đã được Matta el Maskine (Người nghèo Matthew), một đan sĩ Ai Cập, trình bày trong tác phẩm của mình.[6] Ông gọi những thử thách đó là tình trạng tâm linh “chẳng nóng chẳng lạnh”.[7] Ông còn mô tả linh hồn trước đây nhiệt thành và khao khát phục vụ, nhưng nay thì cảm thấy không thể yêu thương hay cầu nguyện, và thiếu thốn của cải thiêng liêng. Rồi ông diễn giải tình trạng tâm linh ấy và chỉ cho biết cách xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa dựa trên một nền tảng mới.

“Khi linh hồn khởi sự cuộc chiến đấu thiêng liêng, kiên trì cầu nguyện và chuyên cần thực hiện những việc đạo đức khác, họ có thể nghĩ rằng mối tương quan với Thiên Chúa chỉ yêu cầu họ thực hiện những việc như thế mà thôi, và khi họ kiên trì và trung thành với đời sống cầu nguyện, họ xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương và nhận làm con. Thế nhưng, Thiên Chúa không muốn linh hồn tiếp tục đi theo con đường lầm lạc ấy, bởi vì con đường ấy sẽ làm cho họ xa cách tình yêu vô điều kiện của Người. Bởi thế mà Thiên Chúa lấy đi mọi năng lực và sự chuyên chăm gây nguy hiểm cho hành trình thiêng liêng của họ.

Khi Thiên Chúa thu hồi những khả năng đó – tức là năng lực và sự kiên trì làm việc lành – mà chính Người đã ban cách nhưng không để biểu lộ tình yêu của Người, linh hồn bị bỏ mặc cho sự yếu đuối và không thể làm bất cứ việc đạo đức nào nữa. Linh hồn đối diện với một sự thật đáng kinh ngạc mà mình cố phủ nhận và xem là bất khả thi. Sự thật đó là: Thiên Chúa, trong tư cách là Cha, không cần lời cầu nguyện và việc làm của chúng ta. Lúc đầu, họ đinh ninh cho rằng, Thiên Chúa bỏ rơi họ, bởi vì họ thiếu đời sống cầu nguyện và chưa kiên trì làm việc lành cho xứng với tình yêu của Người. Linh hồn cố vươn ra khỏi tình trạng khốn khổ của mình để tiếp tục hoạt động, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Bấy giờ, linh hồn dần dần mới hiểu được sự cao cả của Thiên Chúa mà con người không thể thấu hiểu dựa trên tiêu chuẩn nhân loại. Thiên Chúa không chờ đợi con người làm việc lành phúc đức để đổi lấy lòng lân tuất vô biên và từ bi bao la của Người, mà chỉ muốn đón nhận con cái của bụi đất làm nghĩa tử. Chúng ta được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, bất chấp sự yếu đuối và tội lỗi của chúng ta. Chân lý vĩnh hằng ấy tiếp tục làm chứng cho sự tốt lành và quảng đại của Thiên Chúa. Như vậy, sự nguội lạnh thiêng liêng giúp linh hồn điều chỉnh lại toàn bộ khái niệm về Thiên Chúa và những yếu tố giúp linh hồn kết hiệp với Người. Khái niệm phấn đấu và chuyên chăm làm việc lành hoàn toàn thay đổi: Chúng không còn là cái giá mà người ta phải trả để được Thiên Chúa yêu thương, nhưng là việc đáp lại tình yêu và tình phụ tử của Người”.

Chúng ta muốn nhấn mạnh rằng, trong khi Thiên Chúa để cho một vài người chìm sâu trong sự “nguội lạnh thiêng liêng”, nhưng đối với kẻ người khác thì Người đối xử gần giống nhau, hoặc một cách thông thường hay một cách tiệm tiến, nghĩa là qua những đau khổ trong cuộc sống, thất bại, bơ vơ, ưu phiền, bệnh tật, chán nản, nhược điểm tâm lý và cảm xúc do nhiều nguyên nhân khác nhau, kể cả khuyết điểm của mình. Ngay cả những nguyên nhân chẳng liên quan gì đến sự can thiệp của Thiên Chúa hay đời sống tâm linh, Thiên Chúa cũng sử dụng chúng để đạt tới mục tiêu. Nói cho cùng, những thử thách thiêng liêng và những loại thử thách khác thì chẳng khác nhau bao nhiêu, bởi vì Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên hữu ích, kể cả những điều ta “không thấy trước”. Người vận dụng cả những hậu quả do tội lỗi chúng ta gây ra! Thật an ủi khi biết rằng chúng ta có thể thu được của cải thiêng liêng lớn lao nhờ những thử thách trong thế giới phàm trần. Do đó, chúng ta đừng lo sợ khi bị tước đoạt của cải vật chất, bởi vì Thiên Chúa biết cách làm cho sự tự do cao quý phát sinh từ đó.

4. Sự nâng đỡ duy nhất

Con người tự do hay Kitô hữu hoặc người tu sĩ trưởng thành tâm linh là người trở thành con cái đích thật của Thiên Chúa, là người đã trải nghiệm sự bé mọn và khốn khổ tuyệt đối, nhưng chính trong vực thẳm ấy mà họ đã gặp được tình yêu vô điều kiện và sự dịu dàng khôn ví của Thiên Chúa. Kể từ đó, họ không dựa vào sự nâng đỡ nào khác, mà chỉ cậy dựa vào lòng thương xót vô biên của Cha. Sự an toàn của họ nằm ở nơi đó. Họ chỉ đặt niềm trông cậy trọn vẹn ở nơi Thiên Chúa, chứ không đặt hy vọng nơi khả năng của mình hay nơi người khác. Họ thực hiện lời Thiên Chúa đã nói dân Israel qua miệng ngôn sứ Sophonias: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Israel còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công” (Xp 3,12-13). Họ cố gắng làm việc thiện cách quảng đại và đón nhận mọi sự do người khác trao ban với niềm vui, tự do và lòng biết ơn. Sự nâng đỡ của họ không hệ tại những điều trên đây, nhưng chỉ ở nơi Thiên Chúa mà thôi. Họ không xao xuyến và bối rối vì sự yếu đuối của mình hay vì sự yếu đuối của người khác. Họ vui hưởng sự tự do cao cả trong nội tâm, đến nỗi họ hết lòng phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Họ hân hoan trao ban tình yêu để đáp lại Tình Yêu.

5. Người tự do không có gì để mất

Thế giới chúng ta đang đi tìm tự do bằng cách tích trữ của cải và quyền lực. Họ quên sự thật cốt lõi này: Người tự do đích thật thì không có gì để mất, bởi vì họ đã tước bỏ mọi sự. Họ là người tự do, không lệ thuộc ai và bất cứ điều gì (x. 1Cr 9,19). Ngay cả sự chết, họ cũng bỏ lại sau lưng, bởi vì “mọi sự tốt lành” chỉ ở nơi Thiên Chúa mà thôi. Người tự do đích thật thì không khao khát hay sợ hãi sự gì. Họ không khao khát sự gì, bởi vì những của cải có giá trị thì xuất phát từ Thiên Chúa. Họ không sợ sự gì, bởi vì họ chẳng có gì để mất hay cần bảo vệ, cũng như họ không có kẻ thù, nên họ chẳng cảm thấy bị đe dọa bởi bất cứ ai. Họ là “người có tinh thần nghèo khó” của Tám Mối Phúc Thật – thanh thoát, khiêm hạ, trắc ẩn, hiền lành và xây dựng hòa bình.

Trong tác phẩm “Tầng lớp thứ nhất”, Solzhennitsin đã kể lại một câu chuyện ngụ ngôn được đặt trong bối cảnh của chế độ Staline. Câu chuyện ngụ ngôn đó xoay quanh cuộc đối thoại giữa một tù nhân chính trị và viên sĩ quan cao cấp của Đảng. Người thứ nhất thì bị giam nhiều năm trong lao xá chính trị và mất sạch gia đình sau những trận oanh tạc. Còn viên sĩ quan thì tự do, có nhiều của cải và quyền lực, nhưng ông luôn luôn sợ hãi, bởi vì ông luôn bị rình rập bởi nguy cơ trở thành nạn nhân của việc thanh trừng chính trị. Hơn nữa, ông cần đến người tù chính trị và cũng là nhà khoa học kia để thực hiện một dự án mà cấp trên giao phó cho ông, và điều đó khiến cho sự nghiệp của ông trở nên bấp bênh. Ông cố gắng hết sức để thuyết phục người tù chính trị cộng tác với ông. Solzhennitsin đã khéo léo cho độc giả thấy rằng người tự do không phải là viên sĩ quan, mà là tù nhân, bởi vì ông chẳng có gì để mất. Người tù chính trị sẵn sàng trở lại Siberia nếu cần, vì ông biết rằng dù phải sống trong những điều kiện khắc nghiệt, ông vẫn là một con người.

Chúng ta không buộc phải chịu đựng một cuộc sống khắc nghiệt như tù nhân trên đây, nhưng kinh nghiệm trong nhà tù chính trị và trại tập trung đáng cho chúng ta suy gẫm. Bi kịch hùng tráng nhất trong thế kỷ XX là chứng từ của những người đã khám phá được tự do đàng sau song sắt. Trong khi ngồi tù tại Westerborrk, Etty Hillesum ngẫm nghĩ rằng hàng rào kẽm gai chỉ là vấn đề viễn cảnh: Những người đang sống trong những tòa nhà bên ngoài cũng đang sống phía sau hàng rào kẽm gai. “Hai tháng sống trong hàng rào kẽm gai là hai tháng phong phú và xúc động nhất trong đời tôi, trong đó tôi đã củng cố những giá trị cao cả nhất của tôi. Tôi đã học biết yêu thương Westerborrk”.[8] “Nếu bạn có một đời sống nội tâm phong phú, thì tôi dám khẳng định với bạn rằng giữa trong và ngoài trại tập trung chẳng khác nhau bao nhiêu”.[9]

6. Phúc cho người nghèo

Khi tôi trao đổi thân tình với những người khác nhau và cảm nghiệm Thiên Chúa đã thật sự hoạt động cách bí ẩn trong cuộc đời chúng ta, thì sự khôn ngoan của Tin Mừng luôn luôn khiến tôi ngạc nhiên. Biết bao sự thật về thân phận con người được chứa đựng trong Tin Mừng! Biết bao ánh sáng Tin Mừng chiếu dọi trên thân phận con người! Điều nghịch lý là cuốn sách Tin Mừng này có sức mạnh giải phóng chúng ta, thế mà các Kitô hữu hầu như chưa thực hành những giáo huấn vô cùng phong phú chứa đựng trong đó. Cuốn sách này có thể giúp chúng ta yêu thương nhiều hơn nữa và “nhân hóa” hay “thần hóa” chúng ta. Đối với tôi thì “nhân hóa” và “thần hóa” cũng là một, bởi vì chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Lời mạc khải cho chúng ta mọi quy tắc sống, nhất là mọi quy tắc hạnh phúc, một cách phong phú và sâu sắc chưa từng có.

Cốt lõi của Tin Mừng là Tám Mối Phúc được gói trọn trong mối phúc thứ Nhất: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Những suy tư trong cuốn sách này có mục đích giúp độc giả hiểu lời tuyên bố tuyệt vời của Chúa Giêsu. Tôi mong muốn các bạn nhận ra điều đó mà thực hiện. Người có tinh thần nghèo khó, hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa và lòng thương xót của Người, thì sẵn sàng đón nhận sự tự do nội tâm. Chúng ta giống như những người con bé nhỏ và “từ giây phút này đến giây phút khác, đặt trọn niềm hy vọng cách tuyệt đối vào quà tặng của Cha”.[10]

Chúng ta không biết những gì được dành sẵn cho chúng ta trong năm tháng sắp tới, nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không thiếu những người đã khám phá và phát huy sự tự do không thể chuyển nhượng mà Thiên Chúa đã đặt để trong lòng họ khi Người đón nhận họ làm con.

Để kết thúc, chúng ta hãy suy niệm về cuộc đối thoại thú vị giữa Chúa Giêsu và một tác giả đương thời gốc Tây Ban Nha (mà chúng ta không được tiết lộ danh tánh), vì cuộc đối thoại này diễn tả mọi khía cạnh mà chúng ta đã trao đổi về con đường tự do nội tâm.

Chúa Giêsu hỏi: “Có bao giờ con suy nghĩ về những kinh nghiệm làm vui thỏa lòng Ta nhất không?”.

Tôi thưa: “Lạy Chúa, chưa bao giờ ạ!”.

Chúa Giêsu trả lời: “Đó là những khi con ý thức và tự do thưa “vâng” với tiếng gọi của Thiên Chúa”; và Người nói tiếp: “Con hãy nhớ đoạn Tin Mừng này: Sự thật sẽ giải thoát anh em”.

“Con chỉ có thể đáp lại tiếng gọi của ân sủng một cách tự do, nếu con thấy rõ sự thật của mình, nghĩa là khi con khiêm tốn chấp nhận sự thật của mình và qua sự thật đó, con tiếp tục đối thoại với Thiên Chúa và nhận thức rằng mọi sự đã xảy đến hay sẽ xảy đến cho con đều nằm trong kế hoạch yêu thương và quan phòng của Cha”.

“Phải, nhiều chuyện làm cho chúng ta bối rối và chìm vào đêm tối. Chúng có thể làm cho chúng ta bị tổn thương và tê liệt, nhưng nguồn mạch đức tin của con sẽ là nơi con nương tựa. Thiên Chúa đã chẳng tỏ mình là Abba sao? Trong tư cách là Con, Ta đã chẳng ôm lấy những khốn khổ cơ cực nhất của con đấy sao? Chẳng phải Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ đang bảo vệ con sao? Những điều mà con đang tin tưởng hết lòng và hết linh hồn sẽ đánh thức lòng tự tin của con”.

“Đừng sợ! Đừng sợ vì bản tính nhân loại của con – điều mà mọi người đều phải đương đầu. Thiên Chúa đã cắm lều ở giữa chúng ta! Thiên Chúa đã làm người và tên mới của Người là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa đã gánh lấy thân phận của con. Con hãy mở lòng ra chứ đừng lo sợ. Khi con khám phá bản thân, con sẽ khám phá được tình yêu sâu thẳm của Người. Tận đáy lòng, con sẽ không thấy mình cô đơn. Vì yêu thương và trắc ẩn mà một ai đó đã thấu hiểu mầu nhiệm sâu thẳm trong bản tính nhân loại của con, không phải như một khán giả hay thẩm phán, mà như một người hằng yêu thương con, hiến thân cho con để giải thoát, cứu chuộc và chữa lành con, và ở mãi với con và yêu thương con”.

 

– Nguyên tác: Jack Philip, I choose to be free: the power of faith, hope and charity [Tôi muốn tự do: sức mạnh của đức tin, đức cậy và đức mến] (Manila: Sinag-Tala publishers, 2002), pp. 106-118.

 

 

 

 


[1] Trên bình diện thiêng liêng và tâm lý, nhu cầu sâu xa nhất của con người là yêu thương và được yêu thưong. Nhu cầu này chắc chắn liên kết với những nhu cầu cơ bản khác: Nhu cầu biết sự thật, bởi vì người ta chỉ có thể quý mến điều mình biết; và nhu cầu có một căn tính, bởi vì để yêu thương, người ta phải “là”. Có ba khả năng tâm linh tương ứng với ba nhu cầu cơ bản. Thần học truyền thống xác định ba khả năng đó là ý chí, hiểu biết và ký ức. Cuối cùng thì các nhân đức đối thần thỏa mãn những nhu cầu đó qua việc gặp gỡ với Thiên Chúa. Đức tin giúp con người biết sự thật, đức cậy giúp họ tìm thấy sự an toàn và căn tính trong Thiên Chúa, và đức ái giúp họ hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân.

[2] Những suy tư này được rút ra từ một bài báo của tu sĩ Ephraim đăng trên tạp chí Ressources d’eau vive (Mạch nước hằng sống).

[3] Sự thật này là một thách đố lớn đối với tuổi trung niên. Sau những năm tháng miệt mài hoạt động, những người bước vào tuổi 50 cảm thấy trống rỗng. Họ vẫn muốn tiếp tục “làm” việc, mà quên rằng họ phải tích trữ những khả năng nội tâm cần thiết để chấp nhận căn tính đích thật và bất khả chuyển nhượng của mình: Họ được Thiên Chúa yêu thương không phải vì những gì đã làm được, mà chỉ vì họ là con Thiên Chúa.

[4] Christian Singer, How to benefit from crisis, ed. Albin Michel.

[5] Trong những thử thách như thế, người ta không mất tình yêu dành cho Thiên Chúa, bởi vì con người họ vẫn quy hướng về Thiên Chúa cách thâm sâu. Tuy nhiên, họ mất cảm xúc yêu thương. Cho dù tình yêu vẫn còn, họ vẫn cảm thấy đau đớn: Đau đớn vì cảm thấy không thể yêu thương hay vì yêu thương chưa đủ.

[6] Kinh nghiệm về Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, ed. Du Cerf.

[7] Một cách chung, từ này có nghĩa là sự lười biếng trong đời sống thiêng liêng hay cố ý sao lãng không phục sự Thiên Chúa. Ở đây, tác giả sử dụng từ này trong một ngữ cảnh khác.

[8] Sđd., pp. 213

[9] Sđd., pp. 91.

[10] Xc. Jean Claude Sagne, Viens vers le Père.